Bôxit và hệ lụy môi trường ở Trung Quốc

   Tuổi Trẻ online         13/12/2008
 
Nguồn nước đỏ quạch do khai thác mỏ bôxit thải ra ở Hà Nam, Trung Quốc - Ảnh: sina.cn
TT - Chính quyền các tỉnh Trung Quốc đã bắt đầu hướng đến việc điều chỉnh khai thác bôxit khi môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ việc khai thác nguồn khoáng sản này. 

Ngày 10-12, trang web chính quyền tỉnh Hà Nam đưa tin tỉnh vừa ban hành quy định “Chấn chỉnh tình hình khai thác than và bôxit” và “Quy hoạch và sử dụng nguồn bôxit”. Theo đó, các doanh nghiệp khai thác bôxit chính quy phải trả lại hiện trạng đất đai như ban đầu sau bốn năm khai thác, nếu không đáp ứng tiêu chuẩn này sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn. Một loạt biện pháp tương tự cũng được đưa ra tại những tỉnh tập trung mỏ than, bôxit lớn ở Trung Quốc.

Hệ lụy môi trường

Là một nước sản xuất và tiêu thụ nhôm lớn nhất thế giới, cùng với tham vọng trở thành một trong những quốc gia sản xuất xe hơi và máy bay lớn trên thế giới, Trung Quốc đang trở thành một con hổ đói bôxit để phục vụ ngành công nghiệp nhôm nội địa. Vấn đề đặt ra ở đây chính là hệ sinh thái xung quanh những nơi khai thác quặng mỏ, đặc biệt là bôxit, ở nước này đã bị hủy hoại nghiêm trọng. Theo Chinanews, nhiệt độ quanh khu vực quặng mỏ ở Thái Nguyên (Sơn Tây), Tịnh Tây (Quảng Tây) đã tăng cao một cách bất thường kể từ khi những mỏ khai thác bôxit được dựng lên ở đây.

Nguồn nước xung quanh các khu vực này trở nên ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của hàng triệu người dân. Từ năm 2004-2008, chính quyền tỉnh Hà Nam đã đóng cửa hơn 100 mỏ khai thác bôxit có quy mô nhỏ trong toàn tỉnh, trong đó lớn nhất là quyết định ngưng dự án khai thác bôxit để sản xuất nhôm trị giá 1,5 tỉ nhân dân tệ ở huyện Nhữ An chỉ sau một năm đưa vào hoạt động do gây ô nhiễm nguồn nước xung quanh khu vực khá nặng nề.

Nhật Báo Quảng Tây cho biết vụ ô nhiễm do khai thác bôxit gần đây nhất là ở mỏ bôxit Tịnh Tây. Chỉ mới khai thác hơn một năm nhưng mỏ này đã làm nguồn nước xung quanh khu vực nhiễm màu đỏ quạch khiến người dân trong khu vực không thể sử dụng được nguồn nước để sinh hoạt, kéo theo là những chứng bệnh lạ.

Đóng cửa hơn 100 mỏ bôxit

Năm 2004, tại Ấn Độ đã diễn ra phong trào chống các công ty khai thác bôxit sau khi Chính phủ Ấn Độ, nước có trữ lượng bôxit lớn thứ sáu thế giới, cấp giấy phép cho 13 công ty đa quốc gia vào khai thác quặng bôxit tại bang Orissa. Các dự án khai khoáng đã ảnh hưởng tới 60.000 cư dân sinh sống trong vùng. Một diện tích đất nông nghiệp gần 1.000ha đã hoàn toàn bị hủy hoại.

Theo Hiệp hội Bảo tồn sinh học nhiệt đới, những cảnh báo đã được đưa ra vào các năm 2006 và 2008 khi các công ty khai thác bôxit lăm le tấn công những vùng thiên nhiên được bảo tồn tại Surinam và Jamaica, lần lượt xếp thứ 5 và 10 trong số những nước có nguồn quặng bôxit dồi dào nhất.

HẢI MINH

Để hạn chế thực trạng khai thác bôxit bừa bãi gây ảnh hưởng đến môi trường và duy trì nguồn bôxit của quốc gia, từ năm 2006 Chính phủ Trung Quốc đã thực thi quy định về “pháp lệnh nguồn tài nguyên khoáng sản”.

Theo đó, các địa phương trên toàn quốc phải chấn chỉnh ngành khai thác mỏ, đặc biệt chú trọng đến việc khai thác bôxit. China Daily cho biết từ năm 2005 đến nay, Cục Bảo vệ môi trường quốc gia Trung Quốc đã xử lý hàng chục ngàn vụ gây ô nhiễm môi trường, trong đó đóng cửa hơn 100 mỏ khai thác bôxit trên khắp đất nước.

Theo mạng bảo vệ môi trường Trung Quốc, cuối năm 2006 tỉnh Sơn Tây đã đưa ra quy định “quản lý nguồn tài nguyên khoáng sản trong vùng, trong đó chú trọng đến tiêu chuẩn khai thác bôxit trong vùng”. Nếu các doanh nghiệp khai thác bôxit không đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường, phục hồi đất đai và không đạt chuẩn sẽ bị cấm khai thác, nếu quy mô khai thác dưới 1.000 tấn sẽ bị đóng cửa hoặc không cấp phép khai thác mới.

Ngoài ra các tỉnh như Sơn Đông, Quý Châu, Hà Nam còn quy định các doanh nghiệp đạt chuẩn khai thác bôxit phải có báo cáo đánh giá ảnh hưởng của môi trường địa chất xung quanh khu vực định khai thác, nếu đáp ứng được yêu cầu của cơ quan môi trường mới được cấp phép hoạt động.

Chuyển hướng ra nước ngoài

Theo trang web khai thác khoáng sản Trung Quốc, trữ lượng bôxit đã được thăm dò của Trung Quốc đạt khoảng 200 triệu tấn, chỉ chiếm 2% tổng trữ lượng bôxit của thế giới. Lượng bôxit này phân bố trên 20 khu vực và tỉnh thành, phần lớn các mỏ bôxit lớn tập trung ở các tỉnh Sơn Tây, Sơn Đông, Quý Châu và khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây.

Báo The Chinanews dẫn nguồn tin từ Tập đoàn Sản xuất nhôm Trung Quốc (Chinalco) cho biết nhằm đáp ứng nguồn cung ổn định cho các công ty sản xuất nhôm nội địa, hằng năm Trung Quốc phải nhập một lượng bôxit khá lớn, chiếm 1/3 tổng trữ lượng bôxit trong nước.

Chính vì nhu cầu tiêu thụ quá lớn, nên ngay từ năm 2006 Chính phủ Trung Quốc đã “bật đèn xanh” cho các doanh nghiệp sản xuất nhôm đổ bộ khai thác bôxit ở nước ngoài theo kế hoạch “quốc tế hóa chiến lược kinh doanh” cho các doanh nghiệp.

Năm 2006, Chinalco đã giành được hợp đồng trị giá 3 tỉ USD đầu tư phát triển mỏ bôxit ở vùng Aurukun phía bắc Cape York, Úc. Mỏ này có trữ lượng lên đến hàng trăm triệu tấn. Trung Quốc để mắt đến Úc bởi đất nước này có trữ lượng bôxit chiếm 22% trữ lượng của thế giới. Theo Cri.com, các đối tác mà Trung Quốc đã và đang nhắm đến là VN và Brazil.

MỸ LOAN

http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=292444&ChannelID=2