Triết học và tâm linh của nhà bác học kỳ tài Einstein 

Vietsciences- Nguyễn Thế Tài      25/06/2007
 

Những bài cùng tác giả

Einstein là một nhà bác học kỳ tài, có một sức sáng tạo vô cùng mãnh liệt. Nhờ vào óc suy luận và  tưởng tượng phong phú, và chỉ nhờ vào đó, ông đã tìm ra nền tảng của thuyết Tương Đối, một trong những thuyết vật lý cách mạng của nền khoa học hiện đại.

Nhưng, ngoài thiên tài khoa học, ông còn là một người có lý tưởng nhân bản, thiết tha với cuộc sống của nhân loại. Ông không phải là nhà khoa học chỉ biết vùi đầu trong lý thuyết hay trong phòng thí nghiệm và quên hết mọi chuyện chung quanh, đôi khi còn không biết là những gì mình sáng chế đang tàn sát đồng loại bên ngoài. Đối với ông, con người không thể sống tách rời xã hội, con người sống được là do xã hội và vì thế, phải có trách nhiệm đối với nó.  

Ông dấn thân tranh đấu cho hòa bình và hạnh phúc nhân loại. Với tư tưởng hướng thượng, ông không ngừng kêu gọi lương tri và trách nhiệm con người trong cộng đồng, xã hội để thế giới ngày càng thăng tiến.  

‘‘Hoàn cảnh của chúng ta rất đặc biệt, hỡi những người con của Trái Ðất ! Chúng ta chỉ ghé qua đây. Chúng ta không biết tại sao chúng ta có mặt tại đây, dù là đôi lúc, chúng ta tưởng là chúng ta hiểu được. Nhưng, qua cuộc sống mỗi ngày, không cần phải suy nghĩ nhiều, chúng ta biết được một điều : chúng ta có mặt là cho kẻ khác :  trước hết, cho những người mà nụ cười và sức khỏe là điều kiện tạo ra hạnh phúc cho chính chúng ta, và sau đó là biết bao những người vô danh khác mà số phận gắn liền với chúng ta qua một liên hệ thiện cảm nào đó. Mỗi ngày, không biết bao nhiêu lần, tôi hiểu được rằng cuộc sống xã hội và cuộc sống riêng tư của tôi có được là do công lao của những người hôm nay và những người đã khuất, và từ đó, tôi tự nhủ, phải cố gắng làm sao trả lại, tương xứng với những gì tôi đã nhận và sẽ còn tiếp tục nhận .... 

(Albert Einstein – Entre science et engagements –ULB-VUB Bruxelles) 

Qua những hành động đó, chắc chắn, Einstein không thể là một người phi đạo đức, vô luân lý.  

Dĩ nhiên, trong suốt cuộc đời suy luận và sáng tạo của ông, giống đa số các nhà bác học khác, ông thường xuyên đặt nhiều câu hỏi liên quan đến tâm linh, đến Thượng Đế, đến một đấng sáng tạo. 

Đối với Einstein, cái mà ông thường gọi là “tôn giáo tính” của ông, đặt căn bản trên những nhận thức về vũ trụ. Đứng trước những bí ẩn hài hòa và tuyệt vời của nó, ông không ngừng chiêm ngưỡng và sau đó cố gắng tìm hiểu để lĩnh hội những bí ẩn đó. Ta có thể gọi thứ ‘‘tôn giáo tính’’ đó như là một ‘‘đạo vũ trụ’’. 

“Tôi hiểu được rằng, sau cái thế giới mà chúng ta biết được, còn ẩn giấu một cái gì vượt khỏi tri thức của chúng ta. Một cái gì đó, mà vẻ đẹp và sự vượt trội chỉ đến với chúng ta một cách phảng phất, như một ánh sáng hiu hắt. Trong ý nghĩa đó, tôi là một người có tôn giáo. Tôi cố mường tượng  những bí ẩn mà tôi chiêm ngưỡng và bằng tri thức hạn hẹp, tôi cố thu nạp và tìm hiểu chút ánh sáng phản chiếu từ sự cấu tạo tuyệt vời của cái Hiện Thể”.   

(Qui était Albert Einstein – 1930) 

Đó là một niềm tin tâm linh mãnh liệt, mà theo ông, sẽ đem đến sự giải thoát cho con người : chính vì ý thức được sự nhỏ bé của mình trước những tuyệt vời của vũ trụ, và qua nỗi khát khao tìm kiếm những câu trả lời cho những bí ẩn đó, con người sẽ lĩnh hội sâu xa tất cả những Chân, Thiện, Mỹ.  

“Nhà bác học, sau khi đã chiêm nghiệm quy luật nhân-quả khoa học, sẽ cố gắng tìm hiểu những sự kiện thuộc tương lai và quá khứ. Tôn giáo tính của ông sẽ khiến ông ngạc nhiên, chiêm ngưỡng những nét hài hòa tuyệt vời của vũ trụ, và trước những quy luật thông minh tuyệt vời đó, ông  hiểu  rằng bao nhiêu trí óc và tài năng của cả nhân loại chỉ là một sự nực cười  vô nghĩa. Hiểu được điều đó, ông sẽ định cho mình một lối sống can đảm và hướng thượng, vượt lên trên những dục vọng ích kỷ. Hiển nhiên, tinh thần đó giống với tinh thần sáng tạo tôn giáo của mọi thế hệ”. (Comment je vois le monde) 

Thiên đường của ông là một thiên đường không mang tính chất thần linh, một thiên đường không giống thiên đường tôn giáo với những hứa hẹn cứu rỗi, nhưng cũng mang đến một sự giải thoát nội tại.  

“Ngoài kia, là cả một thế giới bao la, hoàn toàn độc lập với con người, đang sừng sững hiện ra trước mặt. Nó như một bí ẩn, vĩ đại và vĩnh cữu, nhưng phần nào vói tới được qua sự cảm nhận và  suy nghĩ của chúng ta. Chiêm ngưỡng thế giới đó, là một hứa hẹn đưa chúng ta đến giải thoát, và chẳng mấy chốc, tôi hiểu được rằng, tất cả những người mà tôi hằng ngưỡng mộ và kính phục đều là những người đã bỏ công làm chuyện đó và họ đã tìm ra sự tự do nội tại và niềm tin xác thực. Trong khuôn khổ những giới hạn của chúng ta, tôi nghĩ rằng, mục đích siêu việt  mà chúng ta phải đạt tới là làm sao dùng trí tuệ để lĩnh hội được cái thế giới ngoại lai đó, cách biệt hoàn toàn với con người. Những người hôm qua và hôm nay, cùng chia sẻ tư tưởng trên và qua đó, đã gặt hái được biết bao kiến thức, đều là những người bạn không bao giờ mất của tôi. Con đường dẫn đến thiên đường đó không dễ dàng cũng như không quyến rũ như thiên đường tôn giáo, tuy nhiên, tôi tin là nó an toàn và tôi không bao giờ hối tiếc đã lựa chọn nó”.  (Notes autobiographiques, 1949) 

Trong việc chiêm ngưỡng, tìm hiểu và lĩnh hội những bí ẩn tuyệt vời của vũ trụ, con người phải biết vượt thoát cái “tôi”, vượt thoát những ảo tưởng gây ra bởi những thành kiến và cố chấp, để hướng cái nhìn và tư tưởng của mình đến những chân trời mới lạ. Chỉ trong điều kiện đó, nghiên cứu vũ trụ mới thật sự đem đến cho con người một ý nghĩa khai phóng và giải thoát.

"Nhân loại là một phần của cái mà ta gọi là vũ trụ, cái phần hữu hạn bởi thời gian và không gian. Chúng ta tự cho rằng con người của chúng ta, những tư tưởng và cảm xúc của chúng ta  như là những gì tách rời với thế giới còn lại. Đây là một ý thức ảo tưởng. Sự ảo tưởng này giống như một thứ ngục tù, thu hẹp chúng ta vào những khát vọng cá nhân và quyến luyến của một vài người lân cận. Chúng ta phải phá bỏ những xiềng xích đó bằng cách mở rộng vòng tay nhân ái đến tất cả chúng sinh và vạn vật tuyệt vời. Giá trị thật sự của con người được xác định qua kích thước và cảm nhận có được từ sự giải thoát của cái « tôi»”.

(http://www.spaceandmotion.com/Albert-Einstein-Quotes.htm
 

Dĩ nhiên, trong suốt cuộc đời suy luận và sáng tạo của ông, như đa số các nhà bác học khác, Einstein thường xuyên chung đụng với những câu hỏi liên quan đến tôn giáo, đến Thượng Đế. 

Einstein có cái nhìn tiêu cực và đôi lúc khắt khe về tôn giáo. Theo ông, tôn giáo và giới cầm quyền thường kết hợp với nhau để củng cố quyền lợi và quyền lực.  

"Trước hết, tôn giáo phát nguồn từ sự lo sợ. Thường khi, một lãnh tụ, một quốc vương, hay một giai cấp đặc quyền, tùy theo sức mạnh và với ý định bảo vệ quyền lực nhất thời, sẽ tự khoác cho mình chức năng tôn giáo. Hoặc là, giai cấp lãnh đạo chính trị và giai cấp tôn giáo kết hợp với nhau vì quyền lợi chung”.  (Comment je vois le monde)  

Sau đó, do nhu cầu xã hội, và do tinh thần yếu đuối của con người, giai cấp lãnh đạo lại tạo ra khái niệm về một Thượng Đế có quyền thưởng phạt, cứu rỗi và phán xét.   

Ông cũng không tin vào một Thượng Đế được nhân cách hóa bởi con người, như một thần linh, đứng ngoài vũ trụ, có quyền năng phán xét và can thiệp vào những quy luật tự nhiên hay có thể thay đổi sự vận hành khách quan của vũ trụ. Ông cũng không tin vào một Thượng Đế do con người tạo dựng, có quyền năng thưởng phạt, ban phúc hay giáng họa và ảnh hưởng lên hành vi con người.  

Năm 1936, một học sinh lớp 6 trung học gửi thư hỏi Einstein rằng các nhà khoa học có cầu nguyện không và nếu có thì họ cầu nguyện điều gì. Einstein trả lời như sau :

"Tôi sẽ cố trả lời câu hỏi của em một cách dễ hiểu nhất mà tôi có thể làm được. Việc nghiên cứu khoa học dựa trên tư tưởng cho rằng tất cả mọi sự việc xảy ra đều  được quyết định bởi những quy luật tự nhiên, và do đó điều này cũng áp dụng cho mọi hoạt động của con người. Vì lẽ đó, một nhà nghiên cứu khoa học khó có khuynh hướng tin rằng những sự kiện đó lại có thể bị ảnh hưởng bởi một lời cầu nguyện, nghĩa là, một điều mong ước được khấn với một thực thể siêu nhiên”. (http://www.geocities.com/HotSprings/6072/1einstein.html)

"Tôi không thể tưởng tượng một Thượng Đế khen thưởng hay trừng phạt những vật do chính đấng đó tạo ra. Tôi không thể tạo ra trong tôi hình ảnh một Thượng Đế thể hiện ý muốn của mình qua những việc làm của tôi”. (Comment je vois le monde - Einstein)  

Ngược lại, theo ông, Thượng Đế chính là vũ trụ, chứa đựng biết bao bí ẩn mà tri thức hạn hẹp con người luôn luôn khát khao tìm hiểu, đồng thời còn được thể hiện qua những nét hài hòa tuyệt vời mà con người phải biết cảm nhận và chiêm ngưỡng. Theo quan niệm đó, ông đồng ý với Spinoza. 

“Tôi tin vào Thượng Đế của Spinoza, thể hiện qua  giai điệu hài hòa trong vũ trụ, chứ không phải một Thượng Đế quan tâm đến số phận và những hành vi của con người”.

(http://fr.wikipedia.org/wiki/Panth%C3%A9isme

Năm 1929, ông viết như sau :  

‘‘Tất cả đều được định trước, từ khởi đầu cũng như kết thúc, bởi những lực mà chúng ta không làm chủ được. Điều đó đúng cho côn trùng, cũng như cho những tinh tú. Con người, cây cỏ hay bụi của vũ trụ, tất cả đều nhảy múa theo một vũ điệu định sẵn, do một ai đó vô hình điều khiển từ xa xăm’’. (Qui était Albert Einstein)  

Một lần khác, ông diễn tả như sau :  

‘‘Tư tưởng con người không đủ sức hiểu được vũ trụ. Chúng ta giống như đứa bé trong một thư viện vĩ đại, chứa rất nhiều sách, chất đầy trên tường, đến tận trần nhà, viết trong nhiều ngôn ngữ khác nhau. Đứa bé cảm nhận là phải có ai đó đã viết ra những sách đó. Nó không biết tác giả là ai, và làm sao đã viết ra được. Nó không hiểu ngôn ngữ trong những sách đó. Nhưng nó nhận thấy chúng được sắp xếp theo một thứ tự chính xác. Đúng là một sự sắp xếp huyền nhiệm mà nó không hiểu được nhưng nó cảm nhận một cách mơ hồ’’.

(http://www.rebelle.net/penser/einstein.htm)

Qua những nhận xét trên, phải chăng Einstein tin vào một đấng sáng tạo, hay đúng hơn, một nguyên lý sáng tạo vô cùng mầu nhiệm, mà con người luôn luôn khát khao tìm hiểu, bởi vì, nếu không, làm sao vũ trụ có thể tuyệt vời và hoàn hảo khi chỉ sinh ra từ vật chất vô tri và vô nghĩa ? 

Đó phải chăng là Thượng Đế của ông ? 

Do đó, khi bàn luận chủ đề tâm linh này trong tư tưởng Einstein, có lẽ điều đầu tiên và thiết thực mà chúng ta phải làm là tìm hiểu định nghĩa ‘‘Thượng Đế’’ của ông để so sánh với các tôn giáo khác.   

‘‘Hãy cho tôi định nghĩa của bạn về Thượng Đế, tôi sẽ nói với bạn  là tôi tin hay không’’.  

Chính vì có quan niệm không chấp nhận một Thượng Đế được nhân cách hóa, có quyền năng thần linh, tạo ra muôn loài, ảnh hưởng lên mọi vật, nên khi tìm hiểu về Phật Giáo, Einstein đã tìm thấy nhiều điểm thích hợp với mình.  

Thật vậy,  Phật Giáo không nói đến một đấng sáng tạo đã dựng nên vũ trụ. Hai tư tưởng quan trọng của tôn giáo này là giải thích nguyên nhân của sự khổ và quan niệm giác ngộ, niết bàn. Ngoài ra, những khái niệm về không gian, về thời gian, sự vô thường, về tính « Không » qua câu Bát Nhã Tâm Kinh ‘‘sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc’’ có rất nhiều điểm tương đồng với những thuyết vật lý cận đại. 

Đức Phật đã chẳng một lần nói rằng : ‘‘thời gian ngài giảng một bài kinh trên thế gian thì hàng ngàn năm đã trôi qua nơi một thế giới khác’’ và hình ảnh này phải chăng chính là thuyết Tương Đối của Einstein đề ra gần 2500 năm sau đó ?  

Thiện cảm của Einstein, dù rằng chưa bao giờ ông tự nhận mình là người có tư tưởng Phật Giáo, đã được nêu lên trong bài viết ngày 09/11/1930 trên báo New York Times với đề tài ‘‘ Khoa học và tôn giáo’’ : 

"Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ, vượt lên trên ý niệm Thượng Đế nhân cách hóa, và thoát ra khỏi giáo điều, thần học. Tôn giáo này bao quát hai  phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt căn bản trên ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm của mọi vật, tự nhiên, siêu nhiên để tổng hợp thành một nhất thể trọn vẹn ý nghĩa. Phật giáo thỏa được những điều kiện đó. Nếu có một tôn giáo nào đáp ứng được những nhu cầu của khoa học cận đại, thì đó chính là Phật Giáo". 

Bàn về mối tương quan giữa khoa học và Phật Giáo, Einstein đã viết :  

"Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để đi theo xu hướng của khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học". 

Chúng ta ghi nhận là càng ngày càng thấy nhiều nhà khoa học quan tâm đến Phật Giáo nói riêng, và những tôn giáo, triết học Đông Phương nói chung. Một trong những lý do giải thích sự kiện này là họ cố gắng tìm câu trả lời cho những bài toán tâm linh gặp phải ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời nghiên cứu khoa học của họ, đúng như Einstein đã nói :   

"Khoa học thiếu tôn giáo sẽ khập khiễng. Tôn giáo thiếu khoa học thì mù quáng".  

Thêm một điều nữa : nếu Einstein đã nhiều lần bày tỏ thiện cảm và sự đồng ý của mình đối với những quan niệm về đấng sáng tạo, về tương quan giữa tôn giáo và khoa học trong Phật Giáo, thì mặt khác, chúng ta không biết ông nghĩ gì về những quan niệm khác như niết bàn, diệt khổ, nghiệp quả hay luân hồi.  

Một câu hỏi thường được đặt ra cho những nhà khoa học : thái độ của họ trước tuổi già, trước cái chết và sự  bất tử” ?

Năm 1953, trong một bức thư viết cho hoàng hậu Elisabeth, vương quốc Bỉ, ông viết : 

“Khi già, con người như bị đưa đẩy đến vô cực, ít nhiều sống trong cô đơn. Ta không còn hy vọng, không còn sợ sệt, và chỉ thản nhiên quan sát… Khi còn trẻ, ta có ý nghĩ là mỗi cá nhân, mỗi sự kiện đều độc nhất trong bản chất của nó. Nhưng với tuổi đời, ta thấy là  nhiều sự kiện được lập đi lập lại. Khi về già, ta sẽ bớt  kích động, bớt ngạc nhiên nhưng đồng thời cũng bớt “vỡ mộng” như khi còn trẻ. Ta trở thành một người quan sát đầy khoan dung và  an ủi”.       

Đầu năm 1955, sau khi thoát khỏi cơn bệnh nặng, Einstein có những thao thức và băn khoăn trước cái chết. Vào thời điểm này, ông thất vọng nhiều trước những biến chuyển chính trị trên thế giới, cộng thêm sức khỏe suy giảm, và về phương diện khoa học, ông vẫn còn thao thức vì chưa tìm ra lý thuyết «trường thống nhất»  mà ông hằng ao ước. 

“Cái chết đối với tôi là một món nợ lâu đời mà sau cùng hết chúng ta phải trả. Dù thế, theo bản năng, chúng ta luôn luôn làm đủ mọi cách để trì hoãn việc trả nợ đó. Đó là trò chơi mà thiên nhiên bày ra với chúng ta. Chúng ta có thể mỉm cười trước sự kiện đó nhưng không bao giờ chúng ta có thể thoát khỏi những bản năng có sẵn trong người”.   

Ông cho rằng cái chết là một trạng thái an toàn nhất của con người :  

“Sợ chết khi nghĩ đến cuối của đời của mình, là một điều thông thường nơi con người. Đó là một trong những phương tiện được thiên nhiên sử dụng để bảo tồn nòi giống. Nhưng nhìn vấn đề dưới khía cạnh thuần lý, đó là một nỗi lo sợ khó biện minh nhất, bởi vì sẽ không có tai nạn rủi ro nào có thể xảy đến cho một người chết. Tóm lại, đó là một lo sợ vô lý nhưng chúng ta không tránh khỏi”.

(Albert Einstein - Entre science et engagements)

Einstein không tin vào thuyết linh hồn bất tử sau cái chết. 

“Sự bất tử ư? Có hai loại. Loại thứ nhất nằm trong trí tưởng tượng của con người và do vậy chỉ là ảo tưởng. Có một sự bất tử tương đối, đó là sự duy trì hình ảnh của một người trong ký ức của một số thế hệ. Nhưng chỉ có một sự bất tử chân chính duy nhất, trên phạm vi vũ trụ, đó là sự bất tử của chính vũ trụ. Không có sự bất tử nào khác”.  (http://www.positiveatheism.org/hist/quotes/einstein.htm)

Tháng 03 năm 1955, khi bạn ông, Michele Besso qua đời, Einstein đã viết : “Besso từ giã cuộc đời này trước tôi. Điều đó không có gì quan trọng. Đối với những người nghiên cứu vật lý như chúng tôi, sự phân biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, chỉ là ảo tưởng, dù là ảo tưởng đó vô cùng dai dẳng, ray rứt, khó dứt bỏ được”.

(http://nv2r.club.fr/philosophie/Prigogine/prigogine-temps3.htm

Một tháng sau, đến phiên ông lìa đời. Những ngày cuối cùng, ông nói : “tôi đã làm xong việc của tôi trên Quả Đất”. 

Theo di chúc, ông muốn được hỏa thiêu và rải tro ở một nơi nào đó, hoàn toàn bí mật, vì ông không muốn có bia mộ để đời sau tôn vinh.  

Mấy ai làm được chuyện đó như ông, một người đã từng nổi tiếng và vinh quang khi còn sống, nhưng lúc chết, lại chọn trở về với vô danh cát bụi ?   

(Trích từ quyển « Albert Einstein, nhà bác học đam mê và chân thật », Bruxelles tháng 01-2007 của Nguyễn Thế Tài) 


 

© http://vietsciences.org   và  http://vietsciences.free.fr  Nguyễn thế Tài