Tài nguyên quốc gia, khai thác hay tàn phá? Chảy máu vàng sa khoáng 

Thanh niên online  Ngày 01/04/2009 
 
 
01/04/2009 1:33 
Trên mỗi cửa lò, chủ bưởng cho dựng một chiếc ròng rọc để đưa người xuống đào bới và đưa kéo đất đá lên - Ảnh: Quang Duẩn
Trước năm 2005, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) bàn giao 95 khu vực có khoáng sản vàng cho UBND 12 tỉnh để cấp giấy phép khai thác tận thu. Chỉ tính riêng tại Quảng Nam đã có 50 khu vực được bàn giao nhưng đến nay địa phương đã... trả lại 37 khu vực, do xét thấy không đủ điều kiện để cấp phép.

 

 Mời nghe đọc bài
 

Do có "khoảng trống" về quy hoạch, việc khai thác vàng sa khoáng tại nhiều địa phương lâm vào kiểu ăn xổi ở thì, thiếu ổn định, gây bức xúc về an ninh trật tự, môi trường.

"Rút ruột" Thần Sa

Thần Sa (H.Võ Nhai, Thái Nguyên) từ lâu đã "nổi tiếng" với những bãi vàng thổ phỉ Bản Ná, Tau Lườn... Không ai biết, từ trước đến giờ, các chủ "bưởng" đã "rút ruột" Thần Sa bao nhiêu vàng nhưng một điều chắc chắn, tài nguyên của quốc gia đang bị thất thoát nghiêm trọng. 

1. Từ Hà Nội bắt xe khách lên Thái Nguyên, lang thang mãi ở bến xe tôi mới tìm được anh xe ôm tên Khoa đồng ý chở tới bãi vàng ở Thần Sa sau khi rất nhiều đồng nghiệp của anh lắc đầu từ chối. "Đường lên đó bất khuất lắm, 350.000 đồng, OK thì lên xe" - Khoa mặc cả. Tôi gật đầu. Trên 30 km đầu tiên, đường nhựa phẳng lì, xe chạy ngon ru. Qua thị trấn La Hiên một quãng, đường xấu dần, núi rừng chập chùng. Tôi bắt đầu cảm nhận được sự "bất khuất" của đường sá theo như cách mô tả của Khoa khi xe chạy qua những chiếc cầu tạm làm bằng gỗ bắc qua 2 - 3 con suối nhỏ. Mấy người dân tộc thiểu số ngồi trong chiếc lều ở đầu cầu chìa tay nhận 3 ngàn đồng gọi là "phí giao thông", nói: "Chỉ thu phí lúc vào thôi. Lúc quay ra không phải đưa tiền nữa".

Chẳng biết chúng tôi đã vượt qua bao nhiêu con suối, đèo dốc; qua những đoạn đường một bên là vách núi, bên kia là vực sâu hun hút. Tôi chỉ biết, mỗi khi xe vào đèo, Khoa về số 1, kéo ga hết cỡ, chiếc xe cũng chỉ chậm chạp bò từng mét đường, tiếng động cơ vang một góc rừng. Tôi phải xuống xe leo dốc, mãi rồi cũng lên được đến đỉnh, mồ hôi ướt đầm lưng áo.

Theo Khoa, một gã xe ôm biết lắm chuyện về dân đào vàng và các bãi vàng ở Thần Sa, những năm trước, dân đào vàng tứ xứ đổ về Bản Ná dựng lều lán, đêm ngày đào đất đãi vàng. Nghe nói, khi lò "rực" (trúng đậm vàng - PV), có chủ "bưởng" đã trúng cả yến vàng. Dân khắp nơi lại ùn ùn kéo đến tìm vận may. Tuy nhiên, cũng có khi lò sập, vài chục con người đã phải bỏ mạng dưới đống đất đá. Người ta phải đào bới tìm xác, khiêng cáng, rồi đưa lên xe u-oát chở ra ngoài rừng. Khi có cả ngàn người ở bãi vàng, cảnh hút chích, đâm chém, tranh giành nhau diễn ra như cơm bữa...

 

Băm nát rừng để đào vàng - Ảnh: H.X.H

2. Xe chạy đến Bản Ná. Trước mắt chúng tôi là một thung lũng đã bị băm nham nhở, dấu vết còn lại của một "công trường" đào vàng năm xưa. Vượt qua con đường độc đạo, ngoằn ngoèo, chúng tôi đến cánh đồng Thắc Kiệm, nơi ở sâu dưới lòng đất được xác định là có rất nhiều vàng sa khoáng. Tới chân một quả núi đá vôi, chúng tôi dừng lại trước ngôi nhà gỗ. Chị chủ nhà nghe tiếng gọi cửa, nói vọng ra: "Gửi xe à, có qua đêm không? Vào hang nào đấy?" rồi bỏ mặc khách. Đối diện với ngôi nhà gỗ, phía trên sườn núi, mấy chiếc lán nhỏ dựng cạnh các cửa hang, trước cửa hang là những bãi nước to dân đào vàng dùng để "phụt" đất lấy lên từ dưới lòng núi. Trên đỉnh núi, một "công trường" đào vàng vừa bị phá bỏ. Chuẩn úy Ngô Quốc Khánh - Ban chỉ huy quân sự H.Võ Nhai cho biết: "Cách đây 3 ngày, các lực lượng chức năng đã truy quét, trục xuất các đối tượng cư trú bất hợp pháp, khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép trên địa bàn xã Thần Sa".  

3. Trao đổi với Thanh Niên, ông Dương Văn Khanh - Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Thái Nguyên xác nhận, trước năm 1998, nạn khai thác vàng trái phép diễn ra rất phức tạp, UBND tỉnh đã tổ chức giải tỏa và quyết định đóng cửa các bãi vàng bằng cách lập chốt kiểm soát ở đó. Năm 2002 - 2003, người ta lại kéo nhau về đây đào vàng. Năm 2004, lực lượng chức năng vào cuộc truy quét và lập chốt kiểm soát trở lại, tình hình ổn định hơn. Thời gian qua, nạn khai thác vàng trái phép lại bùng lên ở khu vực núi đá vôi Tau Lườn. Theo quan sát của PV Thanh Niên tại công trường Tau Lườn, dù có sự truy quét như ông Khanh nói thì với những đầu tư thiết bị quy mô còn sót lại như vậy, chắc chắn không ít vàng đã bị lấy đi.

Theo ông Dương Văn Khanh, năm 2005, UBND tỉnh bắt đầu xem xét cấp phép khai thác vàng nhưng đến cuối năm 2008 mới cấp một mỏ tại Bản Ná cho Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và khai thác khoáng sản Thăng Long. Hiện công ty này đang tiến hành làm đường giao thông và mắc điện vào Thần Sa, làm các thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng.

Dù đã cấp phép cho doanh nghiệp, nhưng quan trọng nhất là các cơ quan chức năng của địa phương phải làm thế nào để quản lý, giám sát được quá trình khai thác của doanh nghiệp, nếu không sẽ lại xảy ra chuyện "bán cái" như trước đây, làm bùng phát nạn đào vàng thổ phỉ như ông Trần Văn Thịnh - Phó giám đốc Sở TN-MT Thái Nguyên đã thừa nhận trong cuộc làm việc với phóng viên.

 

 

Theo Bộ TN-MT, ở nước ta quặng vàng phân bổ rải rác trong các vùng núi cao, tập trung ở một số nơi như Lào Cai, Bắc Kạn, Quảng Nam, Lâm Đồng... Tại Quảng Nam, năm 1980 Viện Địa chất khoáng sản Việt Nam đã đánh giá trữ lượng vàng ở Quảng Nam ở mức gần 30 tấn. Một chuyên gia khác quả quyết, trên thực tế trữ lượng ấy phải nhiều gấp 10 lần! 

 

Thu vàng, xả… cyanure!

Danh mục các mỏ vàng được điều tra, đánh giá do Bộ TN-MT ban hành ngày 17.1.2006 xác định, Quảng Nam đã chiếm hết 4 trong tổng số 25 mỏ trên toàn quốc. Mỏ Bồng Miêu danh tiếng bấy lâu nay qua thăm dò cho thấy còn chứa bên dưới 6,088 tấn vàng. Ba điểm còn lại nằm cả ở H.Phước Sơn: Đăk Sa (8,553 tấn), khu Phước Kim - Phước Thành (22 tấn), Phước Hiệp (9,572 tấn). Tính từ ngày có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoáng sản (năm 2005) đến cuối năm 2008, các mỏ vàng Quảng Nam thu về 903 kg vàng.

Nhưng hấp lực từ vàng cũng đã và đang kéo theo quá nhiều hệ lụy...

Mối họa cyanure

Lâu nay, mức độ ô nhiễm ở sông suối đầu nguồn thường chỉ được đo đếm bằng... mắt, mà nói như lãnh đạo một huyện miền núi là "khai thác thủ công nên nước đục thế thôi, không có cyanure đâu!". Mãi đến khi xảy ra sự cố, cơ quan chức năng vào cuộc thì mới tá hỏa. Vụ tranh cãi tại Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu (nhà máy đóng tại xã Tam Lãnh, H.Phú Ninh) nhiều năm qua là một ví dụ.

Từ dấu hiệu cá chết hàng loạt sau mỗi trận mưa lớn tại Suối Lò, khu vực cầu Trà Ly trên sông Bồng Miêu, người dân thôn Trà Sung (xã Tam Lãnh) gửi đơn khiếu kiện. Trước bức xúc đó, Chi cục Bảo vệ môi trường miền Trung - Tây Nguyên đã 3 lần kiểm tra tại công ty và lưu vực sông Bồng Miêu. Tháng 12.2008, Cục Kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường) chính thức công bố kết luận, hé mở sự thật kinh ngạc: chất thải từ nhà máy vào đập 3 có 14/22 thông số đo đạc vượt TCVN 5945:2005, trong đó hàm lượng cyanure vượt TCVN đến 687 lần! Tại  đập số 1, hàm lượng cyanure cũng vượt 11,1 lần...

Địa phương tiếp tay sa tặc

Xin nhắc lại, trong các điểm mỏ vàng hoạt động tại Quảng Nam, chỉ có mỏ ở Phước Sơn, Bồng Miêu được tổ chức khai thác, chế biến quy mô công nghiệp; còn lại là nhỏ lẻ, thủ công, thậm chí lén lút. Tháng 3.2009 cũng là thời hạn cuối cùng mà Cục Kiểm soát ô nhiễm đưa ra để yêu cầu công ty này khắc phục các hạng mục công trình được cho là không đảm bảo.

Tình hình khai thác vàng sa khoáng trái phép tại Quảng Nam đang có phần lắng dịu. Trớ trêu thay, những mối nghi ngờ lại đang đổ dồn về phía... cán bộ. Trong văn bản yêu cầu tăng cường công tác quản lý khoáng sản, UBND tỉnh chỉ "đích danh" các việc làm trái pháp luật của chính quyền địa phương cấp huyện, xã như tự thỏa thuận cho phép khai thác bằng miệng hoặc hợp đồng khai thác để đóng góp cho ngân sách địa phương. Sự kiện chú ý gần đây nhất có lẽ là bản báo cáo giữa tháng 3.2009 đánh giá hoạt động khai thác vàng trái phép, khi UBND tỉnh Quảng Nam liệt kê danh sách lên đến 42 xã ở 13 huyện vi phạm.

 

* Ông Nguyễn Văn Thuấn - quyền Cục trưởng Cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam (Bộ TN-MT): "Trữ lượng vàng ở nước ta phân bổ rải rác ở nhiều địa phương trên toàn quốc, trong đó tập chung chủ yếu ở trung Trung Bộ. Hiện nay, ngoài một công ty của Úc đang khai thác vàng ở mỏ Bồng Miêu, Phước Sơn (Quảng Nam) và một số công ty trong nước tổ chức khai thác công nghiệp, còn lại là khai thác nhỏ lẻ, thủ công và nạn khai thác thổ phỉ. Khai thác nhỏ lẻ, thô sơ và khai thác thổ phỉ không chỉ làm thất thoát tài nguyên mà còn tàn phá môi trường và gây mất an ninh trật tự".       

* Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam: “Mỗi năm lượng vàng khai thác tại Việt Nam chỉ khoảng 2 tấn, số vàng tiêu thụ còn lại trên thị trường chủ yếu nhập khẩu. Các công ty khai thác vàng tại Việt Nam chỉ có thể xử lý được 70% tạp chất đối với nguyên liệu vàng tìm được, còn lại gần như phải chuyển ra nước ngoài để tinh luyện thành vàng 4 số 9. Quy trình xử lý để lấy vàng cần sử dụng một số chất hóa học lắng đọng chẳng hạn như phương pháp cyanure. Những chất này có tác hại đến sức khỏe con người nếu không ứng dụng một quy trình xử lý khép kín”. (Q.Duẩn - T.Xuân ghi)

 

>> Cơn sốt khoét núi tìm vàng
>> Bệnh lạ" từ bãi vàng: Kết quả điều trị không khả quan
>> Sông đau vì vàng
>> "Vàng tặc" hoành hành, chính quyền bất lực
>> Thanh Hoá: "Vàng tặc" đục khoét lòng sông Đặt