Robert S. McNamara

Vietsciences- Nguyễn Trường      31/07/2009
                               

Danh vọng, tội lỗi, sám hối - Cuộc đời của Robert S. McNamara

Robert McNamara, nhà phân tích hệ thống và bộ trưởng quốc phòng, đã từ trần hôm 6-7-2009 tại Hoa Thịnh Đốn, ở tuổi 93.

CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP

 

Robert Strange McNamara - Strange là tên mẹ khi còn độc thân - sinh ngày 9-6-1916, ở San Francisco, con của ông bà Robert và Clara Nell McNamara.

Năm 1937, McNamara tốt nghiệp  cử nhân kinh tế, hạng danh dự, tại University of California, Berkeley, nơi ông còn học cả triết lý. Sau hai năm học ở Harvard Business School, ông làm việc một năm với Price, Waterhouse & Company, một công ty kế toán. Ông trở về Harvard năm 1940 với chức vụ phó giáo sư quản trị kinh doanh.

Cùng năm, ông thành lập gia đình với người tình thời sinh viên, Margaret Craig. Bà Craig là người sáng lập chương trình Reading Is Fundamental (Đọc Là Căn Bản) cho trẻ em, trong thời McNamara làm bộ trưởng quốc phòng. Vào thời điểm bà mất năm 1981, chương trình đã phục vụ trên 3 triệu trẻ em.

McNamara đến Hà Nội năm 1995 để gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ông tục huyền với Diana Masieri Byfield năm 2004 ở San Francisco. Ngoài vợ, ông còn để lại con trai, Robert Craig, ở Winters, California; hai con gái, Margaret Elizabeth Pastor và Kathleen McNamara, cả hai đang ở Washington, và sáu cháu.

Trong Thế Chiến II, McNamara dạy phương pháp thống kê cho các sĩ quan trẻ không quân, nhằm điều hợp chiến tranh trên không ở Âu châu, như tính xem bao nhiêu phi cơ có thể cất cánh mỗi ngày trên các chiến trường. Ông đang phục vụ ở Anh, rồi Ấn Độ, với cấp bậc trung tá, khi chiến tranh chấm dứt năm 1945.

Sau chiến tranh, cả hai vợ chồng đều bị polio. Ông phải nằm viện vài tháng, vợ ông, nặng hơn, phải chữa trị mất 9 tháng. Với đồng lương dạy học ở Harvard không đủ trả bệnh viện phí, ông phải nhận làm việc cho Ford Motor Company. Ông và chín nhân viên chuyên về thống kê không chiến, tất cả đều dưới tuổi 30, đã được Henry Ford II tuyển dụng và trao trách nhiệm tổ chức lại công ty đang bị quản lý lệch lạc. McNamara muốn có những cộng sự viên trẻ như  ông, vì nhân viên công ty toàn là những vị quản lý tuổi đã già thuộc bậc cha, ông.

Trong vòng tám tháng sau ngày ông nhận việc, Công ty bị thua lỗ 85 triệu, tương đương với khoảng 925 triệu hiện nay. Nhưng McNamara và đội ngũ trẻ tuổi của ông đã đảo ngược được tình thế. Ông thăng tiến rất nhanh - kế toán trưởng, tổng quản lý, rồi phó chủ tịch phụ trách tất cả các cơ xưởng sản xuất xe du lịch và xe vận tải.

Tháng 11-1960, một ngày sau khi Kennedy đắc cử, McNamara được đưa lên làm chủ tịch công ty, nhân vật số hai sau Ford đang giữ chức chủ tịch tổng quản trị. Năm tuần lễ sau, ông được mời làm bộ trưởng quốc phòng.

McNamara, một bộ trưởng quốc phòng trí thức và quyết đoán, đã đưa Hoa Kỳ vào vũng lầy Việt Nam và đã sống những năm tháng cuối đời, ám ảnh bởi những hậu quả tinh thần và đạo đức của cuộc chiến.

Ông cũng là vị bộ trưởng quốc phòng nhiều quyền lực nhất trong thế kỷ 20. Phục vụ dưới thời hai tổng thống John F. Kennedy và Lyndon B. Johnson từ 1961 đến 1968, McNamara đã điều hợp  hàng trăm phái bộ quân sự, hàng nghìn khí giới nguyên tử, hàng tỉ USD chi tiêu quốc phòng và bán vũ khí cho nước ngoài. Ông cũng mở rộng và tăng cường vai trò bộ trưởng quốc phòng,  xử lý ngoại giao, và điều động quân đội xuống miền Nam nước Mỹ thực thi các quyền dân sự.

Theo lời T T Johnson, không ai có sức chịu đựng như McNamara. Ông luôn làm việc  hăng say và quá hoàn hảo.

Ngay từ tháng 4- 1964, Nghị sĩ Wayne Morse, dân chủ bang Oregon, đã gọi Việt Nam là "Cuộc Chiến McNamara". McNamara đã không phản đối. Ông nói, tôi rất vui  khi được đồng hóa với cuộc chiến và sẽ làm tất cả những gì có thể để chiến thắng[1].

Nửa triệu lính Mỹ đã được ông gửi ra chiến trường dưới thời ông làm bộ trưởng quốc phòng. Hơn 16.000 thương vong; 42.000 gục ngã trong vòng 7 năm sau đó.

Cuộc chiến đã trở thành một ác mộng đối với cá nhân ông. Không có gì ông làm, phương tiện gì ông sử dụng - sức mạnh của vũ khí, của kỷ thuật, của lý luận khoa học, của binh sĩ - có thể chận đứng quân Bắc Việt và đồng minh Việt Cộng của họ ở miền Nam. Ngay trước khi rời Ngũ Giác Đài, ông đã đi đến kết luận cuộc chiến hoàn toàn vô ích và vô nghĩa, nhưng ông đã không hề chia sẻ cái nhìn của người trong cuộc với quần chúng, mãi cho đến những năm gần cuối đời.

Năm 1995, ông công khai chối bỏ các biện minh của chính ông về cuộc chiến, và, trong một hồi ký, đã thú nhận đã rất sai lầm, đã sai lầm kinh khủng. Để đổi lại, ông đã phải đương đầu với bảo tố công luận của người Mỹ.

Howell Raines, trưởng ban biên tập báo New York Times, trong một bài bình luận,  đã viết: " McNamara chắc chắn không tránh được sự lên án về đạo đức dài lâu của đồng bào ông. Chắc chắn trong những lúc bình lặng và thoải mái, ông đã phải nghe những tiếng thì thầm bất tận của những trai trẻ đáng thương trong bộ binh, chết giữa các bãi lau sậy, trung đội nầy đến trung đội khác, một cách vô ích. Những gì ông đã lấy mất của họ không thể bù đắp bằng lời xin lỗi trên truyền hình giờ cao điểm và những dòng nước mắt vô vị ba thập kỷ sau"[2].

Từ đó, ông luôn mang vẻ mặt một người bị ám ảnh. Người ta thường bắt gặp ông trên đường phố Hoa Thịnh Đốn - đầu cúi thấp, tà áo sơ mi phất phơ trước gió -  lui tới văn phòng chỉ cách Tòa Bạch Ốc vài blocks, đi giày thể dục sờn rách, mắt nhìn thơ thẩn xa xôi...

McNamara đã ngẩm nghĩ về những bài học của cuộc chiến trong nhiều thập kỷ. Như ông đã giải thích trong  phim tài liệu của đạo diễn Errol Morris năm 2003"The Fog of War : Eleven Lessons from the Life of Robert S. McNamara" (Sương Khói Chiến Tranh: 11 Bài Học từ Cuộc Đời của Robert S. McNamara):"Chúng ta phải đặt mình vào địa vị của kẻ đối nghịch và nhìn lại chính mình qua nhãn quan của họ"[3]. Nguyên nhân thất bại của Mỹ ở Việt Nam là đã nhìn kẻ thù qua lăng kính chiến tranh lạnh -  một domino, nếu sụp đổ, sẽ lôi kéo theo sự sụp đổ của các quốc gia Á châu.

Trong phim, McNamara đã mô tả chiến dịch oanh tạc các thành phố Nhật trong Đệ Nhị Thế Chiến. Lúc đó, ông chỉ giữ vai trò phụ trong các cuộc tấn công -  phân tích thống kê cho Tướng Curtis E. LeMay, không lực của Bộ Binh.

McNamara nhớ lại: "Chúng ta đã thiêu sống 100.000 thường dân Nhật ở Tokyo - đàn ông, đàn bà, trẻ con; tất cả lối 900.000 thường dân thương vong. LeMay nói, 'nếu chúng ta thất trận, tất cả chúng ta đều đã bị truy tố như những tội phạm chiến tranh'. Và tôi nghĩ ông ta nói đúng. Ông ta - và tôi nói cả tôi - đều đã ứng xử như những tội phạm chiến tranh"[4].

"Điều gì làm cho chiến tranh vô luân nếu ta thua và không vô luân nếu ta thắng?"[5] ông tự hỏi.  Và ông đã không tìm được câu trả lời.

TỪ DETROIT ĐẾN HOA THỊNH ĐỐN

 

Định lượng hóa - quantification - là từ Robert McNamara ưa thích. Con số có thể diễn tả hầu hết các sinh hoạt của con người. Đã hẳn, ngoại trừ sắc đẹp, danh dự và tình yêu. Với bốn bước, McNamara có thể thay đổi tư duy của bất cứ tổ chức nào, kể cả Ngũ Giác Đài: nêu rõ mục tiêu; vạch kế hoạch đạt mục tiêu; tính mọi phí tổn; theo dỏi và kiểm soát từng bước tiến của kế hoạch.

Mười một bài học đã được ông rút tỉa từ cuộc chiến Việt Nam - những bài học đã đến với ông quá muộn.

McNamara nói: cái gì có thể đếm, anh phải đếm.Tại công ty Ford Motor, năm 1946, ông là một trong nhóm "10 người trẻ xuất chúng"[6] được giao nhiệm vụ cải tổ toàn diện công ty. Tại đây,  tất cả các bộ phận của mỗi xe Chevy mới được bày lên bàn để khám xét, phân tích. Mục tiêu là để lượng định tính cạnh tranh.

Tại Sở Kiểm Soát Thống Kê của Không Quân, nơi McNamara làm việc trong những năm 1943-45, ông tính số phi vụ oanh kích của B-29s, ở cao độ nào, bách phân thả đúng mục tiêu (58% ở Yokohama, 51% ở Tokyo). Tập hợp hệ thống và dữ kiện đã giúp chiến thắng.

Ở Pentagon, năm 1965, cũng cùng một phương pháp - bách phân đúng mục tiêu, số tù binh bắt giữ, số vũ khí thu góp, số tử vong của địch - ông có thể cho biết một cách chắc chắn người Mỹ đang thua.

 

Đồng minh Nam Việt Nam không mấy quan tâm đến con số; vì vậy, McNamara rất căm giận. Việt Cộng quý từng mạng sống. Sau chiến dịch bỏ bom trải thảm năm 1965, McNamara đã biết rõ Việt Cộng vẫn tiếp tục vận chuyển 200 tấn vật liệu mỗi ngày dọc đường mòn Hồ Chí Minh, và phân phối hàng trăm thùng 55 gallons xăng dầu đến mỗi kho bí mật trên toàn miền Nam.

Tầm quan trọng của những chương trình nông thôn bé nhỏ đối với sự lành mạnh của mỗi quốc gia đã để lại nơi ông nhiều ấn tượng. Khi cầm đầu Ngân Hàng Thế Giới -WB, ông đã chuyển hướng trọng tâm và khả năng tài chánh vào các chương trình phát triển nông thôn.

Ý niệm chiến bại hình như không thể đến với người Hoa Kỳ khi McNamara mới đến Ngũ Giác Đài tháng giêng năm 1961 nhận trách nhiệm bộ trưởng quốc phòng thứ tám. Ông mới 44 tuổi và đã được chọn làm chủ tịch Ford Motor Company chỉ 10 tuần trước đó. Về sau, ông đã nói nửa đùa nửa thực, khi mới tới Hoa Thịnh Đốn, ông hầu như không thể phân biệt một đầu đạn nguyên tử với một xe station wagon.

Với Tổng thống Kennedy

"Thưa Tổng Thống, thật là phi lý; tôi không đủ tư cách"[7], McNamara nhớ đã phản đối khi được yêu cầu phục vụ trong tư cách bộ trưởng quốc phòng. Kennedy trả lời, "Nầy Bob, tôi cũng không nghĩ có một trường đào tạo tổng thống"[8].

Kennedy gọi McNamara là  người xuất chúng nhất ông đã gặp. McNamara đã nổi tiếng với kỹ năng tuyệt đỉnh về phân tích hệ thống, tối cần cho các định chế khổng lồ - đảm trách một vấn đề trọng đại, nghiên cứu mọi khía cạnh, tìm ra cái giản dị trong cái phức tạp.

Sứ mệnh đầu tiên của ông là giải quyết bí ẩn chênh lệch về tên la. Trong cuộc vận động bầu cử tổng thống măm 1960, Kennedy lập luận kho tàng nguyên tử chiến lược của Mỹ không hùng hậu bằng Liên Bang Xô Viết, và hố cách biệt ngày một gia tăng. Tổng Thống tiền nhiệm, Dwight D. EIsenhower, trong diễn văn Tình Trạng Liên Bang cuối cùng, ngày 12-01-1961, đã gọi hố cách biệt về hỏa tiễn là điều hư cấu.

McNamara nhận nhiệm vụ chín ngày sau đó. Ông nhớ lại "trách nhiệm đầu tiên của tôi trong cương vị bộ trưởng quốc phòng là lượng định trình độ chênh lệch và khởi động quá trình san bằng sự cách biệt"[9].

Không lâu, như ông tuyên bố sau đó với nhà sử học ở University of California, Berkeley (alma mater của McNamara): "Tôi đã mất 3 tuần lễ để lượng định. Vâng, có sự sai biệt. Nhưng sai biệt thuận lợi cho chúng ta. Sự quy trách nhiệm cho T T Eisenhower đã cho phép người Soviets khai triển một lực lượng hỏa tiễn hùng hậu hơn là hoàn toàn sai lầm"[10].

Đó là vì thiếu tin tức tình báo chính xác; việc ước tính sai lạc các lực lượng của Nga Sô chỉ là sản phẩm của chính trị và đoán mò (guesswork).

 

Vào cuối năm 1961, các vệ tinh tình báo mới của Mỹ đã cho thấy người Soviets chỉ có 10 giàn phóng có thể phóng hỏa tiễn đến Hoa Kỳ, trong khi Hoa Kỳ có khả năng  phóng tới hơn 3.200 vũ khí nguyên tử.

Cùng lúc, McNamara đã kẹt vào các kế hoạch xâm lăng Bay of Pigs. Khoảng 1.500 chiến binh gốc Cuba, được CIA huấn luyện và trang bị, đã thảm bại trong cuộc chạm trán đẫm máu với lực lượng của Fidel Castro trong tháng 4-1961. McNamara không mấy tin nhân viên CIA gốc Cuba có thể lật đổ Castro, mới lên cầm quyền từ  năm 1959, nhưng ông chỉ xem qua rồi cho phép tiến hành kế hoạch - đã được soạn thảo dưới thời Eisenhower.

 

Fidel Castro

 

Chỉ thị đầu tiên của T T Kennedy cho McNamara ngay sau khi kế hoạch đổ vỡ là  khai triển một kế hoạch mới nhằm lật đổ chính quyền Castro với quân lực Mỹ. Mười ngày sau, McNamara đã đệ trình một kế hoạch sử dụng 60.000 quân Mỹ , chưa kể hải và không quân. Kế hoạch sau đó không được hoàn thành.

Theo hồ sơ chính thức, The Foreign Relations of the United States (Quan Hệ Ngoại Giao của Hoa Kỳ), McNamara đã nói với Bộ Tham Mưu Liên Quân: bài học của tai họa Bay of Pigs là "chính quyền không bao giờ nên khởi xướng bất cứ điều gì trừ phi có thể hoàn tất, hay chính quyền phải sẵn sàng đương đầu với hậu quả của thất bại"[11].

Trong phiên họp tại Tòa Bạch Ốc ngày 3-11-1961, Kennedy đã cho phép soạn thảo một chương trình, mang mật hiệu Operation Mongoose, nhằm bí mật phá hoại chính quyền Castro. Tài liệu ghi tay buổi họp của Bộ trưởng Tư pháp Robert F. Kennedy xác nhận McNamara đã được giao nhiệm vụ điều tra và tìm phương cách khuấy động tình hình trên hải đảo Cuba với tình báo, phá hoại, và gây bất ổn. Chiến dịch nầy cũng thất bại.

Năm 1962, Tòa Bạch Ốc và Ngũ Giác Đài đã thiết kế một chiến lược mới chống dấy loạn nhằm đối phó với điều McNamara gọi là chiến thuật khủng bố, sách nhiểu và ám sát của du kích cộng sản. Chiến lược nầy đã đưa đến sự hình thành các lực lượng đặc biệt, như đội biệt kích Green Beretscác cuộc hành quân bán quân sự bí mật ở khắp Á châu và Mỹ La-Tinh.

Theo Robert Amory, phó giám đốc CIA trước 1962, nguyên quan chức phụ trách  ngân sách các chương trình mật tại Bạch Ốc, về sau "chương trình chống dấy loạn đã trở thành một khẩu hiệu chiến đấu gần như lố lăng"[12].

Trong khi Hoa Kỳ đe dọa La Havana, Liên Sô khởi sự gửi tên lửa với đầu đạn nguyên tử đến Cuba, tái lập thế cân bằng lực lượng với Hoa Kỳ đã có căn cứ hỏa tiễn ở Turkey, sát biên giới Sô Viết.

Vào cao điểm của cuộc khủng hoảng tên lửa, ngày 27-10-1962, Bộ Tham Mưu Liên Quân khuyến cáo tấn công Cuba trong vòng 36 tiếng đồng hồ. Hệ thống ghi âm mật tại Bạch Ốc, do Kennedy thiết kế, ghi lại lời McNamara trình bày viễn tượng chiến tranh. McNamara nói, "kế hoạch quân sự trong căn bản là một cuộc ngoại xâm. Khi chúng ta tấn công Cuba, chúng ta sẽ phải dốc toàn lực tấn công"[13]. Ông nói tiếp, "Liên Xô có thể, và, tôi nghĩ có lẽ sẽ, tấn công căn cứ hỏa tiễn ở Turkey"[14]. Và ông nói, Hoa Kỳ lúc đó sẽ phải tấn công các tàu chiến hay căn cứ Sô Viết ở Hắc Hải. Xác suất một cuộc leo thang thoát khỏi tầm kiểm soát là rất cao. "Và tôi có thể nói điều nầy quá sức nguy hiểm. Giờ đây, tôi không chắc chúng ta có thể tránh một sự thể như thế nếu chúng ta tấn công Cuba. Nhưng tôi nghĩ chúng ta phải hết sức cố gắng tránh sự thể đó. Và một phương cách để tránh là gỡ ngòi nổ hỏa tiễn ở Turkey trước khi tấn công Cuba"[15].

Ý kiến của McNamara - một thỏa hiệp bí mật theo đó Kennedy chịu rút hỏa tiễn của Mỹ khỏi Turkey nếu Khruschev đồng ý gở bỏ các đầu đạn nguyên tử của Nga ở Cuba - đã giúp giải quyết cuộc khủng hoảng. "Cuối cùng, chúng tôi may mắn thoát nạn - chính sự may mắn đã giúp tránh được chiến tranh nguyên tử"[16], McNamara đã nói như thế trong phim tài liệu "The Fog of War" 40 năm sau.Trong cương vị bộ trưởng quốc phòng, McNamara đã dành rất nhiều thì giờ tìm cách điều chỉnh các kế hoạch chiến tranh nguyên tử, biến cải chiến-lược-dựng-tóc-gáy, được-ăn-cả-ngã-về-không thành một chuổi các lựa chọn mang tính hạn chế [17]. Nguyên tắc căn bản để ngăn ngừa chiến tranh nguyên tử đã được biết dưới tên gọi chính sách bảo-đảm-tận-diệt-lẫn-nhau[18], có nghĩa - cả Hoa Thịnh Đốn lẫn Mạc Tư Khoa đều hiểu rõ có thể tận diệt phía đối nghịch dù phía nào tấn công trước.

Sau khi hưu trí, McNamara lập luận, họach định chiến tranh nguyên tử là việc làm vô nghĩa. Ông viết: "Vũ khí nguyên tử chẳng  ích lợi gì cho mục tiêu quân sự. Chúng hoàn toàn vô ích - ngoại trừ chỉ để ngăn ngừa đối phương sử dụng chúng"[19].

McNamara đã tiến đến gần kết luận vừa nói sau cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Ngày 14-12-1962, trong bài nói chuyện trước các bộ trưởng ngoại giao NATO ở Paris, ông nói: "Trong các cuộc chiến trước khi có vũ khí nguyên tử, thiệt hại có thể cứu chữa và chiến thắng có thể đạt được. Nhưng sau sự đụng độ nguyên tử toàn bộ, như khối Sô Viết và liên minh NATO ngày nay có thể thực hiện, số tử vong có thể vượt quá 150 triệu. Sự tàn phá sẽ toàn diện và chiến thắng là một từ vô nghĩa"[20].

 

TỔ CHỨC LẠI NGŨ GIÁC ĐÀI

 

Sau khi nhận nhiệm vụ vài tuần, McNamara đã nhận thức Ngũ Giác Đài thực sự là rừng rú. Ông gửi nhiều đoàn thanh niên lỗi lạc - the whiz kids - đến mọi nha sở để thuần hóa Ngũ Giác Đài. Nhiệm vụ là tìm hiểu, lựa chọn, và tái thiết kế các chiến lược trái ngược nghịch lý , các hệ thống vũ khí và ngân sách, trong các binh chủng hải, lục, và không quân. Đó chính là vai trò của bộ trưởng quốc phòng - chức vụ được thiết lập bởi Truman năm 1947; nhưng trước McNamara, tất cả các vị tiền nhiệm đều bất kham và bị tràn ngập. McNamara áp dụng kỷ năng phân tích hệ thống và đã thành công - khống chế được nhiều cụm rừng. Cùng lúc, ông cũng đã làm mếch lòng một số dân biểu, nghị sĩ then chốt trong Quốc Hội, các tư lệnh binh chủng, trong quá trình tranh đấu loại bỏ một số vũ khí và đóng cửa một số cơ sở và căn cứ quân sự.

 Khi McNamara nhận chức, ngân sách Ngũ Giác Đài chiếm gần 50% ngân sách quốc gia. Ông chỉ huy  3,5 triệu nhân viên - gồm 2,5 triệu quân nhân, một con số đã gia tăng khoảng một triệu trong nhiệm kỳ của ông. Ông cho biết, mục tiêu là "đem lại hiệu năng cho một công trình trên 40 tỉ USD, đang bị xâu xé vì ganh tị và áp lực chính trị"[21].

Trong thời gian ông làm bộ trưởng, ngân sách Ngũ Giác Đài đã gia tăng từ 48,4 tỉ năm 1962,  lên 74,9 tỉ năm 1968. Ngân sách năm 1968 tương đương với 457 tỉ hiện nay. Phần lớn trong số nầy là chi phí chiến tranh Việt Nam.

Sau chuyến viếng thăm Việt Nam lần đầu, tháng 4-1962, McNamara cho biết: "Mọi tính toán định lượng có được chứng tỏ chúng ta đang thắng"[22]. Phân tích thống kê của ông cũng kết luận, sứ mệnh quân sự có thể hoàn tất trong vòng 3 hoặc 4 năm.

Sau khi Kennedy bị ám sát ngày 22-11-1963, McNamara nhận thấy Johnson đã trông cậy nhiều vào ông để chiến thắng,  một cuộc chiến, trong năm sau, đã trở thành toàn diện đối với Hoa Kỳ. Tổng Thống mới đánh giá McNamara rất cao, đến độ đã mời ông đứng chung liên danh năm 1964. McNamara từ chối, vì tin không nên khởi đầu sự nghiệp dân cử bằng cách ra tranh cử chức vụ Phó Tổng Thống.  Johnson sau đó đã chọn Nghị sĩ Hubert H. Humphrey, bang Minnesota, thay thế.

Với Tổng thống  Johnson

Johnson đã lệ thuộc vào McNamara rất nhiều trong những vấn đề nhạy cảm, kể cả việc thương thuyết bán vũ khí cho Israel, hội nhập chủng tộc trong quân đội, quân trừ bị, và quân Phòng Vệ Quốc Gia, sau khi Luật Dân Quyền được ban hành năm 1964.  Khi mới nhận nhiệm vụ tổng thống, Johnson loan báo ông muốn giữ ngân sách dưới mức 100 tỉ; chỉ trong vòng ít ngày, McNamara đã kịp thời ra lệnh cắt bỏ một số chương trình vũ khí và đóng cửa vài căn cứ quân sự.

Mùa thu năm 1964, Việt Nam đã trở thành một ám ảnh. Quốc Hội cho phép xúc tiến chiến tranh sau khi Johnson đưa ra lý do tàu chiến của Mỹ đã bị tàu tuần tiểu Việt Nam tấn công trong Vịnh Bắc Việt ngày 04-8-1964. Cuộc tấn công không bao giờ xẩy ra, như đã được xác nhận bởi báo cáo của Cơ Quan An Ninh Quốc Gia, được giải mật năm 2005. Tàu chiến Mỹ đã bắn vào bóng radar trong một đêm tối trời. Tuy vậy, lúc đó, các chuyên viên tình báo tín hiệu - signals intelligence hay sigint - của cơ quan, đã trình báo với McNamara là bằng chứng tấn công hết sức chắc chắn. Theo Ray Cline, phó giám đốc tình báo CIA lúc đó, McNamara đã tiếp nhận bằng chứng sigint sơ khởi, và trình lên tổng thống cái mà họ nghĩ là bằng chứng. Cline nói tiếp, Johnson chỉ cần có chừng đó[23].

Đây không phải là trường hợp tình báo sai lầm duy nhất biện minh cho hành động quân sự dưới thời McNamara. Tháng 4-1965, Johnson ra lệnh gửi 24.000 quân đến Dominican Republic giải quyết cuộc nổi dậy chống chính quyền. Đó là lần đầu tiên một số khá lớn quân Mỹ đổ bộ vào một xứ Mỹ-La-Tinh kể từ 1928. Trước công luận, McNamara tuyên bố sự ra quân đã chứng tỏ giới lãnh đạo quốc phòng Mỹ luôn "sẵn sàng và có đủ khả năng hậu thuẩn chính sách đối ngoại của chúng ta"[24]. Trong chỗ riêng tư, ông đã tỏ ra hết sức lo ngại. CIA đã báo cáo cho Tòa Bạch Ốc và Ngũ Giác Đài: quân nổi dậy do quân cách mạng Cuba kiểm soát. McNamara vẫn rất hoài nghi . Theo băng ghi âm các thảo luận qua điện thoại của Bạch Ốc ngày 30-4-1965, Johnson hỏi "Anh không tin CIA có thể đưa ra đủ bằng chứng?"[25]. McNamara đã trả lời:"Thưa Tổng Thống, tôi không tin như vậy. Tôi thật sự không tin có chuyện đó"[26]. Tuy nhiên, Johnson đã nhấn mạnh, trong bài nói chuyện với dân Mỹ, ông sẽ không cho phép  âm mưu cộng sản thiết lập một chính quyền cộng sản khác ở Tây Bán Cầu. Điều nầy đã khiến một số báo chí quả quyết giữa Tổng Thống và Ngũ Giác Đài đã có hố cách biệt niềm tin (credibility gap). Thái độ nầy cũng đúng khi áp dụng vào cuộc chiến Việt Nam.

CUỘC CHIẾN VIỆT NAM

 

Năm 1965, hàng chục nghìn lính Mỹ đến Việt Nam, và trong chiến dịch Rolling Thunder, chiến đấu cơ đã oanh tạc tới 55,000 phi vụ và 33,000 tấn bom ở Bắc Việt;  năm 1966, 148,000 phi vụ và  128,000 tấn bom. Số phi cơ bị bắn hạ gia tăng từ 171 năm 1965 lên 318 năm 1966 - trị giá từ 460 triệu nay lên 1,2 tỉ.

Rolling Thunder chưa bao giờ chận đứng được dòng tiếp tế vũ khí, đạn dược, và binh sĩ, vào Nam Việt Nam.

Trong lần gặp gở riêng hiếm hoi với phóng viên tháng 2-1966 ở Honolulu,  McNamara không còn tươi vui tự tin như mọi khi xuất hiện trước công chúng. Ông tuyên bố chắc nịch "không một số lượng bỏ bom nào có thể chấm dứt chiến tranh"[27].

 

Năm 1966, McNamara đưa ra kế hoạch xây dựng một hàng rào điện tử dọc theo ranh giới vùng phi quân sự phân ranh giữa Bắc và Nam Việt Nam. Binh sĩ gọi đó là hàng rào điện tử McNamara, theo kiểu đường Maginot Line, một phòng tuyến vô dụng mà người Pháp đã dựng lên để chống quân Đức trước Đệ Nhị Thế Chiến. Đường rào cản đã tỏ ra hoàn toàn vô giá trị.

Ngày 26-8-1966, sau khi đọc tài liệu nghiên cứu dài của C.I.A., nhan đề "The Vietnamese Communists' Will to Persist" (Ý Chí Kiên Trì của Người Cộng Sản Việt Nam), với kết luận: không có gì Hoa Kỳ làm có thể đánh bại được kẻ thù, McNamara cho mời một viên chức C.I.A., George Allen, chuyên gia đã dành 17 năm nghiên cứu vấn đề Việt Nam, đến vấn kế. Trong hồi ký về Việt Nam, "None So Blind" (Không Một Ai Mù Như Thế), năm 2001,  Allen viết: "Ông ta muốn biết tôi sẽ làm gì nếu tôi ngồi vào chỗ của ông". "Tôi quyết định trả lời một cách thành thật"[28]. Allen nói, ông đã bảo McNamara : "Ngừng gửi thêm quân tăng viện. Ngừng ném bom miền Bắc, và thương thuyết ngưng bắn với Hà Nội"[29].

Ngay sau đó , McNamara đã chỉ thị các phụ tá bắt đầu sưu tra các tài liệu tối mật về lịch sử cuộc chiến  - sau nầy được phổ biến dưới nhan đề The Pentagon Papers ( Các Tài Liệu Bí Mật của Ngũ Giác Đài)  - và ông bắt đầu tự hỏi Hoa Kỳ đang làm gì ở Việt Nam. Nhiều người Mỹ cũng đã hỏi như thế, dẫn đến phong trào phản chiến ngày một lớn dần và ngay cả  con trai của ông cũng đã tham gia như một sinh viên phản chiến ở Đại Học Stanford.

Theo băng ghi âm của Tòa Bạch Ốc, ngày 19-9-1966, McNamara đã gọi điện cho Johnson: "Chính bản thân tôi cũng ngày một tin chúng ta nhất thiết phải có kế hoạch chấm dứt oanh tạc miền Bắc"[30]. Ông cũng gợi ý ấn định một mức trần cho số quân gửi đến Việt Nam. "Tôi không nghĩ chúng ta chỉ phải nhìn về  tương lai phía trước và nói chúng ta sẽ tăng quân và tăng quân và tăng quân và tăng quân - 600,000; 700,000; và bất cứ bao nhiêu khi cần"[31].

Phản ứng duy nhất của tổng thống là một âm thanh thì thào không thể hiểu.

RA ĐI VÀ SẤM HỐI

 

Lối  rẽ đã đến ngày 19-5-1967, khi Mcnamara gửi một memorandum với luận cứ chặt chẽ đến Johnson, thúc đẩy Tổng Thống thương thuyết hòa bình thay vì leo thang chiến tranh. Văn thư bắt đầu, "chiến tranh ngày một ít được ủng hộ khi leo thang - gây nhiều thương vong hơn cho người Mỹ, nhiều âu lo cuộc chiến ngày một lan rộng, nhiều thiếu thốn hơn ở quốc nội, và nhiều tang tóc đau khổ hơn cho thường dân Việt Nam, cả Bắc lẫn Nam. Nhiều người Mỹ tin chúng ta đã vô tình dính quá sâu. Tất cả mong muốn chiến tranh chấm dứt, và mong mỏi tổng thống của họ chấm dứt cuộc chiến. Thành công. Hay không"[32].

 

Đây là giọt nước cuối cùng trong ly nước tràn đầy đối với Johnson, vốn nghi ngờ McNamara đang bí mật tìm cách giúp Robert Kennedy, nghị sĩ bang New York, ứng cử viên tổng thống năm 1968, với nghị trình hòa bình. Ngày 29-11-1967, T T Johnson loan báo, McNamara sẽ từ bỏ chức vụ bộ trưởng quốc phòng để lãnh đạo Ngân Hàng Thế Giới. McNamara rời Ngũ Giác Đài hai tháng sau, và theo lời ông, không rõ "Tôi đã bỏ cuộc hay bị cất chức"[33]. Rõ ràng là trường hợp thứ hai.

McNamara đã tìm cách cải tổ các binh chủng. Với lối ứng xử thường lạnh lùng và đôi khi cao ngạo, ông có rất ít đồng minh bên trong Ngũ Giác Đài khi cuộc chiến bắt đầu diễn tiến bất thuận lợi. Tại buổi tiệc giã từ do Bộ Trưởng Ngoại Giao Dean Rusk khoản đãi, McNamara đã khóc khi nói về cuộc không chiến thiếu chính đáng, hoàn toàn vô nghĩa, và vô ích ở Việt Nam. Nhiều đồng nghiệp của ông kinh hãi khi ông lên án các chiến dịch không kích, bàng hoàng trước mặc cảm và gánh nặng tội lỗi của ông. Đã từ lâu, ông tin Hoa Kỳ không thể thắng. Khi hưu trí, ông đã liệt kê các lý do: không hiểu kẻ địch, không hiểu giới hạn của các vũ khí tân tiến, không cho dân Mỹ biết sự thật, và không thấu triệt bản chất mối đe dọa của chủ nghĩa cộng sản.

 

Tổng Thống Eisenhower

Ông nói tại Đại Học Berkeley, "điều sai trái là không hiểu hay lượng định sai lầm căn bản mối đe dọa của người Bắc Việt đối với an ninh của chúng ta. Đó cũng là nguyên do khiến Tổng Thống Eisenhower năm 1954 đã tuyên bố nếu Việt Nam mất, hay nếu Ai Lao và Việt Nam mất, tất cả các dominoes sẽ sụp đổ theo"[34].

Ông nói tiếp: "Tôi tin chắc chúng ta đã phóng đại mối đe dọa. Chúng ta đã không hiểu rõ phe đối nghịch; chúng ta đã không hiểu người Trung Quốc; chúng ta đã không hiểu rõ người Việt Nam, nhất là người Bắc Việt. Vì vậy, bài học đầu tiên là phải hiểu rõ đối thủ. Tôi muốn gợi ý với quý vị là chúng ta cũng  không hiểu các đối thủ tiềm tàng của chúng ta hiện nay"[35].

NGÂN HÀNG THẾ GIỚI

 

Trong thời gian làm bộ trưởng quốc phòng, McNmara gần như đã kiệt sức. Tuy vậy, ông vẫn tiếp tục làm việc thêm 13 năm trong chức vụ lãnh đạo Ngân Hàng Thế Giới (World Bank). Tại nhiệm sở mới, ông bắt đầu với chương trình nới rộng quyền hạn của Ngân Hàng và tấn công nạn nghèo đói trên khắp thế giới. Ông đã thành công phần nào, nhưng với nhiều hậu quả không chờ đợi.

Các quốc gia  nghệ hóa đã tạo lập WB vào cuối Thế Chiến II, nhằm giúp tái thiết Tây Âu. Về sau, Ngân Hàng đã được mở rộng để đón nhận nhiều quốc gia hội viên mới, và chuyển trọng tâm qua cung cấp tín dụng trong thế giới thứ ba, nhằm giúp tăng trưởng kinh tế và ngăn ngừa chiến tranh. Năm 1973, McNamara tập trung vào chương trình giảm bớt tình trạng "nghèo đói tột cùng - mất nhân phẩm cực độ"[36] ở Phi châu, Á châu, và Mỹ-La Tinh.

Cũng như ở Ngũ Giác Đài và công ty Ford, McNamara đã tìm cách cải tổ Ngân Hàng Thế Giới. Khi mới đến, WB cho vay khoảng 1 tỉ mỗi năm. Con số nầy đã tăng lên 12 tỉ khi ông rời Ngân Hàng năm 1981; lúc đó, WB đang tài trợ khoảng 1.600 dự án, trị giá 100 tỉ trong 100 quốc gia, kể cả các đập thủy điện, các xa lộ, và các nhà máy sắt thép. Tuy nhiên, tác động của các dự án lên môi sinh đã không được lưu ý. Trong vài trường hợp, nạn tham nhũng trong chính quyền các nước được WB hỗ trợ đã vô hiệu hóa các mục tiêu tốt. Nhiều quốc gia nghèo, với nợ  WB chồng chất, không thể hoàn trái. Tổn phí các chương trình của McNamara đôi khi vượt quá lợi ích, do đó, WB đã phải gánh chịu búa rìu chính trị trong suốt thập kỷ 1980s.

McNamara đã nhận thức được một số trong những vấn đề  đang diễn tiến và đã đổi hướng trọng tâm cho vay qua các dự án nhỏ hơn - dẫn thủy nhập điền, hạt giống và phân bón, đường tráng nhựa từ nông trại đến thị trường. Nhưng tiến bộ rất khó lượng định. Đến cuối nhiệm kỳ của McNamara, WB ước tính số người thật sự nghèo đói  trên thế giới đã lên đến 800 triệu, gia tăng 200 triệu trong vòng một thập kỷ.

CÔNG KHAI SẤM HỐI

McNamara rời WB năm 65 tuổi, sau khi vợ từ trần. Có lúc ông đã tránh xa thế sự và tìm quên lãng - leo 140 miles lên độ cao 18.000 bộ của Mount Everest. Tuy nhiên, chưa đầy 2 năm sau, ông bắt đầu lên tiếng chống lại tai họa thi đua võ trang nguyên tử. Năm 1995, 14 năm sau khi hưu trí, ông công khai tố cáo chiến tranh Việt Nam và vai trò của chính ông trong cuộc chiến, với cuốn "In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam", để rồi bị lên án vì chính tác phẩm nầy.

Không như các bộ trưởng quốc phòng khác, McNamara đã bị ám ảnh và đã công khai trăn trở với hậu quả vô đạo đức của chiến tranh và sử dụng quyền lực của Hoa Kỳ.

 

Trong phim tài liệu "The Fog of War" (Sương Khói Chiến Tranh), được trình chiếu vào thời điểm cuộc chiến xâm lăng Iraq 2003 bắt đầu, ông tuyên bố:" Ngày nay chúng ta là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới. Tôi không tin đôi lúc chúng ta cần đơn phương sử dụng  sức mạnh kinh tế, chính trị, và quân sự. Nếu trước đây chúng ta đã biết và tuân theo nguyên tắc nầy ở Việt Nam, có lẽ chúng ta đã không bao giờ có mặt ở đó. Không một đồng minh nào của chúng ta chịu ủng hộ chúng ta. Không phải Nhật, không phải Đức, không phải Anh, và cũng không phải Pháp. Nếu chúng ta không thể thuyết phục các quốc gia, có hệ giá trị tương đương, về ý nghĩa của cuộc chiến, tốt nhất chúng ta phải tự xét lại cách lý giải của chúng ta"[37].

                                                                              

McNamara kết luận, "chiến tranh rất phức tạp, đến mức vượt quá khả năng hiểu biết của con người. Phán đoán của chúng ta, hiểu biết của chúng ta, không thích đáng. Và chúng ta tàn sát sinh linh một cách không cần thiết"[38].

Sau hai thập kỷ im lặng, ông đã cho xuất bản tác phẩm In Retrospect, trong đó ông đã phủ nhận tất cả các biện minh cho cuộc chiến của chính ông trước đây, và đã nổi danh khi viết về hai chính quyền Kennedy và Johnson, "Chúng ta đã sai lầm, sai lầm đáng sợ"[39]. Dưới bề ngoài cứng rắn, ông cũng đã nhiều lần tỏ ra xúc động. Trong những lần thú nhận sai lầm của mình về cuộc chiến, giọng nói của ông đã trở nên nghẹn ngào, hơi run, vì thiếu bình thản, và mắt ông ứa lệ.

Tuy nhiên, theo Jonathal Schell, McNamara dễ xúc động(emotional)không thật sự  tự xét lại tình cảm và tư duy (without being instrospective). Cuốn In Retrospect nhìn lại (retrospective)không tự vấn lương tâm (not introspective) - một  suy nghĩ công về một vấn đề công và không có dấu hiệu rà soát lại các động lực hay giá trị - rà soát lương tâm (soul-searching). Trong giọng điệu và phong cách, cuốn sách - mặc dù chắc đã được viết từ một nguồn cảm xúc sâu xa - luôn cố vươn tới một cơ sở vững chắc cho một sự phân tích khách quan.

Nhiều nhà phê bình đã quả quyết McNamara đã không đi tới cùng của sự tìm hiểu, vẫn bám chặt lấy khẩu hiệu rao giảng "ý định cao thượng"(noble intentions), trái ngược với thực tế.

Liệu McNamara có cần phải  trung thực hơn trong hối tiếc? Chắc phải thế. Liệu ông có cần bộc lộ sự hối tiếc sớm hơn? Vâng, chắc phải như vậy. Liệu ông có cần phải từ chức một khi đã biết cuộc chiến là sai lầm, vô ích, và vô nghĩa?  Vâng, ông ta nên làm như thế. Liệu ông chẳng bao giờ nên khuyến cáo chiến tranh hay chủ trì cuộc chiến ngay từ đầu, và phải chăng Hoa Kỳ chẳng bao giờ nên để cuộc chiến Việt Nam xẩy ra?  Vâng, chẳng ai mong gì hơn!

Thử tưởng tượng lịch sử Mỹ gần đây - loại trừ cuộc chiến Việt Nam! Hình ảnh một Hoa Kỳ có thể đã tốt đẹp hơn rất nhiều đã bị đánh mất!

Đã hẳn, nếu chúng ta bỏ lên bàn cân một bên những giọt nước mắt của McNamara và bên kia cái chết của từ 3 đến 4 triệu thường dân Việt và 58.000 quân Mỹ, không ai còn nghi ngờ bàn cân sẽ nghiêng về phía nào.

Tuy nhiên, trên một phương diện khác, thử hỏi đã có bao nhiêu cấp lãnh đạo cùng tầm cỡ đã công khai bày tỏ hối tiếc về những lỗi lầm, những điên rồ, và những tội ác của chính mình?

 Như lời của Jonathan Schell, trong thời gian các thập kỷ của thế kỷ 20 lần lượt trôi qua,  nhân loại đã chứng kiến nhiều gò đống thây ma chồng chất ngày một cao, cao hơn, cao tít tận trời xanh, và giờ đây các thây ma lại tiếp tục chồng chất trong thế kỷ mới. Nhưng có bao nhiêu cấp lãnh đạo êm ấm trên cao , những người gây ra những sự thật hãi hùng, đau thương đó, đã cất tiếng nói lên "tôi đã lầm lỗi", hay "tôi đã cực kỳ sai quấy", hay "đã rơi nước mắt ăn năn những hành động tội lỗi của chính mình"?  Hình như chỉ có Robert S. McNamara!

Chắc hẳn những hành động ăn năn, sấm hối, thật sự rất  khó biểu hiện hay nói ra!

Một lần nữa mượn lời Jonathan Schell, nếu có một tượng đài được xây cất để tưởng niệm McNamara, chắc sẽ không có, xin hãy chọn bức tượng ông ta đang khóc. Đó là điểm tốt nhất nơi ông!

© GS Nguyễn Trường

Irvine, California, U.S.A.

27-7-2009

 

Tài Liệu Tham Khảo:

1. A People's History of the Vietnam War, Howard Zinn, Bookmarks, London, 2001; New Press, New York, 2003.

2. Fire In The Lake - The Vietnamese and the Americans in Vietnam, Frances Fitzgerald, Vintage Books, A Division of Random House, New York, 1973.

3. In Retrospect - The Tragedy and Lessons of Vietnam, Robert S. McNamara, Times Books, a division of Random House,inc., New York.

4. A Bright Shining Lie - John Paul Vann and America in Vietnam, Neil Sheehan, Vintage Books, A Division of Random House, inc., New York.

5. Magazines: The Economist, The Nation.

 


[1] I am pleased to be identified with it, and do whatever I can to win it.

[2] Mr. McNamara must not escape the lasting moral condemnation of his countrymen. Surely he must in every quiet and prosperous moment hear the ceaseless whispers of those poor boys in the infantry, dying in the tall grass, platoon by platoon, for no purpose. What he took from them cannot be repaid by prime-time apology and stale tears, three decades late.

[3] We must try to put ourselves inside their skin and look at us through their eyes.

[4] We burned to death 100.000 Japanese civilians in Tokyo - men, women and children," Mr. McNamara recalled; some 900.000 Japanese civilians died in all. "LeMay said, 'If we'd lost the war, we'd all have been prosecuted as war criminals'. And I think he's right. He - and I'd say I - were behaving as war criminals."

[5] What makes it immoral if you lose and not immoral if you win?

[6] ...ten whiz Kids...

[7] Mr. President, it's absurd; I'm not qualified.

[8] Look, Bob, I don't think there's any school for presidents, either.

[9] My first responsibility as secretary of defense was to determine the degree of the gap and initiate action to close it.

[10] It took us about three weeks to determine, yes, there was a gap. But the gap was in our favor. It was a totally erroneous charge that Eisenhower had allowed the Soviets to develop a superior missile force.

[11] The government should never start anything unless it could be finished, or the government was willing to face the consequences of failure.

[12] Counterinsurgency became an almost ridiculous battle cry.

[13] The military plan is basically invasion. When we attack Cuba, we are going to have to attack with an all-out attack.

[14] He continued, The Soviet Union may, and, I think, probably will, attack the Turkish missiles.

[15] And I would say that it is damn dangerous, he said. Now, I'm not sure we can avoid anything like that if we attack Cuba. But I think we should make every effort to avoid it. And one way to avoid it is to defuse the Turkish missiles before we attack Cuba.

[16] In the end, we lucked out - it was luck that prevented nuclear war.

[17] ...a hair-trigger, all-or-nothing strategy into a series of more limited options.

[18] mutual assured destruction.

[19] Nuclear weapons serve no military purposes whatsoever. They are totally useless - except only to deter one's opponent from using them.

[20] In wars prior to the advent of nuclear weapons, damage was reparable and victory attainable. But after a full nuclear exchange such as the Soviet bloc and the NATO alliance are now able to carry out, the fatalities might well exceed 150 million. The devastation would be complete and victory a meaningless term.

[21] to bring efficiency to a 40-billion enterprise beset by jalousies and political pressures.

[22] Every quantitative measurements we have shows we are winning this war.

[23] McNamara had taken over raw sigint and shown the president what they thought was evidence. It was just what Johnson was looking for.

[24] ...readiness and capabilities of the U.S. defense establishment to support our foreign policy.

[25] You don't think C.I.A. can document it?

[26] I don't think so, Mr. President. I just don't believe the story.

[27] No amount of bombing can end the war.

[28] He wanted to know what I would do if I were sitting in his place. And I decided to respond candidly.

[29] Stop the buildup of American forces. Halt the bombing of the North, and negotiate a cease-fire with Hanoi.

[30] I myself am more and more convinced that we ought definitely to plan on termination of bombing in the North.

[31] I don't think we ought to just look ahead to the future and say we're going to go higher and higher and higher and higher - 600.000; 700.000; whatever it takes.

[32] The war is becoming increasingly unpopular as it escalates - causing more American casualties, more fear of its growing into a wider war, more privation of the domestic sector, and more distress at the amount of suffering being visited on the non-combattants in Vietnam, South and North. Most Americans are convinced that somehow we should not have gotten this deeply in. All want the war ended and expect their president to end it. Successfully. Or else.

[33] ...never comprehending, in his own words, "whether I quit or was fired".

[34] What went wrong was a basic misunderstanding or misevaluation of the threat to our security represented by the North Vietnamese. It led President Eisenhower in 1954 to say that if Vietnam were  lost, or if Laos and Vietnam were lost, the dominoes would fall.

[35] I am certain we exaggerated the threat. We didn't know our opposition; we didn't understand the Chinese; we didn't understand the Vietnamese, particularly the North Vietnamese. So the first lesson is know your opponents. I want to suggest to you that we don't know our potential opponents today.

[36] absolute poverty - utter degradation.

[37] We are the strongest nation in the world today. I do not believe that we should ever apply that economic, political, and military power unilaterally. If we had followed that rule in Vietnam, we wouldn't have been there. None of our allies supported us. Not Japan, not Germany, not Britain or France. If we can't persuade nations with comparable values of the merit of our cause, we'd better re-examine our reasoning.

[38] War is so complex it's beyond the ability of the human mind to comprehend. Our judgment, our understanding, are not adequate. And we kill people unnecessarily.

[39] We were wrong, terribly wrong.

 

©  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr- Nguyễn Trường