François Mitterrand

Vietsciences-Võ Thị Xuân Sương    06/09/2005  

 

« HÃY ÐỂ THỜI GIAN CÓ THÌ GIỜ »

Bây giờ từ cửa sổ máy bay, du khách không những chỉ nhìn thấy tháp Eiffel của Paris mà còn nhìn thấy 4 quyển sách bằng kính trong suốt lồ lộ mở ra, nằm hờ hững giữa trời soi mình xuống mặt sông Seine êm đềm di chuyển. Trong ngôn ngữ đến, thiên hạ sẽ hỏi «thư viện Mitterrand nằm ở đâu», và hành trang mang về ít ra là vài hình kỷ niệm.

Quan niệm rằng chính sách văn hoá là nền tảng cho các chính sách khác, rằng người Pháp nên nằm trong lịch sử, nghệ thuật và quá khứ của họ để biết phải có hoài bão như thế nào cho tương lai, François Mitterrand là vị Tổng Thống  đã xài tiền của dân nhiều nhất trong việc xây dựng các công trình biểu trưng văn hoá. Làm thế nào ngăn cản một người mà khi chưa làm Tổng thống, trong bất kỳ thành phố nào cũng cảm thấy mình là hoàng đế hoặc nhà kiến trúc, thấy dưới  mắt rất nhiều thứ cần phải đổi thay, xây dựng lại ?

 

 

 

Cité des sciences

Trong khi Pompidou chỉ có mỗi Trung tâm Pompidou, Giscard d’Estaing chỉ có vài dự trù, thì Mitterrand chẳng ngần ngại đẩy con số khổng lồ làm lạnh xương sống người dân đóng thuế :  30 tỉ quan Pháp, để thực hiện Cité des Sciences (tạm dịch Thành phố Khoa học), Viện bảo tàng Orsay, Institut du Monde Arabe (tạm dịch Viện Thế giới Ả Rập), Bảo tàng Louvre, Arche de La Défense (tạm dịch Vòm cung La Défense), Opéra Bastille Thư viện Quốc gia.

Bộ Tài chánh luôn luôn từ chối các chi tiêu tốn kém. Để có thể thực hiện chương trình Tổng thống muốn, vòng thân cận của ông tuyên bố một con số khiêm nhượng, cho phép lôi kéo được quyết định thuận chi của bộ tài chánh để có thể bắt tay vào việc nghiên cứu chương trình. Khi mắc vào vòng nghiên cứu nhiêu khê thì chiến dịch không dừng được nữa, rồi người ta tuyên bố con số thực sự và từ từ thủ đắc số tiền mà nếu căn cứ trên cách đánh giá chân chính, chắc chắn chương trình sẽ bị từ chối hay đình hoãn. Chiến thuật này đặt bộ trưởng tài chánh vào sự đã rồi, phải bóp bụng chi số tiền nhiều hơn ông ta dự đoán.

 

 

 

Géode de la Cité des sciences

Musée d'Orsay

Paris là thành phố hoa lệ đẹp nhất thế giới với kiểu kiến trúc cổ huy hoàng từ thời Trung cổ. Mỗi công trình mang lịch sử một giai

đoạn. Mỗi viên gạch có một linh hồn. Cổ mà không cũ. Xưa mà không lỗi thời. Luôn luôn là trung tâm du khách thế giới hướng về, là nơi tìm học nghiên cứu của sinh viên kiến trúc. Vì vậy khi Tổng thống Mitterrand muốn xây ngay tại sân Napoléon viện bảo tàng Louvre kim tự tháp bằng kính, dân chúng đã phản đối « không nên đụng vào chỗ ấy », cho rằng kiến trúc hiện đại nằm ngay trên nền nhà kiến trúc cổ, sẽ không còn hoàn mỹ nữa. Nhưng khi kim tự tháp thành hình thì không ai chối cãi được cái tráng lệ duyên dáng và chẳng những không kém phần hài hoà, mà còn không làm tổn thương nhan sắc cũ của Louvre. Và bảo tàng Louvre lớn nhất thế giới lôi cuốn khách không những chỉ xem bộ sưu tập tranh giàu nhất thế giới, mà còn để thăm kim tự tháp trong suốt với cửa hàng đa dạng dưới hầm, được xem là tuyệt hảo.

Institut du Monde Arabe

Ai cũng biết François Mitterrand là người viết và nói rất giỏi. Diễn văn của ông nghe rất êm tai, mềm lòng, thuyết phục, dù nhiều cái nghe vậy mà không phải vậy. Cực kỳ thông minh với kiến thức uyên bác, mỗi cuộc trả lời phỏng vấn của ông thường khép miệng nhà báo và xoay đổi tình thế. Báo chí Pháp khi nêu vấn đề gì thường đặt câu hỏi thẳng thắn không vòng vo, không vị nể, không « sợ » mất mặt Tổng thống, không lo mình sẽ bị trù …Vừa bắt đầu nhiệm kỳ 2 vào năm 1988, trong một cuộc phỏng vấn, báo chí hỏi ông có chóng mặt không khi lấy quyết định cuối cùng, bởi cũng sẽ kéo dân Pháp theo trong nhiều thế kỷ ; chỉ trích rằng vừa lên ghế Tổng thống từ nhiệm kỳ đầu, ông đã lao mình dự trù những công trình quá vĩ đại cho văn hoá mà bỏ rơi các « viên đá cũ » (nhà thờ).  Tức thì Mitterrand kê khai bao nhiêu tỉnh có nhà thờ được tu sửa, bao nhiêu bảo tàng và thư viện mới được xây cất - rồi kết luận đó là những chỉ trích không chính xác công bằng. Tổng thống cũng nhắc nhở cho người dân chóng quên rằng Cité des sciences, bảo tàng Orsay, Institut du Monde Arabe đã dự tính từ thời Tổng thống Giscard d’Estaing, Mitterrand chỉ là người thực hiện.

 

Còn 4 cái sau ?

Bảo tàng Louvre :

 Từ thời chưa làm Tổng thống, Mitterrand đã tự nhủ phải thay đổi mảnh sân Napoléon cây cối sần sùi, bãi đậu xe lộn xộn, đèn không đủ sáng khắp nơi, tối tăm xơ xác buồn rầu như không an ninh, ban đêm chẳng ai dám bén mảng dạo chơi. Thích nghi cái hiện đại vào công trình cổ nằm giữa lòng Paris không phải chuyện đương nhiên, Mitterrand đã suy nghĩ chín chắn và  quyết định với ý thức trách nhiệm một đương kim Tổng thống. Say mê nghệ thuật dưới hình thức trong sáng giản dị tao nhã, Mitterrand đã chọn Ieoh Ming Pei người Mỹ gốc Hoa,  bởi Pei không những yêu Louvre mà yêu cả lịch sử văn hoá Pháp và chưa bao giờ phá cái tổng thể của công trình do ông ta đảm trách. Kim tự tháp bao quanh bằng vòi xịt nước đánh dấu ngõ vào. Pei xây dưới hầm bãi đậu cho 80 xe ca du khách, bãi đậu 600 xe hơi, phòng thí nghiệm cho các bảo tàng viện Pháp, giảng đường trường Louvre… Trên mặt đường, 30 héc ta đã được quy hoạch lại.

 

Arche de La Défense :

Dự trù kiến tạo nơi đây thành trung tâm truyền thông quốc tế lớn nhất thế giới, phải bỏ dở chương trình khi phe hữu nắm chính quyền vào năm 1986. Giữa hơn 400 dự án, chỉ giữ 4 trình lên Tổng thống, và  Mitterrand chọn mẫu của kiến trúc sư Đan Mạch, Von Spreckeisen. Dù kiến trúc sư chết năm 1987 không nhìn thấy công trình mình khánh thành hai năm sau đó, vòm cung cao 110 mét vẫn sừng sững trên khu La Défense với ba héc-ta đá cẩm thạch trắng và gần 3000 tấm đá giá mỗi tấm tương đương chiếc xe hơi nhỏ. Nhiều văn phòng cho các dịch vụ tư nhân thuê, hiện nay vẫn còn vài chục ngàn mét vuông bỏ trống vì giá thuê quá đắt. Mặc dầu cho rằng đây là công trình tính toán sai, ví dụ phải chuyển đổi kiến trúc hình khối ống thành nơi cử hành các lễ nghi chính trị quốc tế, lại phải xuất ra ít triệu quan Pháp chuyển đổi nền đỉnh, và số thu nhập do công trình này đem lại rõ ràng không như ý muốn, phải công nhận đây là nơi được người ta thường nhắc đến với cảm tình bởi vẻ huy hoàng khoáng đạt của nó.

 

 

 

 

 

 

 

 

Bên trong Arche de la Défense

 

Opéra Bastille :

Muốn bình dân hoá nhạc kịch để mọi người có thể thưởng thức hơn là chỉ 2 rạp Opéra Garnier Opéra Comique ngay trung tâm Paris, mà số người vào xem bị giới hạn rất nhiều vừa vì giá vé, vừa vì trang phục đòi hỏi phải lịch sự đàng hoàng, vừa khung cảnh quá huy hoàng lộng lẫy khiến người yếu bóng vía bước vào cảm thấy lo âu hơn thú vị, Tổng thống Mitterrand đã chọn dự đồ của kiến trúc sư Carlos Ott người Nam Mỹ. Ott nổi tiếng thế giới về cách kiến trúc độc đáo, cá tính, dung hoà cái hiện đại và tiện nghi, giản dị và duyên dáng, được đánh giá rất cao. Giữa 744 mẫu hình tham dự cuộc tuyển chọn quốc tế này, nhạc kịch viện của Ott hình bán nguyệt, mang tên Bastille vì nằm trên nền nhà ngục Bastille xưa. Nó được khánh thành năm 1989, kỷ niệm 200 năm cuộc Cách mạng Pháp vĩ đại đã phá hủy ngục tù thời đại vương quyền. Để chỉ trích, báo chí nói hơn 500 buổi trình diễn được dự trù trước khi khởi công xây cất, chỉ đem lại nhiều lắm vài trăm. Bảy mươi phần trăm dân Pháp chưa bao giờ dự buổi hoà nhạc cổ điển và hơn phân nửa không đi xem kịch. Chỉ vài phần trăm dân Pháp chuộng nhạc kịch, làm sao diễn nếu rạp Bastille chứa 2700 chỗ chỉ lấp đầy chưa tới nửa ? Phải phát vé miễn phí cho một số khách mời, con số lên cả trăm mỗi xuất diễn.   Tổng thống Mitterrand ban tặng Carlos Ott danh hiệu thành viên đoàn Văn học nghệ thuật rồi 2 năm sau phong Bắc đẩu bội tinh.

 

Thư viện Quốc gia

Riêng Thư viện Quốc gia đã nuốt 8 tỉ quan, Mitterrand muốn xây cất một thư viện «ảo» (virtuelle) lớn nhất thế giới, do Dominique Perrault kiến trúc sư 36 tuổi người Pháp thực hiện. Hình 4 quyển sách mở bằng kiếng lừng lựng cạnh sông Seine mấy năm đầu bị chê đủ thứ, nào bằng kiếng thì nhiệt độ không hạp để bảo vệ sách, nào sách thì vô mỗi năm mà số tầng kho chứa thì giới hạn, nào ánh sáng không đủ cho các tầng lửng, nào nắng chói vào kiếng càng nóng hơn, rằng từ « quyển sách » nọ tới « quyển sách » kia xa quá là xa, thanh niên di chuyển cũng bở hơi nói gì các cụ … đủ thứ. Báo chí cho rằng công trình được giao cho những người trong ngành hành chánh « chẳng biết gì », ngoài việc nằm trong quyền lực lâu dài muốn làm cái gì để « trả công »…Và vì ngân sách bị phản đối nên lẽ ra cao 100 mét đã giảm bớt 20. Nội khu vườn nằm thỏm giữa bốn quyển sách đã tốn 45 triệu quan Pháp rồi. Báo chí tốn mực viết về khu vườn nhiều hơn số cây cao vài chục mét mua từ Hoà Lan trồng trong ấy… Bên trong, vì toàn kính nên phải làm cánh gỗ kèm theo, bằng loại gỗ Phi Châu màu vàng. Nghe đâu gỗ này không cháy (chưa dám đốt thử !). Và đặc biệt là hơn 60.000 mét vuông gỗ tạo thành lối đi nối giữa 4 « quyển sách », loại gỗ đời đời không hư mục (thế hệ cháu chắt chúng ta sẽ kiểm nghiệm công trình cha ông). Ðây là nơi đi dạo lý tưởng cho mọi lứa tuổi khi đẹp trời, nhưng nếu mưa thì phải tránh xa vì rất trơn mặc dù có những chỗ làm đặc biệt chống trượt sau khi nhiều tai nạn xảy ra. Thư viện còn bị chê số độc giả lui tới không nhiều, trừ khoảng 2500 nhân viên vãng lai vì bắt buộc. Điều này sai ngay từ mấy tháng đầu sau khi khai trương cuối năm 1996, vì nguyên khu này trước kia là ngoại ô vắng vẻ, đường rày xe lửa tối ám buồn thiu, sình lầy, nơi tạm trú bất hợp pháp của dân xì ke ma tuý, nay đã thành khu phố sang trọng sinh  hoạt nhộn nhịp và các trung tâm đại học đang được xây cất, sẽ hoạt động trong vài năm nữa.

 

X

 

Người ta nói trong 2 nhiệm kỳ, Tổng thống Mitterrand chạy đua với đồng hồ, rằng ông bị bịnh « hiếu đại » giống Toutankhamon, vua Ai Cập thế kỷ 14 trước Thiên Chúa nửa người nửa Thượng đế, sợ bị quên lãng nên phải khắc dấu ấn mình vào lịch sử bằng các kiến trúc để đời. Trước khi chết mấy tháng, Mitterrand không ngần ngại thú nhận là ông thích ghi tên ông vào lịch sử, tuyên bố trên truyền hình rằng rồi ra vài ngàn năm sau, có ai còn nhớ đến De Gaule, Pompidou, Giscard d’Estaing và Mitterrand. Lời tuyên bố này khiến người ta cho rằng đó là mối quan tâm duy nhất của ông trước khi bước qua bên kia thế giới, rằng ông đốc thúc các công trình kiểu « tôi sắp chết rồi, tôi thích như vậy thì các vous phải làm đi, làm lè lẹ đi, đừng lừ đừ kiểu… công chức » !

Báo chí ngoại quốc cũng giật mình châm chọc. Time nói « Khi các vị Tổng thống Pháp muốn người ta nhớ đến mình, họ xây cất ». Anh láng giềng Ăng lê thì đánh giá sự áp đặt thực thi các công trình vĩ đại này làm lộ cái khuyết điểm của nền dân chủ Pháp. Riêng Tây thì không một công trình nào được dân Pháp tán thưởng hay hưởng ứng ngay từ đầu. Báo chí cho  đó là những tham vọng cá nhân thực hiện cái gọi là dàn trải văn minh hiểu biết, bắt dân phải đóng thuế, gây thiệt hại cho người không có khả năng hưởng thụ cái văn hoá đó hoặc vì điều kiện kinh tế hay địa lý, hoặc chỉ giản dị là không thích ; rằng cái gọi là dân chủ hoá văn hoá thực ra là « văn hoá khinh khi » đối với đa số quần chúng. Dân Pháp có thói quen chỉ trích. Thường người ta bàn cãi trước rồi xuống đường phản đối sau. Dân Pháp ngược lại. Và họ chỉ trích tất cả mọi điều. Rồi cuối cùng đâu cũng vào đấy ! Hiện nay ai phủ nhận được sự thành công của các công trình nói trên. 

Riêng 4 cái sau Mitterrand bị chỉ trích nhiều nhất thì nói sao thì nói, không ai chối cãi sự lôi cuốn của Louvre từ ngày có thêm kim tự tháp, không ai chối cãi số khách tham quan càng lúc càng đông. Vòm cung La Défense là nơi công nhân viên đổ ra từ các văn phòng lấy không khí và dân Paris có chỗ dạo chơi, đã thành nơi mà du khách phải viếng thăm. Vở nhạc kịch nào hay muốn mua vé Opéra Bastille không phải dễ dàng. Riêng Thư viện quốc gia không kể tầng trên dành cho độc giả từ 16 tuổi, tầng dưới phục vụ các nhà nghiên cứu từ 360 chỗ ở thư viện cũ, lên 1900 chỗ với phương tiện hoàn toàn hiện đại, không ai nghi ngờ sự ích lợi vô biên của nó - nhất là bạn cứ ngồi nhà tìm tòi mọi cái trước khi di chuyển xa xôi lo ngại chẳng biết có không ! TGB mà báo chí mỉa mai gọi là Très Grosse Bêtise (ngu xuẩn rất lớn), nay phải dùng đúng nghĩa như ý niệm lúc đầu là Très Grande Bibliothèque (thư viện rất lớn), mang tên người khai sinh ra nó.

Dẫu thế nào, Mitterrand cũng là một vị Tổng thống gần dân, biết lắng nghe giới trẻ và rất được giới trẻ ngưỡng mộ. Ông đã cho hoạt động tự do các đài truyền thanh, tạo ra lễ âm nhạc, lễ xi nê, giảm giá vào cửa các bảo tàng… cốt tạo cho giới trẻ có dịp vui chơi lành mạnh và khuyến khích trao dồi văn hoá. Trong 2 nhiệm kỳ của ông, nói chung người dân được hưởng chế độ an sinh xã hội rất cao. Vừa lên làm Tổng thống năm 1981, ông bỏ ngay tội tử hình, năm sau đổi giờ làm việc hằng tuần là 39 thay vì 40, được lương tháng 13 và nghỉ hưu 60 tuổi thay vì 65, ấn định giá sách đồng nhất để bảo vệ tiệm sách nhỏ, thay đổi điều luật bảo vệ công nhân hơn trong các xí nghiệp… và nhiều thứ khác.

Sinh ngày 26 tháng 10 năm 1916 trong gia đình trưởng giả đông con, Mitterrand mất ngày 8 tháng 1 năm 1996 một cách êm ả, sau tháng ngày can đảm tranh đấu lâu dài bịnh ung thư bàng quang. Trái với dư luận quần chúng vẫn thường không nhìn xa thấy rộng, sự « hoang tưởng tự đại » của vị Tổng thống nền đệ ngũ Cộng hoà Pháp đã để lại các công trình dần dần biến thành kỳ quan và là niềm hãnh diện cho dân chúng. Mitterrand đã nói  câu bất hủ « hãy để thời gian có thời giờ » .

Paris, Déc. 2004

 

© http://vietsciences.net   và  http://vietsciences.free.fr Võ Thị Xuân Sương