Biến dị di truyền và chọn lọc tự nhiên

Gs. Bùi Tấn Anh - Phạm Thị Nga

  1. DI TRUYỀN HỌC QUẦN THỂ

    1. Vốn gen (gene pool)

    2. Tần số alen và tần số kiểu gen

    3. Ðịnh luật Hardy-Weinberg

  2. BIẾN DỊ

    1. Biến dị từ sự tái tổ hợp giới tính

    2. Biến dị kiểu hình

  3. CHỌN LỌC TỰ NHIÊN VÀ SỰ THÍCH NGHI

    1. Sự thay đổi trong tần số alen của cá thể

    2. Các kiểu chọn lọc tự nhiên

    3. Sự thích nghi

  4. CÁC YẾU TỐ NGẪU NHIÊN TRONG TIẾN HÓA

    1. Hiệu ứng cổ chai (Bottleneck Effect)

    2. Hiệu ứng sáng lập (Founder Effect)

===============================================================

CHƯƠNG II

BIẾN DỊ DI TRUYỀN VÀ CHỌN LỌC TỰ NHIÊN 

            Sự nghiên cứu  tính di truyền có liên quan đến sự truyền lại các alen của bố mẹ đến con cái.  Chúng ta đều biết rằng trong hầu hết các loài, mỗi sinh vật có 2 alen trong một kiểu gen, và mỗi kiểu hình thường được xác định bởi 1 trong 2 alen đó.  Dĩ nhiên, một cá thể thì không thể tiến hóa vì các đặc tính di truyền được ổn định khi sinh ra.  Nhưng trong một quần thể các cá thể có khả năng giao phối với nhau, có thể tiến hóa qua thời gian.  Mặc dù mỗi cá thể chỉ mang 2 alen cho mỗi đặc tính, mỗi alen nằm trên  một nhiễm sắc thể của cặp tương đồng, nhưng quần thể có thể có nhiều alen khác nhau cho mỗi đặc tính.

            Trong chương này chúng ta sẽ nghiên cứu những thay đổi của các tần số alen trong quần thể,  định nghĩa chính xác sự tiến hóa.  Ðơn giản nhất là sự tiến hóa có thể xảy ra thông qua sự di cư hoặc sự nhập cư của các cá thể trong một quần thể.  Tuy nhiên, ở đây chúng ta sẽ tập trung vào vai trò của sự biến dị và của chọn lọc tự nhiên trong tiến hóa.

I. DI TRUYỀN HỌC QUẦN THỂ

1. Vốn gen (Gene pool)

Ðể hiểu sự tiến hóa như là sự biến đổi trong thành phần gen của quần thể qua các thế hệ kế tiếp, cần phải biết đôi điều về di truyền học quần thể.  Những nghiên cứu của chúng ta về di truyền học cá thể đặt cơ sở trên nguyên lý về kiểu gen, là cấu trúc di truyền của một cá thể.  Những nghiên cứu về di truyền của các quần thể có cơ sở theo kiểu tương tự trên nguyên lý về vốn gen, là cấu trúc di truyền của một quần thể. 

Vốn gen là tổng các gen có trong tất cả các cá thể của quần thể.  Nó bao gồm tổng của các alen trong tất cả các locus gen của toàn bộ các cá thể trong quần thể.

2. Tần số alen và tần số kiểu gen

Như chúng ta đã biết, thông thường bộ gen của một cơ thể lưỡng bội chỉ chứa tối đa 2 alen của mỗi gen.  Nhưng không có sự hạn chế như vậy trong vốn gen của một quần thể.  Nó có thể chứa một số dạng alen khác nhau của một gen.  Vốn gen của bất kỳ một gen nào được xác định bằng tần số các alen của gen đó trong quần thể. 

Giả sử rằng một quần thể hoa dại có hai tính trạng tương phản về màu hoa.  Alen A qui định hoa màu hồng trội hoàn toàn so với alen a qui định hoa màu trắng.  Quần thể nầy có 500 cây gồm 5 cây hoa trắng (aa) và 495 cây hoa hồng (trong đó có 405 cây AA và 90 cây Aa).  Vì đây là các cơ thể lưỡng bội nên:

            -Tổng số các alen nầy trong quần thể là 500 x 2 = 1000

            - Số alen A là ( 405 x 2 ) + ( 90 x 1) = 900

            - Số alen a    ( 5 x 2 )  + ( 90 x 1) = 100

            Như vậy tần số alen A và a trong vốn gen của quần thể nầy là 0,9 và 0,1.  Liên quan đến tần số của các alen là tần số của các kiểu gen.  Trong quần thể giả định trên, tần số của các kiểu gen là: AA = 0,81 (405/500), Aa = 0,18 (90/500) và aa = 0,01 (5/500).

            Nếu tần số của các alen nầy thay đổi theo thời gian thì sự thay đổi nầy sẽ là sự tiến hóa.  Vì vậy, có thể xác định các nhân tố nào gây ra sự tiến hóa bằng cách xác định những nhân tố nào có thể tạo ra một sự thay đổi trong tần số alen.

            Chúng ta hãy khảo sát cẩn thận quần thể trên.  Làm thế nào có thể tính toán tần số của các kiểu gen sẽ hiện diện trong quần thể nầy ở thế hệ tiếp theo? Nếu chúng ta giả định rằng quần thể là lớn và tất cả các kiểu gen đó có cơ hội sống sót như nhau thì sự tính toán nầy không khó thực hiện.  Vì tần số của A trong toàn bộ quần thể là 0,9 và tần số của a là 0,1, các alen có trong trứng và tinh trùng cũng sẽ xuất hiện với những tần số nầy.  Sử dụng thông tin nầy, chúng ta có thể thiết lập một khung Punnett:

                                                                                                   Tinh trùng   

 

 

    0,9 A

    0,1 a

             Trứng

  0,9 A

 0,81 AA

  0,09 Aa

 

  0,1 a

 0,09 Aa

  0,01 aa

            Cần lưu ý rằng trong thực tế tinh trùng và trứng không phải chỉ được tạo thành từ một cá thể đực và một cá thể cái mà chúng được tạo ra bởi tất cả các cá thể đực và cái trong quần thể.  Kết quả cho thấy tần số của kiểu gen đồng hợp trội (AA) trong thế hệ kế tiếp của quần thể sẽ là 0,81, tần số của kiểu gen dị hợp (Aa) là 0,18 và tần số của kiểu gen đồng hợp lặn (aa) là 0,01.  Bây giờ chúng ta muốn biết trong trường hợp nào tần số mà chúng ta đã tìm sẽ thay đổi trong các thế hệ kế tiếp.Nói ngắn gọn là khi nào thì quần thể sẽ tiến hóa.

3. Ðịnh luật Hardy-Weinberg

Từ trường hợp đặc biệt của quần thể hoa dại nêu trên, ta có thể rút ra một công thức tổng quát để tính toán tần số của các alen và các kiểu gen trong quần thể ở trạng thái cân bằng:

p2  +  2pq  +  q2   =   1
 

           Trong đó p là tần số của alen A và q là tần số của alen a (p + q luôn luôn bằng 1)

Chẳng hạn tần số kiểu gen trong vốn gen ở thế hệ thứ hai trong quần thể giả định của chúng ta sẽ là p2 = 0,81, 2pq = 0,18, và q2 = 0,01.  Chúng ta có thể dùng công thức trên để tính tần số của alen A và a trong thế hệ nầy. 

  q2 = 0,01 nên  q = 0,1    p = 1 - q = 0,9

            Chúng ta thấy rằng tần số của alen A và a trong thế hệ này là 0,9 và 0,1, bằng với tần số thế hệ trước.

Vì tần số của các alen không đổi, tần số kiểu gen trong thế hệ kế tiếp cũng sẽ là 0,81, 0,18, 0,01; và tần số alen sẽ là 0,9 và 0,1.  Chúng ta có thể tiến hành tính toán tương tự cho các thế hệ tiếp theo, luôn luôn cho ra cùng kết quả: tần số kiểu gen và tần số alen sẽ không đổi.  Vì vậy, trong các quần thể đủ lớn, các biến dị được duy trì.  Hơn nữa, sự tiến hóa chỉ có thể xảy ra khi có những tác động làm xáo trộn cân bằng di truyền.  Ðiều nầy được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1908 bởi G.  H.  Hardy và W. Weinberg. 

Theo định luật Hardy-Weinberg, trong các quần thể sinh sản hữu tính cả tần số kiểu hình và tần số alen duy trì không đổi từ thế hệ nầy sang thê úhệ khác dưới những điều kiện ổn định.

Chúng ta hãy khảo sát những điều kiện mà định luật Hardy-Weinberg phải có nếu vốn gen của một quần thể ở trạng thái cân bằng di truyền.  Chúng bao gồm:

(1)   Quần thể phải đủ lớn để một tác động ngẫu nhiên không thể làm biến đổi tần số alen có ý nghĩa.

(2)   Không xảy ra đột biến hoặc có sự cân bằng  đột biến.

(3)   Không có sự di cư hoặc nhập cư làm thay đổi tần số alen trong quần thể.

(4)   Sự giao phối phải hoàn toàn ngẫu nhiên theo kiểu hình.

(5)   Sinh sản phải hoàn toàn ngẩu nhiên

Ðịnh luật Hardy-Weinberg chứng minh rằng tính biến dị và tính di truyền, hai cơ sở của chọn lọc tự nhiên, không thể một mình gây ra sự tiến hóa.  Mặc dù có biến dị và di truyền, nếu cả 5 điều kiện của định luật được thỏa, tần số của alen sẽ không thay đổi và sự tiến hóa không thể xảy ra.  Nhưng trong thực tế, những điều kiện nầy không bao giờ hoàn toàn thỏa và vì vậy sự tiến hóa xảy ra.  Giá trị hiện nay của định luật Hardy-Weinberg là nó cung cấp cơ sở để xem xét các dữ liệu từ các quần thể thật sự.  Bằng cách xác định các tiêu chuẩn cho cân bằng di truyền, nó cũng chỉ rõ khi nào quần thể không cân bằng và giúp để tách riêng các tác nhân của tiến hóa.  Khi chúng ta xem lại mỗi nhân tố, chúng ta sẽ thấy nhân tố nào là quan trọng hơn.

Với điều kiện thứ nhất, một quần thể sẽ phải lớn vô hạn để sự ngẫu nhiên không thể là một yếu tố gây ra sự biến đổi tần số alen.  Dĩ nhiên, trong thực tế không có quần thể nào lớn vô hạn, nhưng có nhiều quần thể tự nhiên đủ lớn để một tác động ngẫu nhiên không thể gây ra sự biến đổi các tần số alen trong vốn gen của chúng.  Một quần thể với hơn 10.000 cá thể ở độ tuổi sinh sản có lẽ không bị ảnh hưởng có ý nghĩa bởi sự thay đổi ngẫu nhiên.  Nhưng tần số alen trong các quần thể nhỏ, có ít hơn 100 cá thể ở độ tuổi sinh sản thì có thể chịu ảnh hưởng nhiều bởi các dao động ngẫu nhiên, dễ dàng dẫn đến sự mất một alen trong vốn gen ngay cả khi nó là một alen thích nghi cao.  Khi không có sự di nhập gen hoặc sự đột biến, một alen như thế sẽ bị mất vĩnh viễn.

            Ðiều kiện thứ hai (không có đột biến cũng như không có cân bằng đột biến) hiếm thấy trong các quần thể.  Ðột biến luôn luôn xảy ra.  Hầu hết các gen đột biến một lần trong 1 triệu đến 100 triệu lần sao chép.  Tần số đột biến ở các gen khác nhau thay đổi rất lớn.  Sự cân bằng đột biến rất hiếm: số lượng đột biến thuận trong một đơn vị thời gian ít khi bằng số lượng đột biến nghịch.  Kết quả của sự khác biệt nầy là một áp lực đột biến (mutation pressure) có khuynh hướng gây ra một sự thay đổi chậm các tần số alen trong quần thể.  Các alen bền vững sẽ có khuynh hướng tăng tần số, và các alen dễ bị đột biến có khuynh hướng giảm tần số trừ phi một vài nhân tố khác cân bằng áp lực đột biến.  Mặc dù áp lực đột biến luôn luôn hiện diện, nó hiếm khi là một nhân tố chính tạo ra những thay đổi trong tần số alen của quần thể trong một giai đoạn ngắn.

            Theo điều kiện thứ ba cho sự cân bằng di truyền, một vốn gen không thể nhận các loài nhập cư từ các quần thể khác để đưa vào các alen mới hoặc làm tăng tần số các alen đã có, và cũng không có sự di cư làm thay đổi tần số alen.  Tuy nhiên, ở một số lớn các quần thể tự nhiên, có lẽ ít nhất có một lượng nhỏ các gen di cư, gọi chung là dòng gen (gene flow), và nhân tố nầy có khuynh hướng làm tăng biến dị, phá vỡ cân bằng Hardy-Weinberg và dẫn đến sự tiến hóa.  Sự tiến hóa như thế - nghĩa là một thay đổi trong tần số alen, ít nhất trong một giai đoạn ngắn, không cần có chọn lọc tự nhiên.  Nhưng có những quần thể xác định (chẳng hạn những quần thể trên những đảo xa hoặc trong những vùng cách ly dân cư) không có dòng gen hoặc có dòng gen nhưng xác suất không đáng kể là một nhân tố làm thay đổi tần số alen.  Vì vậy chúng ta có thể kết luận rằng điều kiện thứ ba cho sự cân bằng di truyền thỉnh thoảng gặp trong tự nhiên.

            Hai điều kiện cuối cùng cho sự cân bằng gen trong một quần thể là sự giao phối và sự sinh sản hoàn toàn ngẫu nhiên.  Trong một số rất lớn các nhân tố tác động đến sự giao phối và sự sinh sản là sự lựa chọn cá thể giao phối, hiệu quả vật chất và tần số của quá trình giao phối, sự thành thục, tổng số hợp tử được tạo ra trong mỗi lần giao phối, % các hợp tử phát triển thành phôi và được sinh ra, sự sống sót đến độ tuổi sinh sản, sự thành thục của các cá thể con, và ngay cả sự sống sót của các cá thể trưởng thành sau sinh sản khi sự sống sót của chúng ảnh hưởng đến cơ hội sống sót cũng như hiệu quả sinh sản của các cá thể con.  Ðể cho sự giao phối và sự sinh sản thích hợp là hoàn toàn ngẫu nhiên, phải có sự độc lập của kiểu gen để chọn lọc tự nhiên không thể tiến hành.  Ðiều kiện nầy có lẽ không bao giờ gặp trong các quần thể thật sự.  Như vậy, chọn lọc tự nhiên luôn luôn tác động trên quần thể, luôn luôn có áp lực chọn lọc (selection pressure) tác động làm phá vỡ sự cân bằng Hardy-Weinberg và gây ra sự tiến hóa ngay cả khi chọn lọc giữ vai trò đơn giản là giới hạn tần số của các đột biến có hại.

            Tóm lại, năm điều kiện cần thiết để đạt sự cân bằng di truyền được mô tả bởi định luật Hardy-Weinberg liên quan đến năm nhân tố có thể tác động trong sự tiến hóa.  Thứ nhất, sự biến động di truyền, thường quan trọng trong các quần thể nhỏ và không cần có sự chọn lọc tự nhiên.  Thứ hai, sự đột biến, luôn luôn tác động, nhưng trong một thời gian ngắn thường ít có ý nghĩa.  Giống như biến động di truyền, sự đột biến là độc lập với chọn lọc tự nhiên, ít nhất là ở giai đoạn đầu.  Thứ ba, sự di và nhập cư, phụ thuộc không chỉ vào lịch sử của quần thể mà còn vào môi trường vật chất, tạo thuận lợi cho việc di chuyển giữa các quần thể.  Vì vậy, sự di và nhập cư cũng có thể ảnh hưởng đến sự tiến hóa không nhất thiết phải có chọn lọc tự nhiên.  Thứ tư và thứ năm, áp lực của chọnlọc tự nhiên do giao phối không ngẫu nhiên và do biến dị trong sinh sản, luôn luôn quan trọng trong lịch sử tiến hoá của một loài, mặc dù kiểu hình nào là đối tượng của áp lực chọn lọc tự nhiên phải được xác định riêng rẽ cho mỗi quần thể.

II. BIẾN DỊ

1. Biến dị từ sự tái tổ hợp giới tính

Một quần thể bao gồm nhiều cá thể.  Rất hiếm có hai cá thể trong quần thể giống hệt nhau.  Tuy những biến dị nầy ít được nhìn thấy bằng mắt thường, nó vẫn tồn tại trong tất cả các loài.

            Như vậy, các cá thể của một quần thể dù có cùng một số đặc điểm quan trọng nhưng chúng vẫn khác nhau theo nhiều cách, một số rõ nét, một số tinh vi hơn.  Nếu có sự chọn lọc đào thải một số dạng biến dị nào đó trong quần thể và giữ lại những biến dị khác, tất cả thành phần của quần thể đó sẽ biến đổi theo thời gian.

            Biến dị phát sinh từ 3 nguồn chính: trao đổi chéo (crossing over) trong giảm phân, sự tổ hợp giữa hai giao tử đơn bội (sinh sản hữu tính) và sự đột biến.  Hai quá trình đầu không dẫn đến sự tạo thành alen mới mà là sự tái tổ hợp các alen đã có.  Sự đột biến, bao gồm các đột biến điểm cũng như tái tổ hợp exon tỉ lệ lớn, là nguồn tạo các alen hoàn toàn mới.Tóm lại, các quá trình này tạo ra những alen mới, những tổ hợp mới của các alen và cung cấp biến dị di truyền, dựa vào đó chọn lọc tự nhiên có thể tác động để tạo ra sự biến đổi trong các quần thể. 

2. Biến dị kiểu hình

Mặc dù chúng ta đã nhấn mạnh tầm quan trọng của biến dị trong tiến hóa, vẫn có một vài loại biến dị không liên quan với sự chọn lọc.  Chọn lọc tự nhiên chỉ có thể tác động lên biến dị di truyền khi nó được biểu hiện ra kiểu hình.  Một alen lặn hoàn toàn không ở trong điều kiện đồng hợp sẽ hoàn toàn tránh khỏi tác động của chọn lọc tự nhiên, chỉ có biến dị ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của cơ thể là chịu tác động của chọn lọc.

Một trường hợp khác là bất cứ biến dị kiểu hình nào trong một quần thể đều có thể làm phát sinh sự phân hóa sinh sản giữa các cá thể, dù biến dị đó có hay không có phản ánh những sự khác biệt di truyền tương ứng.  Như vậy các biến dị phát sinh do tác động của những điều kiện môi trường khác nhau trong sự phát triển, do bệnh hoặc các tai nạn, là đối tượng của chọn lọc tự nhiên.  Nói chung, sự chọn lọc như vậy không có ảnh hưởng trên toàn bộ yếu tố di truyền của quần thể: không có mối tương quan nào giữa các alen của một cá thể và các hiện tượng ngẫu nhiên làm nó giảm độ sống sót và khả năng sinh sản.  Tuy nhiên, có những trường hợp trong đó sự ngẫu nhiên có thể gây ra sự tiến hóa.  Thí dụ, nếu có một quần thể nhỏ và trong quần thể một alen hiếm bị mất đi do một tai nạn thì tần số gen sẽ thay đổi.  Chúng ta sẽ đề cập trở lại vai trò của sự ngẫu nhiên trong quần thể nhỏ trong phần sau của chương nầy.

Các kiến thức di truyền học hiện nay chỉ rõ rằng sự phát triển thể lực do rèn luyện thường xuyên, sự phát triển năng lực trí tuệ do giáo dục hoặc sự duy trì sức khỏe do khẩu phần đúng và sự trị liệu cấp thời bịnh tật bằng thuốc men không thể làm biến đổi các gen trong các tế bào sinh dục.  Các giao tử sẽ mang cùng thông tin di truyền cho tới sau khi sinh.  Tóm lại, sự chọn lọc tác động trên những sự biến dị chỉ do  rèn luyện,  giáo dục, dinh dưỡng, thuốc men không thể mang lại sự tiến hóa sinh học.

Tương tự, biến dị phát sinh do các đột biến soma cũng không phải là nguyên liệu cho sự tiến hóa cơ thể.  Ðột biến trong tế bào dinh dưỡng không thể làm biến đổi các gen trong tế bào sinh dục (là những tế bào sản sinh giao tử).  Vì vậy sự chọn lọc tác động trên những biến dị phát sinh do đột biến dinh dưỡng không thể dẫn đến tiến hóa ở những sinh vật sinh sản hữu tính.

III. CHỌN LỌC TỰ NHIÊN VÀ SỰ THÍCH NGHI

1. Sự thay đổi trong tần số alen của cá thể

Trở lại quần thể giả định, trong đó tần số ban đầu của các alen A và a là 0,9 và 0,1 và các tần số kiểu gen là 0,81 , 0,18 và 0,01.  Theo định luật Hardy-Weinberg, nếu thiếu 1 trong 5 yếu tố của tiến hóa, các tần số nầy sẽ không thay đổi theo thời gian.  Bây giờ chúng ta hãy khảo sát nhân tố quan trọng nhất trong sự tiến hóa là áp lực chọn lọc.

Giả sử rằng chọn lọc tác động chống lại kiểu hình trội và áp lực chọn lọc nầy làm giảm tần số alen A trong thế hệ hiện tại từ 0,9 còn 0,8 trước khi sự sinh sản xảy ra (dĩ nhiên sẽ có một sự gia tăng tương ứng trong tần số của alen a từ 0,1 lên 0,2 trong số các cá thể còn sống sót, vì tổng của hai tần số phải bằng 1).  Chúng ta hãy lập khung Punnett và tính tần số kiểu gen sẽ được tạo ra trong các hợp tử của thế hệ thứ hai: 

                                                                                    Tinh trùng

 

 

0,8A 

0,2a

Trứng

  0,8 A

0,64 AA

 0,16 Aa

 

  0,2 a

 0,16 Aa

  0,04 aa

             Chúng ta thấy rằng tần số kiểu gen của các hợp tử trong thế hệ thứ hai khác biệt so với tần số trong thế hệ bố mẹ; thay vì là 0,81 , 0,18 và 0,01 thì tần số bây giờ là 0,64 , 0,32 và 0,04.  Nếu chọn lọc đối kháng với kiểu hình trội trong thế hệ nầy, và do đó làm giảm tần số của A, thì tần số của kiểu gen trong thế hệ thứ ba sẽ khác các tần số kiểu gen của hai thế hệ trước; tần số của AA sẽ thấp hơn và tần số của aa sẽ cao hơn.  Nếu áp lực chọn lọc nầy tiếp tục trong nhiều thế hệ thì tần số AA sẽ xuống rất thấp và aa lên rất cao.  Như vậy chọn lọc tự nhiên đã tạo ra một sự thay đổi từ một quần thể có 99% cá thể mang kiểu hình trội và chỉ 1% mang kiểu hình lặn thành một quần thể có rất ít kiểu hình trội và hầu hết là kiểu hình lặn.  Sự tiến hóa đó từ ưu thế của một kiểu hình nầy sang ưu thế của một kiểu hình khác là kết quả của chọn lọc tự nhiên, không cần có một đột biến mới nào.

Thay cho giả định, chúng ta hãy xem một hiện tượng trong đó chọn lọc đã tạo ra một sự thay đổi tận gốc trong tần số alen.  Chẳng bao lâu sau khi phát hiện ra hoạt tính kháng sinh của penicillin, vi khuẩn Staphylococcus aureus nhanh chóng kháng lại thuốc nầy.  Ðể giết chết vi khuẩn, liều lượng penicillin cần sử dụng ngày càng cao.  Rõ ràng là theo liều lượng càng cao của penicillin, quần thể vi khuẩn đã tiến hóa.  Nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy rằng thuốc không gây ra đột biến đề kháng mà chỉ là tác nhân chọn lọc bằng cách giết chết các vi khuẩn nhạy cảm thuốc.  Rõ ràng một vài gen kháng penicillin đã hiện diện với một tần số thấp trong hầu hết các quần thể , xuất hiện từ sớm do đột biến.  Do đó những cá thể có các gen kháng penicillin sẽ sống sót khi xử lý kháng sinh, chúng sinh sản và truyền lại các gen nầy trong quần thể (những cá thể nhạy cảm đã bị giết chết), thế hệ kế tiếp có tính kháng rõ rệt với penicillin.  Nếu các gen nầy không có trong quần thể bị xử lý penicillin, sẽ không có cá thể nào sống sót và quần thể sẽ bị tiêu diệt.

            Sự tác động của áp lực chọn lọc không có nghĩa là các đột biến mới không thể làm tăng sức đề kháng.  Thực vậy, nếu tiếp tục chọn lọc với penicillin sức đề kháng tăng đều đặn mà chắc chắn là do sự sống sót của các cá thể có các đột biến mới làm tăng sức đề kháng.  Nhưng ở đây hoàn toàn là sự ngẫu nhiên : trong môi trường chứa penicillin đột biến có lợi nầy xuất hiện và được chọn lọc giữ lại; các đột biến tương tự cũng xuất hiện với cùng tỉ lệ khi không có penicillin, nhưng không được chọn lọc để đối phó với kháng sinh nầy.

            Sự tiến hóa của tính kháng thuốc ở vi khuẩn hoàn toàn không thể so sánh với sự tiến hóa ở sinh vật sinh sản hữu tính, bởi vì chọn lọc có thể làm thay đổi tần số gen rất nhanh ở sinh vật vô tính đơn bội hơn ở sinh vật hữu tính.  Sự tái tổ hợp trong mỗi thế hệ của loài hữu tính thường tái lập  các kiểu gen đã bị loại bỏ trong thế hệ trước (điều nầy không xảy ra ở những sinh vật vô tính).  Tuy nhiên, dù áp lực chọn lọc rất nhỏ cũng có thể tạo ra sự thay đổi lớn trong tần số gen của quần thể sinh sản hữu tính có thời gian sinh trưởng ngắn (Thí dụ: ruồi dấm có 30 thế hệ /năm). 

2. Các kiểu chọn lọc tự nhiên

a. Chọn lọc định hướng của những tính trạng đa gen

Chúng ta đã thảo luận những trường hợp lý tưởng bao gồm chỉ hai kiểu hình riêng biệt được xác định bởi 2 alen của 1 gen.  Nhưng trong thực tế, một số lớn các đặc tính chịu tác động của chọn lọc tự nhiên bị chi phối bởi nhiều gen khác nhau, mà phần lớn các gen nầy có nhiều alen trong quần thể; hơn nữa, sự biểu hiện của nhiều đặc tính chịu ảnh hưởng rõ rệt của điều kiện môi trường.  Bởi vậy, những đặc tính  như chiều cao- thường thay đởi liên tục trên một giới hạn rộng.  Khi biểu diễn bằng đồ thị, sự phân bố tần số thường có dạng đường cong hình chuông (Hình 1).

            Nếu điều kiện môi trường thay đổi, tạo ra một sự biến đổi của áp lực chọn lọc, đường cong của biến dị kiểu hình cũng thay đổi do sự thay đổi tần số alen.  Ðể minh họa điều nầy, ta hãy giả sử rằng những điều kiện làm một cây tăng trưởng tốt nhất được xác định về mặt di truyền.  Trường hợp nầy được minh họa ở hình 2.  Ðường cong thứ nhất (Hình 2A) chỉ ra lượng mưa hàng năm mà một số cây trong một quần thể tăng trưởng tốt nhất.  Lượng mưa trung bình ở vùng của quần thể nầy là 40cm, được chỉ bởi mũi tên 1, dù nó sẽ biến đổi quanh giá trị trung bình từ năm nầy sang năm khác.

Quần thể có rất ít cây (S) tăng trưởng tốt nếu lượng mưa hàng năm khoảng 32cm và tương tự (W) nếu lượng mưa hàng năm là khoảng 48cm.  Những cây tăng trưởng tốt khi lượng mưa hàng năm khoảng 36cm (T) hoặc 44cm (V) là khá phổ biến trong quần thể.  Sự đa dạng kiểu hình nầy được duy trì do sự thay đổi quanh trị số trung bình, đến nổi ở những năm khô hạn bất thường, chẳng hạn, nhóm cây S sẽ có lợi.  Vì vậy mỗi năm sẽ có sự chọn lọc cho một kiểu hình cực thuận, nhưng sự cực thuận cũng thay đổi.  Vì lượng mưa trung bình là 40cm nên các cây U thích nghi nhất trong thời kỳ dài và vì vậy chúng là dạng phổ biến nhất.

 

   

 

                                    

            Hình 2.  Sự thay đổi của một quần thể thực vật giả định đáp ứng với chọn lọc định hướng do sự thay đổi lượng mưa

            Giả sử rằng lượng mưa trung bình hàng năm trong vùng nầy tăng chậm qua nhiều năm đến khi đạt 44 cm (mũi tên 2).  Trong điều kiện môi trường mới nầy, các cây V (tăng trưởng tốt nhất khi lượng mưa hàng năm khoảng 44 cm) sẽ mọc tốt hơn trước đó; chúng có thể sống sót nhiều hơn và sinh sản, tần số của chúng sẽ tăng.  Tương tự, các cây W (tăng trưởng tốt nhất khi lượng mưa hàng năm khoảng 48 cm) bây giờ tăng trưởng tốt hơn trước kia và tần số của chúng cũng tăng hơn trước.  Ngược lại các cây T và U sẽ không tăng trưởng tốt như trước, tần số của chúng sẽ giảm.  Còn các cây S, chỉ có một ít sống sót khi lượng mưa hàng năm khoảng 40 cm, bây giờ thích nghi kém đến nỗi không cá thể nào có thể sống sót.  Những sự thay đổi tần số nầy, được tạo ra do chọn lọc, sẽ tạo ra một đường cong mới như ở hình 2B.

            Nếu lượng mưa hàng năm tiếp tục tăng qua nhiều năm đến khi đạt 48 cm (mũi tên 3), các cây W và X sẽ tăng tần số, các cây U và V giảm tần số và các cây T biến mất.  Những thay đổi nầy tạo ra đường cong ở hình 2C.  Nếu lượng mưa hàng năm từ từ tăng đến 52 cm (mũi tên 4), nó sẽ tạo ra sự thay đổi nữa trong tần số, tạo ra đường cong  ở hình 2D.

            Như vậy, sự thay đổi của điều kiện môi trường đã dẫn đến sự chọn lọc định hướng (directional selection) làm cho quần thể tiến hóa theo một hướng chức năng riêng.  Nếu quần thể không có đủ các biến dị di truyền để có khả năng thay đổi  khi môi trường biến đổi thì nó sẽ bị suy giảm, thậm chí bị tuyệt diệt.  Trước khi lượng mưa trung bình bắt đầu tăng, đã có sự chọn lọc hàng năm theo một hướng này hoặc hướng khác, tuỳ thuộc vào lượng mưa năm đó nhỏ hay lớn hơn mức bình thường.  Ðiều nầy dẫn đến sự phân bố của các cây quanh lượng mưa trung bình 40cm mỗi năm.

* Sự tạo thành kiểu hình mới thông qua chọn lọc tự nhiên       

Cần lưu ý rằng trong quần thể thực vật giả sử trên, sự chọn lọc định hướng không làm chuyển dịch đỉnh của đường cong về bên phải, như có thể xảy ra khi sự biến dị của vốn gen rất nhỏ.  Thay vào đó, chúng làm toàn bộ đường cong - cả hai biên cũng như đỉnh - chuyển dịch về bên phải.  Sự chuyển dịch nầy thật sự lớn đến nổi mà một lớp thực vật (X) không có trong quần thể ban đầu trở thành lớp lớn nhất.  Nhưng vấn đề là nếu các cây X, Y, Z không có từ trước, làm thế nào chúng xuất hiện trong các quần thể con cháu ? Một khả năng là, hoàn toàn do ngẫu nhiên, một số gen mới hoặc alen xuất hiện làm cho các cá thể có mang chúng tăng trưởng tốt hơn trong những vùng ẩm ; những gen mới hoặc alen nầy sẽ chịu tác động mạnh mẽ của chọn lọc và sẽ lan ra nhanh chóng trong quần thể.  Nhưng nếu độ ẩm ảnh hưởng đến nhiều gen khác nhau, các kiểu hình mới như X,Y,Z có thể xuất hiện mà không cần đến các biến dị di truyền mới, đơn giản là do gia tăng phân ly tần số của những alen đã có sẵn, sau đó chúng sẽ xuất hiện chung với nhau nhiều hơn và tạo ra một kiểu hình mới.  Như vậy, sự tái tổ hợp và sự chọn lọc, ngay cả khi vắng các alen mới, có thể tạo ra kiểu hình mới bằng sự tổ hợp các gen cũ theo cách mới, tạo ra các tổ hợp mới.

b.  Chọn lọc đứt đoạn (disruptive selection)

Ðôi khi một đặc điểm đa gen của một quần thể là đối tượng để hai (hay nhiều) áp lực chọn lọc định hướng tác động đến hai cực của đường cong phân bố.  Giả sử một quần thể chim có nhiều biến dị về chiều dài mỏ.  Giả sử thêm là khi điều kiện thay đổi, sự cung cấp thức ăn tốt cho những con chim có mỏ ngắn nhất và dài nhất tăng lên, nhưng lại giảm đối với chim có chiều dài mỏ trung bình.  Ðiều này có thể xảy ra nếu quần thể thực vật sinh ra trái cây thích hợp cho chim có mỏ trung bình bắt đầu suy giảm hoặc nếu có một loài đã di cư đến cạnh tranh có hiệu quả những trái cây nầy vào mùa thu hoạch.  Kết quả của sự chọn lọc nầy, trước mắt sẽ phân chia quần thể thành hai kiểu riêng biệt, một có mỏ ngắn và một có mỏ dài.  Hoạt động phối hợp của hai áp lực ngược hướng sẽ làm đứt đoạn đường cong của kiểu hình trong quần thể; vì vậy loại chọn lọc nầy được gọi là chọn lọc đứt đoạn (hay chọn lọc phân ly).

            Thí dụ quan trọng nhất của sự chọn lọc đứt đoạn là hiện tượng lưỡng hình giao tử : noãn lớn và tinh trùng (hoặc hạt phấn) nhỏ.  Nếu chúng ta giả sử rằng tất cả các giao tử lúc đầu đều có cùng kích thước, như vẫn còn thấy ở nhiểu loài nguyên thủy,  giao tử nào hơi lớn hơn sẽ tăng khả năng sống của hợp tử do cung cấp nhiều thức ăn hơn làm nguyên liệu phát triển ban đầu.  Ðồng thời những sinh vật sản sinh các giao tử nhỏ cũng có lợi về mặt sinh sản vì chúng tạo ra nhiều giao tử với cùng một lượng thức ăn, do đó chúng gia tăng số lượng trong sự cạnh tranh với những sinh vật khác.  Hơn nữa, các giao tử nhỏ hơn có thể bơi nhanh hơn, ít bị cản trở.  Dĩ nhiên chọn lọc phải ngăn ngừa sự phối hợp giữa giao tử nhỏ và nhỏ vì hợp tử được tạo thành sẽ có quá ít thức ăn để cạnh tranh có hiệu quả.  Nếu tình huống được chấp nhận rộng rãi nầy là đúng thì tất cả những sự đa dạng của giới tính-hình thái, sinh lý, và tập tính có thể là kết quả của chọn lọc đứt đoạn.

c. Chọn lọc kiên định (stabilizing selection)

 

Hình 3.  Các hình thức chọn lọc tự nhiên

Thông thường, khi một tính trạng đa gen trong một quần thể là đối tượng cho hai hoặc nhiều áp lực chọn lọc ngược hướng tác động đồng thời, áp lực chọn lọc chống lại hai cực của đường cong phân bố, chẳng hạn cây quá cao bị tác động của gió mạnh hoặc các cây cùng loài quá thấp bị che sáng bởi các cây khác nên thiếu ánh sáng mặt trời cần thiết.  Tương tự, những cơn bão bất thường mùa đông thường giết chết một số chim quá lớn hoặc quá nhỏ trong quần thể.  Khi chọn lọc tác động chống lại các cá thể ở hai đầu tận cùng của đường cong phân bố cho một tính trạng đa gen , quá trình nầy được gọi là sự chọn lọc kiên định (Hình 3).

            Chọn lọc kiên định diễn ra liên tục, tác động trên một qui mô lớn hơn qui mô của một đặc tính, kết quả là nó đóng vai trò cực kỳ quan trọng.  Mỗi loài, trong quá trình tiến hóa của nó, có một nhóm gen tương tác rất chính xác trong việc điều khiển  các quá trình phát triển, sinh lý, sinh hóa giúp cho loài tồn tại liên tục.  Phá vỡ sự tương tác nầy thường dẫn đến sự tuyệt diệt của loài.  Nhưng trong một quần thể sinh sản hữu tính, các nhóm alen có khuynh hướng bị phân tán và các nhóm mới được thành lập do sự tái tổ hợp xảy ra khi mỗi thế hệ sinh sản.  Phần lớn các nhóm mới  nầy ít thích nghi hơn những nhóm ban đầu (mặc dù một ít trường hợp có thể là thích nghi hơn).  Một số lớn các biến dị di truyền mới có khuynh hướng làm gián đoạn hơn là tăng cường sự thành lập mối liên hệ hài hòa giữa các gen.  Vì vậy, nếu không được kiểm tra, các tác động như sự tái tổ hợp và đột biến ngẫu nhiên sẽ có xu hướng  phá hủy các nhóm di truyền trong các thành viên của quần thể.  Sự chọn lọc loại trừ tất cả ngoại trừ các tổ hợp di truyền thích hợp, chống lại sự gián đoạn, làm tan rã xu hướng tái tổ hợp, đột biến, là nhân tố chính để duy trì sự ổn định ở những nơi có xáo trộn.

3. Sự thích nghi

Trong sinh học tính thích nghi là một đặc tính di truyền được kiểm soát để làm tăng độ thích ứng của một sinh vật.  Ðộ thích ứng (Fitness) là một thành phần di truyền của một cá thể (hoặc của một alen hay một kiểu gen) có thể truyền lại cho thế hệ tiếp theo.  Vì vậy, tính thích nghi là một đặc tính làm tăng cơ hội để một sinh vật truyền lại các gen của nó, bằng sự sinh con cháu.  Tính thích nghi thường làm tăng sự sống sót trước khi sinh sản và không cần thiết làm tăng sự sống sót sau khi sinh.

Tính thích nghi có thểø thuộc về cấu trúc, sinh lý, hoặc tập tính.  Chúng có thể đơn giản hoặc phức tạp về mặt di truyền.  Chúng có thể bao gồm các tế bào hoặc các thành phần dưới tế bào hoặc toàn bộ cơ quan hay một hệ cơ quan.  Chúng có thể chuyên biệt cao, chỉ có lợi trong những hoàn cảnh rất giới hạn, hoặc chúng có thể là thông thường, có giá trị trong nhiều hoàn cảnh sống khác nhau.

Một quần thể có thể trở thành thích nghi cực nhanh với điều kiện môi trường đã thay đổi.  W.  B.  Kemp (1937) ở trại thí nghiệm Nông nghiệp Maryland đã gieo trên đồng một hỗn hợp của cỏ và các cây họ đậu.  Sau đó ông đã chia cánh đồng thành hai phần, một phần cho bò ăn, phần còn lại được bảo vệ để sản xuất cỏ khô.  Ba năm sau đó, Kemp thu mẫu trên mỗi phần gồm cỏ xanh, cỏ vườn, đinh hương trắng và trồng chúng trong một khu vườn thí nghiệm nơi mà tất cả các cây được đặt trong cùng một điều kiện môi trường.  Ông nhận thấy rằng các cây của cả 3 loài  ở nửa cánh đồng được chăn thả thì phát triển kém và còi cọc, trong khi 3 loài nầy thu từ nửa cánh đồng không chăn thả thì phát triển mạnh.  Chỉ trong 3 năm hai quần thể của mỗi loài (giống nhau từ đầu vì một mẻ hạt được dùng cho toàn bộ cánh đồng) đã trở thành khác biệt đáng kể về mặt di truyền.  Sự chăn thả bò trong nửa cánh đồng đã ăn hầu hết các cây thẳng đứng và chỉ những cây thấp sống sót và cho hột.  Tóm lại, đã có sự chọn lọc chống lại những cây phát triển tốt trong nửa cánh đồng cỏ nầy và sự chọn lọc tương ứng những cây phát triển kém nhưng thích nghi cao.  Ngược lại, ở nửa cánh đồng không chăn thả, các cây thẳng đứng lại thích nghi cao và các cây còi cọc không thể cạnh tranh có hiệu quả.

Những thí nghiệm để khám phá áp lực chọn lọc dẫn đến những tính trạng đặc biệt đòi hỏi sự khéo léo và bền bỉ.  Nhà sinh học Hà Lan Niko Tinbergen là một trong những nhà khoa học đầu tiên đã đưa học thuyết tiến hóa vào thực nghiệm.  Chẳng hạn khi Tinbergen ngạc nhiên vì sao các con chim mòng biển làm tổ dưới đất tỉ mỉ di dời các trứng bị vở ra khỏiì tổ của chúng, ông đã đề ra một loạt giải thích: có trứng bị hư phải là một nguồn bịnh, sẽ nhiễm vào các chim mới nở; các mép nhọn của vỏ trứng vở phải gây nguy hiểm cho chim non; màu trắng mặt trong của vỏ vở sẽ hấp hẫn thú ăn mồi.

            Tinbergen đã giải quyết vấn đề nầy (và những vấn đề tương tự) theo hai bước: trước tiên là so sánh giữa các loài, sau đó làm thí nghiệm kiểm chứng.  Bước so sánh các loài cho phép ông tách ra giả thuyết thích hợp nhất cho việc thí nghiệm.  Trong trường hợp của các trứng bị hư hại, ông đã quan sát thấy rằng  những con chim mòng biển kittiwake - sống trên những vách đá vì vậy gần như không bị thú ăn - không di dời các vỏ trứng bể.  Vì bệnh và sự cắt của mãnh vỏ bể phải nguy hiểm cho cả hai loài chim, Tinbergen quyết định trước tiên phải kiểm chứng  giả thuyết thú ăn mồi.  Ông xếp một hàng tổ chim chứa trứng bình thường, và các trứng vở được đặt cách tổ chim ở những khoảng cách khác nhau.  Kết quả thật rõ ràng: vỏ trứng vở gần bên gây sự chú ý của các thú ăn mồi đến  tổ (Bảng 1).

                       Bảng 1.  Giá trị sống sót của sự di dời vỏ trứng

Khoảng cách từ trứngtới vỏ trứng (cm)

% trứng bị lấy đi bởi thú ăn mồi

            5

          15

         100

         200

  Không có vỏ trứng

 

                                65

                                42

                                32

                                21

                                22

 

Với những thí nghiệm trên Tinbergen đã đưa ra những hiểu biết mới trong sự tiến hóa của tập tính thích nghi.  Tuy nhiên, khi thiếu  thí nghiệm kiểm chứng hoặc sự so sánh các loài, sự giải thích về tính thích nghi vẫn là những dự đoán và là các giả thuyết cho nghiên cứu. 

IV. CÁC YẾU TỐ NGẪU NHIÊN TRONG TIẾN HÓA

Khi thẩy một đồng xu 1.000 lần và kết quả thu được là 700 lần xấp và 300 lần ngữa chắc chắn sẽ làm chúng ta nghi ngờ về đồng xu đó.  Nhưng nếu thẩy đồng xu 10 lần thì kết quả 7 lần xấp và 3 lần ngữa là chuyện bình thường.  Khi mẫu càng nhỏ thì sự sai lệch ngẫu nhiên khỏi một kết quả lý tưởng (trong trường hợp đồng xu là số lần xấp và ngữa bằng nhau) càng lớn.  Sự sai lệch nầy gọi là sai số lấy mẫu (sampling error) và nó là yếu tố quan trọng trong sự di truyền của một quần thể nhỏ.  Nếu một số alen được tách ngẫu nhiên khỏi một quần thể trong trường hợp quần thể có kích thước lớn thì vốn gen của quần thể trong thế hệ tiếp theo sẽ không khác biệt mấy so với quần thể ban đầu.  Ngược lại nếu một quần thể  có kích thước nhỏ, vốn gen của nó trong thế hệ tiếp theo có thể khác hẵn do sai số lấy mẫu.  Thật vậy, các quần thể  nhỏ thường có độ đồng hợp cao, trong khi các quần thể  lớn thường có nhiều kiểu hình.  Như vậy, các yếu tố ngẫu nhiên có thể gây ra những sự thay đổi trong các quần thể nhỏ.  Sự thay đổi ngẫu nhiên tần số các alen và các kiểu gen trong một quần thể nhỏ được gọi là biến động di truyền (genetic drift).  Vì biến động di truyền có thể làm thay đổi tần số alen không phụ thuộc vào chọn lọc tự nhiên (nghĩa là không bị ảnh hưởng bởi độ thích nghi của các alen khác nhau) nên chúng thường được gọi là chọn lọc trung tính (neutral selection).  Hai tình huống có thể làm cho các quần thể  đủ nhỏ để biến động di truyền xảy ra là hiệu ứng cổ chai và hiệu ứng sáng lập.

1. Hiệu ứng cổ chai (Bottleneck Effect)

Các thảm họa như động đất, bão lụt, hỏa hoạn...  có thể giết chết hàng loạt cá thể của quần thể một cách không chọn lọc, làm giảm kích thước của quần thể một cách mạnh mẽ.  Kết quả là quần thể nhỏ còn sống sót có cấu trúc di truyền khác hẳn với quần thể  ban đầu.  Trường hợp nầy được gọi là hiệu ứng cổ chai.  Do ngẫu nhiên, một số alen sẽ gia tăng tần số, một số khác bị giảm tần số và một số alen có thể bị loại trừ hoàn toàn.  Biến động di truyền có thể tiếp tục ảnh hưởng đến quần thể qua nhiều thế hệ cho đến khi quần thể  khôi phục kích thước đủ lớn làm cho sai số mẫu không còn ý nghĩa (Hình 4). 

 Hình 4.  Mô hình hiệu ứng cổ chai 

2. Hiệu ứng sáng lập (Founder Effect)

Các biến động ngẫu nhiên cũng tác động tương tự khi một ít cá thể tách ra khỏi quần thể đi xâm chiếm một hòn đảo, một hồ hoặc một vùng cư trú mới bị cách ly và sáng lập ra một quần thể mới.  Kích thước của quần thể  mới càng nhỏ thì cấu trúc di truyền của chúng càng khác biệt so với vốn gen của quần thể  ban đầu.  Biến động di truyền trong quần thể mới nầy được gọi là hiệu ứng sáng lập.  Trường hợp rõ nhất là sự sáng lập một quần thể  mới từ một con thú có thai hoặc từ một cây có hột.  Nếu quần thể  mới tồn tại và phát triển, các biến động ngẫu nhiên sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tần số các alen trong vốn gen cho đến khi quần thể  đủ lớn để các sai số mẫu bị giảm tối đa.