Bệnh viêm gan siêu vi C |
Trà Mi, phóng viên đài RFA
Trong hai chương trình trước, bác sĩ Trần Văn Sáng đã trình bày về chức năng gan và những điều cần biết về viêm gan siêu vi B. Tiếp tục loạt bài nói về viêm gan siêu vi, một trong những căn bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất trên thế giới, chương trình hôm nay chúng ta sẽ bắt đầu tìm hiểu về viêm gan siêu vi C. ![]() Bệnh viêm gan siêu vi C. Photo courtesy The Institute of Human Virology Thống kê cho thấy tại Việt Nam, số người bị phơi nhiễm siêu vi C đang chiếm từ 4-11% dân số. Trong đó, ước tính 85% các trường hợp viêm gan siêu vi C phát triển thành mạn tính. Mới đây, giới chuyên môn trong nước lên tiếng cảnh báo tỷ lệ ung thư gan do viêm gan siêu vi C cao hơn và nhanh hơn so với siêu vi B. Viêm gan siêu vi C là gì ? Nguyên nhân và triệu chứng nhận biết bệnh ra sao ? Mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi giữa Trà Mi với bác sĩ Sáng, phát ngôn viên Hiệp hội bệnh gan kinh niên tại Hoa Kỳ hiện đang hành nghề tại bang Virginia, và là người tham gia rất nhiều trong các chương trình nghiên cứu y khoa ở Mỹ.
Giới thiệu khái quát
Trà Mi: Trước tiên xin bác sĩ giới thiệu khái quát về bệnh viêm gan siêu vi C ? Bác sĩ Trần Văn Sáng: Đó là một loại bệnh viêm gan kinh niên gây ra do loại siêu vi trùng có tên là C. Chúng ta có nhiều loại siêu vi trùng gan như A, B, C, D , E và G. Trà Mi: Bệnh do siêu vi trùng gây ra thì đối với viêm gan C, đường lây truyền chủ yếu ra sao ? Bác sĩ Trần Văn Sáng: Đơn giản cần phải nhớ là viêm gan siêu vi C là một bệnh truyền nhiễm qua đường máu là chủ yếu. Ví dụ như khi một người bị chấn thương được truyền máu hay dùng những dụng cụ có liên hệ tới máu như đi làm răng bị chảy máu, dùng kim tiêm chích không được khử trùng khi chích thuốc, chích ma tuý, châm cứu, xâm mình…Những kim này đã tiếp xúc với máu người bệnh rồi dùng cho người khác thì có nguy cơ sẽ lây truyền bệnh. Ngoài ra có một số trường hợp bệnh được lây qua đường tiếp xúc sinh lý như quan hệ tình dục với người bị viêm gan C. Tuy nhiên, các nghiên cứu hiện nay cho thấy tỷ lệ lây bệnh qua đường này tương đối ít hơn trước đây người ta tưởng. Cũng có các trường hợp lây truyền viêm gan siêu vi C từ mẹ qua con lúc sinh đẻ hay cho con bú. Tỷ lệ này khá thấp, dưới 5%. Một số trường hợp khác bị viêm gan C không cho thấy rõ ràng nguyên nhân tại sao. Tại Việt Nam, khuynh hướng lây truyền bệnh này nói chung là do dùng kim chích không được khử trùng đúng cách. Ngoài ra, ở Việt Nam còn có thói quen châm cứu, xâm mình, giác lễ… Những triệu chứng
Trà Mi: Thưa bác sĩ, những triệu chứng giúp nhận biết căn bệnh viêm gan siêu vi C ra sao? Và họ nên làm gì ngay khi phát hiện những triệu chứng đó? Bác sĩ Trần Văn Sáng: Về triệu chứng nhận biết bệnh đối với siêu vi C khó khăn hơn so với siêu vi B. Bởi lẽ viêm gan siêu vi C, tiến trình đưa tới bộc phát những triệu chứng thì mất thời gian rất lâu. Từ khi nhiễm bệnh cho tới khi có những triệu chứng bị viêm gan siêu vi C kinh niên hay xơ cứng gan có khi từ 20-30 năm. Cũng có một số người phát triển bệnh nhanh hơn trong thời gian 10 năm nếu uống quá nhiều rượu. Đối với bệnh này, đến giai đoạn bị viêm gan kinh niên rồi thì những triệu chứng cũng còn rất mơ hồ, ví dụ như hay bị ngứa. Trên ngực hay cánh tay bị nổi nốt đỏ. Những nốt này dùng tay ấn vào xoá đi được, khác với những mẩn đỏ khác. Chúng được hình thành do sự tăng trưởng của những mạch máu cực nhỏ dưới da. Những mạch máu đỏ này là những biểu hiện về hoạt động của gan và gián tiếp qua đó ta có thể đoán được tình trạng gan không hoạt động bình thường. Tuy nhiên đây là một triệu chứng mơ hồ vì những người uống rượu nhiều cũng có các dấu hiệu như ngứa, nổi mẩn đỏ ngoài da, da mặt sậm dần dần, thay đổi màu sắc da…Trong các trường hợp như vậy thì tốt nhất khi đi khám bệnh nên yêu cầu bác sĩ thử thêm về siêu vi trùng B và C, vì thử máu thông thường đôi khi người ta không thử về các loại này. Những người trong các trường hợp sau đây nên đi thử máu xem có bị viêm gan siêu vi C hay không. Thứ nhất là những người đã từng tiếp nhận máu hay được truyền máu, những người hay tiếp xúc hoặc làm việc liên quan tới các loại kim chích, những người đang được lọc thận hay các bệnh nhân AIDS, những người có người thân bị viêm gan C, và những ai khi thử máu tổng quát thông thường thấy có dấu hiệu bất thường trong gan.
Phương pháp chẩn đoán bệnh
Trà Mi: Xin được hỏi thăm bác sĩ về các phương pháp chẩn đoán bệnh này? Bác sĩ Trần Văn Sáng: Chẩn đoán bệnh tương đối đơn giản vì hiện nay với phương pháp thử máu người ta có thể dễ dàng khám phá ra người bệnh có mắc siêu vi trùng gan C hay không. Từ đó, người thầy thuốc có thể chẩn đoán bằng cách đếm số vi trùng trong máu để quyết định người bệnh nên được chữa trị ra sao. Ngoài ra, tuỳ trường hợp, bác sĩ cũng xem có cần thiết lấy một mẫu gan để coi mức độ hư, viêm hoặc xơ cứng như thế nào để điều trị thích hợp. Trước đây viêm gan siêu vi C không có thuốc đặc hiệu để chữa, đa số người Việt hay tìm đến những bài thuốc Nam, thuốc Bắc, hay các phương thuốc dân gian để trị bệnh này. Xét về phương diện khoa học, các loại thuốc dân gian không có bằng chứng nào cho thấy có thể diệt được những con siêu vi trùng gan C. Điều đáng mừng là hiện nay trên thế giới đã có những loại thuốc tương đối khá hữu hiệu trong việc điều trị bệnh này tuy chưa tuyệt đối hoàn chỉnh. Trà Mi: Vì thời gian có hạn, chúng tôi xin phép được tạm ngưng chương trình kỳ này tại đây. Chuyên mục Sức khoẻ và đời sống tuần sau sẽ tiếp nối với đề tài viêm gan siêu vi C, nói về những biến chứng của bệnh, cũng như các phương pháp phòng và trị bệnh ra sao. Mời quý vị đón theo dõi. (Xin theo dõi toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn trong phần âm thanh bên trên) Chương trình này chỉ nhằm cung cấp kiến thức tổng quát về sức khoẻ. Cho các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc trực tiếp với bác sĩ của quí vị để được thăm khám trực tiếp.
Theo dòng câu chuyện:
- Phương pháp chữa trị hiệu quả đối với bệnh viêm gan siêu vi C Phương pháp chữa trị hiệu quả đối với bệnh viêm gan siêu vi C2006.08.25Trà Mi, phóng viên đài RFA Chương trình “Sức khỏe và đời sống” tuần trước, bác sĩ Trần Văn Sáng đã trình bày về bệnh viêm gan siêu vi C, nguyên nhân, và triệu chứng giúp nhận biết bệnh ra sao. ![]() Thuốc Peg-interferon Alfa-2B, tên thương mại là Peg-intron. Photo courtesy schering-plough.com Bệnh nhân nhiễm viêm gan siêu vi C nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng như thế nào? Y học hiện đại đã tìm ra phương thức chữa trị hiệu quả đối với căn bệnh này hay chưa? Và lời khuyên của giới chuyên môn về cách phòng ngừa bệnh ra sao? Đó cũng là nội dung cuộc trao đổi kỳ này giữa Trà Mi với bác sĩ Sáng, phát ngôn viên Hiệp hội bệnh gan kinh niên, và cũng là thành viên tham gia trong nhiều chương trình nghiên cứu y khoa ở Mỹ. Trà Mi: Thưa bác sĩ hiện giờ có phương pháp chữa trị hiệu quả đối với bệnh viêm gan siêu vi C không? Bác sĩ Trần Văn Sáng: Hiện nay trên thế giới đang sử dụng 2 loại thuốc chích. Thứ nhất là Peg-interferon Alfa-2B, tên thương mại là Peg-intron. Loại thứ hai là Peg-interferon Alfa-2A, còn có tên là Pegassys. Hai loại này được sử dụng mỗi tuần 1 lần. Khi sử dụng loại thuốc chích này kèm thêm một loại thuốc uống dạng viên gọi là Ribavirin thì tỷ lệ khỏi bệnh có thể lên tới từ 47-70% các trường hợp. Sự khỏi bệnh ở đây có nghĩa là con virus bị tiêu diệt khi sử dụng thuốc. Tuy nhiên, kết quả còn tuỳ thuộc vào loại siêu vi gan C, vì hiện nay siêu vi gan C được phân loại ra thành những nhóm nhỏ, đánh số từ 1 đến 6. Siêu vi gan C loại 1 thường phải chữa trị trong thời gian lâu dài, đôi khi phải đến 1 năm. Còn siêu vi gan C loại 2 hay 3 thì tương đối có những kết quả điều trị tốt hơn khi sử dụng thuốc, và thời gian chữa trị thường ngắn hơn. Khoảng 24 tuần có thể thấy kết quả. Thời gian trước cách đây 6-7 năm cũng có một loại thuốc interferon nhưng phải chích một tuần 3 lần, và loại này dần dần ít được sử dụng vì phải chích nhiều lần lại thêm phản ứng phụ.
Chi phí điều trị khá đắt
Trà Mi: Chi phí điều trị đối với các loại thuốc bác sĩ vừa kể ra sao? Bác sĩ Trần Văn Sáng: Thật ra chi phí điều trị khá đắt vì đây là các loại thuốc khá đắt tiền. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân có điều kiện nên cố gắng chữa trị để tránh nguy cơ ung thư gan. Thống kê cho thấy trung bình mỗi năm có 4% những người bị viêm gan siêu vi C có xác suất bị ung thư gan. Trà Mi: Ngoài biến chứng là có thể gây ra ung thư gan, viêm gan siêu vi C nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hại nào khác và bệnh có thể phát triển như thế nào? Bác sĩ Trần Văn Sáng: Viêm gan siêu vi C là một trong những bệnh dẫn đến ung thư nhiều nhất hiện nay, bên cạnh siêu vi gan B. Ngoài ung thư, cũng giống như siêu vi gan B, siêu vi gan C có thể đưa đến tình trạng viêm gan mạn tính, sau đó dẫn đến giai đoạn xơ gan. Từ đó, người bệnh bị tình trạng có nước trong bụng gọi là xơ gan cổ chướng, rồi làm tăng những áp suất trong mạch máu trong hệ thống tiêu hoá, làm nở lớn những tĩnh mạch ở bao tử và người bệnh có thể chết vì xuất huyết bao tử bất thình lình. Áp suất lên rất nhiều thì người bệnh có thể chết rất nhanh. Bênh cạnh đó, bệnh cũng có thể gây ra những xáo trộn khác như đông máu. Gan không còn làm việc theo đúng mức độ trung bình nữa cũng khiến bệnh nhân rất dễ bị chảy máu. Nguyên nhân dẫn đến tử vong do chai gan rất lớn gồm có nước trong bụng, chảy máu trong bụng, xuất huyết tiêu hóa bên cạnh những biến chứng nhiễm trùng khác nữa.
Phương pháp phòng bệnhTrà Mi: Cuối cùng xin bác sĩ một vài lời khuyên về các phương pháp phòng bệnh viêm gan siêu vi C? Bác sĩ Trần Văn Sáng: Cần lưu ý hai đối tượng : những người chưa có bệnh và những người đã mắc bệnh rồi. Đối với những người chưa có bệnh, tránh sử dụng kim chích không rõ nguồn gốc hoặc chỉ sử dụng loại kim tiêm một lần rồi bỏ. Tránh tiếp xúc, quan hệ tình dục bừa bãi. Những người đã mắc bệnh rồi cũng nên cẩn thận giữ mình và tránh lây bệnh cho người khác như không đi hiến máu hay hiến các bộ phận trong cơ thể cho người khác, không sử dụng chung các vật dụng cá nhân với người thân trong gia đình dù là con cái hay vợ chồng. Tuyệt đối không được uống rượu vì hầu hết các cuộc khảo cứu cho thấy ngay cả uống rượu liều lượng nhỏ cũng làm tăng độ chai gan hoặc làm cho khuynh hướng ung thư gan phát triển nhanh hơn. Ngoài ra, những người bị viêm gan siêu vi C cũng nên tránh đừng để lên quá nhiều cân, đặc biệt lưu ý đừng để mỡ trong máu lên quá nhiều. Khi mỡ trong máu lên cao sẽ làm ảnh hửơng đến chức năng gan, khiến hoạt động của gan ngày càng suy giảm nhanh hơn. Bệnh nhân viêm gan siêu vi C nên thử thêm về siêu vi gan A và B. Nếu chưa được chủng ngừa thì cần được chủng ngừa cả A và B. Các cuộc nghiên cứu cho thấy nếu những người bị siêu vi gan C mà bị thêm loại B hoặc bị các cấp tính do siêu vi gan A thì mức độ tử vong rất cao. Những bà mẹ bị viêm gan siêu vi C nên cẩn thận. Khi cho con bú nếu thấy đầu vú bị nứt hay chảy máu thì ngưng cho con bú hoặc dùng phương pháp nuôi dưỡng không cần sữa mẹ. Các phụ nữ có viêm gan siêu vi C thì cần phải được chữa trị trước khi muốn thụ thai. Các bệnh nhân siêu vi gan C cần được hướng dẫn sử dụng kim chích đúng phương pháp, tránh lây truyền bệnh cho người khác. Người bệnh nên cố gắng chữa bệnh để ngừa những tai biến về ung thư và xơ gan. Đó là những điều hết sức cơ bản cần phải ghi nhớ để phòng bệnh cho mình và cho người khác. Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn thời gian bác sĩ dành cho chương trình hôm nay. (Xin theo dõi toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn trong phần âm thanh bên trên)
|
|