Nguy cơ từ việc Trung Quốc xây đập trên thượng nguồn Mekong

Thanh Quang, phóng viên RFA   30/05/2009
 
Nghe tin

Sông Cửu Long

Trong thời gian gần đây, các chuyên gia ngày càng cảnh báo về việc Trung Quốc xây đập nước trên vùng thượng nguồn sông Mekong tạo nguy cơ khó lường đối với các nước ở khu vực hạ nguồn, nhất là Việt Nam.

<

 Mekong-river-Lao-200.jpg

Dòng MêKông đoạn chảy qua lãnh thổ Lào, là nguồn cung cấp hải sản quan trọng cho dân chúng. AFP PHOTO/Hoang Dinh Nam
LHQ cảnh báo

 

Theo một bản phúc trình mới đây của LHQ thì việc Trung Quốc xây đập nước bừa bãi khiến đe dọa nghiêm trọng đến tương lai của dòng Mekong vốn đang lâm vào tình trạng đáng ngại về lượng nước, nguồn thủy sản, hệ sinh thái, môi sinh, biến đổi khí hậu.

Bản phúc trình lưu ý rằng kế họach đầy tham vọng là thực hiện một loạt 8 đập nước trên vùng thượng nguồn Mekong của Trung Quốc, kể cả đập Tiểu Loan cao nhất thế giới - tới 292 mét - độc chiếm dòng sông, có thể là mối đe dọa lớn nhất đối với con sông Mekong dài 4.800 km chảy qua 6 nước, trong đó Việt Nam nằm ở vị trí cuối nguồn.

Theo Tân Hoa xã thì Bắc Kinh dự trù chi khỏang 3 tỷ đô-la để thực hiện kế họach chuyển dòng chảy từ các sông lớn ở miền Nam lên miền Bắc của Hoa Lục đang thiếu nước thường xuyên, góp phần đe dọa thêm nữa những nước hạ nguồn Mekong.

Nếu có những đập ngăn nước như vậy, thì rõ ràng dòng nước chảy xuống phía dưới có những biến động rất lớn. Nó làm thay đổi về mặt sinh thái, sẽ ảnh hưởng đến các nước ở vùng hạ nguồn rất nhiều.

Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh

Mặc dù Trung Quốc hầu như luôn trấn an dư luận là chú trọng tới tầm quan trọng của việc khai thác và bảo vệ dòng Mekong, nhưng những hành động của Hoa Lục, mà cụ thể là các đập nước thượng nguồn Mekong, khiến những quốc gia ở khu vực hạ lưu không khỏi quan ngại và phản ứng mạnh mẽ.

Các nước hạ nguồn - gồm Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam - đã nhiều lần tổ chức hội nghị, cảnh báo việc Trung Quốc xúc tiến các công trình đập thủy điện trên dòng Mekong, thực hiện kế họach ngăn chận, chuyển hướng các con sông… gây phương hại hệ động vật, thực vật, làm thóai hóa môi sinh dẫn tới nguy cơ khan hiếm lương thực tại nơi có khỏang 65 triệu cư dân sinh sống.

Cách nay không lâu, tổ chức bảo vệ môi sinh Mạng lưới Quốc tế Sông ngòi Đông Nam Á đã cùng nhiều cư dân vùng hạ lưu Mekong phản đối những đập thủy điện Trung Quốc.

 

Mekong-river-Vietnam-250.jpg

Sông Hậu, một nhánh của lưu vực sông MêKông, là phương tiên sinh sống và di chuyển của người dân các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long. AFP PHOTO/Hoang Dinh Nam
 

Theo Ủy ban sông Mekong thì nếu lượng nước khổng lồ ở khu vực thượng nguồn Mekong, một khi bị giữ lại ở các đập thủy điện hay tháo ra trong mùa lũ, đều gây thảm họa cho vùng hạ nguồn, mà nặng nhất là Việt Nam.

Hậu quả đối với ĐBSCL

Những cuộc nghiên cứu mới đây của Ủy ban sông Mekông cũng đề cập tới hậu quả đáng ngại liên quan nguồn thủy sản do các đập nước gây ra, kể cả việc gây trở ngại cho sự di chuyển của cá, tôm và làm thóai hóa nơi cư trú của các giống lòai thủy sinh.

Những đe dọa như vừa nói khiến các nhà khoa học tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng quan ngại, nhất là cho sinh kế của cư dân trong vùng liên quan việc sản xuất lương thực, phát triển thủy sản.

Sông mà để chảy tự nhiên thì cũng giống như mạch máu trong con người vậy. Nếu trường hợp đắp đập thì cũng như mình bị đọng máu ở khu vực nào đó, chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến những vùng khác.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Chiếm

Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên-Môi trường thành phố Cần Thơ đề cập tới nhiều tác hại do những đập thượng nguồn mang lại cho khu vực hạ lưu, nhất là vùng ĐBSCL. Lên tiếng với phóng viên đài Á Châu Tự Do, Tiến sĩ Kỷ Quang Vinh cho biết:

“Hiện nay trên những dòng sông, nếu có những đập ngăn nước như vậy, thì rõ ràng dòng nước chảy xuống phía dưới có những biến động rất lớn. Thí dụ nó làm thay đổi về mặt sinh thái, thay đổi về mặt chất lượng, sẽ ảnh hưởng đến các nước ở vùng hạ nguồn rất nhiều. Đó là chưa kể về số lượng nước, khi người ta lợi dụng những công trình đập thủy điện để người ta dẫn nước sang nơi khác, khiến gây thiếu nước cho khu vực hạ lưu”.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Chiếm, Trưởng Khoa Quản lý Môi trường và Tài Nguyên thuộc trường Đại học Cần Thơ, nhận xét:

“Về việc này thì chúng tôi cũng đồng quan điểm với mọi người là sông mà để chảy tự nhiên thì cũng giống như mạch máu trong con người vậy. Nếu trường hợp đắp đập thì cũng như mình bị đọng máu ở khu vực nào đó, chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng đến những vùng khác”.

Hôm thứ hai, báo Saigòn Tiếp Thị online trích dẫn lời Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Chánh văn phòng Viện Biến đổi Khí hậu cho biết tình trạng khí hậu đổi thay và sự hoạt động của những đập nước thượng nguồn Mekong đang tác động đến dòng chảy, làm trầm trọng thêm nạn hạn hán, nhập mặn tại vùng ĐBSCL.

Đặc biệt là tại các tỉnh duyên hải như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… nước mặn đã xâm nhập sâu vào đất liền có nơi tới 70 km. Rồi khi vùng thượng nguồn xả nước đập trong mùa lũ, tình trạng xói mòn, sạt lở sẽ diễn ra phức tạp ở khu vực hạ nguồn Việt Nam.

Về mùa lũ mực nước bị giảm đi rất nhiều. Rồi tới mùa khô lượng nước bị mất đi khỏang 1.000 m3/giây cho cả sông Hậu lẫn sông Tiền. Nó làm cho độ xâm nhập mặn đi sau vào đất liền khiến ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như sản xuất nông nghiệp cho cả ĐBSCL.

Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh

Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh nhận xét thêm về vấn đề này: “Chúng ta thấy thời gian gần đây, lượng nước của sông Hậu - ở khu vực Cần Thơ mà chúng tôi có quan tâm, về mùa lũ mực nước bị giảm đi rất nhiều. Rồi tới mùa khô lượng nước bị mất đi khỏang 1.000 m3/giây cho cả sông Hậu lẫn sông Tiền. Nó làm cho độ xâm nhập mặn đi sau vào đất liền khiến ảnh hưởng đến sinh hoạt cũng như sản xuất nông nghiệp cho cả ĐBSCL”.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Chiếm nhân tiện đề cập tới các đập thượng nguồn Mekong ảnh hưởng tới mực nước vùng hạ nguồn: “Đây là vấn đề rất tế nhị. Hiện có số liệu về mực nước Mekong lên cao bao nhiêu và thấp nhất vào mùa khô là bao nhiêu, mà nhiều người cho là do ảnh hưởng của vấn đề đập nước thượng nguồn”.

Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh lưu ý thêm rằng những công trình thủy điện trên dòng Mekong khiến các nguồn thủy sinh, rong tảo, vi sinh vật vốn có khả năng điều hòa, cân bằng sinh thái sẽ bị sụt giảm nghiêm trọng. Và tầm tác hại của những đập nước thượng nguồn ấy có thể dẫn tới việc xóa sổ cả đặc trưng vùng ĐBSCL là mùa nước lũ, vì, theo Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, “nước có về nhiều nữa đâu mà còn mùa lũ”.

Báo Tuổi Trẻ online trích dẫn lời thạc sĩ Kỷ Quang Vinh nhận xét rằng sông Mekong thực ra “đang bị cắt vụn”, không những do đập Tiểu Loan cao ngút ngàn tại vùng thượng nguồn của Trung Quốc như vừa nói, mà nhiều kế họach xây đập thủy điện tại vùng hạ lưu – của Thái Lan, Lào, Campuchia – sẽ ngăn cản luồng cá di chuyển, gây xáo trộn lớn tới dòng Mekong, tạo nguy cơ cho hàng triệu cư dân sống bằng nguồn thu nhập và thủy sản từ dòng sông này.

Theo thông tấn xã AP thì Lào đã bắt đầu việc xây 23 đập nước trên dòng Mekong và các chi lưu, dự trù sẽ hòan tất vào năm tới, trong khi Camphuchia và cả Việt Nam cũng có kế họach xây đập. Còn Bộ Tài nguyên-Môi trường Thái Lan cũng đã tuyên bố nhập cuộc khai thác thủy điện trên dòng Mekong.

Nguồn: Bauxitevietnam