Những bài cùng tác giả

Victor Hugo trên giường chết. Hình
của Felix Nadar (histoire du
monde)
Khi nghe tin người thi sĩ ấy mất, cả thủ
đô rúng động. Trong một thoáng, mọi người ai cũng nghĩ
như ai : chưa có nhà thơ nào lớn hơn thế. Như một cây
đại thụ mênh mông, người ấy tỏa bóng mát trong hơn nửa
thế kỷ trên vườn hoa tư tưởng đơm bông mới. Thơ của
người ấy vang dội trên mỗi bước dựng xây của nền Cộng
Hòa, trên mỗi chiến thắng, mỗi thất bại của dân chủ. Với
ông, lịch sử biến thành thơ. Với thơ, ông phất cờ cho tự
do, công lý. Bàn tay của ông nóng trong bàn tay của
người cùng khổ. Tiếng nói của ông đập trong ngực của bất
cứ ai yêu mến tự do. Ngày 22 tháng 5 năm 1885, khi ông
ngừng thở, dường như người ấy đang thở trong tim của mọi
người. Người ấy là Victor Hugo.
Sáng sớm chủ nhât 31 tháng 5, quan tài của
ông được chở đến Khải Hoàn Môn truớc đám đông dân chúng
đã đứng chờ suốt đêm tại đó. Như lúc ông còn sống, họ
hoan hô : « Victor Hugo muôn năm ! » Một tấm màn đen
mênh mông phủ trên Khải Hoàn Môn, nhấp nhánh tên những
tác phẩm của người thi sĩ. Trên các nẻo đường đổ vào
Khải Hoàn Môn, hàng trăm ngàn người kéo đến diễn hành
không ngớt trước quan tài.
Suốt cả ngày hôm đó cho đến nửa khuya, đại
lộ Champs-Elysées tràn ngập người, Khải Hoàn Môn được
thắp sáng với hai hàng kỵ binh cầm đuốc. Tờ mờ năm giờ
sáng hôm sau, mồng một tháng sáu, dân chúng lại nườm
nượp kéo đến, kèn lại thổi vang, vòng hoa lại phủ một
núi hoa chung quanh quan tài. Đúng 11 giờ, 21 phát súng
đại bác nổ vang, báo hiệu lễ chính thức. Quân nhạc trỗi
bản tang hành của Chopin. « Đây không phải là đám tang ;
đây là lễ đăng quang của vua chúa » : ai đó, từ một bài
diễn văn, đã nói lên đúng ý nghĩ của mọi người.
Lễ « đăng quang », người thi sĩ ấy đã nhận
từ lúc còn sống. Ngày 25-12-1881, thủ tướng Jules Ferry
đích thân đến viếng ông tại nhà riêng, mang quà tặng
sinh nhật 80 tuổi của chính phủ. Ngày 27, đúng ngày sinh
nhật, dân chúng lũ lượt diễn hành trước gian nhà được
trang hoàng đèn hoa, hoan hô vang dậy tên tuổi của ông.
Vòng hoa thi nhau móc vào tường : « Tặng người thi sĩ,
tặng nhà triết gia, tặng người chiến sĩ tranh đấu cho
công lý của các dân tộc ». Hết đoàn đại biểu này đến
đoàn đại biểu khác của các thành phố, của các tỉnh, lần
lượt bước vào nhà, giữa tiếng hoan hô vang dậy. Diễn
hành, dàn nhạc, dàn ca, và hoa, và hoa, và hoa phủ lên
nhau chật nhà, chật ngõ, từ sáng đến đêm, giữa trời
tuyết, và người, và người, và người chen nhau, đủ mọi
thành phần, mũ dạ của trưởng giả chen với cát-két của
thợ thuyền, học sinh chen với binh lính, tay chen tay
vẫy lên cửa sổ. Quà tặng, huân chương, sách, báo, chen
nhau đưa đến tận tay người nhận. Trên tóc bạc của người
thi sĩ ấy, dường như mở ra rạng đông của thời đại mới mà
vầng trán kia đã không ngớt mơ tưởng bằng thơ văn, bằng
hành động.
Bằng thơ văn và hành động : Victor Hugo
ngự trị trên thế kỷ của ông là vì thế. Văn thơ của ông
là khí giới sắc bén trong cuộc đấu tranh chính trị sắt
máu, triền miên từ cách mạng tư tưởng 1789 đến sau cách
mạng xã hội 1848, với quần chúng thấp hèn vươn lên nắm
lấy vận mệnh của mình. Đưa thơ vào chính trị, ông thổi
khí thế cho quần chúng. Làm chính trị với uy lực của
thơ, ông tạo chấn động trong nghị trường. Thơ của ông
kích thích như bài hịch. Dấn thân của ông ngay thật, bất
khuất. Ông là lương tâm của thế hệ cộng hòa, chiến sĩ
của tự do, nhà tiên tri của nhân loại, kẻ tiên phong của
Âu châu hợp nhất, người bênh vực giới khốn cùng. Tất
nhiên ông có địch thủ. Trong giới nhà thờ. Nơi phe bảo
hoàng, quân chủ. Nhưng ông càng cao, địch thủ của ông
càng thấp.
Đâu phải người thi sĩ này sinh ra và lớn
lên giữa lòng của khuynh hướng cấp tiến ! Ngược lại, gia
đình ông mang truyền thống thiên chúa giáo và bảo hoàng.
Ông bắt đầu sự nghiệp văn thơ và chính trị dưới bóng lá
cờ trắng của phe quân chủ. Cuộc sống trước mắt và kinh
nghiệm chính trị máu xương xoay tầm nhìn của ông về chân
trời khác, rất sớm. Vở kịch
Cromwell,
viết xong năm 25 tuổi, mở đầu cách mạng lãng mạn trong
kịch nghệ, cởi trói cho bi kịch thoát khỏi những quy tắc
cổ điển. Ông tuyên bố tự do trong nghệ thuật, đưa nhân
vật trong kịch trở về với đời sống thực, với con người
thực, con người toàn diện, gồm cả cao thượng lẫn thấp
hèn. Cùng với kịch và thơ, ông viết xong một truyện ngắn
xứng đáng được xem như phát súng đầu nổ vào thành trì
bảo thủ kiên cố nhất, không phải của ngày hôm qua mà cả
ngày nay :
Ngày cuối cùng của người tử
tù. Rất sớm, Victor Hugo đi trước thời đại ; từ
đó cho đến cuối đời ông không để lỡ một dịp nào để đòi
hỏi chấm dứt tội tử hình. Cái gì đã đưa ông đến thái độ
quyết liệt như vậy ? Một kỷ niệm mà ông kể lại 40 năm
sau, năm 1862 :
« Tại Paris, năm 1818 hay 19, một ngày hè,
vào khoảng trưa, tôi đi ngang qua trước tòa án. Một đám
đông vây quanh một cột trụ. Tôi đến gần. Một thân hình
người, không biết đàn bà hay con gái, bị trói vào cột
trụ, gông quàng trên cổ, bảng đội trên đầu. Dưới chân
của thân hình người ấy, một lò lửa cháy rực than hồng,
một miếng sắt cán gỗ vùi trong than, đỏ ửng, đám đông có
vẻ hài lòng. Người phụ nữ ấy phạm cái tội mà luật lệ gọi
là ăn cắp của chủ và ngôn ngữ thông thường gọi là tính
thêm tiền chợ. Đồng hồ điểm 12 tiếng. Thoắt nhiên, từ
phía sau tội nhân, một người đàn ông vọt ra, leo lên
thang chém. Trước đó, tôi để ý thấy chiếc áo ngắn của
người phụ nữ bị tách ra hai vạt, buộc lại sau lưng bằng
sợi dây. Người đàn ông nhanh nhẹn mở dây, vén áo lên,
lột trần lưng của người đàn bà đến eo, vớ lấy miếng sắt
trong lò lửa dí sâu vào chiếc vai trần. Một màn khói
trắng bốc lên, phủ mờ miếng thép và bàn tay của tên đao
phủ. Hơn 40 năm sau, tai tôi vẫn còn nghe và lòng tôi
còn chấn động tiếng thét hãi hùng của người bị hình
phạt. Từ kẻ ăn cắp, người phụ nữ trong tôi đã trở thành
người tử đạo. Tôi ra khỏi đám đông, lòng quyết tâm chống
lại đến cùng những hành động tai hại của luật lệ. Lúc
đó, tôi 16 tuổi ».
Tháng 6 năm 1848, quần chúng nổi loạn.
Cuộc vùng dậy bị dập tắt trong máu. Victor Hugo xông
trận trên khắp chiến tuyến : đòi tự do chống lại thiết
quân luật ; đòi tương trợ xã hội chống lại nghèo khốn ;
đòi chủ quyền cho nước Ý chống lại quyền hành chuyên chế
của giáo hoàng ; đòi giáo dục tiểu học trung lập chống
lại trường học lệ thuộc giáo quyền ; đòi phổ thông đầu
phiếu chống lại đầu phiếu hạn chế. Người thi sĩ trở
thành chiến sĩ của phe xã hội. Đảo chánh quân chủ tháng
chạp năm 1851 đẩy ông ra khỏi nước Pháp, mở đầu cuộc đời
lưu đày kéo dài gần hai chục năm. Đây là giai đoạn phong
phú nhất trong sáng tác của ông. Hầu hết các tác phẩm
danh tiếng nhất ra đời trong khoảng thời gian này, đáng
kể nhất, đối với độc giả Việt Nam, là tập tiểu thuyết
Những người cùng khổ. Trong một
lời tựa gởi đến nhà xuất bản năm 1862, ông viết :
« Cho đến khi nào, bằng
luật lệ và phong tục, xã hội bày đặt ra một cách giả
tạo, giữa nền văn minh đang nẩy nở, những địa ngục để
đày đọa con người, làm con người lầm tưởng rằng vận mạng
của mình, vốn linh thiêng, đã được an bài từ trước ; cho
đến khi nào ba vấn đề của thế kỷ - con người bị rơi tụt
xuống hàng vô sản, phụ nữ bị mất phẩm cách vì đói, trẻ
em teo tóp vì đêm khuya - chưa được giải quyết ; cho đến
khi nào, trong nhiều nơi, con người vẫn còn có thể bị
bóp ngạt trong xã hội ; nghĩa là, nói rộng hơn, cho đến
khi nào trên mặt đất còn ngu dốt và khốn cùng, những
quyển sách như quyển truyện này vẫn còn ích lợi ».
Ông viết thêm trong thư gởi Lamartine cùng
năm :
« Vâng, thế đấy, tôi muốn
hủy diệt số phận an bài ; tôi kết án chế độ nô lệ, tôi
xua đuổi nghèo khổ, tôi dạy cho sự dốt nát, tôi chữa cho
bệnh tật, tôi thắp đèn cho đêm khuya, tôi căm thù sự căm
thù. Tôi là như vậy, và đó là lý do tôi viết
Những người cùng khổ.
Trong suy nghĩ của tôi, đây là quyển truyện lấy tình
huynh đệ làm gốc, lấy tiến bộ làm ngọn ».
Đó chưa phải là xã hội chủ nghĩa. Chỉ xã
hội thôi đã quá đủ để phe hữu mạt sát, la ó, tố cáo
người thi sĩ ấy phun nọc độc cách mạng. « Đả
đảo Jean Valjean ! » « Giết chết
Jean Valjean ! » giới bảo thủ ở Bruxelles, nơi
ông lưu vong, còn ném hằn học vào cửa sổ nhà ông mười
năm sau khi quyển truyện ra đời. Họ đồng hóa ông với
Jean Valjean, nhân vật trong truyện, người tù bị đày
khỏi xứ. Nhưng Jean Valjean là hiện thân của công lý
dưới ngòi bút của Victor Hugo. Vượt ngục, trở về nước,
đổi tên, sống cuộc đời thánh thiện, giúp người nghèo,
nâng đỡ thợ thuyền, được yêu mến, được kính trọng, bỗng
một hôm Jean Valjean nghe tin cảnh sát bắt được một tội
nhân vượt ngục tên là ... Jean Valjean. Làm gì bây giờ ?
Tiếp tục sống đời thánh thiện, cứu giúp đồng loại, mặc
người kia hàm oan, hay nhận lãnh trách nhiệm, tránh bất
công ? Jean Valjean lựa chọn công lý. Ông tự nộp mình
cho cảnh sát. Nhưng hành động đạo đức cao thượng ấy cũng
là hiện thân cao nhất của tự do, bởi vì tự do cụ thể
nhất, cơ bản nhất, là tự do lựa chọn. Sống vì tự do,
chết vì tự do, con người phải có tự do lựa chọn : đó là
thông điệp hùng vĩ nhất của Victor Hugo, trong
Những người cùng khổ
cũng như trong tất cả tác phẩm và hành động chính
trị của ông.
*
* *
Chính tư tưởng đó đã khiến Victor Hugo lựa
chọn đời sống lưu vong thay vì chấp nhận ân xá của một
chế độ độc tài. Cũng chính tư tưởng đó đã khiến ông thay
đổi thái độ đối với Napoléon, thần tượng của ông lúc
trẻ. Napoléon ! Có ai lớn hơn vị thần ấy ? Núi, sông,
đồng bằng, lâu đài, kinh đô, trận mạc, Đức, Ý, Áo, Phổ,
Nga, giáo hoàng, tất cà Âu châu, cho đến tận Ai Cập xa
xăm, huyền bí, tất cả đều nằm rạp dưới vó ngựa của hoàng
đế. Napoléon ! Như hình vẽ từ ngón tay
đứa bé trên cát / Từng đế quốc ngổn ngang xóa sạch dưới
chân người. Napoléon ! « Không
có môt cái đầu nào, dù cao lớn, ngạo nghễ đến đâu đi
nữa, mà không cúi chào vầng trán kia, trên đó rõ ràng
bàn tay của Trời đã đặt hai vương miện, một làm bằng
vàng mà người ta gọi là vương hiệu, một làm bằng ánh
sáng mà người ta gọi là thiên tài ». Napoléon !
Người ngự trị trên thời đại chúng tôi,
thiên thần hay quỷ dữ không cần biết / Cánh ó của Người
mang chúng tôi phiêu du khắp chốn, ngất ngây.
Đó là Napoléon thần thánh của Victor Hugo
lúc trẻ, ngôi sao dẫn đường trong đêm tối trước khi trở
thành mặt trời chiếu sáng cho thế kỷ mở đầu. Vầng ánh
sáng đó rạng rỡ quá, che khuất hẳn mặt tối của ông thần
nhưng không xóa được. Mặt tối ấy là tham vọng, độc tài.
Tham vọng làm tanh máu trên bàn tay của ông. Máu của hơn
800.000 xác chết vất trên khắp chiến trường. Máu của
3 000 lính Thổ đầu hàng ở Jaffa năm 1799 mà ông hạ lệnh
bắn chết sạch. Sạch ! Giữa sa mạc, chỗ đâu mà chứa ?
Quang cảnh hàng ngày trước mắt ông là hàng ngàn, hàng
chục ngàn thi hài hấp hối, thối rữa. Bài học vỡ lòng của
ông là phải có trái tim sắt, không biết cảm động : bản
chất của sự vật, theo ông, là như vậy. Suốt đời, ông đi
trên máu và thịt ; ông lấy máu làm mực để viết lịch sử.
Lịch sử của tham vọng, của ước mơ trong đầu ông. Ông hô
to : « Ta đưa các ngươi đến những cánh
đồng phì nhiêu nhất thế giới ». Cánh đồng này rồi
cánh đồng khác, lính của ông tha hồ cướp bóc, và giết,
và chết.
Ông áp dụng « bản chất của sự vật » đó vào
chính trị : sẵn sàng giết không động lòng. « Chính
người lính dựng xây Cộng Hòa ; thanh gươm là trục quay
của thế giới », ông tuyên bố. Cho nên, tướng biên
cương, ông cưỡi gươm về kinh đô đảo chánh ngày 18 Mãn
Thu. Ông đoạt quyền. Ông ngồi trên gươm để cai trị. Ông
dạy : « chính trị không có tim, chỉ có
đầu ». Chống đối, ông dẹp. Hiến pháp, ông sửa.
Địch thủ - quận công d’Enghien - ông bắt cóc, ông bắn.
Ông thổ lộ : « Từ toàn thắng đến sụp
đổ, chỉ một bước thôi. Bao giờ cũng vậy, một chuyện cỏn
con, vô nghĩa lý, chợt đến, quyết định những sự việc
trọng đại ». Tay độc tài nào cũng sợ những
« chuyện cỏn con » như vậy. Cho nên đã nắm trọn vẫn cứ
muốn nắm trọn hơn nữa quyền hành : ông dẹp luôn chế độ
cộng hoà. Từ Bonaparte, ông trở thành Napoléon hoàng đế.
Ôi, cay đắng cho bao nhiêu hy vọng đặt vào ông để bảo vệ
gia tài của cách mạng lúc đầu ! « Bonaparte
đập nát tự do bây giờ, nhưng ông sửa soạn tự do cho ngày
mai bằng cách kiềm chế cách mạng và tiếp tục tận diệt
những gì còn sót lại của nền quân chủ hôm qua. Ông cày
bừa cánh đồng ngổn ngang xác chết và phế tích : chiếc
cày lực lưỡng của ông được Vinh Quang kéo đi, đào sâu
trong đất những luống cày từ đó những hạt giống tự do sẽ
mọc ». Ôi, ngây thơ ! Ngây thơ ngủ ngon với nhung
y của Bonaparte và thức dậy với cái vương miện trên đầu
hoàng đế.
Victor Hugo không chối bỏ hình ảnh vinh
quang mà ông đã nhận được từ thần tượng của ông lúc trẻ,
nhưng lòng yêu tự do khiến ông biết nhìn cả hai mặt của
ông thần và biết mình đứng ở đâu, với ai, trong tư
tưởng. Được bầu vào Hàn Lâm Viện năm 1841, lúc ông mới
39 tuổi, diễn văn của ông đối đầu cây bút với lưỡi gươm
:
« Tất cả lục địa cúi mình
trước Napoléon - tất cả, trừ sáu người thi sĩ, sáu nhà
tư tưởng, vẫn đứng thẳng trong một vũ trụ quỳ gối :
Ducis, Delille, phu nhân de Staël, Benjamin Constant,
Chateaubriand, Lemercier ... Sáu thi sĩ nổi giận đó
tượng trưng trong Âu châu điều duy nhất mà Âu châu đang
thiếu lúc đó : độc lập ; tượng trưng cho nước Pháp điều
duy nhất mà nước Pháp lúc đó đang thiếu : tự do ».
Độc tài, nhưng thông minh xuất chúng,
Napoléon biết giá trị của người cầm bút. Trong vinh
quang của quyền lực, ông biết vinh quang của văn chương.
Ông muốn hai vinh quang đó hợp lại sáng rực dưới triều
đại của ông, nghĩa là dưới uy quyền của ông. Cho nên, « khoá
miệng quần chúng cũng chưa đủ, ông còn muốn Benjamin
Constant phải quy phục ; chiến thắng 30 quân đội cũng
chưa đủ, ông còn muốn chiến thắng Lemercier ; chinh phục
bấy nhiêu vương quốc cũng chưa đủ, ông còn muốn chinh
phục Chateaubriand ». Danh vọng, chức tước, địa
vị, không thiếu thức gì ông đem ra chiêu dụ họ ; tất cả
đều từ chối. Vuốt ve không được, ông đập. Không người
nào nhượng bộ. « Nhờ sáu tài năng đó,
nhờ sáu cá tính đó, dưới triều đại của ông, tuy bao
nhiêu tự do đã bị dẹp bỏ, tuy bao nhiêu vua chúa đã bị
làm nhục, phẩm chất cao quý của tư tưởng tự do vẫn còn
được duy trì ».
Các văn hào ấy không phải chống đối cái
hào hiệp, cái hiếm có, cái lừng lẫy nơi Napoléon. Nhưng
họ thấy « con người chính trị đã làm mờ
nhạt con người chiến thắng, bậc anh hùng sóng đôi với
tay bạo chúa, một nửa người này đối đáp cay đắng với nửa
người kia ». Hơn thế nữa, độc tài và chiến tranh
thúc đẩy lẫn nhau ; họ phản đối chiến tranh vì chiến
tranh triền miên đến mức ấy đã động đến lương tâm con
người.
Tất nhiên, không phải chiến tranh nào cũng
xấu, có chiến tranh là cần thiết. Nhưng « lúc
chiến tranh vươn đến mục đích thống trị, lúc chiến tranh
trở thành tình trạng bình thường của một xứ sở, lúc
chiến tranh bước vào giai đoạn kinh niên, lúc 13 chiến
tranh diễn ra trong vòng 14 năm, lúc đó, dù cho kết quả
về sau là thế nào đi nữa, đến một lúc con người không
chịu đựng mãi được. Lúc đó,
phong hóa suy đồi vì bị cọ xát với những tư tưởng bạo
tàn, thanh gươm trở thành dụng cụ duy nhất của xã hội,
sức mạnh chế tạo ra một thứ luật pháp cho riêng mình,
thương mại, kỹ nghệ, sự phát triển rạng rỡ của trí óc,
tất cả những hành động của hòa bình đều biến mất. Chính
lúc đó, dù đang giữa mùa chiến thắng rầm rộ của gươm
giáo, xã hội cần có những nhà tư tưởng để khuyến cáo
người anh hùng ; lúc đó, các nhà thi sĩ - nghĩa là các
người làm nên văn minh một cách nhẫn nại, thanh bình, an
nhiên - cần đứng lên phản đối những người chinh phục -
nghĩa là những người làm nên văn minh bằng bạo lực ».
Vinh quang của người này phải tôn trọng
vinh quang của người kia. Vinh quang của người này cần
có vinh quang của người kia. Đó là động cơ của tiến bộ.
Ở tột đỉnh của quyền lực, ở tột đỉnh của vinh quang,
Napoléon không còn biết đến ai nữa. Ông chỉ còn nghĩ đến
ông và một đứa con trai phải đẻ ra để bế lên ngai vàng
của ông, đánh bạt những dòng máu chính thống khác. Ông
trèo quá cao nên ngã quá đau. Giá như ông chịu khó hỏi ý
kiến của một người dân quê nào đó ở phương trời Á châu
xa xăm, chắc ông đã được nghe nói :”mãnh hổ nan địch
quần hồ “. Tham vọng của ông đưa ông vào tử lộ. Và đây
là tử lộ trong thơ của Victor Hugo, người đã xem ông là
thần tượng trước khi biết trách ông quên mất vinh quang
của tự do :
Tuyết rơi. Rơi trên hùng binh gục ngã
Lần đầu tiên con ó cúi đầu
Lệnh hoàng đế rút lui nhục nhã
Bỏ đàng sau bốc khói Mát-Scơ-Va.
Tuyết rơi. Mùa đông vỡ tan theo tuyết
Mênh mông đồng tuyết, đồng tuyết mênh mông
Tướng ở đâu, cờ ở đâu, không biết
Đại binh hôm qua, nay đàn súc khốn cùng.
Mơ ước lạc loài tan theo sương khói
Dưới trời đen hình bóng mông lung
Cùng với tuyết trời kia yên tĩnh
Dệt khăn tang trùm hàng vạn tàn binh.
Trước tàn quân lưa thưa trên tuyết
Người vinh quang run rẩy nhìn trời
Nói gì đây một câu sám hối
“Phải chăng đây trừng
phạt hỡi Trời ?”
Napoléon ! tên ông ai gọi
Nghe mơ hồ ai nói với ông :
Không.
Ba năm sau, Waterloo khép lại bước đường
cùng. Khi lớp tinh binh cuối cùng của Napoléon bị tiêu
diệt sạch, khi tàn binh bỏ chạy như sóng lũ, người,
ngựa, cờ, trống rơi quỵ ngổn ngang trên trận địa,
Napoléon hốt nhiên hối hận
Lính chết.
Ta thua. Trời hỡi ! Ông than
Đế quốc ta tan tành như gương vỡ
“Phải chăng đây trừng
phạt hỡi Trời ?”
Napoléon ! tên ông ai gọi
Nghe mơ hồ ai nói với ông :
Không.
Trời không dung. Bởi vì thanh gươm của
ông đâm vào tự do của các dân tộc. Bởi vì thanh gươm của
ông đâm vào tự do.
*
* *
Giống như bất cứ ai, tôi cũng đã từng
choáng ngợp trước hào quang của Napoléon. Người Việt lại
dễ choáng ngợp hơn ai hết, vì lịch sử mà chúng ta học từ
bé là lịch sử của võ công, của trận mạc, của danh tướng.
Huống hồ, trong huyền sử chung quanh Napoléon, còn phảng
phất thêm phấn hương hồng lâu mộng Joséphine ! Trai mới
lớn chúng tôi ngày trước có đứa thuộc lòng từng đoạn
trong thư tình ông gởi cho hoàng hậu. « Ta
đang trên đường từ chiến trận về thăm nàng đây. Đừng tắm
nhé ! » Khói bốc ra từ hàm ngựa và mùi mồ hôi
dâng lên từ phía dưới cổ quý phi, trai nào mà không rạo
rực ? Lớn lên chút nữa mới hiểu rằng đâu phải chỉ ngồi
trên mình ngựa mới làm nên lịch sử ! Nhưng có lẽ chưa
già thì chắc cũng chưa dám nghĩ đến việc so sánh sức
mạnh giữa cây bút với lưỡi gươm. Chưa già thì chưa nhận
ra rằng hóa ra lưỡi gươm chẳng thấm vào đâu so với lời
nói và chữ viết. Riêng về chuyện Napoléon, dù ông là
thần thánh, ông đã chết. Yên lặng trong
nấm mồ / Ông nằm nghe lòng đất nói về ông. Victor
Hugo vẫn còn sống. Bằng chứng là ông đang tiếp tục viết
lịch sử của ngày mai. Ông viết lịch sử của tự do thì bao
giờ ông cũng vẫn còn đấy. Đây, tôi xin tóm tắt một đoạn
mà nét mực vẫn còn tươi.
« Hồi
thế kỷ này mới bắt đầu, có một đứa bé sống trong một
ngôi nhà lớn, kín đáo ẩn khuất giữa một khu vườn lớn,
trong một vùng thanh vắng nhất Paris.
Trước cách mạng, nhà đó là một tu viện
mang tên là Feuillantines. Đứa bé sống một mình, với mẹ,
hai anh và một ông linh mục dạy trong nhà. Ông linh mục
là người đáng kính, nhưng lối giáo dục của ông tiêm vào
đầu óc non trẻ của chúng tôi sự già nua của thành kiến,
hút bình minh ra để đưa đêm tối vào, đổ đầy quá khứ vào
tâm hồn đến nỗi không còn chỗ nào để chứa tương lai. Đứa
bé đó là tôi, cách đây sáu mươi năm.
Đó là giai đoạn huy hoàng của Napoléon,
chiến thắng tiếp theo chiến thắng. Tôi còn nhỏ, không
biết gì, chỉ sống giữa hoa bướm với ong, không thấy ai
ngoài mẹ, hai anh và quyển sách dưới nách ông linh mục.
Bỗng một buổi chiều, vài người khách ở đâu
đến viếng mẹ tôi, chuyện lạ chưa từng thấy trong ngôi
nhà Feuillantines này. Khách ba người, bạn của cha tôi
đang công tác xa. Khách và mẹ tôi đi dạo trong vườn ; mẹ
tôi nghe khách nói chuyện, tôi bước theo sau mẹ tôi. Hôm
đó là một ngày lễ lớn, đèn, pháo bông, đại bác nổ vang,
cả kinh đô tung hô hoàng đế và quân đội của ông, đêm
hồng lên ánh lửa, khu vườn sáng tỏ như ban ngày. Ba
người khách nói chuyện ; cây cối lặng yên ; đàng xa đại
bác trang nghiêm nổ, mười lăm phút một phát. Điều mà tôi
sắp kể sau đây, không bao giờ tôi quên được.
Khi ba người khách bắt đầu bước vào dưới
lùm cây lớn, một trong ba người dừng lại, nhìn lên trời
đêm rực ánh sáng, bật tiếng lớn :
– Dù sao đi nữa,
người ấy thật vĩ đại.
Bỗng một tiếng cất lên từ trong bóng tối
:
– Chào Lucotte,
chào Drouet, chào Tilly.
Rồi một người cao lớn hiện ra trong ánh
sáng mờ ảo của lùm cây. Ba người khách ngẩng đầu. Một
người kêu lên : “Ồ !" Ông chưa kịp gọi tên người ấy thì
mẹ tôi, tái mặt, ra dấu bảo im. Họ im. Còn tôi, ngạc
nhiên, đứng trố mắt. Chưa bao giờ tôi biết trong góc
vườn sau, chỗ có một căn nhà nhỏ bỏ hoang, có người trú
ẩn từ lâu nay. Người ấy lớn tiếng :
–
Lucotte, anh vừa nói người ấy vĩ đại.
–
Đúng.
–
Có người vĩ đại
hơn Napoléon.
–
Ai ?
–
Bonaparte.
–
Lúc nào ?
–
Trước ngày 18
Mãn Thu.
Rồi tiếp luôn :
–
18 Mãn Thu là
sụp đổ.
–
Đúng rồi, của
Cộng Hòa.
–
Không, của
Bonaparte.
Cái tên Bonaparte làm tai
tôi bỡ ngỡ vô cùng. Tôi vẫn thường nghe nói : "hoàng
đế". Từ lúc đó tôi mới chợt hiểu cách nói tự nhiên, pha
chút khinh bạc, về sự thật. Ngày hôm đó, tôi mới biết
tiếp cận cách xưng hô hùng vĩ mày tao thân mật với lịch
sử.
Ba người khách là ba ông tướng ; họ nghe
với dáng mặt vừa ngạc nhiên vừa nghiêm trọng. Ông
Lucotte nói :
– Anh có lý. Để
xóa bỏ 18 Mãn Thu, tôi sẽ hy sinh tất cả. Nước Pháp lớn,
tốt. Nước Pháp tự do, tốt hơn.
– Nước Pháp không
thể lớn nếu không tự do.
– Đúng. Để lập lại
nước Pháp tự do, tôi cho hết gia sản. Còn anh ?
– Tính mạng.
Lại im lặng một lúc. Đàng xa vẳng đến
tiếng huyên náo của Paris vui nhộn, cây cối hồng lên,
ánh sáng của lễ hội chiếu trên khuôn mặt của ba người.
Sao đêm trên đầu mờ nhạt giữa rực rỡ của Paris thắp
sáng, vầng sáng của Napoléon làm ngập bầu trời.
Thốt nhiên, người trú ẩn khi nãy xoay mặt
về phía tôi khiến tôi sợ và lén trốn ; ông nhìn tôi đăm
đăm, rồi nói :
– Này cháu, hãy
nhớ câu này nhé : trước hết là tự do.
Rồi ông đặt tay lên vai tôi ; cho đến bây
giờ vai tôi vẫn giữ nguyên cái rùng mình khi ấy. Và ông
lặp lại :
– Trước hết là tự
do.
Rồi ông đi vào dưới lùm cây, chỗ mà khi
nãy ông bước ra.
Người ấy là ai ? Một tội
nhân bị truy nã. Tướng Lahorie, bạn của cha tôi, tuy lớn
hơn cha tôi 25 tuổi. Năm 1801, ông chống lại Bonaparte,
bị truy lùng, đầu ông bị treo giá, cha tôi cho ông ẩn
nấp trong nhà hoang. Nhà phế nát chứa chấp một phế nát
khác - một kẻ bại trận. Chim chóc tự do bay vào chỗ ông
trốn, sợ gì một chiếc giường con, một khẩu súng lục, và
một cuốn sách lịch sử Cộng Hòa
Roma thời cổ. Tôi còn nhớ như in một hôm ông bế tôi trên
đùi, mở cuốn sách ra và đọc hàng chữ la tinh : Urbem
Romam a principio reges habuere. Ông dừng lại, thầm thì
:
– Nếu Roma hãy còn
vua chúa, Roma đã không phải là Roma.
Rồi, nhìn tôi âu yếm, ông lặp lại câu nói
ấy :
– Này cháu, trên
tất cả là tự do.
Một ngày kia, ông biến mất khỏi nhà. Tôi
không hiểu tại sao. Nhiều biến cố xảy ra quá. Một buổi
chiều tháng 10-1812, tôi nắm tay mẹ tôi đi trước nhà thờ
Saint-Jacques-du-Haut-Pas. Một áp phích lớn, màu trắng,
niêm trước cột cổng, cột bên phải, sau này thỉnh thoảng
tôi vẫn nhìn cột đó. Người qua đường liếc nhìn tấm áp
phích, dáng sợ hãi, lướt mắt đọc qua, rồi bỏ đi thật
nhanh. Mẹ tôi dừng lại bảo tôi : con đọc đi. Tôi đọc.
Tôi đọc thế này :"Đế chế Pháp quốc. Chiếu bản án của
phiên tòa án binh đầu tiên, đã bắn trên phố Grenelle, vì
âm mưu chống lại đế chế và hoàng đế, ba cựu tướng Malet,
Guidal và Lahorie". Mẹ tôi nói : "Lahorie, con nhớ tên
của bác ấy". Và tiếp theo :
– Bác ấy là cha đỡ
đầu khi con mới sinh ».
Cũng giống như “những chuyện cỏn con“ ám
ảnh hoài các nhà độc tài, câu nói cỏn con của người trú
ẩn, thốt ra giữa một đêm tưng bừng ánh sáng vinh quang
của quyền lực tối cao, vang dội mãi trong đầu của người
thi sĩ ấy : “trước hết là tự do".
Nếu có ai khác nói tự do, tôi sẽ còn xét
lại. Nhưng khi đứa bé trong chuyện là tác giả
Những người cùng khổ, khi người
bênh vực cho những người cùng khổ nói lên tự do, tôi
lắng tai nghe định nghĩa của người ấy. Người ấy định
nghĩa tự do như thế này : là “Lý Trí
trong triết lý, Hứng Khởi trong nghệ thuật, Công Lý
trong chính trị”. Một tự do với định nghĩa rõ
ràng như vậy, có gì trái với hướng đi của ngày nay ?
CAO HUY THUẦN
Chú thích:
Ngoài thơ văn của
Victor Hugo, những trích dẫn in chữ nghiêng lấy từ Max
Gallo,
L’homme qui était
l’Histoire,
Express
29-11-2004 ; và quyển sách vừa xuất bản : Michel Winock,
Victor Hugo dans l’arène
politique,
Bayard, 2005 (trừ câu về quý phi trích theo trí nhớ - vì
dễ nhớ).
Đã đăng trên Diễn Đàn số 159,
tháng 2/2006
©
http://vietsciences.free.fr
và http://vietsciences.org
Cao Huy Thuần
|