Đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày Trần Nhân Tông nhập niết bàn

Vietsciences- Tuổi Trẻ Online    29/11/2008

 

Chùa Đồng - Yên Tử

Đại lễ tưởng niệm 700 năm Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn do Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) phối hợp với Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh tổ chức, diễn ra trong 3 ngày từ 25 đến 27-11 tại nhiều nơi của Quảng Ninh như: huyện Đông Triều, Yên Hưng, thị xã Uông Bí, Cẩm Phả. 

Cùng với Đại lễ tưởng niệm còn có nhiều hoạt động như: dâng hương, tổ chức Đại trai đàn cầu siêu, hội thảo về thân thế sự nghiệp của Phật Hoàng Trần Nhân Tông và các hoạt động văn hoá - nghệ thuật.

Ông Phạm Hùng Sơn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Quảng Ninh, thành viên Thường trực Ban tổ chức cho biết: Đại lễ tưởng niệm sẽ diễn ra sáng 27-11 ở Quảng trường khai hội Yên Tử, thị xã Uông Bí với đoàn rước xe hoa, múa bài bông, Lục cúng hoa đăng và lễ cầu nguyện Thế giới hoà bình - Quốc thái dân an.

Trước đó, ngày 25-11, tổ chức dâng hương tại đền Cửa Ông, thị xã Cẩm Phả, chùa Quỳnh Lâm, huyện Đông Triều; khai mạc triển lãm thư pháp về các bài thơ, phú, kệ của Phật Hoàng Trần Nhân Tông; tổ chức Đại trai đàn cầu siêu liệt sỹ trận vong thời Trần và chư vị anh linh có công dựng nước và giữ nước tại huyện Yên Hưng và trai đàn Cúng Phật, cúng Tổ tại Yên Tử.

Tối 26-11, GHPGVN, Viện Khoa học xã hội Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo khoa học về Trần Nhân Tông và diễu hành xe hoa tại Đông Triều - Uông Bí.

Xác định Đại lễ tưởng niệm 700 năm Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn thu hút sự quan tâm của đông đảo nhân dân, các chức sắc, Phật tử trong cả nước. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các ngành chủ động trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, các dịch vụ ăn uống, nhà nghỉ, đi lại làm sao tốt nhất, an toàn nhất cho các đại biểu được mời, cho du khách và nhân dân Phật tử gần xa về với Đại lễ lần này.

Sau Đại lễ tưởng niệm Phật Hoàng Trần Nhân Tông năm nay, GHPGVN và Tỉnh hội Phật giáo Quảng Ninh sẽ tiến tới đề nghị tổ chức ngày mất của ông (1-11-1308) hằng năm như Quốc giỗ của Phật giáo. Đây cũng là cơ sở để các cơ quan chức năng trình lên UNESCO công nhận Trần Nhân Tông là Danh nhân văn hóa thế giới.

Hội thảo về Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông:

Hào khí Đông A và tinh thần Phật giáo nhập thế

TT - Có lẽ chưa hội thảo khoa học nào lại thu hút quảng đại quần chúng như cuộc hội thảo mang tên “Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, cuộc đời và sự nghiệp” diễn ra sáng 26-11 tại Quảng Ninh.

 

 

Toàn cảnh hội thảo “Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, cuộc đời và sự nghiệp” - Ảnh: P.Trí
 

Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ đại lễ tưởng niệm 700 năm ngày mất của Phật hoàng Trần Nhân Tông, với 90 tham luận của các nhà nghiên cứu, học giả đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, lãnh thổ Đài Loan, Thái Lan và VN. Tại hội thảo còn có mặt nhiều nhà chính trị: nguyên chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, nguyên phó chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được, nguyên trưởng Ban Tư tưởng - văn hóa (nay là Ban Tuyên giáo) trung ương Nguyễn Khoa Điềm.

 

"Trần Nhân Tông đúng là một vị vua văn võ song toàn, một vị Phật hoàng có công lao to lớn đối với dân tộc. Vì vậy cuộc hội thảo này có ý nghĩa quan trọng. Tôi mong các vị đi sâu nghiên cứu làm sáng tỏ hơn nữa công lao, sự nghiệp của Phật hoàng Trần Nhân Tông..."

Trích thư Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi đến hội thảo

 

Hàng trăm phật tử và kiều bào trong số hàng chục ngàn phật tử từ mọi miền đất nước có mặt ở chân núi Yên Tử từ mấy ngày nay cũng đến dự hội thảo, rất nhiều người đứng ngoài sân hội thảo theo dõi qua màn hình lớn. “Điều đó chứng tỏ sức hút to lớn của nhà vua - thiền sư còn nguyên vẹn trong tâm trí người dân VN.

Cuộc đời và sự nghiệp của ngài là đề tài lớn để con cháu muôn đời sau khám phá, học hỏi” - hòa thượng Thích Thanh Tứ, phó chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo VN, trưởng ban tổ chức đại lễ, nói.

“Trần Nhân Tông là một hoàng đế đặc biệt, người có nhiều đóng góp quan trọng trên cả ba lĩnh vực: dựng nước, giữ nước, mở nước. Song điểm được coi là nổi bật nhất trong sự nghiệp, cuộc đời Trần Nhân Tông là việc sáng lập phái thiền Trúc Lâm Yên Tử, dòng thiền của riêng người Việt” - thượng tọa Thích Bảo Nghiêm (Ban trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội) bắt đầu hội thảo với nhận định như vậy. Theo thượng tọa, thiền phái Trúc Lâm là sự kết hợp của bốn dòng thiền đã có mặt ở VN trước đó nhưng chỉ riêng sự ra đời của dòng thiền này đã thể hiện tinh thần và khả năng đoàn kết của nó. “Đặc biệt hơn, đây là thiền phái đầu tiên do một người VN sáng lập mà người đó lại chính là vị hoàng đế đứng đầu một đất nước, từng chiến thắng đội quân hung hãn nhất thế kỷ 13”.

Cũng theo thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, nhắc tới thiền phái Trúc Lâm còn là nhắc tới tinh thần nhập thế của Phật giáo với tư tưởng hòa quang đồng trần. Đó là “Phật giáo của mọi người, không hạn chế trong tăng sĩ cũng không hạn chế trong chùa chiền... Ở giữa trần tục chứ không cần ở chùa, ở núi vẫn có thể vui với đạo. Tư tưởng đó làm cho đạo Phật mặc dù có giáo lý cao siêu thâm diệu nhưng vẫn có nền tảng quần chúng rất rộng rãi”. Điều quan trọng hơn, sự ra đời của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã góp phần cổ vũ tinh thần người dân nước Việt về khả năng phát huy những giá trị văn hóa bản địa, văn hóa truyền thống và mở ra phong trào Phật học mới.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên (TP.HCM) cho rằng thời đại nhà Trần có hai đỉnh cao là tư tưởng Phật giáo và sức mạnh chống giặc ngoại xâm. Đời vua Trần Nhân Tông, nước Đại Việt hai lần đánh thắng quân Nguyên (1285, 1288). Trong lễ mừng chiến thắng, Trần Nhân Tông ghi lại hai câu thơ: Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu (Xã tắc hai phen chồn ngựa đá, Non sông nghìn thuở vững âu vàng). Đó chính là tinh thần Phật giáo VN đặt “quốc gia xã tắc lên trên, lấy thân mình dẫn đạo” đã hình thành từ thời Trần Nhân Tông. “Đỉnh cao của tư tưởng Phật giáo nhập thế thể hiện rất rõ ở vị vua đã đích thân hai lần đánh thắng quân Nguyên - Mông nhưng không màng danh lợi ở triều đình mà lui về chốn thanh cao để sáng lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đó là giáo phái lớn nhất VN tồn tại cho đến ngày nay” - tiến sĩ Nguyên khẳng định.

Giáo sư, hòa thượng Yoshimizu Daichi (Nhật Bản) nhận xét: Trần Nhân Tông là một vị vua anh minh, sáng suốt, hiền từ, đã ẩn tu trên Yên Tử và trở thành vị tổ của thiền phái Trúc Lâm mang bản sắc dân tộc VN thuần túy. Vị giáo sư, nhà sư Nhật Bản này đưa ra một phát hiện mang tính so sánh khá thú vị: Vua Trần Nhân Tông, người VN, sáng lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử và Pháp Nhiên, người Nhật Bản, sáng lập tịnh độ tông Nhật Bản là hai quốc bảo nhân gian của nhân loại nói chung và Phật giáo nói riêng.

NAM AN

Vị vua anh minh, nhà tư tưởng lớn

Trần Nhân Tông, húy Trần Khâm (1258-1308) là vị hoàng đế thứ ba nhà Trần, lên ngôi năm 1278, vị vua anh minh, nhà tư tưởng lớn, hai lần lãnh đạo toàn dân đánh tan đội quân xâm lược Nguyên - Mông. Trị vì 15 năm, năm 1293, ông nhường ngôi cho con (Trần Anh Tông) để làm thái thượng hoàng, sau đó (1299, năm 41 tuổi) xuất gia, vào tu ở núi Yên Tử, đạo hiệu Hương Vân Đại đầu đà, là người tổng hợp và sáng lập dòng thiền Trúc Lâm mang bản sắc thuần túy VN. Hậu thế tôn xưng ông với mỹ hiệu Trúc Lâm Điều Ngự, Điều Ngự Giác Hoàng, Sơ tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử...

Trong thời gian nắm quyền, vua Trần Nhân Tông đã có nhiều chính sách chính trị nổi bật. Bên trong thì thi hành các đợt ân xá tù nhân, tổ chức lại công tác giáo dục và y tế, thi lại viên, nghiêm khắc với hoàng gia; bên ngoài có những đối sách mềm mỏng với phương Bắc, bảo vệ chủ quyền độc lập, xây dựng và phát triển đất nước, mở rộng biên cương Tổ quốc về phương Nam. Lúc làm thái thượng hoàng và là thiền sư, ông đã dành thì giờ đi nhiều làng mạc, khuyến khích người dân về lối sống đạo đức, bỏ các tệ nạn mê tín dị đoan...

Tác phẩm tư tưởng – văn học của Trần Nhân Tông khá nhiều, phần nhiều bị thất lạc, nay còn: Cư trần lạc đạo phú, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca (chữ Nôm) và một số bài thơ được lưu trong Việt âm thi tập Toàn Việt thi lục cùng những văn kiện ngoại giao đối với Trung Hoa thời bấy giờ vừa được phát hiện gần đây.

Trần Nhân Tông mất năm 51 tuổi tại am Ngọa Vân, núi Yên Tử (tỉnh Quảng Ninh ngày nay).

H.ĐỘ tổng hợp

 

 

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org