Yếu tố lao động nước ngoài trong vụ Bauxite Tây Nguyên

Vietsciences-RFA   08/05/2009

 

Những bài cùng đè tài

2009-05-08

Nghe đọc

Sau khi Thứ trưởng Bộ công thương Lê Dương Quang trả lời phỏng vấn về quyết định của Bộ Chính Trị yêu cầu rà soát lại các yếu tố trong dự án bauxite Tây Nguyên, Mặc Lâm tìm hiểu phản biện của các nhà khoa học, văn hóa và môi trường.

Photo courtesy of Tuoi Tre

Thậm chí người Trung Quốc còn đặt nhiều tên đường VN bằng tiếng Hoa. Ảnh: đường Dong Fang, được tập đoàn điện khí Dong Fang Trung Quốc, trúng thầu xây dựng nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, đặt tên. Ở công trình này, tên các con đường nội bộ đều do nhà thầu Trung Quốc đặt.

 

Sau khi Bộ Chính Trị đưa ra nghị quyết yêu cầu rà soát lại các yếu tố trong dự án bauxite được dư luận quan tâm, Thứ trưởng Bộ công thương Lê Dương Quang đã trả lời phỏng vấn về vấn đề này trên đài truyền hình của Cổng Thông Tin Điện Tử Chính Phủ vào hai ngày 2 và 3 tháng 5 vừa qua.

Trong chương trình phát thanh trước chúng tôi đã mang đến quý vị phần 1 nói về vấn đề môi trường và yếu tố khó thành công của dự án. Hôm nay mời quý vị theo dõi phần hai nói về vấn đề lao động nước ngoài cũng như  tại sao Tập Đoàn Than và Khoáng Sản Việt Nam (TKV) chấp thuận gói thầu của Trung Quốc.

Bauxite & Tây Nguyên

Trước câu hỏi liệu khai thác bauxite tại Tây Nguyên có làm xáo trộn đời sống của đồng bào dân tộc ít người cũng như sinh hoạt của cư dân trong khu vực hay không, Thứ Trưởng Lê Dương Quang cho rằng việc khai thác bauxite sẽ góp phần phát triển khu vực Tây Nguyên vì nơi đây còn khó khăn và đời sống của người dân vẫn lệ thuộc rất nhiều vào nhà nước.
 

Ông khẳng định khi nhà máy đi vào hoạt động thì bộ mặt Tây Nguyên sẽ thay đổi hẳn:

"Tôi cho là cái ảnh hưởng về mặt xã hội là tích cực nhiều hơn là tiêu cực, bởi vì như tôi đã nói, tức là đối với vùng Tây Nguyên khi mà những dự án công nghiệp có quy mô lớn với những công nghệ tiên tiến, được triển khai, đầu tư cho nó, thì nó sẽ kéo theo sự phát triển của rất là nhiều ngành khác đi theo, nó sẽ làm cho bộ mặt Tây Nguyên thay đổi."

Tuy nhiên đối với nhà văn Nguyên Ngọc, một người nghiên cứu chuyên sâu đời sống của các bộ tộc ít người sống rải rác tại Tây Nguyên thì việc khai thác chắn chắn sẽ làm xáo trộn đến tận gốc rễ cộng đồng này. Ông nói:

Về mặt dân tộc, về văn hoá thì như vậy tất nhiên nó sẽ làm xáo trộn hoàn toàn đời sống của 2/3 dân số trong đó, đặc biệt là dân tộc tại chỗ lâu đời là người M'nong.

Nhà văn Nguyên Ngọc

"Về mặt dân tộc, về văn hoá thì như vậy tất nhiên nó sẽ làm xáo trộn hoàn toàn đời sống của 2/3 dân số trong đó, đặc biệt là dân tộc tại chỗ lâu đời là người M'nong. Việc giải quyết đời sống cho người M'nong theo tôi thì mấy chục năm qua là chưa có nơi nào trong những dự án lớn và nhỏ ở Tây Nguyên, chưa có nơi nào mình thành công trong việc đưa người dân tộc tại chỗ vào các xí nghiệp hiện đại, các nhà máy hiện đại của ai cả."

Thứ Trưởng Lê Dương Quang khẳng định rằng việc khai thác sẽ được thực hiện theo phương pháp cuốn chiếu nghĩa là khai thác tới đâu sẽ thực hiện việc hoàn thổ cho người dân đến đấy.  Ý kiến của nhà văn Nguyên Ngọc trước lời khẳng định này hoàn toàn trái ngược:

Chinese-workers-in-VN-250.jpg

Phần đông công nhân Trung Quốc đang làm việc tại dự án nhà máy nhiệt điện Nông Sơn đều là lao động phổ thông. Ảnh: một nhóm công nhân đang uốn những thanh sắt chuẩn bị đổ móng (ảnh chụp chiều 15-4-2009). Photo courtesy of Tuoi Tre.
"Cái mà bây giờ người ta gọi là kế hoạch sẽ hoàn thổ trở lại để mà sau đó trồng rừng lên, vân vân, rồi đưa dân trở về lại, lập làng trở lại, thì theo tôi là hoàn toàn không khả thi. Nếu có được hoàn thổ đi nữa thì cái đất đó không phải chỉ là đất mà vấn đề là thổ nhưỡng, cho nên cái đất bị xáo trộn như vậy thì sau này chưa biết là trồng trọt như thế nào.

Và Tây Nguyên về khí hậu là 6 tháng nắng - 6 tháng mưa cho nên không thể nào hoàn thổ trước khi mùa mưa đến. Cho nên nói kế hoạch hoàn thổ là không khả thi. Tôi thì tôi cũng bảo là nói như vậy là nói chơi thôi, thâm chí là nói lừa thôi."

Nhà thầu Trung Quốc?

Việc các nhà thầu Trung Quốc đang có mặt tại Tây Nguyên cùng với hàng ngàn công nhân của họ tháp tùng có lẽ là mối quan tâm lớn nhất của dư luận.

Hai lá thư, một của đại tướng Võ Nguyên Giáp và một của trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đều tỏ mối quan tâm sâu sắc đến vấn đề quốc phòng và theo hai ông này thì khi để cho một công ty nước ngoài khống chế vùng Tây Nguyên tức là kiểm soát mái nhà của Đông Dương, đó sẽ là mối nguy tiềm ẩn cho an ninh quốc gia.

Thứ Trưởng Bộ Công Thương không đề cập đến lĩnh vực quốc phòng nhưng ông phân trần về nguồn dư luận cho rằng các công ty Trung Quốc sở dĩ thắng thầu là do có sự thiếu minh bạch trong khi đấu thầu, hay nói khác đi là tham nhũng đã nhúng tay vào. Ông cho biết:

"Cái việc nhà thầu Trung Quốc trúng thầu thì cũng có những tiếng lo ngại này nọ, thậm chí có những tiếng cực đoan cho là đã bắt tay ký kết với người ta trước rồi rồi mới làm, thì cái việc đấy tôi cho là nếu mà có như vậy, có những cái khiếu nại tố cáo như vậy thì cơ quan chức năng người ta sẽ làm rõ.

Nhưng mà đến giờ phút này, với những thông tin chúng tôi nắm được thì cái việc đấu thầu là thực hiện đúng theo các quy định của nhà nước, đựoc thực hiện một cách công khai minh bạch."

GS Nguyễn Huệ Chi nói thẳng rằng chính Trung Quốc tuyên bố là họ bỏ rất nhiều tiền vào Tây Nguyên chứ không phải chỉ có một công ty trúng thầu đang làm việc tại đây như lời ông Thứ Trưởng Lê Dương Quang khẳng định:

"Chính ông Trung Quốc nói ra rồi chứ chúng tôi có nói đâu. Người Trung Hoa nói là họ đã bỏ ra một khoản tiền cực kỳ lớn để bắt đầu triển khai công việc. Chính cái mạng Trung Quốc trên Inernet mà hiện nay tôi vừa dịch xong cái bài thì công ty của Trung Hoa đã bỏ vốn rất lớn ra để đưa sang khởi công từng phần của công trình khai táhc bauxite ở Tây Nguyên rồi.

Và ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc họp chính phủ lại còn nói đó chính là một sự đẩy mạnh mối quan hệ hợp tác Trung - Việt. Thế mà mấy ông Bộ Công Thương thì lại nói là chưa có chuyện ấy, thì chúng tôi phải lấy làm kỳ."

rung Quốc có một chính sách hẳn hoi rõ ràng là người ta khuyến khích những nhà thầu Trung Quốc khi đi nhận thầu thì đem được càng nhiều lao động Trung Quốc ra nước ngoài càng tốt, và sử dụng được nhiều vật liệu xây dựng do Trung Quốc sản xuất được thì càng tốt.

TS Phạm Sỹ Liêm

T

TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên thứ trưởng bộ xây dựng, cho chúng tôi cho biết rằng các công ty Trung Quốc được sự trợ giúp rất lớn từ chính phủ của họ. Ông nói:

"Trung Quốc có một chính sách hẳn hoi rõ ràng là người ta khuyến khích những nhà thầu Trung Quốc khi đi nhận thầu thì đem được càng nhiều lao động Trung Quốc ra nước ngoài càng tốt, và sử dụng được nhiều vật liệu xây dựng do Trung Quốc sản xuất được thì càng tốt. Và họ hình như họ có một quy định là nếu mà tổng số giá trị vật liệu chiếm trên 35% tổng giá trị vật liệu sử dụng công trình thì chính phủ có nhiều ưu đãi lớn."

Công luận cho rằng trong khi nhân công Việt Nam dư thừa và có dấu hiệu sẽ chịu thất nghiệp trầm trọng thì người Trung Quốc nhận những việc làm phổ thông ngay trên đất nuớc của mình không thể là một sự việc bình thường. Nguyên thứ trưởng Phạm Sỹ Liêm nhận định việc này là một sơ xuất khó hiểu của Bộ Lao Động-Thương Binh- Xã Hội. Ông nói:

"Không hiểu sao gần đây bên Bộ Lao Động hình như lại bỏ quy định hạn chế rồi, chỉ là cấp phép tuỳ theo từng trường hợp mà cho vào bao nhiêu người chứ không cái mức nào cả. Thế thì tôi cũng rất là lạ, mà bây giờ thì cũng chỉ mới biết qua cái việc vừa rồi báo chí tiết lộ thì mới biết."

Nhà văn Nguyên Ngọc tóm tắt nhận xét của ông trước những phát biểu của Thứ Trưởng Lê Dương Quang như sau:

"Những điều ông ấy nói hoàn toàn không thể thực hiện được trong thực tế. Và hơi lạ là cái này, tức là sau khi đã có cái thông báo của Bộ Chính Trị và sau đó có cả ý kiến của thủ tướng thì họ nói là phải hết sức cân nhắc tất cả các vấn đề đó thì ông này lại nói như không, nói hết sức vô trách nhiệm."

Trên nguyên tắc, dự án Bauxite được Bộ Chính Trị yêu cầu các bộ phối hợp nghiên cứu tất cả mọi khía cạnh trước khi đi vào khai thác.

Thế nhưng sau khi nghe phát biểu của Thứ Trưởng Lê Dương Quang thì có ý kiến trong công luận cho rằng tất cả mọi việc xem ra đã được xác định và dự án khai thác bauxite kể như không còn gì để bàn thảo. 

Đại biểu Quốc Hội, sử gia Dương Trung Quốc từng nói lên điều này, như một lời than, với Đài Á Châu Tự Do chúng tôi.

 

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/the-bauxite-project-from-statement-of-deputy-ministry-of-industry-and-trade-MLam-05082009135935.html

 

 

  ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org