Tìm hiểu bệnh Zona (bệnh giời leo)

Phần 1

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Kết thúc loạt bài nói về bệnh thủy đậu, tuần trước, bác sĩ da liễu Đức Thọ có đề cập đến bệnh Zona, một trong những biến chứng nghiêm trọng của bệnh trái rạ, do cùng một loại virus gây ra.

Bệnh Zona, còn có người gọi là “Giời leo”. Photo courtesy wikipedia.

Bệnh Zona, còn có người gọi là “Giời leo”, là một loại tổn thương ngoài da, rất thường gặp ở mọi lứa tuổi, cả nam lẫn nữ. Thế nhưng Zona và Giời leo là có phải cùng là một bệnh hay không? Bệnh có những đặc điểm, triệu chứng như thế nào giúp phân biệt với các bệnh ngoài da khác?

Những đối tượng nào được xem là có nguy cơ nhiễm bệnh Zona cao nhất? Mời quý vị cùng tìm hiểu trong chương trình hôm nay.

Trước tiên, bác sĩ chuyên khoa Đức Thọ từ TPHCM mô tả khái quát về căn bệnh Zona: “Thật ra, nếu đúng theo tên bệnh thì Giời leo và bệnh Zona khác nhau.”

Bệnh Giời leo là do một loại côn trùng bám vào trên da và gây ra phản ứng viêm da dị ứng do tiếp xúc với các kháng nguyên lạ. Còn Zona là một bệnh do virus gây ra. Tuy nhiên, cảm giác của bệnh viêm da tiếp xúc và của bệnh Zona tương đối giống nhau ở chỗ đau rát và nổi hồng ban. Do đó, dân gian vẫn thường xem những hiện tượng này là Giời leo nói chung.

Bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng tuy vẫn thường xảy ra đối với bà con ở vùng thôn quê nhưng hậu quả không nặng nề lắm. Bệnh Zona do virus gây ra có những hậu quả đặc biệt bà con cần phải lưu ý.

 

Nguyên nhân

Trà Mi: Đầu tiên xin được tìm hiểu vì sao bệnh có tên là Zona?

Bác sĩ Thọ: Zona là tên khoa học, còn tên tiếng Anh là Shingles, là tình trạng nhiễm virus Herpes Zoster cấp tính của hệ thần kinh trung ương và ngoại vi, thường chỉ xảy ra ở một bên rễ thần kinh tuỷ sống. Còn trường hợp Giời leo do côn trùng hay ký sinh trùng ngoài da thì có thể xảy ra ở bất cứ nơi nào trên cơ thể, có thể xảy ra ở hai bên không đối xứng.

Bệnh Zona cho tới nay chỉ xuất hiện ở những người đã từng bị thủy đậu trước đó. Nếu trẻ em được chủng ngừa thủy đậu từ bé sẽ không bị thuỷ đậu sau này, và thế là cũng sẽ không bị Zona. Điều này rất quan trọng. Nếu ta thực hiện tiêm chủng đầy đủ cho các bé thì sau này không phải lo ngại bé sẽ bị mắc bệnh Zona.

Sở dĩ có mối tương quan này là do siêu vi gây bệnh thủy đậu cũng là thủ phạm gây bệnh Zona. Sau khi gây bệnh thủy đậu, bệnh nhân phục hồi, nhưng con siêu vi vẫn còn tồn tại ở dạng ngủ đông trong các tế bào rễ thần kinh tủy sống và bị hệ miễn dịch của cơ thể ức chế.

Sau này, khi có nhiều điều kiện thuận lợi như bệnh nhân có tình trạng bị nhiễm trùng, chấn thương, suy yếu hệ miễn dịch thì con virus tiềm ẩn đó sẽ bùng phát lên, thoát khỏi sự ức chế của hệ miễn dịch, phát triển thành dạng hoạt động, và gây tổn thương ngoài da, với cảm giác đau nhức nhiều. Đó là Zona.

Trà Mi: Nói như vậy có nghĩa là những người chưa được chủng ngừa trái rạ là những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh Zona cao nhất, còn những ai đã tiêm chủng thuỷ đậu rồi thì không phải lo sợ sẽ mắc phải căn bệnh Zona, phải không ạ?

Bác sĩ Thọ: Câu đó cũng tương đối đúng, nhưng trong y khoa, tỷ lệ không bao giờ đạt được 100%. Điều cơ bản nhất là nếu ta chủng ngừa thuỷ đậu thì sau này ta sẽ không bị trái rạ, và đương nhiên, sẽ không bị Zona.

Tuy nhiên, tác dụng của vaccine ngừa thủy đậu không được 100%, chỉ khoảng 90-95% mà thôi. Do đó, còn 5-10% vẫn có thể bị thủy đậu sau khi chủng ngừa, mà nếu đã bị thủy đậu thì sau này có thể bị Zona.

 

Hiện tượng phát bệnh

Trà Mi: Zona là một căn bệnh ngoài da, thế nó có lây lan từ người này sang người khác qua tiếp xúc thông thường hay không?

Bác sĩ Thọ: Dạ đó là điểm mà chúng tôi muốn trình bày với bà con. Zona là một bệnh ngoài da do virus, nhưng đặc biệt, bệnh này không lây, mà chỉ có tính chất là tự lan trên cơ thể ở một bên theo rễ thần kinh.

Nếu có trường hợp lây lan thì thường xảy ra ở các đối tượng còn trẻ có sức miễn dịch suy yếu, và khi lây thì nạn nhân bị lây sẽ phát ra bệnh thuỷ đậu chứ không phải là bệnh Zona. Thực tế, trong quá trình điều trị, chúng tôi đã từng gặp những gia đình có bố mẹ bị Zona, con cái của họ, sau thời gian tiếp xúc với bố mẹ trong vòng 1 tuần lễ, thì sẽ phát bệnh thủy đậu nếu bé không được chủng ngừa.

Trà Mi: Và căn bệnh Zona có bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài như môi trường, khí hậu, hay địa lý không ạ?

Bác sĩ Thọ: Các yếu tố môi trường bên ngoài hoàn toàn không tác động gì đến Zona, vì Zona là bệnh do siêu vi thuỷ đậu tiềm ẩn trong người bệnh nhân gây ra.

Khi bệnh nhân gặp những tình trạng như sức đề kháng suy yếu, nhiễm trùng, hay có những bệnh nội tạng nặng như ung thư, suy giảm hệ miễn dịch AIDS..v..v., thì con siêu vi ngủ đông ấy sẽ bộc phát trở lại, gây ra Zona. Do đó, bệnh không ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài mà bị ảnh hưởng do các yếu tố bên trong cơ thể.

Trà Mi: Như vậy là không có hiện tượng phát bệnh nhiều nhất tại một thời điểm nào trong năm, không có bùng phát dịch như những căn bệnh khác?

Bác sĩ Thọ: Vâng, Zona không có những thời điểm bùng phát đặc biệt như những căn bệnh do yếu tố bên ngoài tác động, mà Zona dễ phát ra ở những người già, yếu, có sức đề kháng suy giảm.

 

Đặc điểm phân biệt

Trà Mi: Bệnh Zona có những đặc điểm gì đặc biệt giúp có thể phân biệt với các loại bệnh ngoài da khác?

Bác sĩ Thọ: Đặc điểm rõ ràng nhất của Zona để phân biệt với các bệnh khác là cảm giác đau đớn rất là dữ dội, thường ở một bên cơ thể. Tuỳ theo vị trí của san thương, nếu san thương ở vùng mắt thì có cảm giác như đau mắt rất là nặng, nếu san thương ở vùng tim thì có cảm giác như bị đau tim, ở những vùng bụng thì người bệnh có triệu chứng đau giả giải phẫu, tức là như bị giải phẫu.

Thế nhưng san thương này là ở ngoài da. Và người bác sĩ chuyên khoa có thể chẩn đoán ngay từ đầu vì bệnh có những biểu hiện rất rõ ràng, bệnh nhân đau nhức rất nhiều.

Triệu chứng của Zona là các hồng ban, mụn nước mọc thành từng chùm, thường ở một bên cơ thể, gây cảm giác đau rát rất đặc biệt. Ban đầu khi san thương chưa xuất hiện, bệnh nhân có cảm giác như bị phỏng lửa, hoặc như dùng dầu xoa bóp nhiều nên bị nóng rát. Sau đó, hồng ban xuất hiện và trên đó có những chùm mụn nước, nhưng đặc biệt chỉ ở một bên, trái hoặc phải, theo sự phân bố của dây thần kinh trong cơ thể.

Tuy nhiên, cũng có một tỷ lệ rất ít khoảng 1/1000 bệnh nhân bị Zona ở hai bên cơ thể, và đó là những trường hợp có sức suy giảm miễn dịch rất nặng như bệnh nhân ung thư hay bệnh nhân AIDS. Người bác sĩ thấy bệnh nhân bị san thương Zona ở cả hai bên cơ thể thì việc đầu tiên là phải tìm những bệnh ác tính có trong người bệnh nhân.

Trà Mi: Diễn tiến phát triển bệnh ra sao? Zona có thể dẫn đến những biến chứng gì? Có phương pháp chữa trị dứt điểm đối với bệnh này hay không? Và làm thế nào để không bị mắc phải căn bệnh này?

Bác sĩ Thọ sẽ giải đáp những thắc mắc ấy trong chương trình “Sức khoẻ và đời sống” kỳ tới, mời quý vị đón theo dõi.

Tìm hiểu bệnh Zona (bệnh giời leo) (phần 2)

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Zona là một bệnh ngoài da do siêu vi thủy đậu tái hoạt gây nên, tạo ra những tổn thương nặng nề cùng với cảm giác đau đớn dữ dội cho bệnh nhân ở mọi lứa tuổi.

Photo courtesy fda.gov

Những biến chứng tai hại của bệnh ra sao? Có phương pháp chữa trị dứt điểm đối với bệnh này hay không? Và làm thế nào để tránh không bị mắc phải Zona? Chương trình hôm nay sẽ giúp quý vị giải đáp những thắc mắc ấy qua phần trình bày tiếp theo của bác sĩ chuyên khoa da liễu Đức Thọ, hiện đang hành nghề tại Sài Gòn. Mời quý vị theo dõi. Trà Mi: Xin hỏi bác sĩ về diễn tiến phát triển bệnh cũng như những biến chứng của Zona nếu không được điều trị kịp thời là gì?

Bác sĩ Đức Thọ: Việc điều trị Zona thường khó khăn. Đặc biệt biến chứng của Zona thường thấy nhất là triệu chứng đau sau Zona, nghĩa là sau khi san thương đã lành ngoài da, triệu chứng đau vẫn còn kéo dài, thậm chí rất khó chữa.

Đối với những bệnh nhân lớn tuổi, triệu chứng đau này càng kéo dài và rất nặng, có thể phải dùng đến những biện pháp điều trị thần kinh thì mới giảm được. Do đó, việc điều trị Zona sớm trong vòng 72 giờ đầu với các thuốc kháng virus thì có tác dụng rất tốt, sẽ hạn chế rất nhiều các trường hợp đau do Zona sau này.

Trà Mi: Ngoài ra, bệnh có nguy cơ để lại những di chứng hay biến chứng tai hại gì về sau không, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Đức Thọ: Bệnh Zona ít để lại biến chứng nặng, biến chứng thường nhất là đau sau Zona mà thôi. Ngoài ra, có thể để lại những vết sẹo xấu ngoài da, biến chứng ở hệ thần kinh do đau Zona cũng có thể có nhưng rất ít.

Trà Mi: Các phương pháp điều trị đối với căn bệnh Zona hiện nay là gì? Có biện pháp chữa trị dứt khỏi tránh tái phát hay không?

Việc điều trị Zona thường khó khăn. Đặc biệt biến chứng của Zona thường thấy nhất là triệu chứng đau sau Zona, nghĩa là sau khi san thương đã lành ngoài da, triệu chứng đau vẫn còn kéo dài, thậm chí rất khó chữa.

Bác sĩ Thọ

Bác sĩ Đức Thọ: Zona là bệnh ngoài da nên áp dụng phương pháp điều trị trong uống ngoài thoa. Chúng ta dùng các loại thuốc kháng virus dạng bôi ở vùng san thương. Sau đó, dùng các thuốc kháng virus đường uống. Nếu san thương bị bội nhiễm, tức những chỗ mụn nước có thể có vi trùng cơ hội xâm nhập thì dùng thêm kháng sinh. Đó là các cách điều trị cơ bản.

Việc tái phát Zona thì hầu như không đặt ra vì Zona thường chỉ xảy ra một lần trong đời. Rất hiếm bệnh nhân có thể bị Zona lần thứ nhì, tỷ lệ là 1/1000. Đại đa số chỉ bị một lần và không tái phát.

Trà Mi: Thời gian điều trị Zona trung bình kéo dài trong bao lâu?

Bác sĩ Đức Thọ: Thời gian điều trị lành các san thương ngoài da trung bình từ 7-10 ngày. Tuy nhiên, đối với các trường hợp san thương Zona trên diện rộng, có những mụn nước to và bội nhiễm thì điều trị ít nhất là 2 tuần, phải sử dụng kèm theo kháng sinh chống bội nhiễm ngoài thuốc kháng virus thông thường.

Trà Mi: Có một vài phương pháp điều trị trong dân gian như dùng tinh dầu mù u, mực tàu, vò lá mướp, hoặc nhai đậu xanh sống vò đắp thoa lên chỗ đau. Ý kiến của giới chuyên môn ra sao? Các biện pháp này có tốt hay không?

Bác sĩ Đức Thọ: Dân gian xưa khi chưa có những thuốc kháng virus hiện đại như ngày nay thì bà con hay dùng các phương pháp ấy. Về mặt y học, chúng tôi chỉ đánh giá đây là những cách làm dịu cảm giác đau rát ngoài da mà thôi, nhưng có thể gây ra biến chứng đáng ngại là bội nhiễm.

Bởi lẽ các mụn nước ngoài da bị hở ra, vi khuẩn có thể xâm nhập, dẫn đến một số trường hợp biến chứng nặng điều trị rất khó khăn. Khi nhiễm trùng ở diện rộng thì rất nguy hiểm đến tính mạng. Do đó, lời khuyên lời khuyên đối với bệnh nhân là khi phát hiện những san thương Zona thì nên đến các cơ sở y tế khám chữa bệnh và dùng thuốc cho đúng thì sẽ hạn chế được những hậu quả quan trọng, nhất là hạn chế được biến chứng đau do Zona sau này.

Trà Mi: Trong quá trình điều trị và phát triển bệnh Zona, có những điều gì bệnh nhân nên lưu ý hay kiêng cử không, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Đức Thọ: Khi bị Zona, bệnh nhân phải hiểu rằng đây không phải là căn bệnh do tác động của môi trường bên ngoài mà do siêu vi thủy đậu tồn tại trong người bây giờ bộc phát ra. Như vậy cũng có nghĩa là sức đề kháng của bệnh nhân đang yếu, cần phải nghỉ ngơi, không làm việc quá sức, không dùng những chất kích thích như uống rượu bia. Uống rượu bia thì bệnh sẽ nặng thêm.

Trà Mi: Và dĩ nhiên nên tránh tiếp xúc hoặc va chạm đến những mụn nước ngoài da?

Bác sĩ Đức Thọ: Vâng, điều cơ bản khi bác sĩ điều trị bệnh nhân Zona là căn dặn bệnh nhân không được nặn, lễ những mụn nước ngoài da. Việc chích hay lễ những bong bóng nước ấy sẽ gây bội nhiễm, có thể làm bệnh nặng hơn, và sau này các vết sẹo để lại cũng rất phức tạp.

Trà Mi: Nhiều người quan niệm rằng đối với bệnh Zona và trái rạ thì nên ăn mặc thật kín để tránh gió, vì càng ra gió càng dễ lây lan thêm. Quan niệm này đúng hay sai?

Bác sĩ Đức Thọ: Trái rạ thì người ta sợ ra gió, và cử tắm. Về mặt y học, chúng tôi không khuyến khích điều này. Bệnh nhân cần được tắm rửa sạch sẽ, vệ sinh kỹ lưỡng. Tuy nhiên, điều cơ bản cần nhớ là trong lúc này sức đề kháng của bệnh nhân đang kém do bị nhiễm siêu vi thì cần phải giữ ấm và tắm nước nóng, không hoạt động mạnh, nghỉ ngơi nhiều để cơ thể có điều kiện chống lại vi khuẩn, và không được can thiệp vào những mụn nước ngoài da.

Đối với những san thương ở diện rộng cần băng lại bằng loại gạc chứa chất nhờn để không bị dính vào da khi gỡ ra, tránh gây chảy máu, nhiễm trùng. Hiện nay có những loại gạc tẩm chất nhờn rất tốt.

Ta không nên tự điều trị vì những kinh nghiệm dân gian có khi đúng khi không đúng, có thể gây những biến chứng nguy hiểm. Đặc biệt những biến chứng ở vùng mắt có thể ảnh hửơng đến thần kinh thị giác, gây mù. Do đó, ngay sau khi có cảm giác nóng rát ngoài da ở một bên, cho dù chưa xuất hiện san thương, bệnh nhân cần tìm đến bác sĩ chuyên khoa để được khám ngay.

Trà Mi: Cuối cùng xin bác sĩ một vài lời khuyên giúp phòng tránh bệnh Zona?

Bác sĩ Đức Thọ: Bệnh Zona phòng ngừa có hai cách: phòng ngừa bệnh không xảy ra và phòng ngừa để bệnh không gây những biến chứng đau đớn.

Để không bị bệnh Zona thì đừng bệnh thuỷ đậu. Mà muốn không mắc bệnh thủy đậu thì phải chủng ngừa thuỷ đậu. Do đó, lời khuyên rất quan trọng là trẻ em phải được hưởng đầy đủ các chế độ tiêm chủng từ nhỏ. Có tiêm chủng thủy đậu thì sẽ không bị thuỷ đậu sau này, không bị thủy đậu thì sẽ không bị Zona.

Vấn đề thứ hai, những ai đã bị thuỷ đậu rồi rất lo ngại có thể sẽ bị đau do Zona sau này. Tháng 10/2006 cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Hoa Kỳ đã cho chấp thuận lưu hành một loại vaccine mới làm giảm nguy cơ đau Zona gọi là Zostavax. Thuốc này không có tác dụng ngừa thủy đậu, cũng không có chỉ định điều trị Zona hay đau sau Zona, mà dùng chủng ngừa nguy cơ xảy ra Zona ở những người đã bị thủy đậu.

Trà Mi: Những đối tượng nào nên đi chủng ngừa loại thuốc này?

Bác sĩ Đức Thọ: Trẻ em thì phải chủng ngừa thuỷ đậu. Còn Zostavax, thuốc chủng mới ngừa nguy cơ Zona, thì thường dùng cho người lớn tuổi, không dùng cho trẻ em và người dưới 60 tuổi.

Ở những người không bị thủy đậu thì chắc chắn là không bị Zona, thì không cần phải dùng Zostavax. Còn những người có tình trạng hệ miễn dịch đang suy yếu như lao phổi, ung thư, HIV/AIDS hoặc phụ nữ có thai cũng không được dùng Zostavax. Những trường hợp dị ứng với thuốc ngừa thì dĩ nhiên cũng không dùng Zostavax được.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn thời gian bác sĩ dành cho chương trình hôm nay.