Phùng Hữu Lan

 Vietsciences Lê Anh Minh   22/02/2007

 

Những bài cùng tác giả

Biển rộng trời cao ta vút bay

Hải khoát thiên không ngã tự phi 海 闊 天 空 我 自 飛

 

 

Phùng Hữu Lan (1895-1990)

Triết gia kiêm triết học sử gia trứ danh Phùng Hữu Lan 馮 友 蘭 tự là Chi Sinh 芝 生, sinh ngày 4 tháng 12 năm 1895 tại trấn Kỳ Nghi 祁 儀, huyện Đường Hà 唐 河, tỉnh Hà Nam 河 南. Tổ tiên ông quê ở huyện Cao Bình 高 平, tỉnh Sơn Tây 山 西 ; vào những năm Khang Hi đời Thanh, các cụ đã di cư đến Đường Hà mà kinh doanh. Trải hơn trăm năm, họ Phùng của ông trở nên thế gia vọng tộc ở nơi này. Cha ông tên Phùng Đài Dị 馮 臺 異, tự Thụ Hầu 樹 侯, hiệu Phục Trai 復 齋, đỗ tiến sĩ khoa thi năm Mậu Tuất (1898) tức năm Quang Tự 23. Bác trai và chú ông đều đỗ tú tài. Cha ông giữ nhiều chức vụ và từng làm tri huyện ở Sùng Dương 崇 陽, tỉnh Hồ Bắc 湖 北. Mẹ ông tên Ngô Thanh Chi 吳 清 芝, tự Tĩnh Nghi 靜 宜, thạo văn chương, rộng kiến thức, đảm việc nhà; từng làm giám học ở trường nữ Đoan Bản 端 本 tại Đường Hà.

 

Sinh bình, Phùng Hữu Lan yêu quý nhất ba người phụ nữ: mẹ, vợ, và con gái. Đối với mẹ, ông rất hiếu kính và vô cùng khâm phục. Ông từng viết: «Mẹ tôi là người mà trọn đời tôi kính phục nhất, cũng là người gieo nhiều ảnh hưởng cho tôi nhất.» [1] Do đó có thể hiểu vì sao ông lấy tên tự là Chi Sinh (mẹ ông tên Ngô Thanh Chi). Tại Trung Quốc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, một phụ nữ có học vấn uyên bác như bà thật là hiếm. Ngay từ lúc ông còn bé thơ bà đã dạy kinh điển Nho giáo cho ông. Khi Phùng Hữu Lan lên 13 tuổi, cha ông do bệnh mà mất; mẹ ông vừa là từ mẫu vừa đóng vai nghiêm phụ nuôi dạy anh em ông thành tài. Em trai ông là Phùng Cảnh Lan 馮 景 蘭, một nhà địa chất, và em gái ông là Phùng Nguyên Quân 馮 沅 君, một nữ tác gia và cũng là một nhà nghiên cứu về văn học cổ điển.

Toàn gia đình Phùng Hữu Lan (ảnh chụp năm 1935 nhân chuyến về thăm quê Hà Nam) — Hàng sau từ tráí sang phải: Nhiệm Tải Khôn (vợ), Ngô Thanh Chi (mẹ). Hàng trước: trưởng nữ Chung Liễn, trưởng nam Chung Liêu, thứ nữ Chung Phác (tức Tông Phác), thứ nam Chung Việt.

 

Trường hợp Phùng Hữu Lan khiến người ta liên tưởng Hồ Thích 胡 適 (1891-1962). [2] Cả hai đại học giả này đều thuộc giòng dõi nhà quan, thế gia sĩ tộc, đều sớm mồ côi cha – Phùng Hữu Lan mồ côi lúc 13 tuổi, Hồ Thích mồ côi lúc vừa lên 4 – và chịu ảnh hưởng của mẹ rất sâu đậm theo hai cách khác nhau. Mẹ của Hồ Thích họ Phùng, hai năm sau khi kết hôn với cha ông là Hồ Thiết Hoa thì sinh ra ông. Cha ông tên là Phó, tự là Thiết Hoa, từng làm quan nhiều nơi như Đông Tam Tỉnh, Quảng Đông, v.v... cuối cùng là làm tri châu của châu Trực Lệ ở Đài Đông (thuộc Đài Loan). Trong hồi ức của mình, ông kể lại những năm tháng ngắn ngủi được mẹ dạy dỗ sau khi cha đã mất. Khi cha ông mất, mẹ ông mới 23 tuổi và ông vừa lên 4. Hồ Thích từng tâm sự: «Tôi được mẹ thương yêu dạy dỗ nghiêm khắc được 9 năm, chịu ảnh hưởng rất sâu đậm của mẹ. Khi tôi 14 tuổi (thực ra là 12 tuổi 3 tháng) thì phải rời mẹ mà đi học xa hơn 20 năm không ai quản thúc. Nếu tôi học tập được mảy may tính chất tốt đẹp nào, nếu tôi học tập được thái độ ôn hoà trong cư xử với tha nhân, nếu tôi có thể khoan dung thứ tha được người khác, thì tất cả là nhờ ở mẹ hiền của tôi mà có.» [3] Sự khác biệt giữa hai bà từ mẫu ở chỗ: Mẹ của Phùng Hữu Lan là phụ nữ trí thức, học vấn uyên thâm, tinh thông Nho học; còn mẹ Hồ Thích là phụ nữ ít học, lúc lập gia đình còn chưa biết chữ. Hồ Thích đã viết trong hồi ức của ông: «Sau khi kết hôn không lâu, cha tôi đưa mẹ tôi đến chung sống tại Thượng Hải, giúp mẹ tôi thoát cảnh khổ sở của một đại gia đình. Cha rất yêu mẹ. Dù bận bịu trăm công ngàn việc, nhưng cha vẫn dành thời giờ để dạy mẹ tôi nhận biết mặt chữ Hán. Những năm ấy gia đình cực kỳ hạnh phúc. Thuở thơ ấu, tôi rất được cha yêu thương chìu chuộng. Khi tôi chưa đầy ba tuổi, cha tôi lấy những tờ giấy hồng điều có viết chữ Hán mà cha đã từng dạy cho mẹ đem ra dạy lại cho tôi. Cha là thầy giáo của tôi và mẹ tôi đứng bên cạnh làm phụ giảng. Khi tôi học chữ mới thì mẹ cũng có dịp ôn lại những chữ mẹ đã học. Lúc cha quá bận rộn thì mẹ thay cha dạy chữ cho tôi.» [4] Nhờ sự giáo dục nghiêm khắc về đạo đức và nhân cách do bà mẹ ấy mà về sau Hồ Thích trở thành một học giả danh tiếng.

 

Hồ Thích (1891-1962)

Trở lại trường hợp của Phùng Hữu Lan, ngoài mẹ, còn hai người phụ nữ nữa mà ông rất mực yêu quý đó là vợ và con gái. Vợ ông là nữ sĩ Nhiệm Tải Khôn 任 載 坤, tự là Thúc Minh 叔 明, thành thân với ông năm 22 tuổi (nhỏ hơn ông một tuổi). Hưởng ứng phong trào Ngũ Tứ, bà cùng với ông sáng lập tạp chí Tâm Thanh 心 聲 (tiếng lòng). Bà vừa là đồng chí, vừa là nội tướng; chăm sóc và cùng vui hưởng hạnh phúc cũng như sẻ chia hoạn nạn với ông suốt 60 năm. Khi ông lâm đại nạn trong đại cách mạng văn hoá (Văn hoá đại cách mệnh 文 化 大 革 命, gọi tắt là Văn Cách), do quá thương tâm bà đã lâm trọng bệnh và từ trần lúc 82 tuổi, ra đi trước ông 13 năm. Trong cảnh chiều tàn bóng xế, bệnh hoạn và hiu quạnh nơi Tam Tùng Đường [5] 三 松 堂 thuộc vườn Yến Nam 燕 南 của Đại học Bắc Kinh, ông chỉ còn chút niềm ủi an nơi người con gái hiếu thảo hết lòng chăm nom phụng dưỡng, tên là Chung Phác 鐘 璞. Với truyền thống nữ sĩ như bà nội, dì, và mẹ, bà là một tác gia với bút danh Tông Phác 宗 璞.

Cuộc đời Phùng Hữu Lan có thể tạm chia làm ba thời kỳ:

 

(1) Thời kỳ tự hiện thực hoá bản thân (self-actualization): từ lúc thơ ấu, học tập đến khi tốt nghiệp tiến sĩ Đại học Columbia, về nước giảng dạy và trứ tác đến 1948.

(2) Thời kỳ đánh mất bản ngã: từ 1949 đến khi Văn Cách kết thúc (1976). Thời này ông buộc phải tự phủ nhận mình, phủ nhận các tác phẩm đã viết, buộc phải viết lách ca tụng trào lưu tư tưởng đương thời, cho nên gọi là đánh mất bản ngã (thất lạc tự ngã 失 落 自 我 ); rồi bị bức hại trong Văn Cách (1966-1976).

(3) Thời kỳ trở về bản ngã: từ 1977 cho đến khi bệnh mất (1990). Sau khi Văn Cách kết thúc, nhân phẩm được phục hồi, ông mới tự do viết lách và nghiên cứu theo ý riêng của mình; vì thế gọi là trở về bản ngã (hồi quy tự ngã 回 歸 自 我).

 

Sự phân kỳ này chỉ có tính tượng trưng để tiện theo dõi, thực tế không hoàn toàn chính xác như vậy.

 

Thời kỳ tự hiện thực hoá bản thân (1895-1948)

 

Khi vừa lên 6 tuổi, Phùng Hữu Lan học tư thục. Theo nếp cũ, ông học qua các sách Tam Tự Kinh, Tứ Thư, Thi Kinh, Địa Cầu Vận Ngôn (môn địa lý phổ thông soạn bằng văn vần). Năm 9 tuổi, ông theo mẹ đến nhiệm sở của cha tại Vũ Xương 武 昌 (bấy giờ cha ông dạy ở Phương Ngôn Học Đường 方 言 學 堂). Ở đây, mẹ ông dạy ông Thư Kinh, Dịch Kinh, Tả Truyện, Lễ Ký; còn cha ông dạy các môn lịch sử và địa lý (do cha ông tự biên soạn).

 

Năm 1912, ông nhập học lớp dự bị của Đại học Trung Quốc Công Học ở Thượng Hải 海 中 國 公 學 大 學 . Năm 1915, ông học Văn khoa (môn triết học Trung Quốc) tại Đại học Bắc Kinh và tốt nghiệp năm 1918. Năm 1919, ông sang Mỹ du học ở Đại học Columbia.

 

Mùa hè năm 1923, ông đệ trình tại Đại học Columbia luận văn tiến sĩ nhan đề: Nhân sinh lý tưởng chi tỉ giảo nghiên cứu 人 生 理 想 之 比 較 研 究 (Nghiên cứu so sánh lý tưởng đời người) cũng có tên là Thiên nhân tổn ích luận 天 人 損 益 論 (Luận về sự tổn hại và lợi ích giữa trời với người); ông bảo vệ thành công luận văn này, và tốt nghiệp với học vị Tiến sĩ triết học (Ph.D.) (1924). Luận văn này – nguyên tựa là A Comparative Study of Life Ideals – được Thương Vụ Ấn Thư Quán xuất bản cùng năm 1924.

 

Ông về nước vào mùa thu năm 1924. Sau đó, ông bắt đầu giảng dạy ở Đại học Trung Châu (1924), Đại học Quảng Đông, Đại học Yên Kinh (1926), Đại học Thanh Hoa. Ở Đại học Thanh Hoa, ông làm Chủ nhiệm hệ Triết học kiêm Viện trưởng Viện Văn học. (Ông làm Chủ tịch Ban Thường Vụ của Đại học Thanh Hoa, từ tháng 12-1948 đến tháng 5-1949).

 

Cũng từ 1924, dựa theo phương hướng của luận văn Thiên nhân tổn ích luận, ông viết Nhất chủng nhân sinh quan 一 種 人 生 觀 (Một quan niệm về đời người). Cũng năm 1924 này, ông viết lại thành quyển Nhân sinh triết học 人 生 哲 學 (Triết học về đời người) để làm tài liệu giáo khoa cho học sinh trung học. Trong sách này, ông xác lập một niềm tin triết học theo chủ nghĩa hiện thực mới (Tân thực tại chủ nghĩa 新 實 在 主 義) và kết hợp Lý Học 理 學 của Trình-Chu với chủ nghĩa hiện thực mới.

 

Phùng Hữu Lan (1895-1990) và Giáo sư Derk Bodde (1909-2003), ảnh chụp năm 1982.

Trong thời gian giảng dạy triết học tại Đại học Yên Kinh, ông hoàn tất bộ Trung Quốc Triết học sử  中 國 哲 學 史 (quyển I năm 1931, quyển II năm 1934). Bộ sách này sau đó trở thành sách giáo khoa bậc đại học, như là một cống hiến trọng đại trong việc xây dựng bộ môn khoa học về lịch sử triết học Trung Quốc. Khi Derk Bodde (1909-2003) sang Bắc Kinh du học, ông học Phùng Hữu Lan trong niên khoá 1934-1935 tại Đại học Thanh Hoa. Do tình sư đệ này, Derk Bodde đã lần lượt dịch bộ triết sử nói trên sang Anh ngữ và xuất bản (quyển I năm 1937, quyển II năm 1953). [6]

 

Từ 1939 đến 1946, ông liên tiếp xuất bản một bộ sách sáu quyển, gọi là «Trinh Nguyên Lục Thư» 貞 元 六 書, gồm: Tân Lý Học 新 理 學 (1937), Tân Thế Huấn 新 世 訓 (1940), Tân Sự Luận 新 事 論 (1940), Tân Nguyên Nhân 新 原 人 (1942), Tân Nguyên Đạo 新 原 道 (1945), và Tân Tri Ngôn 新 知 言 (1946). Phùng Hữu Lan sáng lập hệ thống tư tưởng Lý Học mới, khiến ông trở thành một triết gia của Trung Quốc hiện đại có ảnh hưởng rất lớn.

 

Năm 1948, ông tự viết bằng Anh ngữ quyển A Short History of Chinese Philosophy – rút ngắn bộ triết sử (hai quyển) nói trên – và nhờ Derk Bodde biên tập lại, xuất bản cùng năm này. [7]

 

Trong thời kháng chiến, ông làm Viện trưởng Viện Văn học kiêm Giáo sư hệ Triết học của Tây Nam Liên Đại. Năm 1946, ông sang Mỹ làm Giáo sư thỉnh giảng. Cuối 1948 và đầu 1949, ông làm Chủ tịch Hội nghị Hiệu vụ của Đại học Thanh Hoa. Ông được phong tặng là Tiến sĩ danh dự về văn học của các trường: Đại học Princeton (Mỹ), Đại học Columbia (Mỹ), Đại học Dehli (Ấn Độ). Từ 1952, ông làm Giáo sư hệ Triết học của Đại học Bắc Kinh. Ông từng làm Uỷ viên của Triết học Xã hội Khoa học Bộ (Bộ Triết học và Khoa học Xã hội), thuộc Trung Quốc Xã Khoa Viện (Viện Khoa Học Xã Hội của Trung Quốc).

 

Thời kỳ đánh mất bản ngã (1949-1976)

 

Những năm 1949-1960 là thời kỳ tư tưởng Phùng Hữu Lan chuyển biến lớn. Nước Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc được Đảng Cộng Sản Trung Quốc thành lập năm 1949. Kể từ đó ông buộc phải gác bỏ hệ thống Tân Lý Học của mình qua một bên, rồi nghiên cứu chủ nghĩa Marx và dùng chủ nghĩa này để nghiên cứu lịch sử triết học Trung Quốc. Năm 1949, ông có lần gởi thư cho Mao Trạch Đông, ngỏ ý muốn dùng chủ nghĩa Marx mà viết mới lại lịch sử triết học Trung Quốc. Nhưng ông không được trả lời. Tháng 8-1950, giới tân trí thức hưởng ứng phong trào «phê Lâm phê Khổng» (phê phán Lâm Bưu và Khổng Tử), phê phán tư tưởng Nho giáo, «bình Pháp phê Nho» (phê bình Pháp gia và Nho gia); do đó họ bắt đầu đấu tố Phùng Hữu Lan, phê phán tư tưởng của ông, và ông bắt đầu viết kiểm điểm, tự phê bình, sám hối. Phùng Hữu Lan đã thú nhận rằng, hơn 10 năm sau 1949, những gì ông viết ra đều là sám hối. Sám hối những gì ông đã từng viết trước 1949 (trong đó có hai bộ Triết Sử Trinh Nguyên Lục Thư). [8]

 

Phùng Hữu Lan trở thành tội nhân ngay buổi đầu của cuộc Văn Cách, tức Đại Cách Mạng Văn Hoá (1966-1976). Đại nạn của Phùng Hữu Lan chính xác bắt đầu từ tháng 6-1966 (bấy giờ ông 71 tuổi). Ông bị đấu tố, phê bình là «kẻ có uy quyền về học thuật phản động của giai cấp tư sản». Ông bị tịch biên tài sản, bị cách ly để thẩm tra, và bị cưỡng bức lao động cải tạo. Tháng 3 năm 1967, Đại học Bắc Kinh thành lập cái gọi là «Trạm liên lạc để phê bình Phùng Hữu Lan» (Phê Phùng liên lạc trạm). Năm ông 73 tuổi (1968), do có chỉ thị của Mao Trạch Đông, ông được trả về nhà, nhưng tài sản bị tịch biên thì chỉ trả lại có một phần.

 

Thời kỳ trở về bản ngã (1977-1990)

 

Văn Cách chấm dứt năm 1976. Trước đó, ông đã xuất bản được hai quyển đầu của bộ Trung Quốc Triết Học Sử Tân Biên (do Nhân Dân Xuất bản xã ấn hành, quyển I năm 1962 và quyển II năm 1964; rồi tu đính và tái bản quyển I năm 1982 và quyển II năm 1984, cùng nhà xuất bản). Kể từ 1979, ông – bấy giờ 84 tuổi và bệnh tật – tập trung viết cho xong bộ sách 7 quyển (gồm 81 chương) này. Các quyển III, IV, V, và VI của bộ Tân Biên lần lượt được Nhân Dân Xuất bản xã ấn hành vào các năm 1985, 1986, 1988, 1989. Gắng gượng chống chỏi với bệnh tật ở tuổi già để hoàn tất bộ Tân Biên, ông thường nói: «Bộ Tân Biên chưa xong nên phải gượng uống thuốc trị bệnh; chừng nào viết xong rồi, thì khỏi cần trị bệnh nữa.» Tuổi già mắt kém, suýt loà, ông thường tĩnh toạ, thâm hô hấp.

 

Phùng Hữu Lan (80 tuổi)
Phùng Hữu Lan (90 tuổi)

Quyển VII ông bắt đầu viết năm 1988, vừa viết xong vào tháng 7-1990 thì tháng 9 ông bị viêm hô hấp và phải nhập viện. Ngày 4 tháng 12-1990, ông qua đời tại bệnh viện Bắc Kinh, thọ 95 tuổi. Trong ba ngày, từ 4 đến 6 tháng 12 này, Bắc Kinh cử hành một hội thảo học thuật quốc tế để nghiên cứu tư tưởng triết học của Phùng Hữu Lan.

 

Trong Văn Cách, có lúc Phùng Hữu Lan buộc phải viết những điều trái với lòng, cho nên ông lấy câu «tu từ lập kỳ thành» 修 辭 立 其 誠 của Kinh Dịch [9] để tự an ủi, và tâm sự trong lời tựa quyển VII của bộ Lịch Sử Triết Học Trung Quốc Tân Biên rằng: «Nếu có người không cho [những điều tôi viết] là đúng, và do đó [sách này] không xuất bản được, thì tôi sẽ là Vương Thuyền Sơn [10] vậy.» Nhưng thực tế, ông đã không trở thành Vương Thuyền Sơn. Trứ tác của ông đã được xuất bản hết. Còn quyển VII của bộ Tân Biên vốn được xem là một tác phẩm độc lập, bao quát triết học Trung Quốc hiện đại, cho nên đã được xuất bản riêng biệt với nhan đề là Trung Quốc Hiện Đại Triết Học Sử (Trung Hoa Thư Cục, Hương Cảng, 1992, và Quảng Đông Nhân Dân Xuất bản xã, 1999).

Phùng Hữu Lan từng viết: «Hoạt động học thuật của tôi có hai mặt: Một mặt là triết học, và một mặt là lịch sử triết học Trung Quốc. Trong đó cái chính là triết học còn cái phụ là lịch sử triết học Trung Quốc.» [11] Nói thế, tức ông tự nhận mình vừa là triết gia, vừa là sử gia về triết học Trung Quốc. Hệ thống triết học của ông – hiện nay được gọi là «Phùng học» 馮 學 – được trình bày qua bộ Trinh Nguyên Lục Thư. Học thuật của ông tóm trong câu đối ông viết: «Tam Sử luận cổ kim, Lục Thư kỷ Trinh Nguyên.» 三 史 論 古 今 六 書 紀 貞 元 .

 

Tam Sử (ba bộ sử: Trung Quốc Triết Học Sử, Trung Quốc Triết Học Giản Sử, và Trung Quốc Triết Học Sử Tân Biên) là cống hiến của ông về phương diện triết học sử. Bộ đầu tiên được Derk Bodde dịch sang Anh ngữ, bộ Giản Sử được Đồ Hựu Quang 涂 又 光 dịch Anh-Hán.

 

Từ những năm 1930, Phùng Hữu Lan chủ trương «thích cổ» 釋 古 (giải thích xưa), khác với chủ trương «tín cổ» 信 古 (tin xưa) hoặc «nghi cổ» 疑 古 (hoài nghi xưa). Chủ trương «thích cổ» Hồ Thích và Cố Hiệt Cương cũng đề xướng vào những năm 1920-1930, nhưng tư trào này chỉ thịnh hành một thời. Năm 1935, Phùng Hữu Lan tổng kết: «Xu thế nghiên cứu lịch sử của Trung Quốc gần đây dựa theo quan điểm nghiên cứu có thể phân làm ba phái: (1) tín cổ, (2) nghi cổ và (3) thích cổ. Phái tín cổ tin tưởng mù quáng vào sách xưa, cho những điều chép trong sách xưa đều đúng cả, không chút hoài nghi, hoàn toàn thiếu tinh thần phê phán. Việc thẩm tra sử liệu của phái nghi cổ không phải không có đóng góp đối với sử học, nhưng họ cho rằng sách xưa đa số là không đáng tin, thậm chí mạt sát cả thảy. Đó là sở đoản của họ. Phái thích cổ khá khoa học. Họ tuy không tin hết sách xưa nhưng cũng không vất bỏ tất cả. Họ cho rằng tuy truyền thuyết không thể đáng tin hết nhưng dân ta có thể nhân đó mà nhìn ra chân tướng một phần nào của xã hội cổ đại. Công phu của người thuộc phái nghi cổ là thẩm tra sử liệu còn công việc của người thuộc phái thích cổ là dung hợp quán thông sử liệu. [...] Phải trải qua hai giai đoạn thẩm tra sử liệu và dung hợp quán thông thì [bộ sách] lịch sử mới có thể hoàn thành. [...] Do quan điểm đó mà xét, cho dù nghi cổ hay thích cổ, chúng đều quan trọng với sử học của Trung Quốc.» [12] «Sự nghiên cứu văn hoá cổ đại của học giả đời Thanh là tín cổ, đòi hỏi tuân theo gia pháp. Các học giả từ sau phong trào Ngũ Tứ đều là nghi cổ, họ muốn đánh giá lại các giá trị, thích tạo các học án. Chúng tôi chọn quan điểm thứ ba, tức thích cổ; và muốn cố gắng đưa ra sự giải thích hợp lý và phù hợp tình huống đương thời. Kiến giải và quan điểm của các nhà nghiên cứu cho dù có thể có chỗ bất đồng nhưng đối với một hiện tượng lịch sử nào đó họ đều phải tìm cho ra nguyên nhân của xã hội và thời đại dẫn đến hiện tượng như vậy, giải thích tại sao lại như thế.» [13] Tam Sử của Phùng Hữu Lan chính là theo chủ trương thích cổ. Chủ trương này có ý nghĩa quan trọng trong việc nghiên cứu sử học hiện nay, và ngày càng được các học giả coi trọng.

 

Bộ Trinh Nguyên Lục Thư là cống hiến của ông về phương diện triết học, gồm: (1) Tân Lý Học 新 理 學, (2) Tân Sự Luận 新 事 論, (3) Tân Thế Huấn 新 世 訓, (4) Tân Nguyên Nhân 新 原 人, (5) Tân Nguyên Đạo 新 原 道 (tức Trung Quốc Triết Học Chi Tinh Thần 中 國 哲 學 之 精 神, được E.R. Hughes dịch sang Anh ngữ: The Spirit of Chinese Philosophy [Tinh thần của Triết học Trung Quốc], London, 1947), và (6) Tân Tri Ngôn 新 知 言.

 

Tân Lý Học là đại cương của Lục Thư, phát huy Lý Học của Chu Hi, giải thích các khái niệm: Lý, Khí, Đạo Thể, và Đại Toàn.

 

Tân Sự Luận  – cũng gọi là «Con đường dẫn đến tự do của Trung Quốc» – trình bày quan điểm xã hội của ông, tức là vận dụng Tân Lý Học vào xã hội. Dựa theo sử quan duy vật, ông cho rằng loại hình cơ bản của xã hội con người là «cộng tướng» 共 相 (dạng chung, tính chất chung) còn đặc tính khác nhau của các dân tộc là «thù tướng» 殊 相 (dạng riêng, tính chất riêng). Mỗi quốc gia đều có thể chuyển hoá từ một loại hình xã hội này sang một loại hình xã hội khác, đó là vì trong cái «thù tướng» có cái «cộng tướng».

 

Tân Thế Huấn luận về phương pháp sinh sống và tu dưỡng đạo đức, chủ yếu là chọn lọc các phương pháp sinh sống và tu dưỡng đạo đức theo truyền thống nhưng vẫn có ý nghĩa nhất định đối với xã hội hiện đại.

 

Tân Nguyên Nhân là triết học về nhân sinh, luận về kiếp người và bốn cảnh giới của nó: (1) Cảnh giới tự nhiên (con người sống theo bản tính hay tập quán tự nhiên), (2) Cảnh giới công lợi (con người sống vì lợi ích cá nhân, vụ lợi riêng cho mình), (3) Cảnh giới đạo đức (con người sống vì lợi ích của tha nhân, của cộng đồng), và (4) Cảnh giới thiên địa (con người hiểu được ý nghĩa của con người đối với vũ trụ, biết sống hợp nhất với vũ trụ). Công dụng của triết học là giúp con người chuyển hoá từ hai cảnh giới trước sang hai cảnh giới sau, tức là nhằm sống đạo đức và hợp nhất với trời đất.

 

Tân Nguyên Đạo luận về tinh thần của triết học Trung Quốc, trình bày sự tiến triển của các dòng chủ lưu của triết học Trung Quốc, phê bình những mặt được mất, và nhấn mạnh địa vị của Tân Lý Học trong lịch sử triết học Trung Quốc.

 

Tân Tri Ngôn trình bày phương pháp luận của ông, đồng thời tổng kết kinh nghiệm của lịch sử triết học Trung Quốc và phương Tây.

 

Lục Thư tạo thành một hệ thống triết học hoàn chỉnh mà ông đặt tên chung là Tân Lý Học, tức «Phùng học» 馮 學 (triết học Phùng Hữu Lan).

 

Nơi an nghỉ ngàn thu của Phùng Hữu Lan (nghĩa trang Vạn An tại Bắc Kinh)

Tháng 12-2000, nhân kỷ niệm lễ minh thọ 冥 壽 thứ 105 (tức 10 năm sau ngày mất) của ông, hệ Triết học của Đại học Bắc Kinh (nơi đã từng đấu tố ông) và của Đại học Thanh Hoa, Sở Triết học thuộc Viện Khoa học Xã hội, Quốc tế Nho liên, Nhà xuất bản Đại học Bắc Kinh, v.v... đã thành lập Hội Nghiên cứu Phùng Học, hội trưởng là Chu Bá Côn. [14] Phùng học thực chất là Nho học hiện đại, là cách tân Lý Học của Chu Hi. Thuở sinh tiền, ông đề cao đạo Trung Dung – tinh hoa của Nho giáo – với hoài bão của mình qua câu đối: «Xiển cựu bang dĩ phụ tân mệnh, cực cao minh nhi đạo Trung Dung.» 闡 舊 邦 以 輔 新 命,極 高 明 而 道 中 庸 (Làm rõ [học thuật] của nước xưa để giúp vận mệnh mới; đạt đến chỗ tối cao minh mà giảng về Trung Dung.)

Hoàn tất Tam Sử Lục Thư, hẳn ông đã mãn nguyện. Ông viết rằng: «Hai mươi năm trời gắng sức với bộ Trung Quốc Triết Học Sử Tân Biên, quyển VII giờ đã hoàn tất. Hồi tưởng lại hai mươi năm ấy tôi không khỏi ngậm ngùi cảm khái. Năm 1977, bà Nhiệm Tải Khôn nhà tôi qua đời, tôi có viết câu đối:

“Đồng vinh nhục, cộng an nguy, xuất nhập tương phù trì, bích lạc hoàng tuyền, quân tiên khứ;

同 榮 辱 共 安 危 出 入 相 扶 持 碧 落 黃 泉 君 先 去;

Trảm danh quan, phá lợi sách, phủ ngưỡng vô quý tạc, hải khoát thiên không ngã tự phi.” 

斬 名 關 破 利 索 俯 仰 無 愧 怍 海 闊 天 空 我 自 飛

(Cùng vinh quang và nhục nhã, chung yên bình và nguy khốn, ra vào nâng đỡ nhau, nàng như ngọc biếc đã rơi xuống suối vàng mà đi trước ta;

Ta chặt phá nát ràng buộc của danh lợi, ngước lên không thẹn với trời, cúi xuống không hổ với người, biển rộng trời cao ta vút bay.)

Bấy giờ tôi đã bắt đầu thấy danh lợi chỉ là những ràng buộc, biết “ngã tự phi” (ta tự bay) mới là tự do. Sau khi viết xong chương 81 của bộ Tân Biên, tôi mới cảm nhận được sự tự do vút bay nơi biển rộng trời cao.» [15] 

 

Một kiếp người, một đời học thuật, trải dài non một thế kỷ, đầy bi-hoan-vinh-nhục, giờ quả thực ông đã tự do thoát vòng danh lợi rồi. Ông đã di tặng hậu nhân một học thuyết Nho giáo mới, đã tiên phong đắp nền cho ngành lịch sử triết học Trung Quốc, và đã góp phần đào tạo một thế hệ học giả ưu tú kế thừa. Sự đã thành, ông như cánh huyền hạc rời bỏ trần gian tục lụy, bay vút vào khoảng trời mênh mông vô tận, tiêu dao du trong cõi vô cùng: «Biển rộng trời cao ta vút bay.»

 

LÊ ANH MINH

(Bài viết này đã in trong: Phùng Hữu Lan, Lịch Sử Triết Học Trung Quốc,

bản dịch của Lê Anh Minh, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 2007, hai quyển, tổng cộng 1400 trang)

 

Tư liệu tham khảo chính:

1. Thái Trọng Đức, Phùng Hữu Lan Tiên sinh bình truyện, in trong: Phùng Hữu Lan, Trung Quốc Hiện đại Triết học sử, Quảng Đông Nhân dân Xuất bản xã, Quảng Đông, 1999.

2. Trần Lai, Phùng Hữu Lan Tiên sinh tiểu truyện, in trong: Lưu Mộng Khê (chủ biên), Phùng Hữu Lan quyển, quyển thượng, Hà Bắc Giáo dục Xuất bản xã, 1996.

3. Phùng Hữu Lan tiên sinh học thuật niên biểu, in trong: Lưu Mộng Khê (chủ biên), Phùng Hữu Lan quyển, quyển hạ, Hà Bắc Giáo dục Xuất bản xã, 1996.

4. Phùng Hữu Lan, Trung Quốc Hiện đại Triết học sử, Trung Hoa Thư Cục, Hương Cảng, 1992.

5. Phùng Hữu Lan, Trung Quốc Hiện đại Triết học sử, Quảng Đông Nhân dân Xuất bản xã, Quảng Đông, 1999.

6. Fung Yu-Lan, A Short History of Chinese Philosophy, Macmillan Company, 1967.

7. Vương Vĩ Doanh, Lịch sử học gia Trần Dần Khác dữ triết học gia Phùng Hữu Lan, in trong: Mỗi Nhật Vãn Báo, được trích đăng báo điện tử Nhân dân Nhật báo Hải ngoại bản, số 11, ngày 10-03-2003.

http://www.booker.com.cn/big5/paper23/53/class002300001/hwz230941.htm

8. Tản Thù, Phùng Hữu Lan cập kỳ Tân Lý Học thể hệ,

http://www.confucius2000.com/big5/confucian/fengyoulan.htm

*****

CHÚ THÍCH

[1] Tam Tùng Đường toàn tập, quyển I, tr. 112.

[2] Hồ Thích tự là Thích Chi, quê ở Tích Khê tỉnh An Huy. Ông sinh năm Quang Tự 17 (tức 1891). Năm Tuyên Thống thứ hai (1910), ông được Đại học Thanh Hoa tuyển đi du học tại Mỹ, đỗ cử nhân triết học năm 1915 tại Đại học Cornell và tiến sĩ triết học năm 1917 tại Đại học Columbia. Ông là học trò của triết gia John Dewey. Trên 30 năm ông là tiến sĩ danh dự của Trung Quốc. Năm Dân Quốc thứ 6 (1917) ông trở về Trung Quốc giảng dạy tại Quốc Lập Bắc Kinh Đại Học. Năm Dân Quốc thứ 8, ông viết bài Văn học cải lương xô nghị (Bàn về cải cách văn học) trên tạp chí Tân Thanh Niên (do Trần Độc Tú sáng lập). Trần Độc Tú là một lĩnh tụ buổi đầu của Đảng Cộng Sản Trung Quốc (thành lập 1921). Hồ Thích đề xướng việc sử dụng văn bạch thoại (là văn nói bình dân thường ngày) thay thế cho thể văn cổ điển là văn ngôn. Bài báo này gây chấn động dư luận, từ đó phong trào Tân Văn Học phát động, đưa đến cuộc cách mạng văn học Bốn tháng Năm (Ngũ tứ vận động 1919). Kết quả, Bộ Giáo Dục chấp nhận việc dạy bạch thoại trong các trường học kể từ 1920. Năm 1931 ông là viện trưởng Bắc Đại Văn Học Viện (viện văn học thuộc Đại học Bắc Kinh). Thời kháng Nhật, ông làm đại sứ Trung Quốc tại Mỹ. Sau thời kháng Nhật, ông làm hiệu trưởng Đại học Bắc Kinh. Năm 1948 ông sang Mỹ dạy học tại Đại học Cornell và đồng thời làm chủ nhiệm khoa Trung Văn của đại học này. Năm 1958 ông qua Đài Loan làm viện trưởng Trung Ương Nghiên Cứu Viện và qua đời tại nhiệm sở này ngày 24 tháng hai năm 1962. Ông trứ tác rất nhiều. Tác phẩm chính có Trung Quốc Triết Học Sử Đại Cương, Bạch Thoại Văn Học Sử, Hồ Thích Văn Tồn, Hồ Thích Luận Học Cận Trứ, v.v...

[3] Xem bài Ngã đích mẫu thân của Hồ Thích, in trong tuyển tập Danh Gia Trữ Tình Văn Tuyển, Đài Bắc, 1962, tr. 85.

[4] Sách đã dẫn.

[5]  Ông sống nơi đây hơn 30 năm, trước nhà có ba cây tùng, nên gọi Tam Tùng Đường, do đó các trứ tác của ông gom vào một bộ cũng lấy tên này (Tam Tùng Đường toàn tập). Cuối đời, ông viết câu đối: «Tâm hoài tứ hoá, ý ký Tam Tùng.» 心 懷 四 化 意 寄 三 松 (Hoài bão giáo hoá bốn phương, ý tưởng gởi vào Tam Tùng).

[6] Xem lời giới thiệu của Derk Bodde (người biên tập) trong: Fung Yu-Lan, A Short History of Chinese Philosophy, Macmillan Company, 1967.

[7] Sách đã dẫn ngay trên đây.

[8] Tam Tùng Đường, quyển I, tr. 261.

[9] Về hình thức thì sửa chữa lời lẽ cho tinh xác, về nội dung thì lấy sự thành thực để giảng giải. (Quẻ Càn, Văn Ngôn, hào Cửu tam).

[10] Vương Thuyền Sơn tức là Vương Phu Chi (1619-1692), sống giữa đời Minh và đời Thanh. Ông dấy binh phản Thanh phục Minh; nhưng không thành, ông bèn ẩn cư trong núi Thạch Thuyền Sơn, do đó mà người đời gọi ông là Vương Thuyền Sơn. Ông thông thiên văn, lịch số, kinh sử, địa lý, trứ tác rất nhiều, nhất là về Dịch học. Mấy trăm năm sau khi ông mất, người đời mới sưu tập tác phẩm của ông thành Thuyền Sơn Di Tập, gồm 324 quyển, bao quát 70 chủ đề.

[11] Lời tựa của Phùng Hữu Lan Học Thuật Luận Tứ Tự Tuyển Tập.

[12] Trung Quốc Cận Niên Nghiên Cứu Sử Học Chi Tân Xu Thế, in trong Tam Tùng Đường quyển 11, tr. 281, 359.

[13] Dẫn theo Vương Dao, Ngã Đích Hân Ủy Dữ Kỳ Đãi, đăng trong Văn Nghệ Báo, 6-12-1988.

[14] Theo Nhân Dân Nhật Báo, hải ngoại bản, số báo ngày 27-12-2000.

[15] Phùng Hữu Lan, Trung Quốc Hiện đại Triết học sử, Quảng Đông Nhân dân Xuất bản xã, Quảng Đông, 1999.

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org Lê Anh Minh