Frédéric Joliot-Curie

Vietsciences-  ĐẶNG Đình Cung         30/07/2010

 

Những bài cùng tác giả

GS Frédéric Joliot-Curie, cha đẻ ngành năng lượng hạt nhân và lãnh đạo cộng sản

Nhiều người biết tiếng GS Frédéric Joliot-Curie là người sáng chế năng lượng hạt nhân. Nhưng ít người biết rằng ông là một lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng Sản Pháp. Hầu như không ai biết rằng ông đã là thày học của GS Ngụy Như Kontum.

Bài này trình bầy tại sao GS Frédéric Joliot-Curie là thần tượng của chúng tôi khi còn là sinh viên kỹ sư.

1. Hoạt động khoa học

Jean- Frédéric Joliot sinh năm 1900 trong một gia đình sáu anh em. Từ lúc bé Jean Frédéric đã ham mê khoa vào L'école de physique et de chimie industrielles de la ville de Paris học, đặc biệt môn hóa học. Năm 20 tuổi ông đỗ (EPCI, Trường Vật lý và Hóa học Công nghiệp Thành phố Paris). Trường kỹ sư này nổi tiếng là lò luyện giải Nobel khoa học của nước Pháp (Pierre và Marie Curie, Frédéric và Irène Joliot-Curie, Georges Charpak, Pierre Gilles de Gennes).

Sau khi tốt nghiệp thủ khoa EPCI, ông làm thực tập một thời gian ngắn cho một nhà máy luyện kim ở Luxemburg.

Năm 1925, sau thời gian quân dịch, GS Paul Langevin giới thiệu ông vào làm điều chế viên cho bà Marie Curie ở Institut du Radium (Viện Radium). Trong viện, ông làm việc chung với một đồng nghiệp tên là Irène, điều chế viên và cũng là con gái của Marie Curie. Cả hai dùng hạt nhân của polonium, một nguyên tử do Marie Curie đã khám phá khi còn trẻ (Xem bài "Chất Phóng Xạ Polonium" đăng trên trạm Vietsciences.org), để nghiên cứu những tia phóng xạ. Hai người thân thiện với nhau và, năm 1926, quyết định cưới nhau. Hai vợ chồng sinh được hai đứa con, cả hai sau này đều là các nhà khoa học lỗi lạc. Jean Frédéric gắn thêm tên Curie vào tên họ của mình và, từ đó, được biết tiếng là Frédéric Joliot-Curie.

Năm 1930, Frédéric trình luận án tiến sĩ và được bổ làm phụ giáo ở Đại học Khoa học Paris rồi, năm 1935, được thăng giáo viên. Irène cũng theo con đường khoa cử như chồng : tiến sĩ năm 1925, nghiên cứu viên của Institut du Radium năm 1932. Hai vợ chồng hợp tác trên những đề tài nghiên cứu như là : kết cấu của nguyên tử, phát hiện neutron, điện tử dương, photon năng lượng cao,...

Cũng như Pierre và Marie Curie, Frédéric và Irène được chung giải thưởng Nobel hóa học năm 1935. Giải này thưởng khám phá phóng xạ nhân tạo của họ.

Năm 1937, Frédéric được bổ làm giáo sư ở Collège de France (trung tâm nghiên cứu quy tụ những nghiên cứu sư kỳ cựu nhất của nước Pháp) và Irène được bổ thay chồng làm giáo sư Đại học Khoa học Paris.

Trào lưu thời đó là tìm kiếm để phát hiện những hạt nhân mới nặng hơn hạt nhân uranium (transuranian, siêu uranium) và những tương tác của chúng với những hạt nhỏ alpha, bêta, electron và neutron.

Cuối năm 1938, Otto Hahn và Lise Meitner khám phá phản ứng phân hạch. Họ nhận thấy khi dùng một neutron để phân hạch hạt nhân uranium thì sinh ra một lượng năng lượng rất lớn so với động năng của neutron dùng để đập vỡ nó. Lise Meitner và Otto Frisch nêu giả thuyết lượng năng lượng đó là năng lượng liên kết (binding energy) những hạt cơ bản cấu tạo hạt nhân uranium.

Đầu năm 1939, mặc dù chưa biết đến giả thuyết Meitner- Frisch, Frédéric Joliot-Curie chứng minh hiện thực những phản ứng phân hạch và năng lượng sinh ra khi phản ứng đó xẩy ra. Ông và học trò của ông, Hans Von Halban và Lew Kowarski, nêu giả thuyết và chứng minh hiện thực dây chuyền phản ứng phân hạch uranium. Ông nhờ một đồng nghiệp, Francis Perrin, tính hộ những điều kiện để chuỗi phản ứng hạt nhân có thể duy trì được.

Nhận thấy tầm quan trọng công nghiệp và quân sự của phản ứng dây chuyền, Joliot-Curie cùng với Von Halban, Kowarski và Perrin, nhân danh CNRS (Caisse Nationale de la Recherche Scientifique, Quỹ Quốc gia Nghiên cứu Khoa học), đăng ký xin cấp bằng sáng chế về những áp dụng phản ứng dây chuyền hạt nhân. Để tránh quốc xã Đức có thể lợi dụng sáng chế để sản xuất vũ khí hạt nhân Frédéric Joliot-Curie yêu cầu CNRS vơ mua tàng trữ tất cả những nguồn uranium và nước nặng có thể mua được trên thế giới.

Nhóm nghiên cứu này làm việc cật lực cho tới vài ngày trước khi Pháp thua trận. Hai tuần trước khi Paris thất thủ, nhóm nghiên cứu vẫn còn đăng ký xin cấp thêm hai bằng sáng chế. Nhưng Bộ Chiến tranh Pháp không cho công bố hồ sơ xin cấp văn bằng để không cho địch biết đến.

Trước bước tiến của quân đội Đức, Frédéric Joliot-Curie tổ chức sơ tán đội nghiên cứu, nhờ học trò ông mang ra nước ngoài những hồ sơ nghiên cứu và vật liệu phóng xạ có thể mang theo được, chôn giấu những vật liệu và thiết bị quá nặng hay quá cồng kềnh. Sau khi lo cho học trò của mình tị nạn sang Anh, ông ở lại Bordeaux chăm sóc Irène đang bị bệnh rồi trở về Paris để bảo vệ nhân viên và thiết bị nghiên cứu vẫn còn bị kẹt ở Collège de France.

Chính quyền quân sự Đức cho phép ông tiếp tục những công trình nghiên cứu không liên quan đến quân khí và ủy nhiệm Wolfgang Gentner theo giõi mọi hoạt động khoa học của ông. Trước chiến tranh, Gentner là một nghiên cứu sinh vật lý sang Pháp thực tập ở Institut du Radium. Vị sĩ quan này kính nể thày cũ Joliot-Curie, giúp thày xin những đặc ân để cho cộng sự viên của thày sống đỡ thiếu thốn và lờ qua những hoạt động kháng chiến kín đáo chống Đức của thày.

Ngày 20 tháng tám 1944, khi nhân dân Paris nổi dậy đánh đuổi quân Đức, Frédéric Joliot-Curie được bổ làm giám đốc CNRS. Ông bắt tay ngay vào việc tổ chức lại cơ quan này, hội tụ học đồng nghiệp và trò cũ của mình và đặt nền móng để hồi phục ngành vật lý hạt nhân cho nước Pháp

 

Bữa tiệc tại Institut du Radium nhân dịp vợ chồng Joliot nhận giải Nobel hóa học năm 1935 ©ACJC


Ủy hội Năng lượng Nguyên tử  CEA năm 1946
Từ trái qua phải, ngồi: : Pierre Auger, Irène Joliot-Curie, Frédéric Joliot-Curie, Francis Perrin, Lew Kowarski ; đứng : Bertrand Goldschmidt, Pierre Biquard, Léon Deniwelle, Jean Langevin. ©ACJC

Ngày 18 tháng mười năm đó, tướng De Gaulle ký sắc lệnh thành lập le Commissariat à l'Energie Atomique (CEA, Ủy hội Năng lượng Nguyên tử). Năm 1946, ông phong Frédéric Joliot-Curie làm Cao ủy Năng lượng Nguyên tử và một số vị khác làm Ủy viên, trong đó có Irène Curie. Cùng lúc, Irène cũng được bổ làm giám đốc Institut du Radium.

Đội khoa học này xây lò phản ứng hạt nhân đầu tiên của nước Pháp gọi là Pile Zoe ((Z: zéro, O: oxyde uranium, E: eau lourde nước nặng. Vào thời đó người ta gọi những bộ phận sinh ra năng lượng hạt nhân là pin nguyên tử). Cùng lúc đó họ xây dựng Trung tâm Nghiên cứu Hạt Nhân Saclay, khởi động dự án xây dựng trường Đaị học Khoa học Orsay và một số trung tâm nghiên cứu khác.

Vì là đảng viên cộng sản, năm 1950, Frédéric Joliot-Curie bị cách chức Cao ủy Năng lượng Nguyên tử. Irène cũng mất chức Ủy viên vài tháng sau. Hai vợ chồng trỏ lại với cái ghế giáo sư của mình: Frédéric ở Collège de France và Irène ở Đại học Khoa học Paris.

Irène tiếp tục vận động xây dựng Trung tâm Vật lý Hạt nhân ở Orsay. Nhưng bà mất năm 1956 trước khi hòan thành dự án đó.

Cùng lúc giữ ghế giáo sư ở Collège de France, Frédéric Joliot-Curie thừa hưởng ghế giáo sư của vợ ở Đại học Khoa học Paris. Ông tiếp tục nghiên cứu, giảng dạy và khai triển dự án Trung tâm Vật lý Hạt nhân Orsay của vợ cho đến năm 1958 thì mất, hượng thọ 58 tuổi.

2. Hoạt động chính trị

Ngoài nghiên cứu khoa học, giòng họ Joliot và Curie cũng có truyền thống đấu tranh cho xã hội chủ nghĩa.

Cha của Frédéric là cựu nghĩa quân Công xã Paris và mẹ là chiến sĩ tranh đấu thiết lập nền cộng hòa dưới triều hoàng đế Napoleon Đệ tam. Bà Marie Curie là một chiến sĩ giải phóng phụ nữ.

Năm 1934, trước nguy cơ phát xít hóa, Frédéric tham gia vào Ủy ban Cảnh giác Những Trí thức Chống Phát xít (Comite de Vigilance des Intellectuels Antifacistes) Cả hai vợ chồng gia nhập Đảng Xã hội Pháp và Hội Nhân quyền.

Theo gương mẹ, Irène tham gia những phong trào giải phóng phụ nữ. Bà là thành viên Ủy ban Trung ương UFF (Union des Femmes Françaises, Liên hiệp Phụ nữ Pháp). Năm 1936, bà nhận làm thứ trưởng phụ trách nghiên cứu khoa học trong chính phủ Mặt trận Bình dân.

Sự tòng quân chính trị đó đã làm gia đình Joliot-Curie gặp nhiều khó khăn trong đời nghề khi Pháp bị quân đội Đức chiếm đóng và sau Đệ nhị Thế chiến.

Trong thời kỳ Pháp bị chiếm đóng, Irène viện cớ bị bệnh không tham gia cộng tác với Đức. Frédéric thì ban ngày tiếp tục nghiên cứu khoa học và ban đêm tham gia hoạt động kháng chiến. Cùng với Wolfgang Gentner, ông dùng uy tín cá nhân để xin trả tự do cho Paul Langevin bị bắt vì hành vi kháng lại chính quyền chiếm đóng. Ông bị bắt thẩm tra nhiều lần, nhưng nhờ Gentner can thiệp, lần nào ông cũng được thả ra. Rút cục, ông gửi vợ và hai đứa con sang ẩn náu bên Thụy Sĩ rồi rút vào hoạt động bí mật với nhóm kháng chiến Front National (Mặt trận Quốc gia) của Đảng Cộng sản Pháp. Nhân dịp đó, ông xin và được kết nạp vào đảng chính trị này.

Trong số quân nhân đầu tiên theo tướng Leclerc vào giải phóng Paris có một số sĩ quan Mỹ đi theo với nhiệm vụ bắt cóc những nhà khoa học Đức vẫn còn có mặt ở Pháp và cướp những tài liệu nghiên cứu. Khi họ phỏng vấn Frédéric Joliot-Curie thì ông trả lời ấm ớ nhất quyết không tố giác đồng nghiệp của mình và không truyền tài liệu nghiên cứu cho họ.

Sau khi Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki thì nhiều người trong giới khoa học thế giới kêu gọi chống vũ khí hạt nhân. Cùng với một số đồng nghiệp, Frédéric Joliot-Curie thành lập Conseil Mondial de la Paix (Hội đồng Hòa bình Thế giới) và giữ chức chủ tịch từ 1949 cho tới 1958, năm ông mất. Ông là trong số những nhà khoa học đầu tiên ký trên Kêu Gọi Stockholm đòi cấm bom nguyên tử (Stockholm Appeal, năm 1950) và Tuyên ngôn Russell Einstein cảnh báo rủi ro của vũ khí hạt nhân và kêu gọi giải quyết hòa bình những tranh chấp quốc tế (Russell–Einstein Manifesto, năm 1955). Cho tới khi ông mất, ông tham gia vào tất cả các Hội nghị Pugwash về Khoa học và các Vấn đề Thế giới (Pugwash Conferences on Science and World Affairs).

Tham gia một đảng chính trị khuynh tả là xu hướng của giới khoa học Pháp. Người thì theo Đảng Xã hội, người theo Đảng Cộng sản. Nhưng phần đông lấy thể đảng viên và trả niên liễm cho có lệ thôi. Chỉ có Frédéric Joliot-Curie là được bầu vào Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Pháp năm 1956 và chủ tọa những phong trào của Đảng đòi hòa bình chống vũ khí hạt nhân.

Ngay sau Đệ nhị Thế chiến, Hoa Kỳ là nước duy nhất có bom nguyên tử và chiến tranh lạnh đã bắt đầu. Thời đó, kêu gọi chống vũ khí hạt nhân là bị Hoa Kỳ coi là thân Liên Sô. Frédéric Joliot-Curie tham gia tất cả những phong trào chống vũ khí đòi hòa bình, lại là đảng viên ở cấp lãnh đạo của Đảng Cộng sản nên bị coi là thù nghịch. Người Mỹ cũng nhớ ông đã không hợp tác trong việc đuỏi truy bắt những nhà khoa học Đức sau Đệ nhị Thế chiến.

Hồi đó Pháp là nước chư hầu của Hoa kỳ nên chính phủ Pháp yêu cầu Frédéric Joliot-Curie rút ra khỏi Đảng Cộng sản. Ông không nhượng bộ và hai vợ chồng bị loại ra khỏi những kế hoạch công nghiệp và quân sự liên quan đến năng lượng hạt nhân.

Hoa Kỳ còn có một lý do khác để loại Frédéric Joliot-Curie. Đó là lý do tài chính.

Theo Công ước Paris về sở hữu công nghiệp thì một bằng sáng chế cho phép người sáng chế độc quyền khai thác sáng chế của mình trong một thời hạn từ 15 đến 20 năm, tùy quốc gia. Ở Pháp, thời hạn đó là 20 năm tính từ ngày đăng ký xin cấp bằng sáng chế. Đội nghiên cứu do Frédéric Joliot-Curie dẫn đầu đã đăng ký những sáng chế trong những năm 1939 và 1940. Vậy, theo luật của Pháp thì CNRS, sở hữu chủ những sáng chế đó, có độc quyền khai thác sáng chế từ 1939/1940 đến 1959/1960. Dựa trên số lò hơi hạt nhân và số bom nguyên tử sản xuất trong hai chục năm đó thì Hoa Kỳ đáng lý ra phải trả cho CNRS một số tiền mua quyền sử dụng sáng chế khổng lồ tính bằng chục tỷ đô-la.

Nhưng, ở Hoa Kỳ, thời hạn độc quyền khai thác 20 năm tính từ ngày công bố sáng chế. Như viết ở trên, đơn xin cấp những bằng sáng chế của đội nghiên cứu Joliot-Curie bị Bộ Chiến tranh Pháp niêm phong, nghĩa là không cho công bố. Dựa vào những lý lẽ đó, Hoa Kỳ không thừa nhận quyền sở hữu công nghiệp của CNRS Pháp.

Để sau này có thể tiếp tục bảo vệ lập trường đó, khi học trò của Frédéric Joliot-Curie chạy sang Mỹ, các nhà khoa học Mỹ phỏng vấn họ về nghiên cứu hạt nhân của Pháp rồi đuổi họ sang Canada. Viện cớ chính phủ Pétain hợp tác với Đức và Frédéric Joliot-Curie vẫn còn ở Pháp, Hoa Kỳ không cho họ tham gia vào Kế hoạch Manhattan nghiên cứu chế tạo bom nguyên tử.

Vào những năm sau Đệ nhị Thế chiến, Pháp hưởng viện trợ ODA của Kế hoạch Marshall (tên chính thức là European Recovery Program, Chương trình Khôi phục Âu châu) lại đang muốn xin Mỹ giúp khí giới để tiếp tục chiến tranh ở Đông Dương nên không dám kiện Hoa Kỳ.

Những tổ chức gia đình Joliot-Curie tham gia hay do Frédéric chủ tọa đã có những tác động tích cực mà mọi người đều biết.

Năm 1920, Nguyễn Ái Quốc theo phe thành lập Đảng Cộng sản vị phe này ủng hộ đòi hỏi độc lập của các nước thuộc địa. Năm 1933, Chi hội Anh của Hội Nhân quyền đã thành công đòi chính quyền Anh trả tự do cho ông khi ông bị bắt ở Hong Kong. Năm 1936, Mặt trận Bình dân đã phóng thích tù nhân chính trị ở Đông Dương. Khi chúng ta kháng chiến chống Pháp Đảng Cộng sản Pháp và Hội đồng Hòa bình Thế giới đã tìm đủ mọi cách để cản trở việc gửi vũ khí va đạn dược sang Đông Dương. Khi chúng ta kháng chiến chống Mỹ thì hai tổ chức này cũng đã vận động ủng hộ chúng ta về chính trị cũng như về vật chất.

Vào thập niên 1930, ý đồ các trí thức khuynh tả Pháp là đào tạo trí thức An Nam (tên họ gọi người Việt hồi đó) để Việt Nam có người lãnh đạo khi Pháp trao trả độc lập.

Khi sinh viên Ngụy Như Kontum hỏi ý kiến Frédéric Joliot-Curie về việc tiếp tục học ở Pháp thì được ông khuyên nên về nước như sau : "nước anh cần tới anh nhiều hơn là nước Pháp" (votre pays aura davantage besoin de vous que la France). Năm 1937, theo lời thày, sinh viên Kontum về nước, tham gia kháng chiến chống Pháp, làm giáo sư vật lý và được bổ làm hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp liên tục từ khi trường được thành lập năm 1956 cho đến 1982, năm cụ về hưu.

Dân tộc ta thường quý trọng những người có tài và có đức. Cụ Hồ Chí Minh gọi là hồng và chuyên. Hai vợ chồng Frédéric và Irène Joliot-Curie rất hồng và rất chuyên.

Chú thích :

Để kiếm tra và bổ túc thông tin chúng tôi đã dùng sách của Pierre Radvanyi : "Les Curie, Pionniers de l'atome", Belin, 2005.

GS Radvanyi là học trò của Frédéric Joliot-Curie.

Về chuyện Frédéric Joliot-Curie khuyên Ngụy Như Kontum về nước chúng tôi đọc trong sách của Trịnh Văn Thảo : "Les compagnons de route de Hô Chi Minh", Karthala, 2004.

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    Đặng Đình Cung