Tin mới khoa học

Vietsciences- VOA      06/2009

 

Đọc báo

Tia laser mạnh nhất thế giới được trình diễn ở California

Tia laser mạnh nhất thế giới – có thể tạo ra sức nóng như sức nóng bên trong mặt trời, đã được mang ra trình diễn ngày hôm qua ở tiểu bang California trước các chính khách và khoa học gia.

Cơ sở Đánh lửa Quốc gia (National Ignition Facility), lớn bằng sân vận động, có 192 thiết bị phóng tia laser và tất cả cùng chiếu tới một khối hydrogen tí hon.

Khi các tia laser bắn ra, các nhà khoa học dự kiến chất hydrogen sẽ chảy thành chất helium trong một phản ứng hóa học tương tự như phản ứng làm cho các vì sao bốc cháy và các quả bom hạt nhân phát nổ.

Dự án này bắt đầu năm 1997 và tiêu tốn khoảng 3 tỉ rưỡi đô la của chính phủ liên bang. Chính phủ nói rằng dự án này giúp cho các nhà khoa học nghiên cứu trong phòng thí nghiệm về những gì xảy ra trong một vụ nổ hạt nhân. Họ nói rằng dự án còn giúp cho các khoa học gia đánh giá sự an toàn của kho vũ khí hạt nhân của Mỹ đang ngày càng trở nên cũ kỹ.

Tuy nhiên, những người chỉ trích nói rằng dự án này không cần thiết và tốn kém quá nhiều. Một số người cũng e rằng dự án có thể dùng để phát triển những loại vũ khí hạt nhân mới.

Atlantis hạ cánh, kết thúc phi vụ nâng cấp viễn vọng kính Hubble

 

Phi thuyền con thoi Atlantis của Hoa Kỳ đã hạ cánh xuống bang California ở miền Tây, kết thúc phi vụ chưa từng có kéo dài 13 ngày để nâng cấp kính viễn vọng Hubble. Cơ quan không gian Hoa Kỳ NASA đã tuyên bố công tác sửa chữa phức tạp là một thành công toàn diện, và nói rằng nhờ đó mà kính viễn vọng 19 năm tuổi có thể hoạt động thêm ít nhất 5 năm nữa. Thông tín viên đài VOA Michael Lipin có bài tường thuật như sau.

 

The space shuttle Atlantis touches down at the NASA Dryden Flight Research Center at Edwards Air Force Base, Calif., at the conclusion of mission to repair the Hubble space telescope May 24, 2009.
Phi thuyền con thoi Atlantis hạ cánh xuống Căn cứ Không quân Edwards ở bang California hôm 24/5/2009
Năm ngày sau khi hoàn thành công tác nâng cấp và sửa chữa kính viễn vọng Hubble, bảy phi hành gia trên tàu Atlantis cuối cùng đã trở về trái đất, hai ngày muộn hơn so với dự định ban đầu.

"Houston: Bánh của tàu Atlantis đã dừng lại, Edwards 22."

Xin chào mừng Atlantis trở về trái đất. Chúc mừng chuyến bay vào không gian rất thành công, mang lại cho kính Hubble một bộ mắt mới, tiếp tục giúp chúng ta mở rộng kiến thức về vũ trụ.  

"Cám ơn, Houston. Quả là một hành trình tuyệt vời từ lúc bắt đầu cho tới khi kết thúc. Chúng tôi đã có một chuyến đi tuyệt vời."

Vừa rồi là lời trao đổi giữa phi hành đoàn Atlantis và nhân viên NASA dưới đất vào lúc phi thuyền sắp đáp xuống căn cứ không quân Edwards ở California hôm chủ nhật. NASA trước đó muốn cho phi thuyền đáp xuống căn cứ của cơ quan này vào ngày thứ sáu ở tiểu bang Florida miền đông, nhưng đã phải hủy bỏ kế hoạch vì thời tiết xấu.

Việc vận chuyển, đưa tàu con thoi trở lại Florida sẽ mất gần hai triệu đôla.

Các chuyên gia NASA cũng lên tiếng ca ngợi các phi hành gia vì đã vượt qua một loạt các trở ngại trong năm lần bước ra không gian. Các phi hành gia đã lắp đặt các thiết bị mới trên kính Hubble, sửa chữa các thiết bị đã ngừng hoạt động cũng như thay thế các bình điện sắp hết.

Giám đốc bộ phận khoa học không gian của NASA, ông Ed Weiler, nói rằng các cuộc kiểm tra bước đầu của kính viễn vọng cho thấy chuyến đi đã thành công.

Ông Weiler nói: “Các chuyên gia tại Trung tâm Du hành Không gian Goddard và Viện Khoa học Viễn vọng Không gian đã tiến hành kiểm tra các thiết bị. Mọi thứ đều tiến triển rất suông sẻ, và cho tới nay chưa nảy sinh bất kỳ vấn đề nào.”

Kể từ khi bắt đầu được đưa vào quỹ đạo trái đất năm 1990, kính Hubble đã cung cấp nhiều thông tin về vũ trụ hơn bất kỳ kính viễn vọng nào quan sát từ trái đất vì hình ảnh do loại kính này ghi lại thường bị bầu khí quyển của trái đất làm biến dạng.

NASA nói việc nâng cấp sẽ giúp kính Hubble nhìn sâu hơn vào vũ trụ cho tới ít nhất là năm 2014. Nhưng cơ quan không gian này nói rằng có nhiều phần chắc phi vụ sửa chữa mới nhất này sẽ là phi vụ cuối cùng, vì cơ quan này từng có kế hoạch cho phi thuyền ngừng hoạt động vào năm tới.

Ông Weiler cũng kêu gọi các ký giả tại cuộc họp báo không nên quá tập trung câu hỏi vào những chuyện tiêu cực.

Ông Weiler cho biết: “Ý tôi muốn nói rằng ta vừa sửa chữa kính viễn vọng Hubble. Ta có được một kính viễn vọng mới với bốn thiết bị mới – hai trong số đó từng ngừng hoạt động và giờ đã hoạt động trở lại. Ta có thêm năm, sáu, bảy, thậm chí là tám năm nữa với kính viễn vọng mới. Đây là thời kỳ tốt đẹp nhất, chứ không phải xấu nhất.”

NASA dự kiến sẽ công bố các dữ liệu đầu tiên do kính Hubble được nâng cấp ghi lại được vào cuối tháng Tám.

 

Việt Nam sẽ hợp tác với NASA 22/05/2009

Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho hay họ sẽ hợp tác với Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) để xây dựng một khung luật pháp về vũ trụ cũng như trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ vũ trụ đầu tiên ở Việt Nam.

Bản tin của Tân Hoa Xã trích tin tức báo chí Việt Nam cho hay theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Văn Lạng, người đã dẫn đầu phái đoàn Việt Nam đầu tiên tới thăm NASA vào tháng 4 vừa qua, thì Viện Công nghệ và Khoa học Việt Nam và NASA sẽ cùng sớm đưa ra một thoả thuận về việc phát triển công nghệ vũ trụ cũng như các ứng dụng khác khi phái đoàn NASA tới Việt nam vào tháng 11 năm nay.

Theo thỏa thuận dự kiến này, NASA sẽ tư vấn cho Việt Nam về việc xây dựng một Đạo luật về Vũ trụ theo luật pháp quốc tế, cũng như tư vấn về trung tâm vũ trụ ở Khu công nghệ cao Hoà Lạc của Việt Nam.

Trung tâm có diện tích 9 hecta này sẽ là nơi sản xuất, thử nghiệm và kiểm soát vệ tinh của Việt Nam.

Ông Phạm Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện công nghệ Vũ trụ cho hay theo chiến lược quốc gia về nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020, thì Việt Nam nhắm tới mục tiêu phát triển vệ tinh loại nhỏ phục vụ cho các mục đích nghiên cứu và chụp hình trong vài năm tới, sau đó là phát triển các loại vệ tinh lớn hơn để sử dụng cho mục đích dự báo thời tiết, cảnh báo thảm họa như động đất và sóng thần cũng như các mục đích quốc phòng khác.

Vệ tinh đầu tiên của Việt Nam trị giá 300 triệu đô la, Vinasat-1, do công ty Lockheed Martin của Mỹ sản xuất và đã được phóng bởi công ty Arianespace của Pháp vào tháng 4 năm 2008. Vệ tinh này có tuổi thọ từ 15 đến 20 năm.