Henri Dunant

Vietsciences-Võ Thị Diệu Hằng        09/05/2009

 

Henri Dunant (1828-1910), nhà bác ái Thụy Sĩ,  sáng  lập Hội Hồng Thập Tự, Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 1901.

 

 

 

08/05/1828: Sinh tại số 12 đường Verdaine, Genève. Cha của Jean-Henri là Jean-Jacques Dunant, thương gia, thẩm phán phòng Giám hộ phụ trách trông coi số phận các trẻ mồ côi. Mẹ, Antoinette Colladon, rất mộ đạo, lo việc từ thiện.

Là học sinh kém, cậu Henri chỉ mang về những phần thưởng về lòng ngoan đạo. Cậu đi thăm những người nghèo, bệnh nhân và tù nhân. Ham đọc Thánh kinh, năm 1847 cậu thành lập một nhóm đọc kinh thánh với những người cùng tuổi tên là Họp mặt thứ Năm, nhóm này, năm 1852 sẽ rở thành "Hội liên hiệp Thiên chúa giáo những người trẻ" (les Unions chrétiennes de jeunes gens).

1849: Henri Dunant  bắt đầu học nghề tại nhà băng Lullin&Suter và được gởi đi làm việc tại Algérie. Ông mơ ước làm phồn thịnh và kỹ nghệ hóa nước này. Năm 1855 chính quyền Pháp chấp nhận nhường đất Algérie cho ông lần đầu tiên. Ông xây một cối xay gió nhưng không nhận được câu trả lời về việc phát triển trong tương  lai của ông trong lãnh vực này

08/01/1858: Hội đồng nhà nước Genève cho phép công ty vô danh  Moulins de Mons-Djemila do Dunant thành lập.

Năm 1858 ông in quyển sách đầu tiên, Notice sur la Régence de Tunis [An Account of the Regency in Tunis], viết lại những quan sát khi ông du lịch, trong đó có một chương dài rất được độc giả chú ý.

 Năm 1863 ông  in rời ra thành cuốn  Sự nô lệ nơi những người  hồi giáo và tại Mỹ (L'Esclavage chez les musulmans et aux États-Unis d'Amérique, Slavery among the Mohammedans and in the United States of America).

4/1859: Lập luận rằng vì xuất thân từ một gia đình bị trục xuất ra khỏi nước Pháp vì lý do tín ngưỡng, ông xin  được vô quốc tịch Pháp để tiến hành nhanh công việc đang  ứ đọng tại Algérie.


25/06/1859: Không được cơ quan hành chánh trả lời về chuyện thuộc địa của ông tại Algérie, Dunant sang Paris để trình bày trước Napoléon III, nhưng lúc đó Napoléon đã tới nước Ý để cầm binh giao chiến với nước Áo. Trận chiến Soferino gồm phe Đồng minh là vua Napoléon III và Victor-Emmanuel II de Savoie, và phe địch là vua François-Joseph Ier nước Áo. Ngày 24 tháng 6 năm 1859, 9 quân đoàn với 250-250 ngàn binh sĩ  Áo đánh với 104 ngàn lính Pháp (trong số đó có 35 ngàn lính Sardes mà vua Victor-Emmanuel vừa mới thu dụng được). Trận chiến xảy ra rất nhanh nhưng rất nhiều người chết, mất tích và bị thương, cả thảy khoảng 40 ngàn người vì Pháp và Áo đều dùng những lính pháo binh và đại bác.

 Dunant lại quay qua Ý để tìm gặp Napoléon, nhưng khi tới làng  bên cạnh Castiglione, ông chứng kiến 9000 thương binh đang trốn và tại Chiesa Maggiore nằm la liệt hàng 5000 nguời bị thương rên siết đau đớn. Dunant đã thuyết phục những người địa phương giúp đỡ ông cho thương binh của cả hai bên uống nước, lau rửa và băng bó vết thương, cho  họ thuốc  lá, nước tisane và trái cây. Dunant  nán lại ở đó cho tới ngày 27 tháng  6 rồi lên đường và trở về Genève ngày 11 tháng 7. Lúc bấy giờ ông rất thiếu thốn về tài chánh, nhưng  không  quên những gì ông đã thấy và viết quyển Un souvenir de Solférino (A memory of Solferino, Hồi ký từ Soferino).

Napoléon III tại trận chiến Solferino.  Ernest Meissonnier 1863 (Musée du Second Empire, Compiègne)

Quyển Hồi ký từ Solferino  có 3 chủ đề: Thứ nhất là chính cuộc chiến. Chủ đề thứ hai vẽ lên chiến trường sau trận đánh, cái hỗn độn vô thứ tự của nó, sự thất vọng không thể nói ra được, sự khốn khổ về mọi thứ và nói tới câu chuyện chính là gắng cứu chữa những  người bị thương trong một làng nhỏ của Castiglione. Chủ đề thứ ba là một phương án. Các quốc gia phải tạo một phương cách để, trong thời bình thì thành lập những cơ quan cấp cứu mà chủ đích là săn sóc những người bị thương, và  trong thời chiến thì những người tình nguyện nhiệt tình, tận tụy và thật rành nghề cho một công tác tương tự.

Năm 1862 Dunant cho  in quyển Hồi ký này trong đó ông mô tả chiến tranh và những người bị thương ở Chiesa Maggiore, rồi kết luận bằng một câu hỏi:

 

Có cách nào để thành lập những cơ quan cấp cứu trong thời bình, tìm những người tình nguyện nhiệt tình, tận tụy và thật rành nghề để săn sóc những người bị thương trong thời chiến không? (N'y aurait-il pas moyen, pendant une période de paix et de tranquilité, de constituer des sociétés de secours dont le but serait de faire donner des soins aux blessés, en temps de guerre, par des volontaires zélés, dévoués et bien qualifiés pour une pareille oeuvre ?)

Từ câu hỏi này dẫn đến sự thành lập hội Hồng Thập Tự. Ông còn  hỏi giới có thẩm quyền của các quân đội có quốc tịch khác nhau trên thế giới xem họ có thể trình bày nguyên tắc quốc tế, có quy ước và thiêng  liêng, nguyên tắc mà một khi đã được chấp thuận  và được thừa nhận, sẽ được coi là căn bản cho các cơ quan cứu cấp những  người bị thương trong  các nước  khác  nhau của Âu Châu? Câu hỏi thứ hai này  từ nguồn gốc các thỏa hiệp Genève.

Tháng Hai ngày 7 năm 1863 Cơ quan xã hội Genève chỉ định 5 người trong đó có Dunant, quan sát tình hình  để hành động. Với lời kêu gọi của cơ quan này trong hội nghị, hội Hồng Thập Tự ra đời. Dunant  đi khắp Âu châu và được các nước  hứa sẽ gởi đại diện. Hội nghị ngày 26 kéo dài tới 29 tháng  10 với 39 đại biểu của 16 nước. Đến tháng 8 năm 1864, 12 quốc gia ký kết hiệp ước quốc tế, đó là Hiệp ước Genève.

09/02/1863: Cơ quan xã hội Genève quyết định thực hành ý định của Hôi ký Solferino và hình thành một "Ủy ban quốc tế cứu trợ những người bị thương". Đây là mầm móng cho CICR tương  lai (Comité international de la Croix-Rouge). Dưới sự hiện diện của tướng Dufour. Ủy ban  họp với bác sĩ  Docteur Louis Appia, Théodore Maunoir, Gustave Moynier và Henri Dunant.

1863-1864: Dunant đi khắp âu Châu để loan truyền ý tưởng của ông cho các cơ quan  tình nguyện cứu trợ những người bị thương.

 Từ ngày 26 đến 29/10/0863, một hội nghị chuẩn bị họp hội các đại diện của 14 quốc gia tại Athénée, Genève.

 Hội nghị ngoại giao từ ngày 8 tới 22/8/1864 đưa đến Hiệp ước Genève trong đó có 10 điều trong hiến chương của Hội Hồng Thập Tự sau này.

1867: Đáng  lẽ Dunant được mời tới triều đình nước Phổ để được quàng vòng hoa vinh quang nhân cuộc Triển lãm Hoàn vũ Paris thì ông  lại dấn thân vào những kinh doanh may rủi (công ty nặc danh  Moulins de Mons-Djemila). Ông bị phá sản. Các tòa án Genève kết án ông đã "cố tình đánh lừa các cộng sự viên của ông". Sau khi bị phá sản tan tành, Gustave Moynier ép buộc ông phải từ chức khỏi Ủy ban. Ông thi hành việc này ngày 25/08/1867 và từ giã Genève để rồi không bao giờ trở lại.

1867: cho ra  "Thư viện quốc tế toàn năng " (International and Universal Library) nhằm phổ biến các đại tác phẩm của mọi nền văn hóa qua mọi thời gian và có ý qua trung gian của Ủy ban, cho Palestine mà ông đã sáng  lập dùng để ưu đãi những người Do Thái về Palestine  bằng cách thiết lập hai quốc gia Arabe và Do Thái, được  Napoléon III bảo trợ. Song song với việc trên, ông cũng sáng lập Cơ quan quốc tế toàn năng để khôi phục miền Đông  (Société internationale universelle pour la rénovation de l'Orient, the Universal and International Society for the Revival of the Orient) nhằm tìm một phương án để tạo ra một khối trung  lập ở Palestine.

Bị ra khỏi Hội, ông qua Pháp, xin lại quốc tịch Pháp và sống tại Paris với nữ nghệ sĩ Sarah Bernhardt, sau này làm nữ cứu thương cho Hội.


1870-1871: Chiến tranh xảy ra giữa Pháp-Đức. Dunant thấy rằng cuộc chiến tranh mới này là cơ hội để ông phục vụ cho nhân loại một lần nữa. Ông lập ra một tổ chức song song với Hồng Thập Tự, Cơ quan phụ trợ cứu những người bị thương (Société auxiliaire de Secours aux bléssés), và  chắc chắn vì thấy những  cuộc tàn sát kèm theo quận Paris bị mất, nên  ông triệu tập cuộc họp để thành lập một "Liên Minh toàn năng cho trật tự và văn hóa" (Alliance universelle de l'ordre et de la civilisation) để nói lên sự cần thiết của một hiệp ước quốc tế về việc nắm giữ các tù binh chiến tranh và để dàn xếp các cuộc tranh chấp quốc tế nhờ tòa án làm trọng tài hơn là gây chiến tranh. Ông xoay sở để sống, viêt những  bài tiểu luận... Bị ám ảnh hoàn trả số nợ lớn, ông  mơ thành lập những hãng xưởng kỳ diệu chỉ có trong trí tưởng tượng mà thôi


Năm 1872 và 1873, bên Anh quốc, Dunant buộc phải kích thích công luận về vấn đề các tù binh chiến tranh cho Hội Hồng Thập Tự lúc bấy giờ do Gustave Moynier lãnh đạo, nhưng chỉ mới bắt đầu. Ông định truyền bá ý tưởng cho một tòa án làm trọng tài để  giải quyết những cuộc đụng độ quốc tế (Société d'arbitrage des Nations).

 Từ năm 1874 đến 1886, Dunant lang thang nghèo khổ khắp Âu châu, giữa Stuttgart, Rome, Corfou, Bâle và Karlsruhe. Ông  nợ nần và bị ủy ban Hồng thập tự Quốc tế bỏ rơi cho dù ủy ban các nước Áo, Hòa Lan, Thụy Điển, Phổ, Tây Ban Nha vẫn để ông làm hội viên danh dự. Có một số mạnh thường quân vẫn giúp đỡ như Charles Bowles, Jean-Jacques Boucart Max Gracia, nhất là với một bà góa giáu có Léonie Kastner-Boursault, vợ nhà soạn nhạc Jean-Georges Kastner. Bà nhờ Dunant thương phẩm hóa chiếc Pyrophon do con trai bà là Friedrich Eugen Kastner sáng chế. Pyrophone là "đàn lửa", một dụng cụ âm nhạc mà âm thanh phát ra do những tiếng nổ của lửa. Năm 1875 ông du lịch với Léonie sang Ý.

Tại Stuttgart, ông kết thân với Rudolf Muller và nhờ đó ông biết thành phố Heiden. Sau đó ông chơi thân với hai vợ chồng Wilhem và Susanna Sonderegger. Hai người này khuyến khích ông kiểm lại và in tập hồi ký thành sách và ngày 27 tháng 2 năm 1880, ông thành lập chi nhánh Hồng Thập Tự tại Heiden. Ông trở thành giám đốc danh dự cho hội này.

1892:  Ông muốn thực hiện việc viết bài tự thuật của mình, nhưng  đã mòn mỏi vì cuộc sống nay đây mai đó và vì là nạn nhận của sự hành hạ không ngừng nên ông  không thể sắp thứ tự những  ý tưởng của mình. Quyển "nhật ký" của ông hãy còn  là một hỗn độn dở dang.

Sau gần 20 năm lang thang khắp châu Âu, ông trở lại Suisse, nhưng không tới Genève, mà ở tại Heiden, một bang của Appenzell, trong nhà thương thí tên là Ký túc xá Thiên đường (Pension Paradis) để chữa bệnh ngoài da và chứng trầm cảm.

Mãi đến năm 1895, Georg Baumberger chủ biên tập trẻ tuổi người Áo của báo Die Ostschweiz xã Saint-Gall mới phát hiện ra ông. Georg Baumberger viết bài phỏng vấn tựa đề "Henri Dunant, sáng lập viên Hội Hồng thập tự" trên tờ báo Đức "Trên đất và biển" (Sur terre et mer). Bài báo được truyền ra khắp châu Âu, gây phản ứng khắp nơi trên thế giới. Ý tưởng của Dunant  đã thay đổi, ông  không chỉ  muốn có bộ luật chiến tranh mà còn chống  lại với chính chiến tranh bằng cách cộng tác với các tờ báo chuộng hòa bình và viết bài "Tương  lai đẫm máu", lên án chế độ phong  kiến và nghiên cứu khoa học nhằm mục đích chiến tranh. Mọi người nhớ lại ông, gởi cho ông nhiều thiện cảm và được toàn thể thế giới ủng hộ. Ông lại trở về với công chúng tuy Hội Hồng Thập Tự tại Genève vẫn còn lánh mặt ông.

Dunant được giải thưởng Binet-Fendt và sự biết ơn của Giáo hoàng Léon XIII. Nhờ tiền cấp dưỡng của bà sa hoàng Maria Fedorovna và nhiều trợ cấp khác, ông thoát khỏi cảnh nghèo khó nhanh chóng.

Năm 1899 ông cho in tác phẩm Đề nghị Hoàng đế Nicolas II  (Proposition à sa majesté l'Empereur Nicolas II). Đó là tác phẩm cuối cùng của ông.

Năm 1901, ông được giải Nobel chung với Frédéric Passy, một chính trị gia Pháp, người sáng lập ra Hội Trọng tài các Quốc gia (Société d'arbitrage des Nations), tổ tiên của Liên Hiệp Quốc (ONU).

08/05/1908 : Cả thế giới làm lễ sinh nhật thứ 80 của ông.

30/10/1910: Ông mất ở tuổi 82. Nhờ tiền giải thưởng, ông để lại tờ di chúc: lập ra một cái giường vĩnh cửu cho người nghèo khó tại bệnh viện Heidn, nơi mà ông đã  sống những  năm cuối đời, và những cơ quan từ thiện. Tro ông được rải  ở  Zurich theo ý muốn của ông.

 

 Đăng lần đầu 05/05/2006

Bổ sung thêm 09/05/2009

 

           © http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Võ Thị Dieu Hằng