Tháng 7 - 2006

Tin đã đăng

 

Những điều ít biết về tia T

Thứ hai, 31/7/2006, 15:19 GMT+7

Lâu nay, người ta nói nhiều đến tia X giúp phát hiện xương gãy, hay sóng cực ngắn làm nóng cơ thể, mà ít biết tia T - một thành phần cũng thuộc phổ điện từ - có thể nhìn xuyên qua quần áo, xác định thuốc nổ và ma tuý, nhận diện khối u, thậm chí là khám phá vũ trụ.

Phổ điện từ trải dài từ sóng radio có bước sóng dài đến tia X và các tia gamma có bước sóng ngắn, năng lượng cao. Nằm giữa sóng cực ngắn (microwave) và tia X, ở vùng phổ ít được nghiên cứu nhất, là các tia T, hay bức xạ terahertz - loại bức xạ phổ biến nhất trong vũ trụ.

Ảnh tia T cho thấy vết xước trên chắn bùn của xe hơi, mà các loại ảnh thông thường không nhìn thấy. Ảnh: LiveScience

Nếu bạn chưa từng nghe nói về tia T, thì đó là bởi các nhà khoa học đã gặp khó khăn trong việc khai thác chúng. Mặc dù bài báo khoa học đầu tiên về vấn đề này được ấn bản từ năm 1890, nhưng đến tận bây giờ, người ta vẫn phải đối mặt với những thách thức trong việc nghiên cứu và phát triển những công nghệ giúp tạo ra, phát hiện và điều khiển tia T.

Với nhiều nguồn và các máy dò bức xạ terahertz hiệu quả hơn, các nhà nghiên cứu từ thập kỷ trước đã bắt đầu phát triển những bộ lọc và các máy tạo tia để điều khiển tia T.

"Ở thời điểm này công nghệ nói trên còn rất non trẻ. Terahertz hiện mới chỉ như tia X vào năm 1905", kỹ sư điện Daniel Mittleman, từ phòng thí nghiệm tia T ở Đại học Rice nhận xét.

Một người đàn ông quần áo chỉnh tề được chụp ảnh bởi chiếc camera sóng milimetric. Chú ý khẩu súng được giấu kỹ. Camera tia T được cho là tương tự nhưng mạnh hơn. Ảnh: LiveScience

Nhiều loại vật liệu thông dụng, như quần áo, chất dẻo và gỗ trở nên trong suốt dưới ảnh chụp terahertz. Ngoài ra, các vật liệu sẽ hấp thụ bức xạ này ở những tần số khác nhau, tuỳ vào mỗi loại. Dựa trên tần số hấp thụ - đặc điểm duy nhất giống như "dấu vân tay" - các nhà nghiên cứu có thể xác định được những loại chất nổ và ma tuý nào đó.

Chẳng hạn, một chiếc phong bì chứa chất bột màu trắng trông bí ẩn và có vẻ nguy hiểm với mắt thường. Nhưng với sự giúp đỡ của ảnh chụp tia T, nhân viên bưu điện có thể xác định ngay thứ bột này có chứa aspirin hay methamphetamine (một chất gây nghiện) hay không. Các khối thuốc nổ cũng sẽ dễ dàng được xác định dù đã giấu kỹ trong túi xách.

Công nghệ này cũng đang được sử dụng tại một số bệnh viện như là một công cụ chẩn đoán mới, không xâm lấm nhằm tìm kiếm những khối u. Kỹ thuật sẽ cắt giảm chi phí và các cơn đau như trong các công cụ chẩn đoán trước đây.

Trong khi đó, các nhà khoa học tại Đại học Liverpool, Anh, hy vọng có thể tiêu diệt những tế bào ung thư da bằng việc chiếu bức xạ terahertz. Các hãng sản xuất thuốc lá như Phillip Morris đang tìm kiếm những cách thức mới để sử dụng tia T trong việc kiểm soát chất lượng trong nhà máy. 

Tia T được sử dụng để chụp ảnh một chiếc lá khi bị khử nước và sau khi bổ sung nước. Ảnh: LiveScience

Các công ty dược cũng sử dụng những giải pháp công nghệ cao, điều chỉnh hàm lượng thuốc mà không cần đặt tay vào đó. Kỹ thuật chụp ảnh Terahertz thậm chí còn đo được độ dày của lớp vỏ áo bọc ngoài một viên thuốc.

Với sự giúp đỡ của một hệ thống chụp ảnh tia T, do công ty Picometrix có trụ sở tại Michigan chế tạo, NASA có thể phát hiện ra những khiếm khuyết nhỏ của lớp xốp cách nhiệt trên các tàu con thoi. Ngoài ra, tia T còn có nhiều ứng dụng thiên văn quan trọng khác. Đài quan sát vũ trụ Herschel, một vệ tinh dự kiến được phóng vào năm 2008 là phiên bản terahertz của kính thiên văn Hubble. Tại Chile, người ta cũng đang xây dựng trung tâm ALMA, sẽ theo dõi bước sóng terahertz với hy vọng phát hiện các vật thể trong giai đoạn nguyên thủy của vũ trụ.

T. An (theo LiveScience)

Phà mặt trời

Thứ tư, 19/7/2006, 11:36 GMT+7

Chậm chạp và mới chỉ dạo chơi thử trên một quãng ngắn, nhưng chiếc phà mặt trời Serpentine, theo nhà sáng chế, là phà chở khách hiện đại nhất ở Anh hiện nay.

Chiếc phà hoạt động bằng năng lượng mặt trời lớn nhất ở Anh đã ra mắt lần đầu tiên hôm thứ 3 vừa qua trên một chiếc hồ ở công viên Hyde, London, mở ra hy vọng cho tương lai của loại phương tiện vận chuyển bằng năng lượng mặt trời.

Chiếc phà mặt trời Serpentine. Ảnh: Discovery

Phà Serpentine, vận hành hoàn toàn bằng điện mặt trời - dạo chơi với tốc độ 8 km/giờ và chở theo 42 hành khách.

"Đây là hệ thống giao thông vận tải tuyến ngắn có công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay", nhà thiết kế Christoph Behling, cũng là người đã thiết kế chiếc thuyền mặt trời lớn nhất ở Hamburg, Đức, cho biết.

"Nó được làm toàn bộ bằng thép không gỉ, giúp cho con thuyền không bị già nua", Behling nói. Phương tiện dài 14 mét này có 27 tấm pin mặt trời trên mái, và năng lượng sinh ra đủ để giúp nó chạy trên hồ. Phạm vi tối đa cho một hành trình là 132 km.

Con thuyền cũng hầu như không thải ra chất ô nhiễm nào trên chuyến đi bởi nó có hai động cơ yên lặng, nghĩa là không thải ra carbon. Ngay cả trong những ngày mưa, âm u rất thường thấy ở London, Behling cho rằng vẫn có đủ năng lượng mặt trời giúp nó hoạt động.

Chi phí chế tạo Serpentine khoảng 421.000 đôla, nhiều hơn 20% so với một con thuyền diesel cùng kích cỡ.

Hiện tại, Behling đang chế tạo một chiếc phà chạy bằng năng lượng mặt trời có thể chở tới 300 hành khách để chạy trên sông Thames, và hy vọng sẽ ra mắt vào năm 2008.

T. An (theo AP)

 

Tìm hiểu về bệnh giun đường ruột

2006.07.21

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Báo chí trong nước vừa đăng tải kết quả khảo sát của Viện Sốt rét-ký sinh trùng-côn trùng Trung Ương ước tính ở Việt Nam có khoảng 60 triệu người bị nhiễm giun đũa. Những người mắc phải những loại giun ký sinh khác cũng lên đến con số hàng chục triệu.

Photo courtesy health.vn.vn

Các bệnh về giun đường ruột gây ra những tác hại như thế nào đối với sức khoẻ con người? Phương pháp phòng ngừa và điều trị ra sao? Qua cuộc trao đổi với Trà Mi, bác sĩ Đăng, chuyên môn tiêu hoá và ký sinh trùng trong nước cho biết.

Bác sĩ Đăng: Các bệnh về giun đường ruột rất phổ biến ở Việt Nam, chui vào cơ thể qua con đường tiêu hoá, từ miệng hoặc hậu môn. Đường lây chính là từ các thức ăn không được nấu chín hay trước khi ăn không rửa tay sạch. Đường lây thứ hai là qua da.

Trà Mi: Những triệu chứng giúp có thể nhận biết bị nhiễm giun ra sao?

Bác sĩ Đăng: Đôi lúc người ta không có triệu chứng gì cả, phát hiện tình cờ thấy giun trong phân khi đi tiêu, hoặc xét nghiệm phân thấy ký sinh trùng. Biểu hiện thứ hai hay gặp nhất là bị đau bụng, ói mửa, tiêu chảy, hay biểu hiện giống dị ứng ngứa nổi mề đay.

Khi giun đi lạc vào những cơ quan nội tạng khác của bệnh nhân, người bệnh sẽ bị đau bụng dữ dội gây tắc đường mật, vàng da, hoặc viêm ruột, thủng ruột…

Hay gặp nhất, đặc biệt là ở trẻ em, khi ăn thức ăn vào, giun sẽ ăn hết, gây ra trường hợp trẻ bị suy dinh dữơng. Ở người lớn đa số hay gặp triệu chứng đau bụng. Nếu bị nhiễm nhiều giun sẽ xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng như giun chui ống mật, tắc mật do giun, hoặc tạo ra sỏi mật, hoặc viêm túi mật do giun. Các ấu trùng của giun di chuyển có thể lên não, lên mắt, tuy trường hợp này ít hơn.

Bác sĩ Đăng

Trà Mi: Xin bác sĩ trình bày rõ hơn về mức độ tổn thương khi bệnh nhân nhiễm phải các loại giun ký sinh này, chúng gây ra những tác hại như thế nào đối với người bệnh?

Bác sĩ Đăng: Hay gặp nhất, đặc biệt là ở trẻ em, khi ăn thức ăn vào, giun sẽ ăn hết, gây ra trường hợp trẻ bị suy dinh dưỡng. Ở người lớn đa số hay gặp triệu chứng đau bụng. Nếu bị nhiễm nhiều giun sẽ xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng như giun chui ống mật, tắc mật do giun, hoặc tạo ra sỏi mật, hoặc viêm túi mật do giun. Các ấu trùng của giun di chuyển có thể lên não, lên mắt, tuy trường hợp này ít hơn.

Trà Mi: Xin hỏi bác sĩ hiện nay ở Việt Nam có khu vực nào đặc biệt ghi nhận tỷ lệ nhiễm giun ký sinh cao?

Bác sĩ Đăng: Người dân khu vực nông thôn chiếm đa số, gần 90% vì các điều kiện vệ sinh kém, người dân chưa hiểu biết nhận thức về bệnh nhiều. Hơn nữa, bà con nông dân làm ruộng đi chân đất nhiều dễ bị giun móc . Cho nên chúng tôi khuyên là mỗi ba đến saú tháng bà con nên sổ giun định kỳ….

Trà Mi: Xin bác sĩ cho biết các phương pháp điều trị bệnh giun đường ruột hiện nay ở Việt Nam? Có cách chữa trị hữu hiệu hay không?

Bác sĩ Đăng: Trước đây ở Việt Nam bệnh giun đũa gây biến chứng như sỏi mật, tắc mật …rất nhiều, nhưng 10 trở lại đây, dân chúng được tuyên truyền về phương cách phòng bệnh sổ giun định kỳ mỗi 3-6 tháng nên biến chứng này hiện giờ mặc dù vẫn còn nhưng ít gặp hơn.

Thông thường phương pháp điều trị những loại giun đường ruột rất đơn giản. Đó là sử dụng các loại thuốc giun để trị. Hiện nay có một số thuốc giun sán đang được sử dụng phổ biến có hiệu quả trong điều trị những loại giun tóc, giun đũa, giun móc cùng một lúc, ví dụ như mebendazole liều 0,5g, mỗi ngày một viên; hoặc là albedazole 0,4g một ngày một viên đều diệt tất cả các loại giun này cùng một lúc. Sau đó 2 tuần nên sổ lại để diệt những ấu trùng của chúng. Như vậy, trong một chu kỳ hầu như diệt được các loại giun ký sinh này hoàn toàn.

Vấn đề tái phát bệnh hay không là tuỳ thuộc mỗi người. Ở Việt Nam người ta hay bị tái lại sau khi điều trị là do chế độ ăn rau sống không được rửa sạch hay khử vô trùng thì dễ bị nhiễm trứng giun nằm trong rau, hoặc trước khi ăn uống không rửa tay sạch sẽ. Ruồi muỗi cũng là một con đường truyền bệnh, khiến bệnh tái phát nhiều.

Trà Mi: Hai loại thuốc bác sĩ vừa nhắc tới, bệnh nhân có thể tự ra nhà thuốc mua về điều trị hay cần có toa bác sĩ?

Bác sĩ Đăng: Bệnh nhân có thể tự mua điều trị, cứ 6 tháng sổ một lần.

Đặc biệt lưu ý là các đối tượng bị tiền căn sỏi mật. Những người này phải sổ giun mỗi ba tháng để tránh các biến chứng của bệnh giun đường ruột như nguy cơ giun đường ruột có thể chui lên đường mật.

Bác sĩ Đăng

Trà Mi: Những đối tượng nào đặc biệt lưu ý nên sổ giun theo định kỳ, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Đăng: Đặc biệt lưu ý là các đối tượng bị tiền căn sỏi mật. Những người này phải sổ giun mỗi ba tháng để tránh các biến chứng của bệnh giun đường ruột như nguy cơ giun đường ruột có thể chui lên đường mật.

Đối với những người bình thường kể cả người lớn và trẻ em thì mỗi 6 tháng nên sổ, nhất là ở các nước đang phát triển chưa đạt tiêu chuẩn về vệ sinh như Việt Nam mình. Trẻ em trên 2 tuổi uống liều giống người lớn.

Trà Mi: Xin bác sĩ một vài lời khuyên giúp phòng ngừa các bệnh về giun ký sinh?

Bác sĩ Đăng: Phải lưu ý giữ gìn vệ sinh môi trường sống, giữ gìn vệ sinh cá nhân, ăn chín uống sôi, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn uống, không nên đi chân đất. Những người bị sỏi mật nên sổ giun định kỳ mỗi 3 tháng. Người khoẻ mạnh cũng nên sổ giun mỗi 6 tháng.

Nếu bệnh nhân có những biểu hiện triệu chứng khác thường nên đến bác sĩ vì các loại thuốc sổ giun thông thường chỉ nên được sử dụng cho những bệnh nhân chưa có triệu chứng. Đối với những người đã có những triệu chứng thì không thể tự điều trị mà phải có sự hướng dẫn của bác sĩ.

Trà Mi: Uống thuốc sổ giun trong một thời gian lâu dài có gây ra những tác dụng phụ nào không, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Đăng: Tác dụng phụ rất ít và không đáng kể mà trên thuốc cũng có ghi rõ ví dụ như loại thuốc albedazole có thể gây buồn nôn, chóng mặt, ít khi gặp sốc phản vệ. Đối với thuốc mebendazole thì ảnh hưởng đến men gan một ít.

Một điều quan trọng là đa số người Việt Nam hiểu rằng bệnh giun sán là chỉ trong đường ruột. Còn các loại bệnh giun sán trong các cơ quan nội tạng như giun đũa chói, sán lá phổi, sán lá gan chẳng hạn, những bệnh này rất hay gặp, rất nguy hiểm, nhưng người dân lại rất ít để ý, nên dẫn đến các biến chứng hết sức nặng nề. Và đường lây truyền chính của tất cả các loại giun sán là qua đường tiêu hoá, bởi những thực phẩm bị nhiễm ấu trùng giun, các loại thức ăn không được nấu chính hoặc rau sống.

Bác sĩ Đăng

Các loại thuốc trị giun thông dụng ở Việt Nam thường không mắc lắm, trung bình từ 1-2 ngàn đồng/viên.

Trà Mi: Nhiều người ở vùng nông thôn không có điều kiện mua thuốc sổ giun định kỳ, xin hỏi bác sĩ ở Việt Nam có những chương trình sức khoẻ cộng đồng phát thuốc miễn phí cho bà con nghèo hay không?

Bác sĩ Đăng: Thỉnh thoảng có, nhưng không đồng bộ. Đó là những chương trình mang tính từ thiện do các tổ chức từ thiện tài trợ, chứ hoàn toàn không có một chương trình đồng loạt cho tất cả mọi nơi. Vì vậy, ai có kiến thức hiểu biết thì tự mua thuốc, còn ai không biết thì nhiều khi chịu hậu quả khôn lường.

Một điều quan trọng là đa số người Việt Nam hiểu rằng bệnh giun sán là chỉ trong đường ruột. Còn các loại bệnh giun sán trong các cơ quan nội tạng như giun đũa chói, sán lá phổi, sán lá gan chẳng hạn, những bệnh này rất hay gặp, rất nguy hiểm, nhưng người dân lại rất ít để ý, nên dẫn đến các biến chứng hết sức nặng nề. Và đường lây truyền chính của tất cả các loại giun sán là qua đường tiêu hoá, bởi những thực phẩm bị nhiễm ấu trùng giun, các loại thức ăn không được nấu chính hoặc rau sống.

Đối với các trường hợp như sán lá gan hay các loại sán khác, việc người dân tự mua thuốc tự điều trị sẽ không mang lại hiệu quả vì những bệnh này đòi hỏi liều thuốc rất cao.

Ví như dịch sán lá gan lớn đang diễn ra tại miền Trung, hiện nay Việt Nam mình chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, phải dùng thuốc nhập do Tổ chức y tế thế giới viện trợ với số lượng có hạn. Những loại thuốc này phải được bác sĩ trực tiếp hướng dẫn, theo dõi điều trị.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn thời gian và những thông tin bổ ích bác sĩ dành cho chương trình hôm nay.

Chương trình này chỉ nhằm cung cấp kiến thức tổng quát về sức khoẻ. Cho các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc trực tiếp với bác sĩ cuả quí vị để được thăm khám trực tiếp.

 

 

Thứ sáu, 21/7/2006, 14:21 GMT+7

Dường như ta đã thấy...

Ảnh: iStockphoto

Các nhà nghiên cứu tin rằng đã tìm ra chìa khóa của hiện tượng déjà vu (đã thấy rồi - một cảm giác kỳ quặc khi ai đó nghĩ rằng dường như đã thấy cái này ở đâu rồi.)

Các thí nghiệm cho thấy déjà vu có thể được tạo ra một cách độc lập mà không cần có ký ức thật khơi gợi. Việc nhận ra một khung cảnh và vật thể quen thuộc được cho là để giải phóng 2 quá trình trong não.

Đầu tiên, bộ não rà soát qua kho ký ức để tìm hiểu nội dung khung cảnh đã được quan sát trước đó hay không. Nếu có, một phần độc lập trong não sẽ nhận dạng khung cảnh hoặc vật thể tương tự.

Để kiểm chứng giả thuyết này, nhóm nghiên cứu tại Đại học Leeds ở Anh đã cho những tình nguyện viên xem qua 24 từ thông dụng, rồi thôi miên họ.

Những người bị thôi miên này sẽ được "tiêm" vào đầu rằng khi họ nhìn thấy một từ trong khung đỏ, họ sẽ cảm thấy từ này quen thuộc, mặc dù họ không nhớ nhìn thấy lần cuối khi nào.

Nhưng khi họ nhìn thấy một từ trong khung xanh, họ sẽ nghĩ rằng từ này thuộc danh sách 24 từ gốc.

Những người tham gia sau đó được hồi tỉnh và xem một loạt các từ trong những khung màu khác nhau. Một số từ không nằm trong danh sách cũ và được gắn khung đỏ hoặc xanh.

10 trong số tình nguyện viên cho biết họ có cảm giác kỳ lạ khi nhìn thấy từ lạ trong khung đỏ, 5 người khác cho biết cảm giác này chính xác là déjà vu.

Nhà nghiên cứu Akira O'Connor cho biết kết quả đã làm hé lộ nguyên nhân của hiện tượng déjà vu và cơ chế làm việc của ký ức con người. "Nó cho thấy có thể phân tách 2 quá trình này và tạo nên được hiện tượng déjà vu", O'Connor phát biểu.

Nghiên cứu trước cho thấy déjà vu có thể bắt nguồn từ phần não gọi là thuỳ thái dương. Một số người bị động kinh ở thùy thái dương thường xuyên có hiện tượng déjà vu. Các nhà khoa học Pháp cũng tìm thấy kích thích điện vùng thuỳ thái dương có thể tạo ra cảm giác quen thuộc với mọi thứ mà người ta gặp.

M.T. (theo AFP)

 

Châu Phi và Ảrập đang tách rời

Thứ sáu, 21/7/2006, 08:00 GMT+7
Vết nứt rộng 8m. Ảnh: BBC

Hai mảng thạch quyển khổng lồ hình thành nên châu Phi và Ảrập đang ngày càng rời xa nhau.

Đó là kết quả nghiên cứu do nhóm các nhà địa chất quốc tế rút ra từ việc quan sát một trận động đất và phun trào núi lửa ở Ethiopia vào tháng 9/2005.

Kết quả của sự tách rời lâu dài này là phần đông bắc của Ethiopia và Eritrea sẽ bị xé ra khỏi châu Phi và cuối cùng hình thành nên một vùng biển mới rộng lớn.

Trận động đất, nằm trong sa mạc Afar tại điểm cuối phía nam của Hồng Hải, mang lại ít chất liệu núi lửa nhưng lại có ý nghĩa to lớn xét về sự di chuyển địa chất.

Dựa vào những hình ảnh do vệ tinh Envisats của Cơ quan hàng không châu Âu cung cấp, các nhà địa chất đã có được cái nhìn đầu tiên về sự kiện. Một đoạn gãy đứt rộng 8 mét đã hình thành tại khối núi lửa Dabbahu tại Afar chỉ trong vòng 3 tuần và ngay lập tức được lấp bằng những khối đá nấu chảy.

Sự dịch chuyển đã làm xáo trộn những mảnh ghép tạo nên hệ thống nứt rạn tại Đông Phi - hệ thống hình chữ Y với gốc là thung lũng Great Rift và 2 nhánh là Hồng Hải và vịnh Aden.

Quá trình đứt gãy đã diễn ra trong 30 triệu năm và sẽ còn mất hàng triệu năm nữa để kết thúc. Đây là đoạn nứt gãy lớn nhất từng được quan sát tới nay.

M.T. (theo AFP)

 

Tìm thấy nơi sinh của hoàng đế La Mã Augustus

Thứ năm, 20/7/2006, 16:32 GMT+7

 

Hoàng đế đầu tiên của La Mã. Ảnh: wright

Một nhóm các nhà khảo cổ hôm qua tuyên bố đã phát hiện ra một phần của toà nhà mà họ tin rằng là nơi chào đời của vị hoàng đế đầu tiên của thành Rome - Augustus.

Nhà khảo cổ đứng đầu Clementina Panella cho biết nhóm đã đào được một phần hành lang và những mảnh vỡ tại toà nhà trên đồi Palatine, Rome, nơi được miêu tả là một ngôi nhà quý tộc rất cổ đại.

Panella cho biết bà vẫn chưa chắc ngôi nhà có phải là nơi mà Augustus đã sinh ra vào năm 63 trước Công nguyên hay không, nhưng dựa trên các văn bản lịch sử và những gì tìm thấy gần đó, thì vị hoàng đế đặc biệt thích nơi này.

Các cuộc khai quật tại Palatine trong những thập kỷ gần đây đã làm lộ ra những công trình hoành tráng, chẳng hạn như ngôi nhà khác của Augustus, bao gồm 2 căn phòng với những bức hoạ tường lộng lẫy gồm nhiều nhân vật đeo mặt nạ và các cành cây thông.

Panella cho biết có ít nhất 2 ngôi nhà tại Palatine mà vị hoàng đế từng sống. Phần lớn vẫn còn chìm giấu trong những con đường hầm dưới đất.

M.T. (theo AP)

Địa vị xã hội ảnh hưởng tới sự lão hoá

Thứ năm, 20/7/2006, 11:32 GMT+7

Ảnh: pfizer

Những người ở tầng lớp xã hội thấp sẽ già hơn về mặt sinh học so với những ai thuộc tầng lớp trên.

Một nghiên cứu trên 1.552 tình nguyện viên cho thấy địa vị thấp trong xã hội có thể gia tăng quá trình lão hoá lên tới 7 năm.

Nhóm nghiên cứu tại Mỹ và Anh đã phân tích những đoạn ADN chủ chốt gọi là telomere có liên quan tới tuổi già sinh học.

Địa vị xã hội kinh tế đã được biết đến là có ảnh hưởng to lớn tới sức khoẻ và địa vị thấp có liên quan tới sự gia tăng nguy cơ mắc một số bệnh, giảm tuổi thọ và tăng khả năng tử vong ở trẻ sơ sinh.

Nhưng nghiên cứu này còn cho thấy nó ảnh hưởng tới cả quá trình lão hoá. Nhóm đã so sánh địa vị xã hội của những người tham gia với chiều dài trung bình của telomere.

Telomere là những đoạn ADN lặp lại nằm ở cuối các nhiễm sắc thể, bảo vệ chúng khỏi bị hư hỏng. Khi mọi người già đi, telomere của họ sẽ ngày càng ngắn đi, khiến tế bào dễ bị tổn thương và chết - nguyên nhân của tuổi già và bệnh tật. Do đó, chiều dài của telomere được coi là dấu hiệu của tuổi già sinh học.

Ở độ tuổi trung bình 46 của phụ nữ, nhóm tìm thấy sự khác biệt giữa chiều dài telomere của những người làm lao động chân tay - thuộc tầng lớp xã hội thấp - với nhóm lao động trí óc - tầng lớp xã hội cao - là tương đương với 7 năm sinh học.

Để chắc chắn kết quả không phải do yếu tố di truyền, nhóm đã tìm hiểu 17 cặp song sinh cùng trứng, bắt đầu cuộc sống với cùng một đẳng cấp, nhưng trưởng thành trong những nhóm xã hội khác nhau.

Họ tìm thấy, telomere của nhóm thuộc tầng lớp xã hội cao dài hơn hẳn so với những ai thuộc tầng lớp xã hội thấp - tương đương tới 9 năm sinh học.

Giáo sư Tim Spector, tác giả nghiên cứu tại Bệnh viện St Thomas, London, phát biểu: "Chúng tôi tìm thấy địa vị xã hội không chỉ ảnh hưởng tới sức khoẻ và bệnh tật mà còn tác động tới cả quá trình lão hoá. Nguyên nhân có thể là do nó liên quan tới stress ở những người thuộc địa vị xã hội thấp".

"Sự căng thẳng trong nghề nghiệp, sự không công bằng trong thưởng phạt, lòng tự trọng và sự căng thẳng do có quá nhiều mặt trong cuộc sống mà không thể kiểm soát có thể gây tác động to lớn hơn chúng ta tưởng".

Điều này gây ảnh hưởng sinh lý tới cơ thể, khiến tế bào phân chia nhanh chóng và giảm chiều dài của telomere, kết quả là già nhanh.

M.T. (theo BBC)

 

Nước Anh từng có 'chế độ Apartheid'

Thứ tư, 19/7/2006, 10:09 GMT+7

 

Các báu vật của người Anglo-Saxon cho thấy họ là một thế lực về kinh tế. Ảnh: BBC

Một xã hội phân biệt chủng tộc từng tồn tại ở đầu thời kỳ Anglo-Saxon ở Anh, các nhà nghiên cứu phỏng đoán. Theo họ, một quần thể nhỏ dân di cư từ Đức, Hà Lan và Đan Mạch đã tạo nên xã hội phân biệt này khi đặt chân tới quốc đảo sương mù.

Các nhà nghiên cứu cho rằng những người nhập cư đã làm thay đổi hệ gene của dân địa phương bằng cách sử dụng các lợi thế về kinh tế để phát tán vào quần thể dân bản địa. Điều này có thể lý giải cho sự xuất hiện khá phong phú của các gene Đức ở đàn ông nước Anh ngày nay.

Các nghiên cứu tiết lộ nguồn gene của quần thể người Anh ngày nay chứa từ 50 đến 100% nhiễm sắc thể Y của người Đức.

Song sự áp đảo này đã làm các chuyên gia lúng túng bởi một số bằng chứng về sử học và khảo cổ chỉ cho thấy một lượng khá nhỏ người nhập cư Anglo-Saxon (khoảng 10.000 - 20.000 người) tới Anh vào giữa thế kỷ 5-7 sau công nguyên, so với khoảng 2 triệu người bản địa.

Để hiểu được điều gì xảy ra trong thời kỳ đó, các nhà khoa học Anh đã sử dụng máy tính để mô hình hoá những thay đổi trong bộ gene khi có sự xuất hiện một nhóm nhỏ dân nhập cư.

Họ cũng sử dụng bằng chứng lịch sử cho rằng người Anh bản địa khi đó đang ở vào thế bất lợi về mặt xã hội và kinh tế so với người nhập cư Anglo-Saxon. Điều này, theo họ, có thể đã dẫn tới sự mất cân bằng về sinh sản, gây chia rẽ dân tộc.

Tiến sĩ Mark Thomas, một tác giả của nghiên cứu từ Đại học Tổng hợp London, cho biết: "Chúng tôi phát hiện thấy người Anglo-Saxon đã truyền bá nền văn hoá và bộ gene vào người Anh bản địa chỉ trong vài trăm năm".

"Một bộ phận nhỏ dân di cư Anglo-Saxon có thể đã nhanh chóng xác lập được vị thế của mình bằng cách có nhiều con sống đến trưởng thành hơn, nhờ có sức mạnh quân sự và ưu thế về kinh tế", Thomas nói.

"Chúng tôi tin rằng họ cũng ngăn cản bộ gene Anh bản địa phát tán vào quần thể của mình bằng cách hạn chế những cuộc hôn nhân liên chủng tộc trong một hệ thống Apartheid. Đó chính là những gì chúng ta thấy ngày nay - một quần thể với phần lớn có nguồn gene Đức, nói thứ tiếng Đức là chính".

T. An (theo BBC)

 

Công nghệ phát hiện vật thể lạ trong người bệnh

Thứ ba, 18/7/2006, 17:42 GMT+7

Ảnh: iStockphoto

Các bác sĩ phẫu thuật có thể sử dụng công nghệ nhận dạng bằng tần số radio (RFID) để phát hiện những miếng bông gạc bỏ quên trong cơ thể bệnh nhân.

Các nhà nghiên cứu tại Trường y tế Stanford, Anh, đã thử nghiệm bằng cách cố tình để quên những miếng gạc gắn thẻ RFID trong 8 bệnh nhân phẫu thuật vùng bụng hoặc xương chậu.

Các bác sĩ và y tá sau đó lướt qua lướt lại trên người bệnh nhân một thiết bị nhận dạng. Thiết bị này sẽ phát tiếng kêu khi phát hiện thấy miếng bông gạc.

Kết quả cho thấy lần nào thiết bị cũng phát hiện ra đúng miếng bông gắn thẻ RFID. Tuy vậy, các nhà nghiên cứu cho biết thiết bị vẫn có thể bị sai nếu vẫy quá xa cơ thể hoặc không quét đúng bộ phận của cơ thể.

Alex Macario, bác sĩ gây mê đứng đầu nghiên cứu, cho biết tương lai sẽ chứng kiến sự kết hợp giữa thẻ nhận dạng với các kỹ thuật khác như đếm dụng cụ và bông gạc trước và sau cuộc phẫu thuật.

Nghiên cứu trước tìm thấy các nhân viên y tế bỏ quên vật thể lạ, hầu hết là bông gạc, trong cơ thể bệnh nhân cứ 1 trên 10.000 ca phẫu thuật, gây nên những biến chứng thậm chí là tử vong.

Thẻ nhận dạng RFID được sử dụng phổ biến để theo dõi hành lý và ngăn ngừa tiền tệ bị làm giả hay ngăn chặn trộm cắp.

M.T. (theo ABC Online)

 

Discovery hạ cánh an toàn

Thứ ba, 18/7/2006, 09:25 GMT+7

Tàu con thoi Discovery đã trở về trái đất mang theo 6 phi hành gia khoẻ mạnh sau 13 ngày lên làm việc tại Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).

Con tàu chạm đất tại sân bay vũ trụ Kennedy ở Florida, Mỹ đêm qua (giờ Hà Nội). NASA hy vọng sự thành công của chuyến bay sẽ gạt bỏ những nghi ngờ về tính an toàn của chương trình tàu con thoi.

Discovery trở về nhà an toàn. Ảnh: BBC

Đây là chuyến bay thứ hai của loạt tàu con thoi Mỹ kể từ sau thảm hoạ của tàu Columbia, làm chết 7 nhà du hành vào năm 2003.

Con tàu đã để lại một phi hành gia trên trạm - nhà du hành Đức Thomas Reiter sẽ phục vụ tại đây 6 tháng nữa mới trở về mặt đất.

Các chuyên gia cho biết, thảm họa Columbia là do một mảnh xốp cách nhiệt bung ra từ bồn nhiên liệu ngoài đã va vào cánh tàu trong quá trình phóng lên, kéo theo những phản ứng dây chuyền dẫn đến thảm họa. Chính vì vậy, lớp cách nhiệt của Discovery đã được kiểm tra kỹ ngay sau khi phóng cũng như trước khi trở lại trái đất. Các nhà du hành đã sử dụng một hệ thống laser và camera để kiểm tra toàn thể mũi và thân tàu.

Phi hành đoàn của Discovery đã thực hiện 3 chuyến đi bộ ngoài khoảng không, trong đó có việc sửa chữa trên ISS - công việc rất quan trọng để bắt đầu lại việc xây dựng trên trạm.

Trước khi loạt tàu con thoi nghỉ hưu vào năm 2010, NASA hy vọng sẽ thực hiện thêm nhiều chuyến bay nữa, nhằm mục tiêu hoàn tất công việc trên ISS. Nếu chương trình tàu con thoi tiếp tục trong tháng tới, phi thuyền cất cánh sẽ là Atlantis. 

T. An (theo BBC)

 

Phi cơ chạy bằng pin cất cánh thành công

Thứ ba, 18/7/2006, 08:50 GMT+7

Ảnh: BBC

Chiếc máy bay người lái chạy bằng pin thông thường đầu tiên đã cất cánh từ Tokyo (Nhật Bản) hôm qua và bay trong 59 giây.

Máy bay nặng chưa tới 44 kg, có sải cánh rộng 31 m, và được một sinh viên điều khiển, đã cất cánh từ một sân bay tư nhân và đạt độ cao 5,2 m. Nó được nạp năng lượng bằng 160 cục pin AA, thường sử dụng trong các máy nghe nhạc CD và máy ảnh.

"Tôi đã phải rất cẩn thận khi cất cánh bởi công việc đó rất khó khăn", phi công Tomohiro Kamiya, thành viên cao cấp tại Viện Công nghệ Tokyo, phát biểu.

Viện Công nghệ Tokyo và hãng sản xuất pin Matsushita đã hợp tác trong dự án phát triển máy bay chạy bằng pin vào tháng 1.

Trong lần thử nghiệm này, máy bay đã lượn 2 m trên mặt đất và bay khoảng 400 m gần như độc lập. Nhóm hy vọng sẽ được Hiệp hội hàng không Nhật Bản ghi nhận chuyến bay như một kỷ lục.

M.T. (theo BBC)

Máy bay ném bom thay hình đổi dạng

Thứ hai, 17/7/2006, 15:16 GMT+7

Quân đội Mỹ từ lâu vẫn muốn một chiếc máy bay có thể lượn lờ ngoài lãnh địa của kẻ thù, và nếu cần có thể lao tới mục tiêu nhanh hơn tốc độ âm thanh. Nhưng nghịch lý là nếu máy bay ưu việt ở tốc độ thấp thì lại không hiệu quả khi đạt đến tốc độ âm thanh.

Câu trả lời giờ đây đã có: Đó là Switchblade, một ý tưởng về máy bay có thể biến dạng, đang được hãng Northrop Grumman phát triển.

Switchblade có cánh nằm ngang khi chưa đạt đến tốc độ âm thanh. Nó có thể duy trì ở tốc độ này trong ít nhất 15 tiếng. Ảnh: LiveScience

Khi ra đời (mục tiêu là năm 2020), nó sẽ bay với sải cánh dài 60 mét vuông góc với động cơ giống như máy bay thường. Nhưng ngay trước khi vượt qua ngưỡng tốc độ âm thanh, cánh của nó sẽ xoay khoảng 60 độ sao cho một đầu cánh hướng về phía trước, một đầu hướng về phía sau. Hình dáng xiên này sẽ tái phân bố các sóng sốc nén lên phía trước của máy bay khi đạt tới tốc độ siêu âm và gây ra lực cản.

Cánh của nó xoay nghiêng 60 độ về phía trước sau khi vượt qua ngưỡng âm thanh để lao đến mục tiêu. Ảnh: LiveScience

Khi Switchblade trở lại với tốc độ dưới ngưỡng âm thanh, cánh của nó sẽ quay trở lại vị trí bình thường.

Darpa, một đơn vị nghiên cứu của Lầu Năm Góc, đã chi 10,3 triệu đôla cho Northrop Grumman để tạo ra bản kế hoạch chi tiết vào tháng 11/2007. Một nguyên mẫu thử nghiệm sẽ ra đời khoảng 4 năm sau đó.

Đây không phải là nỗ lực đầu tiên để tạo ra một chiếc máy bay có cánh xiên. Nhà sáng chế ra chiếc SpaceShipOne - Burt Rutan - đã thiết kế một chiếc máy bay có cánh xoay cho NASA vào năm 1979. Tuy nhiên, chiếc cánh đó đã khiến máy bay vận hành rất khó khăn - khi phi công kéo phần mũi lên, máy bay bị nghiêng sang một bên.

Chiếc Switchblade là ứng cử viên sáng giá để trở thành một loại phương tiện hàng không không người lái. Phần mềm kiểm soát nó có thể điều khiển những động tác bay tinh tế.

Nếu mọi việc thuận lợi, một nguyên mẫu với sải cánh 12 mét có thể sẵn sàng vào năm 2010, và một chiếc Switchblade với kích cỡ hoàn chỉnh sẽ có mặt vào năm 2020.

T. An (theo LiveScience)

Chiết xuất thành công dầu diesel từ hạt dầu mè

Thứ bảy, 15/7/2006, 07:00 GMT+7

Việc tiến sĩ Thái Xuân Du, Trưởng phòng Công nghệ tế bào thực vật, Viện Sinh học nhiệt đới, chiết xuất thành công dầu diesel từ hạt dầu mè (tỷ lệ dầu tới 32-37%) đã có thể mở ra một hướng đầu tư mới cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Theo dự báo của các nhà khoa học, đến khoảng năm 2050-2060, nếu không tìm được những nguồn năng lượng mới thay thế, thế giới có thể lâm vào khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Bởi vậy, nhiên liệu sinh học đã thu hút nhiều nhà khoa học, nhà đầu tư trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, Đức, Trung Quốc, Ấn Độ.

Cây dầu mè thường được dùng để làm hàng rào. Ảnh Tiền Phong

Một trong các hướng quan trọng sản xuất diesel sinh học mà tiến sĩ Du quan tâm là chiết xuất từ hạt cây Jatropha curcas mà ở Việt Nam thường gọi là cây dầu mè, có nơi còn gọi là cây cọc rào (vì chúng thường được dùng để rào dậu). Loại cây này có nguồn gốc Ấn Độ, được trồng khá phổ biến, rất thích hợp điều kiện thổ nhưỡng Việt Nam. Ấn Độ cũng là nước đã nghiên cứu, chiết xuất thành công dầu diesel từ loại cây này.

Theo ông Thái Xuân Du, đây không phải là công nghệ mới, mà ông chỉ là người thừa kế và phát triển ở Việt Nam; và điều đáng nói nhất là ông dám bỏ tiền túi ra để đầu tư thử nghiệm việc này.

Khi được hỏi về khả năng phát triển cây dầu mè để chiết xuất dầu diesel tại Việt Nam, ông Du tỏ ra khá lạc quan: Việc chiết xuất dầu diesel từ hạt mè không phải là khó, công nghệ cũng rất đơn giản. Vấn đề là việc tổ chức triển khai trên diện rộng như thế nào. Để có thể sản xuất quy mô lớn, cần có vùng nguyên liệu và có nhà đầu tư. Nếu có chính sách hợp lý và được đầu tư đúng mức, hoàn toàn có thể cạnh tranh được với sản phẩm dầu diesel hiện nay, thậm chí có thể tính đến phương án xuất khẩu. Tại Ấn Độ - cái nôi của công nghệ này, chính phủ đề ra mục tiêu sản xuất 40 triệu tấn dầu diesel từ cây dầu mè.

Cây dầu mè có nhiều tác dụng. Các bộ phận của cây có thể dùng làm phân bón, lấy gỗ, đốt lấy than, làm thuốc. Bã hạt dầu mè sau khi ép chứa 20% protein có thể dùng làm phân hữu cơ phục vụ nông nghiệp rất tốt, mỗi tấn có thể bán với giá 1 triệu đồng. Trong Từ điển cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam có viết: Nhựa mủ cây dầu mè được dùng ngoài để trị vết thương, cầm máu, chữa bỏng, bệnh ngoài da; dịch ép lá bôi ngoài chữa trĩ; dầu hạt trị bệnh da, thấp khớp, đau dây thần kinh hông, liệt...

Lợi ích từ cây dầu mè rất lớn, tuy nhiên điều khó khăn hiện nay là phải thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư. Ông Du khẳng định: "Nếu được các doanh nghiệp đứng ra đầu tư, chúng tôi sẽ cho nhập thêm giống có năng suất cao hơn, và tất nhiên khi được đưa vào sản xuất quy mô lớn thì hiệu quả kinh tế cũng sẽ cao hơn".

(Theo Tiền Phong)

 

Loài cá voi hiếm sống thọ gần 2 thế kỷ

Thứ bảy, 15/7/2006, 06:00 GMT+7

Một con cá voi bowhead nhô lên mặt biển Canada. Ảnh: Nationalgeographic

Nghiên cứu mô mắt của loài cá voi bowhead quý hiếm, các nhà khoa học phát hiện ra rằng một vài cá thể có tuổi thọ vượt xa con người nhiều thế hệ. Ít nhất 1 con đực đã sống tới 200 năm.

"Khoảng 5% dân số của loài cá này sống vượt ngưỡng bách niên và trong một số trường hợp tới 160-180 tuổi", Jeffrey Bada, một nhà hoá học biển tại Viện Hải dương học Scripps ở La Jolla, California, Mỹ, cho biết.

"Chúng thực sự là những động vật già nua, có lẽ là nhóm động vật cao niên nhất trên trái đất", ông tiếp tục.

Bowhead, còn được biết đến với tên gọi cá voi Greenland, là loài cá voi có tấm sừng ở hàm (thay cho răng), dùng để lọc thức ăn từ nước biển. Chúng sống ở Bắc cực. Con trưởng thành có thể dài tới 18 mét và nặng hơn 100 tấn.

T. An (theo Nationalgeographic)

 

 

 

 

Vitamin tăng cường sự hấp dẫn

Thằn lằn đá. Ảnh: BBC

Các chất dinh dưỡng thiết yếu như vitamin có thể hoạt động như pheromone để thu hút phe khác giới, ít nhất là ở thằn lằn.

Đó là kết luận của các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha. Họ đã cho những anh chàng thằn lằn đá xơi vitamin D và các con cái đã trở nên hưng phấn với những chất thải ra của các con đực này.

Tuy nhiên liệu vitamin D có tác dụng tương tự ở đàn ông hay không thì vẫn chưa rõ.

Các nhà nghiên cứu cho biết ở thằn lằn, sự xuất hiện của vitamin trong chất bài tiết của con đực có thể là dấu hiệu của sức khoẻ tốt, và là dấu hiệu hữu ích để con cái chọn lựa con đực.

"Trong các loài thằn lằn khác, chúng tôi tìm thấy lượng lớn vitamin E trong chất bài tiết và chúng tôi cho rằng nó có chức năng tương tự như vitamin D", Jose Martin tại Bảo tàng Khoa học tự nhiên quốc gia ở Madrid nói.

Động vật sử dụng pheromone như một công cụ giao tiếp để hấp dẫn bạn tình. Phần lớn các pheromone này không mùi đối với con người.

Vitamin D có vai trò quan trọng đối với hệ miễn dịch của thằn lằn đá, nó cũng giúp quá trình trao đổi canxi diễn ra tốt hơn. Các con vật thường không thể tổng hợp đủ vitamin D trong da, mà phải kiếm thêm qua ăn uống.

Nhóm tìm thấy những con đực được bổ sung vitamin D tiết ra nhiều provitamin D hơn. Provitamin D chuyển thành vitamin D sau khi tiếp xúc với bức xạ mặt trời. Những con cái cũng hứng thú hơn với chất bài tiết từ những con đực được bổ sung vitamin D, thể hiện bằng cách thè lưỡi liên tục, chúng cũng có mặt nhiều hơn ở khu vực mà con đực sung sức đã ở đó.

M.T. (theo BBC)

 

 

Tại sao chúng ta thích các bài hát từ khi còn nhỏ

Thứ sáu, 21/7/2006, 11:04 GMT+7

Ảnh: iStockphoto

 

Những bài hát chúng ta nghe khi còn niên thiếu thường trở thành những bài được yêu thích suốt cả đời. Đó là bởi chúng đã được gắn vào trí não trong một thời điểm quan trọng nào đó.

Thời điểm quan trọng đó được gọi là "lỗ hổng kỷ niệm", Steve Janssen, sinh viên làm luận án tiến sĩ tại Đại học Amsterdam, Hà Lan, cho biết.

Janssen đã trình bày nghiên cứu của mình về việc ký ức được hình thành như thế nào trong Hội thảo quốc tế về Ký ức lần thứ 4 diễn ra tại Sydney, Australia, trong tuần này.

Anh cho biết lỗ hổng kỷ niệm này có thể được lý giải một phần bởi khả năng lưu trữ các sự kiện tốt hơn trong thời đầu của sự trưởng thành.

"Bạn sẽ ghi nhớ được nhiều sự kiện hơn trong giai đoạn từ 10 đến 25 tuổi và lỗ hổng kỷ niệm có đỉnh điểm là từ 16 đến 20", Janssen nói. "Bộ não làm việc tối ưu vào thời điểm đó. Đó là một miếng bọt biển và nó hút tất cả mọi thứ". Chúng ta cũng học ngôn ngữ và nhạc cụ tốt nhất vào thời điểm này.

Nhưng việc chúng ta ghi nhớ các bài hát từ khi còn nhỏ không chỉ liên quan tới lỗ hổng kỷ niệm. Chúng ta dễ hình thành nên mối liên kết cá nhân với những bài hát nào đó từ thời niên thiếu là do chúng ta thường nghe đi nghe lại một bài.

Janssen tìm thấy khi được yêu cầu đánh giá 3 bài hát, bộ phim và quyển sách yêu thích nhất, người tham gia thường chọn chủ yếu những thể loại mà họ nghe, xem và đọc trong độ tuổi 16 đến 21.

Các bộ phim và sách thì thường được chọn trong thời điểm gần hơn. Đó là bởi chúng ta chỉ xem sách và phim một vài lần nhưng bài hát thì lại được tiếp xúc rất nhiều lần, Janssen lý giải.

M.T. (theo ABC Online)

 

Bắt gặp bằng chứng về sự tiến hoá

Thứ sáu, 14/7/2006, 14:29 GMT+7

 

Loài sẻ đất lớn (trên) đã cạnh tranh với loài sẻ đất trung bình để ăn các hạt lớn, khiến cho loài trung bình có xu hướng tiến hoá ra những cái mỏ nhỏ hơn (dưới). Ảnh: Nature

Cuộc cạnh tranh giữa 2 loài chim sẻ ở quần đảo Galapagos đã khiến cho mỏ của một loài nhỏ lại, giúp chúng tìm thức ăn dễ dàng hơn. Các nhà khoa học đã chứng kiến được sự thay đổi này.

Việc quan sát thấy quá trình thu nhỏ của mỏ chim mang lại một trong những mô tả tốt nhất về sự tiến hoá điển hình trong tự nhiên.

Trong bài báo mới đây trên Science, Peter Grant và Rosemary Grant, cả hai đều là nhà sinh học tại Đại học Princeton, bang NewJersey (Mỹ) đã mô tả cuộc cạnh tranh giữa loài chim sẻ đất trung bình (Geospiza fortis) và loài chim sẻ đất lớn (Geospiza magnirostris).

Loài sẻ đất trung bình G.fortis đã bị dồn dép và phải tiến hoá ra một cái mỏ nhỏ hơn khi xuất hiện kẻ cạnh tranh (loài chim sẻ đất lớn Geospiza magnirostris, bay đến hòn đảo này hơn 20 năm trước) và điều kiện hạn hán khắc nghiệt gần đây.

"Điều đó xảy ra rất nhanh", Peter Grant cho biết. Trên thực tế, nó xảy ra chỉ trong một thế hệ chim duy nhất, Grant nói.

Cú huých tiến hoá bắt đầu khi một vài con chim sẻ lớn đến định cư trên đảo trong một đợt El Nino ẩm ướt khác thường năm 1982.

Kể từ đó, loài sẻ lớn G. magnirostris này đã ăn hầu hết loại hạt lớn có gai của những cây leo trên đảo và dần dần buộc loài sẻ trung bình phải phụ thuộc vào các loại hạt nhỏ hơn của những cây khác.

Kết quả là sẻ G. fortis với cái mỏ nhỏ hơn không cạnh tranh được với loài lớn, và thường không nuôi nổi con của chúng. Điều này buộc một số con phải phát triển theo hướng thu gọn lại dụng cụ kiếm ăn của mình.

Nhưng vấn đề thực sự xảy ra vào giữa năm 2004-2004, khi mà hạn hán khắc nghiệt trên đảo xảy ra và tất cả các loại hạt cây đều khan hiếm.

"Hầu hết các con chim có mỏ lớn trước hạn hán đã biến mất", Grant nói. Trong đó bao gồm đa số cá thể của loài sẻ mới đến G. magnirostris và những con thuộc loài G. fortis vẫn còn giữ cái mỏ lớn.

"Đây là một ví dụ kinh điển về sự tiến hoá nhanh chóng", David Skelly, một nhà sinh thái học và tiến hoá tại Đại học Yale nhận xét về tình huống này.

Thông thường tiến hoá được xem là diễn ra chậm chạp ở những loài động vật lớn như cá, chim, bò sát và thú. Kích cỡ mỏ thay đổi trong vài thập kỷ dường như đã là quá nhanh. Chính vì thế, những con chim sẻ ở Galapagos được xem là trường hợp tiến hoá nhanh tột độ gây ra bởi môi trường khắc nghiệt.

"Giờ đây dường như như công trình của Grant đã chỉ ra một xu hướng mà có thể rất phổ biến", Skelly nói.

T. An (theo Discovery)

Cầy vằn mở lớp dạy săn mồi

Thứ sáu, 14/7/2006, 09:49 GMT+7

 

Cầy vằn đạt đến tuổi tự lập khi được 3 tháng tuổi. Ảnh: BBC

Những con cầy vằn non không tự học cách xơi những con mồi nguy hiểm như bọ cạp, mà chúng được người lớn dạy cho.

Các nhà nghiên cứu tìm thấy cầy vằn lớn mang những xác mồi về cho con non của mình. Khi con non lớn hơn, con lớn sẽ giúp lũ trẻ vô hiệu hoá con mồi. Và cuối cùng, chúng hướng dẫn những con non tự đi săn mồi cho mình.

Các nhà nghiên cứu cho rằng cầy vằn là loài thứ hai không phải người có cách dạy con linh hoạt như vậy. Loài khác được biết tới có hành vi dạy dỗ là kiến, khi giúp đồng loại tìm nơi có thức ăn.

Nhóm tại Đại học Cambridge, Anh đã dành vài năm nghiên cứu những con cầy vằn hoang dã ở Nam Phi. Chúng sống trong các nhóm gồm 40 con trong điều kiện khí hậu rất khô cằn.

Hầu hết các con vật đều trong nhóm đều có họ với cặp thủ lĩnh. Những "ông thầy" sẽ từ từ cho lớp trẻ tiếp cận với con mồi sống.

"Vì thế khi các con non còn nhỏ, các thầy mang mồi chết tới, chẳng hạn như bọ cạp, thằn lằn và nhện; khi chúng lớn hơn, thầy sẽ mang con mồi đã bị tàn tật, chẳng hạn nếu đó là con bọ cạp thì ông thầy sẽ cắn bỏ nọc độc trước khi mang tới cho học sinh của mình", nhà khoa học đứng đầu Alex Thornton nói.

"Cuối cùng khi những con non đến tuổi tự lập, con trưởng thành sẽ mang tới thức ăn sống buộc chúng phải tự xử lý".

Việc dạy dỗ có thể mang lợi ích tiến hoá bởi nó truyền tải kỹ năng và thông tin giúp lớp trẻ sống sót, nhưng nó cũng gây tổn thất cho những con trưởng thành. Các ông thầy phải mất thời gian và công sức để tìm kiếm thức ăn cho riêng mình. Vì vậy các nhà khoa học nhận định, việc dạy dỗ chỉ ra đời khi những con non khó tiếp thu thông tin bằng cách theo dõi.

M.T. (theo BBC)

 

Khủng long lớn có thân nhiệt tới 47 độ C

Thứ năm, 13/7/2006, 17:32 GMT+7

 

Có lẽ thân nhiệt là cản trở duy nhất khiến cho khủng long không thể to lớn thêm được nữa. Ảnh: LiveScience

Các loài khủng long lớn nhất có thể đã duy trì nhiệt độ cơ thể ấm áp, trong khi những họ hàng nhỏ hơn của chúng dường như lại giống với những loài bò sát máu lạnh ngày nay, một nghiên cứu mới tiết lộ.

Cuộc tranh cãi về thân nhiệt của khủng long đã kéo dài trong nhiều năm, chủ yếu về việc chúng là những động vật máu lạnh (giống bò sát) hay động vật máu nóng (như các loài chim, thú).

Nếu như sinh vật máu nóng có thể điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, thì các loài máu lạnh lại không thể, và thân nhiệt của chúng xấp xỉ với nhiệt độ môi trường xung quanh.

Nghiên cứu mới đây đưa ra giả thuyết thứ ba, theo đó, tương tự như các con cá sấu Mỹ, rùa Galapagos và rồng Komodo ngày nay, các loài khủng long lớn sử dụng một quá trình gọi là tính ỳ nhiệt để duy trì nhiệt độ cơ thể ấm hơn vài độ so với môi trường.

Tính ỳ nhiệt là khả năng của một sinh vật tạo ra và dự trữ nhiệt (hình thành từ việc trao đổi chất và vận động). Động vật lớn được trang bị cơ chế này rất tốt vì tỷ lệ giữa bề mặt cơ thể / thể tích cơ thể là nhỏ. Chẳng hạn, một con voi sẽ mất nhiệt chậm hơn một con chuột.

Các nhà nghiên cứu đã nhập đường cong tăng trưởng của khủng long vào một mô hình máy tính để dự đoán thân nhiệt của chúng. (Đường cong tăng trưởng này được lấy từ các nghiên cứu công bố gần đây, ước tính tốc độ tăng trưởng tối đa và khối lượng của 8 loài)

Như dự đoán, mô hình đã tiết lộ rằng thân nhiệt khủng long tăng lên khi kích thước to ra, và những loài khủng long lớn nhất có thân nhiệt tương đối ổn định - tương tự như các loài vật máu nóng hiện nay - và chúng giữ nhiệt độ này thông qua tính ỳ nhiệt.

Theo mô hình này, một con khủng long nhỏ, nặng 11,8 kg có thân nhiệt khoảng 25 độ C, gần bằng nhiệt độ môi trường khi đó. Điều này chứng tỏ chúng đã lấy nhiệt từ các nguồn bên ngoài, rất giống với những loài bò sát nhỏ hiện đại ngày nay.

Trong khi đó, một con khủng long nặng 14 tấn có thân nhiệt khoảng 40 độ C. Loài lớn nhất trong nghiên cứu, Sauroposeidon proteles, nặng khoảng 60 tấn và có thân nhiệt ước tính khoảng 47,7 độ C, nhỉnh hơn chút xíu so với giới hạn trên của hầu hết các loài động vật. Điều này đã dẫn các nhà nghiên cứu tới phỏng đoán rằng thân nhiệt cơ thể rất cao có thể là cản trở duy nhất khiến khủng long không thể lớn hơn được nữa.

Các nhà khoa học cũng cho biết thân nhiệt khủng long trở nên cao hơn khi trưởng thành.

T. An (theo LiveScience)

 

Tại sao khỉ đột ăn gỗ mục?

Thứ ba, 11/7/2006, 13:58 GMT+7  

 

 

 

Ảnh: AP

Sau khi quan sát những con khỉ đột ở Uganda trong gần 1 năm, các nhà khoa học đã phát hiện ra vì sao những con vật này lại ăn gỗ mục và liếm gốc cây - hành vi làm đau đầu các nhà nghiên cứu trong hàng thập kỷ nay.

Câu trả lời là vì: natri

Khỉ đột ở Công viên quốc gia Bwindi ở Uganda sẽ ngậm những mảnh gỗ trong vài phút trước khi nhổ ra. Đôi khi chúng gặm gỗ cho đến khi chảy máu răng. Chúng cũng liếm bề mặt của những gốc cây và bên trong những khúc gỗ bị mục rữa, bẻ gãy các mảnh gỗ để gặm nhấm sau này. Khỉ đột sẽ hằng ngày quay trở lại gốc gây cũ và đánh chén.

Các nhà nghiên cứu từng cho rằng có thể gỗ có một tác dụng chữa bệnh nào đấy, như đuổi ký sinh trùng hay chữa đau bụng.

Nghiên cứu mới của Đại học Cornell, Mỹ, đã giải mã được bí ẩn này. Nhóm quan sát 15 con khỉ đột thuộc các lứa tuổi và giới tính khác nhau khi chúng ăn gỗ.

Sau khi các con vật đi khỏi, các nhà nghiên cứu thu thập mẩu gỗ từ những thân cây mà chúng ăn, cũng như những cây mà chúng tránh. Họ còn thu thập cả những đồ ăn khác của khỉ đột.

Nhóm phân tích hàm lượng natri và tìm thấy những mảnh gỗ mục là nguồn cung cấp hơn 95% lượng natri trong thực đơn của con vật, kể cả khi gỗ chỉ chiếm 4% lượng thức ăn của chúng.

Rất nhiều loài động vật thèm natri và sẽ chủ động đi tìm kiếm nếu cơ thể thiếu chất dinh dưỡng này. Natri đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sống của các sinh vật, tham gia vào sự co bóp cơ bắp, điều hoà huyết áp và giữ nước.

M.T. (theo Livescience)

 

Phát hiện loài bò sát biển mới cùng kỳ khủng long

Thứ bảy, 8/7/2006, 09:39 GMT+7  

 

Các nhà khoa học đã định danh một loài bò sát cổ đại mới từng bơi trong biển khi khủng long còn thống trị trái đất.

Được gọi là Umoonasaurus, sinh vật này sống ở vùng nước ngoài khơi bờ biển nay là Australia 115 triệu năm trước, khi mà lục địa này vẫn còn ở gần Nam cực hơn nhiều so với ngày nay.

Umoonasaurus thuộc nhóm plesiosaur - những con bò sát biển lớn có thân hình tròn trịa, chắc nịch, đuôi ngắn và những cái chân giống như bơi chèo. Sự khác biệt nổi bật của Umoonasaurus so với những con còn lại là một chuỗi các mào mảnh, nhô cao trên đầu nó và nhiều đốt sống ở chót đuôi là nơi bám víu cho những chiếc vây nhỏ.

Mô tả về cái đầu và cổ của một con Umoonasaurus trưởng thành (trên) và chưa trưởng thành (dưới). Ảnh: LiveScience

Sinh vật mới tìm thấy này thuộc bộ dã thú ăn thịt dưới nước có tên gọi rhomaleosaurids. "Chúng tương đương như những con cá kình của kỷ Jura", trưởng nhóm nghiên cứu Benjamin Kear từ Đại học Adelaide cho biết. Tuy nhiên, Umoonasaurus chỉ dài khoảng 2,4 mét.

Hóa thạch của Umoonasaurus được tìm thấy trong các mỏ opan của Australia trong nhiều năm, kể từ cuối thập kỷ 1960, nhưng chỉ đến năm ngoái, các phân tích mới nhất mới khẳng định nó là loài độc nhất vô nhị.

T. An (theo LiveScience)

 

Voi mamút màu gì?

Voi ma mút có cả bộ lông sáng và sẫm màu. Ảnh BBC

Lớp áo lông của loài thú khổng lồ thời tiền sử đã được các nhà khoa học nhận diện. Một số con vật có ngà lông xoăn "diện" bộ cánh nâu sẫm, trong khi những con khác có màu hoe nhạt hoặc hoe vàng.

Thông tin được thu thập từ một bộ xương voi ma mút có lông, sống cách đây 43.000 năm tại Siberi, bằng công nghệ gene mới nhất.

Các nhà nghiên cứu cho biết một gene có tên gọi Mc1r đóng vai trò kiểm soát màu lông của loài dã thú này.

Voi ma mút mang hai phiên bản của gene Mc1r. Hai phiên bản này chỉ khác nhau ở 3 amino axit (hay các "ký tự" ADN), khiến cho một dạng hoạt động bán phần và dạng kia hoạt động toàn phần.

Những con voi mang phiên bản Mc1r hoạt động bán phần sẽ có bộ lông nhạt màu, trong khi những con có phiên bản hoạt động mạnh có màu lông sẫm.

Gene Mc1r cũng chịu trách nhiệm tạo ra màu lông cho một số loài thú hiện đại ngày nay. Ở người, gene Mc1r hoạt động yếu hơn đã tạo ra màu tóc đỏ, trong khi ở chó, chuột và ngựa, nó là tác giả của màu lông vàng.

Phát hiện được thực hiện bởi Holger Rompler từ Đại học Leipzig, Đức.

Khác với con người, lông của voi ma mút có thể không trở nên "hoa râm" theo tuổi tác. "Hầu hết các loài thú đều không bị xám đi khi về già. Chúng tôi không thực sự biết tại sao con người lại như vậy".

Voi ma mút đã tuyệt chủng khoảng 10.000 năm trước. Các nhà khoa học không rõ phải chăng điều kiện khí hậu hay sự săn bắn của con người đã đẩy chúng tới thảm cảnh đó. Một số chuyên gia đề xuất việc sử dụng ADN để tái sinh loài thú khổng lồ này.

T. An (theo BBC, LiveScience)

Vì sao một số người không bị muỗi đốt?

Thứ tư, 5/7/2006, 08:51 GMT+7  

 

 

 

 

Ảnh: exn

Các nhà khoa học Anh cho biết trong cơ thể một số người có những hóa chất khiến họ có mùi kém hấp dẫn với những con muỗi.

Họ đã phân tách được những hóa chất tự nhiên này và hy vọng sẽ tìm ra một loại thuốc chống muỗi mới.

Những con côn trùng hút máu người này góp phần làm lây lan bệnh tật và bất cứ cách nào làm giảm thiểu nguy hại của chúng cũng sẽ có ích cho con người.

Công trình do các nhà khoa học tại Viện nghiên cứu Rothamsted ở Hertfordshire và Đại học Aberdeen thực hiện.

Muỗi thường chỉ nhằm vào những người có mùi hấp dẫn và bỏ qua những ai có mùi kém thơm ngon. Nhưng con người tạo ra hàng trăm hóa chất khác nhau vì vậy rất khó để tìm ra hóa chất nào gây kích thích những con côn trùng. Các nhà khoa học đã sử dụng một quy trình gồm 2 giai đoạn để giải quyết vấn đề này.

Đầu tiên, phương pháp sắc ký khí cho phép họ phân hủy hơi người thành những thành phần hóa chất độc lập. Kỹ thuật thứ hai thông qua máy ghi điện tim cho phép họ ghi lại những phản ứng trong anten của muỗi.

Nhà nghiên cứu đứng đầu John Pickett nói: "Chúng tôi đang kiểm tra các hóa chất tự nhiên này bằng cách so sánh với những chất đuổi muỗi đã được WHO chấp thuận".

Pickett cho biết nhiều chất đuổi muỗi hiện nay dựa trên thực vật có thể gây các bệnh về da liễu và có mùi khó chịu. "Những hóa chất mà chúng tôi tìm thấy có tính năng gây mùi thấp và con người khó nhận ra được".

M.T. (theo BBC)

 

Sự thực và hư cấu về cá mập

Thứ hai, 3/7/2006, 10:00 GMT+7

 

Ảnh: Pravda

Loài người bị cá mập thôi miên bởi những thông tin pha trộn giữa sự thực và mê tín, giữa truyền thuyết và thực tế, và bởi những lo ngại về điều chưa biết. Một chút kiến thức về chúng sẽ khiến cho các cuộc dạo chơi dưới biển trở thành những trải nghiệm tuyệt vời.

Dưới đây là 20 sự thực về cá mập:

1. Cá mập trắng có thể tăng trưởng khoảng 24,5 cm mỗi năm. Khi trưởng thành, chúng có thể dài từ 3,6 đến 4,2 mét.

2. Những cái răng mới được hình thành liên tục trong hàm răng của cá mập. Chúng thông thường được thay mới cứ sau 8 ngày.

3. Một số loài cá mập có thể mọc đến 30.000 cái răng trong cuộc đời.

4. Cá mập voi có khoảng 300 hàm răng, với mỗi hàng có hàng trăm chiếc tí hon.

5. Da cá mập khô (shagreen) từng được sử dụng như là giấy nhám. Ở Đức và Nhật Bản, da cá mập được bọc chuôi cầm kiếm để chống trơn trượt.

6. Năm 1937, dầu gan cá mập được khám phá là rất giàu vitamin A. Thế là từ đó đến năm 1950, chúng được săn lùng để khai thác loại vitamin này, cho đến khi một phương pháp tổng hợp vitamin A mới ra đời.

7. Tuổi thọ trung bình của cá mập là 25 năm, nhưng một số loài có thể thọ đến một thế kỷ.

8. Cá mập chó (dogfish) được đặt tên do thiên hướng đi săn của chúng giống như cách mà bầy chó hoang vẫn làm.

9. Cá mập trắng có thể sống sót đến 3 tháng mà không ăn gì.

10. Không phải tất cả cá mập đều phải thở liên tục.

11. Cá mập bò có thể chịu đựng được độ mặn thay đổi và thường sống ở trong các con sông và hồ nước ngọt ở châu Phi và Nam Mỹ.

12. Số người bị tử vong mỗi năm vì chó, lợn và hươu còn nhiều hơn vì cá mập.

13. Loài cá mập Pygmy (cá mập lùn) có chiều dài tối đa là 28 cm.

14. Cá mập không có xương. Bộ khung của nó cấu thành từ sụn.

15. Khoa học đã biết đến hơn 340 loài cá mập.

16. Cá mập xuất hiện lần đầu tiên trong các mẫu vật hoá thạch hơn 400 triệu năm trước.

17. Một đặc điểm cơ thể rất có ý nghĩa phân biệt cá mập hiện đại và cổ đại là bộ hàm nhô ra, tạo cho cá mập hiện đại lực cắn mạnh hơn.

18. Cá mập có thể sinh ra lực cắn khoảng 6,5 tấn trên mỗi inch vuông (1 inch = 2,54 cm).

19. Da cá mập được đệm bằng những mấu lồi nhỏ, tương tự như răng.

20. Loài cá mập vây ngắn Mako có thể là loài cá nhanh nhất dưới biển khơi, với tốc độ khoảng 96 km/giờ.

Cá mập tấn công như thế nào:

Có 3 loại tình huống cơ bản mà cá mập vô cớ tấn công:

1. "Va phải và chạy" là kiểu tấn công thường gặp nhất. Chúng thường xảy ra trong những vùng biển sóng vỗ. Nạn nhân hiếm khi nhìn thấy cá mập và nó không quay lại sau khi để lại một vết thương dạng cắn hay xé. Hầu hết, những vụ tấn công này là kết quả việc nhận nhầm, xảy ra khi nước đục và điều kiện môi trường khắc nghiệt như sóng vỗ và các dòng chảy mạnh. Các vết thương của nạn nhân thường là bị rách chân bên dưới đầu gối và hiếm khi đe dọa đến tính mạng.

2. "Đụng độ và cắn" thường gây ra những vết thương nghiêm trọng hơn và dễ chết hơn. Những vụ tấn công này thường liên quan đến các thợ lặn hoặc những người bơi lội dưới nước sâu. Cá mập ban đầu sẽ lượn quanh và thường đâm vào nạn nhân trước khi cuộc tấn công thật bắt đầu.

3. "Tấn công lén" xảy ra mà không hề có báo trước. Con cá mập sẽ lặp lại các cú đớp hoặc kẹp chặt người trong miệng. Các vết thương thường rất nặng, và dễ gây tử vong. Người ta tin rằng loại tấn công này là kết quả của hành vi kiếm ăn chứ không phải nhầm lẫn.

Làm thế nào để tránh bị cá mập tấn công:

1. Bơi theo nhóm. Cá mập thường tấn công người đi đơn lẻ. Tránh xuống nước vào ban đêm, bình minh hoặc nhập nhoạng tối.

2. Không xuống nước nếu bạn đang chảy máu. Cá mập có thể ngửi và nhận ra mùi máu, lần ra nguồn của nó. Không đeo các trang sức lấp lánh. Cá mập sẽ nhìn ra nó là lớp vảy cá lóng lánh.  

3. Không toé nước nhiều. Điều đó sẽ thu hút chúng. Nếu bạn thấy một con cá mập trong nước, đừng lại gần và đừng thử chạm vào nó.

T. An (theo Pravda)

Mang thai... 55 đứa con

Chủ nhật, 2/7/2006, 01:00 GMT+7  

 

 

 

Cá mập búa. Ảnh: zoo.ogresnet.com

Một con cá mập búa bị bắt trong tháng 5 vừa qua tại Florida, Mỹ, có thể sẽ đi vào kỷ lục guiness của thế giới với việc mang thai tới 55 đứa con - số lượng lớn nhất mà các nhà khoa học từng bắt gặp.

Nhóm nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm biển Mote, nơi xác con cá mập được đưa về để khám nghiệm, cho biết những cái thai gần như đã đủ tháng và chỉ còn vài ngày nữa sẽ chào đời. Con cá mẹ, cân nặng 580 kg, được xác định ở độ tuổi 40-50.

Trước kia, người ta tin rằng cá mập búa chỉ sinh mỗi lứa từ 20 đến 40 con.

"Mặc dù rất biết ơn bác ngư dân đã gửi mẫu vật tới Mote, và chúng tôi đang hiểu được nhiều điều về loài sinh vật này từ nó, nhưng chúng tôi vẫn rất buồn khi thấy có quá nhiều cá mập con trong bụng con cá mẹ đang chuẩn bị lọt lòng như vậy", tiến sĩ Robert Hueter, giám đốc trung tâm nghiên cứu cá mập của Mote, nói.

Con cá bị bắt ngoài khơi vùng Boca Grande hôm 23/5.

T. An (theo LiveScience)

Vì sao hươu cao cổ không chóng mặt?

Hươu cao cổ. Ảnh sacrs.org

Chỉ trong 1 hoặc 2 giây, một con hươu cao cổ có thể nâng cái đầu của nó từ mặt đất lên không trung tới độ cao 4,5 mét, và không bao giờ choáng váng.

"Nếu làm điều đó, chắc chắn chúng ta sẽ ngất xỉu", nhà sinh lý học Graham Mitchell từ đại học Wyoming nhận xét.

Mitchell và cộng sự thông báo trên tạp chí Experimental Biology số mới đây rằng một trái tim năng động, khoẻ mạnh và huyết áp cao sẽ giúp cho cho hươu cao cổ không rơi vào tình trạng choáng ngất này.

Cơ chế làm việc

Máu dồn về đầu của hươu cao cổ khi nó cúi xuống mặt đất, và huyết áp tăng lên gấp 3 lần. Khi con vật nâng đầu lên để bứt lá trên cây, máu lại rút đi.

Điều này cũng xảy ra với chúng ta. Bạn có thể cảm thấy chóng mặt nếu khi đang treo mình xuống dưới và mặt đỏ dừ lên, đột ngột lộn mình trở lại. Nếu huyết áp tụt xuống quá nhanh, không đủ để máu chảy tới não, bạn có thể bị mê man.

Với một cái cổ dài, hươu cao cổ dùng phần lớn thời gian để nâng đầu từ vị trí thấp lên cao, và vì thế chúng cần một giải pháp giữ cho máu chảy tới não sao cho chúng không bị ngất đi.

Các nhà khoa học từng cho rằng mạch máu ở cổ của hươu giúp dẫn máu từ trái tim lên não. Tuy nhiên, nghiên cứu của Mitchell cho thấy chúng sử dụng một cái bơm rất khoẻ và huyết áp rất cao (gấp đôi của chúng ta) để làm việc này.

Hươu cao cổ có một quả tim lớn, nặng tới gần 12 kg. Khi nâng đầu, các mạch máu của nó chuyển hầu như toàn bộ lượng máu chảy đến não, mà không phải tới các phần khác ở đầu như má, lưỡi hay da.

Cùng lúc, lớp da dày của con vật và một bó cơ kỳ lạ ở trong tĩnh mạch cổ (tĩnh mạch thường không có cơ) sẽ bổ sung áp suất cho tĩnh mạch này để đưa máu từ đầu trở lại trái tim.

"Đó là một cơ chế chống choáng ngất tiên tiến hơn nhiều của chúng ta", Mitchell nói.

T. An (theo LiveScience)

Thú vị thế giới côn trùng

Ảnh: everythingabout.net

Loài ong có lông trong mắt. Bạn dễ bị ong chích trong một ngày có gió hơn trong bất cứ điều kiện thời tiết nào khác. Loài côn trùng duy nhất có thể xoay đầu 360 độ là bọ ngựa.

- Tốc độ bay trung bình của ruồi là 7,3 km/giờ. Một con ruồi vỗ cánh khoảng 20.000 lần trong một phút. Ruồi có thể mang mầm bệnh đi xa đến 24 km từ nguồn ô nhiễm.

Nếu hai con ruồi sinh sản trong điều kiện không bị giết hay bất cứ giới hạn nào khác trong một năm, lũ con cháu của chúng sẽ tạo thành một khối to bằng trái đất.

- Loài dế không kêu bằng cách cọ chân với nhau mà là cọ cánh.

- Bọ rùa chảy máu để tự vệ. Khi sợ hãi, chúng tiết ra những giọt chất lỏng màu đỏ hoặc vàng có vị khó chịu từ miệng và các lỗ chân lông ở khớp.

- Cho đến rất gần đây, không có loài rết nào được tìm thấy có đôi chân là chẵn. Thường thì con số này dao động từ 15 đến 191 đôi, nhưng toàn là số lẻ. Tuy nhiên gần đây Chris Kettle, một sinh viên y khoa ngành sinh thái học, tìm được một con rết có 48 đôi chân, và nghi ngờ đột biến gene chính là nguyên nhân của điều đó.

- Cào cào chỉ có thể nhảy được ở nhiệt độ tối thiểu là 16,6 độ C.

- Mạng nhện được làm từ 2 loại tơ, một loại dính và một loại không. Nhện bắt đầu xây mạng bằng loại tơ không dính và tạo các "tia" trước. Sau khi cái khung đã hoàn thành và vững chắc, con nhện mới bắt đầu dùng loại tơ dính để kết mạng như chúng ta thường thấy, nối tia này với tia kia. Quan sát một con nhện bạn sẽ thấy nó rất cẩn thận tránh những sợi tơ dính và đi trên những cái "tia". Nếu bị giật mình và bước lên sợi tơ dính thì con nhện sẽ bị dính chặt vào giống như bất kỳ vật gì khác. Khi đó, chúng sẽ ăn những sợi tơ này để thoát ra.

-Vị giác của bướm chúa nhạy hơn người khoảng 12.000 lần. Chúng nếm bằng các chân sau.

- Giống như bọ ngựa, lũ nhện đen sẽ xơi tái đức lang quân sau khi giao phối xong. Con cái có thể "tiễn biệt" khoảng 25 anh chàng xấu số trong một ngày.

- Kiến có thể sống sót đến 2 tuần dưới nước. Khi thức giấc chúng thường duỗi người, và cũng ngáp giống như chúng ta trước khi bắt đầu công việc trong ngày. Khi lũ quét qua, loài kiến nhiệt đới thường bám vào nhau và cuộn tròn lại thành một quả bóng khổng lồ nổi lềnh bềnh trên mặt nước, những con kiến non sẽ được an toàn và khô ráo ở giữa.

- Con sâu có thể có đến 10 quả tim.

(Theo Kiến thức ngày nay)

Khỉ cũng là nhà khí tượng học

Con khỉ mangabey má xám đang tìm thức ăn. Ảnh: LiveScience

Một vài con khỉ lên kế hoạch cho ngày đi tìm hoa quả và sâu bọ giống y như cách mà con người chuẩn bị cho một buổi picnic - chúng để mắt đến thời tiết.

Một nghiên cứu mới đây tiết lộ rằng những con khỉ mangabey má xám hoãn đi ra ngoài trong những ngày âm u và chỉ vui thú nhặt quả khi mặt trời rực rỡ.

 Từ bình minh đến khi trời trạng vạng tối trong suốt 210 ngày, nhóm nghiên cứu từ Đại học St. Andrews ở Scotland dõi theo mọi cử động của một nhóm khỉ mangabey má xám trong rừng Kibale ở Uganda. Các nhà khoa học đã thu thập được gần như đầy đủ việc ra quyết định tích trữ quả vả - loại thức ăn yêu thích của chúng.

Không chỉ thích quay trở lại những cái cây quen thuộc - nơi chúng từng tìm thấy hoa quả, bầy khỉ còn thích tìm thức ăn khi thời tiết nắng ấm áp hơn là khi trời đầy mây và lạnh giá. Tiết trời ấm và sự kết hợp của bức xạ mặt trời làm thúc đẩy sự chín muồi của quả vả cũng như sự tăng trưởng của các ấu trùng sâu bọ sống ẩn trong một số loại quả, món ăn mà khỉ rất ưa chuộng.

Hành vi này, theo các nhà khoa học, có liên quan tới ký ức về điều kiện thời tiết của khỉ chứ không đơn giản chỉ là những bằng chứng về dấu hiệu giác quan như mùi thơm của quả chín.

Phát hiện cũng ủng hộ quan điểm cho rằng khỉ đưa ra những quyết định kiếm ăn dựa trên sự tổng hợp của các ký ức "sự kiện cơ bản", chẳng hạn cái cây nào cho quả ngon nhất, sự hiểu biết về tình hình thời tiết hiện tại và gần đây, cũng như ảnh hưởng của những điều kiện đó tới hoa quả và côn trùng.

T. An (theo LiveScience)

Rủi ro khi bà hoàng làm mẹ

Nữ chúa của kiến cắt lá. Ảnh: Nature

Giao phối đồng nghĩa với việc phải trả giá, dù có là nữ hoàng đi nữa. Các nữ chúa trẻ của loài kiến cắt lá phải chơi canh bạc sức khoẻ của mình để đổi lấy cơ hội được sinh sản thành công lâu dài.

Đó là một chiến lược rất nguy hiểm: chỉ trong vài giờ, nữ hoàng phải kết đôi và dự trữ hàng trăm triệu tinh trùng đủ để dùng trong suốt phần còn lại của 30 năm đời mình - và tất cả đều làm yếu hệ miễn dịch của nó. Sau đó, bà chúa phải sáng lập tổ và bộc lộ bản thân trước tất cả các loại nguồn gây bệnh ở trong đất.

"Nếu con cái giao phối quá thường xuyên và dự trữ quá nhiều tinh trùng, chúng không thể điều chỉnh hệ miễn dịch của mình", Boris Baer tại trung tâm tiến hoá xã hội ở Đại học Copenhagen, Đan Mạch cho biết.

Khi Baer và cộng sự kích thích hệ miễn dịch của kiến chúa và đo đáp ứng, họ phát hiện thấy đáp ứng giảm xuống khi lượng tinh trùng mà kiến dự trữ tăng lên.

Điều này là rất quan trọng, vì hơn 95% các kiến chúa không sống sót qua giai đoạn sáng lập tổ đầu tiên, chủ yếu là do sự tấn công của ký sinh trùng.

"Nếu bạn kết đôi quá nhiều, bạn sẽ có xu hướng chết sớm. Đó là lý do vì sao các 'bà xơ' sống lâu", Mike Siva-Jothy, một nhà sinh học tại Đại học Sheffield, Anh phát biểu.

T. An (theo NewScientist)

 

Lá thư mới tiết lộ cuộc sống tình cảm của Einstein

Người vợ đầu cùng 2 đứa con trai của Einstein, và một lá thư trong bộ sưu tập. Ảnh: AP

Albert Einstein có tới 6 người tình và ông bảo với vợ mình rằng họ tấn công ông dữ dội mặc dù ông không muốn. Đó là thông tin thu được trong những lá thư mới được công bố hôm qua của nhà khoa học vĩ đại.

Nhà khoa học người Đức với mái tóc bù xù, nổi tiếng vì thuyết tương đối, dành rất ít thời gian ở nhà. Ông đi giảng bài ở châu Âu và Mỹ, nơi ông qua đời vào năm 1955 ở tuổi 76. Nhưng Einstein đã viết hàng trăm lá thư về cho gia đình.

Những lá thư được công bố trước đó cho thấy cuộc hôn nhân đầu tiên của ông vào năm 1903 với người vợ Mileva Maric, mẹ của 2 đứa con trai, là vô cùng bất hạnh. Họ ly dị vào năm 1919 và ngay sau đó ông cưới người em họ của mình là Elsa. Với người vợ này, ông cũng đã phản bội để đi lăng nhăng với thư ký của mình là Betty Neumann.

Trong những lá thư mới được tiết lộ hôm qua tại Đại học Hebrew ở Jerusalem, Einstein đã miêu tả về 6 người phụ nữ mà ông đã gần gũi và nhận quà từ họ trong khi vẫn là chồng của Elsa.

Vào đầu những năm 1980, con gái riêng của Elsa là Margot, đã trao 1.400 lá thư cho Đại học Hebrew mà Einstein góp phần thành lập. Nhưng Margot đề nghị những lá thư này sẽ không được công bố cho đến tận 20 năm sau khi bà chết. Bà đã qua đời vào ngày 8/7/1986.

Một số người phụ nữ được Einstein miêu tả bao gồm Estella, Ethel, Toni và "tình nhân điệp viên người Nga" Margarita. Những người khác được nhắc đến với cái tên viết tắt như M. và L.

"Sự thực là M. đã theo bố đến nước Anh và cô ấy bám riết lấy bố một cách rồ dại", ông viết trong lá thư gửi cho Margot vào năm 1931. "Trong tất cả những người đàn bà đó, bố thực sự chỉ gắn bó với mỗi cô L., cô ấy thực sự vô hại và đứng đắn".

Trong một lá thư khác cho Margot, Einstein yêu cầu đứa con gái riêng của vợ chuyển một lá thư nhỏ cho Margarita, để tránh những con mắt tò mò, dị nghị.

Xấp thư mới cũng bao gồm những lá thư trả lời từ gia đình Einstein. Điều này giúp xóa bỏ quan niệm sai lầm rằng nhà khoa học đoạt giải Nobel này luôn lạnh lùng với gia đình mình, Hanoch Gutfreund, Chủ tịch Cuộc triển lãm toàn cầu về Albert Einstein tại Đại học Hebrew, nói. "Trong những lá thư này, ông tỏ ra rất thân thiện và cảm thông với Mileva và các con trai mình", Gutfeund nói.

Gutfeund cho biết mặc dù cuộc hôn nhân thứ 2 của Einstein với Elsa được miêu tả là "cuộc hôn nhân vụ lợi", ông vẫn viết thư cho bà gần như hằng ngày, kể lể nhiều thứ trong đó có những trải nghiệm của ông về việc du lịch và dạy học ở châu Âu.

"Anh sắp phát ngấy với thuyết tương đối rồi", Einstein viết trong tấm bưu thiếp gửi cho Elsa vào năm 1921. "Kể cả cái đó cũng có thể trở nên nhạt nhẽo khi ai đó quá mải mê với nó".

Einstein sống và học tập tại Oxford năm 1930, nơi ông chạy chốn quân phát xít. Một đồng nghiệp người Đức, ông cho biết trong một lá thư gửi cho Elsa, đã dặn ông "đừng có đến gần biên giới Đức bởi cơn giận dữ trùm lên anh đã không thể kiểm soát".

Cũng trong lá thư viết năm 1933 đó, gần một thập kỷ trước khi xảy ra Thế chiến II và nạn tàn sát người Do thái của Hitler, Einstein viết: "Nơi đâu cũng dấy lên nỗi sợ về sự đấu tranh của người Do Thái khôn ngoan. Chúng ta thậm chí bị sức ép bởi sức mạnh của chính mình hơn là sự yếu kém".

M.T. (theo Reuters)

vnexpress

Xuất xứ của thuật thôi miên

Thôi miên.
Ảnh: Tranceworks

Vào thế kỷ 18, bác sĩ người Áo F. Mexmer đã hé mở tấm màn che phủ hiện tượng thôi miên mà chính ông cũng không hề hay biết.

Ông nổi tiếng về việc chữa bệnh cho các bệnh nhân của mình bằng phương pháp "đặt nam châm". Những người khao khát được khỏi bệnh ngồi vào trong bồn tắm có lắp những thanh nam châm lớn, sau đó nhiều người đã khỏi bệnh. Mexmer giải thích đó là do tác động của "chất lỏng từ". Nhưng khi viện hàn lâm khoa học Paris điều tra hoạt động của ông, các nhà khoa học đã ghi vào bản án: "Không có gì chứng minh cho sự tồn tại của chất lỏng từ; như vậy, thứ chất không hề tồn tại này không thể mang lại lợi ích gì được".

Nhưng rồi Mexmer qua đời mà vẫn tin chắc rằng thứ "chất lỏng" như thế là có thật. Thật ra, ông đã từng thấy nhiều lần bệnh nhân đến gặp ông đã khỏi bệnh chẳng cần có nam châm gì hết. Sự thuyên giảm bệnh và bình phục đến ngay tức thì sau khi ông nhìn người bệnh và nói chuyện với người đó về bệnh tật. Hơn nữa, nhiều lần thậm chí đã từng xảy ra như thế này: Sau khi tới gặp "thầy thuốc vĩ đại", những người điếc hay mất giọng như có phép thần thông biến hoá đã lấy lại được giọng và khỏi điếc, mặc dầu họ đã không chịu tác động của nam châm. Sự thể là thế nào? Sau khi suy nghĩ, Mexmer quả quyết rằng không phải nam châm, mà chính ông là vật chứa "từ trường động vật" có tác dụng chữa bệnh. Khi truyền nó sang người khác, ông đã giúp họ vật lộn với bệnh tật.

Mexmer có nhiều học trò và môn đệ. Một người trong số họ đã có dịp may thực hiện một phát minh ngẫu nhiên. Tuy nhiên, ông ta đã "phát minh" lại cái mà những quan tư tế Atxiri và Babilon đã biết đến. Khi chữa bệnh bằng từ trường, ông ta đã chạm chán với một hiện tượng lạ lùng. Thường bệnh nhân của Mexmer là những người có thần kinh yếu và bệnh hoạn, họ phản ứng lại việc chữa trị bằng các chứng co giật, thậm chí đôi khi bằng những cơn điên loạn. Thế mà giờ đây… Anh chàng bệnh nhân trẻ tuổi bỗng nhiên ngủ thiếp đi ngon lành trong lúc được xoa bóp. Người thầy thuốc hoảng hốt cố lắc anh ta dậy, nhưng vô hiệu, anh ta vấn cứ ngủ. Nhưng sau đó, khi người thầy thuốc bất thình lình ra lệnh cho anh ta đứng dậy, người bệnh liền nhỏm dậy, đi vài bước nhưng hai mắt vấn nhắm nghiền.

Mặc dù mí mắt vẫn khép chặt, anh ta xử sự hoàn toàn như lúc tỉnh, tuy vậy khi đó giấc ngủ vẫn tiếp tục. Người thầy thuốc bối rối cố nói chuyện với anh ta, đặt ra các câu hỏi. Anh chàng nông dân trả lời hoàn toàn khôn ngoan và rành rọt. Người thầy thuốc lập lại thí nghiệm. Và ông ta gây ra được một trạng thái giống hệt như vậy ở những người khác. Tiếp tục thí nghiệm, ông tiến hành cái gọi là ám thị sau thôi miên, tức là sai khiến người đang ngủ thực hiện một loạt những hành động nhất định sau khi đánh thức dậy. Và những người bệnh thực hiện điều mà người ta đã ám thị cho họ trong giấc ngủ "từ" .

Việc nghiên cứu tiếp theo về những hiện tượng thôi miên gắn liền với tên tuổi bác sĩ phẫu thuật người Anh Brêt. Cần phải nhận xét rằng ông này tỏ thái độ rất hoài nghi với thuyết từ của Mexmer và các môn đệ. Nhưng đến khi thực hiện ý định vạch mặt anh chàng "chữa bệnh bằng từ" người Thuỵ Sĩ Laphôngten, Brêt đã tin vào tính xác thực của các hiện tượng thôi miên mà Laphôngten biểu diễn và từ khi ấy, ông bắt đầu nghiên cứu hiện tượng đó. Ông đã thay đổi thuật ngữ "từ trường động vật" bằng thuật ngữ hiện đại "hypnotism" (thôi miên) (từ tiếng Hy lạp "Hypnos" nghĩa là ngủ). Ông là người đầu tiên bắt đầu sử dụng thôi miên để làm giảm đau trong phẫu thuật và thấy rằng thôi miên có tác dụng hơn cả là trong việc chữa những chứng bệnh thần kinh khác nhau, đặc biệt là các chứng rối loạn ixtêri như tê liệt, bệnh điếc do tâm thần, mù và câm.

(Theo sách Bên cạnh điều bí ẩn)

 

 

Thôi miên

Liệu pháp thôi miên tỏ ra hiệu quả trong nhiều lĩnh vực: ngưng hút thuốc lá, giải stress hay lo âu... Nó không thể thay thế phân tâm học, nhưng là một công cụ chữa trị tâm lý rất hiệu quả. 5% chúng ta trơ ì với kỹ thuật này và chỉ 10% là bước vào trạng thái thôi miên sâu nhanh chóng. Thôi miên là gì? Tất cả các chuyên gia thôi miên đều có định nghĩa riêng của mình và không hề có lý thuyết nào được coi là mẫu mực. Hiện tượng thôi miên phức tạp đến mức các nhà liệu pháp nói đến nhiều kỹ thuật của nó. Có một điều chắc chắn: đây không phải là một trạng thái của giấc ngủ, mà là một trạng thái thay đổi về ý thức, như là giấc mơ, sự xuất thần, thư giãn, nhập định.. Trạng thái "xuất thần thôi miên" tương ứng với sự thay đổi trạng thái cảnh giác bình thường - trạng thái giúp chúng ta suy luận và sống trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng nó có các đặc tính riêng: trong một môi trường đơn điệu chẳng có gì diễn ra, ở đó các kích thích hơi căng thẳng, não chúng ta trong tình trạng "thiếu" thông tin. Lúc đó não sẽ tự sản ra thông tin bằng cách rút lấy những hình ảnh trong vô thức. Điều đó giống như thể người ta vẫn "mơ" đồng thời vẫn có ý thức. Người bị thôi miên sẽ quên đi hiện thực bên ngoài để bước vào một hiện thực bên trong, nhưng vẫn sống như với hiện thực bên ngoài. Ngoại lệ duy nhất: giọng nói của người thôi miên tiếp tục được nghe thấy. Lời lẽ của ông ta trở thành một tác nhân kích thích rất đặc biệt, làm tăng thêm sức mạnh ám thị và từ đó tạo ra các thay đổi về tâm - sinh lý bất thường (làm biến mất ngay các cơn đau dữ dội hay chữa được bệnh eczema...). Tại sao? Như thế nào? Cho đến nay điều này vẫn còn là một bí ẩn.

Thôi miên đã được chứng minh bằng khoa học?

Nhiều nghiên cứu cho thấy một ám thị thôi miên gây ra các phản ứng neuron. Ví dụ, nghiên cứu do giáo sư Stephen Kosslyn, khoa thần kinh Bệnh viện đa khoa Massachusetts ở Boston tiến hành năm 1997: giáo sư đề nghị một nhóm 16 người quan sát một bảng màu đặt theo nhiều cấp độ và một bảng màu xám nhạt dần. Các phản ứng của não được ghi nhận bằng kỹ thuật X quang lớp phát hạt positron. Khi người tham gia trong tình trạng thôi miên, giáo sư yêu cầu từng người một "nhìn" bảng màu xám thành các màu sắc, thì vùng chẩm - xương đỉnh - một trong các khu vực nhận thức màu sắc - được kích hoạt, tức là não đã phản ứng như nó nhìn thấy các màu ở vị trí màu xám, điều mà ám thị thôi miên yêu cầu. Một buổi liệu pháp thôi miên diễn ra thế nào? "Tôi muốn anh ngủ!" Đây là công thức của nhà liệu pháp thôi miên và sự thôi miên sẽ được tiến hành tuần tự. Một buổi liệu pháp kéo dài 45 phút. Nằm dài trên giường, bệnh nhân nhắm mắt lại hoặc nhìn chằm chằm vào một điểm nhất định trong phòng. Ngồi trên chiếc ghế bên cạnh, nhà liệu pháp đề nghị bệnh nhân thư giãn hoàn toàn. Đó là giai đoạn tiền cảm ứng. Một số chuyên gia sử dụng thiết bị âm thanh phát ra âm nhạc êm dịu, và nói vào micro với giọng nhẹ nhàng và đơn điệu. Họ yêu cầu bệnh nhân tập trung vào một số vùng trên thân thể - đó là giai đoạn cảm ứng giúp bệnh nhân tập trung đến bản thân mình. Một giấc ngủ mơ màng bắt đầu hình thành. Nhà liệu pháp kiểm tra tình trạng đối tượng bằng việc yêu cầu anh ta nhấc tay lên hay đan các ngón tay vào nhau. Nếu bệnh nhân làm theo yêu cầu, tức là anh ta đã rơi hẳn vào trạng thái thôi miên. Sau đó, nhà liệu pháp nhắc lại những ám thị, trực tiếp (chẳng hạn Cơn đau tay của anh đã biến mất), hay gián tiếp (Anh đang ở trong một nơi dễ chịu). Cuối buổi thôi miên, bệnh nhân sẽ từng bước thức dậy một cách nhẹ nhàng, để trở lại kiểm soát các cơ bắp của mình và quay về với hiện thực mà không có cảm giác khó chịu. Cuối cùng, bệnh nhân và nhà liệu pháp bình luận về buổi thôi miên.

Có sự khác biệt giữa các kỹ thuật thôi miên?

Người ta phân biệt 4 loại kỹ thuật thôi miên:

1. Truyền thống:

Nhà thôi miên đóng vai trò hàng đầu, chính ông ta sẽ chủ trì buổi liệu pháp. Ông ta sẽ xướng lên các ám thị trực tiếp (gọi là truyền lệnh) trong khi bệnh nhân thụ động.

2. Bán truyền thống:

Nhà thôi miên vẫn luôn đóng vai trò hàng đầu, cùng lúc đưa ra các ám thị trực tiếp và gián tiếp.

3. Mới:

Nhấn mạnh đến bệnh nhân và quan hệ của anh ta với nhà liệu pháp, qua các sự trao đổi, giao tiếp.

4. Phương pháp Erickson

(nhà phân tâm học Mỹ gốc Đức, đặc biệt quan tâm đến các vấn đề của tuổi thiếu niên): Bệnh nhân tự đặt mình vào trạng thái thôi miên. Nhà liệu pháp sử dụng các phép ẩn dụ để cho vô thức của đối tượng tự lựa chọn giải pháp cho các vấn đề của mình.

Mọi người đều có thể được thôi miên?

Theo thang độ của "tính dễ được thôi miên" do Đại học Stanford phát triển, 5% trong số chúng ta trơ vì với kỹ thuật thôi miên và chỉ 10% là bước vào trạng thái thôi miên sâu một cách nhanh chóng. Nhưng người ta còn chưa biết tại sao cho đến nay, vẫn không hề có sự tương quan nào giữa cấu trúc cá nhân và tính dễ ám thị được chứng minh.

Thôi miên không phải là kỹ thuật tẩy não. Người bị thôi miên sẽ không bao giờ tiết lộ các bí mật thầm kín nhất của mình nếu như bản thân không mong muốn.

Thôi miên có thể sinh ra sự cố?

Không. Dù có thế nào đi nữa thì đối tượng vẫn luôn "thức dậy". Trước hết bởi vì người đó đã không ngủ. Sau đó, nếu như không có sự ám thị nào được duy trì, tiến trình thôi miên tự tiêu tan. Còn những sự đồn đại về ảnh hưởng tiêu cực của một số nhà thôi miên (bắt nguồn từ điện ảnh) chỉ là truyền thuyết, không một nhà thôi miên nào có thể buộc đối tượng làm điều gì đó đi ngược lại các giá trị đạo đức của chính đối tượng. Thôi miên không phải là kỹ thuật tẩy não. Người bị thôi miên sẽ không bao giờ tiết lộ các bí mật thầm kín nhất của mình nếu như bản thân không mong muốn. Tuy nhiên, để tránh những lang băm, chúng ta nên tìm đến các hiệp hội thôi miên có tiếng tăm để chọn lấy một nhà liệu pháp tin cậy.

 

Các hiệu quả của liệu pháp thôi miên

1/Hiệu quả với

- Ngưng hút thuốc lá: 80% trường hợp là thành công. Thôi miên cũng giúp chống lại các phản ứng do cai nghiện.

- Sự béo phì và phàm ăn: Thôi miên đóng vai trò nâng đỡ tâm lý trong điều trị béo phì.

- Chống lại các cơn đau: Thôi miên không thay thế được phép gây tê, nhưng có thể giúp giảm bớt liều lượng thuốc. Thôi miên ngày càng được sử dụng nhiều trong phẫu thuật răng.

- Các rối loạn tâm lý: stress, hội chứng sợ hãi, lo âu cũng như sự bất lực, lãnh cảm, các vấn đề về chứng sợ đám đông, trí nhớ...

- Các rối loạn tiêu hóa: viêm loét dạ dày, viêm ruột kết hay tiêu chảy do stress.

- Các bệnh về tâm thần - tâm thể, các bệnh về da, tạng co giật, viêm mũi.

2/Không hiệu quả đối với

- Phần lớn các rối loạn tâm thần nặng như trầm uất cấp tính, tâm thần phân lập.

- Cai nghiện ma túy nặng.

- Các bệnh mạn tính nặng, như ung thư.

Mọi người đều có khả năng thôi miên?

Đúng. Với điều kiện biết kỹ thuật. Nhưng một số người có năng khiếu hơn những người khác... Để trở thành một nhà liệu pháp thôi miên, cần phải theo học ngành y và khoa tâm lý học, tức đã là một chuyên gia về liệu pháp.

 

Người ta có thể tự thôi miên?

Đúng. Thực tế ngày nay các nhà chuyên nghiệp xác định rằng mọi kỹ thuật thôi miên là một sự tự thôi miên, khả năng thật sự thay đổi hay chữa trị nằm trong tinh thần người được thôi miên, chứ không phải trong tinh thần nhà liệu pháp. Do đó, hoàn toàn có thể tự thôi miên bản thân. Nhưng đây là một điều không dễ dàng. Trong thời gian đầu, điều quan trọng nhất là phát triển một "nghi thức" để khởi phát quá trình cảm ứng (các buổi tự thôi miên diễn ra hằng ngày trong cùng một giờ, cùng một địa điểm với cùng loại trang phục...); sau đó phải học cách thư giãn. Bạn cũng có thể ghi âm các thông điệp của riêng mình.

 

Liệu pháp có ảnh hưởng đến bệnh nhân một cách vô thức?

Câu hỏi này đang là trung tâm của các cuộc tranh cãi đầy thú vị. Từ vài năm nay, các chuyên gia bắt đầu nói đến "hội chứng các kỷ niệm giả", lên án vai trò của nhà liệu pháp thôi miên. Đó là gì? Trong trạng thái thôi miên, người ta có thể nhớ lại các sự kiện xác thực đã bị quên lãng, thậm chí bị kìm nén. Người ta cũng có thể - trong trạng thái thôi miên sâu - thấy xuất hiện các ảo ảnh như đó là sự kiện thật sự: chúng xác thực đến mức người ta không thể phân biệt chúng với các kỷ niệm thật, vì não chúng ta có khả năng thay đổi hay xây dựng lại một sự kiện. Do đó hiện nay chưa có câu trả lời quyết định về tính hiện thực của các kỷ niệm, về sự lạm dụng tình dục, về "các cuộc sống xa xưa", hay về những sự bắt cóc của người ngoài hành tinh được khám phá dưới sự thôi miên sâu; cũng chưa có câu trả lời nào về sự ảnh hưởng của nhà liệu pháp đối với hiện tượng dời chuyển từ vô thức đến vô thức, thậm chí thần giao cách cảm.

 

Thôi miên có chữa được các bệnh mãn tính?

Đối với câu hỏi này, hãy nghe Gerard Arcas, bác sĩ phẫu thuật tai mũi họng, tác giả cuốn sách Chữa bệnh cơ thể bằng thôi miên và tự thôi miên, trả lời: "Đối với một số bệnh thì được. Ví dụ bệnh ù tai, tức là tai luôn nghe những âm thanh ro ro, mà y khoa vẫn bó tay. Nhờ thôi miên tôi có thể xóa được những âm thanh khó chịu đó trong 60% các trường hợp, vì một sự ám thị có thể làm thay đổi hoạt động thần kinh sinh học chi phối hoạt động của các cơ quan chúng ta. Nếu bạn tự quyết định, ví dụ trong trạng thái tự thôi miên, gia tăng sự tuần hoàn máu trong chân trái của bạn, các mạch máu sẽ tự giãn ra dưới tác dụng của một "hiện tượng chuyển di truyền" (một sự dời thông tin ở các tế bào). Thôi miên cho phép một số người thiết lập cầu nối giữa cơ thể và tinh thần, và kích hoạt các cơ chế tự chữa trị của chúng ta".

 

Stress: Tại sao thôi miên cũng có hiệu quả?

Điều trị stress là một trong các ứng dụng được yêu cầu nhiều nhất, cùng với cai thuốc lá và giảm béo. Người ta biết rằng stress có thể làm sinh ra chứng lo âu, mất ngủ và đôi khi các trạng thái trầm uất kèm theo các rối loạn thân thể. Thôi miên có hiệu quả hơn các kỹ thuật khác rất nhiều, như kỹ thuật "thư giãn đơn giản", trước hết vì hiệu quả thư giãn của nó, được tăng cường thêm nhờ giọng nói và sự hiện diện mang tính trấn an của nhà liệu pháp, làm giảm bớt rất nhanh tác động của các tác nhân gây stress, bất chấp chúng có nguồn gốc nào. Sau đó vì thôi miên giúp bệnh nhân tự gỡ bỏ được các ức chế của bản thân

Kiến thức ngày nay (theo Psychologies) vnexpress.net

 

 

Tìm hiểu dịch bệnh Rubella

2006.07.07

Trà Mi, phóng viên đài RFA

Báo chí trong nước gần đây báo động về dịch Rubella ở cả người lớn và trẻ em bùng phát, lây lan trên diện rộng. Bệnh Rubella là gì, lây lan chủ yếu bằng cách nào, và sự nguy hiểm của nó ra sao?

Mời quý vị cùng Trà Mi tìm hiểu qua cuộc trao đổi với bác sĩ Thùy, chuyên khoa nhi nhiễm, hiện đang hành nghề tại Hà Nội.

Trà Mi: Xin bác sĩ cho biết khái quát thế nào là bệnh rubella và nguyên nhân chính gây ra bệnh này là gì?

Bác sĩ Thùy: Bệnh rubella do siêu vi trùng gây ra, đây là căn bệnh nhiễm siêu vi. Bệnh này có thể gặp ở tất cả lứa tuổi chứ không riêng gì trẻ em, cả người lớn và trẻ con đều có thể mắc bệnh.

Trà Mi: Bệnh rubella có những dấu hiệu, triệu chứng nhận biết như thế nào?

Bác sĩ Thùy: Trước hết bệnh nhân có sốt có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao có thể là trứơc khi phát bệnh, còn gọi là thời kỳ ủ bệnh. Trong thời gian này, bệnh nhân có thể mệt mỏi, sốt nhẹ hoặc có những dấu hiệu như hắt hơi, sổ mũi, hoặc ho.

Chỉ có một đối tựơng hay gặp những biến chứng nặng đó là các phụ nữ có thai, nhất là trong ba tháng đầu mà mắc bệnh này thì hay gây ra dị dạng cho thai nhi. Đó là hậu quả rất nặng nề, thường gặp ở những phụ nữ trong lứa tuổi sanh đẻ.

Bác sĩ Thùy

Sau thời kỳ ủ bệnh đến giai đoạn khởi bệnh bắt đầu từ ngày thứ hai hoặc thứ ba. Triệu chứng của thời kỳ toàn phát là bệnh nhân bị phát ban toàn thân.

Điểm đặc biệt là ban này nổi rất nhanh, trong vòng 1 ngày có thể nổi khắp thân thể từ đầu tới chân. Nó là những hồng ban mịn, dứơi da, không nổi cộm nên sờ không thấy, giống như hồng ban của bệnh sởi nhưng khác với sởi là trong 1 ngày nó mọc và lan nhanh khắp người.

Khi đã phát ban thì bệnh nhân bắt đầu hết sốt và có thể còn cảm giác mệt mỏi thêm 1, 2 ngày nữa. Một- hai ngày sau, ban tự động lặn hết và không để lại dấu vết gì trên da cả.

Trà Mi: Vì căn bệnh này gây ra bởi virus, xin bác sĩ cho biết thêm về khả năng lây truyền của bệnh?

Bác sĩ Thùy: Bệnh này chủ yếu lây qua đường hô hấp, rất nhanh chóng, đặc biệt ở những quần thể đông người thì bệnh càng lây nhanh.

Trà Mi: Bệnh này thường dẫn đến những hậu quả như thế nào đối với người bệnh, biến chứng của bệnh ra sao?

Bác sĩ Thùy: Biến chứng của bệnh rubella không nặng như bệnh sởi. Bệnh sởi hay có nhiều biến chứng nặng như gây viêm phổi…Còn rubella thì biến chứng nhẹ nhàng thôi.

Chỉ có một đối tựơng hay gặp những biến chứng nặng đó là các phụ nữ có thai, nhất là trong ba tháng đầu mà mắc bệnh này thì hay gây ra dị dạng cho thai nhi. Đó là hậu quả rất nặng nề, thường gặp ở những phụ nữ trong lứa tuổi sanh đẻ.

Trà Mi: Thưa bác sĩ, các biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất đối với căn bệnh này ở Việt Nam hiện nay là gì?

Bác sĩ Thùy: Phương pháp hữu hiệu nhất là chích ngừa. Ngoài ra, các yếu tố như vệ sinh môi trường, ở nhà thoáng, khu mật độ dân cư thấp thì mức độ lây lan không nặng nề. Ngoài biện pháp chích ngừa thì một điều quan trọng khác giúp có thể phòng bệnh là khi phát hiện ca bệnh, nên cho bệnh nhân cách ly.

Trà Mi: Vì sao đã có vaccine phòng bệnh mà tại Việt Nam lâu lâu lại nghe nói đến dịch rubella bùng phát nơi này nơi kia?

Đối với trẻ bị mắc phải rubella, ở nhà, phụ huynh nên cho bé nằm nơi thoáng gió, tắm rửa cho bé mỗi ngày một lần bằng nứơc ấm sạch sẽ, tránh không ủ bé lại. Nếu bé sốt thì có thể dùng những loại thuốc hạ sốt thông thường, cho bé uống thêm nứơc trái cây tươi, ăn thức ăn dễ tiêu hoá như soup, cháo, và đồ ăn thức uống phải sạch sẽ.

Bác sĩ Thùy

Bác sĩ Thùy: Lý do là tại Việt Nam, tiêm phòng rubella chưa nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng, chưa chích ngừa rubella đại trà trong cộng đồng. Hiện tại bây giờ số lựơng tiêm phòng còn rất hạn chế, cũng đã bắt đầu ưu tiên tiêm cho các đối tựơng như trẻ em và phụ nữ trong độ tuổi xây dựng gia đình hoặc sinh con.

Trà Mi: Vaccine ngừa rubella chưa đựơc vào chương trình tiêm chủng mở rộng, vậy chi phí cho mỗi mũi tiêm này hiện nay là bao nhiêu?

Bác sĩ Thùy: Giá thành tương đối mắc, hơn 100 ngàn/mũi tiêm, nhưng ở thành phố cũng đang dần đưa vào tiêm chủng mở rộng cho trẻ ở tuổi nhũ nhi và trẻ từ 3-5 tuổi.

Nếu có điều kiện, mọi người ở mọi lứa tuổi nên đi tiêm phòng rubella vì hiện nay ở các cơ sở y tế địa phương cũng đã bắt đầu tiêm vaccine rubella rồi, đặc biệt là ở thành phố, còn các khu vực nông thôn thì tôi nghĩ là chưa có.

Trà Mi: Xin bác sĩ cho biết phương pháp chữa trị căn bệnh rubella ra sao? Có thể điều trị tại nhà đựơc không và khi nào thì cần đưa trẻ đến bác sĩ?

Bác sĩ Thùy: Bệnh này không có thuốc điều trị đặc hiệu, chỉ có trị triệu chứng ví dụ như sốt thì uống thuốc hạ sốt…

Trà Mi: Xin bác sĩ vài lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh, hoặc các bà mẹ mang thai?

Bác sĩ Thùy: Các bà mẹ tốt nhất nên đi chích ngừa, đây là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Thứ hai, khi phát hiện bệnh, nên có sự cách ly, và tốt nhất là nên đến các cơ sở y tế để đựơc hứơng dẫn chăm sóc, điều trị bệnh hợp lý.

Đối với trẻ bị mắc phải rubella, ở nhà, phụ huynh nên cho bé nằm nơi thoáng gió, tắm rửa cho bé mỗi ngày một lần bằng nứơc ấm sạch sẽ, tránh không ủ bé lại. Nếu bé sốt thì có thể dùng những loại thuốc hạ sốt thông thường, cho bé uống thêm nứơc trái cây tươi, ăn thức ăn dễ tiêu hoá như soup, cháo, và đồ ăn thức uống phải sạch sẽ.

Điều quan trọng là phải cách ly tránh lây cho người nhà. Nếu trẻ trong độ tuổi đi học nên cho nghỉ ở nhà để tránh lây lan cho trẻ khác.

Đối với những ông bố, bà mẹ chăm sóc cho những trẻ này cũng có khả năng bị lây bệnh rất mạnh, đặc biệt là các bà mẹ đang trong giai đoạn mang thai thì bắt buộc phải đi chích ngừa. Còn các ông bố thì có thể không chích ngừa cũng được vì bệnh này đối với nam giới thì các biến chứng không đáng kể.

Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn thời gian và những thông tin bổ ích bác sĩ dành cho chương trình hôm nay.

(Xin theo dõi toàn bộ nội dung trong phần âm thanh bên trên)

Chương trình này chỉ nhằm cung cấp kiến thức tổng quát về sức khoẻ. Cho các vấn đề cụ thể, chi tiết của từng bệnh nhân, xin liên lạc trực tiếp với bác sĩ cuả quí vị để được thăm khám trực tiếp.

 

Thông tin trên mạng:

 

- Rubella Photos (Immunization Action Coalition)

- MedlinePlus: Rubella

 

1/7/06  vnexpress

Sản xuất chất dẻo từ hoa quả

 
Ảnh: Nature

Nước táo và ngũ cốc, chứ không phải dầu mỏ, có thể sẽ là nguyên liệu thô cho một vài loại chất dẻo và dược liệu trong tương lai, nhờ một quy trình hoá học mới do các nhà khoa học Mỹ đưa ra.

Kỹ sư James Dumesic từ ĐH Wisconsin ở Madison và cộng sự đã tìm ra cách chuyển hoá fructose (một dạng đường trong hoa quả, nước ép ngũ cốc và mật ong) trở thành hoá chất 5-hydroxymethylfurfural hay HMF, một nguyên liệu cơ bản để tạo nên polyester. Theo đó, về lý thuyết người ta có thể tạo ra chất dẻo từ thực vật, thay cho dầu mỏ. HMF cũng có thể được dùng để tạo ra nhiên liệu diesel.

 

5-hydroxymethylfurfural (HMF)

    Tên thương mại: 5-Hydroxymethylfurfural
    Tên hóa học:     5-(Hydroxymethyl)-2-furaldehyde
    Công thức hóa học: C6H6O3
    Khối lượng phân tử: 126.11

http://www.pdiconnect.com/archive.php?op=read&mode=full&entryid=880

 

 

HMF được hình thành khi dùng nhiệt bẻ gãy các phân tử đường. Có nhiều cách hiệu quả để biến fructose thành HMF, nhưng chúng thường rất tốn năng lượng, các chất xúc tác đắt tiền và dung môi hữu cơ. Nhóm của Dumestic muốn tìm ra một giải pháp với chi phí dễ chịu nhất nếu muốn áp dụng trên quy mô công nghiệp. Họ đã sử dụng acid HCl hoặc nhựa thông rắn có tính acid để bẻ gãy mạch các phân tử đường. Cả hai chất đều có ưu điểm là ít sinh ra sản phẩm phụ. Theo cách này, tỷ lệ fructose chuyển hoá thành HMF là 4/5.

T. An (theo Nature)

 

 

Máy cầm tay giúp người mù đọc báo in

 

 
 

Các nhà khoa học đã phát hiện ra một loài phong lan không bao giờ cần đối tác sinh sản - nó có thể tự thụ tinh cho mình bằng một thao tác chưa từng thấy ở thế giới hoa.

Loài phong lan lưỡng tính này không cần tới hoạt động tính dục thông thường của các loài hoa khác. Chúng có thể thực hiện hành vi đó mà không cần sự trợ giúp của chất dính, chim hay một làn gió.

Rất nhiều bông hoa phải dựa vào côn trùng hoặc chim để sinh sản, theo đó chúng gây hấp dẫn bằng một mùi hương ngọt ngào hay phấn hoa ngon lành. Những con chim đói ăn sẽ quệt phấn hoa từ cơ quan sinh sản đực (bao phấn) của cây này và chuyển sang cơ quan sinh sản cái (nhuỵ) của bông khác. Gió cũng giúp quá trình này xảy ra.

Riêng phong lan Holcoglossum amesianum thực hiện một điệu nhảy lắt léo 360 độ để tự thụ phấn cho mình.

Cơ chế tự thụ phấn của phong lan: (b) Bông hoa mở ra để thụ phấn. (c) nắp bao phấn mở ra. (d) cuống gắn liền với 2 khối phấn hoa vươn lên và (e) uống cong qua cựa hoa, (f) đi vào trong nhuỵ hoa và (g) thả phấn hoa vào khoang nhuỵ.

Trước tiên, chiếc nắp của bao phấn bật lên, làm lộ ra 2 khối phấn gắn với một cuống mềm. Cuống này sẽ vươn lên và uốn mình vượt qua rìa của cựa hoa - bộ phận ngăn cơ quan sinh sản đực và cái của bông hoa. Tiếp đến, nó cong mình đi vào khoang nhuỵ hoa và thả phấn hoa vào đó.

Trong khi hầu hết các loài hoa thụ phấn với bông hoa khác, loài phong lan mới này độc đáo ở chỗ thụ phấn với chính mình. Hành vi tự thụ phấn này có tỷ lệ thành công 50%.

Trong số gần 2.000 cây phong lan H. amesianum mà các nhà khoa học quan sát ở Simao, Trung Quốc, tất cả đều sử dụng chiến thuật tự thụ phấn như vậy. Phương pháp này ra đời trong trình trạng gió quá nhẹ và côn trùng thì không có, đã bổ sung thêm sự đa dạng cho cơ chế sinh sản ở thế giới hoa.

M.T. (theo Livescience)