Phát hiện tình cờ bức xạ hóa thạch

Vietsciences-Trịnh Xuân Thuận-Phạm Văn Thiều        09/08/2004
   

Trong suốt hai mươi năm sau đây, không  một ai cất công tìm kiếm bức xạ hóa thạch, cái tiếng vọng thời sáng thế đó. Và những công trình của Gamow rơi vào quên  lãng. Chỉ tới năm 1965 ánh sáng hóa thạch mới được  phát hiện tình cở bởi hai nhà  vật lý thiên  văn Mỹ Arno Penzias và  Robert Wilson làm việc  tại các  phòng thí nghiệm của hãng điện thoại Bell.

 
 

Đây là một câu chuyện hay đáng được  kể lại. Mối quan tâm của Penzias và Wilson không  phải là  vấn đề về vũ trụ học. Trong  lúc đang  tìm kiếm để cải tiến sự truyền thông qua điện thoại, họ  muốn chế tạo một radar hoàn tiện nhất có thể được  nhằm bắt tốt các  tín hiệu từ Telstar, vệ tinh viễn thông đầu tiên. Ban đầu dự định này thực  hiện nhờ một radar Pháp. Nhưng  việc chế tạo radar đó bị chậm trễ. Ngày phóng Telstar đã tới gần  và các  nhà  lãnh đạo của hãng  Bell tỏ ra rất lo lắng. Để phòng  các radar của Pháp không kịp hoàn thành, họ  yêu cầu Penzias và Wilson xây dựng  một cái khác.  Rồi Telstar được  phóng  lên và  chiến radar của Pháp cũng hoàn thành đúng thời hạn nhưng  kính thiên  văn của Penzias  và  Wilson dù sao cũng có đóng góp. Nó cho phép thu được không chỉ các  tín hiệu của  Telstar mà cả  một bức xạ bí ẩn ở 3K. Ngay lập tức họ hiểu ra  rằng họ đã nghe thấy tiếng  nhạc vọng  về từ thời sáng thế. Sự chậm trễ của các kỹ sư Pháp đã dẫn tới sự phát hiện ra hòn tảng đá khác của lý thuyết Big Bang! Không có những  quan sát về chuyển động chạy trốn của  các thiên hà và ánh sáng  hóa thạch thì tòa nhà Big Bang cầm chắc sẽ sụp đổ.

Người ta có thể tự hỏi: có cần phải đợi tới hai chục năm mới có thể quan sát được một sự kiện có tầm quan trọng to lớn đến như thế hay không  và  tại sao sau sự chờ đợi qua dài đó nó lại được phát hiện một cách tình cờ như vậy. Lý do chắc không  phải ở chỗ thiếu các phương tiện kỹ thuật. Thực ra, khi các công trình của Gamow về Big Bang được công bố khoảng  vài năm sau Đại chiến thế giới lần thứ hai, ngành thiên  văn vô tuyến đã tiến bộ  rất nhiều nhờ những  phát triển về  radar trong  kỳ chiến tranh. Vì vậy , lý do thực của sự chậm trễ  ở đây có lẽ là  về mặt tâm lý. Big Bang đã mang  lại cho khái niệm sáng thế một cơ sở khoa học. Nhưng tôn giáo thì tỏ rõ ý định  của mình còn các  nhà  vật lý thị  lại khó chịu vô tình "quên" những  tiên đoán của Gamow.

© http://vietsciences.free.fr  Trịnh Xuân Thuận (Mélodie secrète)-Phạm Văn Thiều dịch (Giai điệu bí ẩn)