Elizabeth Blackwell

Vietsciences-Trần Điển Ngọc            02/03/2005 

 

Elizabeth Blackwell (1821-1910), nữ bác sĩ đầu tiên ở Bắc Mỹ. 

Elizabeth Blackwell, 38 tuổi.
Nữ bá tước de Charnacee vẽ bằng bút chì,
(Glasgow University
)

Ngày 3 tháng 2 năm nay là sinh nhật thứ 184 của Elizabeth Blackwell (1821-1910), nữ bác sĩ đầu tiên ở Bắc Mỹ.   Sinh năm 1821 ở Bristol, Anh quốc, Elizabeth Blackwell theo cha và gia đình di cư sang Hoa kỳ  đầu tiên ở Jersey City, sau dọn về Cincinnati, bang Ohio.  Ông Samuel Blackwell, thân phụ của bà mất sớm.  Elizabeth cùng hai người chị giúp bà mẹ mở trường tư dạy học.   Một người bạn trước khi mất có than với Elizabeth Blackwell là cô ta có lẽ không chết nếu có một nữ bác sĩ để cô ta có thể đi khám bịnh.   Lòng mộ đạo và ý thức trách nhiệm khiến Elizabeth Blackwell nghĩ đến việc theo học y khoa và trở thành bác sĩ.

         Từ Cincinnati, Elizabeth đã đi xuống Henderson, Kentucky và sau đó North Carolina và South Carolina để dạy học, vừa để dành tiền, vừa để chuẩn bị vào học một trường y khoa.  Tại Charleston, South Carolina, bà ở trọ nhà bác sĩ  Samuel H. Dickinson trong một năm để học dự bị y khoa với ông đồng thời học thêm hai cổ ngữ cần thiết cho ngành y:  La tinh và Hy lạp.  Tất cả các điều đó đều rất cần để được thâu nhận vào một trường y khoa thời bấy giờ.

         Vào đầu năm 1847, Elizabeth đã gởi đơn xin theo học đến các trường y khoa nổi tiếng.  Tất cả đều từ chối không thâu nhận bà vào học.   Tất cả đều có chung lời từ chối "chưa có trường nào thâu nhận phụ nữ vào học y khoa, và lúc này (1847) là chưa phải lúc".  Có người còn đề nghị là bà nên qua Âu châu và cải dạng nam trang, may ra sẽ được thâu nhận.  Bà gởi đơn đến 12 trường y khoa ít tiếng tăm hơn, và chỉ có mỗi một trường Geneva Medical College [1] ở thành phố Geneva, New York, đã thâu nhận bà.   Thật ra khi nhà trường nhận được đơn xin theo học của bà, họ không muốn thâu nhận một phụ nữ, nhưng thấy khó từ chối một sinh viên quá dư tiêu chuẩn để được thâu nhận. Nhà trường đưa vấn đề cho sinh viên xét và toàn thể sinh viên đồng ý thâu nhận vì họ ngỡ đó là một trò đùa.   Ngày 6 tháng 11 năm 1847, nhiều tuần sau khi khóa học đã bắt đầu, Elizabeth Blackwell đã đến trường, vào học trước sự ngạc nhiên của các sinh viên và sự ngỡ ngàng của ban giảng huấn.

Thư bà Blackwell viết cho Bs Lee

         Nhưng những ngày tháng đầu không phải dễ.  Sinh viên cùng lớp cũng như người dân thành phố Geneva không chấp nhận bà: họ cho bà hoặc là điên, hoặc là không có luân lý.   Có nhiều người lạ đã đến giảng đường chỉ cốt xem mặt bà.   Ngay cả vị giáo sư diễn giảng đã khuyên bà không nên dự một lớp học có trình diễn về sinh lý.  Nhưng bà vẫn theo học một cách đứng đắn, với thái độ hòa nhã mà rất nghiêm trang.  Dần dà bạn cùng lớp đâm ra nể phục trí thông minh và sự kiên trì của bà, và dân thành phố bắt đầu thân thiện với bà.

         Chương trình học ở Geneva Medical College gồm hai khóa nghe giảng, mỗi khóa 16 tuần, một kỳ thực tập để sinh viên viết luận án và kỳ thi vấn đáp để ra trường.  Trong mùa xuân và mùa hè giữa hai khóa giảng huấn, Elizabeth đã thực tập ở bệnh xá Blockley Almshouse, thành phố Philadelphia.  Tại đây bà theo dõi các cuộc chẩn bệnh, quan sát bệnh nhân và theo học các y sĩ nội trú.   Phần lớn bệnh nhân đến bệnh xá Blockley thuộc giai cấp nghèo nhất thành phố, và nhiều di dân Ái nhĩ lan, thường mắc bệnh typhus (sốt do chấy rận truyền).  Sau thời kỳ thực tập, bà trình luận án về "typhus" và luận án đã hội đồng khoa khen thưởng và được vinh dự chọn đăng trong báo Buffalo Medical Journal.

         Ngày 23 tháng 1 năm 1949 bà ra trường.  Hôm lễ trao bằng cấp ở nhà thờ Presbyterian ở Geneva, hơn một nửa người đi dự là phụ nữ.  Từng nhóm bốn sinh viên được gọi lên để nhận bằng, riêng Elizabeth Blackwell là người cuối cùng và bà được gọi lên một mình.  Người phụ nữ đầu tiên lãnh bằng bác sĩ y khoa ở Bắc Mỹ còn lãnh thêm một danh dự nữa: bà đỗ đầu lớp.  Charles Lee, khoa trưởng trường  Geneva Medical College, đã nhắc nhở đến sự kiện bất hủ của ngày lễ phát bằng và bày tỏ lòng ngưỡng mộ của ông đối với vị nữ bác sĩ đầu tiên ở Bắc Mỹ.

         Bà muốn trở thành bác sĩ giải phẫu nên sau khi tốt nghiệp, bà sang Pháp, thực tập tại bệnh viện La maternité ở Paris, nơi đào tạo các cô mụ đỡ đẻ của Pháp.  Bà ghi nhận là phương pháp chữa các bệnh của phụ nữ và trẻ con cùng cách đỡ đẻ ở bệnh viện rất xuất sắc.  Các bác sĩ Pháp muốn theo dõi bệnh nhân chặt chẽ để không lầm lẫn khi chẩn đoán bệnh.   Họ đã dùng ống nghe (stethescope trong khi chẩn bệnh.  Thong thời gian ở La maternité, bà bị nhiễm độc và bị mù một mắt (1850) thành ra bà không thể tiếp tục học để thêm về giải phẫu.   Sau đó bà qua Anh quốc, thực tập tại bệnh viện  St. Bartholomew ở Luân đôn.  Trong dịp này bà làm quen với bà Florence Nightingale [2], và hai người trở thành thân thiết với nhau.

         Năm 1851 bà rời Anh, trở về New York.  Ngay trong thời kỳ đó, bà không thể xin được việc làm ở trong một bệnh viện chỉ vì bà là phụ nữ.   Bà dùng thời giờ để viết bài đăng trên các tạp chí y khoa và đi nói chuyện ở các nơi về y khoa phòng ngừa: hướng dẫn người nghe về sự cần thiết của dinh dưỡng và của vệ sinh để phòng ngừa bệnh tật.  Sau một buổi nói chuyện có nhiều phụ nữ theo đạo Quaker muốn bà chữa bệnh cho họ.  Bà dần dần nổi tiếng và đến năm 1853 bà mở một trạm y tế dành cho phụ nữ nghèo.  Em của bà, bà Emily cũng học xong y khoa đến phụ với bà và đến năm 1857, trạm y tế trở thành bệnh xá dành cho phụ nữ và trẻ em ở New York (New York Infirmary for Women and Children) có giường nằm cho bệnh ở lại điều trị và phòng giải phẫu.  Bác sĩ Emily Blackwell, em bà vẫn tiếp tục làm trong bệnh xá và được Marie Zakrzewska một người Ba lan định cư tại Hoa kỳ và đã được Elizabeth Blackwell khuyến khích học ra bác sĩ.. Bệnh xá của bà ngày nay là  New York University Downtown Hospital (Bệnh viện của Ðại học New York dưới phố).

         Ðầu năm 1859, Elizabeth trở qua Anh quốc diễn thuyết.  Bà là phụ nữ đầu tiên được ghi danh vào Danh mục Y khoa Anh quốc.  Những buổi diễn thuyết của bà đã thúc đẩy nhiều phụ nữ Anh ghi tên theo học y khoa.  Trong cuộc phân tranh Nam Bắc ở Hoa Kỳ, hai chị em  Blackwell đã giúp sáng lập Hiệp hội Trung ương Phụ nữ Cứu trợ (Women's Central Association of Relief), tuyển chọn và đào tạo nữ y tá và hướng dẫn cùng hoạt động cho Ủy ban Y tế Hoa Kỳ United States Sanitary Commission).

         Song song với các việc trên cùng việc trông nom và khuếch trương bệnh xá, Elizabeth Blackwell thiết kế và xây dựng một trường y khoa dành cho phụ nữ.  Năm 1868, bà hoàn thành giấc mơ và thành lập trường Women’s Medical College, hoạt đông chung với bệnh xá New York Infirmary.  Chương trình học của trường rất chặt chẽ và tiến bộ :  sinh viên muốn theo học phải qua một kỳ thi tuyển, thời gian học là ba năm, sinh viên theo học có nhiều cơ hội thực tập ở bệnh xá.  Trường có một hội đồng khảo thí độc lập với ban giảng huấn và gồm nhiều bác sĩ danh tiếng.  Ngày khai giảng, trường có 15 sinh viên và một ban giảng huấn 9 người.  Elizabeth Blackwell phụ trách môn Vệ sinh, bác sĩ Emily, phụ trách dạy sản khoa và bệnh phụ nữ.  Năm sau, bà giao trường cho bác sĩ Emily Blackwell trông nom và bà sang Anh quốc.  Trường tiếp tục hoạt động được 31 năm.

         Sang Anh quốc, Elizabeth Blackwell giúp tổ chức  Hội Y tế Quốc gia (National Health Society) và bà thành lập Trường Y khoa dành cho phụ nữ ở Luân đôn (London School of Medicine for Women).   Năm 1875 bà được bổ nhiệm làm giáo sư sản khoa ở Trường Y khoa Nhi đồng Luân đôn.  Trường do bà Elizabeth Garrett thành lập.  Bà giữ chức vụ đó cho đến năm 1907, khi bà bị té cầu thang và không hồi phục sức khỏe được.  Bà mất ngày 31 tháng 5, năm 1910 tại Hastings, Sussex.  Bà qua đời vài tháng trước bà bạn Florence Nightingale.

Ghi chú:

[1] Geneva Medical College - Trường tọa lạc trong thành phố Geneva, nằm bên hồ Seneca, ở miền Tây tiểu bang New York.  Năm 1847 trường có một ban giảng huấn toàn thời bảy giáo sư và 150 sinh viên học trong một khu nhà mới xây xong.   Giờ trường mang tên là  trường Cao Ðẳng  Hobart và William Smith (Hobart and William Smith Colleges).

[2]  Florence Nightingale (2 tháng 5 năm 1820 - 13 tháng 8 năm 1910) - Phụ nữ Anh, được nhắc nhở đến như là người tiền phong trong việc sử dụng y khoa phòng ngừa để ngăn chận những thương tổn có thể có thể ngừa được.  Bà đã phát triển ngánh y tá và canh tân các biện pháp vệ sinh trong các bệnh viện.  Bà còn một đóng góp hết sức quan trọng trong việc khảo cứu.  Áp dụng toán học, bà đã đề xướng việc thâu thập, sắp xếp theo đồ biểu, giải thích và trình bày bằng đồ thị các dự kiện thống kê.  Bà là một có học vấn cao so với phụ nữ đồng thời với bà.  Bà thông thạo tiếng Ý, tiếng la tinh, tiếng Hy lạp, và rất rành lịch sử cũng như toán học.

 

© http://vietsciences.free.fr Trần Điển Ngọc