|
Madeleine Coloni
(1866-1943) nhà khảo cổ đã đi tìm tiểu sử Việt Nam
|
|
Giới khảo cổ về Đông Nam Á trên thế giới không ai không biết đến công trình
của Madeleine Colani.
Bà khám phá ra rất nhiều di tích khảo cổ tại bắc Đông Dương thuộc Pháp vào nửa đầu thế kỷ 20. Trong công trình đồ sộ của bà, đặc biệt phải kể đến những kết quả khảo cổ cực kỳ quan trọng của những khai quật ở Hoà Bình, Sa Huỳnh, và ở Ban Ang bên Lào. Hai nền văn hóa tiền sử mới Hoà Bình và Sa Huỳnh là hai địa điềm được bà khai quật và nghiên cứu trên đất Việt. Hai địa danh này sau đó được ngành khảo cổ thế giới dùng để chỉ các di tích tiền sử có đặc trưng của hai nền văn hóa này (như các loại và kiểu đồ người tiền sử làm, cách thức họ chôn người chết…). Văn hóa Hòa Bình là văn hóa của người tiền sử sống trong vùng Đông Nam Á vào cuối thời đồ đá cũ. Sau phát hiện của bà Colani, di tích loại Hòa Bình được giới khảo cổ tìm thấy rải rác khắp Đông Nam Á lục địa. |
|
|
Vài nhà khoa
học cho rằng văn hóa này còn dấu vết lan truyền đến các đảo Nhật Bản
và Úc Châu. Cánh đồng Ban Ang ở Bắc Lào, nơi bà tìm thấy các chum
tiền sử khổng lồ, bây giờ gọi là "Cánh đồng Chum". Địa danh này nổi
tiếng thế giới trong chiến tranh Đông Dương lần thứ hai, vì là nơi
xảy ra những trận đánh lớn giữa quân Pathet Lào và quân Hoàng Gia
Lào. Ngày nay Cánh Đồng Chum là một trong những địa điểm du khách
quốc tế thường viếng tại Lào.
Từ Pháp đến Bắc Việt
Madeleine Coloni sinh năm 1866 tại Strasbourg (Đông Bắc Pháp) trong một gia đình theo đạo Tin Lành. Bà có ba anh em, tên André, Jeanne, và Léonore, tất cả đều học hành cao (André và Jeanne là giáo sư ). Theo gia phả tông chi, gia đình này không có hậu duệ.
|
Hình như người nào trong gia đình cũng đeo đuổi một lý tưởng sống nào đó nên không ai lập gia đình. Bà (Madeleine) và em gái Léonore sang Việt Nam và hiến cả cuộc đời mình cho việc khai phá giai đoạn tiền sử Đông Dương. Tuy gia phả ghi rất giản dị về bà (và cô em) : nhà thám hiểm tại Bắc kỳ -exploratrice au Tonkin - , công trình bà để lại cho ngành khảo cổ Đông Nam Á thật lớn lao.
Tại Hội Nghị Tiền Sử Viễn Đông Lần thứ Nhất tại Hà Nội tháng giêng năm 1932 (hội nghị đầu tiên về khảo cổ trên đất Việt Nam), bà đã trình bày đầy đủ bằng chứng sự hiện diện một nền văn hóa cổ không giống những văn hóa tiền sử biết đến trước đó trên thế giới. Bà nổi danh trên thế giới từ đó qua sự chính thức công nhận nền văn hóa Hòa Bình tại hội nghị này.
Hơn nửa thế kỉ sau, bà được vinh danh qua Hội nghị các nhà khảo cổ thế giới kỷ niệm 60 năm công trình về văn hóa Hoà Bình của bà -THE HOABINHIAN 60 YEARS AFTER MADELEINE COLANI: ANNIVERSARY CONFERENCE- tổ chức cuối năm 1993 tại Hà Nội.
Madeleine Colani sang Việt Nam làm việc tại Phòng điạ chất và dạy vạn vật vào năm 33 tuổi. Bà học thêm và lấy được bằng tiến sĩ thực vật cổ (paleobotanist) năm 54 tuổi với luận án về vi sinh vật biển hoá thạch Fusulinidae. Sau đó bà cộng tác với ông Henry Mansuy, nhà khảo cổ nổi tiếng của Trường Viễn Đông Bác Cổ (TVĐBC). Ông Mansuy tìm ra trước đó (từ năm 1906) nhiều đồ bằng đá mài và đồ gốm cổ 5000 năm trong vùng Bắc Sơn (tỉnh Lạng Sơn).Một khám phá quan trọng cho Đông Dương.
Trường Viễn Đông Bác Cổ được Pháp lập ra năm 1900 nhằm tranh đua với các cường quốc thuộc địa khác trong lãnh vực khảo cổ, một lãnh vực được dân Âu Châu rất ưa chuộng từ thế kỷ 19 cho đến nay (gần như cùng một lúc, hai cường quốc Anh và Hòa Lan lập những cơ quan khảo cổ tương tự tại thuộc địa Á châu của họ : Archaeological Survey of India, Commissie in Nederlandsch- Indie voor Oudheidkundig Onderzoek. Gọi là trường nhưng nhân viên chỉ lo việc nghiên cứu khảo cổ, phân loại, bảo quản đồ khai quật được, và trùng tu đền đài cổ tại Đông Dương.
Cho đến đầu thế kỷ hai mươi, các cường quốc Âu Mỹ quan niệm rằng văn minh cổ Đông Á chỉ có ở An Độ và Trung Hoa, còn những dân tộc Đông Á khác đều lạc hậu, chỉ biết bắt chước theo kiểu mẫu An-Hoa. Ngay cả khi Tây phương biết đến trống đồng Ngọc Lũ (do chính dân làng Ngọc Lũ tìm ra từ cuối thế kỷ 19 và đem về đình làng thờ) và những đồ đồng cổ tuyệt xảo khác, họ cũng không tin cư dân cổ trong vùng có thể "văn minh" đến mức tự mình sáng chế ra được trống, mà chỉ có thể bắt chước dân Trung Hoa, hay …dân đông nam Âu Châu (theo Heine Geldern). Tính cách bản địa của văn minh Đông Sơn chỉ được chấp nhận sau này, nhờ những khám phá kể từ 1954 đến nay của ngành khảo cổ Việt Nam.
Văn Hóa Hòa Bình : một khám phá cực kỳ quan trọng
Công lớn của bà Colani là tìm thấy thật nhiều di vật khảo cổ, đủ nhiều để sắp xếp, phân loại chúng và lập luận thuyết phục khảo cổ học thế giới rằng cư dân cổ bắc Việt có một nền văn hóa Hòa Bình riêng biệt so với các nền văn hóa thế giới khác.
Vừa vào ngành khảo cổ, cùng Mansuy bà viết ngay một bài báo về một số lượng lớn sọ rất cổ tìm thấy ở Làng Cườm (Bắc Sơn) năm 1925. Bài này và nhất là bài báo đầu tiên chỉ mang tên bà về di chỉ Hoà Bình trong tạp chí "Anthropologie" năm 1926, chứng tỏ bà là một nhà khảo cổ lớn.
Năm 1923, bà cùng những người hướng dẫn địa phương khám phá ra một số lượng rất lớn di cốt người và dụng cụ bằng đá, trong một hang đá vôi thuộc tỉnh Hòa Bình. Bà cho chở về Hà Nội hơn bốn mươi giỏ to. Vừa thấy Colani với số lượng chưa từng thấy đồ vật cổ, Mansuy đã vội vã kết án bà là "Tomb raider" (kẻ cướp mồ). Dù số " đồ cổ " văn hóa Hòa Bình này chỉ là xương và đá, không phải vàng- bạc- đá quý ! Hơn nữa, bà làm việc với tư cách nghiêm túc của nhà khảo cổ : khảo sát, ghi chép, rồi mang về nộp cho TVĐBC. Trong mấy năm liền sau đó, bà liên tục khám phá thêm mười hai hang động trong vùng Hòa Bình, khai quật được một số lượng di vật hiếm thấy. Sau khi phân tích chúng và so sánh liên hệ với đồ đá tìm thấy trong vùng núi Bắc Sơn, bà đề nghị xem toàn thể những di vật đặc biệt bằng đá cuội (với đặc điểm là chỉ được đẽo ở lưỡi hay rìa) là của cùng một nền văn hóa, văn hóa Hòa Bình hay Hoabinhien (tiếng Anh là Hoabinhian).
Bà chia văn hóa tiền sử này thành ba giai đoạn. Giai đoạn xưa nhất bắt đầu vào cuối thời đố đá cũ. Giai đoạn thứ ba nằm vào đầu thời đố đá mới. Ngành khảo cổ Việt Nam căn cứ vào những kết quả thu thập được sau thời Pháp thuộc để thẩm định thời gian tồn tại của văn hóa này tại Việt Nam vào khoảng mười tám ngàn năm đến bảy ngàn năm trăm năm trước ngày nay. Văn hóa Hoà Bình là văn hóa của người khôn ngoan Homo sapiens . Họ cùng giống với người ngày nay và cũng thông minh như họ. Nhưng vào thời tiền sử xa xưa, vốn kỹ thuật con người tích tụ ít ỏi, nên cuộc sống họ còn thô sơ. Người khôn ngoan buổi đầu ẩn trú trong hang động và dưới mái đá bên sườn núi hay sống ngoài trời. Họ sống bằng thú săn, hái rau trái, đào các loại củ ăn được. Họ biết chế dụng cụ bằng đá và gây lửa từ những thức chất có sẵn trong thiên nhiên. Lửa dùng nấu thức ăn, và dụng cụ đá dùng trong việc tìm thức ăn cũng như trong đời sống hàng ngày. Vết tích tro rác của bếp lửa và dụng cụ bằng đá hay bằng xương để lại là những di vật quý giá chứng minh sự hiện hữu của người tiền sử, đồng thời cho phép người ta tìm hiểu đời sống cổ tại nơi ấy.
Các nhà khảo cổ trên thế giới tìm được tại nhiều nước Á Đông khác những văn hóa cổ có cùng đặc điểm với dụng cụ đá tìm thấy ở Hòa Bình. Theo thông lệ trong ngành khảo cổ, người ta dùng địa danh của nơi đầu tiên tìm thấy các dụng cụ đá đặc biệt để đặt tên cho mỗi loại văn hóa cổ thời đồ đá cũ và xếp vào cùng loại « văn hoá » ấy những di tích tương tự có cùng đặc điểm tìm được về sau tại các địa điểm khác. Vì vậy "văn hóa Hòa Bình" được xem như phân bố rộng khắp vùng Đông Nam Á, và là văn hóa tượng trưng cho « kĩ thuật sinh sống » của tổ tiên dân Đông Nam Á vào thời tiền sử trong môi trường sinh thái vùng này lúc đó. Địa điểm văn hóa Hòa Bình tại Việt Nam hầu hết đều ở miền Bắc, trong các hang động vùng núi đá vôi (karst). Ngoài ra người ta còn thấy chúng ở nam Trung Hoa, Thái Lan, Mã Lai và đông Sumatra (Indonesia). Theo một số người, "văn hóa Hòa Bình" cũng có mặt tại những địa diểm xa phía bắc như Nhật Bản, hay phía nam như Úc châu, nhưng giả thuyết này không được nhiều người đồng ý. Vì tuy có cùng "cái lõi văn hóa Hòa Bình ", những cư dân tại các địa điểm khác nhau có những truyền thống riêng (thí dụ các dụng cụ với số lượng và thể loại tương đối khác nhau). Người ta có thể nói những cư dân ấy cùng gốc, nhưng không thể nói các người cổ các vùng khác nhau đều đến từ vùng Hòa Bình. Nói khác đi, Hòa Bình không phải là cái " rốn " hay « nôi » của Đông Nam Á cổ. Các nhà khảo cổ thế giới tại Hội Nghị "Hoabinhian 60 năm sau" đề nghị dùng từ " văn hóa Hoà Bình" trong nghĩa techno-complex, tập hợp những dụng cụ có cùng một kĩ thuật, chứ không hàm ý nguồn gốc ở Hòa Bình.
Đặc điểm văn hóa Hòa Bình là
dụng cụ đá cuội đẽo tương
đối thô sơ. Cuội là những
hòn đá trên núi bị nước lũ
cuốn đi, va chạm, chà xát
lẫn nhau trong lòng sông làm
vỡ nhỏ ra và các góc cạnh bị
mài mòn. Cuội thường hình
tròn, dẹp hay bầu dục; bề
mặt nhẵn tự nhiên của cuội
được gọi là vỏ cuội. Người
cổ Hòa Bình nhặt cuội lòng
sông hay trên bờ và chọn một
số lượng vừa đủ những hòn
cuội có hình dạng và cỡ lớn
thích hợp với thứ dụng cụ
theo ý muốn. Họ chỉ đẽo một
đầu hay một bên rìa cuội để
có cạnh sắc và tận dụng
nguyên trạng phần vỏ cuội
nhẵn mòn tự nhiên. Các nhà
khảo cổ đã thử nghiệm đẽo
cuội hầu tìm hiểu kỹ thuật
người xưa. Kỹ thuật đẽo đá
có chung một nguyên tắc :
người ta dùng một hòn đá thứ
hai đánh lên cạnh hòn đá
muốn đẽo (đá cuội hay đá
lửa). Tùy theo loại đá, sức
đánh, cách đánh và chỗ đánh
…, hòn cuội vỡ theo một hình
nhất định. Với cách đẽo theo
một thủ thuật và thứ tự định
trước trong đầu, người cổ
làm ra nhiều dụng cụ lớn nhỏ
với các dáng dạng và cạnh
bén khác nhau tuỳ theo những
sử dụng cần thiết cho cuộc
sống. Vì dụng cụ Hòa Bình
không được gọt đẽo công phu,
như thể chỉ cần vừa đủ xài,
người Hòa Bình có lẽ sản
xuất dụng cụ rất nhanh. Để
chứng minh điều này, một nhà
khảo cổ Thái Lan đã biễu
diễn chế tạo dụng cụ cuội
cấp kỳ bằng vài nhát đẽo
trước cử tọa “ Hội Nghị
Hoabinhian 60 năm sau Colani
”.
Đa số dụng cụ văn hóa Hòa
Bình chỉ được đẽo trên một
mặt, mặt bên kia còn nguyên
vỏ cuội. Tuy nhiên tại một
số địa điểm Bắc Việt Nam và
trên bán đảo Mã Lai có dụng
cụ đá cuội đẽo hai mặt công
phu hơn. Những dụng cụ đá
gọi là choppers/ chopping
tools này có dáng vẻ thô sơ
hơn nhiều so với dụng cụ đẽo
tinh xảo của người khôn
ngoan phương Tây cùng thời.
Từ điểm này một số nhà khoa
học, như ông Movius người
Mỹ, đã đặt thuyết vùng Đông
Nam Á lạc hậu trì trệ, và
người cổ Đông Nam Á kém tiến
hóa so với người cổ phía
Tây. Ông này vẽ trên bản đồ
đường ranh Movius chia thế
giới cổ thành một bên tiến
bộ và một bên lạc hậu. Quan
điểm này tồn tại đến giữa
thế kỷ 20.
Nhưng vào thập niên 60 các
khám phá khảo cổ chấn động
thế giới tại Thái Lan,
Malaysia, Indonesia,
Philippines, các đảo nam
Thái Bình Dương khiến các
nhà tiền sử học đặt lại vấn
đề tiền sử Đông Nam Á. Trước
hết, nhà khảo cổ Úc Gorman
tìm thấy tại hang Ma (Spirit
Cave, Thái Lan) những dấu
hiệu cho thấy người thuộc
văn hóa Hòa Bình đã bắt đầu
trồng trọt bầu bí sớm hơn
bất cứ nơi nào khác trên thế
giới (hơn mười một ngàn năm
trước). Với những khám phá
mới và cái nhìn tổng quát,
càng ngày càng có nhiều nhà
khảo cổ bác bỏ thuyết Đông
Nam Á tiền sử lạc hậu. Nhiều
người còn đi rất xa trong
hướng ngược lại, chủ trương
Đông Nam Á đã đi trước
phương Tây trong việc trồng
trọt, đóng thuyền, đi biển
xa, làm đồ gốm, đúc đồng
thau. Solheim II (giáo sư
đại học Hawaii) là người
tiên phuông trong việc này.
Theo Solheim II, giai đoạn
sớm văn hóa Hòa Bình bắt đầu
năm mươi ngàn năm trước, và
giai đoạn muộn, theo Gorman,
kéo dài đến ba ngàn năm trăm
năm trước ngày nay. Và chủ
nhân văn hóa này là gnhững
người đầu tiên biết trồng
trọt, đúc đồ kim loại, đóng
thuyền đi biển, đem văn hóa
họ đến bắc Trung Hoa, Nhật
Bản, Philippines…Mô hình
tiền sử của Solheim II tái
lập danh dự cho tổ tiên
người Đông Nam Á, nhưng có
người trách luận điểm của
ông thiếu cơ sở vững chắc.
Gần đây, ông Oppenheimer
dùng cách tiếp cập đa ngành
và thêm một số kết quả mới
để chứng minh người cổ Đông
Nam Á văn minh sớm hơn nơi
khác, và đã đem văn hóa họ
vào một vùng lớn lục địa và
hải đảo, đến tận trời Tây.
Theo ông, nạn biển dâng cao
vào khoảng mươi ngàn năm
trước, nhận chìm xuống biển
phần đất rộng lớn nơi họ
sống, là động cơ thúc đẩy họ
phải thích ứng với việc dùng
thuyền đi xa. Dù ông không
nói đó là công trình của chủ
nhân văn hóa Hòa Bình, luận
điểm “ người tiền sử Đông
Nam Á kém tiến hóa vì dụng
cụ đá đẽo kiểu Hòa Bình của
họ thô sơ ” ngày nay không
còn thuyết phục ai. Có lẽ
triết lý của người tiền sử
Đông Nam Á là không cần bỏ
công sức thì giờ gọt đẽo tỉ
mỉ dụng cụ đá nếu cuộc sống
không đòi hỏi. Ngược lại, có
nhiều khả năng họ đã biết
làm và dùng dụng cụ tre, gỗ,
mây, dây, lá rừng, là những
nguyên liệu dồi dào nơi họ
sống, một môi trường sinh
thái giàu thực vật và động
vật đủ loại (rừng mưa nhiệt
đới).
Cũng nên biết nhiều nền văn
hóa của người khôn ngoan
nối tiếp nhau trên đất Bắc
Việt trong thời tiền sử :
trước văn hóa Hòa Bình có
văn hóa Sơn Vi, và tiếp nối
có văn hóa Bắc Sơn. Văn hóa
Bắc Sơn có mặt gần như song
song với giai đoạn trể văn
hóa Hoà Bình, và được phát
hiện trước văn hóa Hòa Bình
(đầu thế kỷ hai mươi) trong
vùng cực bắc Việt Nam (vùng
Lạng Sơn). Bà Colani và ông
Mansuy (những người khám
phá) xem văn hóa Bắc Sơn như
là một văn hóa hình thành do
sự pha trộn văn hóa cổ tại
chỗ với văn hóa cao hơn do
di dân nơi khác mang vào Bắc
Việt, trong khi giới khảo cổ
Việt Nam xem văn hóa này là
văn hóa bản địa với các yếu
tố văn hóa Hòa Bình và thêm
kỹ thuật mài ở lưỡi dụng cụ
đá cuội. Văn hóa Bắc Sơn như
vậy tiến bộ hơn văn hóa Hòa
Bình : rìu đá có lưỡi mài
nhẵn hiệu quả nhiều hơn rìu
đẽo thô trong việc đốn cây,
mở đầu cho việc trồng trọt.
Một điều đáng chú ý của di
chỉ hai văn hóa cổ này, là
sự có mặt của rất nhiều vỏ
ốc núi, ốc suối trong đống
rác bếp tiền sử. Điều đó
chứng tỏ người cổ tại đấy
hay ăn ốc, như người Việt
ngày nay. Hai chị em bà
Colani cũng có công tìm được
dấu mỹ thuật trong di vật cư
dân cổ Hòa Bình – Bắc Sơn,
như vỏ ốc biển mài thủng
lưng có thể xâu dây đeo làm
trang sức, đá phiến hay đá
cuội to có khía vạch song
song (ở Phố Bình Gia). Trong
văn hóa Bắc Sơn, bà Colani
tìm thấy tại hang Nghinh Tắc
một phiến đất sét vàng mịn
có trang trí với mười lăm
nhóm vạch trên mặt và bên
rìa ; bà tìm được tại Nà Ca
một phiến đá trang trí hai
mặt những đường cong chia
nhánh, cùng một hòn cuội
khắc đầu người với tai mắt,
mũi, miệng, cằm, cổ, và tại
động Ky, một phiến đá một
mặt trang trí nhiều hình kỷ
hà, mặt kia khắc một mặt
người. Trong hang Đồng Nội,
ngoài những mảnh gốm thô có
trang trí, bà khám phá bốn
hình khắc sâu trên vách
hang. Đó là những mặt người
có đủ mắt mũi miệng, đặc
biệt trên đỉnh đầu có vẽ một
nhánh thẳng lên và chia
thành hai nhánh cong ra
ngoài, trông giống như người
đội sừng. Đó là hầu hết
những biểu tượng mỹ thuật
người ta biết đến ngày nay
trong hai nền văn hóa cổ
này.
Bà Colani và mộ chum văn hóa
cổ Sa Huỳnh
Sau nhiều năm thám hiểm tại
vùng hang động trong nhiều
tỉnh miền bắc (Hòa Bình, Lai
Châu, Sơn La, Thanh Hóa,
Nghệ An), bà Colani chuyển
địa bàn khảo cổ xuống miền
Trung. Bà vẫn còn thấy dấu
vết văn hóa Hòa Bình trong
các hang động từ Bắc Việt
đến vùng Quảng Bình, Quảng
Trị. Từ Gio Linh trở vào, bà
khám phá di tích những văn
hóa tiền sử khác hơn.
Tại Sa Huỳnh, năm 1909, các
nhà khảo cổ Pháp phát giác
một "kho" chứa 200 cái chum
(vò) nằm không sâu dưới đất
trong một cồn cát ven biển
vùng Sa Huỳnh, một huyện nằm
cạnh quốc lộ 1 về phía biển
tỉnh Quảng Ngãi ngày nay.
Sau đó, họ liên tiếp khai
quật mộ chum cổ khắp miền
Trung vào những năm 1923,
1934, 1935, 1939, 1951, và
thông tin nhiều lần trên Tập
san Trường Viễn Đông Bác cổ.
Bà Colani cũng tham gia khai
quật nhiều điạ điểm thuộc
văn hóa Sa Huỳnh vào thập
niên 30 thế kỷ 20.
Văn hóa Sa Huỳnh không được
biết rõ bằng văn hóa Đông
Sơn, dù rằng nhiều nhà khảo
cổ, như Solheim II và
Oppenheimer, xem nó là văn
hóa quan trọng trong tiền sử
Đông Nam Á. Sau 1975, ngành
khảo cổ Việt Nam có khám phá
thêm nhiều địa điểm mộ chum
tại Trung và Nam Việt Nam.
Một viện bảo tàng được lập
ra tại Hội An để trưng bày
những gì liên quan đến văn
hóa này.
Những năm gần đây có thêm
nhiều công trình khai quật
quy mô hơn nhờ sự hợp tác
quốc tế (với Toyota
Foundation, với Anh, Đức…).
Một phần kết quả hợp tác
khảo cổ Việt- Đức vừa được
công bố trong một cuốn sách
độc đáo : "Neue Entdeckungen
zur Sa Huynh- Kultur", hay
"Những phát hiện mới về văn
hóa Sa Huỳnh" - Gò Mả Vôi
(Lindensoft, ISBN
3-929290-27-8, 2002). Đây là
cuốn sách song ngữ về văn
hóa Sa Huỳnh độc nhất từ
trước đến nay. Đồng tác giả
là ba nhà khảo cổ Andreas
Reinecker, Nguyễn Chiều và
Lâm thị Mỹ Dung đã cùng khai
quật địa điểm Gò Mả Vôi bên
bờ sông Thu Bồn (gần Hội
An). Cuốn sách đáng được
cộng đồng người Việt chú ý,
vì ngoài những tư liệu quý
giá với hình ảnh màu rõ
ràng, sách do tiến sĩ
Reinecker viết bằng hai thứ
tiếng Việt- Đức, ông
Reinecker chuyên gia khảo cổ
Đông Nam Á trẻ và thông thạo
tiếng Việt khai quật nhiều
nơi tại Việt Nam từ mười năm
nay, và tiến sĩ Mỹ Dung,
khảo cổ gia có nhiều đóng
góp cho tiền sử nước Việt.
Trong các chum táng người
chết, người ta thường tìm
được đồ tùy táng bằng kim
loại, đồ gốm, và rất nhiều
đồ trang sức. Các món trang
sức này là những hoa tai
thật đẹp (như khuyên tai hai
đầu thú) làm bằng nhiều loại
đá quý và bằng thuỷ tinh,
đặc trưng của văn hóa Sa
Huỳnh. Người ta mới tìm được
trong những chum to tại Lai
Nghi (tỉnh Quảng Nam, gần
Hội An) nhiều di vật đặc sắc
chưa từng thấy trong các mộ
chum. Đó là những xương chưa
huỷ nát, rất hiếm thấy trong
hơn ngàn mộ chum tìm được
đến nay. Đó là những hạt gạo
cháy, một đôi khuyên tai
bằng vàng, một hạt mã não
khắc thành hình con chim
nước và hơn ba ngàn hạt
chuỗi đủ loại.
Tiến sĩ Mỹ Dung nhận xét như
sau về những đồ trang sức
độc đáo này :
"Theo như biểu tượng của thế
giới, con chim nước tượng
trưng cho mặt trời. Chẳng
hạn hiện vật hình con chim ở
khu vực mộ chum hậu kỳ thời
đại đồ đồng vùng sông Danube
ở châu Âu. Hạt chuỗi mã não
duy nhất ở Đông Nam Á tìm
thấy ở Thái Lan có hình con
sư tử. Từ trước đến nay,
trong các mộ táng khai quật
được, chúng tôi chỉ phát
hiện những hạt mã não hình
chuỗi bình thường. Mã não
mang hình dạng con vật thì
chưa bao giờ tìm thấy"
…."Từ xưa đến nay người ta
vẫn cho rằng nghề thuỷ tinh
rất phát triển trong thời kỳ
văn hóa Sa Huỳnh. Nhưng phát
triển ở mức độ cao như vậy
thì thật đáng kinh ngạc."
Thật vậy, người Sa Huỳnh có
thể hãnh diện về tài sáng
tạo đồ trang sức bằng thuỷ
tinh của họ. Đồ trang sức
xưa nay vẫn được buôn bán,
trao đổi. Cho nên khuyên
tai, vòng tay đặc trưng của
văn hóa này đều được tìm
thấy nhiều nơi khác như Phi
Luật Tân, Đài Loan…. Riêng
hạt chuỗi, tính đặc trưng
khó thấy hơn, nên có người
căn cứ vào khả năng làm hạt
chuỗi thuỷ tinh thủ công
ngày nay và trong lịch sử để
kết luận là hạt chuỗi cổ
được đưa đến Việt Nam từ
Đông An Độ.
Nhưng một cục thuỷ tinh
nguyên liệu tìm thấy trong
mộ chum Lai Nghi đưa đến giả
thuyết đồ trang sức thuỷ
tinh được làm ngay tại chỗ :
nghĩa là trong văn hóa Sa
Huỳnh, chứ không phải từ nơi
khác đem vào. Căn cứ vào kỹ
nghệ thuỷ tinh ngày nay,
phải có nguyên liệu trước
khi muốn làm đồ trang sức
thủ công, nguyên liệu ấy là
những khối thuỷ tinh. Với
kinh nghiệm về lò làm đồ
gốm, họ có có thể nung chảy
cát trộn chung với muối và
vỏ sò nghiền (vốn là những
chất có sẵn ở miền Trung)
thành khối thuỷ tinh nguyên
liệu. Người xưa nung chảy
dẽo những khối thuỷ tinh,
rồi với dụng cụ sắt nắn, kéo
thuỷ tinh thành hình dạng
theo ý muốn. Người Sa Huỳnh
có đủ điều kiện về nguyên
liệu và kỹ thuật để sản xuất
đồ trang sức thuỷ tinh. Nghề
làm dụng cụ sắt của họ rất
phát triển. Tuy nhiên, đây
chỉ là suy luận, chứ chưa
(và khó) có được bằng chứng
qua di tích, di vật. Đây
cũng là điều thường gặp
trong ngành khảo cổ : người
ta đào được nhiều đồ gốm cổ,
nhưng ít khi tìm được lò hay
dụng cụ gốc làm nên gốm ấy.
Hạt cườm thuỷ tinh nhỏ li ti
là sản phẩm độc đáo của dân
Sa Huỳnh cổ mới được phát
giác gần đây. Cườm Sa Huỳnh
nhỏ đến nỗi phải rây kỹ cát
mới thấy; cườm nhỏ như thế
ngay cả bây giờ không dễ làm
được. Cườm cổ nhiều màu và
nhiều dạng khác nhau, và dĩ
nhiên đều có lỗ xỏ ở trục
giữa. Vào tháng 6 năm nay,
2003, các nhà khảo cổ Việt
Nam cũng vừa tìm thấy vô số
hạt cườm tại Động Cườm.
Chính bà Colani (bị gọi nhầm
là ông Colani trong bản tin
VNexpress.net năm 2003) đã
khảo sát Động Cườm vào năm
1934 ; tại Hội Nghị khảo cổ
Viễn Đông năm 1935 ở
Philippines bà nhấn mạnh đến
tầm quan trọng cho ngành
tiền sử của khu mộ chum này
(dưới tên "Tan Long"). Nhưng
người ta mất dấu Động Cườm
cho mãi đến gần đây. Nhờ
cuốn nhật ký khảo cổ của bà,
các nhà khảo cổ Bình Định đã
tìm lại được Động Cườm ở xã
Tăng Long ven biển xứ dừa
Tam Quan nổi tiếng, nơi sông
Lại Giang đổ ra biển. Trẻ
con và dân địa phương nhặt
cườm ở đấy từ xưa nên gọi là
động Cườm, chứ không có
"động" nào mà chỉ có những
cồn cát vắng, nơi người tiền
sử Sa Huỳnh táng người chết.
Trên diện tích 300 thước
vuông khai quật năm 2002,
các nhà khảo cổ đã tìm được
gần năm mươi mộ, nhiều mộ
còn nguyên với đầy đủ đồ tùy
táng, và vô số những hạt
cườm nhỏ bằng đầu tăm, nhiều
màu, từ đỏ sẫm đến xanh
dương, nhiều đến nổi "gom
không xuể ".
Bà Colani ghi trong nhật ký
hai địa điểm khảo cổ tại Tam
Quan : Gò Tháp và Động Cườm.
Gò Tháp xưa có tháp Chàm,
hiện nay nhiều người ở nên
khó khai quật, và cũng ít hy
vọng tìm được mộ còn nguyên
vẹn, vì nơi nào có mộ chum
cổ, dân nghèo đến đào tìm đồ
quý đem bán. Cũng may cồn
cát Động Cườm không người ở,
cũng chẳng ai biết có mộ
chum, nên mới còn di vật đến
bây giờ !
Cánh đồng Chum ở Lào
Những mộ chum tại Trung Việt
là những chum bằng đồ gốm,
vỏ mỏng ; chum tương đối to
nhưng thường cao không quá
một thước. Chúng được chôn
kỹ dưới đất nên không bị
thời gian và con người phá
hoại. Trên cánh đồng lộng
gió thuộc tỉnh Xieng Khuang
bên Lào, cách thành phố
Phonsavanh vài mươi cây số,
có từ bao giờ không ai biết
rõ, hàng trăm chum khổng lồ
bằng đá nằm rải rác, một
phần thân chôn dưới đất,
miệng chum cao hơn mặt đất,
hướng lên trời. Đa số chum
cao gần hai thước, nặng cả
tấn. Cái to nhất cao hơn 3
mét, nặng vài tấn. Bà Colani
không phải mất công tìm như
ở những nơi khác, thấy ngay
chúng khi đến nơi đó -Ban
Ang- . Người Pháp đặt tên
Plaines des Jarres Đồng Chum
(tiếng Anh : Plain of Jars).
Những chum Lào được đẽo từ
đá cát (sa thạch, cát kết)
nơi khác đem về chôn trên
cánh đồng này. Năm 1931, khi
bà Colani đến, dân chúng địa
phương và bọn trộm cướp đã
lấy hết đồ quý giá bên trong
từ lâu. Trong các chum chỉ
còn bùn than lẫn với vai mẩu
xương răng bị đốt. Bà không
bỏ cuộc, cho đào xới và tìm
được rất nhiều di vật trong
phần đất chung quanh các
chum, trong đó có dụng cụ
bằng đồng thau và sắt, bà
cho rằng người xưa dùng
chúng để đục khắc chum.
Ngoài ra còn có nhiều hạt
chuỗi bằng thuỷ tinh và đá
carnelian, vỏ sò, vòng tay
bằng đồng thau, chuông đồng
và đồ bằng đất nung sơn hình
kỷ hà. Những món đồ này cũng
như những di vật ông
Parmentier tìm được trước đó
theo bà Colani là đồ táng,
và các chum chứa xương cốt
người chết hỏa thiêu.
Bà cũng thám hiểm, khai
quật nhiều nơi khác trên
vùng bắc Lào. Bà tìm được
tại một hang trong đồi đá
vôi gần Ban Ang một di tích
minh chứng giả thuyết của
bà. Miệng hang nằm gần mặt
cánh đồng Chum, bên trong,
lòng hang thẳng lên thành
hai ống khói tự nhiên. Bà
thấy vách trong nám đen vì
khói, nên cho rằng hang là
chỗ hỏa thiêu người chết, và
những lọ tìm thấy trong hang
là đồ đựng di cốt hỏa thiêu.
Chum Ban Ang được thế giới
biết đến nhiều nhất, nhưng
trong tỉnh Xieng Khuang cũng
có nhiều chum cổ khác. Bà
tìm thấy nhiều chum tại nơi
bà gọi là Champ d’Aviation
de Lat Sen (tên sân bay Pháp
lúc đó), thật ra bà tìm thấy
chum trên đỉnh hai ngọn đồi
dốc thẳng.
Bà công bố kết quả nghiên
cứu di vật cổ trong những
sách chuyên đề ngay sau đó:
Cự thạch cổ của Bắc Lào
(Mégalithes du Haut-Laos,
COLANI Madeleine, Paris, Ed.
d'art & d'histoire, 1935, 2
quyển, 271 và 358 trang), và
Sử dụng đá thời xa xưa
(Emploi des pierres en des
temps reculés-
Annam-Indonesie-Assam,
Hanoi, 1940, 462 p). Cự
thạch là đá nguyên tảng thật
to do người thời tiền sử
chặt đẽo và dựng lên tại một
nơi chọn lựa theo tín ngưởng
thuở ấy.
Sách cũng ghi lại truyền
thuyết do dân chúng địa
phương kể về nguồn gốc chum
: một sứ quân ra lệnh làm
chum chứa rượu đế khao quân
mỗi khi thắng trận. Và cũng
theo truyền thuyết, chum
được làm bằng cát nấu với
đường và da trâu. Điểm này
hoàn toàn không đúng. Gần
đây, khi thám hiểm lại vùng
Xieng Khuang theo ghi chép
của bà Colani, giáo sư khảo
cổ đại học Iowa, Russel
Ciochon, tìm thấy được các
chum đúng tại những nơi sách
bà Colani ghi chú. Ông đem
về mẩu chum "sân bay Lat
sen" và qua kính hiển vi tìm
thấy cấu trúc thông thường
của đá cát (cuộc thám hiểm
được kể lại trên web site
www.uiowa.edu/~bioanth/laoskeep.html).
Điều làm ông Ciochon cũng
như nhiều người khác ngạc
nhiên là các Chum vẫn còn đó
qua mấy cuộc chiến, "cánh
đồng Chum" là vùng nhận
nhiều bom quân đội Mỹ nhất
trong chiến tranh Đông
Dương, không chỉ vì bị oanh
tạc, mà còn là nơi máy bay
Mỹ bỏ các bom chưa thả hết ở
Việt Nam trước khi đáp xuống
phi đạo Thái Lan.
Chum trên cánh đồng Ban Ang
do ai làm, vào lúc nào,
không ai biết chắc chắn.
Ngoài giải thích chum là
"quách" đựng di cốt sau khi
hỏa thiêu, bà Colani còn suy
luận rằng di tích Chum Ban
Ang nằm trong đường dây văn
hóa rộng lớn vào thời đồ
đồng thau. Bà so sánh, liên
hệ Chum ở đấy với chum Sa
Huỳnh và chum trên những đồi
bắc Cachar, vùng Assam (An
Độ) cách Ban Ang 600 miles,
vì tất cả đều có hài cốt
vụn. Bà cho là cả ba di tích
thuộc "đường dây" người buôn
muối từ Sa Huỳnh qua bắc
Lào, lên đến bắc Cachar.
Những người này có cùng văn
hóa, với tục táng người
trong chum. Bà còn vẽ một
bản đồ với đường nối liền ba
di tích, và đoán trước là
nếu thám hiểm dọc theo đường
này sẽ tìm ra nhiều di tích
chum khác.
Trong số nhũng nhà khảo cổ
chuyên nghiêp hay tài tử
người Pháp hay nước khác
hoạt động tại Đông Dương, có
lẽ Madeleine Coloni là người
đã khai quật nhiều địa điểm
nhất. Không những đồ vật
xương cốt thu thập đã nhiều
hơn người khác, bà còn biết
vận dụng nhiều môn khoa học
như điạ chất học, cổ thực
vật học, dân tộc học, và
khảo cổ học để phục vụ công
việc khảo cổ.
Bà là người xông xáo, làm
việc không ngưng nghỉ với
hiệu quả cao, suy luận sâu,
nên kết quả công bố rất
nhiều. Thế mà, dù cộng tác
lâu năm với TVĐBC, bà chưa
bao giờ được nhận là thành
viên của Trường này. Có lẽ
vì tiếng tăm nổi bật, bà là
nạn nhân của ganh tị, ghen
ghét đến từ các nam đồng
nghiệp.
TVĐBC đã từng bị tai tiếng
vì không tổ chức đúng đắn
việc khảo cổ trong nửa đầu
thế kỷ 20 ; trường đã dung
túng những người không
chuyên môn khai quật sai quy
cách vì chỉ cần những người
này đem về một phần di vật
cho Trường. Thí dụ trường
hợp Pajot, một nhân viên
quan thuế, khai quật di tích
Đông Sơn, trường hợp hai cố
đạo Max và Henry de Pirey
làm khảo cổ. Ngoài hậu quả
tai hại để lại do những bàn
tay tài tử bất chuyên và đầu
óc chỉ biết tư lợi, chẳng
hạn di tích bị mất mát, xáo
trộn, gây khó khăn cho việc
nghiên cứu về sau, còn lại
là thành kiến và hình ảnh
xấu về việc người ngoại quốc
khai quật khảo cổ đất nước
Việt Nam trong lòng người
địa phương.
Đồng nghiệp bà từng đồn đại
bà buộc cô em Léonore làm
những chuyện cực nhọc nhất
và đối xử khắc nghiệt với
cô. Bà thòng dây cho cô em
xuống một hang xưa, bà chỉ
kéo cô lên khi cô tìm ra
được cổ vật. Chuyện khó tin,
vì không lí do khiến cô em
buộc lòng phải theo bà trong
tất cả các cuộc thám hiểm
trên toàn cõi Đông Dương
trong mấy mươi năm. Hai chị
em vẫn cùng làm việc cho đến
lúc cả hai qua đời, chỉ cách
nhau vài tháng, vào năm
1943, lúc đó bà 77 tuổi. Năm
70 tuổi bà còn khai quật
những di tích tại Hà Tĩnh,
và tìm ra nền văn hóa cổ
Thạch Lạ ; . ngay sau đó bà
khám phá ra ở Gio Linh một
công trình thủy lợi người cổ
làm bằng bằng đá để đưa nước
từ hố chứa đến nhiều nơi cho
những công dụng khác nhau.
Bà Colani xứng đáng được
người Việt cũng như người
Lào biết đến và vinh danh,
bà đã cống hiến cả cuộc đời
cho việc khảo cứu, làm ngời
sáng đất nước Việt và Lào
qua văn hóa tiền sử. Biết
đến để ít ra tránh được sai
lầm gọi Madeleine Colani
bằng ông !
Tài liệu tham khảo : Sách
Khảo cổ học Việt Nam, và
nhiều Web sites
8/2003
http://vietsciences.free.fr |