Nhật thực 01/08/2008

Vietsciences-Nguyễn Quang Riệu          08/08/2008

 

Những bài cùng tác giả

Xin bấm để nghe bài phỏng vấn

Đức Tâm (đài RFI) phỏng vấn Nhà Thiên văn Nguyễn Quang Riệu về Nhật thực 1-8-2008

 

Trước hết xin ông giải thích hiện tượng nhật thực là gì ?

Như ta biết, Mặt trăng là vệ tinh cuả Trái đất và cả hai đều quay xung quanh Mặt trời. Mặt trời lớn hơn Mặt trăng rất nhiều, nhưng vì Mặt trời ở xa nên nhìn từ Trái đất, Mặt trời chỉ to bằng Mặt trăng nên khi Mặt trăng nằm cùng hướng với Mặt trời thì Mặt trăng có thể che lấp hoàn toàn Mặt trời. Khi đó chúng ta chứng kiến được hiện tượng nhật thực toàn phần. Bóng tối cuả Mặt trăng chiếu xuống Trái đất chuyển động trên một quỹ đạo dài hàng nghìn kilomet, nhưng chỉ hẹp khoảng hai hay ba trăm kilomet. Cho nên chỉ có một số ít dân cư trong những vùng nằm trên dải bóng tối mới trông thấy Mặt trời đen kịt trong vài phút. Đồng thời, nhật thực cũng tạo ra trên Trái đất một vùng bóng mờ không tối hẳn, nhưng rất rộng bao quanh dải bóng tối. Vùng bóng mờ vừa rộng vừa dài hàng nghìn kilomet nên rất nhiều vùng trên Trái đất nằm trong vùng bóng mờ. Dân cư trong vùng bóng mờ chỉ chứng kiến được hiện tượng nhật thực một phần.

Nhật thực ngày 11/08/1999 (Futura Science)

 

Nhật thực toàn phần ngày mồng 1 tháng 8 hôm nay là nhật thực toàn phần thứ năm trong thế kỷ XXI. Nhật thực bắt đầu xuất hiện ở vùng đông-bắc nước Canada rồi tiến dần đến Siberia, Mông cổ và sau cùng tiến đến những vùng ở phía bắc Trung Quốc. Tại những vùng như thành phố Tây An ở Trung Quốc nằm trên quỹ đạo cuả bóng tối thì dân cư ở đấy nhìn thấy được nhật thực toàn phần, còn tại Bắc Kinh nằm trong vùng bóng mờ thì chỉ nhìn thấy nhật thực một phần. Tại miền bắc Việt Nam, cũng chỉ có nhật thực một phần. Mặt trời chỉ bị che tới 67% trên bầu trời thủ đô Hà Nội vào buổi cuối chiều. Còn tại Paris dường như không quan sát được hiện tượng nhật thực, bởi vì Mặt trời chỉ bị che khoảng 6% thành không đáng kể.

Nhật thực tại Trung Quốc ngày 01/08/2008

 

Đối với những nhà thiên văn, nhật thực toàn phần là dịp để họ quan sát được vầng hào quang bao quanh bề mặt cuả Mặt trời, vầng hào quang này được gọi là vành nhật hoa. Vành nhật hoa tuy nóng đến hàng triệu độ, nhưng cực kỳ loãng và mờ, so với bề mặt sáng chói cuả Mặt trời, nên chỉ quan sát thấy khi Mặt trời bị che toàn bộ. Mỗi giây đồng hồ, nhật hoa phun ra hàng triệu tấn những hạt vật chất có điện tích và có năng lượng cao. Mùa đông, ai có dịp đến những vùng ở vĩ tuyến cao gần Bắc cực thì ban đêm sẽ nhìn thấy những màn ánh sáng mỏng manh muôn màu chăng xuống từ trên trời. Hiện tượng ngoạn mục này chính là được tạo ra bởi các hạt vật chất phóng ra từ vành nhật hoa và đột nhập vào khí quyển Trái đất. Tuy nhiên những hạt này vì mang điện tích và có năng lượng cao nên có thể làm nhiễu hệ thống vô tuyến viễn thông. Các nhà thiên văn quan sát vành nhật hoa trong dịp có nhật thực toàn phần để tìm hiểu nguyên nhân tại sao vành nhật hoa lại có thể nóng đến hàng triệu độ.

Nhật thực 11/08/1999 (Luc Viatour)

 

Nhật thực ngày 1-8-2008 có ảnh hưởng gì đến môi trường Trái đất ?

Nhật thực là một hiện tượng liên quan đến những thiên thể tương đối không xa Trái đất lắm, nên chúng ta tự hỏi liệu Trái đất có bị ảnh hưởng gì khi có nhật thực ? Hiện tượng thiên nhiên này xẩy ra chủ yếu là do Mặt trời, Mặt trăng và Trái đất nằm ở cùng một hướng trên không gian. Tuy Trái đất chịu ảnh hưởng cuả sức hút cuả Mặt trời và Mặt trăng gây ra hiện tượng thủy triều lên xuống, nhưng sự trùng hợp hướng chỉ xẩy ra trong một thời gian không lâu nên không có tác động gì đối với thủy triều và môi trường trên Trái đất. Tuy nhiên, trong thời gian Mặt trời bị Mặt trăng gặm mất khá nhiều và nhất là khi Mặt trời bị che hoàn toàn, thì bầu trời giữa ban ngày trông như vào buổi bình minh hay vào buổi hoàng hôn, làm cho súc vật mất hết ý thức về thời gian. Chẳng hạn gà có thể bắt đầu gáy hoặc vào chuồng và chó cũng có khi sủa. Nhiệt độ giảm xuống khá nhiều cùng những cơn gió thổi bỗng chốc làm dịu mát không khí. Những người được chứng kiến nhật thực chăm chú nhìn lên trời và có lẽ nghĩ rằng đây là một cơ hội được coi là duy nhất trong một đời người mà không thể nào bỏ lỡ được. Đây là những ấn tượng mà tôi đã có, khi tôi quan sát nhật thực toàn phần ngày 24 tháng 10 năm 1995 tại Phan Thiết.

 

 

Có điều cần thiết phải nêu ra là nếu muốn quan sát nhật thực thì phải đeo kính được làm riêng bằng chất mylar, một loại chất dẻo, để bảo vệ mắt. Muốn theo dõi quá trình nhật thực thì phải quan sát Mặt trời trong hàng giờ, từ thời điểm Mặt trời chưa bị Mặt trăng che lấp hoàn toàn, nên vẫn phát ra những bức xạ tử ngoại không nhìn thấy nhưng rất độc hại.

 

Tín ngưỡng dân gian khi có nhật thực là như thế nào ?

Nhờ những tiến bộ khoa học mà ngày nay các nhà thiên văn tiên đoán được thời điểm có nhật thực với độ chính xác cao tới một giây đồng hồ. Tuy nhiên, ngay từ buổi bình minh cuả nhân loại, con người vẫn hoảng sợ khi chứng kiến những hiện tượng xẩy ra bất thường trên bầu trời, như nhật thực, nguyệt thực và sao chổi, vì họ cho đó là những điềm gở báo hiệu những thảm họa như những vụ lũ lụt và động đất. Mỗi khi có nhật thực, dân gian cho rằng phải khua chiêng đánh trống để đuổi ma quỷ và để cho cảnh tượng tối tăm giữa ban ngày chóng được kết thúc. Họ cũng nghĩ đó là những tín hiệu cuả Ông Trời được thể hiện ra để cảnh cáo vua để vua tự phê bình và sửa chữa những sai lầm trong khi trị vì thiên hạ. Các nhà chiêm tinh có nhiệm vụ phải tiên đoán và báo cáo kịp thời những hiện tượng thiên văn, bởi vì ngày xưa chưa có ranh giới rõ ràng giữa chiêm tinh và thiên văn học. Đôi khi họ còn bịa đặt ra những nhật thực để dọa nạt những triều đại không được nhân dân ưa chuộng. Chẳng hạn vào năm 186 trước Công nguyên, dưới thời một ông vua có tiếng là độc ác ở triều Tây Hán, một hiện tượng nhật thực được thông báo, nhưng không có thật.

Ngày nay niềm tin tưởng coi nhật thực và nguyệt thực là những điềm gở và nói chung, sự tin tưởng là có những lực lượng “siêu nhiên” điều hành thế gian này, vẫn còn được phổ biến trong dân gian. Ngày mồng 8 tháng 8 năm 2008, mang nhiều con số 8, là ngày mà những cặp uyên ương tương lai chọn để làm lễ cưới. Cũng theo quan điểm này thì ngày giờ khai mạc Thế vận Hội cũng là ngày mồng 8 tháng 8 năm 2008 hồi 8 giờ 8 giây, nên chắc cũng phải mang lại nhiều thắng lợi và nhiều niềm vui. Tuy nhiên, nhật thực diễn ra trên bầu trời Trung Quốc ngày hôm nay, chỉ xẩy ra trước những sự kiện nói trên có một tuần lễ, nên liệu có gây ra những trở ngại làm lu mờ phần nào tương lai tốt đẹp mà mọi người đều mong đợi. Rất tiếc là lời giải đáp cho vấn đề này vượt hẳn ra ngoài khả năng cuả ngành khoa học hiện đại.

 

24/10/1995

Nhật thực 21/06/2001,

 29/03/2006,

Nhật thực tương lai sẽ là ngày 22/07/2009

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Quang Riệu