Jean-Baptiste de la Salle 

Vietsciences- Dien Tran       19/04/2006 

 

Jean Baptiste de La Salle(1651-1719), nhà giáo dục, người sáng lập Dòng Sư  huynh các trường Công giáo, Thánh bổn mạng các nhà giáo Công giáo

  • I.         Cuộc đời                                                         

  • II.        Tư tưởng hướng dẫn                                                    

  • III.       Phương pháp

  • IV.       Dòng Sư huynh ở Việt Nam

  • V.        Kết

  • VI.       Ghi chú

UMAEL*

Jean-Baptiste de La Salle (Gioan  Bao ti xi ta La San) sanh ngày 30 tháng 4 năm 1651 ở thành phố Reims trong một gia đình khá giả và quý phái đã lập nghiệp lâu đời trong vùng Champagne này.   Gioan La San theo học  trường Collège des Bons Enfants cho đến khi xong bằng Cao học Văn chương vào năm 18 tuổi (1669).   Năm sau ông lên Paris, theo học chủng viện Saint-Sulpice.  Khi mẫu thân rồi phụ thân của ông kế tiếp nhau qua đời, ông phải trở lại nhà chăm sóc các em và quản trị tài sản gia đình.  Ông vẫn theo đuổi ơn kêu gọi, và trở lại học ở chủng viện, sau khi đã lo lắng xong cho các em.   Thụ phong chức linh mục ngày 9 tháng 4 năm 1678 và hai năm sau, ông hoàn tất học trình Tiến sĩ Thần học vào tháng 6 năm 1680.  Trong thời gian này, ông chịu ảnh hưởng của Nicolas Roland, một tu sĩ và một nhà thần học ở Reims.

            Theo di ngôn của Nicolas Roland, Gioan La San nhận giúp các nữ tu dòng Chúa Giê Su Hài đồng, trong việc giảng dạy trẻ em ở trường dòng này.   Nhờ đó, ông làm quen với các phương pháp sư phạm thời bấy giờ, và qua sự quan sát các lớp học, ông đã thấy các cải cách cần thiết để dạy trẻ em một cách có hiệu quả hơn.   Do đó ông có ý hướng thành lập trường học dành cho các em trai con nhà nghèo khổ.   

            Thời kỳ đó ở Pháp 1, chỉ có một số ít người sống phong lưu, nhàn hạ, còn đa số nông dân, thợ thủ công, và dân cư ở thành thị đều thiếu thốn và nghèo khổ.   Trong hoàn cảnh này không có nhiều trường học và số trẻ em được đi học cũng rất ít ỏi.   Thanh thiếu niên hầu như không có tương lai.  Trước thảm cảnh đó, Gioan La San tự nguyện đem hết sức học và khả năng của mình để giúp các trẻ em thường bị bỏ mặc bên lề cuộc đời và không hề được dạy dỗ.   Ông từ bỏ quyền thừa kế gia tài của gia đình, bố thí tất cả của cải đã có trong nạn đói năm 1681, và từ chức Cha sở nhà thờ, để hoàn toàn hòa mình sống với các thành viên trong Dòng tu mới.  Dòng được gọi là Dòng Sư huynh các trường Công giáo (Frères des Écoles chrétiennes, thường được viết tắt là FSC) cho đến ngày nay.

            Nhưng nhiều giới chức trong đạo không hài lòng về dòng tu mới do Gioan La San dựng nên.  Họ không thích cách thu dụng những người "thường" để đưa vào đời sống tu đạo, và họ không mấy hài lòng khi thấy mục tiêu  của dòng là việc giáo dục và dạy dỗ chứ không phải là thờ kính Thiên Chúa, và tôn kính Giáo hội.   Những người trong ngành giáo dục thời đó thì không thể chấp nhận lối dạy mới do Gioan La San đề ra.   Họ lại không thể hiểu được tại sao dòng này lại muốn dạy học mà không thâu học phí, và cũng không màng biết là cha mẹ các học sinh có đủ sức trả tiền hay không.   Ðây là bước đầu trong việc lập nền giáo dục cưỡng bách và miễn phí, một trong những nhân quyền căn bản được Liên Hiệp quốc nhìn nhận sau này.

            Dần dần Dòng các Sư huynh do Gioan La San lập ra thành hình và lớn mạnh.  Cách dạy dỗ trẻ em theo lối dùng tiếng mẹ đẻ có kết quả rất tốt, và có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội.  Nhiều người trẻ tuổi đã đến xin theo học cách dạy, cũng như nhiều họ đạo gởi người đến để học hỏi.   Năm 1685, Gioan La San mở một nhà tập để đón nhận tất cả những người này.  Sau một hay hai năm vừa học, vừa tập sự cách dạy, những người do các họ đạo gởi đến sẽ quay về họ đạo và mở trường dạy theo cách của Gioan La San, không phải vào Dòng.  Những nguời trẻ khác sẽ tùy trường hợp, xin khấn nguyện làm Sư huynh, và sống theo luật của Dòng.  Nhà tập  trở thành trường Sư phạm đầu tiên ở Âu châu và ở cả Mỹ châu (xem phần III c)..

            Gioan La San đã cùng các tu sĩ trong dòng liên tục làm việc và mở rộng cửa trường thu nhận học sinh mọi giới.  Trong dòng chỉ có ông là linh mục, có quyền hành lễ Mi-sa và có quyền giải tội.   Gioan La San định trao quyền điều khiển Dòng lại cho một môn đệ, vừa là Sư huynh, vừa là linh mục nên gởi Sư huynh Henri L'Heureux theo học thần học ở Sorbonne.  Nhưng đến tháng 12 năm 1690, Henri l'Heureux qua đời trước khi sắp được thụ phong linh mục.  Gioan La San xem việc này như ý muốn của Thiên Chúa nên quyết định sẽ không có linh mục trong Dòng Sư huynh.2

            Gioan La San dời nhà Dòng lên Paris khi thấy Dòng các Sư huynh đã được vững chắc và có cơ hội phát triển trong công tác giáo dục trẻ em cũng như người lớn.   Tại đây, vào năm 1699, Gioan La San mở trường dành cho người lớn ở Saint-Sulpice, học vào ngày chủ nhật.   Ngoài các môn học đọc, viết, và đạo lý, trường còn dạy thêm toán, nhất là hình học, hội họa và  kiến trúc.  Năm 1705, Gioan La San về Saint-Yon, Rouen để mở trường nội trú trung học ở đây.  Ông đã dựng thêm bên cạnh trường này một trường kỹ thuật, dạy nghề và dạy thương mại, và một khu vườn để dạy thêm về thực vật, canh nông.  Ðây là trường trung học đầu tiên của Dòng, vì từ lúc đầu các Sư huynh chỉ chuyên chú dạy trẻ em con cái các gia đình nghèo ở cấp sơ học và tiểu học.  Dường như đây cũng là trường đầu tiên mà các Sư huynh có thâu học phí đều đặn mỗi tháng  (Reisner, 1935, trang 23)   Lúc đầu ở Reims, rồi qua Vaugirard (giờ nằm trong Paris), và sau cùng ở  Saint-Yon, Gioan La San còn mở một nhà, gọi là Nhà Chung, hay nhà mẹ (Maison Mère) để đào tạo các chủng sinh, là chỗ nghỉ ngơi và bồi dưỡng khả năng sư phạm cho các Sư huynh trong dịp hè, và cũng là nơi an dưỡng cho các Sư huynh khi về hưu.

            Cuối thế kỷ thứ 17, Gioan La San cử hai Sư huynh sang Rome để mở trường.  Một Sư huynh bị bệnh không đi được, phải trở về Pháp.  Sư huynh Gabriel một mình sang Rome, mở trường và ra công dạy học.  Trường hoạt động liên tục trong 30 năm.  Hiện giờ  Nhà Mẹ của Dòng ở tại Rome, và trở thành trụ sở chính thức của Dòng.   Các địa phận của Dòng đều có cơ sở riêng dành làm tiểu chủng viện và chủng viện, cùng có nhà hưu dưỡng riêng. (Leo, 1921)

            Sau đó Gioan La San trao quyền điều khiển Dòng cho Sư huynh Barthélemy, một người vừa thông thái, vừa đức hạnh và về sống ẩn dật tại Saint-Yon, Rouen, hàng ngày suy gẫm, hãm mình và viết sách.   Vô hình chung Gioan La San đã thực hiện cách sống thanh cao của những hiền triết Á đông: "công thành, thân thoái !"   Ông mất vào thứ sáu tuần Thánh, tức ngày 7 tháng 4 năm 1719 tại Saint-Yon, Rouen.   Sáu năm sau, vào tháng 1 năm 1725, Ðc Giáo Hoàng Benoît thứ 13 đã chính thức công nhận Dòng Sư huynh La San.   Ngày 19 tháng 2 năm 1888, Gioan La San được phong Á thánh, và được phong Thánh vào ngày 24 tháng 5, năm 1900.   Ðến ngày 15 tháng 5 năm 1950, giáo hội nhìn nhận Gioan La San là Quan thầy các nhà giáo dục Công giáo vì sự đóng góp vô giá của Dòng trong việc giáo dục trẻ em.

            Khi Goan La San qua đời, Dòng các Sư huynh đã có trường dạy học ở  Alois, Avignon, Boulogne, Calais, Chartres, Dijon, Grenoble, Guise, Laon, Marseille, Mende, Moulins, Paris (trường tiểu học, trung học và trường sư phạm), Reims, Rouen (trường kỹ thuật, trường trung học), Saint-Denis, Troyes, Les Vans, Versailles.

           Năm 1782, sau cuộc Cách mạng ở Pháp, các trường Dòng cũng như các trường đạo bị cấm chỉ và Dòng bị giải tán.  Nhưng đến năm 1801 , các Sư huynh  đã tập hp nhau lại, và năm sau, đã mở lại các trường ở Lyon, ở Paris, ở Saint-Germain-en-Laye, và ở Toulouse.  (Vollet, 1885)  Năm 1808, chánh phủ nhìn nhận Dòng và đặt các Sư huynh dưới quyền kiểm soát kỹ thuật dạy học của Viện trưởng Viện Ðại học Pháp quốc 3 .        Giữa thế kỷ thứ 19, trước khi  sang Việt nam, Dòng La san đã có 750 cơ sở,  hơn 1350 trường học và khoảng 275 ngàn học sinh.   Ðến năm 1878, Dòng có 9818 Sư huynh dạy trong  1064 trường trung tiểu học và  385 trường nghĩa thục.  Dòng có nhà tập (tiểu và đại chủng viện) ở Albano (Ý), Alost (Bỉ),  Baltimore, New-York, Saint-Louis, San Francisco (Hoa kỳ), Castletown (Ái nhĩ lan), Colombo (Tích lan), El-Biar (Algérie),  Madrid (Tây ban nha), Montréal (Canada),  Quito (Equateur), Ramleh (gần Alexandrie, Ai cập),  Saint-Denis (đảo Réunion), Santiago (Chí lợi), và Vienne (Áo).

            Vào thế kỷ thứ 20, Dòng Sư huynh còn có cơ sở Tu thư, Librairie générale, viết tắt là LiGel,  tọa lạc ỏ số 77 đường Vaugirard, Paris để soạn, in và phát hành khắp thế giới sách giáo khoa các cấp tiểu và trung học.   Phần tác giả được ghi chung là Par une réunion de professeurs - do một nhóm giáo sư.   Ðến đầu thế kỷ thứ 21, Dòng La san có hơn 4100 Sư huynh, cộng với 68 ngàn giáo chức và nhân viên hành chánh, văn phòng, trông nom việc dạy dỗ 800 ngàn học sinh các cấp, từ tiểu học đến đại học trong 82 quốc gia.  Tại Hoa kỳ, có trường Võ bị (Académie Militaire) ở Nữu ước, do các Sư huynh điều khiển.   Ngoài ra còn có hơn 10 triệu cựu học sinh và sinh viên các trường La san. 4

II.  Tư tưởng hướng dẫn

Vì không có điều kiện tra cứu tận gốc các sách do Gioan La San đã viết nên không dám nói đến lý thuyết hay tư tưởng chính yếu làm nòng cốt cho Dòng Sư huynh La San, mà chỉ  tóm lược một số các tư tưởng quan trọng nhất đã hướng dẫn phương pháp dạy học trong các trường La San, và trong đời sống các Sư huynh Dòng này.   Compayré (1901), khi viết về lý thuyết và thực hành trong ngành giáo dục, chỉ dành cho Gioan La San vài hàng, vì theo ông, mối quan tâm chính của Gioan La San là việc tổ chức và điều hành trường cùng lớp học chứ không phải là học thuyết giáo dục hay lý thuyết sư phạm.  Trước đó Compayré (1880) đã dành gần trọn một chương để nói về phương pháp dạy học của Gioan La San.  Rất mong được sự chỉ dẫn của quý vị độc giả biết  rõ hơn lý thuyết giáo dục của Gioan La San bổ khuyết cho sự thiếu sót của bài này.

 

a.  Dạy cho trẻ em, vì trẻ em, theo khả năng của chúng, dùng tiếng mẹ đẻ, và dạy cho hiểu

            Gioan La San nhắm vào việc dạy dỗ trẻ em, muốn các em học được, nghĩa là cách dạy phải thu hút cho các em muốn học và có hiệu quả.   Vì vậy Gioan La San tạo dựng môi trường học thích hợp, trong không khí khuyến khích sự học, và tạo điều kiện cho học sinh dễ học cũng như cho thày giáo dạy được dễ dàng hơn.  Lớp học của Dòng các Sư huynh khác với lớp học bình thường thời đó,  thày phải dạy học trò có nhiều trình độ khác nhau rất xa.  Các Sư huynh sắp xếp học trò có cùng trình độ lại thành một lớp, để tất cả các em học cùng một bài, đọc chung một sách, trò dễ chú ý, thầy dễ theo dõi.

            Thành ra trẻ em mới vào trường bắt đầu học bằng tiếng mẹ đẻ (vernacular, langue vernaculaire) và trong trường của các Sư huynh thời đó là tiếng Pháp.  Học trò đã quen tiếng mẹ đẻ, nên học nhanh, nhớ dễ, và không nản như khi học tiếng La tinh, xa lạ và khó nhớ.  Quan niệm dạy cho trẻ em, vì trẻ em này giống như quan niệm giáo dục nhằm vào trẻ em (child centered education) mà các nhà giáo dục từ Pestalozzi (1746-1827) đến Dewey (1859 - 1952), đã phát triển và thực hành trong nền giáo dục mới, đại chúng và tân tiến.

            Gioan La San cũng nhấn mạnh đến việc giúp trẻ tự học, thầy không nên làm tất cả rồi trò chỉ cần ghi nhớ và học thuôc lòng.   Gioan La San đã căn dặn: "Let the teacher be careful not to lend his pupils too much help in resolving the questions that have proposed to them."  (Thầy gíao phải hết sức cẩn thận để không giúp đỡ cho học sinh quá mức trong việc giải đáp các câu hỏi --hay bài toán--  đã đặt để cho các em). (Fitzpatrick, trang 18)    Và Gioan La san khuyến khích học sinh phải cố gắng và trì chí trong việc tìm ra giải đáp chứ không nên ỷ lại vào thày hay bạn.  Ngay trong việc học toán, Gioan La San đã khuyến khích thày giáo hướng dẫn cho học trò hiểu lý luận để tự làm chứ không chỉ làm bài mẫu rồi cho học trò ghi nhớ mà làm theo.

 

b.  Học giáo lý

            Gioan La San tin tưởng là trẻ em sau khi được khai mở trí óc bằng cách được dạy đọc, dạy viết, chỉ có thể trở nên người có ích cho xã hội nếu các em được dạy thêm đạo đức làm người.  Quan niệm này chắc không xa mấy quan niệm "tiên học lễ, hậu học văn"  hay quan niệm "có học phải có hạnh" ở Việt nam ngày trước.  Vào thời đó, ở Pháp, đạo đức làm người là theo giáo lý công giáo.  Gioan La San rất chú trọng đến việc giảng dạy giáo lý, cho trẻ em thấm nhuần đức tin công giáo và lòng bác ái công giáo.   Sau khi đã đọc và viết thông thạo tiếng mẹ đẻ, học trò mới học thêm chữ La tinh, đủ để theo dõi lễ Mi-sa, ứng đáp các câu thông thường với vị chủ tế, và hát các bài đạo ca bằng tiếng La tinh.

            Trong chương trình học,  mỗi ngày đều có giờ cầu nguyện khi vào lớp và khi ra lớp, cùng nửa giờ giáo lý, và dự lễ Mi-sa.   Chủ nhật, học sinh nội trú đi xem lễ Mi-sa, học giáo lý buổi trưa, và chầu mình Thánh buổi chiều.  Các Sư huynh là những người dạy giáo lý cho học sinh.  Thành ra thày phải làm gương đạo đức cho học trò noi theo.  Gioan La San chỉ dẫn rành rẽ những điều các Sư huynh phải theo, từ lời ăn, tiếng nói, đến cử chỉ và cách cư xử trong lúc giảng dạy.   Như:

He will never speak, either to any pupil in particular or to all in general, unless he has carefully thought about what he has to say and considers it necessary.  (Reisner, 1935, trang 148)

Sư huynh sẽ không bao giờ nói, dù riêng rẽ với một học sinh, hay chung cho cả lớp, nếu chưa có suy nghĩ kỹ càng về điều sẽ nói, hay chưa thấy cần phải nói điều đó.

 

c.  Kỷ luật và thi hành k luật

Gioan La San nhấn mạnh đến việc duy trì kỷ luật trong lớp để tạo không khí thuận lợi cho việc học hỏi và tiếp thu.  Ngay chính các Sư huynh cũng làm gương trong việc giữ kỷ luật: ăn trong im lặng, để nghe một Sư huynh đọc sách trong bữa ăn.   Gioan La San quan tâm rất nhiều đến việc thi hành kỷ luật.  Thời đó, ở Âu châu, việc dùng roi vọt để trị học trò là chuyện thường tình, và như ở xã hội cũ bên Á đông, thầy có quyền uy tuyệt đối, trên cả cha (Quân, Sư, Phụ).  Nhưng với Gioan La San thì khác hẳn:

To avoid frequent punishments, which are a source of great disorder in a school,  it is necessary to  note well that silence, restraint, and watchfulness on the part of the teacher that establish and maintain good order in a class, and not harshness and blows.  A constant effort must be made to act with skill and ingenuity  in order to keep the pupils in order while making almost no use of punishments.  (Reisner, 1935, trang 169)

Ðể tránh việc phải trừng phạt liên miên, vì đó là một nguồn tạo nên sự lộn xộn lớn trong trường học, ta  cần phải nhớ là chính sự im lặng, sự tự chế, và sự chăm chú của người thày giáo mới tạo ra và duy trì được  trật tự trong lớp, chứ không phải là sự khắc nghiệt hay đánh đấm.   Thày giáo phải luôn luôn cố gắng để hành động một cách tài tình và khéo léo để học trò giữ kỷ luật mà không cần phải dùng đến hình phạt.

Gioan La San ghi ra sáu trường hợp mà tác phong và hành động của thày giáo làm cho học trò không ham thích học, cùng sáu trường hợp trong đó trẻ em sẽ khinh lờn mà không chăm chú vào việc học.

            Gioan La San cũng đề ra rõ ràng những phương cách thi hành kỷ luật để việc này có tác dụng hữu hiệu nhất trong việc dạy dỗ trẻ em.  Theo Gioan La San, việc trừng phạt phải:

1. Pure and disinterested; without personal vengeance on the part of the teacher

2. Charitable, that is, both given and received for the salvation of a pupil's soul.

3. Just

4. Suitable to the fault being punished, both in nature and in degree.

. .  (Reisner, 1935, trang 170 - 2).

1. Thuần lý và vô tư; không nhằm để thày giáo trả thù riêng tư.

2. Nhân ái, nghĩa là chỉ đưa ra hình phạt để nhắm vào sự cứu rỗi linh hồn học trò có lỗi.

3. Công bằng

4. Phù hợp với mức độ tội phạm, về đặc tính cũng như về sự trầm trọng.

Và hình phạt phải theo các nguyên tắc như chỉ phạt khi nào hình phạt thực sự có hiệu quả; không được phạt một học sinh chỉ đề nhằm răn đe các học sinh khác; ... và thày giáo không được phạt khi đang khó chịu, giận dữ, hay mất kiên nhẫn.  Và khi phạt, chỉ được khẻ tay mà thôi.  Khi xem cách thi hành kỷ luật trong các trường công ở Âu châu cũng như Bắc Mỹ cho đến các thập niên 1950, 1960, có nhiều trường, nhiều nhà giáo chưa được như thế.

            Compayré (1843-1913), sau này là Viện trưởng Viện đại học Lyon không đồng ý với việc giữ im lặng trong lớp.  Ông cho rằng việc này là một phản ứng quá mức đối với sự mất trật tự trong lớp do vài trẻ em nghịch ngợm gây ra.  Compayré muốn lớp học có một không khí vui tươi, có tiếng cười và một sự sinh động lành mạnh.   Compayré cũng chỉ trích việc thi hành kỷ luật khắt khe trong các lớp, không tương ứng với lứa tuổi của học sinh.  Nhưng Compayré cũng nhìn nhận các đóng góp hết sức quan trọng của Gioan La San như việc khởi xướng các trường sư phạm, việc đưa các trường kỹ thuật dạy nghề vào chương trình học phổ thông, và việc tổ chức cách dạy đồng thời (instruction simultanée) để nâng cao hiệu năng của giáo dục.  (Compayré, 1880,  Bài XII, trang 210 đến 231)   Ông còn đi xa hơn nữa khi ông nhìn nhận sự đóng góp của Gioan La San trong việc giáo dục và  ông (1880) trách giáo hội đã thờ ơ chưa phong thánh cho Gioan La San (giáo hội phong Á thánh cho Gioan La San năm 1888, và phong thánh năm 1900).

 

d. Thích ứng với xã hội

            Gioan La San quan niệm dạy học để học sinh trở thành người tốt cho xã hội, cho giáo hội.  Ðường hướng giáo dục do đó có tính cách nhập thế nhiều hơn, vì không phải học sinh nào theo học cũng muốn trở thành Sư huynh hay tu sĩ.   Và muốn nhập thế thì phải hiểu nhu cầu của xã hội đương thời.  Ngay việc dạy trẻ em biết đọc và biết viết bằng tiếng mẹ đẻ đã là một ý thức tân tiến thời đó.  Dân Pháp, nhất là giới bình dân - thợ thủ công nghệ và nông dân - đâu có nói chuyện với nhau bằng tiếng La tinh trong cuộc sống hàng ngày ?

            Trường Dòng cũng dạy nghề cho học sinh, giúp cho học sinh khi ra trường có một nghề lương thiện, đủ sống.  Như thế vừa đào tạo được những công dân có ích, đóng góp công sức cho xã hội, đồng thời làm giảm bớt sự nghèo khổ, và xóa bỏ những cơ hội có thể khiến con người trở nên vô dụng hay có hại cho bản thân, cho cộng đồng và xã hội.  Tư tưởng này dựa trên tinh thần nhập thế và bác ái công giáo, khác với một số dòng tu thời trước, chỉ hoàn toàn mưu cầu sự cứu rỗi bằng cách đọc kinh và suy ngẫm, cùng chiêm ngưỡng Thiên Chúa  trong tu viện.  

 

III.  Phương pháp

a. Dùng tiếng mẹ đẻ dạy đọc và viết

Phương pháp quan trọng nhất là dùng tiếng mẹ đẻ để dạy trẻ em đọc và viết.  Cho đến thời đó, các lớp tiểu học vẫn dùng sách viết bằng tiếng La Tinh để dạy trẻ em tập đọc và tập viết.  Gioan La San đã nhận xét:

The teaching of the art of reading, in primary and elementary schools, through the vernacular, is of greater and wider utility than by Latin texts.  The vernacular is more easily taught to children, who already possess some knowledge of it, than the Latin of which they are wholly ignorant.  [Br. Contantius, Annales de l'Institut, I  (1883),  p. 140].

Việc dạy đọc trong các trường sơ học và tiểu học bằng tiếng mẹ đẻ có một ích lợi  to và rộng hơn so với cách dạy các bài đọc bằng chữ La Tinh.  Dạy tiếng mẹ đẻ cho trẻ em rất dễ vì chúng đã quen phần nào với tiếng này, trong khi chúng hoàn toàn không biết gì  về tiếng La Tinh.

            Gioan La San đã mở đường cho việc dùng tiếng mẹ đẻ để dạy cho trẻ em.  Dùng tiếng mẹ đẻ giúp trẻ em tập đọc và tập viết dễ và nhanh hơn, giúp các em có thể tiếp tục tìm hiểu thêm sau khi đã rời nhà trường.   Khi các em về nhà, các em có thể đọc sách cho cha, mẹ, anh, chị, em hay những người lối xóm nghe và mọi người đều có thể hiểu.   Hơn thế, khi các em đã đọc thông tiếng mẹ đẻ thì chỉ cần thêm một thời gian ngắn là các em có thể đọc được tiếng La Tinh.  Căn bản hiểu biết tiếng mẹ đẻ sẽ giúp các em dễ học hơn và nhớ được nhiều hơn các điều đã học, hơn hẳn cách dạy bằng tiếng La Tinh.  Người Việt nam chắc cũng có kinh nghiệm về việc học như thế, khi so việc học chữ quốc ngữ với việc phải học ngay từ đầu với các cuốn Nhất thiên tự, Ấu học ngũ ngôn thi, hay Tam tự kinh bằng chữ Nho.

           

b.  Phương pháp dạy đồng thời

Phương pháp thứ hai là áp dụng đứng đắn cách dạy học đồng thời "Méthode simultanée."   Cách này đã được Comenius 5 đề xướng.  Comenius đòi hỏi thày giáo phải dạy "semel et omnes simul," (tất cả như nhau và cùng một lúc).  Giám mục de Nesmond (1629-1715) đã dùng phương pháp này.   Trong Nội quy dành cho các nữ tu chuyên dạy trẻ em học, thuộc dòng Hội Ðức Bà ở Reims, thánh Peter Fourier (1565-1640) đã nhắc nhở, cần phải sắp xếp để trong mỗi lớp học,  trẻ em học cùng một nữ tu phải dùng cùng một loại sách tập đọc, để chỉ cần một em đọc bài cho cô giáo nghe, là các em khác có thể nhẫm đọc theo và cùng học với nhau.   Trước đó, một thầy hay cô giáo thường phải dạy một nhóm học trò có nhiều trình độ khác nhau.    Trong một lớp như thế, các trò có trình độ cao, chăm sóc và chỉ bảo các trò có trình độ thấp hơn.   Thầy hay cô tùy theo trình độ của từng trò mà dạy đọc, hay cho bài học.   Lớp đông học trò, sự chăm sóc và theo dõi sẽ không có hiệu quả lắm, và kết quả thường là học trò phải mất nhiều thì giờ hơn để đạt một trình độ kha khá. 6    Các giáo sĩ Dòng Tên (Jésuites) chia mỗi lớp học thành từng nhóm, mỗi nhóm có trình độ gần như nhau, và có một học trò khá hơn gọi là decurion (như trưởng toán) dẫn dắt.  Các học trò trong nhóm trả bài với decurion, trong khi thầy giáo dạy riêng một vài học trò hay hỏi bài một vài em khác.   Gần cuối ngày học, thày giảng bài chung cho cả lớp.

            Gioan La San đi xa hơn trong cách áp dụng phương pháp đồng thời này.   Năm 1682 trong các trường của Dòng, các Sư huynh đã áp dụng phương pháp đồng thời ở mọi lớp và trong mọi môn học, từ học đánh vần, rồi tập đọc đến học giáo lý, học toán trong chương trình sơ học.   Gioan La San cũng đặt ít nhất là hai Sư huynh trông nom một trường học, chứ không chấp nhận chỉ giao cho một Sư huynh dạy một trường có nhiều trình độ khác nhau.   Ông đã ghi rất rõ các nguyên tắc của phương pháp mà các Sư huynh áp dụng khi giảng dạy:

The Brothers shall pay special attention to three things in class: (1) During the lessons, to correct every word that the pupil who is reading pronounces badly; (2) To make all who read in the same lesson to follow therein; (3) To have silence strictly observed in the school.   (Br. Contantius, UMAEL,  De la Salle, Common Rules)

Các Sư huynh phải đặc biệt chú tâm đến ba điều này trong lớp: (1) Khi một người học trò đọc bài, phải sửa ngay những chữ mà trò này đọc sai; (2) Phải để tất cả các trò đọc cùng bài này theo dõi; (3) Tất cả phải giữ sự yên lặng trong lớp.

Như thế tất cả học trò trong lớp cùng học chung một bài, chăm chú theo dõi một người đọc bài, và thày giáo sửa ngay các chỗ đọc sai cho cả lớp cùng nhận thấy.   Sau này, phương pháp trên còn được khai triển để bao gồm các môn học khác.

 

c.  Mở trường sư phạm

Muốn phổ biến hai phương pháp trên Gioan La San đã lập ra trường đào tạo giáo viên ở Reims vào năm 1685.   Ðây là trường sư phạm đầu tiên và Gioan La San được xem như là người sáng lập ra các trường Sư phạm 7.  Gioan La San cho rằng dạy học phải có phương pháp và ông đã nêu ra phương pháp dạy đồng thời và phải bắt đầu dạy đọc cùng dạy viết với tiếng mẹ đẻ.   Nhưng như thế chưa đủ.  Ông nêu ra những lề luật về dạy học trong quyển  Conduite des écoles chrétiennes, một bản in ở Avignon đề năm 1724 8.   

            Trường Sư phạm do chính Gioan La San dạy lý thuyết và phương pháp.  Trường mở ngay bên cạnh trường tiểu học để các giáo sinh thực tập luôn, do đó có cơ hội áp dụng lý thuyết và phương pháp đã học.   Gioan La San còn đi xa hơn, vì sau khi học ở trường Sư phạm một hay hai năm, giáo sinh được rời trường, đi dạy ở một trường Dòng, nếu là Sư huynh, và ở trường của họ đạo, nếu do họ đạo gởi đến.   Nhưng sau khi đi dạy một vài năm, các Sư huynh hay thày giáo đều được trở lại lại trường Sư phạm để bồi dưỡng khả  năng và học thêm những điều mới.  Các trường Sư phạm thời nay ở Âu châu cũng như ở Bắc Mỹ đều có chương trình đào tạo căn bản, và các chương trình bồi dưỡng, tinh tiến giống như thế.

            Ban đầu, Dòng các Sư huynh được thành lập để dạy trẻ em bậc sơ học và tiểu học, nhưng để học trò có thêm khả năng hầu theo học trường sư phạm, Gioan La San đã mở thêm trường ở Saint-Yon (năm 1705) và ở Passy sau đó,  dạy bậc trung học.  Ðó cũng là một sự cải tiến xã hội (social reform), giúp con em nhà nghèo thoát ra khỏi sự nghèo túng truyền kiếp bằng cách theo học được làm một nghề tự do. 

            Chúng tôi chưa có đủ tài liệu về việc đào tạo các Sư huynh, từ việc thâu nhận những học sinh có ơn kêu gọi, đến việc thử thách, dạy quy luật Dòng cùng với chương trình trung học trong tiểu chủng viện, và việc học cùng thực hành phương pháp sư phạm trong đại chủng viện.  Phần này chắc phải nhờ các Sư huynh đã có thời kỳ học ở Nha Trang chỉ dẫn giúp. 

            Ðồng thời với việc mở trường sư phạm, Gioan La San còn chú trọng đến việc mở trường kỹ thuật dạy nghề (école technique).   Compayré (1885) cho biết Gioan La San đã mở trường trung học đệ nhất cấp ở Saint-Yon dạy cho thiếu niên học tất cả những gì họ có thể học được, ngoại trừ La-tinh.  Họ học để ra làm việc trong các ngành thương mại, kỹ nghệ, và hành chánh.   Gioan La San cũng mở các trường cải huấn vị thành niên phạm pháp (maisons de redressement), giúp các thanh thiếu niên trở lại cuộc sống bình thường và trở nên người có ích cho xã hội. 

 

 IV.   Dòng Sư huynh La San ở Việt Nam

a.  Lược sử

(1)  Thời kỳ mở đầu

Năm 1862, Pháp chiếm ba tỉnh miền Ðông, Nam Kỳ và bắt đầu thiết lập chế đô thuộc địa ở trên phần đất này. Chánh quyền Pháp rất cần thông ngôn để làm trung gian giữa các quan cai trị người Pháp và dân thuộc địa. Muốn có người đi học làm thông ngôn, chánh quyền Pháp cần mở trường để dạy tiếng Pháp và tiếng Việt (chữ quốc ngữ) cho trẻ em, để chuẩn bị một đội ngũ có thể vào học trường thông ngôn. Vì thế, khoảng cuối năm 1865 có sáu Sư huynh rời Toulon sang Việt Nam.

 Khi đến Sài gòn vào đầu năm 1866 các Sư huynh đã bắt tay ngay vào việc điều khiển trường Trung học Adran (Collège d'Adran) 9  vốn đã được các linh mục thuộc Hội Thừa sai mở ở Sài gòn từ năm 1861.  Mọi chi phí ăn ở, giảng dạy (trường sở, tập sách và trợ huấn cụ) của các Sư huynh và học sinh đều do Hội Thừa sai đài thọ.  (Xin xem Nguyễn văn Trung để biết thêm vì sao Pháp dạy chữ quốc ngữ).

            Vì dạy tiếng Việt (chữ quốc ngữ) mà không dạy chữ nho nên việc dạy học của các Sư huynh có kết quả rất tốt.   Nhiều nơi như Chợ Lớn, Mỹ tho đã xin mở trường vào năm 1867, rồi Vĩnh Long và Sóc trăng, vào năm 1869.   Chánh quyền Pháp ở thuộc địa đã tài trợ phần nào các trường mới mở và cấp học bổng cho học sinh.  Nhưng đến năm 1879, chánh quyền ở Pháp thay đổi chánh sách với các trường tư.   Chánh quyền thuộc địa ngưng cấp học bổng và không tài trợ nữa.  Trường Adran phải đóng cửa vào khoảng 1887.

            Vào năm 1873, linh mục Kerlan có mở một trường nghĩa thục dạy các trẻ bị bỏ rơi, trong số đó có nhiều trẻ lai.   Trường được gọi theo tên Giám mục Taberd, giám mục địa phận Nam Việt từ 1830 đến 1840.   Khi trường Adran đóng cửa, cha mẹ học sinh trường này đem con đến theo học trường Taberd.   Linh mục Kerlan thấy không đủ sức lo cho những học trò mới liền mời các Sư huynh Dòng La San trở qua giúp ông.   Năm 1889 có chín Sư huynh từ Marseille qua.  Năm sau đó, các Sư huynh tiếp nhận trường Taberd, lúc đó có khoảng 160 học sinh mà một nửa ở nội trú.    Số học trò theo học tăng nhanh, nên năm 1891 có thêm năm Sư huynh theo qua, mở thêm một trường nghĩa thục nằm ngay cạnh trường Taberd.   Các Sư huynh lại mở thêm một chi nhánh ở Vũng tàu.    Do sự sắp xếp của linh mục Kerlan, Hội Thừa sai gánh chịu trách nhiệm tài chánh đối với những trường  do các Sư huynh điều hành và giảng dạy.

            Năm 1894, hai Sư huynh ra Hà nội mở trường.   Số học sinh tăng lên rất nhanh.  Giám mục Hà nội là Gentreau phải mua một thửa đất rộng hơn để xây cất trường mới.  Trường được khánh thành năm 1897, có 400 học sinh, và được đặt tên là Trường Puginier, tên vị Giám mục tiền nhiệm.  Trước đó, vào tháng 1 năm 1896, các Sư huynh ở Ðông Dương được tách ra khỏi Tỉnh Dòng Ấn độ để thành lập Tỉnh Dòng Sài gòn.10    Năm 1897, trường Taberd được mở rộng thêm.   Năm 1898, Dòng mở trường đào tạo thày giáo ở Thủ Ðức, cạnh tiểu chủng viện đã được mở năm trước đó nhằm đào tạo các Sư huynh tương lai cho Dòng.

 

(2) Thời kỳ khuếch trương và củng cố

            Ðến thời điểm này, Dòng La San ở Việt nam đã có sáu trường,  76 Sư huynh, 17 người tập sự học ở nhà tập sư phạm, và  6 chủng sinh.   Chánh quyền Pháp ở Ðông Dương đã ngưng yểm trợ các nhà trường và không tài trợ cho Dòng nữa.   Tuy thế, các Sư huynh đã không ngừng nghỉ, lại phát triển các công tác giảng dạy của Dòng.

  Năm 1904, mở trường Pellerin (sau này gọi là trường Bình Linh) ở Huế;

 năm 1906, trường St. Joseph (Thánh Giu se) ở Hải phòng và trường Dòng ở  Battambang (Cao mên);

 năm 1908, mở trường St. Joseph (Thánh Giu se) ở Mỹ tho;

 năm 1911, mở trường Miche ngay trong thủ đô Nam vang của Cao mên.

  Năm 1924, mở trường Thomas d'Aquin ở Nam định;

 1932, trường  Thánh Louis ở Phát Diệm và trường Gagelin ở Bình Ðịnh.

  Ðến năm 1933 lập ra Nhà tập (gồm tiểu chủng viện và chủng viện) ở Nha trang, tọa lạc trên đồi La San, hết sức yên tĩnh. 

   Năm 1934, lập ra "nhà tập sự" (probatorium) ở Bùi Chu

năm 1941, thành lập trường Adran ngay bên rừng Ái ân, Ðà lạt.  Ngoài ra còn trường La San Ðức Minh ở Tân Ðịnh, trường La San Kỹ thuật ở Ðà lạt, và trường Bá Ninh (tên Á thánh Bénilde) ở Nha trang không rõ là được mở vào những năm nào.  Riêng trường Thánh François Xavier (Phan xi cô Xa viê) ở Sóc trăng, không rõ có phải đã được mở từ năm 1869 không.

            Vào năm 1955, tất cả các trường La San ở miền Bắc được chuyển vào Nam, học sinh các trường này tùy vị trí định cư mà theo học các trường đang có trong Nam.   Riêng học sinh các trường Puginier ở Hà nội, trường Thánh Giu se ở Hải phòng được theo học ở trường Taberd, Saigòn.

 Năm 1956, mở trường La San Kim Phước ở Kontum;

 năm 1957, trường La San Bình Lợi ở Qui nhơn;

 1958, La San Ban mê thuộtLa San Nghĩa Thục ở góc đường Nguyễn Thông và Yên Ðỗ, Sài gòn dường như cũng được mở vào năm này.  Trường này thâu học phí rất hạ, dành cho trẻ em nghèo.   Chi phí trường được các Sư huynh trường Taberd dùng học phí thu ở Taberd, giúp đỡ.  Tại trường La San Nghĩa thục cũng có các lớp tối, do Ðoàn Thánh mẫu Sinh Viên trường Taberd cắt cử các sinh viên năm thứ ba các trường Ðại học ở Sàigòn đảm trách việc giảng dạy.   Cũng giống như La San Nghĩa thục là trường La San Chánh Hưng và các trường thâu học phí thật nhẹ như Xóm Bóng ở Nha trang, Tuk Lak ở Nam Vang, và Phú Vang ở Huế. 

 Ðến cuối thập niên 1960, vì chiến tranh, thiếu thày giáo, trường Taberd và một số trường khác phải nhờ các nữ giáo sư có Cử nhân giáo khoa 11 hay đã được Bộ Giáo dục công nhận, đảm nhận việc giảng dạy trong nhiều lớp học.

            Các trường La San không ngừng phát triển, cùng nâng cao phẩm chất đào tạo. 

Vào đầu năm 1975, Dòng La San ở Việt nam đã có 300 Sư huynh, và khoảng 15 chủng sinh.  Ngoài các trường học, Dòng còn có Trang trại Mai thôn ở bên kia cầu sắt Thanh Ða, để các Sư huynh lớn tuổi về hưu dưỡng ở đây, và cũng là nơi để các Hội đoàn cấm phòng.  Các Sư huynh điều khiển 23 trường gồm từ tiểu học đến trung học và kỹ thuật, có trường còn có nội trú, và một trung tâm dạy trẻ em mù cùng một trường đào tạo giáo chức.  Học sinh phần lớn là người Việt cùng một số thuôc các sắc dân  thiểu số.   Trong các trường do nhà Dòng quản lý, học sinh ngoài giờ học văn hóa và thể dục, còn tham gia các hoạt động Công giáo Tiến hành (Action catholique), qua các đoàn thể như Thanh Sinh Công (JEC), Hiệp hội Thánh mẫu ở cấp trung học, Hùng tâm và Nghĩa sĩ Chúa Hài đồng ở cấp tiểu học. 

  Từ 1961, Hiệp hội Thánh mẫu Taberd có thêm Ðoàn Thánh Mẫu Sinh viên (do SH Adrien tổ chức), tham gia hoạt động  trong khuôn khổ Công giáo Tiến hành với Tổng hội Sinh viên Công giáo Sài gòn (dưới sự hướng dẫn của Linh mục Nguyễn văn Lập). 

  Trong những năm đầu thập niên 1970, SH Théophile đưa học sinh Taberd các lớp 9 và 10, hằng tuần đi thăm viếng các khu lao động nghèo, hớt tóc cho các em nhỏ và phát thuốc cho những người đến khám bệnh ở những trạm chẩn bệnh miễn phí như ở La San Chánh Hưng (theo toa các bác sĩ và các sinh viên y khoa).   Sư huynh Vincent phụ trách dạy các học sinh lớp 9 và 10, một số nghề như chụp hình, rửa ảnh, sửa radio ...

 

(3) Tình trạng các trường học công và tư ở Việt Nam trong thời gian này

            Ðến đây xin được nói sơ qua về các trường học ở Việt Nam thời đó.   Trong suốt thời gian này, xã hội Việt nam trải qua nhiều thay đổi và xáo trộn, nhưng việc học vẫn được thực hiện trong chiều hướng thuận lợi cho đại đa số người Việt.  Trong những năm giữa hai Thế chiến, đã có rất nhiều trường Tiểu học và Trung học trên hầu hết ba miền Nam, Trung, và Bắc.   Sau Ðại chiến thứ Hai, các trường tiếp tục sinh hoạt, và hầu hết ở các tỉnh và thành phố, đều có những trường công lập cũng như tư thục với đội ngũ giáo chức tận tâm dạy dỗ, và học trò lễ phép, siêng học trong tinh thần kỷ luật cao.

            Tại Sài gòn đã có các trường công lập danh tiếng như Pétrus Ký dành cho nam sinh, Gia Long, dành cho nữ sinh, còn có các trường tư thục Chấn Thanh, Lê Bá Cang, Vương gia Cần ... dạy nhiều về chương trình Việt.  Các trường dạy chương trình Pháp như Chasseloup-Laubat (sau đổi tên là Jean Jacques Rousseau, sau cùng là Lê Quý Ðôn), Marie-Curie cùng ColetteSaint-Exupéry đều do chính phủ Pháp đài thọ mọi chi phí.  Ngoài hai trường La San đã ghi ở trên, còn có các trường Couvent des Oiseaux, Regina Pacis, Regina Mundi, Thiên Phước ... dành cho nữ sinh, thuộc nhóm các trường Công giáo.  Trường Nguyễn Bá Tòng dạy cả nam lẫn nữ do giáo hội Công giáo điều khiển.  Lyceum Cu LongLes Lauriers là hai tư thục dạy chương trình Pháp.  Ở gần trường Pétrus Ký có trường Bác Ái (Collège Fraternité) dạy chương trình Pháp và Việt cho học sinh phần đông là con em người Hoa.  Các tư thục Huỳnh Khương Ninh, Huỳnh thị Ngà dạy cả nam lẫn nữ.  Hai trường Nguyễn Trường Tộ (trung học đệ nhất cấp) và Cao Thắng (trung học đệ nhị cấp) là trường công lập kỹ thuật.

  Mỹ tho có trường Nguyễn Ðình Chiểu

 Cần Thơ có trường Phan Thanh Giản  là những trường công lập rất có uy tín được lập từ lâu.

Sau 1955, hai trường công lập danh tiếng ở Hà nội là Chu văn An (nam sinh) và Trưng vương (nữ sinh) dời vào Sài gòn. Gia định có hai trường công Hồ ngọc Cẩn (nam sinh) và Lê văn Duyệt (nữ sinh), học sinh xuất sắc không thua gì các trường công lập lớn ở Sài gòn và có trường Don Bosco dạy nghề cho thanh thiếu niên nghèo.

  Trường Võ Tánh ở Nha Trang,  hai trường Quốc HọcÐồng Khánh ở Huế, cùng với trường Sư phạm Qui nhơn đều là những trường có tiếng dạy giỏi.

  Ở Ðà lạt có Lycée Yersin của Pháp, Couvent des Oiseaux dạy nữ sinh do các nữ tu công giáo, ngoài các trường Dòng La San ghi trước. 

  Hai trường BưởiAlbert Sarrault còn ở lại Hà nội sau 1955.

   Tại Sàigòn về sau này còn có trường Bồ Ðề là trường do Phật giáo điều hành.   Ngoài ra còn có các trường dạy trẻ em bị khuyết tật, như trường Hoàng Thụy Năm (dạy trẻ em bị mù), trường câm điếc ở Lái thiêu. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi không thể đề cập đến các trường đại học ở Việt nam.  Tóm lại, cần ghi nhận là trong thời gian này, sinh hoạt giáo dục ở Việt nam rất phong phú, và thầy hay, trò giỏi, ở thành phố, ở vùng ven biển, hay đồng bằng, đâu đâu cũng có.

 

(4) Sau 1975

            Sau 1975, các trường bị trưng thu, biến thành trường công, do chánh phủ quản lý và bổ nhiệm người dạy.  Trừ năm hay sáu Sư huynh còn được lưu dụng, tất cả các Sư huynh khác phải rời trường, nơi đã được các vị dày công xây dựng và vun quén.   Các trường do chánh phủ quản chế, và bổ nhiệm giáo chức, thu nhận học sinh nam và nữ.  Hoạt động của các Sư huynh trong Dòng bị hạn chế rất nhiều.  Cơ sở chỉ còn Nhà Mai thôn ở Thanh Ða.   Một số Sư huynh ri nước, ra ngoài, tiếp tục công việc giảng dạy ở Nouvelle Calédonie, Thái lan, Pháp, và Hoa kỳ ...   Những Sư huynh ở lại chăm sóc lẫn nhau và tiếp tục, làm tất cả những gì làm được theo lời nguyện, trong hoàn cảnh khó khăn.  Và Sư huynh, không quên lời nguyện, đã làm được rất nhiều việc, như dạy nghề, kèm dạy toán, đồng thời dạy giáo lý.   Khi tình hình Ðổi Mới có hơi sáng sủa một  chút, Sư huynh Désiré đã bôn ba các nơi gây quỹ, đem tiền về mở trường dạy trẻ em nghèo ở Cái Nhum, và tiếp tục lan ra các nơi khác. 

 

b. Áp dụng  phương pháp dạy học của Dòng

Các trường Dòng La San ở Việt Nam áp dụng đứng đắn lý thuyết do Gioan La San lập ra..

(1)  kỷ luật và thi hành kỷ luật

            Trường học giữ kỷ luật nghiêm và minh, mọi quy luật được ghi ra rõ ràng và thường được nhắc nhở luôn.  Ðến giờ vào lớp, học sinh xếp hàng đôi rất trật tự ở ngoài sân, lớp nào theo lớp đó, rồi tuần tự theo nhau đi vào lớp, khi di chuyển không có nói chuyện.  Vào đến lớp, học sinh đứng vào chỗ, đọc kinh xong, có lệnh của Sư huynh dạy, mới ngồi xuống.  Trong lớp giữ trật tự, ngồi đâu, yên đó, làm bài trong yên lặng, và giữ im lặng khi có học sinh đọc bài cho cả lớp, hoặc nghe theo Sư huynh hoặc thày hay cô giáo đọc rồi lập lại chung với nhau khi học ngoại ngữ.   Ðến giờ ra chơi có chuông báo hiệu.  Học trò đứng lên, sắp hàng rồi đi ra lớp một cách có trật tự, đến sân chơi mới tan hàng, chơi đùa với nhau.  Nhờ vào sự duy trì kỷ luật mà nhà trường tạo được không khí học tập chín chắn, học sinh biết rõ những gì trông đợi nơi mình, ra sức học hành, và hưởng điều kiện thích hợp cho việc học.  Trong mhững trường khi còn có nội trú, học sinh nội trú cũng theo kỷ luật hợp với lứa tuổi và hợp với trình độ học.  Giờ ăn, giờ ngủ, giờ học được sắp xếp rất quy củ.  Mỗi tuần có ngày thu quần áo giặt, có sáng thứ năm đi lễ mi-sa, tối thứ sáu chầu Thánh thể (hay chầu phép lành), và cuối tuần về thăm nhà hay ra phố chơi.  Tối chủ nhật có chiếu bóng.

            Hình phạt ở các lớp trường Taberd, nhẹ như làm ồn ào trong lớp hay lo ra, hoặc không thuộc bài thường bị bắt đứng xây mặt vào một góc, hay bị chép phạt.   Nặng hơn như tập sách để dơ, làm bài quấy quá mà không sửa đổi sau khi bị la rầy vài lần sẽ bị cấm túc, không được ở nhà nghỉ mà phải vào trường buổi chiều thứ bảy.   Sau khi bị cấm túc ba lần, sẽ bị khiển trách công khai trước ban, như tiểu học, trung học đệ nhất cấp ...   Nặng nhất là bị đuổi học, nhưng trong khoảng hơn mười năm từ 1949 đến 1960, chỉ thấy có hai trường hợp đuổi học mà thôi.  Việc thi hành kỷ luật dường như nặng về răn dạy chứ không có tánh cách nghiêm khắc.

 

(2)  Trí , đức, và thể dục

            Các Sư huynh chú trọng đến cả ba phần trí dục, đức dục và thể dục.  Lớp học khang trang, sách học đầy đủ và cập nhật theo chương trình, Pháp cũng như Việt.   Tập học được bao theo một màu riêng rẽ cho từng môn học, và điều này được giữ cho đến hết bậc trung học đệ nhất cấp.   Hàng ngày đều có giờ giáo lý, và khi lên đệ nhị cấp, còn được giảng dạy cách đối xử khi vào đời, khi lập gia đình, trong tinh thần công giáo.

            Các trường của Dòng đều có sân bóng chuyền và bóng rổ, và mỗi lớp đều có đầy đủ banh cho hai môn thể thao này.  Khi nhỏ, có chơi trò dành banh trong vài năm, về sau này, có dịp ra ở xứ ngoài, mới biết là môn rugby theo Anh và Pháp.  Sân bóng rổ lát xi măng, đôi khi còn có cọc để giăng lưới, trở thành sân quần vợt.  Trong phòng thể thao, có bàn để đánh bóng bàn.  Lê văn Tiết (vô địch Pháp quốc) và Huỳnh văn Ngọc là những cao thủ môn này.  Cả hai xuất thân từ trường Taberd, dưới sự dìu dắt ban đầu của Sư huynh Gaétan, trong những năm đầu thập niên 1950.  Thời gian này trường Taberd hằng năm vẫn tổ chức các giải bóng bàn Bridgestone, có nhiều danh thủ thời đó như Mai văn Hòa (vô địch Á châu), Trần văn Ðức, Nguyễn Kim Hằng và Trần văn Liễu dự tranh. 

            Trường chú trọng nhiều hơn đến các môn thể thao đồng đội như bóng r, bóng chuyền và bóng tròn.   Học sinh còn được khuyến khích trau dồi bơi lội, trường Mossard Thủ đc có sân đá banh và hồ bơi.  Treillis, năm 1953 đoạt giải bơi lội các trường tiếng Pháp ở Sài gòn trong hạng tuổi của anh.   Huỳnh kế Nhơn đoạt huy chương vàng bơi lội học sinh do bộ Quốc gia Giáo dục tổ chức vào cuối thập niên 1950.  Cả hai đều là học sinh trường Taberd.

            Tháng năm (quanh ngày 15), thường có lễ Thánh Gioan La San.  Năm 1958, lễ này đã được tổ chức cách trọng thể trong sân Tao Ðàn, với học sinh nhiều trường đến dự khán.  Học sinh Taberd có trình diễn nhiều tiết mục thể dục đồng diễn rất ngoạn mục, và lần đầu tiên, biểu diễn môn nhảy ngựa gỗ 12 do Sư huynh Roland, một người Canada (trước ở Ðại học Laval, Québec) hướng dẫn.  Trong những năm đầu thập niên 1950, trường Taberd còn dạy môn đánh kiếm.  Trong các đêm văn nghệ nhân dịp Giáng sinh hay Tết, có trình diễn nhu đạo.  Phương châm các trường vẫn là "Tinh thần minh mẫn trong thân thể tráng kiện."

 

(3)  Ôn luyện thường xuyên

            Về việc học, các Sư huynh theo nguyên tắc ôn luyện thường xuyên và lúc nào cũng sẵn sàng.  Bài học, bài làm được kiểm hàng ngày, và học sinh tập được thói, mỗi ngày học đầy đủ bài học trong ngày hôm đó, mà không đợi đến gần kỳ thi mới học gấp.  Các trường phát phiếu điểm hàng tuần cho các lớp tiểu học và hai tuần một lần cho các lớp trung học.  Học sinh học đều đặn, không dám bê trễ.  Mỗi năm học thi ba lần bán tam cá nguyệt, và ba lần tam cá nguyệt.   Kết quả thi bán tam cá nguyệt (sau sáu tuần học) được công bố trong các lớp cùng cở, kết quả thi tam cá nguyệt (sau ba tháng học) được công bố trong ban (tiểu học, trung học đệ nhất, đệ nhị cấp).  Cuối năm học có lễ phát phần thưởng tổ chức cho toàn trường, có phụ huynh tham dự.  Học sinh xuất sắc được nhiều phần thưởng rất có giá trị. 

            Trong dịp ngh hè, các Sư huynh vẫn cho bài tập làm theo tuần, và khi nhập học phải nộp các bài làm.  Nhờ thế mà học sinh nhớ dai, không mất quãng, không bị thiếu sót trong chương trình học.  Nhưng ôn luyện thường xuyên vẫn được các Sư huynh xem xét theo sức của học sinh, và nhắm vào việc ôn tập cho nhuần nhã, chứ không phải nhồi nhét.   Các bài tập, bài học trong lớp theo chương trình học hàng năm, nhưng thường thường trong những tuần đầu, tháng đầu, các Sư huynh đều giảng bài chậm và thật kỹ, cùng hỏi bài kiểm nhiều hơn để chắc chắn là cả lớp đã thông hiểu các phần cơ bản quan trọng.  Sau đó mới theo sức học sinh mà nâng cách giảng, cùng mức độ khó theo đúng chương trình và hợp với nền móng hiểu biết đã đạt được.  Nhờ thế mà việc học có kết quả cao.

 

(4) Dạy và học giáo lý

            Ngoài các môn học theo chương trình, niềm hãnh diện của các Sư huynh là dạy giáo lý.  Môn này do Sư huynh phụ trách lớp đảm nhiệm, và thường được dạy vào tiết đầu tiên, mỗi ngày học.   Những ngày lễ lớn cả trường cùng lên nhà nguyện dự lễ Mi-sa.  Tháng hai, thường lên chầu Mình Thánh trong dịp lễ Ðức Bà.  Trong các dịp lễ khác, trường tổ chức các tuần cửu nhật, tạo một không khí sùng kính và đạo đức trong toàn trường.

            Vào những năm 1955-59, trường Taberd cũng tổ chức nhiều cuộc cấm phòng do các Linh mục ở nhiều nơi đến giảng.  Học sinh có dịp nghe Linh mục Jean Marie Nguyễn văn Thích, và Linh mục Gagnon (OP), tên Việt nam là Nhân, một người Âu nói tiếng Việt rành rẽ hơn nhiều học sinh Việt nam giảng trong các cuộc cấm phòng.  Những cuộc cấm phòng này nhằm củng cố đức tin, và cũng nhằm hướng dẫn học sinh đáp ứng với các tình huống ngoài đời, chứ không chỉ nhằm riêng vào việc rao giảng đạo Công giáo.  Hiệp hội Thánh Mẫu Sinh viên cũng tổ chức cấm phòng trong khuôn viên Trại Mai thôn.   Các đoàn viên sinh viên cũng tham dự nhiều cuộc sinh hoạt trại do Liên Ðoàn Sinh viên Công giáo, Viện Ðại học Sài gòn tổ chức.

            Nhưng chỉ học giáo lý thôi, chưa đủ.  Trường Dòng các Sư huynh còn mời những nhà chuyên làm việc từ thiện đến nói chuyện với học sinh, đồng thời tạo cơ hội cho học sinh tham gia các công tác xã hội.   Cảm động nhất là vào năm 1958,  ông Raoul Follereau đến nói chuyện ở trường Taberd về nỗi bất hạnh của những người bị phung cùi.  Sau đó học sinh trường đã thăm viếng bệnh viện Chợ quán, số học sinh tham dự đông đảo hơn tất cả các lần khác bệnh viện đã được người đến viếng thăm và ủy lạo.

 

(5) Tinh tiến luôn

            Các Sư huynh cũng hiểu dạy hay, không gì bằng làm gương.  Chính các Sư huynh nêu gương kỷ luật.  Trong giờ ăn, các Sư huynh ăn yên lặng, và một Sư huynh đã dùng bữa trước, đứng ở bục đọc một chương sách.  Các Sư huynh cũng tham gia thể dục, thể thao.   Năm 1960, theo thông báo, đội bóng r trường Taberd sẽ tranh tài với đội XYZ, không biết từ trường nào đến  Ðến buổi đấu mới rõ XYZ là các Sư huynh của trường.

            Các Sư huynh còn nêu cao gương tinh tiến không ngừng trong việc học.  Năm 1955, Sư huynh Rémi du học về nhạc lý,  trở về nước, gây một ấn tượng đẹp trong lòng học sinh, và khơi dậy lòng ham thích nhạc.   Sư huynh Casimir, sau thời gian làm giám học đệ nhất cấp Pháp, đã du học, trở về với bằng Tiến sĩ Triết học năm 1958.  Sư huynh Humbert trình luận án cao học về Thực vật học, đề tài "Tảo dọc theo sông Saigòn," tại Ðại học Khoa học Sàigon vào đầu năm 1960.   Sư huynh Gagelin Tâm du học và đạt học vị Tiến sĩ Giáo dục trong giữa thập niên 1960.  Ngoài ra còn nhiều Sư huynh khác tu nghiệp Anh ngữ ở Pénang, hay Anh quốc (như các Sư huynh Bonnard, Sư huynh Maximin) hơặc toán và khoa học (như các Sư huynh Maurice Triều, Sư huynh Georges).   Ðặc biệt là Sư huynh Romuald, một người Pháp vui tính và chân thật, đã ghi danh theo học các chứng chỉ  Việt nam ở trường Ðại học Văn khoa tại Sàigòn trong các năm 1958, 59, trước khi trở về Pháp.

 

(6) Giữ mục tiêu của Dòng mà thích ứng với các thay đổi trong xã hội

            Các trường Dòng La San đã thích ứng với hoàn cảnh xã hội đương thời.  Như việc bổ nhiệm các Sư huynh Việt nam vào những chức vụ điều khiển khi Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập.   Các trường Dòng đã mở ngay ban trung học dạy chương trình Việt khi có điều kiện, và phát triển song song ban này với ban trung học chương trình Pháp.  Các trường cũng mở phòng thực tập khoa học và trang bị đầy đủ các trợ huấn cụ.   Trường Taberd còn có chương trình Thương mại, dạy bằng tiếng Pháp, gọi là Section (ban) Commerciale do S.H. Anathanase dạy.  Học sinh ban này đi thi lấy Certificat d'aptitude professionnelle (chứng chỉ khả năng  thương mại) do Pháp tổ chức (tức là học nghề, khi học sinh không có khả năng theo học lên đệ nhị cấp (cấp ba).

            Ngay trong những năm cuối thập niên 1950, các trường đã thành lập Hội Phụ huynh học sinh tại từng trường, tạo mối liên lạc chặt chẽ giữa trường học và gia đình.  Trước đó, tại Taberd, trường đã phát hành báo Liên San, phát cho học sinh từ năm 1958, để có sự liên lạc thường xuyên giữa trường và gia đình.  Báo cũng là nơi để học sinh, thường học đệ nhị cấp trau dồi Việt ngữ.  Phụ trách Liên San trong những năm đầu là hai anh Trần Tử Huyền (con Nghị sĩ Trần văn Tuyên, VNCH) và anh Trần thế Ðộ.  Ngay khi nhạc tr thịnh hành và trở nên nguồn giải trí cho thanh thiếu niên, trường Taberd cũng tổ chức các buổi đại hội nhạc trẻ trong thính đường mới của trường trong những năm 1965, 1966.    

            Ðến cuối thập niên 1960, các Sư huynh đã thay môn giáo lý trong các lớp từ lớp 8 trở lên. Các Sư huynh phụ trách lớp đã dùng giờ đó nói về chuyện đời - dấn thân, nền tảng gia đình, đạo đức cổ học, triết, cùng các vấn đề y tế cùng sức khỏe.  Các đề tài tùy tiện, không gò bó,  nhưng thực tế, và các buổi thảo luận rất cởi mở, tự do.   Năm 1971, nhận thức được sự không trọn vẹn của việc phân biệt và tách rời nam, nữ trong nền giáo dục công giáo, Taberd và Couvent des Oiseaux ở Sài gòn đã tổ chức để học sinh các lớp 12 (classes terminales) hai trường (nam, Taberd, và nữ Couvent)  gặp nhau vào sáng thứ bảy, trong 2 hay 3 giờ đồng hồ.   Mỗi lần gặp đều có đề tài để thảo luận.

            Ðiều quan trọng nhất khi Gioan La San thành lập Dòng là nhắm vào việc dạy dỗ trẻ em nghèo.   Các trường Dòng lúc ban đầu đều dạy miễn phí, không thâu tiền học.   Ðiều này có thể làm được trong hoàn cảnh xã hội thời bấy giờ và đáp ứng được các đòi hỏi trong cách giáo dục thời đó.  Càng về sau này, các chi phí cần thiết cho việc dạy học tăng rất cao, nhu cầu về trợ huấn cụ và các chi phí khác về y tế, về phòng ốc, về trách nhiệm dân sự của nhà trường (như bảo hiểm, bảo hộ lao động) cũng tăng cao.  Ngoại trừ ở một vài quốc gia như Canada, chánh phủ  tỉnh bang đài thọ chi phí cho các trường công lập dân chính và công lập công giáo bậc tiểu và trung học nên các trường này  không phải thu học phí, còn ở các quốc gia khác, các trường học đều phải thu học phí.  Tại những nơi đó, các trường Dòng La San đều thu học phí, nhưng các Sư huynh vẫn tuân giữ mục đích của Dòng.   Trong một số trường các Sư huynh thu học phí cao hơn hay bằng các trường khác.  Nhưng trong các trường này vẫn có một số học sinh được giảm hẳn hết hay một phần học phí tùy theo điều kiện gia cảnh.   Nhiều địa hạt hay giáo phận, theo đề nghị của Giám mục, cũng gởi các học sinh ưu tú mà nghèo theo học các trường La San.  Các học sinh này được miễn học phí, và trong vài trường hợp, được ở hẳn nội trú mà không phải đóng tiền.

            Cạnh những trường trên, các Sư huynh luôn luôn mở trường Nghĩa thục, với học phí nhẹ, dành cho con em các gia đình có lợi tức thấp.  Ðây là phương pháp chia sẻ theo tinh thần công giáo, dựa trên sự công bằng và nhân ái, thực hiện công tác cải cách xã hội một cách rõ ràng và hết sức ôn hòa.  Trong tất cả các trường này, các Sư huynh đón nhận con em các gia đình theo đủ mọi tôn giáo.   Các Sư huynh vẫn giảng đạo bằng cách làm gương, và làm việc Tông đồ một cách không cưỡng ép, với ý niệm là tạo điều kiện để học sinh được biết đến tinh thần công giáo.

            Tinh thần này không những được phổ cập trong phạm vi của trường, mà còn được đưa ra ngoài cộng đồng.  Các trung tâm chẩn bệnh và phát thuốc miễn phí phục vụ đồng bào các khu lao động nghèo, không phân biệt tôn giáo hay tín ngưỡng.  Học sinh các trường trong những buổi du ngoạn vẫn đi thăm viếng các cơ sở tôn giáo khác.  Trường thánh Phan-xi-cô Xa-viê ở Sóc trăng thường tổ chức du ngoạn vào ngày thứ năm đầu tháng.  Ngày đó, học sinh thường đi bộ đến các nơi quanh ngoài tỉnh lỵ, như Bãi Xàu, Xày Cá Nã, Ðại ngãi ...   Thường ghé vào nghỉ và ăn trưa trong đất thuộc các chùa Miên.  Nhờ đó học sinh có dịp xem các chú tiểu Miên trả bài, đọc kinh bằng tiếng Phạn.   Quanh chùa thường có các cây cổ thụ, có rất nhiều cò và diệc làm ổ.  Học sinh có dịp sống một cách thực tế việc tôn trọng và hòa đồng với các tín ngưỡng khác.

            Tuy kỷ luật Dòng chặt chẽ và sự trau luyện, thử thách trước khi trở thành một Sư huynh rất khắt khe, nhưng tại vài nơi, vẫn có những người không kềm giữ được tánh xấu.  Tại một số nơi, nhất là ở Bắc Mỹ, trong những năm gần đây, có nhiều vụ kiện tụng, và tố cáo các hành động bạo lực, bạo hành trong các trường và họ đạo Công giáo hoặc Anh giáo, hay Tin Lành.   Có một số trường hợp liên quan đến vài Sư huynh Dòng La San.   Nhưng dân chúng chỉ lên án những người phạm tội chứ không vơ đũa cả nắm.   Ngoài ra các vụ tố cáo đều được đưa ra tòa án để điều tra và phân xử công minh.  Các nạn nhân được bồi thường theo án lệnh Tòa.   Người dân thời đại nầy nhìn nhận là trong mỗi cộng đồng đều có vài người, hay một thiểu số xấu.   Cần thẳng thắn chỉ trích cái xấu, và nhìn nhận có cái xấu, thì dần dần những phần tử không tốt sẽ có cơ hội tự tân, hoặc bị đào thải.   Ðiều này không trái với nhân tính và sự công bằng.

            Các Sư huynh Dòng giữ đúng quy luật là người tu hành có khấn nguyện nhưng không làm linh mục.  Có vài Sư huynh, sau khi ở trong Dòng một thời gian, đã xin được phép trở lại chủng viện học thần học, và sau đó, thụ phong linh mục.  Dòng không ngăn trở.  Riêng tại mỗi trường thuộc Dòng Sư huynh, việc dâng lễ, giải tội, và các nghi thức công giáo khác như Rửa tội, Thêm sức (Confirmation) đều do một linh mục tuyên úy (Aumônier) phụ trách.   Các tuyên úy cho trường Taberd ăn ở luôn trong trường, có phòng ăn riêng, không dùng chung phòng ăn tập thể với các Su huynh.  Linh mục Paulus Mười có lẽ là Tuyên úy lâu nhất trong trường Taberd.  Linh mục đã giảng dạy phần giáo lý cho các lớp 12 chương trình Pháp từ 1959 (Terminales) và còn có mặt ở trường khi các phi hành gia đổ bộ lần đầu tiên lên mặt trăng.

Tóm lại, các trường Dòng La San không bao giờ là một môi trường khép kín, riêng biệt.  Trường cởi m, đón nhận một cách thận trọng nhưng chí tình, các thay đổi trong xã hội, thực hiện phương châm "hoà mình để cùng nhau đi lên," hầu hoàn thành thiên chức của con người.  Có lẽ nhờ thế nên tuy đa số học sinh các trường Dòng là người không theo đạo công giáo, ảnh hưởng của trường Dòng rất sâu đậm trong lòng các cựu học sinh.  Trong tiệc gây quỹ của nhóm Cánh Én tổ chức tại Paris tháng 10 năm 2003, khách dự đã đến, không những từ các nước Âu châu như Bỉ, Ðức, Hòa Lan, Ý, Thụy sĩ ... mà còn cả từ Hoa kỳ và Canada.  Ðó cũng là một chứng tích.

 

V. Kết

Hy vọng trong một tương lai không xa lắm, các Sư huynh lại sẽ có dịp góp phần vào việc đào tạo thế hệ tương lai, xây dựng đất nước giàu mạnh, và truyền bá tình thương đến mọi tầng lớp xã hội, trong tinh thần tự do và nhân ái.   Học sinh cũ của các Sư huynh, có rất nhiều người thành công ở trong nước và ở hải ngoại, chắc chắn sẽ đóng góp tận tình công sức và tài chánh vào việc này.  Trên thế giới, cựu học sinh các trường Dòng La San đã họp thành một Hội Ái hữu quốc tế, đã nhóm hợp mấy lần, vinh danh các thầy dạy cũ.   Hội mang tên Union Mondiale des Anciens Élèves Lasalliens (viết tắt là UMAEL). 13   Các hiệp hội Cựu học sinh từng trường La San ở Việt Nam cũng có những hoạt độn tương trợ và có giúp các Sư huynh còn ở Việt Nam.  Tương lai chắc sẽ tươi sáng hơn, cho trẻ em Việt Nam, cho Dòng La San, và cho đất nước.14

 

VI. Ghi chú

 

*          Hình Thánh Gioan La San - Image credit :  With the gracious permission from the UMAEL's President, Mr.José Ramón Batiste Peñaranda.   E-mail 15 July 2005, @ 19:07:35.

(Ðiện thư Thứ sáu 15/7/ 2005  hồi 19:07:35 +0200)

1.         Nước Pháp dưới thời vua Louis thứ 13 (1610-1643) gặp nhiều khó khăn ở trong cũng như ngoài nước.   Nông dân đã liên tục nổi loạn ở nhiều nơi nhằm chống sưu cao thuế nặng, để rồi bị binh lính nhà vua đàn áp và tàn sát dã man.  Dân chúng lại bị lôi vào các cuộc nội chiến giữa phe nhà vua, Công giáo, và các thành phố theo đạo Tin lành ở trong nước.  Bên ngoài, gặp cuộc chiến tranh 30 năm (Guerre de Trente ans) giữ Pháp với Tây ban nha, Thụy điển, Phổ và Áo.  Louis thứ 14 lên ngôi năm 1643, lúc mới hơn 4 tuổi, triều đình do Hoàng Thái Hậu Anne d'Autriche và Hồng y giáo chủ Mazarin điều khiển, sau khi dẹp yên cuộc nổi loạn của phe quý phái theo Duc d'Orléans, triều đình tiếp tục theo đuổi chiến tranh.  Sau khi Mazarin qua đời, vua Louis thứ 14 lại dùng quân sự giải quyết cáctranh chấp biên giới, và phí phạm công quỹ vào các công trình xây dựng đồ sộ.  Dân Pháp gần như kiệt quệ khi ông mất.

2.         Vì lẽ này mà các Sư huynh không học tiếng La tinh ở cấp cao như các linh mục.   Ðôi khi người đời chế giễu, gọi các Sư huynh là Ignorantins (dốt).  Nhưng cũng có nhiều Sư huynh học theo chương trình cổ điển, cũng rất thông thạo tiếng La tinh và tiếng Hy lạp.  Ở trường Taberd, Sàigòn, Việt nam có Sư huynh Roger và Sư huynh Théophane Kế rất giỏi tiếng La tinh.

3.         Université de France -- Viện này do Napoléon Ðệ nhất thành lập năm 1805 chuyên về hành chánh và quản trị giáo dục các cấp từ tiểu học đến đại học.

4.         Tài liệu trong bài nói chuyện của Sư huynh Tổng quyền Álvaro Rodríguez Echeverría, vào năm 2003, tại Ðại hội thế giới Cựu học sinh La san -UMAEL- kỳ III, tại  Mexico City, thủ đô Mexique.

5.         John Amos Comenius (tên La tinh là Jan Amos Komensky) sinh ngày 28 tháng 3 năm 1592, tại Uhersky-Brod, một thành phố nhỏ thuộc vùng Moravia, nay nằm trong Cộng hòa Tiệp (Czech Republic). Ở Âu châu, nhất là ở Bắc Âu, người ta xem ông là "Cha đẻ của nền giáo dục tân thời."   Ông là người đầu tiên đã xướng lên thuyết cần dạy trẻ em bằng tiếng mẹ đẻ.  Năm 1658 ông đã soạn và cho in quyển Orbis selisualium pictus (Le monde des choses sensibles illustré = The Visible World In Pictures =  Hình vẽ các sự vật trong thế giới thấy được).   Ông tin giáo dục là một công tác phải được thực hiện toàn diện (holistic approach), và con người, từ bé đến già, lúc nào cũng cần học.   Ông cũng đưa ra đề nghị cho các em bé gái và phụ nữ đi học, một ý tưởng chưa ai nghĩ đến vào thời đó.   Ông muốn kết hợp thần học, triết học và giáo dục thành một khoa duy nhất.  Ông để lại 154 quyển sách về triết lý, quan niệm và phương pháp giáo dục.  UNESCO đã vinh danh ông bằng cách tạo ra Huy chương Comenius dành cho các nhà giáo dục.  Trong giới giáo chức Âu châu, đây là danh dự cao quý nhất.

6.         Cách dạy này không khác gì cách dạy trong các trường ở Việt nam hồi xưa (từ thế kỷ thứ 12 đến đầu thế kỷ 20). Các thày đồ vẫn dạy một lớp có nhiều trình độ khác nhau.  Học trò đã theo học lâu chỉ bảo các học trò mới vào, tập đọc.   Và cũng học viết chữ Nho, chỉ được cái là đọc chữ Nho theo cách phát âm Việt, tiếng mẹ đẻ, chứ không đọc theo cách phát âm của người Trung quốc (có lẽ vì ngay người Trung quốc cũng có nhiều cách phát âm theo từng địa phương).

7.         Trước đó, người biết chữ, biết đọc là có thể làm thày giáo hay cô giáo. Ngay ở Hoa kỳ, các trường công lập được mở từ thập niên 1630 nhưng mãi đến đầu thế kỷ thứ 19 mới có vài trường dạy sơ qua để người học đạt trình độ trung học và có thể ra đi dạy.  Trường sư phạm tư đầu tiên do Samuel R. Hall mở năm 1823, và trường sư phạm tiểu bang đầu tiên ở Mỹ được mở ở Massachusett năm 1839.   Tại Âu châu, Gioan La San là người khai phá, mở trường đặc biệt đào tạo thày giáo (trường sư phạm) vào năm 1685.   Sau đó, các trường sư phạm phát triển rộng rãi nhờ August Hermann Francke và Johann Pestalozzi.  Francke được xem như người đồng hành với Gioan La San trong giáo hội Tin Lành.  Chương trình học chánh thức của trường sư phạm được thiết lập vào thập niên 1820 ở Ðức.  Bên Anh mãi đến giữa thế kỷ thứ 19, Ðại học Cambridge mới có trường Sư phạm do công sáng lập của Oscar Browning, một giáo sư dạy ở đại học Eton, và King College thuộc đại học Cambridge.  Cambridge cũng có trường sư phạm dành cho phụ nữ, mở năm 1885.

8.         Gioan La San đã quy định các lề luật sau đây trong việc lên lớp giảng dạy :

(1)        Thày giáo xác định mức thông minh tương đối của từng học sinh trong lớp.

(2)        Thày giáo dùng ngôn ngữ và cách giảng bài phù hợp với trình độ chung của lớp, nhưng vẫn chú ý đến các trò kém nhất.

(3)        Thày phải chắc chắn là các học sinh hiểu rõ chữ các em dùng.

(4)        Bài giảng đi từ dễ đến khó, từ điều đơn giản đến điều phức tạp.

(5)        Thày nhấn mạnh đến các phần căn bản từng bài, từng môn học.  Chỉ sang qua bài tiếp khi học trò đã hiểu bài đang học.

 . . .

(9)        Mỗi lần, chỉ giảng một vài điểm chánh, mà phải giảng cho thấu đáo.

(10)      Giảng cho học trò nghe, viết cho học trò thấy.  Phải tận dụng tấm bảng đen.

(11)      Phải chuẩn  bị mỗi bài dạy một cách kỹ lưỡng.

(12)      Giảng rõ ràng, không sai trật, và phải trình bày một cách cẩn thận, dùng chữ đúng đắn và đúng mẹo luật văn phạm.

 . . .

(19)      Lúc nào cũng nhớ đặt câu hỏi để xem học trò có hiểu, có theo dõi bài hay không.

 (Reisner, 1935, Chương. V, đoạn. ii, trang 31-33) .

9.         Theo chương trình Pháp, Collège là trường dạy hết bậc Trung học đệ nhất cấp, Lycée là trường dạy dạy Trung học đệ nhị cấp (thi Tú tài).  Ngoài ra còn có sự phân biệt chi phí Collège do quỹ Thuộc địa tài trợ (tức Nam Việt), còn Lycée do quỹ Quốc gia (tức là của Pháp) tài trợ.  Trường Adran lúc đó ở gần Thảo Cầm Viên, Sài gòn.

10.       Sau này, Sư huynh Cyprien Gẫm là Sư huynh Việt Nam đầu tiên làm Giám tỉnh Tỉnh Dòng này (1956), sau khi cũng là Hiệu trưởng Việt nam đầu tiên của trường Taberd  (1952 ?) thay thế Sư huynh Venant.  Các Sư huynh hiệu trưởng sau đó là SH Alloysius, SH Bernard Bường (sau làm Giám tỉnh), SH Félicien Lương, SH Désiré ....  Một SH Giám tỉnh sau 1975 là SH Maurice Triều.

11.       Chương trình giáo dục bậc Ðại học ở Việt nam lúc đó (1960) còn theo chế độ Pháp. Có hai loại Cử nhân: giáo khoa (licence d'enseignement) và tự do (licence libre). Muốn có bằng cử nhân phải đậu đủ một số chứng chỉ (chứng chỉ dự bị và ba chứng chỉ chuyên khoa ở Khoa học, chứng chỉ dự bị và bốn chứng chỉ chuyên khoa ở Văn khoa - riêng Luật, không theo hệ chứng chỉ mà theo học trình là ba năm). Ðậu đủ các chứng chỉ chuyên khoa đã được quy định trước sẽ được bằng cử nhân giáo khoa, còn không sẽ được bằng cử nhân tự do. Sau 1965, có nhiều sửa đổi. Tại Ðại học Khoa học, chia ra nhiều chứng chỉ nhỏ hơn, như chứng chỉ Toán Vi tích phân chia ra làm Toán 1 và Toán 2, nên có thay đổi về số lượng chứng chỉ.   Tại đại học Văn khoa chia ra từng Ban, mỗi Ban có một quy chế  riêng về bằng cử nhân giáo khoa và  tự do trong Ban đó.

12.       Biểu diễn ngựa gỗ lúc đó gọi là "Cheval d'Arçon," nhưng đúng ra là "Cheval de voltige" vì không có hai tay quay để nắm trên thân gỗ.

13.       UMAEL:   Union Mondiale des Anciens Elèves Lasalliens

                        http://www.umael-lasalle.org/

 

14.       Chúng tôi không được biết nhiều về các hoạt động khác của những Sư huynh Dòng La San còn ở lại Việt nam sau 1975.  Ðộc giả muốn biết thêm có thể liên lạc với

Vietnamese Youth & Culture Association

Nhà La San Việt Nam

1103 Maxey Court

San Jose, CA 95132 

http://www.saigon.com/~nguyent/ls_histo.html

Hoặc vào xem một vài trang Web sau đây:

La San ở British Columbia, Canada

http://www.lasan.org/lasan-overseas/region-usa/lasan-family/ls-canada/ls-can.htm

http://www.lasan.org/

Gia đình La San ở Canada, Belgique, USA (ra trường các năm 71, 72, và 73).

http://taberd7123.net/

http://www.lasalle2.org/French/Resources/Publications/PDF/Education/Cahier12.pdf

http://www.jesusmarie.com/jean_baptiste_de_la_salle_conduite_ecoles_chretiennes.pdf

 

Tài liệu tham khảo:

 

Battersby, W. J.  1949.  De la Salle: A pioneer of Modern Education.  London:  Longmans, Green and Company.

Cole, Luella.  1950.  A History of Education: Socrates to Montessori.  New York:  Holt, Rinehart and Winston.  (Chương XIII, trang 356 - 397).

Compayré, Gabriel. 1901. Cours de pédagogie théorique et pratique.  Paris: Librairie classique Paul Delaplane

  1880.   Histoire de la pédagogieParis : Mallotée.   Bài XII. - Les origines catholiques de l'enseignement primaire. La Salle et les frères des Écoles chrétiennes.

Contantius, Brother - Trans. by M. Barrett.  St. John Baptist de la Salle.  UMAEL.  Ðọc ở trang

http://www.umael-lasalle.org/en.asp.     Của Union mondiale des anciens élèves lasalliens.

hay  http://www.newadvent.org/cathen/08444a.htm  -  bản tiếng Anh.

De la Salle, Jean-Baptiste. 1720.   Les Douze Vertus d'un bon maître.  La Gravité, le Silence, l'Humilité,, la Prudence, la Sagesse, la Patience, la Retenue, la Douceur, le Zèle, la Vigilance, la Piété et la Générosité.  Nói về 12 đức tính của thày giáo: nghiêm trang,  im lặng, khìêm nhường, dè dặt, khôn ngoan, kiên nhẫn, kín đáo, dịu dàng, hăng say, thận trọng,  thành kính, và rộng lượng.  Chỉ còn có bản sao, không đầy đủ.

Encyclopédie de l'Agora:

   http://agora.qc.ca/mot.nsf/Dossiers/Jean-Baptiste_de_La_Salle

Fitzpatrick, Edward A.   1951.  La Salle Patron of All Teachers.  Milwaukee: 

The Bruce Publishing Company

http://www.saigon.com/~nguyent/ls_histo.html  Của Vietnamese Youth & Culture Association

            Bài tiếng Anh  "District of Vietnam,"  bản in ra từ Internet ngày 5 tháng 7 năm 2005,  và bài tiếng Việt "Tỉnh Dòng La San" bản in ra từ Internet trong năm 1996.

http://www.lasalle-fec.org/5institut/fond/novateur.php -  bản tiếng Pháp.

Jaud, (Abbé) L. 1950.  Vie des Saints pour tous les jours de l'année.  Tours: Mame.

Leo, Brother.  1921.  The Story of St. John Baptist de la Salle.  New York:  P.J. Kennedy & Sons.

Mulhern, James. 1946.  A History of Education.  New York:  The Ronald Press Company.  (Chương VII và VIII, trang 233 - 301).

Nguyễn văn Trung. 1974.  Chữ văn Quốc ngữLos Alamitos, CA: Xuân Thu in lại năm 1989.  Theo bản in năm 1974 của Nam Sơn Publisher.

Reisner Edward H. (gen. ed.)  1935.   The Conduct of the Schools of Jean-Baptiste de la Salle.  Dịch từ quyển Conduite des écoles chrétiennes.  Ấn bản do Dòng Sư huynh cung cấp, bản in 1724, tuy bản đầu tiên được biết có từ năm 1706.   New York:  McGraw-Hill Education Classics.  Xin xem sách do Gioan La San trước tác.

Vollet E. H.  1885.   "Écoles chrétiennes"  La Grande Encyclopédie.   Paris,  1885-1902,   Tome XXI.

Và tư liệu của tác giả, cùng sự đóng góp của TNK, và của vài bạn học cũ.

Phụ bản:   Các tác phẩm và thư tín của Gioan La San

 

Sách về giáo dục

Conduite des écoles.—bản đầu tiên được biết là bản viết tay, đề năm 1706, được tàng trữ trong Thư viện Quốc gia Pháp, mã số "Fr. 11759."  Bản in đầu tiên được nhà Chastanier ở Avignon, xuất bản năm 1720.  Bản tiếng Anh do nhà McGraw-Hill & Co., ở New York, xuất bản năm 1935 dưới sự trông nom của Edward H. Reisner.

Les Devoirs d'un chrétien, en deux parties et avec une troisième partie contenant un traité du culte extérieur et pratique.—  Bản in đầu tiên ra đời năm 1703.  Một bản sao ấn bản này được giữ trong Thư viện Quốc gia Pháp, mã số "D. 13295."  Bản này gồm ba quyển, quyển 1 dày 494 trang, quyển hai, 305 và quyển ba có 301 trang,   Thư viện British Museum ở London, UK có bản in năm 1772.

Les Règles de la bienséance et de la civilité chrétiennes.— Bản xưa nhất còn giữ được là bản in năm 1729, còn giữ ở British Museum có ghi tên Gioan La San là tác giã..

Exercices de piété pour l'usage des Écoles chrétiennes.—Bản này do C. de Percelles, trường Ðại học Sorbonne duyệt ngày 7 tháng 6 năm 1697.   Bản xưa nhất còn lại được in sau năm 1730 và giữ ở Văn khố ở Vatican, Rome -- tình trạng không được tốt lắm.

 

Các sách khác

Instructions et Prières pour la Sainte Messe.— Bản viết tay được trường Sorbonne duyệt thuận vào ngày 16 tháng 1, năm 1704.  Bản xưa nhất còn được giữ trong Văn khố là bản in năm 1785.

Règles communes de l'Institut des Frères des Écoles chrétiennes.— Thư viện Avignon còn giữ một bản viết tay đề năm 1705, mã số 747 trong khu bảo tàng Calvet.   Văn khố Rome có giữ bản do Gioan La San duyệt lại và gởi cho các nhà của Dòng năm 1718, có chữ ký của SH Barthélemy, Sư huynh Tổng quyền lúc đó.

Règles du Frère Directeur d'une Maison de l'Institut. -- Trong Văn khố chỉ còn khoảng 10 trang có mang chữ ký của SH Barthélemy và đề năm 1717.

Ngoài ra còn khoảng 85 bức thư và 8 văn kiện khác do Gioan La San ký, còn giữ trong Văn khố.

 

Dien Tran,  Ph.D.

© http://vietsciences.net   và  http://vietsciences.free.fr Dien Tran