Einstein - Một công trình biên khảo công phu

Vietsciences- Hồng Lê Thọ     25/06/2007
 

Những bài cùng tác giả

Cầm trong tay cuốn sách viết về Einstein của Nguyễn Xuân Xanh* còn nóng hổi mà lòng bồi hồi khôn xiết. Nhớ lại gần 40 năm trước, thời còn là sinh viên năm thứ hai đại học, khi vừa mới bắt đầu những bài học về cơ học lượng tử với biết bao hào hứng.

Đó cũng là lần đầu tiên gặp gỡ những bài giảng về thuyết tương đối của nhà bác học lừng danh này qua một tác giả người Pháp tìm được ở một cửa hàng bán sách cũ tại phố Kanda (Tokyo). Thời bấy giờ giới sinh viên ngành khoa học tự nhiên ở Nhật Bản lấy sách viết về Einstein làm “gối đầu giường”, đua nhau thi vào các đại học có bộ môn vật lý hạt nhân, một ngành học khá nổi bật tại Nhật Bản, được đánh dấu bằng hai giải Nobel về vật lý mà Yukawa Hideki (năm 1949) và Tomonaga Shinichiro (năm 1965) mang lại!

Được biết Nguyễn Xuân Xanh đã mất ba năm trời ròng rã để biên soạn cuốn sách về nhà bác học Einstein, về cuộc đời không kém gian truân và sự nghiệp nghiên cứu lẫy lừng. Người cha đẻ của ngành vật lý hạt nhân với sự xuất hiện của thuyết tương đối và cơ học lượng tử, một thành quả nghiên cứu khoa học đã làm đảo lộn từ gốc rễ cách nhìn về thế giới mà ta có thể thấy được cũng như trong không gian, thế giới không thể khảo sát bằng mắt thường.

Vùng vẫy thoát khỏi những định đề của vật lý kinh điển để vươn tới quy luật vận động của vật chất trong không gian bốn chiều (theo thuyết tương đối rộng), Einstein đã giúp cho loài người bước chân vào vũ trụ một cách dễ dàng, chính xác đến mức tuyệt đối dựa trên thuyết tương đối cực kỳ vĩ đại.

Để kỷ niệm 100 năm ngày công bố kết quả nghiên cứu đầu tiên (1905) của Einstein, năm 2005, các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới đã tổng kết và đánh giá những thành tựu mà loài người đã vận dụng lý thuyết của ông để xây dựng thành một nền khoa học hiện đại phát triển rực rỡ của thế kỷ thứ 20.

Trong đó Nguyễn Xuân Xanh cũng đã góp mặt với tác phẩm biên khảo là công trình sưu tập công phu, ngồn ngộn tư liệu quý báu, nguyên bản mà không dễ gì ai cũng có thể tiếp cận được, qua đó góp phần “giải mã” những bí ẩn chung quanh lời đồn - cho rằng ông là một con người “gàn dở” hay “lập dị” - không đúng về nhà bác học này nếu không nói là chứng minh ngược lại. Chúng ta có thể đồng tình với nhận xét của TS Lê Đăng Doanh, rằng “cuốn sách Einstein là cuốn sách hay nhất, được biên soạn công phu nhất và đa dạng về nhà bác học thiên tài, dũng cảm của nhân loại Albert Einstein mà tôi được đọc bằng tiếng Việt”.

Không những kiến thức cơ bản về cơ học lượng tử, chứng minh chuyển động lưỡng tính - vừa dạng hạt vừa dạng sóng - của ánh sáng với tốc độ cực nhanh tạo ra sự khúc xạ kỳ diệu đầy sắc màu dưới năng lượng của mặt trời… được Nguyễn Xuân Xanh viết lại một cách dễ hiểu và đầy đủ cùng với những tư duy, chiêm nghiệm mang tính triết học của Albert Einstein được tác giả trích dẫn, tóm tắt một cách tài tình trong khi bản thân của những phát biểu của Einstein hay những nhà khoa học bình luận về ông không hề dễ hiểu chút nào.

Qua đó Nguyễn Xuân Xanh đã nêu bật được tính nhân văn sâu sắc một cách có hệ thống (qua những câu nói mang tính bất hủ của Einstein) cho thấy nhà bác học đã thoát khỏi mọi ràng buộc bởi những định kiến sẵn có của xã hội đương thời hay những định đề cổ điển trong khoa học vì quan niệm rằng chính nó luôn cản trở, hạn chế tầm nhìn và phát minh sáng tạo trong khi nghiên cứu. Nói khác đi, sự tiếp cận của Einstein luôn bắt đầu bằng một “dấu hỏi”, tự đặt mình trước những “vấn nạn” để tìm lời giải khoa học và hợp lý nhất mặc dù những “thắc mắc” của Einstein đều là những vấn đề “hóc búa” hay xem như “đã được tiền nhân giải quyết” xong rồi!

Đọc Einstein của Nguyễn Xuân Xanh, chúng ta như được gợi ý về phương pháp tư duy mạnh mẽ và dũng cảm, nhìn sự vật và sự việc năng động, luôn linh hoạt và ứng biến. Phải chăng đó cũng là luồng tư tưởng chủ đạo của những nhà khoa học, triết học, kinh tế, hội họa… tiến bộ của xã hội châu Âu trong cuộc cách mạng kỹ nghệ như vũ bão bắt đầu từ thế kỷ 18 kéo dài sang thế kỷ 20 trong đó có sự ra đời của chủ nghĩa Mác với thuyết biện chứng giữa các mặt đối lập trong một thể thống nhất? Tác động qua lại (của các mặt đối lập) là động cơ thúc đẩy sự tiến hóa không ngừng của vật chất mà những phát hiện của Einstein là đỉnh cao trong khoa học như một Picasso trong hội họa.

Bức tranh mô tả khá toàn diện về nhà thiên tài này đã góp phần làm sáng tỏ những luận điểm thời đại về mọi khía cạnh giáo dục, văn hóa, hòa bình… mà ông đã khởi xướng cũng như cho người đọc thấy được “cá tính” độc đáo tiềm ẩn trong con người Einstein. Như GS Hoàng Tụy nhận xét “Đọc cuốn sách hấp dẫn và đầy suy tư này, tôi càng thấy thấm thía vì sao Einstein đã đi đến kết luận: Trí tưởng tượng quan trọng hơn trí thức… rất mong các bạn trẻ tìm đọc cuốn sách này để giúp mình xác định hướng học tập, rèn luyện và tham gia nghiên cứu sáng tạo…” vì phương pháp tư duy của Einstein chắc chắn sẽ giúp cho giới trẻ khơi dậy được sức bật vốn có của mình.

Phải chăng nhà “Einstein học” Nguyễn Xuân Xanh cũng đã gửi gắm như vậy trong khi biên soạn tư liệu về Einstein?
---------------------
* “Einstein” - NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2-2007. Nguyễn Xuân Xanh sinh năm 1942, du học năm 1966 tại CHLB Đức, tiến sĩ ngành toán xác suất.

SGGP

HỒNG LÊ THỌ

 http://vietsciences.org   và  http://vietsciences.free.fr