Maximilien Robespierre

Vietsciences- Phạm Văn Tuấn     09/06/2006
 

 Robespierre là nhân vật Jacobin đã điều hành các chính sách. Sau này, nhiều người đã tố cáo Robespierre là kẻ độc tài, khát máu, mị dân... nhưng cũng có những người khác lại coi ông là một người lý tưởng, nhìn xa, một nhà ái quốc với mục đích dân chủ. Dù cho sự phê phán có sai biệt, song ai cũng công nhận ông ta là một người lương thiện, thanh liêm và có nhiệt tâm cách mạng, với từ tâm vào các năm đầu của cuộc Cách Mạng, trái hẳn với sự tàn ác và không nhân nhượng trong các năm về sau. Robespierre cũng là một người tin tưởng vào sự quan trọng của các đức tính (virtues) hay tinh thần công ích, không vụ lợi, vì ông cho rằng một nước Cộng Hòa phải gồm có các công dân tốt và lương thiện.

            Maximilien Robespierre (1758-94) sinh ngày 6 tháng 5 năm 1758 tại Arras, học Luật khoa tại Arras và Paris rồi hành nghề Luật Sư tại thành phố quê hương, nơi này ông nổi danh về khả năng trí thức và tính lương thiện. Ông đã từng cố gắng đòi hỏi hủy bỏ án tử hình và từ chối làm quan tòa tuyên cáo loại án đó. Robespierre là một người hâm mộ J. J. Rousseau và khi cuộc Cách Mạng Pháp xẩy ra, ông cho rằng đó là cơ hội để thiết lập nên một xã hội lý tưởng theo quan niệm của vị triết gia kể trên. Năm 1789, Robespierre được bầu làm đại biểu tại Hội Nghị các Giai Cấp rồi trở nên người lãnh đạo nhóm Jacobin. Robespierre cũng góp công vào việc tổ chức ra Công Xã Paris và với tài hùng biện, ông đã đòi hỏi phải xét xử Vua Louis 16 và hoàng hậu. Ông đã tuyên bố rằng "Nhà Vua phải chết để Đất Nước có thể sống" (Louis 16 must die that country may live).

            Chương trình cải cách của Robespierre thời đó là xóa bỏ tình trạng vô chính phủ, dẹp tan các xung đột trong xã hội, chống trả các công cuộc phản cách mạng trong nước và đánh thắng cuộc chiến tranh với các nước ngoài bằng cách động viên toàn dân và tất cả tài nguyên, rồi về sau mới thiết lập nên một định chế dân chủ, khởi đầu bằng việc lập hiến cho các giai cấp thấp kém.

            Hội Nghị Quốc Ước thời đó đã cho phép lập ra Ủy Ban An Toàn Công Cộng (the Committee of Public Safety) điều hành chính quyền. Ủy Ban này gồm có 12 người bầu lên mỗi tháng trong đó Robespierre là một nhân vật có nhiều ảnh hưởng, ngoài ra còn có George Danton, Jean Marat, St. Just, Couthon là người bị liệt một phần, Lazaire Carnot là một sĩ quan cách mạng Pháp...

            Trong tình trang khẩn trương đó, Ủy Ban An Toàn Công Cộng đã hoạt động như một nội các chiến tranh, một loại độc tài tập thể. Ủy Ban này đã cho phổ biến bản "Thông Báo Luật Pháp" (Bulletin des lois) qua đó đòi hỏi mọi người dân phải tuân theo các điều lệ. Ủy Ban cũng tập trung uyền hành vào trung ương đồng thời kêu gọi mọi người dân đầu quân qua bản văn kêu gọi "levée en masse" (động viên tập thể). Các nhà khoa học tài giỏi của nước Pháp thời đó cũng được mời đón giúp sức vào các công cuộc khảo cứu hữu ích, gồm có các nhà bác học Lagrange, Lavoisier, Lamark... Chính quyền thời đó cũng kiểm soát số lượng vàng xuất cảng, chặn đứng việc đầu cơ tích trữ, thực phẩm được phân phối qua Ủy Ban Đời Sống (Subsistence Commission) nhờ đó đồng tiền "assignat" không còn bị mất giá.

            Ủy Ban An Toàn Công Cộng cũng tin tưởng vào nền kinh tế thị trường tự do (free market economy), khuyến khích các nông dân làm ăn cá thể nhưng vào thời kỳ đó, chính quyền Pháp còn thiếu nhiều kỹ thuật và phương pháp quản trị kinh tế. Tháng 6 năm 1793, Ủy Ban kể trên đã đề nghị một bản Hiến Pháp Cộng Hòa theo đó có cuộc phổ thông đầu phiếu của nam giới, nhưng rồi bản Hiến Pháp này đã bị tạm hoãn vô hạn định. Các tập sách mỏng về nông nghiệp được Ủy Ban cho phổ biến để dạy cho nông dân cách trồng lúa hữu hiệu. Việc mở trường Quân Sự và chương trình giáo dục cưỡng bách là những chương trình hành động của Ủy Ban. Tới cuối năm 1793, Hội Nghị Quốc Ước lập ra một kế hoạch xóa bỏ Thiên Chúa Giáo (dechristianization) thay vào đó bằng việc tôn thờ một Đấng Thiêng Liêng (the Supreme Being), đây là một thứ tôn giáo tự nhiên thờ thần (a deistic natural religion), chấp nhận sự hiện hữu của Thượng Đế và sự vĩnh cửu của Linh Hồn.

            Để dẹp tan các kẻ chống lại Cách Mạng, Hội Nghị Quốc Ước và Ủy Ban An Toàn Công Cộng đã cho lập ra một cơ quan cảnh sát chính trị tối cao, gọi là Ủy Ban An Ninh Tổng Quát (the committee of General Security) có mục đích bảo vệ Nước Cộng Hòa, chống lại các kẻ nội thù. Ngày 17-9-1793, một đạo luật được thông qua cho phép nhóm Jacobin hay Ủy Ban An Ninh có quyền bắt giam bất cứ người nào bị nghi ngờ chống lại Cách Mạng.

            Vào mùa thu năm 1793, các kẻ cầm đầu nhóm quân phiệt "enragés" bị bắt và các tổ chức cách mạng của phụ nữ bắt đầu bị cấm đoán. Các nhân vật cực đoan như Jacques Hébert, vừa là một nhà báo, vừa là một thành viên của Công Xã Paris, đã bị Robespierre gọi là các kẻ "cực cách mạng" (ultra revolutionaries), một số người của bè nhóm này đã bị đưa lên máy chém. Tháng 3 năm 1794, Công Xã Paris bị giải tán rồi Robespierre chỉ định nhiều người trong nhóm của ông ta nắm giữ các cơ quan công quyền chủ yếu.

            Robespierre cũng khai trừ một số người thuộc cánh tả như George Danton và các kẻ phục tùng, kết tội họ là bất lương về tài chính và tiếp xúc với phe phản cách mạng. George Danton (1759-94) là một trong các nhà lãnh đạo của cuộc Cách Mạng Pháp và cũng là người đưa hàng ngàn kẻ chống đối lên máy chém. Danton sinh ngày 26-10-1759 tại Arais-sur-Aube, nước Pháp, là con của một luật sư. Từ thuở nhỏ, Danton đã có khả năng về hùng biện. Năm 1780, Daton lên Paris học Luật Khoa rồi tới năm 1787, lãnh chức Luật Sư tại Hội Đồng Hoàng Gia (the Royal Council). Năm 1790, Danton là sáng lập viên của Câu Lạc Bộ Cordeliers, một tổ chức của các nhà cách mạng quá khích. Năm sau, để tránh bị vây bắt, Danton phải chạy qua nước Anh rồi trở về Pháp và vào ngày 10-8-1792, ông đã lãnh đạo cuộc tấn công vào Điện Tuleries. Sau đó, Danton trở nên Bộ Trưởng Tư Pháp của chính phủ lâm thời. Do có tài hùng biện, Danton đã hô hào Hội Nghị Quốc Ước chống lại việc xâm lăng của quân Phổ và ông cũng là một trong các người bỏ phiếu kết án Vua Louis 16 và hoàng hậu.

            Trong thời kỳ khủng bố, Danton đã cùng với Jean Paul Marat và Robespierre điều hành Ủy Ban An Toàn Công Cộng. Chủ đích của Danton là sau khi chính quyền cách mạng đã ổn định, các cuộc ngoại xâm đã được đẩy lui và các nhóm bảo hoàng đã bị dẹp tan, cần phải phục hồi lại sự hòa dịu trong các chính sách cách mạng. Nhưng Danton đã bị Robespierre tố cáo là muốn phục hồi vương quyền và tham nhũng, nên bị bắt và chết trên máy chém vào ngày 5-4-1794. Dù sao George Danton vẫn được nhiều người coi là một trong các lãnh tụ có khả năng nhất và không vị kỷ.

            Trong thời kỳ Khủng Bố của nước Pháp từ năm 1793 tới năm 1794, vào khoảng 40,000 người đã bị giết, một số lớn khác bị cầm tù. Riêng tại thành phố Paris kể từ tháng 9-1793 tới tháng 6-1794, vào khoảng 2,500 người đã bị đưa lên máy chém guillotine. Ngày này qua ngày khác, lưỡi máy chém này không lúc nào ngừng rơi! Trong số các nạn nhân của các cuộc thanh trừng, 8 % thuộc giai cấp quý tộc, 14 % là giới tư sản, nhất là những kẻ nổi loạn tại miền Nam của nước Pháp, giới tu sĩ có 6 % nạn nhân trong khi hơn 70 % người bị giết là các nông dân và công nhân. Nước Cộng Hòa Pháp được đặt căn bản trên tinh thần của "Bản Tuyên Ngôn các Quyền Lợi của Con Người" nhưng các tàn sát trong thời kỳ khủng bố này lại rất vô nhân đạo và tại một vài nơi, đã cực kỳ tàn ác chẳng hạn tại miền Nantes, 2,000 người chống đối cách mạng đã bị đưa lên các con phà và nhận chìm ngoài khơi!

            Chiến thắng quân sự của nước Pháp, sự chán nản của dân chúng đối với việc phân phối thực phẩm của thời kỳ khủng bố, đối với cảnh tàn sát của nhóm người cực đoan do Robespierre lãnh đạo, nhất là sau cái chết của George Danton, các thành viên của Hội Nghị Quốc Ước bắt đầu lo ngại cho số phận của họ trước cảnh độc tài khát máu của Robespierre. Họ tự hỏi: "ngay cả một lãnh tụ của đảng Jacobin còn bị đưa lên máy chém thì ai trong chúng ta sẽ được an toàn?". Nhiều người đã nghi ngờ Robespierre muốn trở nên một kẻ độc tài.

            Ngày 27 tháng 7, Robespierre nói trước Hội nghị Quốc Ước, ông ta đã chỉ trích mọi công việc còn dang dở trong thời gian qua và đưa ra một danh sách ghi tên các kẻ phản bội đang muốn phá hủy Nền Cộng Hòa, và Robespierre cũng ám chỉ rằng một số kẻ này đang nằm ngay trong Hội Nghị Quốc Ước. Chính vào lúc này, một đại biểu ngồi phía sau trong phòng hội đã hô lớn: "Tôi đòi phải bắt giữ Robespierre". Cả phòng hội liền vang lên câu nói: "Đả đảo kẻ bạo quyền". Mặt Robespierre tái đi. Ông ta cố nói lớn nhưng giọng nói đã bị tiếng hô hoán của hội trường lấn át. Một đại biểu đã la lên: "Máu của Danton đã làm mày nghẹt giọng".

            Ngay sau đó, Hội nghị Quốc Ước đã đồng thanh bỏ phiếu bắt giữ Robespierre. Ngày 28 tháng 7 năm 1794 (tức là ngày 8 tháng Thermidor), Robespierre và đồng bọn 22 người đã bị chặt đầu trên máy chém guillotine.

 

© http://vietsciences.org   và  http://vietsciences.free.fr http://vietsciences2.free.fr   - Phạm Văn Tuấn