Kỷ niệm 200 năm nhà tự nhiên học thiên tài Charles Darwin

Vietsciences- Nguyễn Lân Dũng, Chung Chí Thành           19/03/2009

 

Những bài cùng tác giả

I. Tuổi thơ không suông sẻ

    Cách đây 200 năm, ngày 12/2/1809, tại ngôi làng nhỏ Shrewsbury, vùng Shropshire miền tây nước Anh, cậu bé Charles Robert Darwin đã chào đời. Cậu đứng thứ 5 trong gia đình có 6 người con. Ba người chị là Marianne (1798), Caroline (1800), và Susan (1803). Người anh là Erasmus (1804) và người em trai là Catty (1810).Mẹ cậu, bà Susannah, là con gái trong vọng tộc Wedgewood, nhưng đã qua đời ở tuổi 52 vào tháng 7-1817, khi cậu mới lên 8 . Cha cậu, ông Robert W. Darwin và ông nội cậu, ông Erasmus Darwin đều là những bác sĩ danh tiếng. Ông ngoại cậu là Josiah Wedgwood.

Erasmus Darwin 1731-1802 
Ông nội Charles Darwin

Josiah Wedgwood  1730-1795 
Ông ngoại Charles Darwin

 

    Về sau theo Francis, con ông kể lại thì ông đã được thừa hưởng khí chất hòa nhã thân thiện từ mẹ và tài hoa dào dạt từ cha.

     

Darwin năm 7 tuổi (1816)

     Tháng 7-1817 khi mới 8 tuổi ông đã mất đi người mẹ thân yêu của mình. Tháng 9 năm 1818 Darwin được gửi vào học ký túc ở trường Công giáo Shrewsbury, một ngôi trường nội trú ở gần nhà, nhưng ở đó ông chẳng học được gì cả. Hồi tưởng lại cuộc sống 7 năm tại nhà trường này, ông than phiền: ”Đối với sự phát triển trí tuệ của tôi, không gì tồi tệ hơn ngôi trường của tiến sỹ Butler. Nó cổ điển quá, ngoài những kiến thức sử địa cổ xưa, tôi chẳng học thêm được điều gì cả”. Khi rời khỏi nhà trường, đánh giá của thầy giáo và cha đối với ông là:”Một đứa trẻ hết sức bình thường, khả năng trí tuệ dưới mức trung bình” (!). Cha ông từng tức giận mắng ộng: ”Con ngoài việc bắn chim, đùa nghịch với chó và bắt chuột thì chẳng chịu làm gì cả. Nếu cứ như vậy, sẽ là nỗi hỗ thẹn không chỉ đối với con, mà còn là đối với cả gia đình”. Darwin cảm thấy rất tủi thân, sau này ông nhớ lại: ”Cha tôi là một người tốt bụng, nhưng ông đã cư xứ với tôi không công bằng”.

    Năm 1825, Darwin được đưa đến Edinburgh, thủ phủ xứ Scotland, theo học nghề y để nối nghiệp cha và ông. Nhưng bản tính của ông hoàn toàn không thích hợp để làm thầy thuốc. Nếu môn Giải phẫu học và Tiếng La Tinh chỉ làm cho ông chán nản, thì cảnh máu mê càng khiến ông phản cảm. Xem người khác mổ và sau này ông tự tay mổ dưới điều kiện không có thuốc mê lúc bấy giờ, ông đã thốt lên, “Đây là một nghề đầy thú tính(!)” và ông đã bỏ học luôn.

    Ông dành mùa hè năm 1825 để giúp đỡ cha ông như một trợ thủ chữa bệnh cho những người nghèo khổ ở Shropshire. Sao đó đươc ông nội đưa vào học ở trường Đại học Edinburgh. Ông thích môn Vạn vật học nghiệp dư hơn là các môn học chính khóa và đã rất sớm thể hiện khả năng nghiên cứu khoa học. Ông học kỹ thuật nhồi thú từ thầy John Edmonstone và tỏ ra rất thích thú . Khi là sinh viên năm thứ hai ông đã gia nhập Học hội Plinian (Plinian Society). Ông góp phần khám phá về giải phẫu học và chu kỳ sinh sống của nhiều động vật không xương sống biển ở vịnh Forth. Năm 1827, ông đã trình bày trước Học hội Plinian về sự phát hiên ra các bào tử đen thường gặp ở sò (oyster) chỉ là trứng của một loài đỉa (skate leech). Ông cũng theo học thày Robert Jameson về địa chất học

    Thày ông, tiến sĩ Robert Edmund Grant (1793-1874) , từng phát biểu một bài trên ”Tạp chí triết học mới”, ủng hộ mạnh mẽ thuyết biến đổi về loài. Ông cũng từng đọc cuốn ”Đông vật học” của ông nội ông -Erasmus Darwin, người ủng hộ thuyết ”biến hình luận” của nhà tự nhiên học người Pháp Jean-Baptiste Lamarck (1744-1829), người đã trình bày trong tác phẩm “Triết học động vật” từ nguồn gốc sự sống đến nguồn gốc con người theo quan điểm “Tự nhiên thần luận”- “Thiên nhiên đã sử dụng nhiệt, ánh sáng, điện và độ ẩm tạo nên sự sống ngẫu nhiên và trực tiếp”. Lamarck cho rằng các nhân tố chính của sự tiến hóa là sự tiệm tiến (gradation) và sự biệt hóa thích nghi do điều kiện biến đổi của môi trường.

    

   J.B. Lamarck

     Trước Lamarck đã có không ít quan điểm về sự tiến hóa của các loài sinh vật. Nhà triết học cổ Hy Lạp Platon (427-347 trước Công nguyên) với Thần tạo luận (Creationism) cho rằng mọi sinh vật đều do nhân tố siêu hình là Tạo hóa sinh ra. Học trò Platon là Aristotle (334-322 trước CN) lại cho rằng mọi vật trong thiên nhiên đều tuân theo một hướng duy nhất là tiến tới đạt hướng lý tưởng – mục đích cuối cùng (Mục đích luận- Theleology). Hòn đá hướng tới thực vật, thực vật hướng tới động vật, động vật hướng tới người, người hướng tới trời (!). Thuyết âm dương thời Trung Hoa cổ đại cho rằng nguồn gốc phát sinh và nguyên nhân phát triển của vạn vật là do sự tương tác giữa âm và dương . Âm Dương tương tác ra Ngũ hành, Ngũ hành tương tác sinh ra vạn vật (!). Quan điểm Nguyên tử luận (Atomism) của các nhà triết học cổ Hy Lạp như Heraclite (530-470 trước CN), Democrite (460-370 trước CN) và Empedocle (490-430 trước CN) cho rằng toàn bộ thiên nhiên bắt đầu từ những phần tử nhỏ nhất đến những vật thể vĩ đại nhất đều trong sự xuất hiện và tiêu diệt vĩnh viễn trong một quá trình liên tục vận động, biến đổi không ngừng.

    Nhưng tất cả chưa đủ để lay chuyển sự tin tưởng của Darwin đối với những quan điểm về”Thượng Đế tạo ra muôn loài” như được ghi trong Kinh Thánh. 

      Giấc mộng thầy thuốc không thành, cha ông muốn Darwin trở thành mục sư. Tháng 10 năm 1927, Darwin lại một lần mài ghế tại Học viên Cơ đốc giáo (Christ’s College), thuộc Đại học Cambridge. Nhưng số mệnh chưa mỉm cười với ông. Ông từng viết:”Ba năm ở Cambridge, thời gian đều thật lãng phí. Chương trình ở Đại học này, chẳng khác gì thời ở Edinburgh và thời Trung học”. Nhưng đối với ông, đây vẫn là 3 năm vui vẻ. Ông tự học là chính và vẫn thi đậu tất cả các môn một cách dễ dàng. Ông thích thu thu thập các mẫu bọ Cánh cứng (beetle). Ông rất thân với John Stevens Henslow – về sau trở thành một giáo sư Thực vật học và cũng là chuyên gia về bọ Cánh cứng. Darwin chịu ảnh hưởng của Henslow và coi khoa học như một tôn giáo Thần học tự nhiên (natural theology)

      II. Cuộc hành trình lịch sử trên tàu Beagle

      Trong lúc cha ông đã tuyệt vọng với đứa con ưa ”bắt chuột” này, thì chuyến đi trên chiếc quân hạm khảo sát mang tên HSM Beagle thuộc hải quân Hoàng gia Anh với tư cách nhà vạn vật học không lĩnh lương, bắt đầu từ ngày 27/12/1831 và kết thúc ngày 2/10/1836, đã làm thay đổi cuộc đời Darwin.

    Darwin có được chuyến đi cũng thật là gian truân. Lúc đầu cơ hội đó dành cho 2 nhân viên thực tập, nhưng họ từ chối, cơ hội đó mới dành cho Darwin. Lúc đó ông vừa trẻ vừa thiếu kinh nghiệm, nhưng ông lại được bạn ông, G/S Henslow hết sức tin tưởng và tiến cử. Tuy vậy, lại vấp phải sự phản đối quyết liệt cha ông. Bác sỹ Robert Darwin, cha ông đã nói: ”Chỉ cần một người có kiến thức thông thường ủng hộ ý tưởng kỳ quặc của con tôi, tôi sẽ cho nó đi”. Người đó đã xuất hiện, chính là cậu và bố vợ tương lai của Darwin, Wedgewood đã thuyết phục được Robert Darwin.

    Tàu Beagle cũ kỹ 3 cột buồm và 10 khẩu cannon, điều kiện ăn ở rất kém. Một góc bàn đặt bản đồ hàng hải ở boong tàu, chính là ”phòng làm việc” của Darwin cùng với thuyền trưởng, chiếc ghế bố ông nằm phải treo trên chiếc bàn đó. Darwin hay bị say sóng, chỗ ông ở lại là chỗ chòng chành nhất. Có lúc đã xuất hiện những kiến nghị bất lợi cho ông, muốn rút nhắn hành trình. May mắn thay, cuộc khảo sát vẫn được tiến hành như dự định. Beagle đã đi vòng quanh trái đất, đầu tiên vượt Đại Tây Dương, có dừng lại ở quần đảo Cape Verte (Mũi Xanh), rồi đi dọc bờ biển Đông và Tây Nam Mỹ. qua đảo Đất Lửa (Terre de Feu) rồi vượt Thái Bình Dương . Tầu dừng lại khá lâu ở quần đảo Galapagos. Đây là một quần đảo có 12 đảo lớn và hàng trăm đảo nhỏ, cách vùng xích đạo Nam Mỹ khoảng 1000 km. Tầu đi về phía tây châu Mỹ đến đảo Tahiti , New Zealand, Australia, quần đảo Mauritius , Cape of Good Hope (mũi Hảo vọng), đảo Sainte Hélène, đảo Ascension, rồi trở lại Brasil trước khi quay về Anh. Cuộc hành trình kéo dài 5 năm , từ tháng 12 năm 1831 đến tháng 10 năm 1836. Khi ra đi Darwin chỉ mới 22 tuổi.

  Your browser may not support display of this image. 
 
 

    Khi tàu Beagle đi theo hướng nam dọc bờ biển Nam Mỹ, Darwin đã chú ý đến các biến chủng thay đổi tùy theo những vùng địa lý khác nhau. Ông tự nhủ: Thượng Đế phải mất bao thời gian và công sức để tạo ra những khác biệt nhỏ bé như vậy, một cách làm không kinh tế chút nào! Những băn khoăn đó trở nên nổi bật lên khi ông khảo sát quần đảo Galapagos. Quần đảo này nằm ở vùng xích đạo cách bờ phía tây Nam Mỹ 600 dặm (1 dặm= 1,6093km), bao gồm 20 đảo núi lửa nhỏ cằn cỗi, về mặt địa chất còn rất trẻ. Đây là vùng đất có dân cư thưa thớt nên có điều kiện thích nghi cho nhiều biến dị mà trên đất liền không thể xảy ra được. Những động vật sống trên những hòn đảo nhỏ đó tuy cùng một chi với động vật trên lục địa Nam Mỹ, nhưng là loài đặc hữu của đảo. Ngoài ra, Darwin còn nhận thức được, trên các đảo còn có các loài chim, rùa độc đáo riêng của mình, có những nét khác biệt rất rõ ràng. Nhóm chim Bạch yến ở đó tuy gần giống nhau nhưng ở đó có thể phân thành 14 loài khác nhau. Không có loài nào trong số này có ở những nơi khác trên thế giới. Darwin cho rằng xưa kia có một loài bạch yến từ xa đến sống ở đây, rồi biến đổi dần qua nhiều thế kỷ thành các loài hiện nay. Có nhóm ăn một loại hạt, có nhóm ăn loại hạt khác và có nhóm ăn sâu bọ. Chúng có những loại mỏ với kích thước và cấu tạo khác nhau Quần đảo Galapagos còn được coi là phòng thí nghiệm sống về tiến hóa, ở đó, mặc dù điều kiện sống về cơ bản giống nhau, nhưng do xuất hiện các biến chủng và cách ly sinh dục, cho nên đã tạo ra những loài mới đặc thù cho các đảo nhỏ.

     

    Darwin dừng chân ở Sydney một thời gian và từng đến cảng Darwin (ngày nay) ở miền bắc Australia. Ông nghiên cứu những loài động vật có túi chỉ ở lục địa Australia. Ông từng nói một cách tế nhị: “Phải có tới hai đấng tạo hóa mới lo tạo ra nổi những động vật chẳng giống ai này!”. Điều đó mang tính quyết định nhất đối với cuộc đời ông, thúc đẩy ông từ một vị mục sư chính thống trong tương lai, trở thành một nhà vạn vật học, địa chất học, phân loại học và nhất là người có tư tưởng tiến hóa kiên định.

    III. Cuộc sống sau chuyến đi

    Khi trở về Anh quốc, Darwin đã có những chuyển biến rõ rệt. Ông thường nói chuyến đi này là “cuộc giáo dục thực sự lần đầu” đối với ông. Ông nói: “Cuộc hành trình của Beagle là sự kiện quan trọng nhất trong đời tôi, nó xác định tất cả đời tôi”. Điều quan trọng hàng đầu là giúp ông hình thành thói quen “ làm việc chăm chỉ với sinh lực dồi dào và tập trung cao độ”, giúp rất nhiều cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học về sau. Khi ông phát hiện ra “những thú vui từ quan sát và suy nghĩ thực ra còn cao hơn nhiều so với nghệ thuật và thể thao”, tất cả những ưa thích trước đây ông đều vứt bỏ, nhường chỗ cho khoa học.

   Chuyến viễn du khiến tư tưởng ông thay đổi đến mức, khi gặp lại đứa con của mình sau 5 năm xa cách, cha của Darwin đã phải thốt lên: ”Ôi chao, tư tưởng nó đã thay đổi lớn như vậy sao!”

   Sau khi trở về, ông sống cuộc sống bình yên nhưng có quy luật. Nhà mạo hiểm dũng cảm trên chuyến tàu Beagle bỗng dưng trở thành người bệnh ốm yếu và dễ bị kích động. Giống như cha mình, ông đã lấy người chị họ trong gia tộc Wedgewood, cô Emma làm vợ. Họ cưới nhau năm 1839.

   Your browser may not support display of this image. 

       Nếu như ông biết được những thí nghiệm của Mendel (năm 1865), chắc không dám có cuộc hôn nhân cận huyết này, nhưng trên thực tế, con cháu ông rất nhiều người thành đạt, trong đó có 3 người con trai được phong hàm quý tộc Lord.

          

   Darwin và con trai (1842)   Con gái Annie của Darwin 
 

   Cuộc hôn nhân này đã giải tỏa áp lực đòi hỏi ông phải tìm một nghề để kiếm sống. Người vợ mới cưới đã mang về cho ông của hồi môn đáng kể, tổng cộng 5,000 bảng Anh, ngoài ra còn có thu nhập thường niên 400 bảng, cha ông còn cho ông 13,000 bảng. Có được khoản thu nhập cộng lại hằng năm vượt xa con số 1,000 bảng, đủ đảm bảo cho ông ổn định cuộc sống và cống hiến suốt đời cho sự nghiệp khoa học.

       

   Nguyên nhân ông ốm yếu quanh năm, đến nay vẫn còn là một dấu hỏi, nhưng dù sao ông vẫn sống được đến 73 tuổi. Cuộc chữa trị theo phong cách điển hình thời Victoria làm cho thể chất ông càng suy nhược thêm, nhưng ông vẫn làm được rất nhiều việc. Vợ chồng ông tổng cộng sinh được 10 người con, nhưng chỉ có 7 người sống được đến tuổi trưởng thành, đúng là một người ốm yếu nhưng lại có ”thể chất mạnh như thép”. Các con của ông là: William Erasmus (1839-1914), Anne Elizabeth (3/1841- 4/1851), Marry Eleanor (9/1842-10/1842), Henrietta Emma “Etty” (1843-1929/, George Howard (1845-1912), Elizabeth “Bessy” (1847-1926), Francis (1948-1925), Leonard (1850-1943), Horace (1851-1928), Charles Waring  (12/1856-6/1858). Khi bé Anne mất lúc mới 10 tuổi ông bị sốc rất lớn và không tin vào Công giáo nữa. Ông từ bỏ việc đến nhà thờ. Các con ông là George, Francis và Horace là thành viên của Hiệp hội Hoàng gia với các cương vị nghiên cứu thiên văn, thực vật và kỹ sư công trình công cộng. Leonard sau khi rời bỏ quân ngũ đã trở thành nhà nghiên cứu sinh học.

         

     Một giả thuyết cho rằng ông đã nhiễm ký sinh trùng hình Nam Mỹ, cách chữa trị lúc bấy giờ dẫn đến ngộ độc với arsen. Loại ký sinh trùng này tuy có nguồn gốc Nam Mỹ, nhưng có quan hệ họ hàng với loại Tifanosoma gây bệnh buồn ngủ ở châu Phi, khiến người nhiễm bệnh suy kiệt dần, cả thể chất cũng như tinh thần. Ông hồi tưởng, khi ở tỉnh Mendoza thuộc Argentina, ông từng bị loài ”bọ xít đen cực lớn đồng cỏ Nam Mỹ” tấn công. Ngày nay mới biết, đây là loài Triatoma infestans, vật chủ trung gian chính của loại ký sinh trùng máu này. 


      Triatoma infestans

    Darwin dựa vào bút ký và nhật ký của mình, viết ra rất thành công mấy tác phẩm về địa chất học và cuốn ”Chuyến du hành trên chiến hạm Beagle”, được độc giả đón nhận nhiệt liệt. Những cuốn sách trên tuy không mang lại cho ông lợi nhuận gì về kinh tế, nhưng đã làm cho ông rất vui mừng vì đã giúp ông trở thành một nhà khoa học có tên tuổi. Ông đã giải thích một cách thành công nguyên nhân hình thành đá ngầm san hô hình vòng, đóng góp quan trọng cho Địa chất học ở thế kỷ 19. Những năm tháng ở London, với tư cách Thư ký Hiệp hội Địa chất học, ông đã gặp gỡ nhiều nhà khoa học cũng như lãnh đạo các tổ chức học thuật. Chẳng hạn, nhà địa chất học Lyell, nhà thực vật học J.D. Hooker (1817-1911) đều là những người bạn thân thiết nhất của ông. Sau này, trong cuộc tranh chấp với Wallace về bản quyền thuyết tiến hóa, họ đóng vai trò như người phát ngôn của Darwin. Do sức khỏe ông rất kém, nên ông quyết định cùng gia quyến rời London đến làng Darwen, thuộc tỉnh Kent cách London không xa, ở đó, gia đình ông sống một cuộc đời gần như ẩn dật.

            IV.  Darwin với thuyết tiến hóa

    Ngày nay tên tuổi Darwin gần như đồng nghĩa với thuyết tiến hóa và chọn lọc tự nhiên. Trên thực tế ông đã tổn hao nhiều thời gian hơn cho các vấn đề khác không liên quan trực tiếp đến tiến hóa. Làm thế nào Darwin đã từ chủ trương Chọn lọc tự nhiên phát triển lên tới Thuyết tiến hóa? Ông từng giải thích, cuộc chuyển biến từ người theo thuyết Thượng Đế sáng tạo sang thuyết Tiến hóa đã nẩy sinh trong chuyến du khảo. Ông đã quan sát hóa thạch các loài có vú ở Argentina và suy nghĩ về những loài chim, rùa trên quần đảo Galapagos. Nhưng từ thời điểm đó đến khi ông chính thức phát biểu thuyết Tiến hóa cách nhau tới 20 năm. Ngay khi về Anh, Darwin đã rút ra kết luận, sự hài hòa giữa động vật và mội trường không phải do Thượng Đế “thiết kế” ra, mà là kết quả của sự thích nghi. Thích nghi là sản phẩm của tiến hóa, có nghĩa là được di truyền song song với những biến đổi của cơ thể.

    Ngay từ năm 1837-1839, dường như Darwin đã tin vào sự tiến hóa.Từ năm 1839 tới mấy năm tiếp theo Darwin đã cùng cộng sự công bố 5 tập “Động vật học của cuộc hành trình của tàu H.M.S. Beagle” . Có hai quyển do Darwin biên tập là: 1840-Hóa thạch của Thú (Part I-Fossil Mammalia) và 1839- Thú (Part II.Mammalia).Năm 1842, ông công bố tác phẩm Cấu trúc và phân bố của rạn san hô (The Structure and Distribution of Coral Reefs). Năm 1844- Quan sát địa chất các đảo núi lửa ( Geological Observations of Volcanic Islands). Năm 1846- Quan sát địa chất Nam Mỹ (Geological Observations on South America). Năm 1849- bĐịa chất học (Geology). Năm 1851- Hóa thạch của lớp phụ Cirripedia (A Monograph of the Sub-class Cirripedia). Năm 1851- Hóa thạch của họ Lepadidae ( A Monography on the Fossil Lepadidae).Năm 1854- Hóa thạch của họ Balanidae và họ Verrucidae ở Anh (A Monograph on the Fossil Balanidae and Verrucidae). Năm 1858: Thảo luận về xu thế hình thành biến dị của loài cùng với tính vĩnh cửu của biến dị và ý nghĩa tựu nhiên của sự chọn lọc loài (On the tendency of Species to form Varieties; and on the Perpetuation of Varieties and Species by Nature Means of Selection). Ông tiếp tục đào sâu suy nghĩ, đến ngày 22-11-1859, chịu sức ép từ Wallace, ông mới vội vàng cho in cuốn”Nguồn gốc các loài” (On the Origin of Species). Thực ra tên chính thức của cuốn sách in 1250 bản này có tên dài dòng hơn- Nguồn gốc các loài bằng con đường chọn lọc tự nhiên hay sự bảo tồn các chủng thích nghi trong cuộc đấu tranh sinh tồn On the Origin of Species by Means of Natural Selection, or The Preservation of Favoured Race in the Struggle for Life.

     

     Tại sao có sự chậm trễ như vậy? cách giải thích truyền thống là do ông e ngại công khai tuyên truyền quan điểm dị đoan vì bị ám ảnh bởi hiện hình ảnh của Bruno và Galileo. Nhưng ông cũng biết rõ, việc đưa người tà giáo lên giàn hỏa thiêu đã chấm dứt từ năm 1600. Nỗi lo lớn lao hơn là ông lo học thuyết của mình chưa đủ sức thuyết phục. Thuyết tiến hóa không phải là lý thuyết mới, nhưng nếu thiếu sự giải thích về cơ chế tiến hóa, thuyết này vẫn chỉ là lý thuyết suông. Mặc dù ngay Darwin và một số người khác đôi lúc làm lẫn lộn hai vấn đề “ Tiến hóa có từng xẩy ra không?” và “ Cơ chế phát sinh tiến hóa như thế nào?”, nhưng ông vẫn nhận thức được đó là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Đến năm 1859, ngoài lý do có thể bị Wallace cướp công, ông cũng đã tự tin mình có đủ bằng chứng, những bằng chứng đó nếu chưa đủ cho mọi người không tin không được, thì ít ra cũng thuyết phục được đa số. Darwin xuất bản cuốn ”Nguồn gốc các loài” và được đáng giá một cách xứng đáng. “Ở những điểm mà Lamarck chỉ có 1 dữ liệu, thì Darwin có tới 100 dữ liệu”. 
 

        V. Robet Malthus (1766-1834) và Thuyết nhân mãn

    Những nhà phê bình muốn hạ thấp thành tựu của Darwin, thường chỉ trích một cách khinh miệt rằng, chỉ có bậc thân hào thời kỳ Nữ hoàng Victoria mới viết ra được cuốn sách chẳng có chút giá trị sáng tạo nào như vậy. Sách đó chẳng qua chỉ là áp dụng thuyết Malthus vào giới động vật và thực vật mà thôi.

    

 Thomas Robert Malthus 
 

    Cũng giống Darwin, Malthus đã khơi lên quan niệm cách mạng ở thời đại đó trong phạm vi toàn thế giới. Hai người đều viết được những tác phẩm để đời và đều bị phản đối điên cuồng, mà những người phản đối đó chưa từng đọc kỹ tác phẩm của hai ông. Các tác phẩm nổi tiếng của họ đều đã được tái bản nhiều lần, để đáp trả lại sự phê bình của độc giả và cập nhật những khái niệm đang thay đổi. Hai cuốn sách này đều được sửa đổi nhiều, đến nỗi những cuốn tái bản về sau khác hẳn so với những lần in trước. Malthus từng tranh luận với cha mình về bản tính và tiền đồ của nhân loại, sau đó ông mới viết cuốn “ Bàn về nguyên tắc dân số” (An essay on the Principle of Population). Malthus cha là bạn của Rousseau, ông hết sức nhồi nhét cho con mình về chủ nghĩa tự do, vế loài người sẽ ngày một hoàn thiện hơn. Malthus con lại phản đối tất cả những cách nghĩ lạc quan về tương lai loài người, còn tính ra một tương lai ảm đạm, khiến mọi người khiếp sợ nhưng không bác bỏ được.

    Quan điểm trong cuốn ”Bàn về nguyên tắc dân số” là: Khuyết điểm của loài người là bẩm simh, không thể thay đổi, nên những mơ tưởng kiểu Utopia quyết không thể thực hiện được. Phần lớn trạng thái tự nhiên của loài người là khổ nạn và tội ác, là bệnh tật, chiến tranh, giết trẻ sơ sinh, loạn giao. Những tôi ác đó giúp cho ngăn ngừa sinh sản, hoặc cứ cho sinh sản mặc sức, đến khi sinh sản quá mức thì tiêu diệt những kẻ dư thừa. Nên tất cả mọi đau khổ đều là hậu quả tất yếu của hai nhu cầu cơ bản của loài người- đó là Thức ăn và Tình dục.

    Nhân khẩu tăng theo cấp số nhân, còn khả năng cung cấp thức ăn của thiên nhiên tăng theo cấp số cộng. Cuộc giành giật khốc liệt về tài nguyên sẽ không thể tránh khỏi. Mọi sinh vật đều gây áp lực với tài nguyên, bất kể là người, động vật hay thực vật.

    Darwin đã áp dụng quan điểm của Malthus và cho rằng trong thiên nhiên những cá thể không có ưu thế đấu tranh sinh tồn sẽ bị diệt vong.

          XI. Chọn lọc tự nhiên

    Chính quan điểm của Malthus về giành giật tài quyên để sinh tồn giữa các sinh vật đã gợi ý cho Darwin coi chọn lọc tự nhiên là cơ chế tiến hóa. Cơ sở của học thuyết tiến hóa của Darwin là Thuyết chọn lọc tự nhiên. Chọn lọc tự nhiên là nhân tố chủ yếu , là động lực của tiến hóa. Quan điểm của ông có thể tóm tắt như sau: trong giới sinh vật tồn tại vô số biến dị cũng như sức sinh sản lớn lao; trong cuộc đấu tranh sinh tồn, các biến chủng có khả năng thích nghi khác nhau. Từ hai quan điểm trên dễ dàng suy ra: thiên nhiên đã tiến hành chọn lọc đối với tất cả các biến chủng và chỉ có những biến chủng thích nghi nhất mới để lại được nhiều cá thể và được bảo tồn. Ảnh hưởng của môi trường tạo điều kiện thuận lợi để nẩy sinh những tính trạng khác biệt và phân ly những tính trạng đó cho tới khi hình thành những loài độc lập. Chúng sẽ khác nhau và khác với tổ tiên của chúng. Thiên nhiên đã thực hiện việc lựa chọn những cá thể có sức chịu đựng dẻo dai hơn và thông qua chọn lọc tự nhiên mà phân nhánh thành vô số các

     Darwin cho rằng cây trồng và vật nuôi rất đa dạng so với tổ tiên hoang dại. Tuy đa dạng nhưng chúng có những nguồn gốc chung. Ông nhận thấy trong bất kỳ một nhóm vật nuôi nào cũng có những sai khác ngẫu nhiên về kích thước, màu sắc và tập tính giữa các cá thể. Lợi dụng những biến dị ấy người ta đã tác động một cách có ý thức trong việc phát triển một số biến chủng này và loại trừ một số biến chủng khác. Các đặc điểm biến dị là bằng con đường chọn lọc phù hợp với lợi ích của con người. Darwin nhận thấy các sai khác nhỏ giữa các cá thể cùng loài là nguyên liệu cho tác động của sự chọn lọc tự nhiên. Ông cho rằng: “Cần phân biệt hai nhân tố: bản chất cơ thể và bản chất của các điều kiện. Nhân tố đầu là rõ ràng và quan trọng nhất. Bởi vì những biến đổi giống nhau xảy ra trong những điều kiện rõ ràng là hoàn toàn giống nhau” . Về quan hệ phức tạp trong thế giới sinh vật Darwin đã viết: “ Chúng ta trông thấy bộ mặt thiên nhiên một cách hân hoan, chúng ta thường thấy sự quá dư thừa thức ăn. Chúng ta không thấy hay quên rằng những con chim đang rảnh rang hót quanh chúng ta phần lớn sống bằng côn trùng và hạt và như vậy thường xuyên phá hủy sự sống. Hay chúng ta quên rằng những con chim đó hoặc trứng của chúng đã bị hủy diệt một cách rộng rãi như thế nào bởi những con chim khác và những con thú, chúng ta cũng không luôn luôn nhớ rằng dù thức ăn lúc đó dư thừa, nhưng điều đó không bao giờ có như vậy đối với tất cả các mùa của mỗi năm.” Darwin đã sử dụng thuật ngữ đấu tranh sinh tồn theo nghĩa rộng. Ông viết: “Tôi phải nói trước rằng tôi dùng thuật ngữ này theo nghĩa rộng và bao gồm sự phụ thuộc một sinh vật đối với sinh vật khác và gồm (điều này quan trọng hơn) không chỉ đời sống của một cá thể mà còn thành công trong việc tạo ra nhiều hậu thế. Hai động vật thuộc chi Canis (chó) trong thời gian đói có thể hoàn toàn đúng khi nói rằng chúng đấu tranh với nhau giành thức ăn và sự sống còn. Cây cối ở rìa sa mạc sẽ được gọi là đấu tranh vì sự sống nhằm chống lại hạn hán, mặc dù nói đúng hơn, nó phụ thuộc vào độ ẩm môi trường. Cây hàng năm chẳng hạn cho hàng nghìn hạt mà chỉ có một hạt đạt đến độ chín, nói đúng hơn chúng đấu tranh với những cây tương tự hay cây khác để phủ mặt đất. Cây Chùm gửi phụ thuộc vào cây táo và một số cây khác. Nhưng chúng ta chỉ nói gượng gạo là nó đấu tranh với những cây đó, vì nếu nhiều vật ký sinh như vậy mọc trên cùng một cây sẽ làm cho cây đó suy yếu và chết đi. Chùm gửi phát tán nhờ chim, sự tồn tại của chúng phụ thuộc vào chim và có thể nói rằng chúng đấu tranh với những cây có quả khác vì khi thu hút chim ăn hạt của chúng mà tình cờ hạt được phát tán. Trong một vài ví dụ như vậy tôi sử dụng thuật ngữ tổng quát đấu tranh sinh tồn cho thuận tiện. ” Ông còn viết: ” Cuộc đấu tranh sinh tồn tất yếu bắt nguồn từ sự sinh sản với tốc độ nhanh của các sinh vật. Thậm chí con người tuy sinh sản chậm nhưng cũng sẽ tăng gấp đôi trong vòng 25 năm và với tốc độ đó thì chưa đầy 1000 năm thực sự sẽ không có chỗ đứng cho con cháu họ”.

    Về chọn lọc tự nhiên Darwin viết: “Con người chỉ có thể ảnh hưởng đến các dấu hiệu bên ngoài thấy được. Còn thiên nhiên duy trì các dạng thích nghi nhất ảnh hưởng đến bên ngoài chỉ khi nào nó cần cho loài sinh vật nào đó. Thiên nhiên có thể ảnh hưởng đến bất kỳ cơ quan nào bên trong, đến mỗi nét của cấu tạo thân thể chúng, lên toàn bộ sự sống. Con người chọn lọc vì lợi ích của mình, thiên nhiên thì chỉ vì lợi ích của cá thể được duy trì. Mỗi đặc điểm cấu tạo nhờ chịu ảnh hưởng của chọn lọc mà được sử dụng hoàn toàn, điều này bắt nguồn ngay từ sự kiện chọn lọc. Thiên nhiên tích lũy biến đổi trong quãng thời gian dài, có khi cả một thời kỳ địa chất. Các biến đổi của thiên nhiên tốt hơn với những điều kiện vô cùng phức tạp của sư sống và rõ ràng mang dấu hiệu gọt giũa kỹ hơn. Có thể nói rằng chọn lọc tự nhiên hàng ngày, hàng giờ trên toàn thế giới với cả những biến đổi nhỏ nhất, vứt bỏ đi những cái xấu, duy trì và tích lũy những cái tốt. Chọn lọc tự nhiên tiến hành âm thầm, lặng lẽ ở bất cứ nơi nào miễn có cơ hội, để hoàn thiện cho từng sinh vật đối với các điều kiện sống hữu cơ và vô cơ của nó”.

     Chỉ có những biến dị di truyền được mới có ý nghĩa trong tiến hóa. Darwin cũng đã so sánh chọn lọc tự nhiên và chọn lọc nhân tạo. Chọn lọc nhân tạo tạo ra được giống cây trồng, vật nuôi tốt trong một thời gian ngắn, chứng tỏ tính hữu hiệu của chọn lọc. Trong thiên nhiên, vai trò của chọn lọc tự nhiên thể hiện ở hai mặt:

  1. Dẫn đến phân ly tính trạng hoặc hình thành loài;
  2. Đồng thời loại thải những loài và biến chủng kém thích nghi hơn.

    Trong hệ thống lý thuyết của Darwin, khái niệm ”loài” chiếm một vị trí then chốt. Người đầu tiên nêu ra khái niệm ”loài” chính là nhà phân loại học Thụy Điển

Carl von Linné (1707-1778), nhưng đối với ông thì ”loài” là cứng nhắc và không thay đổi, còn biến chủng chẳng có ý nghĩa gì. Darwin coi ”loài” là tập hợp những cá thể trong một quần thể có mối gắn kết với nhau trong một thời gian nhất định. Còn biến chủng có một vị trí quan trọng, là xuất hiện “loài”mới. Như vậy, ”loài” ở trong trạng thái động chứ không phải đứng yên; các sinh vật đều từ một tổ tiên chung phân hóa mà ra. 
 

   Carl von Linné

    Trong cuốn ”Nguồn gốc các loài”, Darwin coi tiến hóa là việc hiển nhiên, mà đặt trong tâm vào việc dùng chọn lọc tự nhiên để giải thích tiến hóa. Ông cũng không đề cập đến nguồn gốc sự sống. Khởi đầu cuốn sách là nói về biến dị: Chương 1, Biến dị dưới điều kiện nuôi dưỡng; Chương 2, Biến dị trong trạng thái tự nhiên. Ông đã dẫn chứng bằng những tư liệu vô cùng phong phú. Nhưng đối với nguyên nhân của biến dị thì vào thời đại đó ông không thể nào biết được.

    Cuốn “Nguồn gốc các loài” xuất bản lần đầu đã bán sạch ngay hôm đầu tiên, gây nên làn sóng ảnh hưởng lớn lao. Darwin đã phải tốn nhiều thời gian trả lời những thắc mắc và phê phán, trong đó gay cấn nhất là ý kiến phê bình của nhà vật lý học Lord Kelvin (1824-1907) và kỹ sư F. Jenkin. Lord Kelvin cho rằng nếu tiến hóa là do tích lũy những biến dị nhỏ, thì ít nhất phải mất hàng tỷ năm, mà tuổi thọ của trái đất theo tính toán của ông dựa trên nguyên lý nhiệt động học, mới chỉ có 100 triệu năm, vỏ trái đất nguội đi mới có 20 triệu năm, hoàn toàn không đủ quỹ thời gian dành cho một cuộc tiến hóa dù là nhỏ nhất. Jenkin dùng kết quả toán học chứng minh biến di mới khi xuất hiện, như một giọt mực sẽ bị biển cả nuốt chửng ngay, thức chất đây là thuyết “di truyền hòa hợp”. Do hạn chế về trình độ khoa học lúc đó, Darwin không bác bỏ được những ý kiến đó, cho nên khi tái bản ”Nguồn gốc các loài” lần thứ 6 và các lần về sau, tuy vẫn kiên trì thuyết Chọn lọc tự nhiên, nhưng phần nào ông đã tiến gần đến với thuyết của Lamarck, coi trọng hơn tính tập nhiễm và cho rằng các cơ quan nào sử dụng nhiều thì tiến hóa, ít sử dụng thì thoái hóa.

    Những khúc mắc đó phải đợi đến năm 1900, khi ba nhà khoa học (H.de Vries, C.Correns và E.von Tschermak) “tái phát hiện” những thí nghiệm của Gregor Mendel (1822-1884) thực hiện từ năm 1865. mới giải quyết được.

    

   Gregor Mendel 
 

    VII. Nguồn gốc loài người và chọn lọc giới tính

    Khi cuốn”Nguồn gốc các loài” được xuất bản, thuyết tiến hóa được nhiều người chấp nhận, thì giữa loài người và động vật, vẫn còn một rãnh sâu ngăn cách, đó là trí trí khôn và linh hồn. Động vật chịu tác động của quy luật tiến hóa, còn loài người là hoàn toàn tách biệt, phải nhờ đến”bàn tay của Thượng Đế”. Với tuổi già sức yếu, không thể đi dã ngoại được, nhưng bằng những cố gắng phi thường, năm 1871, ông đã xuất bản cuốn” Xuất xứ của loài người và sự chọn lọc liên quan đến giới tính” (The Descent of Man, and Selection in Relation to Sex). Với điều kiện chúng cứ rất hạn chế, lại thiếu hẳn nhiều khâu trung gian quan trọng, ông đã tiên đoán loài người với các loài linh trưởng bậc cao như hắc tinh tinh, đười ươi, khỉ đột có chung một tổ tiên mà tổ tiên đó ngày nay đã tuyệt chủng. Nơi phát sinh loài người là vùng rừng nhiệt đới, có thể là châu Phi. Darwin cho rằng con người cũng sinh ra dưới áp lực của chọn lọc tự nhiên. Hoạt động chức năng và chọn lọc giới tính đã làm xuất hiện một số đặc điểm riêng ở người. Chẳng hạn sự phát ra âm thanh để thách thức địch thủ hoặc để biểu lộ tình cảm đối với phái nữ…Từ đó mà dẫn đến tiếng nói. Ông cho rằng sự khác biệt giữa con người và con vật chỉ ở mặt số lượng , còn thì mầm mống ý thức, tình cảm đều đã có ở các loài khỉ bậc cao. Darwin xác nhận: “điều kiện văn minh đã tác động đối lập về nhiều mặt vơi ảnh hưởng của chọn lọc tự nhiên.”

    Rất nhiều động vật, nhất là những loài ”đa thê”, ngoài đặc trưng giới tính thứ nhất (khác biệt giữa cơ quan sinh dục đực và cái), còn có đặc trưng giới tính thứ hai. Chẳng hạn như con đực thường to con hơn, sư tử đực có bờm, tiếng hót và bộ lông sặc sỡ của chim trống…Darwin đã giải thích sự hình thành đặc trưng giới tính thứ hai bằng ”chọn lọc giới tính”. Những con đực có những đặc điểm riêng dễ dàng lọt qua “mắt xanh” con cái hơn, có cơ hội giao phối lớn hơn và để lại con cháu nhiều hơn. Những đặc điểm nhỏ nhặt ban đầu được tích lũy dần lại và hình thành nên đặc trưng giới tính thứ hai. Trên thực tế nhiều đặc trưng giới tính thứ hai đã trở thành của dư thừa trong tiến hóa. Chẳng hạn bộ lông sặc sỡ của nhiều loài chim trống dễ làm cho kẻ thù phát hiện. Chọn lọc giới tính của loài nai dẫn đến con đực có cặp sừng quá cỡ, khó di chuyển trong rừng, dẫn đến một số loài nai cổ ở Bắc Mỹ bị tuyệt chủng. Về chọn lọc giới tính Darwin viết: “ Đây là dạng chọn lọc được xác định không phải bởi cuộc đấu tranh sinh tồn giữa các cá thể với các loài khác và với điều kiện thiên nhiên, mà là cuộc đấu tranh giữa các cá thể cùng giới tính (thường là con đực) để chinh phục các cá thể thuộc giới tính khác. Do đó không đưa đến cái chết của cá thể thất bại mà chỉ làm giới hạn hoặc làm mất đi sự tồn tại con cái”. Sự chọn lọc theo hướng vũ lực (tranh giành nhau) và hấp dẫn con mái bằng màu lông, tiếng hót… Đối với sự tiến hóa của loài người, Darwin cho rằng chọn lọc giới tính đóng vai trò quan trọng. không chỉ dẫn đến nam giới có có râu, hạch cổ, hệ cơ bắp phát triển hơn, mà còn dẫn đến có khối lượng óc lớn hơn, do đó có năng lực dũng cảm hơn và sáng tạo hơn so với nữ giới. Điều này rất giống với quan điểm của Aristotle thời cổ Hy lạp.

    Nhũng quan điểm không rõ ràng của ông về các nhóm cấu thành loài người, khiến những những luồng tư tưởng khác nhau đều có thể lợi dụng để làm chỗ dựa cho các quan điểm của mình. Đó là từ chủ nghĩa hòa bình đến lái buôn chiến tranh, từ chủ trương bình đẳng giữa các chủng tộc đến phân biệt chủng tộc, từ nam nữ bình quyền đến phân biệt giới tính...

    Năm 1872 Darwin cho xuất bản cuốn “Biểu đạt cảm xúc ở người và động vật” (The Expression of Emotion in Man and Animals), đặt nền móng cho Khoa học tính cách . Những phương pháp nghiên cứu của ông như quan sát nét mặt của trẻ sơ sinh, của người tâm thần, của nhà giám đinh khi thưởng thức các danh họa, các tác phẩm điêu khắc, so sánh nét mét mặt giữa các dân tộc khác nhau, tất cả đều đã trở thành những phương pháp nghiên cứu kinh điển.

    Darwin cũng đã chúng minh sư tiến hóa của hành vi cũng như sự tiến hóa của các cơ quan, có thể trở thành ”hành vi thoái hóa” hoặc ”hành vi dấu vết”. Giống như động vật thủy sinh khi lên cạn, khe mang thứ nhất biến thành lỗ tai, động tác ”gào thét” của loài người thoát thai từ động tác “cấu xé” của động vật khi muốn tấn công kẻ thù.

    VIII. Darwin và Wallace

    Từ chuyến đi lịch sử trên tàu Beagle, năm 1842 và năm 1844 ông mới viết 2 bài luận văn ngắn về tiến hóa nhưng chưa hề phát biểu. Mãi đến năm 1854 Darwin mới từ từ chỉnh lý những tài liệu cao ngập đầu mà mình đã sưu tầm được. Ông dự định viết một pho sách đồ sộ.

    Một sự kiện xẩy ra khiến ông choáng váng và thay đổi tất cả. Ông đã nhận được một bản luận văn ngắn ”Bàn về khuynh hướng ly khai vô hạn khỏi mô thức ban đầu của các biến chủng” của nhà khoa học kém ông 14 tuổi là Alfred Russel Wallace (1823 – 1913) gửi từ Malay, xin ý kiến của ông. Quan điểm của Wallace gần như hoàn toàn giống với quan điểm của ông. Ông viết: ”Trên đời lại có hai sự kiện trùng hợp đến mức kỳ lạ vậy sao?”, ông nói, thậm chí ông muốn buông xuôi nhường quyền tác giả cho Wallace.  
 

Alfred Russel Wallace

    Giáo sư Charles Lyell (1797-1875) và Joseph Dalton Hooker (1817-1911) nắm biết rất rõ công việc của Darwin ròng rã trong 20 năm trời, cho nên hai ông đã đứng ra xử lý vụ tranh chấp khoa học này một cách công minh. Darwin đã viết quan điểm của mình thành một luận văn cô đọng, cùng với bài của Wallace gửi lên Học hội Linné London (Linnean Society of London) và đồng thời phát biểu trên nội san của Hội vào tháng 8 năm 1858. Tiếp theo ông đã mất hơn 13 tháng để hỏa tốc hoàn thành và xuất bản cuốn”Nguồn gốc các loài”. Trong cuốn sách đó, ông nói: ”Tôi ít khi quan tâm đến vinh dự lớn lao về quyền phát minh thuộc về tôi hay về Wallace”.

     

    Charles Lyell   

    Joseph Dalton Hooker

    Được sự hỗ trợ ngấm ngầm nhưng đắc lực của bè bạn, quyền ưu tiên cuối cùng đã thuộc về Darwin. Wallace ý thức được nếu chỉ dựa vào luận văn của mình thi ảnh hưởng cũng rất hạn chế, nên ông đã coi đây là một trong những chuỗi sư kiện bất hạnh của mình, tiếp nhận địa vị phụ thuộc một cách rất phong độ. Ông đã sáng tạo ra nhóm từ “Chủ nghĩa Darwin” (Darwinism) để suy tôn Darwin và phân biệt với những người đi tiên phong khác theo thuyết tiến hóa. Chính Darwin cũng thấy Wallace đã khiêm tốn quá mức, ông nói: ”Ông ấy là người tôi chưa từng thấy”. Wallace về sau đã viết nhiều tác phẩm như “Phân bố địa lý của động vật” ( The Geographical Distribution of Animals, 1876), “Quần đảo Malay” (The Malay Archipelago,1869), “Đóng góp vào lý thuyết Chọn lọc tự nhiên” ( Contributions to the Theory of Natural Selection, 1870) , ” Thiên nhiên nhiệt đới và các khảo nghiệm khác” ( Tropical Nature, and Other Essays,1878),” Sự sống trên đảo” (Island Life, 1881). Tất cả đều là những tài liệu quý giá về địa động vật và khu hệ động thực vật trên hải đảo. Ông cũng viết nhiều sách phổ biến khoa học, phổ cập kiến thức về Thuyết tiến hóa của Darwin, chẳng hạn như cuốn “Một thuyết trình về thuyết Chọn lọc tự nhiên, với một số ứng dụng của chúng” (Darwinism: An Exposition of the Theory of Natural Selection, with Some of Its Applications 1889) … Wallace tin vào thuyết duy linh, nhưng lại có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, như ủng hộ quyền bầu cử của phụ nữ, chủ trương quốc hữu hóa đất đai v.v…Nhiều người đương thời đã trêu ông là “Một nửa thiên tài, một nửa điên khùng”. Từ năm 1908 Học hội Linnean đã đặt ra Huy chương Darwin-Wallace (Darwin-Wallace Medal) để kỷ niệm 50 năm công bố các công btrình về Chọn lọc tự nhiên của Darwin và Wallace.

    

    IX. Ảnh hưởng của Chủ nghĩa Darwin

    Trước đây khi chưa có Chủ nghĩa Darwin, người ta quan niệm thiên nhiên là do Thượng đế thiết kế và trực tiếp điều hành. Trái đất là do Thượng đế vì loài người mà sáng tạo ra. Darwin đã cùng với Wallace, tuyên chiến với quan điểm truyền thống đã ngự trị tư tưởng con người cả ngàn năm . Bằng những chứng cứ không thể chối cãi, Darwin đã chứng minh sự thích nghi giữa sinh vật và môi trường là hình thành qua những quãng thời gian dài bởi sự chọn lọc tự nhiên tác dụng lên các ngẫu biến, chứ không phải do thông minh tài trí của Thượng đế. Dưới con mắt ông, trần gian là một thế giới duy vật, đầy tính ngẫu nhiên. Những giáo sĩ cố gắng gắn liền Thượng đế và sự tiến hóa, nhưng không thể được. Thượng đế đã bị đẩy ra xa và trở thành một khái niệm trừu tượng . Thiên tài của Darwin biểu hiện ở chỗ trong muôn vàn sự phụ thuộc và hiện tượng phức tạp trong thiên nhiên, ông đã biết tách ra và đánh giá vai trò của các quá trình chọn lọc là nguyên do chính của sự tiến hóa, tìm ra cơ sở lịch sử tự nhiên chung, đặc trưng cho các sinh vật. Chỉ trên cơ sở nguyên tắc chọn lọc người ta mới có thể giải thích được những trường hợp xuất hiện các kiểu thích nghi thụ động như như các cây có gai, mu rùa, sinh vật này thích nghi với một số sinh vật khác (ví dụ thực vật có hoa và côn trùng) và cuối cùng là sự xuất hiện màu sắc để ngụy trang và bảo vệ ở nhiều dạng khác nhau…

    Bị căn bệnh mãn tính hành hạ, Darwin kiên quyết tránh xa mọi cuộc tranh luận, đôi lúc đã ảnh hưởng đến phát triển của Thuyết tiến hóa. May thay, đã có những nhà khoa học thông thái, kiên định và đầy sức chiến đấu đứng mũi chịu sào, trong đó nổi bật nhất là giáo sư Thomas Henry Huxley (1825-1895). Do bênh vực thuyết tiến hóa, ông đã từng bị người ta chế diễu là “Con chó săn của Darwin”. Ông đứng thứ 7 trong một gia đình 8 con, từ nhỏ ông chỉ có 2 năm cắp sách đến trường, vậy mà đã trở thành nhà khoa học xuất sắc hoàn toàn nhờ tư học. Giống như Darwin và Wallace, Huxley từng đi du lịch nhiều nơi, trở thành nhà bác học bao chùm các lĩnh vực động vật, cổ sinh vật, địa chất, thực vật, nhân loại. Ông đã viết hơn 150 bài biên khảo, thông thạo các ngôn ngữ Pháp, Latin, Đức, Ý, Hy Lạp , tất cả nhờ tự học. Ông không những viết hay mà còn sở trường hùng biện.

    

  Thomas Henry Huxley

    Tháng 6 năm 1860, khi ”Nguồn gốc các loài” mới xuất bản được 7 tháng, một cuộc tranh luận nổi tiếng đã xẩy ra giữa ông và giám mục Samuel Wilberforce tại Hội nghị học thuật thường niên ở Đại học Oxford. Tiêu điểm cuộc tranh luận là cuốn ”Nguồn gốc các loài” của Darwin, nhưng bất ngờ là chính Darwin lại kiếm cớ vắng mặt. Hơn 700 thính giả đã chật cứng hội trường, họ chống đối chủ nghĩa Darwin, họ đến là để nghe vị giám mục tài ba Wilberforce vạch mặt ”Thuyết con khỉ”, nên mỗi lời ba hoa của giám mục Wilberforce đều được vỗ tay tán thưởng nhiệt liệt. Huxley ngồi dưới lắng nghe, kết luận rằng ông này chẳng hiểu chút gì về thuyết tiến hóa, nên tự tin nắm chắc phần thắng. Kết thúc bài diễn văn giám mục Wilberforce quay về phía Huxley, hỏi một cách rất văn nhã: ”Thưa tiên sinh khả kính tự coi là hậu duệ loài khỉ, ngài đã kế thừa dòng máu loài khỉ từ phía ông nội hay bà nội?”. Cả hội trường cười ồ. Huxley bước lên trình bày ngắn gọn quan điểm của Darwin, vạch trần sự ngu muội của vị giám mục. Cuối cùng, ông nói: ”Tôi thà nhận con vượn đáng thương làm tổ tiên mình, còn hơn là nhận tổ tiên là một con người thừa thông minh, nhưng mang sự trào lộng, chế diễu vào một cuộc thảo luận khoa học nghiêm chỉnh”. Cuộc tranh luận đã đánh dấu sự toàn thắng của thuyết tiến hóa trên đất Anh.

    

    William Wilberforce

    Thế kỷ 19 là thế kỷ phát triển mạnh mẽ của Sinh học cũng như các chi nhánh của nó, như Sinh lý học và Vi sinh vật học- có tác động đến sức khỏe con người. Tuy nhiên trên lĩnh vực tư tưởng, không môn nào có ảnh hưởng lớn lao như Thuyết tiến hóa của Darwin. Thuyết tiến hóa đã không còn chỉ bó hẹp trong Sinh học, mà đã mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác. Những trào lưu xã hội và những trường phái triết học hoàn toàn trái ngược nhau đều trích dẫn chủ nghĩa Darwin, lấy làm luận cứ khoa học của mình, kể cả Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa Phát xít, Chủ nghĩa tư bản và Chủ nghĩa cộng sản, Thuyết duy vật và Thuyết thần học tiến hóa (chủ trương tiến hóa theo mục tiêu định sẵn của Thượng đế)…Darwin lúc đó nằm im lặng tại thôn Darwen, không khuyến khích cũng không ngăn cản các trường phái nhân danh học thuyết của mình

    X. Chủ nghĩa Darwin xã hội

    Chủ nghĩa Darwin xã hội ( Social Darwinism) chỉ trường phái áp dụng thuyết tiến hóa Darwin cho xã hội loài người. Người sáng lập ra Chủ nghĩa Darwin xã hội là nhà khoa học người Anh Herbert Spencer (1820-1903). Nội dung được mô tả trong cuốn”Nguyên lý sinh học” (Principles of Biology ,1864).

    Theo Spencer, xã hội cũng giống như cơ thể sinh vật, được thể hiện bằng mức độ tiến hóa. Thiên nhiên bao giờ cũng lựa chọn những phần tử ưu tú nhất, thích nghi nhất và đền đáp họ bằng của cải vật chất và địa vị xã hội. Những kẻ không thích nghi môi trường là những kẻ ”lơ đãng, lười biếng, hiệu suất thấp, ngụ dốt, lỗ mãng”, sẽ bị đào thải. Xã hội sẽ tiến hóa hơn, nếu như các ”phần tử ưu tú” tích cực sinh sôi nẩy nở hậu duệ của mình. Sự thực thì ngược lại, trong lúc người giàu mải miết thu gom tiền bạc thì người nghèo có mức sinh con vượt xa. Ngay tại điểm này, tính tương đồng giữa chủ nghĩa Darwin xã hội và chủ nghĩa Darwin sinh học đã bị phá vỡ. Ý định đánh đồng giữa hiện tượng tự nhiên và hiện tượng xã hôi đã hoàn toàn bị phá sản.

    

   Herbert Spencer

    

    Để trấn an nỗi lo sợ đó, một người anh em họ của Darwin là Francis Golton (1822-1911) đã đề ra thuyết ”Ưu sinh” (Eugenic), chủ trương bằng các biện pháp cưỡng chế, nhằm đảm bảo các ”phần tử ưu tú” có cơ hội sinh sản cao hơn để cải thiện nòi giống loài người.

    

    Peter Kropotkin (1842-1921) là một Hoàng tử Nga theo chủ nghĩa vô chính phủ. Ông từng dầy công điều tra khu hệ động thực vật vùng Siberia. Ông phát hiện sự đấu tranh sinh tồn ở đây tuy cũng vô cùng khốc liệt, nhưng chỉ tồn tại giữa các loài. Hầu như không tìm thấy chứng cớ về sự đấu tranh trong nội bộ loài. Ông giả thiết, ngoài quy luật đấu tranh, còn có một quy luật khác,”quy luật hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau”, đó mới là quy luật hàng đầu thúc đẩy sự tiến hóa của nhiều loài. Trong tác phẩm ”Hỗ trợ” của mình, ông đã viện dẫn trong sách ”Xuất xứ của loài người và sự chọn lọc liên quan đến giới tính” của Darwin đã đề cấp một cách hàm súc về quy luật này, đồng thời đáp trả ý kiến quá khích của Huxley về vai trò cạnh tranh trong tiến hóa. Ông cho rằng, ý thức được lợi ích liên quan đến nhau, trong nội bộ loài đã sinh ra một thứ bản năng, chính bản năng đó đã thúc đẩy hoạt động của các loài côn trùng xã hội, cũng bản năng đó dẫn đến hiện tượng cả bầy sói cùng đi săn mồi. Khuynh hướng sinh học xã hội ngày nay ủng hộ quan điểm”Hỗ trợ” của Kropotkin. 
 

    Tiếng vang khắp bốn phía, thế sự nhiễu nhương, nhưng Charles Darwin sẽ không bao giờ nghe thấy nữa. Vào hồi 4 giờ chiều ngày 19/4/1882, tại làng Darwen, trái tim vĩ đại Darwin đã ngừng đập trong vòng tay của bà Emma Darwin. Nguyện vọng của gia đình là muốn ông yên giấc tại nghĩa trang gia đình, tại làng Darwen, nơi ông đã sinh sống suốt gần 40 năm, nhưng 28 nghị sĩ đã liên danh viết thư thỉnh nguyện yêu cầu chôn cất ông (Đại giáo đường Westminster) cho xứng đáng. Một tuần sau, lễ tang ông được cử hành ở Westminster Abbey theo nghi thức quốc tang. Bà Emma đã không dự, trong 10 người khiêng linh cữu nhà bác học, có ba người bạn thân của ông lúc sinh thời: Nhà thực vật học J. Hookek, người đã tiên đoán được tầm cỡ chấn động toàn cầu của Học thuyết tiến hóa; A. Wallace, người đã cùng lúc và độc lập phát hiện ra hiện tượng chọn lọc tự nhiên và T. Huxley, người đã trọn đời bôn ba cổ xúy cho Học thuyết tiến hóa. Linh cữu đã được an táng phía dưới bia mộ của nhà bác học Issac Newton.

     Mặc dù 15 năm trước Darwin đã được Hoàng gia nước Phổ phong hàm quý tộc, nhưng ở chính quốc, ông không được phong tước hiệu gì, ông yên nghỉ ở Westminster với tư cách một người bình dân. Trớ trêu thay, tuy Giáo hội Anh Quốc giáo suy tôn ông, nhưng đến khi nằm xuống, ông không những không tin Chúa, còn rất phản cảm với Kito giáo, điều đó thể hiện trong cuốn ”Tự truyện” (Autobiography of Charles Darwin) ông viết lúc cuối đời, nhưng mãi đến năm 1959 mới được xuất bản hoàn chỉnh.

     Năm 1986, tạp chí The Life của Mỹ đã bình chọn cuốn ”Nguồn gốc các loài” của ông là cuốn sách vĩ đại nhất trong lịch sử loài người. Nằm dưới suối vàng, ông có thể mỉm cười. 
 

    Chúng tôi không bàn ở đây các hạn chế của học thuyết Darwin trước các tiến bộ như vũ bão của Sinh học nhất là Sinh học phân tử trong những thập kỷ gần đây. Hy vọng đó là nội dung sâu sắc và phong phú của những khảo luận khác.

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Lân Dũng, Chung Chí Thành