Võ Hồng vào tuổi 80 !

Vietsciences-N     29/05/2007
 

 

• Thứ Tư, Tháng Bảy 22nd, 2009
Vo Hong,1997(Anh DHN)

Nhà văn Võ Hồng,1997(Ảnh DHN)

Tôi quen biết anh từ 30 năm trước ở Nha Trang. Tính về vai vế tôi phải gọi anh bằng… “ông”, vì dì tôi là bạn của con gái lớn anh. Nhưng anh vốn xuề xoà, dễ tính, bảo gọi bằng anh thôi. Còn anh luôn toa, moa với tôi một cách thân mật.
Năm nay có dịp về Nha Trang, tôi ghé thăm anh. Tìm nhà hơi khó vì đường sá đã mở rộng, nhà cửa thay đổi nhiều. Tôi đang loay hoay tìm cây khế, cây trứng cá “làm dấu” trước nhà thì một bà già đi ngang qua thấy, hỏi tìm ai, “Dạ tìm ông nhà văn Võ Hồng”, bà đáp: “Văn võ nào đâu tôi chả biết, chỉ biết có ông già sống một mình ở ngôi nhà kia thôi!”. Tôi kể lại anh nghe, anh cười ha hả, có vẻ… chịu bà già lắm vì nhà văn Võ Hồng thì không biết mà lại biết anh sống một mình!

Mà thiệt vậy! Vợ anh mất sớm lúc anh hãy còn rất trẻ. Anh vẫn ở vậy, không tục huyền, dù không ít cô thầm thương trôm nhớ ông thầy giào, ông nhà văn nho nhã, dễ mến. Anh vẫn gà trống nuôi con. Tất cả đều thành đạt, đều đang sinh sống ở nước ngoài, chỉ còn ông… gà trống ngày một lớn tuổi loay hoay một mình với những người hàng xóm, với cây trứng cá, cây khế và mấy gốc dừa.

Anh nuôi một con chó con làm bạn. Lần tôi đến thăm, anh lững thững ra mở cổng, con chó ùa ra sủa ầm lên. Tôi hơi hoảng, hỏi: chó có dữ không anh? Anh trả lời tỉnh queo: nó còn hiền hơn moa! Rồi anh dẫn tôi lên gác. Vẫn căn gác nhỏ với một phòng chừng hai chục mét vuông, vừa là chổ ăn ngủ, làm việc, tiếp khách… lổn ngổn những sách vở, thư từ, bản thảo… Nhờ cái sân thượng phía trước có bóng râm cây khế, cây dừa mà anh còn có chổ để mà trầm tư mà hoài cố nhân… Anh khoe với tôi cái chậu nhỏ trong đó có một cây gai bàn chải to bằng bàn tay. Anh nói miền quê anh đi đâu cũng gặp cây gai bàn chải mọc dọc hai bên đường. Anh nhớ nó quá nên tìm một gốc về trồng. Anh giấu nó ở một góc sân thượng, sợ người ta trông thấy cho là lập dị!

Có lần Đài truyền hình Trung ương làm một bộ phim ngắn về “Thầy Võ Hồng”. Anh rất cảm động khi được về thăm lại trường Bồ Đề cũ, chùa Hải Đức, nhà thờ Chánh toà Nha Trang… nhưng anh vẫn thấy ngường ngượng khi phải… đóng phim. Rồi cô Thu Trang dạy Cao đẳng sư phạm ở Tuy Hòa, quê hương anh, đã làm một luận văn thạc sĩ ngữ văn về sự nghiệp văn học của anh: “Võ Hồng, nhà văn và tác phẩm” do giáo sư Hoàng Như Mai hướng dẫn, mà người phản biện là tiến sĩ Huỳnh Như Phương ghi nhận xét: mong sớm được thấy in thành sách để giúp bạn đọc hiểu thêm về nhà văn Võ Hồng. Nhắc đến mình, anh như luôn có vẻ ngượng. Mấy năm trước, trong thư gửi tôi, kèm tập thơ mới in của anh, anh viết: “Đọc lại văn mình moa thấy: nếu là văn xuôi thì Ngộ, còn thơ thì Ngượng. Cái gì mà yêu thương, nhớ nhung, đợi chờ… mắc cỡ thấy mồ!”. Tôi hiểu anh, bởi vì văn thì còn đổ thừa tại hư cấu, tại tâm lý nhân vật nọ kia, chứ thơ thì hết phương chối cãi! Nhưng theo tôi, văn Võ Hồng đã là một thứ thơ, một thứ thơ xuôi, nhàn nhã, đầm thắm, chân thật… làm xúc động lòng người!

Hỏi anh lúc này có khoẻ không, anh nói khoẻ gì nổi, bệnh rề rề. Nhiều tuổi rồi, con ở xa, bệnh cũng làm biếng đi bệnh viện nữa. Phải nhờ người quen đưa đi khám hoài ngại quá! Vậy mà hôm nghe tôi bệnh nặng, phải đi mổ cấp cứu, anh viết thư: “Mười hai giờ khuya, moa ra sân thượng, quỳ hướng về sao Bắc đẩu hết lòng cầu nguyện cho toa tai qua nạn khỏi…”.

Trở lại chuyện thăm anh ở Nha Trang lần này, tôi thật bất ngờ thấy anh không còn “cô đơn” nữa. Trong phòng anh treo một tấm ảnh chân dung khá lớn của cô đào hát bóng xinh đẹp Lý Linh, người đóng vai Tống Khánh Linh trong phim nhiều tập chiếu trên truyền hình! Thì ra “ông lão” mê cô tài tử này không biết tự bao giờ! Thấy tôi bỡ ngỡ, anh cười: “Đứa cháu mình ở ngoài quê coi phim rồi nói với mình: Cậu ơi, sao mà cô đào đóng phim này giống hệt mợ… Mình giật mình, “kiểm chứng” lại quả là có nhiều nét giống y hệt vợ mình hồi đó, nên mình treo ảnh này lên đây”. Anh lại có vẻ ngượng.

Nhớ Tết này anh đã tám mươi, tôi thử bói cho anh một quẻ bằng cách mở ngẫu nhiên một trang trong cuốn Trầm tư của anh mà tôi gọi là “bói Võ Hồng”, tình cờ trúng câu 259, câu trao đổi của anh với một “cô nào đó”, chắc là Lý Linh:

- Em như đoá hồng dành cho vương tôn quyền quý, còn anh…

- Câu đó phải do em nói. Tâm hồn anh đẹp và mảnh như hoa. Nên khó nuôi dưỡng, khó chăm sóc. Em đành phụ bạc anh…

Vậy là anh chàng “Tú Uyên” Võ Hồng với “tâm hồn đẹp và mảnh như hoa” đó vẫn chờ đợi nàng Giáng Kiều từ trong tranh một hôm nào đó lại bước ra…

 

Đỗ Hồng Ngọc
(2001)

 

© http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org N