Jane Lưu

 

 

(VietNamNet) - Bên cạnh nhà thiên văn học bậc thầy Trịnh Xuân Thuận, GS Jane Lưu cũng nổi tiếng trong giới thiên văn học quốc tế do các phát hiện quan trọng của cô về Vành đai Kuiper. Chuyện về Jane Lưu là chuyện của "khi đã ước muốn điều gì thì... đừng có sợ"!

Vành đai Kuiper và "15760", "1996TL66”

Năm 1951, nhà thiên văn người Hà Lan Gerard Kuiper đã dự báo về sự tồn tại của một "vành đai" ở khoảng xa hơn cả Sao Hải Vương (Neptune) trong Thái Dương hệ. Tuy vậy, thời đó rất ít nhà khoa học hưởng ứng giả thuyết này của Kuiper, dù vẫn có nói đến "Vành đai Kuiper" (Kuiper Belt).

Vành đai Kuiper - chấm trắng và đỏ ở ngoài cùng.

Cho tới năm 1987, có một nữ nghiên cứu sinh năm thứ nhất tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) bắt tay nghiên cứu giả thuyết Vành đai Kuiper. "Mọi người khuyên chúng tôi đừng theo đuổi đề tài này, vì Vành đai Kuiper chỉ là một ý tưởng... bịp bợm. Họ khẳng định: Nghiên cứu Vành đai Kuiper thật vô vọng, vì sẽ chẳng bao giờ tìm thấy nó. Đơn giản vì... làm gì có cái vành đai ấy! " - cô kể. 

Mặc dù vậy, cô vẫn cùng với giáo sư hướng dẫn David Jewitt tiếp tục dốc tiền túi ra để nghiên cứu, gắn bó với đề tài này trong suốt năm năm liền. Cuối cùng, họ đã chứng minh những hoài nghi về Vành đai Kuiper là hoàn toàn sai lầm: Ngày 30/8/1992, tại Đà Thiên văn Mauna Kea ở Hawaii (Mỹ), họ đã phát hiện ra thiên thể đầu tiên của Vành đai Kuiper. Do cả hai đều là fan của nhà văn John Le Carre, họ gọi tên thiên thể này là "Smiley" theo tên nhân vật gián điệp trong tiểu thuyết của ông này. Tuy vậy, do trước đó Hiệp hội Thiên văn Quốc tế đã chấp thuận cái tên "Smiley" với một thiên thể khác ("1613 Smiley") nên mãi mãi thiên thể đầu tiên được phát hiện trong Vành đai Kuiper sẽ không có tên gọi mà chỉ mang ký hiệu "(15760) 1992 QB1".

Quan sát vũ trụ từ một kính thiên văn cao cấp của quốc tế.

Bất kể tên gọi là gì, sự kiện thiên thể "15760" được phát hiện đã khẳng định sự có mặt thật sự của Vành đai Kuiper ở rìa Thái Dương hệ. Từ đó, giới thiên văn học đổ xô vào nghiên cứu Vành đai Kuiper và tin rằng đó là nơi khởi nguồn của một số loại sao chổi, và là vật chất còn lại từ quá trình hình thành Thái Dương hệ. Cách Mặt trời khoảng bảy tỷ km, Vành đai Kuiper là vùng hình đĩa trải dài từ Sao Hải Vương ra phía ngoài, vượt qua cả Sao Diêm Vương (Pluto). Trong khoảng... 70.000 thiên thể được ước tính có mặt trong khoảng không gian vũ trụ ấy, tới nay chỉ mới có trên 60 thiên thể băng đá được nhìn thấy.

Như trong một... trò chơi ráp hình, giới thiên văn học quốc tế vẫn đang tiếp tục tìm kiếm để cố ráp dần từng mẩu nhỏ nhằm làm rõ dần "chân dung" Vành đai Kuiper. Trong tiến trình ấy, công lao đầu tiên của David Jewitt và người nữ tiến sĩ kia (sau năm năm, cô nghiên cứu sinh hồi nào đã hoàn thành xuất sắc luận văn tiến sĩ) được ghi nhận thật xứng đáng. Cô tiến sĩ trẻ còn được trao Giải thưởng "Annie J. Cannon" trong lĩnh vực thiên văn học. Đó là nữ tiến sĩ Jane Lưu, một người Mỹ gốc Việt.

Dàn máy tính cực mạnh tại Đài thiên văn - công cụ không thể thiếu để phân tích các dữ liệu và mô hình thiên văn.

Chưa chịu dừng lại với "15760", TS Jane Lưu tiếp tục nghiên cứu Vành đai Kuiper. Tháng 10/1996, tạp chí L’Événement du Jeudi (Pháp) loan tin: Hai nhà thiên văn học Jane Lưu (Trung tâm Thiên văn Smithsonian, thuộc Đại học Harvard), cùng David Jewitt (Đại học Hawaii) của Mỹ đã phát hiện tiếp một thiên thể di chuyển trên một quỹ đạo hình ê-lip rất dài. Thiên thể này đã nhanh chóng được ghi nhận vào danh mục của Hiệp hội Thiên văn Quốc tế với tên gọi “1996TL66”. Sau nhiều tháng tính toán, các kết quả nghiên cứu về nó đã được công bố trên tạp chí Nature nổi tiếng: Đó là một thiên thể thuộc Thái Dương hệ, sáng nhất kể từ sau khi các nhà khoa học khám phá Sao Diêm Vương vào năm 1930!

"1996TL66” được xem là một hành tinh mini, nằm cách Mặt trời khoảng 35-130 AU (AU - Astronomical Unit, đơn vị thiên văn; một AU bằng khoảng cách từ Trái đất đến Mặt trời - 149,6 triệu km), có đường kính khoảng 490km, khối lượng nhỏ hơn Trái đất khoảng 100.000 lần. Theo các nhà nghiên cứu, có tới 6.400 thiên thể như “1996TL66” đang di chuyển ngoài Vành đai Kuiper, trên các quỹ đạo rất dài và đồng tâm. Việc khám phá ra “1996TL66” và khả năng tồn tại nhiều hành tinh mini cho phép các nhà khoa học dự báo rằng có thể khối lượng tổng cộng của Thái Dương hệ đang tăng lên. Nói cách khác, dù hình thành cách đây 4,5 tỷ năm, Hệ Mặt trời vẫn có thể sản sinh một thế giới mới đáng kể hơn nhiều so với con người hình dung lâu nay...

"Bụi", máu mạo hiểm, và lao động của nhà thiên văn

Tháng 10/1995, tôi thật bất ngờ khi phát hiện cái “cô bé” mặc áo thun, váy ngắn và đeo chiếc ba lô màu đỏ khá “bụi”, đứng thập thò ngoài cửa hội trường Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật TP.HCM lại là... giáo sư Jane Lưu!

Ồ, Jane Lưu? Giáo sư trẻ quá! (Ảnh: Hữu Thiện)

“Bà” GS Jane Lưu mà GS Jean Trần Thanh Vân - giám đốc nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp (CNRS) đã đề nghị tôi "rất nên làm quen" đây sao?!

"Cô bé" này là một trong hai nhà thiên văn học đã “đếm” được 28 sao chổi lớn trong Vành đai Kuiper thật ư?

Xin lỗi, nhưng quả tình giữa hơn 200 nhà vật lý thiên văn và vật lý hạt cơ bản nổi tiếng từ 25 nước, mà hầu hết các mái tóc đều bạc trắng hay thuộc dạng "muối tiêu", đến Việt Nam dự cuộc “Gặp gỡ Việt Nam” lần II tổ chức ở TP.HCM năm ấy, trông GS Jane Lưu thật là… nhí!

- Ừ, ai thấy Hằng cũng ngạc nhiên vì giáo sư gì mà trẻ quá! - GS Jane Lưu, sau khi tự giới thiệu mình với tên Việt là Lưu Lệ Hằng, đã  cười hết cỡ mà… xí xóa cho tôi cái tội dám gọi giáo sư là “cô bé con”.

- Xin lỗi, vì giáo sư trông chẳng những "bé con" mà lại còn có vẻ "bụi" nữa... - tôi nói tiếp.

- "Bụi" ư? Ừ, kể cũng... đúng, tại tôi thích đi đây đi đó, thích mạo hiểm mà! - Jane Lưu lại cười.

Vậy rồi cuộc trao đổi giữa chúng tôi cứ thế boong đi... Bố và mẹ Lưu Lệ Hằng là người gốc Nam Định và Hải Phòng, lập nghiệp tại Sài Gòn, có nhà ở đường Triệu Đà, Quận 5. Hằng theo bố, mẹ rời Việt Nam lúc 12 tuổi khi đang là học sinh trường Fraternité (Bác Ái - nay là trụ sở của trường Cao đẳng Sư phạm TP.HCM) vào năm 1975…

Năm 1994, TS Jane Lưu được công nhận là giáo sư tại Khoa Thiên văn Đại học Harvard, và dĩ nhiên là một trong số giáo sư trẻ nhất của trường đại học nổi tiếng này ở Mỹ. Năm 1995, nhân sự kiện nhật thực toàn phần có thể được quan sát rõ nhất tại Việt Nam, lần đầu tiên cô đã trở về quê hương...

Đài thiên văn trên núi Cerro Tololo, ở Chile.

"Tôi đã đi khá nhiều nơi... " - Jane Lưu kể - "Còn nhớ hồi trẻ, tôi từng sang Nepal cho biết mà trong túi chẳng có bao nhiêu tiền. Cái "mẹo" của tôi là ghi danh làm tình nguyện viên của Tổ chức Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đến Nepal, sau đó tìm việc làm để ở lại thêm với chân giáo viên của tổ chức bảo trợ trẻ em "Save the Children", đến dạy học ở một làng quê. Khoảng một tháng sau, nhân cơ hội Tây Tạng mở cửa biên giới với Nepal, tôi lại sang Tây Tạng cho biết. Sau này, hầu như tôi còn có dịp đi khắp châu Âu...".

- Những chuyến đi ấy hẳn mang lại nhiều kỷ niệm và bài học quý? - tôi hỏi.

- Vâng, khi đến những chốn xa xôi - những nơi có không ít khó khăn trong đời sống, bạn buộc phải suy nghĩ thông minh và phải sống ở mức tối thiểu, với nhu cầu tối thiểu. Bạn cần một mái nhà, chút ít thực phẩm và nước để sống, nhưng bạn lại được gặp những con người tốt bụng sẵn sàng giúp bạn mọi thứ dù họ chẳng biết bạn là ai. Xét theo khía cạnh tiền bạc, những người tốt nhất không phải là những người giàu nhất nhưng họ thật sự rất hiếu khách. Nếu bạn gặp khó khăn, họ rất sẵn lòng giúp bạn... - TS Jane Lưu đáp.

- Trở lại chuyện... nhật thực với Ông Trăng, xin hỏi vì sao cô lại chọn ngành thiên văn học?

- Trong đời, chắc ai cũng nhiều lần nhìn lên trời và thấy… Ông Trăng đẹp. Tôi cũng vậy, nhưng hồi nhỏ cũng chỉ thích ngắm trăng sao chẳng khác gì mọi người. Cho đến một hôm, tại Mỹ, khi tham quan Phòng thí nghiệm Lực đẩy phản lực, tình cờ thấy nhiều hình rất đẹp do phi thuyền Voyager chụp các hành tinh, vậy là tôi... đi theo luôn, rồi lấy bằng tiến sĩ tại MIT...

- Lao động của một nhà thiên văn học là gì, thưa cô?

- Ồ, có đến... hai loại nhà thiên văn mà! Đó là các nhà quan sát và các nhà nghiên cứu lý thuyết.

Đài thiên văn Mauna Kea (Hawaii, Mỹ), nơi TS Jane Lưu thường lên núi ngắm sao...

Nhà nghiên cứu lý thuyết làm việc với các... lý thuyết, thu thập và tổ chức các dữ liệu. Dù chẳng đi nghiên cứu nơi hiện trường, họ sẽ đưa ra các dự báo và kiểm tra tính toán xem các dữ liệu có khẳng định được những dự báo ấy không.

Trong khi đó, các nhà quan sát thường xuyên sử dụng kính thiên văn và đi ra hiện trường để thu thập dữ liệu.

Cả hai loại nhà thiên văn này đều phân tích các dữ liệu rồi công bố, xuất bản các kết quả nghiên cứu. Tôi là một nhà quan sát, nên tôi dùng kính viễn vọng để thu thập dữ liệu...

Rồi TS Jane Lưu kể: Người ngoài nhìn vào, thấy nhà thiên văn ”cứ được đi du lịch hoài”. Tuy vậy, muốn đến làm việc ở một Đài thiên văn thì phải có kế hoạch đàng hoàng, phải được nhà trường duyệt và có kinh phí tài trợ nghiên cứu rồi đăng ký... giành chỗ với Đài để được xếp lịch trước hàng năm. Có một thời gian dài cả chục năm, cứ hai - ba tháng, cô GS trẻ Jane Lưu lại được đi một lần. Đi lên núi, vì muốn nghiên cứu thiên văn thì phải lên núi, vì cái nghề này nó vậy. Lên núi ngắm sao: Trên núi lửa đã tắt Mauna Kea ở Hawaii, Đài thiên văn có tới chín kính viễn vọng cao cấp. Và đi núi Hopkins ở bang Arizona (Mỹ). Hay thậm chí qua cả nước Chile, lên núi Cerro Tololo...

Thế nhưng chỉ có ở trong ngành mới hiểu cái cực của những chuyến đi ấy. Chỉ tính với Hawaii, Jane Lưu phải sang đó một năm ba lần, mỗi lần lên núi chừng bốn - năm đêm. Do núi Mauna Kea cao tới 4.000m, không khí trên đó loãng hơn so với bên dưới, nên đi bộ hay leo cầu thang cũng thấy mau mệt hơn... "Đêm đầu tiên là mệt nhất vì phải làm quen trở lại với độ cao, nên thường chúng tôi phải nghỉ để chuẩn bị cho các đêm sau. Mỗi đêm quan sát thường bắt đầu từ khoảng 17-18g, mùa hè thường bắt đầu trễ hơn. Chúng tôi quan sát, chụp ảnh các thiên thể, xem kết quả trên máy tính." - TS Jane Lưu kể - "Tới khoảng 2g sáng, chúng tôi thường tạm nghỉ một lát để sau đó tiếp tục công việc ít ra là tới 7g sáng. Sau đó, thu xếp máy móc, vật dụng và… ngủ. Trên Mauna Kea, do độ cao của nó nên thật tình rất khó ngủ ngon vì thiếu ô-xy. Giỏi lắm, chỉ chợp mắt được bốn - năm tiếng là cùng…".

"Đức kiên nhẫn sẽ giúp đi xa..."

Và cô “bật mí”: "Do đó, theo đuổi nghiên cứu thì cực lắm, dù không ai bắt làm việc nhiều nhưng một tuần làm việc cả bảy ngày, mỗi ngày tám tiếng vẫn không đủ. Mỗi năm, chỉ có thể thăm bố mẹ có hai lần vào dịp Giáng sinh và hè, mà có dạo liên tiếp mấy mùa Giáng sinh liền, tôi cứ phải đem việc về nhà bố, mẹ mà làm tiếp. Bố mẹ thì cứ nhắc… đi lấy chồng!".

- Thế sinh viên có... sợ cô giáo sư trẻ không?

- Chà! “Tụi nó” cũng sợ chứ, nhất là khi không hoàn thành kế hoạch, không chịu tự nghiên cứu. Nhưng cũng may là 90% sinh viên Harvard (nhất là dân thiên văn và vật lý thiên văn) được khen là chăm chỉ, nên Hằng cũng đỡ mệt. Tuy vậy, cứ hai - ba tuần lại phải gởi e-mail nhắc “tụi nó” phải viết, phải liên lạc và báo cáo kết quả với giáo sư...

- Quan niệm của cô về lao động? Nếu có lời khuyên với các bạn trẻ Việt Nam, cô sẽ nói gì?

- Tôi thích có việc làm tốt, hấp dẫn, và… không bao giờ hết việc, muốn làm gì là làm được. Nếu được có một lời tâm sự với các bạn trẻ, tôi chỉ nói thế này: Khi đã ước muốn điều gì thì... đừng có sợ, vì đã sợ thì sẽ không dám làm bất cứ thứ gì!

Cấu trúc bên trong Đài thiên văn Mauna Kea.

... Sau lần gặp gỡ ấy ở TP.HCM, thỉnh thoảng tôi có trao đổi e-mail với TS Jane Lưu khi cô đã về Mỹ. Tuy vậy, rất tiếc là khoảng lặng giữa các e-mail gởi sang và e-mail hồi âm có khi là rất dài. Những lúc đó, tôi cứ bụng bảo dạ rằng: "Chắc Jane Lưu lại lên núi ngắm sao...".

Rồi tôi được biết Jane Lưu đã lấy chồng - một nhà thiên văn học người Hà Lan tên Ronnie, sau chuyến gặp nhau ở Đại học Leiden tại Hà Lan, nơi có Khoa Thiên văn học lâu đời nhất ở châu Âu. Jane Lưu sang làm giáo sư ở Đại học Leiden (cô tự nhận tiếng Hà Lan của mình còn kém, nên chỉ có thể nghe sinh viên hỏi bằng tiếng Hà Lan và trả lời, giảng bài bằng... tiếng Mỹ).

Tiếc nhất là lúc hay tin TS Jane Lưu tuyên bố không làm giáo sư nữa. Cô rời Đại học Leiden để trở về Mỹ, nghiên cứu các thiết bị đo đạc vệ tinh nhân tạo ở Phòng thí nghiệm Lincoln - một trung tâm nghiên cứu thuộc MIT.

"Lao động nặng thì OK, nhưng giới học viện lại rất hạn chế. Tôi có vị trí giáo sư thường trực rất tốt, và mọi người nghĩ rằng tôi đã điên rồi khi rời ghế giáo sư. Tuy vậy, tôi rất vui và không muốn quay lại cuộc tranh đua quyết liệt trong giới học viện. Hồi còn làm nghiên cứu sinh, tôi chẳng phải lo toan gì về kinh phí tài trợ, chẳng phải lo lắng gì về chuyện leo lên các nấc thang sự nghiệp." - TS Jane Lưu tâm sự - "Hiện nay, tôi không còn đi quan sát ở các Đài thiên văn nữa, nhưng cuối cùng thế nào tôi cũng trở lại với thiên văn học!".

"Đức kiên nhẫn sẽ giúp bạn đi xa. Thông minh nổi bật luôn luôn là điều có lợi, song không phải ai trong chúng ta cũng được như vậy. Tôi nghĩ khi bạn quan tâm đến một vấn đề nào đó, bạn sẽ không thể ngừng suy nghĩ về nó, và rốt cuộc là bạn sẽ có được ý tưởng tốt. Có những người luôn có những ý tưởng tốt vào mỗi ngày, còn những người khác thậm chí điều này chỉ xuất hiện ở... mỗi năm. Khi ta có ý tưởng tốt, cần chọn lựa hành động và kiên nhẫn đeo bám để có thể thực hiện một vài trong số các ý tưởng đó." - Jane Lưu từng trả lời như vậy đối với câu hỏi về lời khuyên của cô với các bạn trẻ.

Vì vậy, tôi tin trong sự chọn lựa hiện nay của cô, sẽ có một ngày chúng ta nhận được tin: Jane Lưu lại lên núi ngắm sao!

Hữu Thiện

http://www.vnn.vn/khoahoc/2004/07/177856/

 

© http://vietsciences.free.fr