“Người em gái của Prométhée”

Vietsciences- Phạm Việt Hưng         23/01/2009

 

Những bài cùng tác giả

    

     Đó là Marie Curie – người đàn bà huyền thoại của thế kỷ 20, một phụ nữ duy nhất có tên trong cuốn “On Giant’s Shoulders” (Đứng trên vai những người khổng lồ) của Melvyn Bragg, trong đó tên tuổi của Marie Curie được xếp bên cạnh những tên tuổi vĩ đại nhất trong lịch sử khoa học – những nhà khoa học giỏi nhất hoặc những nhà tư tưởng từng tạo nên những cuộc cách mạng về nhận thức – như Archimedes, Galileo Galilei, Isaac Newton, Antoine Lavoisier, Micheal Faraday, Charles Darwin, Henri Poincaré, Sigmund Freud, Albert Einstein, …

 

Chân dung Marie Curie (1867-1934)

Tranh sơn dầu, trưng bầy tại Viện lịch sử khoa học và công nghệ Dibner, Cambridge, Massachusetts, Mỹ

 

         Nhưng có một người không nghĩ như thế, đó là John Gribbin, một nhà báo khoa học có tiếng ở Anh. Gribbin cho rằng Marie Curie không thể sánh vai với những người khổng lồ như Newton hay Einstein, rằng số nhà khoa học thiên tài chỉ đếm được trên đầu ngón tay và Marie Curie không nằm trong số đó, rằng bà được ca tụng hết lời chẳng qua chỉ vì bà là một phụ nữ đã làm được những việc to lớn mà phần lớn phụ nữ khác không làm được, rằng vào thời của bà, bất kỳ ai có đủ trình độ cũng có thể làm được những việc tương tự như của bà, và rằng bà chỉ là một người gặp may[1], …

         Thiết tưởng cần phải có phản biện đối với nhận định của Gribbin. Câu chuyện về “người em gái của Prométhée” sau đây chính là một phản biện như thế. Và cũng cần nói thêm rằng ngay từ thời của Marie Curie đã có những thế lực, những tầng lớp xã hội không muốn thừa nhận tài năng của bà, bất chấp việc bà được tặng thưởng Giải Nobel lần thứ hai. Những thế lực này đã không từ bất kỳ thủ đoạn thấp hèn nào nhằm hạ thấp hình ảnh của bà trước công chúng. Đó là những sự thật cần được biết rõ để có thêm một bài học về trách nhiệm của xã hội đối với một tài năng khoa học, đồng thời để có một cái nhìn đầy đủ và chính xác hơn đối với bức chân dung của một nhà khoa học tài đức vẹn toàn mà Albert Einstein đã không tiếc lời bầy tỏ sự trân trọng tột bậc bằng một nhận định có một không hai: “Nếu có một người duy nhất không bị vinh quang làm cho vẩn đục, thì đó là bà Curie”.

 

         1] Điện Panthéon:

         Cách đây 13 năm, ngày 20-04-1995, trong một nghi lễ long trọng, thi hài của vợ chồng Pierre và Marie Curie được chuyển dời từ nghĩa trang ở Seaux, ngoại ô Paris, về Điện Panthéon – nơi chôn cất những danh nhân của nước Pháp.

         Marie Curie trở thành người đàn bà đầu tiên được an táng tại đây, nhờ công lao và đức độ của bản thân bà[2].

Điện Panthéon, nơi chôn cất những danh nhân của nước Pháp

         Chính tổng thống Pháp đương nhiệm hồi đó là Francois Mitterrand đã quyết định việc chuyển dời này, nhằm vinh danh Marie Curie và “để thể hiện tinh thần tôn trọng quyền bình đẳng nam nữ trước pháp luật và trong thực tế”[3]. Báo chí Pháp lúc đó bình luận đây là một cử chỉ đánh dấu 3 cái phi thường của Marie Curie : Một phụ nữ phi thường + Một người nhập cư phi thường + Một công dân phi thường làm rạng danh nước Pháp trong thế giới khoa học.

         Trong số không biết bao nhiêu lời ca ngợi dành cho Marie Curie mà người đời cảm thấy vẫn chưa đủ, có một lời ngợi ca đã biến bà thành một huyền thoại: Đó là danh hiệu do nhà thơ nổi tiếng Sarah Bernhart dành tặng cho Marie Curie: “Người em gái của Prométhée”. Nếu vị thần thông thái Prométhée đã lấy cắp lửa của thần Zeus để đem đến cho loài người, giúp loài người thắp sáng đêm tối, thì khám phá về phóng xạ của vợ chồng Curie cũng mang đến một thứ ánh sáng mới – bản thân chất phóng xạ phát sáng, nhưng đó không chỉ là ánh sáng vật chất, mà còn là ánh sáng mở ra một thời đại mới trong nhận thức về tự nhiên của nhân loại!

 

         2] Khám phá về phóng xạ:

         Người đầu tiên phát hiện ra hiện tượng phóng xạ của uranium là Henri Becquerel, nhưng ông lại sớm rời bỏ lĩnh vực nghiên cứu này.

         Marie Curie, với óc nhậy cảm và niềm đam mê khám phá sẵn có từ trong máu, quyết định bắt tay vào nghiên cứu chính từ chỗ Becquerel bỏ dở. Bà lập tức thực hiện một loạt nghiên cứu hệ thống về tia uranium bí mật này.

         Chỉ sau một thời gian rất ngắn, Marie đã rút ra một kết luận vô cùng quan trọng: Khả năng phóng xạ không phụ thuộc vào cách sắp xếp của các nguyên tử trong phân tử, từ đó suy ra rằng hiện tượng phóng xạ phải liên quan tới bản thân nguyên tử, nghĩa là nguyên tử có thể có một cấu trúc bên trong nào đó.

         Đây là một khám phá thực sự mang tính cách mạng, vì nó chỉ ra rằng nguyên tử không phải là thành phần nhỏ nhất của vật chất như trước đó người ta vẫn tưởng, mà bản thân nguyên tử có thể là một “vũ trụ mênh mông” với những cấu trúc bí ẩn chưa từng biết bên trong nó!

         Một tư tưởng như thế có thể coi là “gặp may” như nhận định của John Gribbin không? Nhưng dù Gribbin nhận định thế nào cũng không thể phủ nhận được một sự thật là khám phá của vợ chồng Pierre-Marie Curie đã trực tiếp châm ngòi cho một cuộc chạy đua ráo riết chưa từng có trong lịch sử khoa học: Tấn công vào thế giới bên trong nguyên tử! Mở đầu là sự ra đời của mô hình hành tinh nguyên tử của Ernest Rutherford, tiếp theo là hàng loạt những cuộc bắn phá nguyên tử diễn ra trên khắp Âu châu trong suốt nửa đầu thế kỷ 20, dẫn tới khám phá quan trọng nhất của Lise Meitner cuối năm 1938 về hiện tượng phân hạch urani, mở màn cho thời đại sử dụng năng lượng nguyên tử. 

         Hoàn toàn không cường điệu để nói rằng chuỗi khám phá chưa từng có trong giai đoạn lịch sử hiếm hoi này đã bắt đầu từ những nghiên cứu về phóng xạ mà Marie Curie là người đặt nền móng – chính Marie là người đầu tiên đã gieo thuật ngữ “radioactivity” (hiện tượng phóng xạ) vào trong kho tàng nhận thức của nhân loại!

         Chúng ta đã biết rằng nhờ khám phá về phóng xạ, hai vợ chồng Curie đã đoạt Giải Nobel vật lý năm 1903. Những ai theo dõi lịch sử các Giải Nobel sẽ được biết rằng không phải Giải Nobel nào cũng được hậu thế đánh giá giá trị ngang nhau, thậm chí có những Giải Nobel bị coi là nhầm lẫn. Nhưng theo cuốn “The Beginnings of the Nobel Institution” (Những buổi đầu của Uỷ Ban Nobel) của Elisabeth Crawford, Giải Nobel vật lý năm 1903 được coi là một trong những Giải Nobel chói lọi nhất, có ý nghĩa nhất, vì nó đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử khoa học: Mở ra một thời đại hoàn toàn mới – thời đại tấn công vào thế giới hạ nguyên tử (subatomic world)!

         Nhưng khám phá của Marie Curie không chỉ có ý nghĩa cách mạng đối với vật lý, mà còn là một đột phá về mặt hoá học. Chính với ý nghĩa đó, Marie Curie đã được trao tặng Giải Nobel lần thứ hai.

        

         3] Giải thưởng Nobel lần thứ hai:

         Đó là năm 1911. Trong quyết định trao tặng giải lần này, Uỷ Ban Nobel viết: “Để công nhận những đóng góp của bà cho tiến bộ của hoá học trong việc khám phá ra các nguyên tố radium và polonium, trong việc cô lập nguyên tố radium và những nghiên cứu về bản chất và thành phần của nguyên tố khác thường này”.

         Một số nhà viết tiểu sử đã đặt dấu hỏi liệu Marie có xứng đáng được trao Giải Nobel hoá học năm 1911 không? Họ biện giải rằng việc khám phá ra các nguyên tố radium và polonium dẫu sao cũng đã là một phần lý do của Giải Nobel vật lý năm 1903 rồi. Vậy Marie được trao giải hai lần vì cùng một thành tựu, điều này có vẻ như là một sự thiên vị, cảm tình quá đáng dành cho Marie chăng?

         Nhưng Uỷ ban Nobel lại có những lý lẽ xác đáng của họ. Chính trong văn kiện đánh giá công trình của Pierre và Marie năm 1903 về việc khám phá ra radium và polonium, Ủy Ban Nobel đã có chủ ý đề cập đến khả năng một Giải Nobel về hoá học dành cho công trình này trong tương lai, nếu như nó thực sự xứng đáng. Vấn đề là ở chỗ càng ngày các nhà hoá học càng nhận thấy việc cô lập được radium là một sự kiện vĩ đại của hoá học, kể từ việc khám phá ra oxygen, vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử khoa học đã chứng minh được rằng một nguyên tố này có thể biến đổi thành một nguyên tố khác, tức là đã biến giấc mơ “thuật giả kim” (alchemy) thành hiện thực!

         Đây là một bước ngoặt vĩ đại của hoá học, đánh dấu một đột phá về nhận thức tự nhiên của loài người!

         Nhưng định mệnh đôi khi thật lạ lùng: Chính vào thời điểm Marie Curie đạt tới tột đỉnh vinh quang trong khoa học thì cơn cuồng nộ của lòng đố kị ghen ghét lại đổ ập lên đầu bà.

 

         4] Lòng đố kị ghen ghét – kẻ thù của tài năng:

         Mùa thu năm 1911, Marie Curie được mời tới dự Hội Nghị Solvay lần thứ nhất tại Bruxelles, thủ đô nước Bỉ. Đó là hội nghị vật lý thế giới đầu tiên, tập hợp những nhà toán học và vật lý giỏi nhất thế giới đương thời như Albert Einstein, Henri Poincaré, Max Planck, … dưới sự chủ toạ của nhà vật lý nổi tiếng Hendrik Lorentz. Cùng với việc được trao tặng Giải Nobel lần thứ hai vài tháng sau đó, uy tín khoa học của Marie Curie đã đạt tới tột đỉnh.

 

Hội nghị Solvay 1911 tại Bruxelles, Bỉ. Tập trung những nhà vật lý- toán học giỏi nhất đương thời

Trong ảnh: Marie Curie ngồi cạnh Henri Poincaré (ngoài cùng bên phải),

đứng sau (từ phải sang) là Paul Langevin, Albert Einstein

         Nhưng bất chấp mọi uy tín và vinh quang đó, năm 1911 trở thành năm đen tối nhất trong cuộc đời của Marie. Đó là năm bà bị báo chí Pháp lăng nhục, bôi bẩn, tìm mọi cách để triệt hạ uy tín.

         Tại sao một người tài năng, đức độ như Marie Curie lại có thể bị báo chí đối xử như vậy? Những ai không có cơ hội tìm hiểu tình hình xã hội Pháp đầu thế kỷ 20 sẽ không thể trả lời được câu hỏi này. Nhưng những người am tường thì biết rõ: Đó là chiến dịch hèn hạ do những kẻ mang nặng đầu óc kỳ thì giới và kỳ thị chủng tộc thực hiện! Marie là một phụ nữ, và lại là một phụ nữ gốc sla-vơ. Với những kẻ mang nặng đầu óc kỳ thị, một phụ nữ bước lên lâu đài danh vọng của khoa học đã là một điều chướng, nhưng một phụ nữ gốc sla-vơ đạt được điều đó thì còn chướng gấp bội (!).

 

         a) Chiến dịch bôi bẩn lần thứ nhất:

         Khi báo chí loan báo Marie được đề cử vào Viện hàn lâm khoa học Pháp, những kẻ mang nặng đầu óc kỳ thị giới và kỳ thị chủng tộc ở Pháp dường như bị điện giật. Họ lập tức tìm cách loại bỏ Marie ra khỏi cuộc bầu bán đó. Vũ khí của họ không phải là khoa học, mà là bôi bẩn: Chiến dịch bôi bẩn lần thứ nhất bắt đầu từ ngày 16-11-1911.

         Tất cả mọi điều kiện dẫn tới quyết định bầu chức viện sĩ đã được chuẩn bị sẵn sàng. Bản thân Marie và các cộng sự của bà dường như đều tin chắc rằng với uy tín khoa học sáng chói của bà, việc bà trúng cử sẽ là điều hiển nhiên. Nhưng trớ trêu thay, hoá ra uy tín khoa học không đủ để quyết định lá phiếu. Một dòng chẩy đen tối của chủ nghĩa bài Do Thái, bài sla-vơ và bài ngoại nói chung, của tư tưởng khinh thường phụ nữ, thậm chí của cả thái độ chống khoa học lâu nay chẩy ngấm ngầm dưới lòng xã hội Pháp nay bỗng nhiên nổi lên trên bề mặt báo chí.

         Thông thường việc bầu vào Viện hàn lâm không thu hút giới báo chí đến như thế. Nhưng đây là một trường hợp đặc biệt. Điên cuồng nhất là tờ L’Action Francaise, một tờ báo dân tộc quá khích có xu hướng bài Do Thái, do Léon Daudet, con trai của nhà văn nổi tiếng Alphonse Daudet, làm chủ bút. Có thể thấy rõ quan điểm cực hữu của những tờ báo này thông qua vụ án Dreyfus từng làm rung chuyển nước Pháp chẳng bao lâu trước đó.

         Dreyfus là một sĩ quan Pháp gốc Do Thái, năm 1894 bị kết tội phản quốc (làm gián điệp cho Đức) và bị kết án tù chung thân. Năm 1906, chính phủ mới lên cầm quyền ở Pháp đã sửa sai vụ án Dreyfus và Dreyfus được tặng thưởng huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh. Bất chấp sự thật, trong con mắt của những tờ báo cực hữu, Dreyfus vẫn có tội và vẫn là “một tên Do Thái phản bội”. Những người ủng hộ Dreyfus vẫn bị bọn cực hữu nghi ngờ.

         Chuyện xẩy ra với Marie Curie có phần tương tự. Trên mặt những tờ báo cực hữu, xuất hiện những chuyện thêu dệt lố bịch với những lời kết tội ác ý. Họ viết đại ý rằng toàn bộ công trình của Marie đều do Pierre mớm cho. Họ nói rằng Marie là người BaLan, mặc dù theo đạo công giáo, nhưng cái tên Sklodowska của bà gợi ý rằng bà có thể có nguồn gốc Do Thái, v.v. Với giọng điệu ấy, các báo bơm lên một làn sóng chống lại người đàn bà hiền lành, tuy gốc di dân nhưng đã coi Pháp như tổ quốc thứ hai và đã làm rạng rỡ cho nền khoa học Pháp bằng những đóng góp mà cả thế giới phải ngưỡng mộ.

         Một tuần trước cuộc bầu cử, ứng cử viên đối địch với Marie là Édouard Branly, được báo chí thổi phòng om sòm. Cuối cùng cuộc bầu cử diễn ra ngày 23-11-1911, với sự chứng kiến của các nhà báo, nhiếp ảnh gia, và đám người tò mò hiếu kỳ. Trong một không khí khá nhốn nháo hỗn độn, vòng bầu cử thứ nhất Marie bị mất 1 phiếu trên tổng số 58 phiếu bầu, vòng hai mất 2 phiếu. Giải Nobel vật lý năm 1903 và Giải Nobel hoá học năm 1911 cùng với sự ủng hộ của những nhà khoa học danh tiếng nhất như Jean Perrin, Henri Poincaré, Paul Appell, và chủ tịch Viện hàn lâm Gaston Darboux vẫn không đủ để mở cánh cổng Viện hàn lâm khoa học cho Marie Curie. Sự kiện này đã làm thế giới chú ý và phẫn nộ. Đó là một sự sỉ nhục cho nước Pháp, đồng thời làm tổn thương sâu sắc đến cả Marie lẫn ứng cử viên đối địch là Édouard Branly, một nhà nghiên cứu có uy tín.

         Nhưng tai hoạ đến đó chưa hết. Tai hoạ thứ hai còn ác hiểm hơn.

        

         b) Chiến dịch bôi bẩn lần thứ hai-Vụ tai tiếng Langevin:

         Đầu tháng 11-1911, khi Marie lên đường đi Bỉ để dự Hội nghị Solvay, bà nhận được tin báo: một chiến dịch mới đầy ác ý đối với bà đã bắt đầu trên báo chí. Lần này câu chuyện xoáy vào đời tư của bà, cụ thể là quan hệ của bà với Paul Langevin, một nhà vật lý xuất sắc của Pháp cũng tới dự Hội nghị Solvay. Langevin vốn có quan hệ bạn bè thân mật với gia đình Curie từ khi Pierre còn sống. Langevin chính là người đã tổ chức lễ chúc mừng Marie nhân dịp Marie hoàn thành luận án tiến sĩ. Nhưng trong những năm vừa qua, Langevin có chuyện lủng củng trong hôn nhân của ông. Ông đã phải di chuyển chỗ ở từ một ngôi nhà ngoại ô về một căn hộ nhỏ ở Paris để sinh sống. Báo chí đã viết bài đổ tội cho Marie là nguyên nhân gây nên chuyện xáo trộn trong gia đình Langevin. Cả Marie lẫn Langevin bị báo chí mô tả bằng những từ ngữ thậm tệ gây tổn thương nghiêm trọng về danh dự. Vụ tai tiếng càng lúc càng thêm ầm ĩ và tệ hại. Marie đã đứng lên tự bảo vệ mình và cố gắng buộc tờ báo Le Temps phải xin lỗi. Chính tờ báo này đã từng viết về bà như một huyền thoại khi bà được tặng thưởng Giải Nobel vật lý năm 1903 thì nay lại lờ tít không thèm đả động gì đến Giải Nobel hoá học năm 1911 mà bà mới được trao tặng, hoặc chỉ chạy một vài dòng đưa tin ngắn ngủi ở một trang bên trong như một tin vụn vặt không đáng chú ý. Dần dần vụ tai tiếng Langevin không ngờ đã leo thang thành một vụ om sòm làm rung động giới đại học ở Paris và giới quan chức chính phủ Pháp ở cấp cao nhất. Trong lúc bà Langevin đang chuẩn bị làm các thủ tục pháp lý để ly dị và được quyền nuôi 4 đứa con thì đùng một cái, một vụ trộm đã xẩy ra tại tư gia của Langevin: Một số thư từ bị ăn cắp được đưa lên mặt báo. Léon Daudet, chủ bút tờ cánh hữu L’Action Francaise, đã biến vụ tai tiếng này thành một vụ Dreyfus mới. Ngày này qua ngày khác, Marie phải hứng chịu một chiến dịch chỉ trích độc ác của báo chí với những từ ngữ đại loại như “một mụ ngoại kiều lạ hoắc, một mụ BaLan, một nhà nghiên cứu được các nhà khoa học Pháp nâng đỡ, đã đến và ăn cắp chồng của một phụ nữ Pháp thật thà lương thiện, v.v. và v.v.”

         Để chứng minh cho mọi người thấy nước Pháp không cần những nhà khoa học như Marie Curie, Daudet đã trích dẫn câu nói khét tiếng tàn bạo của Fouquier-Tinville trong thời cách mạng Pháp 1789 khi nhà hoá học trứ danh Antoine Lavoisier bị dẫn lên máy chém: “Nước cộng hoà Pháp không cần bất kỳ một nhà khoa học nào hết” (!!!).

         Trước tình hình đó, bạn bè của Marie đều phẫn nộ. Tất cả xúm lại để vực bà đứng dậy. Jean Perrin, Henri Poincaré, Émile Borel khẩn khoản yêu cầu các nhà xuất bản và báo chí hãy nương tay. Một người anh họ của Henri Poincaré là Raymond Poincaré, một luật sư cao cấp vài năm sau trở thành tổng thống Pháp, đã lên tiếng như một cố vấn pháp lý bênh vực cho Marie. Nhưng vụ tai tiếng tiếp tục bị đẩy tới những hàng tít lớn chạy trên trang nhất các báo đại loại như “Liệu bà Curie có còn xứng đáng tiếp tục giữ ghế giáo sư Đại học Sorbonne nữa hay không?”.

         Bị dư luận điên cuồng bủa vây xung quanh, Marie sống như một tù nhân bị giam hãm với các con trong căn nhà của bà tại Sceaux. Bạn bè bà lo lắng bà sẽ không chịu đựng được nữa và sẽ ngã quỵ.

         Trong cuốn “Souvenirs et rencontres” (Kỷ niệm và gặp gỡ), Marguerite Borel, vợ của nhà toán học lừng danh Émile Borel, đã tả lại khung cảnh vô cùng xúc động trong những ngày đó. Émile Borel thì vô cùng tức giận và ông hành động tức khắc. Ông đề nghị Marie phải rời khỏi Sceaux để đến sống với bạn bè và chờ đến khi nào cơn bão dư luận qua đi hãy trở về. Marguerite và André Debierne đã đến Sceaux để kéo Marie đi theo họ, nhưng đến trước cửa nhà Marie thì gặp một đám đông đứng ngoài đang chửi rủa nhạo báng. Một kẻ la lớn: “Cút về BaLan đi!”. Một hòn đá ném vào nhà. Marguerite và Debierne cố gắng thuyết phục Marie cùng đi với họ. Marie nghe lời, bồng Ève (con gái thứ hai) trên tay, đi cùng hai người qua đám đông. Suốt cuộc hành trình ấy, Marie ngồi bất động, mặt mày nhợt nhạt như một bóng ma. Marie và Ève đến ở nhờ tại nhà của Borel, còn Irène (con gái lớn) thì đến ở nhờ tại nhà Perrin, được bà Henriette Perrin trông nom. Nhưng nhà của Borel lại thuộc quyền sở hữu của Trường Cao Đẳng Sư Phạm (École Normale Supérieure) nên Émile Borel bị gọi đến Bộ giáo dục. Ông bộ trưởng giáo dục là Théodore Steeg cho biết Borel không được phép cho Marie Curie trú ngụ tại đó. Chuyện này phủ lên trường sư phạm một bóng tối. Nếu Borel cố giữ Marie trong nhà thì chính Borel sẽ bị đuổi khỏi đó. Nhưng Borel nhất định cố giữ Marie và đã làm mọi việc để được các cấp lãnh đạo chấp nhận. Để làm điều đó, Marguerite Borel đã dám đương đầu với trận cuồng phong của chính cha đẻ là Paul Appell, hiện đang là chủ nhiệm khoa khoa học của Đại học Sorbonne. Appell từng ủng hộ Marie trong việc bầu cử vào Viện Hàn Lâm Pháp, nhưng trước vụ tai tiếng Langevin, Appell không thể thông cảm với Marie Curie như bạn bè của bà. Appell đã đùng đùng nổi giận khi biết con gái và con rể tự nhiên dây vào vụ này và làm cho mọi việc càng thêm rắc rối. Ông hé lộ cho con gái biết ông sẽ cùng với một số nhân vật có uy tín khác đến gặp Marie để khuyên Marie nên rời khỏi nước Pháp, với lý do đơn giản là nếu bà tiếp tục ở lại Pháp thì sẽ bất ổn. Ông nói với Marguerite rằng ông đã làm mọi thứ cho Marie, đã ủng hộ Marie trong cuộc bầu cử vào Viện hàn lâm, nhưng không thể ngăn cản trận lụt đang nhấn chìm bà ấy. Nhưng Marguerite trả lời: “Nếu bố nhượng bộ cái phong trào dân tộc chủ nghĩa ngu xuẩn ấy và cố nài ép Marie nên rời khỏi nước Pháp thì bố sẽ không bao giờ nhìn thấy mặt con nữa”. Appell, lúc ấy đang xỏ chân vào giầy, nghe cô con gái nói vậy, liền nổi điên lên quăng luôn chiếc giầy về phía cô, trúng vào cánh cửa ra vào. Nhưng nhờ đó, ông cũng suy nghĩ lại, và cuộc gặp gỡ Marie để khuyên nhủ bà trở về BaLan đã không bao giờ xẩy ra. Chính vợ chồng Borel đã có công giữ lại cho nước Pháp một trong những nhà khoa học xuất chúng nhất, một người con ưu tú nhất!

         Còn Langevin – nạn nhân thứ hai trong vụ tai tiếng thì sao?

         Vì tiếp tục bị báo chí lăng mạ đến mức không thể chịu đựng được nữa, Langevin, một nhà vật lý xuất sắc của nước Pháp, cuối cùng đã phải có một quyết định bi thảm: Thách đấu súng với Gustave Téry, biên tập viên của tờ báo đã công bố những lá thư giữa ông và Marie.

         Đầu thế kỷ 20, truyền thống đấu súng của thế kỷ 19 vẫn là một cách thức được sử dụng khá phổ biến ở Pháp để giải quyết mâu thuẫn xung đột tay đôi. Tuy nhiên, điều này hầu như chưa bao giờ xẩy ra trong thế giới học thuật hàn lâm, vì thế vụ Langevin lại càng làm mọi người chú ý. Tình hình đó dẫn tới một cuộc xung đột ngay trong giới báo chí, một số báo bôi nhọ Marie và Langevin, một số lại bênh vực. Cuộc tranh luận này không tránh khỏi những lời nhạo báng lẫn nhau, thế là dẫn tới những cuộc thách đấu giữa một số nhà báo. Rất may là họ chỉ sử dụng kiếm và bằng lòng kết thúc khi một người chỉ cần đâm bị thương đối thủ mà thôi, thay vì đâm chết.

         Nhưng Langevin và Téry thì đấu súng thật sự. Khó khăn lắm Langevin mới kiếm được một trọng tài. Đó là ông Paul Painlevé, một nhà toán học sau này lên làm thủ tướng, và từng làm giám đốc Đại học vật lý và hoá học Paris. Cuộc đấu diễn ra vào buổi sáng ngày 25-11-1911, hai đối thủ đứng cách nhau 25m. Theo thủ tục, trọng tài sẽ đếm 1, 2, 3, hai bên sẽ nổ súng. Nhưng Painlevé, vốn là một người xưa nay chỉ biết sách vở, hết sức lạ lẫm với việc đấu súng, đã đếm quá nhanh đến nỗi Téry không kịp giơ súng lên, còn Langevin đã giơ súng lên nhưng không thấy đối thủ nâng súng nên cũng từ từ hạ súng xuống, không bắn. Kết quả là không có một viên đạn nào được bắn ra. Im lặng bao trùm trường đấu. Hai bên hình như suy nghĩ lại và thấy rằng không cần thiết phải như thế. Các nhà báo hôm đó tụ tập khá đông để theo dõi, ngơ ngác chứng kiến sự im lặng. Khi sức nặng của cái chết đè lên vai hai đối thủ, họ đồng ý với nhau chấm dứt cuộc đấu.

         Tin tức về những bức thư đã được công bố và về cuộc đấu súng dở dang đã đến với các nhà lành đạo Viện hàn lâm khoa học Thụy Điển. Họ rất lấy làm phiền lòng vì một mặt giải thưởng cho Marie đã được công bố, mặt khác vụ tai tiếng đưa họ đến thế khó ăn khó nói. Marie nhận được một bức thư của một đại diện của Viện hàn lâm là Svante Arrhenius, nói rằng cuộc đấu súng đã tạo nên ấn tượng cho rằng những chuyện báo chí làm om sòm là không sai. Ông đề nghị Marie gửi cho ông một bức điện để báo cho ông biết sẽ không đến dự lễ trao giải và viết một bức thư nói không muốn nhận giải thưởng đến chừng nào vụ tai tiếng Langevin chưa được chứng minh trước toà án rằng mọi điều cáo buộc là vô căn cứ.

         Trong tất cả những chuyện phiền toái gây ra từ vụ tai tiếng này, người bị tổn thương nhất là Marie. Nhưng bà không chấp nhận để mọi người muốn làm gì thì làm. Bà đã gửi thư cho Viện hàn lâm Thụy Điển dưới dạng một văn bản đầy đủ nghi thức, để nói với họ rằng bà đã được trao giải thưởng vì việc khám phá ra radium và polonium, và rằng bà không thể chấp nhận việc đánh giá giá trị của một công trình khoa học bị ảnh hưởng bởi một sự vu khống bỉ ổi liên quan đến đời tư của một nhà nghiên cứu.

         Ngày 06-12-1911, Langevin cũng viết một bức thư dài đến Svante Arrhenius, người mà ông đã quen biết từ trước. Ông đã mô tả lại toàn bộ sự việc, giải thích động cơ ẩn giấu đằng sau chiến dịch bôi nhọ này là cái gì. Ông kêu gọi Ủy ban Nobel đừng bị ảnh hưởng bởi chiến dịch bôi nhọ vô căn cứ đó. Cuối cùng, may mắn thay, ủy ban này đã không thay đổi quyết định của họ.

         Ngày 11-12-1911, Marie vẫn đến Stockholm để dự lễ trao giải thưởng. Bà đã đứng vững trên đôi chân của mình, cất lời dõng dạc đọc một diễn văn làm cử toạ cảm động, kể lại con đường khoa học đầy gian khổ nhưng vô cùng đẹp đẽ mà bà đã đi qua. Bằng những từ ngữ được chọn lựa một cách cẩn thận, có chủ ý và chắt lọc, bà không ngần ngại dùng chữ “tôi” để cho cử toạ thấy rõ những đóng góp của bà trong công trình hợp tác với Pierre Curie: “Tôi đã gọi hiện tượng đó là radioactivity (hiện tượng phóng xạ) … Tôi đã nêu giả thuyết cho rằng hiện tượng phóng xạ không phải là một tính chất thuộc về nguyên tử (mà thuộc về bên trong nguyên tử)”. Nhưng trong khi làm rõ phần đóng góp của mình, bà vẫn không quên nhắc đến công lao của chồng bà, bà tuyên bố: “Tôi coi đây đồng thời là một tặng thưởng dành cho cả chồng tôi, Pierre Curie”.

         Tuy nhiên, tất cả những cố gắng của Marie đã vắt kiệt sức lực của bà. Bà bị rơi vào tình trạng suy nhược nghiêm trọng. Ngày 29-12-1911 bà được đưa vào bệnh viện. Địa chỉ bệnh viện được giấu kín để khỏi bị quấy rầy. Khi bà tạm hồi phục, bà sang Anh để điều dưỡng tiếp tục. Nhà vật lý trị liệu Hertha Ayrton chăm sóc bà và giữ cho giới báo chí không đến làm phiền. Tròn một năm trôi qua bà mới thực sự bình phục để quay trở lại làm việc được như trước đây.

         Trong cuốn sách của mình, Marguerite Borel đã nhắc lại ý kiến của Jean Perrin, rằng “5 người chúng tôi đã đứng lên để bênh vực Marie chống lại cơn lở đất của những lời tục tĩu hèn hạ nhằm triệt hạ bà, nếu Marie phải trở về BaLan thì chúng ta sẽ mãi mãi phải chuốc lấy sự xấu hổ”. Năm người đó bao gồm vợ chồng Perrin, vợ chồng Borel và André Debierne.

         Cuối cùng vụ tai tiếng này đã không dẫn đến một thủ tục tố tụng nào. Cơn cuồng nộ chấm dứt vào ngày 23-11-1911 khi những đoạn trích thư từ giữa Langevin và Marie được công bố trên tờ L’Oeuvre, cho thấy không có bằng chứng nào để kết tội chống lại Marie. Vợ chồng Langevin cuối cùng cũng đã đi đến một dàn xếp ly dị vào ngày 09-12-1911 mà không nhắc gì đến Marie.

 

Hội nghị Solvay năm 1927, hiện diện những nhà vật lý giỏi nhất.

Marie Curie ngồi ở hàng ghế đầu, thứ 3 từ trái sang. sang.

 

         Xét cho cùng, thói ghen ghét đố kị trước một tài năng nổi trội âu cũng  là một căn bệnh thường tình của kẻ tầm thường. Chỉ có những tài năng lớn mới hiểu nhau. Điều này có thể thấy rõ qua bức thư Einstein gửi cho Marie khi vụ Langevin đang lên tới đỉnh điểm: Tôi cảm thấy cần phải nói với bà rằng tôi vô cùng ngưỡng mộ tinh thần của bà, nghị lực của bà và tính trung thực của bà. Tôi tự thấy mình may mắn vì đã được quen biết bà tại Bruxelles. Tôi luôn luôn biết ơn thế gian này vì có những con người như bà – cũng như Langevin – những con người chân thành làm cho bạn bè vui mừng hãnh diện. Nếu cái đám người thấp hèn ấy tiếp tục quấy rối bà, thì đơn giản xin bà hãy ngừng đọc những lời tầm thường của họ. Hãy để mặc cho những kẻ độc ác tráo trở bịa đặt ra những chuyện tầm thường đó[4].

 

         5] Đứng trên vai những người khổng lồ:

 

         Để phản biện John Gribbin, xin dẫn lời của chính Gribbin[5], thay cho một nhận định tổng quát về tầm vóc khoa học của Marie Curie:

         Khám phá vĩ đại trong công trình của Marie Curie về radium thực ra có 2 mặt: Trước hết nó chỉ ra rằng nguyên tử không phân chia được (dưới tác động của lực cơ học hoặc hoá học), rằng có những thứ đi ra từ nguyên tử: Những tia bí mật này thực ra là những hạt do nguyên tử phát ra, và trong quá trình đó nguyên tử biến thành một cái gì đó khác. Do đó chúng ta biết rằng nguyên tử, hoặc hạt nhân như hiện nay ta nói, tuy không thể phân chia nữa nhưng là một cái gì đó có thể bị biến đổi thành một cái gì khác. Điều này dẫn chúng ta tới những hiểu biết đầy đủ hơn về các kiểu phóng xạ hiện đại và cuối cùng là về phân rã hạt nhân, v.v. Nhưng vấn đề thực sự xẩy ra trong công trình này, và cái đã mở đường cho các nhà nghiên cứu khác, như Ernest Rutherford, là ở việc sử dụng chất liệu như một thứ công cụ, và đây mới là khía cạnh hấp dẫn nhất của câu chuyện. Ở đây, vợ chồng Curie đã khám phá ra hiện tượng phóng xạ, cô lập được một nguyên tố mới, tạo ra một khám phá gây ấn tượng sâu sắc vào thời đó, nhưng rồi bản thân vấn đề phóng xạ lại rất, rất quan trọng. Cái xẩy ra trong vật liệu phóng xạ là ở chỗ hạt nhân nguyên tử phóng ra một loại hạt được gọi là α (Alpha) và trong quá trình này nó biến một nguyên tố này thành một nguyên tố khác, đó chính là giấc mơ của các nhà giả kim thuật (alchemists). Rồi sau đó hạt alpha, một loại hạt cứng nhỏ bé nhưng chuyển động cực nhanh, giống như một viên đạn bé xíu, có thể được sử dụng như một máy thăm dò để bắn phá vào bên trong các nguyên tử khác, xem xem nó sẽ lấy cái gì ra khỏi nguyên tử, và rốt cuộc chúng làm vỡ nguyên tử ra sao. Đó là việc dùng các hạt để bắn phá các nguyên tử không bền vững để làm cho hạt nhân bị vỡ đôi ra và như thế là bạn đã gây ra hiện tượng phân rã hạt nhân.        Với nhận thức trên, bạn có thể nói rằng Marie Curie có thể được coi như bà mẹ của khoa học nguyên tử [6]. Công trình mà bà tiến hành đã trực tiếp dẫn tới công trình của Rutherford, rồi với việc làm vỡ nguyên tử và tới khoa học nguyên tử sau này. Đó là quá trình khởi đầu của vật lý hạt cơ bản hiện đại, trong đó người ta dùng vật này để bắn phá các vật khác để xem xem cái gì sẽ xuất hiện ở đầu ra, điều đó đã thực sự thúc đẩy vật lý thế kỷ 20 phát triển mạnh mẽ.

         Còn chính Melvyn Bragg, tác giả cuốn “On Giants’ Shoulders” thì kết luận: Chẳng có gì phải tranh cãi để thấy rằng với thời gian, công trình của Marie Curie sẽ được nhìn nhận trong một viễn cảnh nâng bà lên tầm những nhà khoa học mà John Gribbin gọi là “thực sự hạng nhất” (the very first rank). Nói cách khác, theo Melvyn Bragg, nếu hôm nay ai đó còn chưa thấy rõ tầm vóc “thực sự hạng nhất” của Marie Curie thì rồi thời gian sẽ cho thấy.

         Có lẽ cảm thấy nói như thế vẫn chưa đủ, Melvyn Bragg còn dẫn lời của Susan Quinn, một nhà nghiên cứu tiểu sử khoa học, rằng chẳng cần phải chờ đợi gì nữa, Marie Curie từ lâu đã thuộc lớp người “thực sự hạng nhất” rồi: Bà thuộc lớp người đứng trên vai những người khổng lồ từ lâu rồi!

 

                                                                  Sydney ngày 08-12-2008

 

                                                                        Phạm Việt Hưng

           

[1] Xem “On Giants’ Shoulders”, Melvyn Bragg, Sceptre, London, 1998, trang 270.

 

[2] Một phụ nữ khác là Sophie Berthelot cũng được chôn cất ở đó nhưng chỉ với tư cách vợ của nhà hoá học danh tiếng Marcelin Berthelot

[3] Nguyên văn trong quyết định của nhà nước Pháp về việc di dời mộ vợ chồng Curie về Panthéon.

[4] Xem “On Giants’ Shoulders”, trang 265.

[5] Xem “On Giants’ Shoulders”, trang 256.

[6] Nguyên văn: “... Marie Curie hầu như là bà mẹ của bom nguyên tử ...”. Xin chữa cụm từ “bom nguyên tử” của Gribbins thành “khoa học nguyên tử”, vì Marie Curie không thể chịu bất cứ một trách nhiệm nào trong dự án chế tạo bom nguyên tử sau này, xét theo bất cứ góc độ nào. 

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org    Phạm Việt Hưng