Khoa học VN trên đường hội nhập

Vietsciences-Phạm Đức Chính      17/11/2008

 

Những bài cùng tác giả

Đất nước đang trên tiến trình hội nhập và phát triển. Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế là khá cao và ổn định so với thời kỳ bao cấp trì trệ trước đây. Có thể thấy đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong tíến trình công nghiệp hóa đất nước. Tuy nhiên cũng phải nhận thấy rằng tốc độ phát triển tương đối khá có được trong giai đọan đầu hội nhập này dựa nhiều vào nguồn vốn đầu tư và công nghệ nhập từ nước ngòai cộng với việc chúng ta xuất phát từ cái nền quá thấp so với thế giới. Tốc độ tăng trưởng (một con số) của chúng ta có thật đáng tự hào không, khi ông hàng xóm khổng lồ TQ với mức phát triển cao hơn đang tăng trưởng ở mức hai con số, và anh bạn hàng xóm bé nhỏ Cambodia ở mức phát triển thấp hơn chúng ta cũng tăng trưởng ở mức hai con số !

Khoa học và Kỹ thuật của VN đã và cần được chuẩn bị thế nào để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao về nội lực cho sức cạnh tranh của nền kinh tế trên tiến trình hội nhập ? Bài viết này được trình bầy theo 4 phần:

1.KHVN đang ở đâu

2.KHVN có cần các chuẩn mực khách quan và công bố quốc tế ?

3.Con đường gập gềnh của KHVN

4.KHVN cần được tháo khỏi các trở ngại để hội nhập và phát triển

1.KHVN đang ở đâu

Dư luận thời gian qua bàn luận nhiều về những yếu kém của Khoa học và Giáo dục nước nhà.

Báo cáo của Nhóm chuyên gia ĐH Harvard viết đầu năm 2008, dựa trên thống kê số bài báo và số bằng sáng chế đăng ký quốc tế của VN trong so sánh với quốc tế, cụ thể là với các nước láng giềng của chúng ta, đã nhận định: “Sử dụng mọi thước đo khách quan, dường như nền KH&CN của VN là một thất bại”.

Một số người ở ta lập luận có lý rằng số bài báo và sáng chế quốc tế chỉ phản ánh một phần các họat động KH&CN đa dạng của chúng ta, nhưng bản thân Bộ KH&CN cũng lúng túng không đưa ra được các công nghệ hay sản phẩm mới đáng giá để khoe. Phải chăng thành tựu KH&CN chính của chúng ta chỉ là ở khả năng tiếp nhận, hỗ trợ và sử dụng được công nghệ (không phải là tiên tiến nhất) được chuyển giao từ nước ngòai để giúp vận hành và phát triển kinh tế ? Cambodia cũng làm được điều đó để giúp đạt được mức tăng trưởng 2 con số mà chúng ta chưa bao giờ đạt được ! Đó mới chỉ là một nền KH&CN phục vụ cho một nền kinh tế gia công, chứ chưa phải cho một nền kinh tế có nội lực sáng tạo và sức cạnh tranh. Nếu chúng ta không quyết tâm và biết cách xây dựng lực lượng, sức tăng trưởng của chúng ta không những sẽ không tăng mà sẽ chậm dần lại trong tương lai gần, và chúng ta sẽ mãi không thóat khỏi cái phận đi sau, và đành an phận với “con sãi ở chùa lại quét lá đa”.

Trên thực tế quốc tế thì tuy số bài báo và sáng chế không phản ánh hết các họat động KH&CN của một quốc gia nhưng lại phản ánh được trình độ KH&CN và cả triển vọng vươn lên của nước đó một cách khá chính xác.

Thống kê của Viện thông tin khoa học (ISI) về các công bố quốc tế các ngành của VN và một số nước 11 năm qua (1/1997-12/2007) cho:

 

 

Lĩnh vực VN Thái lan Mã lai Hàn quốc TQ
Y học lâm sàng

Vật lý

Động thực vật học

Toán

Kỹ thuật

Hóa

Nông nghiệp

Địa chất

Môi trường

Khoa học xã hội

Vi sinh

Sinh học & Hóa sinh

Miễn dịch học

Khoa học vật liệu

Dược

Sinh học phân tử

Kinh tế

Khoa học thần kinh

Khoa học máy tính

Tâm lý học

Khoa học không gian

Liên ngành
765

709

595

466

327

301

212

185

177

176

159

114

110

98

69

45

35

15

 

 

 

14
4 897

681

2 233

156

1 904

2 618

1 023

327

878

563

900

1 144

678

766

709

275

112

167

426

86

63

16
1 705

833

1 119

151

1 457

3 195

654

175

640

265

269

599

89

888

276

79

142

46

387

75

 

 
25 050

32 313

5 798

4 490

26 867

31 644

2 907

2 204

2 730

1 911

4 861

12 148

1 467

20 946

5 619

3 395

1 605

3 464

12 194

792

1 125

107
34 430

86 679

17 761

20 468

53 203

127 749

4 382

16 431

10 071

4 277

3 752

20 037

2 006

60 197

7 356

6 081

2 845

4 800

17 355

2 070

4 903

1 708
Tổng cộng 4 667 20 672 13 059 203 637 508 561
Tỷ lệ số bài nội lực năm 2007 20% 47% 53% 75% 78%

 

Từ các con số này có thể thấy rằng các công bố quốc tế đến đều từ tất cả các lĩnh vực, và chủ yếu là từ các lĩnh vực khoa học ứng dụng, chứ không phải là đặc thù riêng của các lĩnh vực lý thuyết như Tóan hay Vật lý - như ngụy biện của một số người ở ta.

Các công bố quốc tế của Việt nam là rất yếu, chỉ cỡ 1/3 con số tương ứng của Mã lai (trong khi số dân nước ta lớn hơn 3 lần số dân Mã lai), 1/5 số bài của Thái lan, dưới 1/11 của quốc đảo Singapore, 1/45 của Hàn quốc, 1/110 của Trung quốc (số dân VN bằng 1/16 TQ), và 1/700 của Mỹ.

Xét riêng về công bố quốc tế từ nội lực (tự ta làm được) – sự tụt hậu của chúng ta lại càng lớn hơn. Cụ thể, gần nửa số bài của Thái lan là do nội lực, trong khi tỷ lệ nội lực của chúng ta chỉ là 20%, còn lại là do hợp tác với quốc tế. Điều đó cho thấy các nhà khoa học của chúng ta vẫn còn phải dựa nhiều vào hỗ trợ quốc tế (về chuyên môn, phương tiện, hoặc tài chính).

Những kết quả nghèo nàn đó có được, dù cho nhà nước luôn coi KH&KT là then chốt, giành cho 2% vốn ngân sách, nay đã vượt 400 triệu USD/năm.

Hai ngành được chúng ta coi là ưu tiên là Khoa học máy tính và Khoa học vật liệu lại có số công bố yếu hơn các ngành khác, trong đối chiếu với quốc tế ! Ngành Khoa học máy tính tuy được phát triển mạnh theo chiều rộng, song có thể thấy rằng tầm mức của chiều sâu năng lực vẫn còn hạn chế: hẳn do quá yếu so với quốc tế nên chưa được đưa riêng trong bảng thống kê. Những giải thưởng tin học như “Trí tuệ VN”, thực tế mới chỉ tôn vinh thợ tin học, chứ chưa phải các nghiên cứu chuyên sâu giúp tạo sức bật thực sự. Ngành Khoa học vật liệu của VN năm ngóai vẫn còn chưa được đưa riêng vào bảng thống kê, và tuy năm nay đã được đưa vào nhưng với một con số khiêm tốn (số bài báo nói chung của chúng ta ít hơn Thái lan và Mã lai tương ứng là 5 và 3 lần, nhưng trên lĩnh vực Khoa học vật liệu thì lại thua họ tới 8 và 9 lần).

Hai ngành duy nhất của chúng ta so sánh được so với Thái lan và Mã lai là Tóan và Vật lý, do các ngành này tập hợp được nhiều anh tài trong quá khứ, có truyền thống và văn hóa làm khoa học hội nhập hơn. Tuy nhiên sự đóng góp và sức phát trỉển của hai ngành này cũng bị hạn chế nếu không có những đòi hỏi chuyên môn từ các ngành khác trong thế cùng tiến và phụ thuộc lẫn nhau giữa các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và sản xuất. Các nhà tóan và vật lý học với vị thế của mình cần thể hiện tốt hơn các họat động xã hội đa dạng giúp KH&CN VN phát triển đồng đều vì lợi ích chung của xã hội và lợi ích riêng của chính họ. Thúc đẩy công bố quốc tế trên các lĩnh vực khoa học ứng dụng phải là một ưu tiên của chúng ta.

Lần đầu tiên Viện KH&CN VN đã bắt đầu nhận thức được ván dề và tiến hành thống kê số bài báo khoa học và sáng chế của các nhà nghiên cứu của mình, cho các năm 2004-2008 (với số biên chế gần 2300 cán bộ), với kết quả bình quân cỡ 150 bài ISI/năm. Xếp hạng theo tỷ lệ (số bài báo ISI [SCI & SCIE]/số biên chế) thời gian 4.5 năm của 29 Viện thành viên, thì 10 Viện đứng đầu có thứ tự là là 1.Viện Tóan (1.68), 2.Vật lý (1.05), 3.Sinh học Tây nguyên (0.83), 4.Hóa học (0.54), 5.Vật lý TP HCM (0.51), 6.Hóa học các HCTN (0.50), 7.Khoa học Vật liệu (0.45), 8.Sinh thái TN sinh vật (0.30), 9.Công nghệ sinh học (0.28), 10.Kỹ thuật nhiệt đới (0.26). Viện Cơ học đứng thứ 11 (0.24), Viện công nghệ thông tin thứ 16 (0.16)... Có 3 Viện không có bài ISI nào, và có 5 Viện chỉ có vẻn vẹn 1 hoặc 2 bài.

Đồng thời gian trên, ĐHQG TPHCM (với biên chế gần 3500 người, trong đó có khỏang 2200 giảng viên) cũng tiến hành thống kê số bài báo khoa học của mình trong các năm 2006-2008, với kết quả cỡ 80 bài ISI/năm. ¼ số bài ISI của ĐHQG TPHCM là công bố nội lực (hòan tòan tác giả VN).

Hy vọng thời gian tới các cơ quan khoa học khác trong nước sẽ noi gương, tiến hành thống kê các công trình khoa học theo chuẩn quốc tế để đánh giá đúng năng lực nghiên cứu và đổi mới chính sách khoa học của mình.

Có ý kiến cho rằng trình độ KH&CN của VN có yếu cũng là tương ứng với trình độ phát triển của nền kinh tế. Nếu ta chia số bài báo và GDP của các nước theo đầu người, thì đúng là có một sự tương ứng tương đối như vậy. Tuy nhiên một số nước (như các nước Đông Á) lại có chỉ số bài báo mạnh hơn chỉ số kinh tế tương ứng (so sánh giữa TQ và Thái lan chẳng hạn, TQ có [chỉ số bài báo]/[chỉ số GDP] cùng tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn hẳn), và điều đó giúp họ có được tiềm năng nội lực và tốc độ tăng trưởng vượt trội so với các nước khác. Báo cáo Harvard đã đặc biệt nhấn mạnh thành công kinh tế của các nước Đông Á (kể cả Singapore) nhờ có nền Khoa học và Giáo dục đi trước một bước, tương phản với khối Đông Nam Á tương đối trì trệ. Một ví dụ là tỷ lệ số KS trên đầu người của họ có những thời điểm nhiều gấp 2.5 lần con số tương ứng ở các nước có trình độ phát triển kinh tế tương đương. Chúng ta có cơ sở để tin vào chất lượng thực của các KS đó khi nhìn vào số bài báo mà nền khoa học của họ đóng góp. Trái ngược lại, dù chúng ta có số GS và TS (đồ hàng mã ?) vượt trội so với các nước bạn Đông Nam Á, thì trình độ Kinh tế - Khoa học của chúng ta vẫn cứ là rất đuối so với họ. So sánh tỷ lệ chỉ số bài báo (phản ánh thực lực chính xác hơn số GS, TS) và chỉ số kinh tế thì chúng ta thua kém ngay cả so với các nước Đông Nam Á như Thái lan và Mã lai, chứ chưa nói tới khối Đông Á mà chúng ta có nền văn hóa tương đồng và muốn phấn đấu noi theo. Đó là một thực tế rất đáng lo ngại. Tất nhiên với mỗi chỉ số để so sánh chúng ta đều có thể tìm ra có những nước khác ở Đông Nam Á hay Châu Phi còn kém hơn chúng ta, rằng chúng ta chưa phải là bét, nhưng đó không phải là tư duy của người cầu tiến.

Thế giới đều biết đến năng lực nghiên cứu và thành tích công bố quốc tế của các nhà khoa học Ấn độ. Chúng ta cũng đang mong ước xây dựng được một nền công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ và hiệu quả như họ. Vậy mà Bộ trưởng phụ trách KH&CN của Ấn độ trong một phát biểu – được GS Phạm Duy Hiển trích dẫn trong một bài viểt gần đây – đã phê bình mạnh mẽ các nhà khoa học Ấn độ đã để các nhà khoa học TQ vượt khá xa về số công bố quốc tế. Chúng ta chưa từng được nghe một lời tự phê bình tương tự từ các nhà lãnh đạo và quản lý của chúng ta, mặc dù thực trạng yếu kém của KH&CN VN có lẽ ai cũng cảm nhận được, và ngày càng rõ.

Không chỉ đợt tới những con số, chỉ số khách quan mà dư luận trong nước và quốc tế đề cập tới thời gian gần đây, những người trong cuộc chúng ta đều biết trực tiếp hay được nghe nhiều về công tác quản lý bất cập, những đầu tư KH&CN dàn trải, cho các địa phương, phòng thí nghiệm trọng điểm … không hiệu quả, các đề tài khoa học (kể từ đề tài trọng điểm kinh phí lớn cấp Bộ Ngành, Nhà nước) thực hiện xong rồi chỉ để xếp ngăn kéo, không sử dụng được và không được kiểm tra nghiêm túc (thậm chí tên nhiều đề tài nghe cũng không xuôi), làm giả ăn thật tràn lan, đạo văn, bằng cấp và chức danh rởm phổ biến, các họat động đặc quyền đặc lợi không được kiểm sóat với sự ngự trị của một số cá nhân và nhóm gọi là học phiệt đứng trên mọi chuẩn mực khách quan, các cơ quan khoa học được bao cấp biên chế phình to nhưng hiệu quả thấp (người ta vẫn nói trong các Viện nghiên cứu chỉ 30% là có làm việc), chảy máu chất xám, tác động yếu tới nền Giáo dục và Đào tạo của nước nhà …

Cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng, các con số thống kê quốc tế, dù có thể chưa bao quát hết, đã phản ánh khá chính xác vị thế của chúng ta.

2.KHVN có cần các chuẩn mực khách quan và công bố quốc tế ?

Ở VN bài báo khoa học luôn được gắn (không hòan tòan chính xác) với Nghiên cứu cơ bản (NCCB). Có ý kiến cho rằng NCCB với mục tiêu chỉ là các bài báo đăng trên các tạp chí khoa học với kết quả mang tính chung chung không mang lại nhiều lợi ích cho một nước đang phát triển như VN. Đó là một cách nghĩ thiển cận. Chỉ có NCCB (chứ không chỉ biết học thuộc sách) chúng ta mới hiểu thấu và cập nhập được trí thức nhân lọai tạo cơ sở cho các họat động ứng dụng triển khai. Chỉ có các giảng viên nghiên cứu, chứ không phải các thợ giảng thuần túy, mới đào tạo được các sinh viên có năng lực sáng tạo biết học và “hành”. Việc công bố bài báo quốc tế (từ cả NCCB và nghiên cứu ứng dụng) không chỉ có sức kích thích khả năng sáng tạo của nhà khoa học, mà còn buộc nhà khoa học phải thường xuyên học và cập nhập thông tin trong lĩnh vực của mình, chịu sự kiểm sóat và phản biện khách quan về công việc đang làm. Đó cũng là cách chúng ta học hỏi thêm được không mất tiền từ ý kiến phản biện của các chuyên gia quốc tế chuyên ngành giỏi. Còn “đóng góp cho khoa học thế giới” và “xây dựng uy tín cho KHVN” với chúng ta ở giai đọan hiện nay chỉ là chuyện đứng hàng thứ hai sau các lợi ích đã nói. Không phải là viển vông khi các quốc gia từ Hàn quốc, TQ, Pakítan, Ấn độ, tới Đông Nam Á đều thúc đẩy, khuyến khích, và thậm chí thưởng thêm tiền mặt cho các bài báo công bố quốc tế. Ngay cả các ĐH Đông Nam Á cũng khuyến nghị mỗi GS của họ một đến hai năm phải có tối thiểu một bài báo công bố quốc tế. Các luận án TS từ Hàn quốc, TQ tới Philippine đều đòi hỏi phải có bài báo quốc tế ISI. Thậm chí ĐH Mahidon của Thái lan yêu cầu luận văn ThS cũng phải có bài báo đăng ở tạp chí có phản biện kín.

Phát biểu: “VN không thể bắt kịp thế giới trong NCCB, bởi vậy cần đuổi theo thế giới trong nghiên cứu áp dụng và công nghệ” là ngược với luận điểm mà chúng ta đã từng được nghe “có thể bắt kịp trình độ NCCB của các nước tiên tiến trong vài chục năm, nhưng phải mất hàng trăm năm mới có thể đuổi kịp trình độ công nghệ của họ”. Đơn giản vì kiến thức cơ bản là công khai, còn kiến thức công nghệ là bí mật, và công nghệ chỉ có thể được xây dựng cùng với một nền công nghiệp phát triển tòan diện với nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào và nền tảng kiến thức cơ bản vững chắc. Với tu duy chộp giật và ăn sối mà không có cái nền chúng ta không thể đi được xa.

Nhận xét “NCCB ở VN chỉ làm lãng phí vô ích tiền thuế của nhân dân, và nghiên cứu áp dụng phải được ưu tiên trong chính sách của nhà nước” là phiến diện và không mới. Ở đâu đó trên thế giới có những tranh cãi về vốn đầu tư giữa NCCB và nghiên cứu ứng dụng (NCƯD), nhưng ở VN chúng ta không hề có những đầu tư đắt tiền cho NCCB khai phá kiểu như máy gia tốc hạt, lò phản ứng nhiệt hạch Plasma, hay xây dựng bản đồ gien người,… Kinh phí cho NCCB cho KHTN&KT năm 2005 là 45 tỷ đồng, tức là chưa tới 3 triệu USD, trong khi đó tổng kinh phí đầu tư cho KH&CN của chúng ta đã vượt 400 triệu USD/năm – một tỷ lệ dành cho NCCB là rất thấp so với thế giới. Ở VN NCƯD và triển khai luôn được ưu tiên và chiếm phần lớn số vốn đầu tư. Tại Viện Cơ học – một cơ sở không liên quan trực tiếp tới sản xuất, tổng kinh phí các đề tài NCƯD lớn hơn nhiều lần NCCB, thậm chí kinh phí của chỉ riêng một đề tài NCƯD “cấp nhà nước” do một chức sắc đã phải về hưu được chủ trì đã vượt tổng kinh phí của tất cả hai chuc để tài NCCB trong Viện cộng lại. Vấn đề của chúng ta ở đây không phải là đã dành đủ ưu tiên cho NCƯD hay chưa, mà là việc kiểm tra tính thật giả và đảm bảo tính nghiêm túc của các đề tài cả NCCB và NCƯD như thế nào.

Lời khuyên chung chung rằng chúng ta cần có hai ba chuyên gia phản biện độc lập cho mỗi đề tài và có Hội đồng đánh giá… là thừa vì lâu nay người ta đã thực hiện đúng như vậy. Vấn đề là việc xét phân các đề tài (và cả các chức danh) bất tuân các chuẩn mực quốc tế, và hòan tòan phụ thuộc vào ý kiến chủ quan của các Hội đồng và các chuyên gia đánh giá, gọi là các nhà khoa học đầu ngành, nhưng thực chất chỉ là các chức sắc thâm niên đặc quyền đặc lợi vốn đã không được lựa chọn trên cơ sở chuẩn mực khách quan theo như quốc tế.

Ngụy biện rằng NCƯD không cần phải có công bố quốc tế đã bị phê phán mạnh trên diễn đàn của Báo Tia Sáng. Mặc dù mục tiêu của NCƯD là giải quyết những vấn đề cụ thể của thực tiễn, trong quá trình thực hiện, nếu làm nghiêm túc, luôn có những kết quả nghiên cứu có thể công bố được. Có rất nhiều tạp chí khoa học quốc tế trên các lĩnh vực ứng dụng, thậm chí còn nhiều áp đảo so với các tạp chí có thiên hướng lý thuyết, và tạp chí quốc tế cũng có nhiều mức khác nhau về đòi hỏi chất lượng. Công bố quốc tế sẽ giúp có cơ sở khách quan để đánh giá chất lượng và tính nghiêm túc của đề tài - đó chính là cái mà chúng ta đang thiếu.

Nhiều họat động nghiên cứu ứng dụng, triển khai được nhà nước bao cấp kinh phí thường không đưa đến ngay được các hiệu quả thực tế và sản phẩm mới có sức cạnh tranh trên thương trường, mà đây cũng thường là những đầu tư lớn. Chính bởi vậy cần có những kiểm sóat nghiêm ngặt về bài báo công bố quốc tế, bắng sáng chế, quy trình và sản phảm mẫu mới – trước tiên là phải có hàm lượng khoa học theo các thước đo khách quan. Các chuyên gia đánh giá phải là các nhà khoa học có thành tích tốt nhất theo các chuẩn mực khách quan quốc tế và những người đã đưa ra được các sản phẩm mới thành công trên thị trường, chứ không phải các chức sắc thâm niên với đủ các danh vị hình thức như phổ biến hiện nay. Không tuân thủ những nguyên tắc khách quan này, chúng ta sẽ không chống được tệ quan liêu và làm giả ăn thật phổ biến hiện nay, để xây dựng một môi trường lành mạnh cho KH&CN.

3. Con đường gập gềnh của KHVN

Để hiểu được các đặc thù riêng của KHVN, chúng ta cần đi ngược lại thời gian từ mấy chục năm trước.

Từ thời gian chiến tranh và xây dựng CNXH ở miền Bắc, được tiếp nối bởi giai đoạn đầu xây dựng đất nước sau thống nhất, mỗi năm chúng ta chọn (chủ yếu qua thi tuyển) hàng ngàn học sinh đi du học ở các nước Đông Âu. Nhìn chung các lưu học sinh đã được lựa chọn của chúng ta học tốt, và khi tốt nghiệp trình độ cũng không kém mức chung của bạn. Những KS, BS thực hành này, khi trở về nước, đã tạo thành lực lượng khoa học kỹ thuật nòng cốt cho công cuộc bảo vệ, xây dựng và công nghiệp hóa đất nước.

Chúng ta cũng chú trọng xây dựng lực lượng khoa học cao cấp qua con số các TS và TSKH đã được đào tạo ở các nước Đông Âu. Lực lượng này được kỳ vọng có khả năng thực hiện những nghiên cứu khoa học trình độ cao và là đầu tầu cho khoa học và tiến trình hiện đại hóa nước nhà.Tuy nhiên khi đánh giá tiềm lực khoa học công nghệ của mình qua con số các TS và TSKH này, chúng ta đã có không ít ngộ nhận.

Để bảo vệ luận án TS (PTS cũ) ở LX, NCS phải có kết quả nghiên cứu, thường tối thiểu là 2 bài báo đăng trên các tạp chí khoa học có phản biện nghiêm chỉnh của bạn. Bên cạnh những TS đạt chuẩn, một số TS của ta trình độ còn non, phải dựa nhiều vào thầy, và do áp lực của trình độ và thời gian, đã được các nước bạn chiếu cố.

Ở mức cao hơn, nhiều TSKH (TS cũ) của chúng ta chưa đạt được tới trình độ chuẩn mực tương ứng của nước bạn. TSKH của LX phải có được những bài báo khoa học mạnh, đứng tác giả độc lập, và thường phải có tới vài chục bài báo đăng các tạp chí khoa học có uy tín. Trong khi đó số bài báo đăng tạp chí có uy tín của số đông các TSKH của chúng ta chỉ đếm trên đầu ngón tay, và phần nhiều vẫn phải dựa vào thầy. Nhiều TSKH trở về nước, tách khỏi thầy, đã không viết nổi một bài báo riêng đăng tạp chí quốc tế chuẩn mực – thể hiện rõ cái tầm chưa tới của họ. Đáng buồn hơn, vào giai đoạn nhộm nhoạm ở Đông Âu những năm 90, một số nhà khoa học của ta đã kiếm được bằng TSKH dù họ có rất ít, thậm chí không có nổi lấy một bài báo đăng tạp chí khoa học quốc tế nghiêm chỉnh (có thể nói, chỉ ở mức, hoặc thua cả cái chuẩn PTS của thời LX ổn định).

Trên trường quốc tế, bảo vệ luận án TS chỉ là bước đầu tiên trên con đường sự nghiệp của một nhà khoa học chuyên nghiệp. Tiến hành nghiên cứu khoa học nghĩa là họ phải có được các bài báo khoa học được phản biện độc lập để được đăng trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành có uy tín, hay bằng sáng chế, dù nhà khoa học làm việc ở Đại học hay Viện nghiên cứu, trên lĩnh vực lý thuyết, thực nghiệm, hay ứng dụng. Công bố khoa học buộc nhà khoa học phải thường xuyên cập nhập thông tin để duy trì và nâng cao trình độ, chịu sự giám sát khách quan, lao động sáng tạo đóng góp cho tiến bộ của khoa học công nghệ. “Publish or Perish” (Công bố hay Lụi tàn) là thực tế mà mỗi nhà khoa học chuyên nghiệp phải đối mặt.

Trong khi đó nhiều TS, TSKH của chúng ta trở về nước, phần vì trình độ còn non, phần vì hoàn cảnh khó khăn của chiến tranh và thời kỳ bao cấp trì trệ kéo dài, đã chỉ duy trì được những hoạt động khoa học tầm thấp (trừ một số nhỏ các nhà khoa học), công bố trên những tạp chí quốc nội được lập ra kém xa chuẩn mực quốc tế. Đứng trên quan diểm quốc tế, họ đã không còn giữ được trình độ của mình tương xứng với bằng cấp quốc tế có được và đã tàn lụi về mặt chuyên môn. Thế nhưng, một số người trong số họ may mắn có được các bằng cấp cao sớm nhất và có thiên hướng họat động quản lý hành chính đã nắm những vị trí được gọi là “đầu ngành” và ngự trị cho tận tới khi đã về hưu, và thậm chí cả chọn người kế tục, trong hệ thống chức sắc khoa học cứng nhắc (thiếu cạnh tranh về chuyên môn) của chúng ta. Họ giữ quyền phân chia và chủ trì các đề tài nghiên cứu với nhiều bổng lộc, cho ra lò nhiều TS nội dưới xa chuẩn mực quốc tế. Họ cũng xây dựng nên các chức danh và chuẩn mực cho khoa học nước nhà, nặng về hình thức và xa rời các tiêu chuẩn quốc tế. Một số chức trách khoa học của ta được mời vào một số Viện HLKH hay đứng chung tên giải thưởng với các đàn anh quốc tế, như một cử chỉ hữu nghị hay mang tính đại diện cho VN. Điều đó dẫn tới hiểu nhầm là một số lãnh đạo khoa học của chúng ta đã đạt tới trình độ đỉnh cao quốc tế, tới hàng Viện Sĩ.

Các công việc cụ thể của các KS,BS thực hành dễ được nhận thấy hơn với mọi người dân bình thường. Còn các công trình nghiên cứu khoa học trình độ cao theo chuẩn mực quốc tế, các bằng sang chế và sản phẩm mới của các GS, PGS, TS, TSKH, VS, các nhà khoa học “đầu ngành” của chúng ta là gì, ở ta thường tránh đề cập tới. Nhưng với quốc tế thì đó lại là tiêu chí thông thường để họ đánh giá trình độ chuyên môn thực của các nhà khoa học, chứ không phải là các hình thức danh đã nêu.

Mấu chốt sự yếu kém của KHVN chính là từ các “chức sắc KH đầu ngành” tham quyền cố vị đặc quyền đặc lợi nhưng yếu về năng lực chuyên môn (theo chuẩn mực khách quan quốc tế), chứ không phải là vấn đề đầu tư của nhà nước cho KH&CN chưa thỏa đáng. Một số do năng lực khoa học vẫn còn non (dù đã có bằng cấp hình thức cao TSKH) khi được đặt lên vị trí lãnh đạo, số khác có năng lực nhưng cũng thoái hóa dần theo thời gian do bận rộn với chức quyền và không chịu sức ép về chuyên môn. Tư duy phong kiến “học hành đỗ đạt cao để ra làm quan hưởng vinh hoa phú quý” đã góp phần tạo nên nhân cách của họ. Tư tưởng “một người làm quan cả họ được nhờ” đã thúc bách họ nhận vào các cơ quan khoa học những người thân quen yếu năng lực chuyên môn để hưởng biên chế bao cấp nhà nước, trao cho họ và giữ cho bản thân những xuất đi nước ngoài béo bở được bao cấp nhà nước hay viện trợ. Điều đó góp phần đẫn tới chảy máu chất xám ồ ạt, cùng sự tụt dốc về chất lượng của các cơ quan khoa học với gánh nặng biên chế phình to dồn cho nhà nước. Viện KH&CN VN khi mới thành lập cuối những năm 70 đầu 80 ưu tiên nhận chủ yếu là các cán bộ trẻ giỏi đượcđào tạo từ nước ngoài, nhưng nay như ở Viện Cơ học – số người có khả năng nghiên cứu công bố quốc tế chỉ đếm được trên đầu ngón tay và không có những người trẻ có năng lực. Viện hiện nay không hấp dẫn và cũng không hề có chính sách hấp dẫn cuốn hút các nhà khoa học trẻ giỏi – có thể nhìn thấy trước một cái đích chết cho một cơ quan nghiên cứu khoa học nếu không có những thay đổi căn bản trong thời gian tới.

Luận điểm NCƯD không cần phải có công bố quốc tế cũng chính là do một số chức sắc đầu ngành dựng lên để biện minh cho các đề tài kinh phí lớn nhưng kết quả nghèo nàn của họ (mặc dù họ đã được học ở Tây và biết điều đó là giả dối). Những đề tài gọi là ứng dụng kinh phí lớn này thường được coi là các vụ đánh quả của các chức sắc và những kẻ khéo chạy, và giới khoa học cũng chẳng mấy ai kính trọng gì các đề tài lớn cũng như chủ trì các đề tài này, trong khi một số nhà khoa học làm việc nghiêm túc thì rất khó khăn để có được đề tài và kinh phí nghiên cứu. Người ta còn đánh quả cả với các dự án được quốc tế tài trợ nếu không có được sự tham gia trực tiếp của các nhà khoa học quốc tế thực sự có năng lực. Một GS có thế lực ngành Cơ học chủ trì nhiều đề tài kinh phí lớn tính tóan sông hồ, nhưng không cho ra nổi một kết quả nghiêm túc là bài báo công bố quốc tế, trong khi một TS cùng chuyên môn, với số kinh phí ít ỏi hơn nhiều, đưa được các tính tóan của mình về bồi lắng bùn cát trên sông Hồng ở cửa Ba lạt công bố tạp chí quốc tế. Khó khăn thì ai cũng nói được. Một nhóm nhà thiên văn ở ĐHQG HN đã biết dùng những thiết bị quá hạn sử dụng (thải) chỉ để hướng dẫn sinh viên, đo được các thông lượng Muon ở Hà nội và cho ra kết quả in trên tạp chí quốc tế có uy tín. Trong khi nhiều phòng thí nghiệm trọng điểm được đầu tư hàng triệu USD vẫn không đưa ra nội một kết quả nghiêm túc là bài báo công bố quốc tế. Các chức sắc xét phân cho nhau và những kẻ khéo chạy những đề tài kinh phí lớn, tung hô nhau là giỏi, xuất sắc và lấy tiền nhà nước thưởng cho nhau, không dựa trên bất kỳ tiêu chuẩn quốc tế khách quan nào. Chính những tập quán làm ăn xấu này của một số nhà khoa học đã tạo cơ sở cho một số nhà quản lý tiêu cực tham gia tiếp tay, ăn chia, và gây khó dễ cho những người làm thật.

Thậm chí một Chủ tịch Hội đồng NCCB ngành còn đi xa hơn với luận điểm “NCCB làm cơ sở cho NCƯD không cần phải có công bố quốc tế” để biện minh cho sự tham lam của ông vừa đồng thời nhận các đề tài NCCB và NCUD đều ở mức kinh phí lớn (nhưng làm kém) và sự phân phát tùy tiện các đề tài theo ý riêng của mình. Thậm chí một GS đầu ngành có tiếng từng có thành tích công bố quốc tế trong quá khứ nhưng nhiều năm nay không còn công bố được nữa, nhưng vẫn muốn nắm giữ quyền phân phát đề tài NCCB, đã phản đối đề xuất mới của Bộ KH&CN yêu cầu NCCB phải có công bố quốc tế. Cái cá nhân của họ đã đè bẹp đạo đức khoa học. Họ đang có đặc quyền và hưởng lợi từ cái cơ chế cũ lạc hậu nên đã phản ứng khi Bộ KH&CN bàn thảo tới cải cách, rằng “NCCB của chúng ta thời gian qua đã rất tốt phục vụ cho nghiên cứu ứng dụng, đâu cứ phải vì mấy bài báo của ai đó mà phải sửa đổi chính sách, ... đâu cứ phải công bố ở đâu, ở đâu đó mới là khoa học,… Tạp chí Cơ học của ta nay đã đòi hỏi viết bài bằng tiếng Anh nên cũng đã đạt tiêu chuẩn quốc tế để được đánh giá ngang như bài báo quốc tế, ... các bài báo nói cho cùng cũng chỉ là những thảo luận, và viết sách và giáo trình cho sinh viên chọn ra những cái cốt lõi mới có giá trị NCCB đích thực…”. Có người không có công bố quốc tế nhưng nghe được những thông tin mơ hồ ở đâu đó nên cũng mạnh mồm “chỉ cần nộp tiền là đăng được bài báo quốc tế ... Các bài báo của ta cứ dịch ra tiếng Anh là có thể đăng quốc tế được...”. Có nhà khoa học có tiếng nhưng từ lâu không còn công bố quốc tế nữa phát biểu “Chỉ mấy bài báo đầu của nhà khoa học là có giá trị, còn những bài sau chỉ là lặp lại và chế biến từ những kết quả đầu tiên...” Những phát biểu đó đều là từ những người đã được học ở Tây, chỉ gây rối cho các nhà quản lý và lãnh đạo ít hiểu biết chuyên môn, ngụy biên cho các hành vi đàng ngờ của một số chức sắc đầu ngành, và tạo chỗ bấu víu cho một số đông suy kém về chuyên môn đã có tư tưởng buông xuôi.

Với quốc tế việc phải cạnh tranh để có được đề tài và biên chế ở các cơ quan khoa học là tiền đề cho tiến bộ khoa học. Nhiều khi khỏang cách thực lực giữa người được và không được cũng không cách xa nhau. Trong khi đó ở ta, ngay ở ngành Tóan là ngành có quan điểm khoa học tiến bộ nhất thi việc phân kinh phí đề tài NCCB vẫn mang nặng tính bình quân chủ nghĩa – ai cũng được phân một số tiền tưong ứng với bằng cấp chức danh cộng với điểm thêm cho thành tích công bố bài báo, nhất là bài báo quốc tế. Cách phân dàn trải như vậy làm yếu hiệu quả vốn đầu tư. Nhiều nơi có chia số tiền nhỉnh hơn cho các đề tài NCCB có công bố quốc tế, nhưng cũng chia đều đề tài cho cả các cán bộ thâm niên đã về hưu dù nhiều người thực sự chẳng làm gì cả. Có những nơi còn có những phân chia bất bình đẳng vô lý. Một nhà Vật lý có thành tích công bố quốc tế nổi bật đã phải thốt lên “người không làm việc xét người làm việc”. Tiêu cực nổi bật trong NCCB là ở Ngành Cơ học và Viện Cơ học. Có tới cả hai chục đề tài NCCB trong Viện Cơ học, trong đó có những đề tài kinh phí gấp vài ba lần các đề tài khác, nhưng cái vô lý nổi cộm là 80% số công bố quốc tế chuẩn mực ISI của Viện Cơ học 5 năm qua là thuộc về 3 đề tài bị cấp kinh phí ít nhất. Điều đó xẩy ra bất kể hướng dẫn mới của Bộ KH&CN từ năm 2005 rằng phải ưu tiên các đề tài có công bố quốc tế (nhưng thiếu chế tài cụ thể !). Cảc chức sắc Hội đồng NCCB ngành Cơ học – những người nắm quyền xét và phân kinh phí các đề tài NCCB, đồng thời cũng là những người chủ trì các đề tài ở các mức kinh phí cao nhất, không có nổi một bài báo quốc tế nào.

Tại sao nước Mỹ có nền khoa học phát triển với các chuẩn mực khoa học rất cao mà vẫn có được các GS ở tuổi 30, thậm chí 20, còn ở ta, trên một mặt bằng rất thấp, điều đó lại là không tưởng ? Thực chất thì các tiêu chuẩn chức danh GS, PGS, NCVC, NCVCC ở ta là rất thấp về khoa học nhưng lại rất nặng nề và cứng nhắc về hình thức, có tác dụng ngăn trở và làm nản lòng những tài năng trẻ thật sự, nhưng lại tạo bậc thang cho vô số kẻ cơ hội leo trèo, và giúp duy trì địa vị ngự trị cho những chức sắc thâm niên lạc hậu.

Quanh ta đòi hỏi cho luận án TS của TQ là 2 bài váo quốc tế SCI (mức cao trong ISI), Hàn quốc- 2 bài ISI, và Philippine – 1 bài ISI. Trong khi đó ở ta, không chỉ tiêu chuẩn TS, mà thậm chí cả tới tiêu chuẩn GS và NCVCC cũng không đòi hỏi phải có công bố quốc tế, còn người nào có được thành tích công bó quốc tế thì cũng bị phớt lờ và không được xét ưu tiên, bài báo quốc tế bị đánh đồng với bài báo trong nước. Hội đồng chức danh GS chống chế rằng nếu đưa tiêu chuẩn công bố bào báo quốc tế vào thì ở ta có quá ít người đạt được, trong khi đó họ lại từ chối chức danh cho số nhà khoa học đạt thành tích công bố quốc tế nổi trội vì những lý do rất thiếu thuyết phục như “chưa đủ điểm viết sách”, “chưa đủ điểm công trình”, “thiếu thâm niên”, hay “thiếu học trò bảo vệ TS”... Cái gì thực chất là quan trọng nhất ở đây ? Trong khi đó một đồng nghiệp của tôi đã lúng túng khi một GS Cơ học Pháp sang giúp VN đã nhằm thẳng vào vị GS “đầu ngành” – đối tác của chúng ta và hỏi cậu ấy “Ông ấy nói nhiều nhưng thực sự mạnh về cái gì ? tôi đã cố tìm tên ông ấy trên các website khoa học nhưng không thấy…”

Nói đến cái tiêu chuẩn “sách”, “trò TS”, cũng như yếu tố “thâm niên”, tôi lại nhớ đến một bài viết cách đây không lâu trên tạp chí Science nổi tiếng của Mỹ. Họ kể về trường hợp một TS trẻ tài năng của Trung quốc nhận được học bổng nghiên cứu danh giá Humboldt 2 năm ở Đức, rồi thêm 18 tháng nghiên cứu ở Nhật, trở về nước ở tuổi ngòai 30 nhưng vớỉ với thành tích công bố quốc tế mạnh ngay lập tức đã được nhận chức danh GS ở một Viện Vật lý thuộc Viện HLKH TQ, theo chương trình trải thảm đỏ mời về nước các nhân tài trẻ của họ. Tuy nhiên qua 3 năm thử thách, một Hội đồng chuyên môn đã bỏ phiếu với đa số thông qua chấm dứt hợp đồng với anh này vì qua 3 năm đó anh ta không có được một bài báo quốc tế nào, dù có được 2 bài báo đăng tạp chí TQ và viết được một quyển sách. Sau đó anh ấy cũng xin được một vị trí khiêm tốn hơn là GS Đại học sư phạm Bắc kinh ...

Chính vì những tiêu chuẩn TS và chức danh mơ hồ và tiêu cực, mà năng lực của một số nhà khoa học trong nước có thành tích công bố quốc tế cũng không thể được tận dụng trong công tác đào tạo TS. Các NCS thường né tránh làm việc chuyên môn thực sự nghiêm túc với các nhà khoa học giỏi để có thể kiếm tấm bằng hình thức dễ dàng hơn với các chức sắc, và nhờ thế của họ để trục lợi (ở ta kinh phí đào tạo do Bộ GD&ĐT nắm, và NCS có quyền chọn thầy). Nhà khoa học có thực lực chuyên môn thì không có được trò TS (vì thế cũng không đạt tiêu chuẩn GS ở ta !) và kinh phí, trong khi các chức sắc thâm niên thì dư tiền và sản xuất ra nhiều TS rởm. Với quốc tế thì ngược lại: các nhà khoa học có thành tích công bố quốc tế hiển nhiên có được các đề tài nghiên cứu và kinh phí để nhận NCS, còn các NCS phải cạnh tranh để tới được số xuất giới hạn này, nhất là tới thầy giỏi chuyên môn, để có được kết quả tốt cho thăng tiến chuyên môn sau này (ở ta đâu có cần tới thực lực chuyên môn để thăng tiến !).

Chúng ta cũng phần nào hiểu được tại sao những nghịch lý như vậy vẫn được nuôi dưỡng giai giẳng, với chỉ một minh họa: không vị chức sắc nào trong Hội đồng chức danh GS Ngành Cơ học có được bài báo quốc tế ISI trong 10 năm qua và xa hơn. Trong số vài chục GS “đầu ngành” ngự trị Tạp chí Cơ học, chỉ có vài người là có bài báo đăng tạp chí quốc tế. Với những đần tầu kém cỏi và lạc hậu như vậy, KHVN sẽ bị dẫn đi đâu ?

4.KHVN cần được tháo khỏi các trở ngại để hội nhập và phát triển

Các nhà quản lý của chúng ta, với số tiền đầu tư cho KH&CN được tăng mạnh, đã sốt sắng xây dựng đủ lọai chương trình “Đề tài nghiên cứu trọng điểm”, “Hướng nghiên cứu ưu tiên”, “Phòng thí nghiệm trọng điểm”, “Công nghệ cao”, ... – những việc làm giống như xây lâu đài trên nền cát một cách vội vã, trong khi một môi trường làm KH lành mạnh trên cơ sở chuẩn mực khách quan quốc tế còn chưa được xác lập. Cái nền của chúng ta còn quá yếu. Lực lượng KH&CN của chúng ta tuy đông nhưng chất lượng theo chuẩn mực quốc tế thì không đạt yêu cầu.

Các phong trào thi đua XHCN và viện trợ từ các nước Đông Âu đã không giúp vực được nền kinh tế thời bao cấp trì trệ, mà chỉ khi biết tôn trọng các chuẩn mực của kinh tế thị trường, khóan sản phẩm tới người lao động, chúng ta mới thực sự cởi trói được cho nền kinh tế, phát huy sức dân để đưa kinh tế thực sự đi lên.

Trong KH&CN cũng vậy, trước hết chúng ta phải cởi trói cho KH khỏi cơ chế lạc hậu, hướng tới những chuẩn mực khách quan đích thực đã được thiết lập bởi thực tiễn quốc tế: đó là các bài báo công bố quốc tế, bằng sáng chế, sản phẩm và quy trình mới đưa được vào SX và đứng được trên thị trường, tạo ra một môi trường lành mạnh để phát huy tiềm năng các nhà khoa học. Nói như thế nhưng việc thực hiện sẽ không dễ dàng bởi sự cản trở của các lực lượng đang ngự trị và được hưởng lợi từ những bất cập và chuẩn mực mập mờ của quá khứ. Sự ì ạch của số đông cán bộ KHKT yếu về chuyên môn nhưng đã quen ỷ lại vào bao cấp nhà nước cũng là một trở ngại lớn.

Việc đầu tiên cần phải làm là, theo gương và tư vấn quốc tế, Bộ KH&CN đã thành lập Trung tâm hỗ trợ đánh giá KH&CN để có được danh mục thành tích KH&CN cụ thể của từng nhà khoa học theo mẫu quốc tế (TQ có hẳn riêng một Viện thông tin khoa học để thu thập thông tin đánh giá các cá nhân, cơ quan và họat động khoa học, trong so sánh với quốc tế). Tuy nhiên, như Trung tâm cho biết, sau cả năm gửi thư mời do đích thân Thứ trưởng Lê Đình Tiến ký, thì mới chỉ thu được hơn 2000 phiếu đăng ký chuyên gia (bằng 1/10 lực lượng nghiên cứu). Phần lớn số mẫu này là của thạc sĩ, tiến sĩ mới bảo vệ … và hầu như vằng bóng các vị chức sắc gọi là đầu ngành đang ngự trị các Hội đồng và chủ trì các đề tài KH kinh phí lớn. Các kiến nghị đưa danh mục công trình của từng nhà khoa học lên công khai trên website của các cơ sở khoa học theo như thông lệ quốc tế, thường bị các chức sắc ở các cơ sở phớt lờ với lý do đó là các thông tin riêng tư, và thay vào đó người ta chỉ muốn bám vào chức danh và các mối quan hệ.

Cần có chế tài yêu cầu mọi cán bộ nghiên cứu khoa học đều phải gửi thông tin chuyên gia, nếu không sẽ không được phép nhận các đề tài nghiên cứu, hướng dẫn NCS, và tham gia các Hội đồng chuyên gia. Các thông tin chuyên gia đưa ra công khai (lên Internet), ngòai những lợi ích chuyên môn đa dạng và cho công tác quản lý, còn giúp làm minh bạch họat động của các nhà khoa học chịu giám sát khách quan của cộng đồng.

Các nhà lãnh đạo và quản lý phải dựa vào thông tin chuyên gia khách quan để lập mới các Hội đồng chuyên môn, Hội đông chức danh GS,... thay cho các Hội đồng cũ gồm các chức sắc thâm niên đã lạc hậu. Các Hội đồng mới phải được xây dựng từ số chuyên gia có thành tích nổi trội nhất trong công bố bài báo khoa học trên các tạp chí có uy tín cao, bằng sáng chế có giá trị, sản phẩm công nghệ mới chiếm được vị trí trên thị trường, qua những năm gần đây, bất kể tuổi tác, thâm niên, nơi công tác, và chức vụ của họ. Các Hội đồng này cần được thường xuyên thay đổi, bổ sung theo thời gian. Ở các ngành và lĩnh vực đã có được nhiều chuyên gia giỏi trình độ tương đương, chúng ta thực hiện chế độ thay đổi luân phiên để chống hình thành nhóm lợi ích.

Cần tách bạch chức vụ quản lý hành chính và chức năng chuyên môn. Không gán gượng ép cho lãnh đạo hành chính các cơ sở cái mác “chuyên gia đầu ngành” và trao quá nhiều quyền cho họ, kể cả những việc thuộc về chức năng chuyên môn như hiện nay.

Xét các đề tài khoa học phải dựa trên thông tin chuyên gia về thành tích nghiên cứu khoa học theo chuẩn mực quốc tế khách quan trong những năm gần đây và các kết quả đã có được của Chủ trì trên hướng được đăng ký.

Quỹ phát triển KH&CN dự kiến sẽ đòi hỏi mọi đề tài NCCB phải có công bố quốc tế, mọi Chủ trì đề tài phải có công bố quốc tế 5 năm gàn đây, và xét theo thứ tự từ trên xuống theo từng ngành. Kinh phí sẽ bao gồm cả bổ sung thu nhập thỏa đáng cho chủ trì tương ứng với thu nhập thực tế ngòai xã hội, và giúp chủ trì nhận và đào tạo cán bộ trẻ - trước nay thì việc nhận người thực tế là đặc quyền của các chức sắc cơ sở. Đây sẽ là cơ hội lần đầu tiên NCCB ở VN thóat khỏi tình trạng hình thức, khẩu hiệu suông và dàn trải lãng phí, để hướng tới mục tiêu thực là nâng năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học VN tới trình độ quốc tế khách quan tối thiểu.

Mặc dù mức tiền lưong của các cán bộ khoa học hiện không thỏa đáng so với thu nhập thực tế trong xã hội, đòi hỏi tăng lương là chưa khả thi, vì do cơ chế, hiện có nhiều nguồn thu nhập thực tế của nhiều công chức và cán bộ khoa học – kể cả từ nguồn ngân sách - không kiểm sóat được. Thêm vào đó, biên chế nhà nước phình to với nhiều cán bộ khoa học thiếu năng lực hoặc chẳng làm được gì cho KH&CN nước nhà - tăng lương đồng đều cho họ sẽ là gánh nặng cho ngân sách. Cung cấp thêm thu nhập cho các nhà khoa học có năng lực và kết quả qua đề tài NCCB, để họ tập trung vào chuyên môn, là một giải pháp khả thi trong hòan cảnh hiện nay. Tuy nhiên ngoài việc xét chọn đề tài theo thành tích từ trên xuống thì cũng phải phân cấp kinh phí theo năng lực đóng góp là số lượng và chất lượng các kết quả được công bố - vừa khuyến khích mọi người làm việc hết mình vừa bảo đảm công bằng tương đối, vì cũng có một số chủ trì với kết quả chỉ đủ đạt mức giới hạn dưới nhưng còn kiêm thêm các đề tài khác (NCƯD) và nguồn thu nhập khác nữa. Cũng cần phải có chính sách khuyến khích hợp lý tương ứng cho các công chức quản lý để họ giúp tiến trình thực thi được trơn tru và minh bạch, không có tiêu cực. Hãy học tập kinh nghiệm Singapore !

Với các đề tài NCƯD cấp Bộ Ngành, Nhà nước được bao cấp, tình hình sẽ khó khăn hơn nhiều vì đây chính là nguồn làm ăn của số đông các chức sắc và cán bộ KH hiện nay, và thói quen chỉ dựa vào các quan hệ, ý kiến chủ quan của các hội đồng, lảng tránh các chuẩn mực khách quan quốc tế. Nhiều đề tài NVƯD chỉ khác đề tài NCCB là cái tên có vẻ dính tới vấn đề cụ thể nào đó ở VN, nhưng kinh phí lại thường là lớn. Xin được cái giấy chứng nhận ứng dụng ở một cơ sở nào đó cũng không khó khăn gì. Nếu chúng ta không quyết tâm thay đổi tình trạng này, chúng ta sẽ không thóat khỏi lãng phí và trì trệ. Tiêu chuẩn khách quan nếu có khó là khó đều cho tất cả chứ không chỉ riêng ai. Nếu chúng ta thay đổi các Hội đồng xét duyệt, thay các chức sắc thâm niên bằng các chuyên gia đáp ứng các chuẩn mực khách quan tốt nhất, và công khai hóa các thông tin, như đã nói ở trên, chúng ta sẽ có được bước đi đúng đầu tiên trên hướng này. Cách tổ chức và phân kinh phí các đề tài NCƯD cũng cần được nhất quán với các đề tài NCCB.

Đưa chuẩn mực khách quan quốc tế vào các bằng cấp chức danh khoa học để đảm bảo những thứ này thực sự có ý nghĩa, đầu tiên là từ các chức danh GS, NCVCC, KSCC, tiếp theo là PGS, NCVC, KSC, rồi đến TS. Phải xét ưu tiên và đặc cách cho các nhà khoa học có thành tích chuẩn mực quốc tế cao, và sản phẩm công nghệ có giá trị - coi đây là tiêu chí quyết định. Điều này cũng liên quan tới chính sách hấp dẫn các tài năng trẻ từ nước ngòai trở về nước phục vụ (hãy học kinh nghiệm TQ). Việc xét đề tài NCCB như đã nói ở trên cũng giúp vào tiến trình này.

Phải nhìn vào thực tế hiện nay để thấy rằng số đông các nhà khoa học của chúng ta không đủ khả năng và điều kiện đào tạo được TS đạt chuẩn tối thiểu, và gửi người di đào tạo ở nước ngòai phải là hướng chủ đạo (cần quan tâm chọn NCS giỏi, trường và thầy ở nước ngòai đủ tin cậy). Đối với đào tạo trong nước, trước tiên cần đòi hỏi mọi thầy nhận hướng dẫm NCS phải có công bố quốc tế ISI trong 5 năm gần nhất (sau đó sẽ đòi hỏi đến yêu cầu cho luận văn TS), danh sách các thầy có thể hướng dẫn phải được Bộ GD&ĐT duyệt và đưa lên công khai trên website để các NCS liên hệ tìm thầy và cạnh tranh để tới các thầy giỏi. Điều quan trọng không kém là cần có chính sách hậu TS: có đề tài nghiên cứu và được thăng tiến nhanh về chức danh theo thành tích chuẩn mực quốc tế để phát huy tối đa năng lực các TS giỏi, không để họ bị bỏ rơi và tàn lụi dần như những năm qua.

Nên thuê các chuyên gia quốc tế giỏi (kể cả Việt kiều) có thành tích công nghệ và công bố chuẩn mực quốc tế lãnh đạo các đề tài nghiên cứu ứng dụng trọng điểm, phòng thí nghiệm trọng điểm, và qua đó cũng gíúp đào tạo tạo chỗ cán bộ VN tham gia (thể thao chúng ta có tiến bộ cũng nhờ nhiều vào thuê chuyên gia nước ngòai). Các chuyên gia này cũng sẽ có thể tham gia tư vấn đánh giá tại chỗ các đề tài khoa học của chúng ta. Tìm và mời được chuyên gia từ nước ngòai đánh giá các đề tài trong nước là rât khó, chưa kể người ta khó có điều kiện so sánh tương đối để lựa chọn các đề tài khác nhau trong bối cảnh cụ thể VN. Trong trường hợp này thì các bài báo đăng tạp chí quốc tế chính là bảo đảm khách quan tôt nhất từ các chuyên gia quốc tế giỏi mà ta lại không mất tiền và công tìm kiếm.

Các Viện nghiên cứu được bao cấp nhà nước cần được thu gọn lại về biên chế (học tập kinh nghiệm TQ), tuyển biên chế chính thức công khai định kỳ từ các nhà khoa học giỏi đã có thành tích công bố quốc tế và sản phẩm công nghệ đến từ mọi nơi. Các CN, KS trẻ mới tốt nghiệp được tuyển chọn vào các Viện nghiên cứu cần được thử thách và trả lương qua các đề tài nghiên cứu cho đến một thời hạn nhất định để có được bằng TS và hành trang thành tích, kinh nghiệm nghiên cứu, trước khi có thể xin biên chế ở các cơ sở nghiên cứu và ĐH mọi nơi trong nước, phù hợp với năng lực.

Hà nội ngày 16 tháng 11 năm 2008

Phạm Đức Chính

Viện Cơ học, Viện KH&CN VN, Hà nội.

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Phạm Đức Chính