Giai thoại Einstein

Vietsciences- Nguyễn Xuân Xanh      25/06/2007
 

Những bài cùng tác giả

 


  • Einstein đi xuống trong bộ đồ ngủ như thường lệ để ăn sáng, nhưng hầu như không đụng đến cái gì cả. “Em yêu - ông nói - anh có một ý tưởng tuyệt vời”. Sau khi uống cà phê, ông đi đến cây đàn piano và bắt đầu chơi. Thỉnh thoảng ông lại ngừng và ghi chép, rồi lặp lại: “Anh có một ý tưởng tuyệt vời!”. Tôi nói: “Vậy thì hãy kể cho em nghe đi, đừng để em sốt ruột”. Ông nói: “Khó lắm, anh phải triển khai nó cái đã”.
    Ông vẫn tiếp tục đánh piano và ghi chép khoảng nửa giờ, sau đó đi lên lầu vào phòng làm việc, nói với tôi rằng ông không muốn bị quấy rầy và ở đó hai tuần liền. Mỗi ngày tôi dọn thức ăn lên cho ông và buổi tối ông đi dạo để tập thể dục, sau đó trở lên phòng làm việc tiếp. Sau cùng, ông ấy xuống khỏi phòng làm việc, mặt rất tái. “Đây là kết quả”, ông ấy nói, mệt mỏi đặt hai trang giấy trên bàn. Và đó là thuyết tương đối của ông.
    Lời kể của Elsa Einstein (người vợ thứ hai của Einstein), được Charlie Chaplin ghi lại trong nhật ký

 

  • Einstein rất ghét việc chạy theo thi cử và thành tích: “Thời còn đi học của tôi, ngay khi ngày thi được công bố, tôi bị dồn vào một áp lực đến nỗi tôi có cảm giác mình không phải bước vào một kỳ thi mà bước lên một đoạn đầu đài. Trí óc của tôi sau những kỳ thi (cử nhân) hoàn toàn bị tắc nghẽn một thời gian cho hoạt động nghiên cứu và phân tích khoa học. Khả năng trí óc của tôi hoàn toàn bị cạn kiệt bởi phải học thuộc lòng những thông tin vô bổ”.

 

  • Einstein trả lời người bạn của gia đình khi ông này hỏi về sự thông minh: “Tôi không thông minh hơn người thường nào. Tôi đơn giản chỉ tò mò hơn một người trung bình, và tôi không bỏ cuộc trước một vấn đề cho đến khi tôi tìm được giải đáp. Ông có thể xem tôi là kiên nhẫn hơn những người trung bình trong việc theo đuổi các bài toán. Không phải thông minh hơn là quan trọng mà là tò mò hơn và có lẽ kiên nhẫn hơn trong vấn đề tìm giải đáp cho một bài toán. Tôi không có một sức mạnh tư duy đặc biệt mạnh (“cơ bắp não”) nào, dù chỉ trong mức độ khiêm tốn. Nhiều người có thứ đó nhiều hơn nhiều mà không mang lại một cái gì đáng để ngạc nhiên”.

 

  • Einstein đi diễn thuyết khoa học khắp nơi đề làm sứ mạng hòa bình, hòa giải và hợp tác. Với Einstein, chưa bao giờ khoa học được đăng quang lên đỉnh cao, chưa bao giờ chiếm ngự thế giới như thế. Tại Prague, người ta đến nghe chật ních cả phòng họp. Trong buổi tiếp tân đêm đó, sau khi nghe nhiều người phát biểu, đến phiên Einstein thì ông nói :“ có lẽ sẽ dễ chịu và dễ hiểu cho quý vị nếu tôi chơi một bản nhạc trên đàn vĩ cầm thay vì đọc một bài diễn văn”. Thế rồi ông lấy đàn ra và chơi một bản sonate của Mozart một cách say sưa. Ông như muốn trình bày bằng âm thanh tính phức tạp của vũ trụ nhưng lại có thể được diễn tả - qua khả năng trí thức của con người - bằng những công thức đơn giản.

 

  • Sau khi Thế Chiến thứ hai chấm dứt, các Hàn Lâm Viện khoa học của Đức lần lượt viết thư mời Einstein trở về làm thành viên nhưng ông đã cương quyết từ chối. Trả lời Hàn Lâm Viện của Phổ, Einstein viết : “Sau tất cả những gì khủng khiếp đã xảy ra, tôi thấy mình không thể nào nhận lời mời của Hàn Lâm Viện Đức được nữa ” . Trả lời thư của Sommerfeld, thay mặt Hàn Lâm Viện Bayern, Eisntein đã viết như sau : “Sau khi người Đức đã giết hại những người anh em Do Thái của tôi, tôi không muốn dính dáng gì nữa với người Đức, cũng không dính dáng đến viện hàn lâm tương đối vô hại. Trừ với vài người riêng lẻ, những người trong khả năng của mình đã vẫn kiên gan. Tôi vui mừng được biết rằng ông thuộc về những người như thế ”. Trả lời thư mời của Otto Hahn, chủ tịch Trung Tâm Max Planck, Einstein viết : “Những tội ác của người Đức quả là cái kinh tởm nhất mà lịch sử các quốc gia được gọi là văn minh có được. Thái độ của những người trí thức Đức – xét như một giai cấp – không khá hơn thái độ của dân đen”.

 

  • Trong những ngày cuối cùng của đời mình, Einstein đã từ chối nhận thuốc giảm đau, cũng như dự tính đưa ông lên bàn mổ lần nữa. Ông muốn ra đi trong sự thanh thản bình yên và chờ đợi cái chết của mình như một hiện tượng tự nhiên. “Tôi sẽ ra đi khi tôi muốn, một cách đường hoàng”. Ông còn viết : “cuộc đời là một vở kịch gây xúc cảm và tuyệt vời. Tôi thích nó. Nếu tôi biết rằng tôi sẽ chết trong 3 giờ, điều đó sẽ ảnh hưởng rất ít ỏi lên tôi. Tôi sẽ suy nghĩ có thể sử dụng 3 giờ này như thế nào tốt nhất. Sau đó tôi sẽ sắp xếp giấy tờ của tôi lại thứ tự, rồi yên tĩnh nằm xuống chờ chết”.

 
  • Sau khi Einstein mất, một ngày kia, con gái nuôi của ông là Margot ra đường gặp một người da đen. Người này nhận ra bà là con gái của Einstein bèn đến chia buồn và kính cẩn nói :“Einstein là người da trắng duy nhất khi gặp chúng tôi ngả mũ chào”.

Trích từ quyển sách  “Einstein” của Nguyễn xuân Xanh
 

© http://vietsciences.org   và  http://vietsciences.free.fr  Nguyễn Xuân Xanh