Bài 1: Lợi ích kinh tế và hậu quả môi trường

   VOV News      12/12/2008
 
 
 
(VOV) - Việc khai thác chế biến bô-xít là hy vọng giúp tỉnh Đắc Nông thoát khỏi cảnh nghèo. Với Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam, đó là bước chuyển sinh tử trong sản xuất kinh doanh, khi trữ lượng than dần cạn kiệt. Nhưng…

Theo Bộ Tài nguyên - Môi trường, nước ta có trữ lượng khoảng 7 tỷ tấn quặng bô-xít, tương đương với 3,2 tỷ tấn quặng tinh, là một trong những quốc gia có trữ lượng bô-xít hàng đầu thế giới. Quặng bô-xít tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên, trong đó riêng tỉnh Đắc Nông đã chiếm hơn 60% trữ lượng.

Việc khai thác, chế biến nguồn tài nguyên này là hy vọng giúp tỉnh Đắc Nông thoát khỏi cảnh nghèo, trở thành một tỉnh công nghiệp. Với Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam, đó là bước chuyển sinh tử trong sản xuất kinh doanh, khi trữ lượng than dần cạn kiệt.

Tuy vậy, những hậu quả khi khai thác bô-xít dường như chưa được cả doanh nghiệp và các nhà quản lý quan tâm đúng mức. Trong khi đó, giới khoa học lại có đủ lý do để cảnh báo về một sự huỷ hoại môi trường không thể cứu vãn. Không những thế, những luận chứng về hiệu quả kinh tế của đại dự án bô-xít trên Tây Nguyên cũng gây ra không ít nghi ngờ. 

Tiềm năng và tham vọng

Nhôm (aluminum) là kim loại nhẹ, ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong thế giới hiện đại. Nhôm hiện diện trong đời sống hàng ngày, từ đơn giản như giấy gói bánh kẹo, đến các vi mạch điện tử, hay chế tạo máy bay… Nhu cầu nhôm của thế giới những năm gần đây không ngừng tăng lên, khoảng 90 triệu tấn/năm, gấp 3 lần so với 10 năm trước. Nguồn nhôm nguyên được tổng hợp từ việc khai thác, chế biến quặng bô-xít trong tự nhiên.

Bô-xít ở Đắc Nông chiếm hơn 60% trữ lượng bô xít của cả nước, có hàm lượng tinh quặng tới 50%, mỏ lộ thiên trên các quả đồi, do vậy việc khai thác khá thuận lợi.

5 năm qua, Chính phủ đã cho phép Tập đoàn than khoáng sản Việt Nam (TKV) tiến hành thăm dò, đầu tư khai thác, chế biến quặng bô-xít ở Tây Nguyên. Theo quy hoạch, đến năm 2025, tại khu vực Tây Nguyên và Nam Trung bộ sẽ có 6 tổ hợp khai thác bô-xít, luyện alumin, 2 nhà máy điện phân nhôm, cùng hệ thống đường sắt Đắc Nông – Bình Thuận và cảng biển phục vụ xuất khẩu alumin, với tổng vốn đầu tư khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Đến lúc đó, Việt Nam sẽ trở thành cường quốc nhôm, với sản lượng alumin hàng năm chiếm khoảng 1/5 của thế giới.

Hiện tại, TKV đang đầu tư xây dựng 2 tổ hợp bô-xít – alumin tại Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắc Nông), dự kiến hoàn thành trong 2 năm tới, với tổng sản lượng 1,2 triệu tấn alumin/năm. Ngay sau đó, một loạt các nhà máy sẽ được xây dựng, đồng thời với việc xây dựng tuyến đường sắt. Riêng tại tỉnh Đắc Nông, sẽ có 4 tổ hợp bô-xít – alumin, hàng năm sẽ đóng góp vào ngân sách Nhà nước 1.500 tỷ đồng. Các dự án này còn tạo việc làm cho hàng chục ngàn lao động địa phương, phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ phục vụ khai khoáng, thay đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, hứa hẹn đem lại diện mạo mới cho toàn vùng. 

Cảnh báo quyết liệt của giới khoa học

Tuy vậy, kế hoạch khai thác bô-xít của TKV đã vấp phải sự phản đối quyết liệt của các nhà khoa học. Lý do là, TKV đã chưa tính toán hết những tác động tiêu cực của việc khai thác bô-xít đến môi trường, văn hoá, xã hội; chưa có lộ trình cụ thể về kinh tế, kỹ thuật, công nghệ…

Về bài toán kinh tế bô-xít của TKV, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, cho rằng, đó là cách làm của “nhà nghèo”: vẫn chỉ dựa vào việc khai thác bán tài nguyên, mà chưa nghĩ ra cách sử dụng như thế nào để thúc đẩy các ngành sản xuất khác, xuất khẩu thêm nhiều sản phẩm. Mặt khác, trở thành "đại gia" nhôm, chúng ta sẽ phải chấp nhận “trò chơi kinh tế” về cung - cầu, giá cả, như đã từng diễn ra với cà phê, thép, hồ tiêu; và nhôm Việt Nam sẽ ra sao khi thị trường thế giới thay đổi?

Còn Tiến sỹ Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Công ty năng lượng Sông Hồng, phản đối quyết liệt đại dự án bô-xít, gọi đây là cách làm "chẳng giống ai": Có quá nhiều tham vọng khi muốn đưa Việt Nam từ một nền kinh tế kém phát triển trở thành một cường quốc nhôm của thế giới, trong khi còn nhiều lĩnh vực khác cần ưu tiên đầu tư. Việc thực hiện Dự án quá nhiều rủi ro vì chưa có đánh giá chính xác về tài nguyên; còn kỹ thuật, công nghệ, thị trường thì hoàn toàn phụ thuộc nước ngoài. “Thứ nhất là chiếm dụng đất rất lớn nhưng hiệu quả tạo ra việc làm thì rất thấp, bình quân mất 2,5ha mới tạo ra được 1 chỗ làm việc. Nguy cơ thứ hai là bùn đỏ, chất độc hại không bao giờ phân huỷ, trong khi chúng ta lại chôn giữ ở đây, trên độ dốc khoảng 25%, thiệt hại vỡ đập không thể kiểm soát được. Thứ ba là làm mất nguồn nước hiện đang còn thiếu cho phát triển cây công nghiệp: riêng dự án Nhân Cơ tốn gần 15 triệu m3/năm, dự án Tân Rai là 18 triệu m3/năm, mà cả hai dự án không hề thấy có bảng cân đối nước, bao nhiêu nước dùng vào đây thì không hiểu cà phê với chè sẽ ra sao? Và thứ tư là nguy cơ làm thay đổi môi trường sinh thái, khâu khai thác lộ thiên này là một trong những công nghệ tàn phá môi trường mạnh nhất, đặc biệt là thảm động thực vật và gây xói mòn”- Tiến sỹ Nguyễn Thành Sơn phân tích.

 

 Khai thác lộ thiên sẽ tàn phá thảm động thực vật và gây xói mòn


Tiến sỹ Hà Huy Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu môi trường phát triển bền vững, không tin rằng dự án khai thác bô-xít có thể hoàn thổ, trả lại màu xanh cho Tây Nguyên như trước được. Và như vậy, sẽ không thể làm nông –lâm nghiệp trên những vùng đất đã khai thác bô-xít. “Chúng ta phải nhìn vào thực tiễn đã có như vậy mà cân nhắc thận trọng, tỷ mỷ hơn để dự án có thể bền vững: đó là phát triển đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngày hôm nay, nhưng phải làm sao cho thế hệ mai sau có cái để sống. Nếu đào cả tỉnh Đắc Nông lên, thì 50 năm nữa, tỉnh còn cái gì để phát triển; hay là thế hệ mai sau chỉ còn gặp được một vùng Quảng Ninh đen mù bụi than, và một Đắc Nông màu đỏ không phân huỷ?”- Ông Thành dẫn chứng từ thực tế hơn 100 năm khai thác vùng mỏ than Quảng Ninh. 

Nghi ngờ bài toán kinh tế của TKV, lo ngại trước những hậu quả môi trường không thể kiểm soát khi khai thác bô-xít, các nhà khoa học đề nghị tạm dừng dự án này, thay bằng việc phát triển "Tây Nguyên xanh": trồng rừng, trồng cây công nghiệp.  

Và cái lý của người bản địa

Liệu đây có phải là giải pháp tối ưu cho vùng đất mỏ bô-xít? Chúng ta cùng tìm hiểu thực tế ở tỉnh Đắc Nông.

Ông Nguyễn Văn Minh được coi là một nông dân sản xuất giỏi ở xã Kiến Thành, huyện Đắc R'Lấp, tỉnh Đắc Nông. Ông cho biết, khu vực này là vùng đất quặng, nên phải khéo chăm sóc cây trồng mới có thu. Với diện tích gần 5 héc-ta, ông trồng cà phê dưới chân đồi, tiếp đó là cao su, rồi trồng điều trên vùng đồi cao. Cố gắng lắm, cà phê mới cho năng suất 2 tấn rưỡi 1ha, còn 1 sào điều thì mỗi năm thu được khoảng chục triệu đồng. Trồng 15 năm rồi đó, mà vì đất sỏi quá nên cây điều nó không tốt lên được. Cà phê thì nước tưới không đủ, năng suất kém!” – Ông Minh ngao ngán chỉ ra vườn nhà.

Đó cũng là tình trạng chung ở xã Nhân Cơ, huyện Đắc R'Lấp. Ông Lâm Trí Hy, Chủ tịch UBND xã, cho biết, phần lớn kinh tế địa phương phụ thuộc vào nông nghiệp. Xã có hơn 3 nghìn héc-ta cà phê, năng suất trung bình chỉ đạt 1tấn rưỡi 1 héc-ta, không bằng một nửa năng suất cà phê ở tỉnh Đắc Lắc. Đất đai không được ưu đãi, mà đời sống của nông dân thì thăng trầm theo sự thay đổi của thời tiết và giá cả nông sản: “Khu vực nào quặng ít, thì đầu tư trồng cây công nghiệp, hoặc một số cây ngắn ngày, thì cũng có thu, mặc dù không được tốt như ở Đắc Min hay các huyện khác. Chỗ nào mà quặng nhiều, nổi trên mặt đất thì mình trồng cây gì lên, sau đó nó cũng bị chết. Sản xuất nông nghiệp phập phồng là do thời tiết, khí hậu thay đổi nên năm được năm mất, và giá cả thị trường thì rủi ro nhiều, cứ hạ giá 3-4 năm, lên giá được 1 năm lại hạ giá; nên điều kiện phát triển nông nghiệp ở địa phương gặp nhiều khó khăn”.

Theo ông Trần Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Nông, với 2/3 diện tích tự nhiên của tỉnh có chứa quặng bô-xít, việc phát triển nông nghiệp không phải là lợi thế của vùng đất này. Đắc Nông có 2 tiềm năng lớn: nguồn thuỷ điện khoảng 1.700MW đã và đang được xây dựng; còn bô-xít nếu không khai thác, thì Đắc Nông cũng giống như người ngồi trên đống vàng mà vẫn đói. “Lợi thế nông nghiệp của Đắc Nông không phải tốt như Bình Phước, như Đắc Lắc, bởi vì các vùng mỏ khô cằn. Nếu bây giờ không khai thác được tiềm năng bô-xít này, và chỉ nhìn vào các loại cây nông nghiệp thì buồn lắm, Đắc Nông của 10 năm sau cũng giống như của hôm nay, vì không phát triển được. Nên việc khai thác bô-xít là nguyện vọng tha thiết của cả Đảng bộ và nhân dân Đắc Nông, nếu chúng ta biết khai thác hợp lý, sử dụng tốt, thì sẽ phát triển nhanh hơn, có thể theo kịp các tỉnh lân cận” - Ông Trần Phương bày tỏ.

Cho đến nay, cuộc tranh luận giữa doanh nghiệp, chính quyền, người dân địa phương và các nhà khoa học về “lợi” và “hại” của đại dự án bô-xít Tây Nguyên vẫn chưa có đáp số thống nhất. Đó là chưa kể đến những tác động xấu từ việc khai thác bô-xít đến đời sống xã hội, văn hoá…của không chỉ Đắc Nông mà cả khu vực Tây Nguyên./.

Nhóm phóng viên VOV

 

http://vovnews.vn/Home/Bai-1-Loi-ich-kinh-te-va-hau-qua-moi-truong/200812/100872.vov