"Thước đo" nào cho khoa học Việt Nam?

Vietsciences- Cao Minh Khoa          18/11/2008

 

VietnamNet- Gần đây, có một số ý kiến về việc số lượng công bố quốc tế của Việt Nam (số lượng các bài báo của các tác giả Việt Nam đăng trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành có uy tín) quá ít so với các nước khác. Phải chăng trình độ khoa học và công nghệ (KH&CN) của Việt Nam quá thấp?

Tác giả Cao Minh Khoa, một chuyên gia cao cấp đang làm việc tại Bộ KH&CN trình bày quan điểm của mình... Bài viết phản ảnh quan điểm của tác giả.

Bài báo quốc tế không phải là tiêu chí duy nhất

Phải thừa nhận một cách khách quan là sự đóng góp của KH&CN trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Một số nhà khoa học cũng cho rằng: Đội ngũ cán bộ KH&CN đông về số lượng nhưng chất lượng không cao (nhất là thiếu chuyên gia đầu ngành), các công bố quốc tế của Việt Nam còn ít, số sáng chế và giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp được cấp bằng bảo hộ ở nước ngoài và ngay ở trong nước cũng chưa nhiều, số các công trình khoa học có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế xã hội cũng còn hạn chế.

Nhưng không vì một số yếu kém, nhược điểm nói trên mà phủ nhận những thành tựu, những đóng góp của giới khoa học Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới. Cần nhìn nhận vấn đề này một cách khách quan và công bằng. Nếu chỉ lấy số lượng bài báo quốc tế làm tiêu chí duy nhất đánh giá trình độ của giới khoa học Việt Nam thì thật không công bằng. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam còn chưa vượt qua ngưỡng kém phát triển, trình độ công nghệ của doanh nghiệp còn lạc hậu, chúng ta phải xác định trọng tâm hoạt động KH&CN thời kỳ này là hỗ trợ nền kinh tế tích cực đổi mới công nghệ, từng bước làm chủ và tiến tới sáng tạo công nghệ.

Như vậy ngoài số lượng các bài báo quốc tế còn phải quan tâm đến các tiêu chí đánh giá khác như số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa, chỉ dẫn địa lý được đăng ký và bảo hộ, tiến bộ kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, sáng kiến cải tiến kỹ thuật,…

Thống kê yếu kém phản ảnh không đầy đủ kết quả khoa học 

Công tác thống kê, trong đó có thống kê KH&CN, còn rất yếu kém. Hầu như không có số liệu thống kê cập nhật về kết quả nghiên cứu và ứng dụng KH&CN. Ví dụ con số chính xác số lượng cán bộ của nước ta có trình độ đại học, trên đại học, số lượng cán bộ khoa học đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước được công bố cách đây hàng chục năm sau cuộc tổng điều tra dân số năm 1999, cho đến nay chưa được cập nhật.

Con số các bài báo quốc tế hay patent đăng ký quốc tế xuất hiện trên mặt báo gần đây chủ yếu dựa vào nguồn thống kê của một số cơ quan thống kê nước ngoài, họ thống kê theo tiêu chí riêng và không bao quát toàn bộ hoạt động KH&CN của Việt Nam.

Ở góc độ trong nước, tất nhiên chúng ta không phủ nhận sự yếu kém trong lĩnh vực này. Và, theo số liệu điều tra sơ bộ (chưa đầy đủ) gần đây nhất của Bộ Khoa học và Công nghệ đối với 474 tổ chức KH&CN thuộc các bộ ngành trung ương, trong 3 năm từ 2005 đến 2007 chỉ có 2606 bài báo quốc tế, 166 sáng chế và 203 giải pháp hữu ích được cấp bằng bảo hộ trong nước và nước ngoài.

Tương tự như vậy, nhiều tổ chức KH&CN, trường đại học và các nhà khoa học có bài báo quốc tế, sáng chế được đăng ký ở trong nước và nước ngoài nhưng lại chưa báo cáo, chưa được cơ quan có trách nhiệm thống kê cập nhật.

Vì vậy, nếu làm tốt công tác thống kê và chế độ báo cáo thì con số các bài báo quốc tế có thể sẽ không đến nỗi ít ỏi như người ta thường nói.

Cần so sánh tương ứng với mức đầu tư

Để có được một sáng chế hay một bài báo quốc tế, sự đầu tư phải tương xứng. Chẳng khác nào các công ty kinh doanh điện khi muốn tăng giá điện thì nói giá điện của Việt Nam còn thấp hơn mặt bằng các nước khác, trong khi đó quên rằng tiền lương của công chức và thu nhập của người Việt Nam chỉ bằng 1/10 thậm chí 1/100 so với các nước có giá điện tương đương. Xin minh họa thêm bằng mấy con số:

Năm 1999, đem chia kinh phí chi cho R&D của Hoa Kỳ và châu Âu cho tổng số patent đăng ký thì chi phí trung bình để có được 1 patent : 1,793 triệu euro. Còn Nhật Bản, con số này là 1 patent: 2,409 triệu euro.

Riêng ở Việt Nam, tính trung bình một đề tài khoa học công nghệ cấp nhà nước được cấp khoảng 1-2 tỷ đồng (40.000 - 80.000 euro), một đề tài cấp bộ khoảng 50-100 triệu đồng, một đề tài cấp cơ sở khoảng 5-10 triệu đồng. Mặc dù vậy, số lượng patent, kiểu dáng công nghiệp được các nhà khoa học Việt Nam đăng ký tại Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam đã tăng nhanh trong mấy năm gần đây, ví dụ giai đoạn 2000-2007 số patent của người Việt Nam đã tăng gấp 2,3 lần, số giải pháp hữu ích tăng 1,7 lần so với giai đoạn 1990-1999.

Không phải là bao biện, nhưng các con số này phần nào “thanh minh” cho sự yếu kém nói trên… Liệu có duy ý chí không khi đòi hỏi chúng ta phải có số lượng patent và bài báo quốc tế như Trung Quốc, Thái Lan, khi mà GDP trên đầu người của Trung Quốc năm 2007 đã vượt qua 2.000USD, Thái Lan đã vượt qua 3.000USD, và mức đầu tư cho KH&CN của họ gấp hàng chục lần so với Việt Nam?

Có thể tham khảo thêm số liệu về đầu tư kinh phí cho KH&CN của Việt Nam so sánh với một số nước khác. Về mức đầu tư cho hoạt động KH&CN tính trên đầu người (per capita): Việt Nam khoảng 5USD (năm 2007), trong khi con số đó của Trung Quốc khoảng 20USD (năm 2004) và đặc biệt là Hàn Quốc khoảng 1.000USD (năm 2007).

Không phải cứ "đề tài bỏ ngăn kéo" đều là vô tích sự

Thuật ngữ “đề tài bỏ ngăn kéo” thường bị hiểu theo nghĩa xấu. Nhiều người cho rằng cứ đề tài bỏ ngăn kéo là chứng tỏ sự yếu kém trong nghiên cứu, là xấu; thực ra điều đó chỉ đúng một phần. Ngay cả ở các nước phát triển nhất, tỷ lệ nghiên cứu áp dụng vào sản xuất được cũng chỉ dao động trên dưới 20%, Việt Nam cũng không thể là ngoại lệ. Nói chung, “đề tài bỏ ngăn kéo” có thể gồm 4 loại:

- Nghiên cứu không thành công do tính chất mạo hiểm, thậm chí có nghiên cứu đích thực vẫn phải bỏ ngăn kéo, ví dụ để chứng minh một vấn đề nào đó không nên tiếp tục nghiên cứu nữa;

- Nghiên cứu cơ bản đi trước một bước, trong hoàn cảnh hiện tại chưa có đủ điều kiện ứng dụng, sau một thời gian dài khi xã hội phát triển đến một trình độ nhất định mới có điều kiện áp dụng (ví dụ về chất bán dẫn, được ứng dụng sau vài thập kỷ) nên tạm thời phải bỏ ngăn kéo;

- Nghiên cứu không thành công do lý do khách quan (ví dụ do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, kinh phí quá hạn hẹp…). Trong điều kiện ở VN, nhiều nhà khoa học nói rằng họ đôi khi bị thất bại vì kinh phí đầu tư không tới ngưỡng, có trường hợp chỉ cần đầu tư thêm mấy chục % kinh phí nữa là có thể tới thành công, nhưng vì các quy định hiện hành (đặc biệt là sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước) không thể “linh hoạt” thay đổi mức chi ngân sách cho đề tài, khiến cho đề tài dù đã rất gần tới thành công có thể phải dừng lại, đành phải bỏ ngăn kéo.

- Nghiên cứu không xuất phát từ thực tiễn nên không thể ứng dụng được, chưa kể các nghiên cứu bị lợi dụng, sao chép, đây là loại nghiên cứu cần bị phê phán.

Mặc dù vậy, chúng ta không phủ định một thực tế là tỷ lệ các đề tài nghiên cứu của Việt Nam được áp dụng vào thực tế còn rất thấp, số công bố quốc tế và patent được đăng ký còn rất ít so với các nước trong khu vực, nghĩa là tỷ lệ “đề tài bỏ ngăn kéo” của chúng ta còn lớn, đồng nghĩa với hiệu quả nghiên cứu khoa học thấp. Như thế để thấy còn nhiều việc phải làm, làm quyết liệt mới mong thay đổi được tình hình.

Nếu huy động được sự quan tâm của toàn xã hội, sự đầu tư của các doanh nghiệp cho phát triển KH&CN thì chắc chắn khi tiềm lực kinh tế của Việt Nam vượt qua “ngưỡng” nhất định, chúng ta tin tưởng hoạt động KH&CN sẽ có hiệu quả như các nước khác trong khu vực.

Cao Minh Khoa (Bộ Khoa học và Công nghệ)

Phản hồi từ bạn đọc:

Ho ten: Nguyễn Thanh

Dia chi: Hà Nội

E-mail: thanhtramtich@yahoo.com

Tieu de: Tiêu chí quốc tế cần được áp dụng cho khoa học Việt Nam

Noi dung: Tôi đã có thời gian làm việc ở một Viên nghiên cứu lớn của đất nước. Trong thời gian đó tôi có nhiều dịp để đọc và tham gia các đề tài khoa học cấp nhà nước, cấp bộ...và một thực tế đáng buồn rằng! kinh phí nhà nước đầu tư cho khoa học không nhỏ nhưng lượng kinh phí thật đến với khoa học lại là rất nhỏ. Điều này thực sự là một nguyên nhân cản trở khoa học phát triển, làm giảm số lượng cán bộ khoa học co năng lực dẫn đến chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học là vô cùng hạn chế và một hệ quả tất yếu là số lượng các bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế là thưa thớt và nhiều lĩnh vực là không có. Vậy xin hỏi tác giả bài viết trên một câu hỏi đã tồn tại bấy lâu nay trong khoa học nước nhà là làm thế nào để nâng cao chất lượng các đề tài nghiên cứu khoa học đồng thời hạn chế những tiêu cực trong công tác nghiên cứu khoa học? Nếu như không có những tiêu chí quốc tế như bài báo quốc tế chẳng hạn, một sự đánh giá khách quan của giới khoa học quốc tế đối với khoa học của Việt Nam hiện nay

Ho ten: Phan Trị

Dia chi: TP.HCM

E-mail: triphannh@yahoo.com

Tieu de: Năng lực quản lý KHCN yếu kém

Noi dung: Bài viết của Cao Minh Khoa chỉ để khẳng định thêm rằng, năng lực quản lý KHCN của chúng ta quá yếu kém mà thôi. Thứ nhất, tôi cho rằng quản lý bất kỳ lĩnh vực nào cũng phải có tiêu chí. Hệ thống tiêu chí làm thước đo cho thực trạng công tác quản lý và đối tượng quản lý. Trong khi chúng ta chưa có được hệ thống tiêu chí quản lý KHCN của riêng mình thì việc tham khảo, so sánh với thế giới là rất có ý nghĩa. Về vấn đề kinh phí đầu tư cho KHCN, có thể mức chi phí của chúng ta còn thấp hơn nhiều so với các nước. Nhưng nếu lấy tỷ lệ số bài báo quốc tế trên một đơn vị kinh phí đầu tư tôi khẳng định tỷ lệ này của Việt Nam cũng không cao. Còn làm thế nào để nắm được số lượng bài báo khoa học của tác giả Việt Nam đăng ở tạp chí quốc tế? Câu trả lời thuộc về Bộ KHCN. Liên quan đến "Đề tài xếp ngăn kéo", tôi đồng ý với tác giả là không phải đề tài nghiên cứu nào cũng có giá trị ứng dụng. Tuy nhiên, bất kỳ kết quả nghiên cứu nào cũng phải có giá trị tham khảo. Kết quả nghiên cứu thường thể hiện ở hai giá trị: ứng dụng thực tiễn và đóng góp khoa học. Vì vậy, mặc dù không có giá trị ứng dụng nhưng nếu tác giả của đề tài cứ công bố cũng rất quý cho khoa học, chẳng hạn về phương pháp luận; vấn đề rủi ro; sai số trong nghiên cứu... Như vậy, xã hội không mất thêm tiền để gặp phải những vấn đề tương tự. Tôi cũng mong mọi người hiểu rằng, chúng ta phát biểu ở đây là mang tính trao đổi, xây dựng và không nhằm vào cá nhân nào cả nên không nên quá nặng lời... Cám ơn Toà Soạn.

Ho ten: Trần An Trị

Dia chi: Buôn Mê Thuột

E-mail: tran_antri@yahoo.com.vn

Tieu de: Không "đo" khi người đo không muốn đo chính xác!

Noi dung: Đất nước đã gia nhập WTO vài năm, nông dân làm ruộng, công nhân các công ty xí nghiệp phải tuân theo tiêu chuẩn này nọ để hàng hóa, sản phẩm được xuất khẩu vào EU, Mỹ… liên quan đến miếng cơm, manh áo của họ. Thế còn các nhà khoa học Việt Nam một đại diện về trí tuệ, tiềm lực tri thức thì sao? Hình như họ chưa vội lắm... Xin đưa vài nguyên nhân sau: + Những nhà quản lý chưa đổi mới cách quản lý, vẫn còn cơ chế xin cho. Bộ, Sở, Trường Đại học không thống kê được cán bộ nghiên cứu của cơ quan mình nghiên cứu cái gì, có bao nhiêu kết quả, họ chỉ nắm được các đề tài cơ quan cấp kinh phí. Một số nhà quản lý khoa học chưa hội nhập hay chưa muốn hội nhập ? Chưa hội nhập, quản lý không minh bạch, tiêu chí không rõ ràng là mảnh đất màu mỡ cho những người cơ hội. Có đề tài giáo dục tiền tỷ, nhưng kết quả nghèo nàn, giải pháp nhặt ở đâu đó trong các diễn đàn giáo dục. + Các nhà nghiên cứu nghiêm túc, không có hoặc có rất ít kinh phí để nghiên cứu, đời sống khó khăn. Những đề tài của các nhân tự nghiên cứu, tự công bố quốc tế, cơ quan quản lý cũng chẳng quan tâm. Họ chỉ yêu cầu các nhà nghiên cứu nộp bản sao các loại công trình này khi cơ quan bị thẩm định năng lực khoa học. Hãy nhìn thẳng vào thực tế, quyết tâm hội nhập, có tâm và có tầm, chắc chắn khoa học Việt Nam có thể tiến lên.

Ho ten: Ha Viet Hoa

Dia chi: HaNoi

E-mail: havihoa@hotmail.com

Tieu de: Cần nhìn lại chính mình

Noi dung: Tôi đồng tình với một số ý kiến của tác giả Cao Minh Khoa, nếu chỉ dùng 1 tiêu chí duy nhất là công bố quốc tế làm thước đo trình độ khoa học VN thì không thật công bằng. Sự yếu kém của khoa học VN làm chúng ta bức xúc, nhưng tôi nghĩ đó cũng chính là lỗi của chúng ta. Bởi phê phán thì quá dễ, ai cũng làm được. Nhưng làm như mình nói mới là khó.Tôi biết ngay cả một vài tác giả của những bài báo phê phán rất mạnh về công bố quốc tế của VN cũng là cán bộ khoa học nhưng hầu như cũng không có bài báo quốc tế hay công trình khoa học đích thực! Các ngành khoa học cơ bản lẽ ra phải đi đầu trong công bố quốc tế nhưng hiện nay cũng hầu như không làm được điều này. Vì thế, chúng ta phải nhìn lại chính mình, mình đã làm được gì và đóng góp được bao nhiêu cho khoa học VN, hãy đề xuất giải pháp khả thi và cụ thể để khắc phục tình trạng yếu kém của khoa học VN, thay vì phê phán một cách chung chung, cứ như đó là lỗi của người khác.

Ho ten: Lê Duy Hùng

Dia chi: Hà nội

E-mail: hungle85@yahoo.com

Tieu de: Tác giả Cao Minh Khoa tự mâu thuẫn rồi!

Noi dung: Đọc bài viết của tác giả Cao Minh Khoa tôi càng buồn. Một người công tác trong Bộ KH&CN lại viết một bài mâu thuẫn đến vậy. Đã là khoa học và công nghệ thì phải có thước đo để đánh giá các công trình. Tác giả Cao Minh Khoa lấy gì để đánh giá các đề tài và các công trình mà theo tác giả là phần lớn được "bỏ ngăn kéo"? Nếu thực sự các đề tài có ý nghĩa thì sẽ có người dùng lại (citation). Chẳng có thước đo nào bằng chuẩn mực quốc tế cả, dù ai đó có ngụy biện bằng cách này hay cách khác. Thế giới và các nước phát triển luôn đi trước chúng ta trong các vấn đề đánh giá để sao cho công bằng và trung thực. Các đề tài và các công trình của chúng ta đại đa số là không thể công bố được nên

mới "bỏ ngăn kéo". Chưa cần nói đến đóng góp về khoa học, thử hỏi Bộ KH&CN đã làm thống kê xem các đề tài này được sử dụng hay có tính thực tiễn là bao nhiêu. Chắc con số này cũng chẳng thể công bố. Giả sử Bộ KH&CN có quan điểm như tác giả bài viết, thử hỏi khoa học Việt Nam còn trượt dài bao lâu nữa?

Ho ten: Hoang Thanh Tung

Dia chi: Padova Italy

E-mail: thanhtung@yahoo.com

Tieu de: Không lấy tiêu chí công bố quốc tế làm mẫu mực thì còn trượt dài

Noi dung: Đọc xong bài viết của tác giả Cao Minh Khoa tôi vô cùng thất vọng về cách suy nghĩ, tầm nhìn của một cán bộ thuộc Bộ Khoa Học và Công Nghệ. Ngày nay, hầu như tất cả các nước trên thế giới đều coi trọng công bố quốc tế như là một chuẩn mực, thước đo trình độ khoa học của mỗi nước. Công bố quốc tế làm tăng tính cạnh tranh trong nghiên cứu khoa học, thúc đẩy khoa học phát triển. Ngoài ra, công bố quốc tế còn giúp nước sở tại tránh được tình trạng gian lận trong công bố kết quả nghiên cứu do công trình nghiên cứu được thẩm định bởi các nhà khoa học khắp nơi trên thế giới thông quá quá trình phản biện rất chặt chẽ.

Điều này thực sự cần thiết cho nền khoa học Việt Nam vốn trọng bằng cấp hơn trình độ thực. Cho dù điều kiện nghiên cứu tại Việt Nam so với các nước trong khu vực còn yếu kém, nhưng nhất thiết phải lấy công bố quốc tế làm chuẩn mực. Những tiêu chuẩn này nên là thước đo để xác định mức lương, và sự thăng tiến. Có như vậy thì mới cải thiện được nền khoa học Việt Nam.

Ngược lại, khoa học VN sẽ ngày càng lùi xa so với khoa học thế giới, dần trở nên vô ích và chỉ ăn bám cơ chế mà thôi.

Ho ten: Phương Huy

Dia chi: Hà Nội

E-mail: phuonghuy841@yahoo.com.vn

Tieu de: Phản biện

Noi dung: Cơ quan tôi là một cơ quan nghiên cứu quan trọng. Số đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, cấp cơ sở cũng rất nhiều. Tuy nhiên, tôi xin klhẳng định là ai cũng có thể biết số đề tài thật sự mang tính khoa học và mang lại lợi ích cho đất nước chỉ đếm trên đầu ngón tay. Còn lại đại đa số là mang lại lợi ích cho một số chủ nhiệm đề tài, các cơ quan ban ngành quản lí đề tài mà thôi. Xin hãy nhìn thẳng vào vấn đề, cứ tư duy như tác giả bài viết trên e rằng KH&CN Việt Nam không thể tươi sáng lên được.

Ho ten: Thanh Hoa

Dia chi: TP Ho Chi Minh

E-mail: canhnt@yahoo.com

Tieu de: Không nên "cất ngăn kéo"

Noi dung: Ý kiến của tôi có một số điểm không đồng tình với tác giả bài báo. Tiêu chí đánh giá nếu không so sánh quốc tế thì so sánh với ai? Tuy nhiên, để công bố trên các tạp chí quốc tế cũng phải cần xem loại tạp chí và tính điểm khoa học của tạp chí hiện nay. Thứ hai, đề tài nghiên cứu mà để ngăn kéo thì làm sao có giá trị? Nếu không có ai ứng dụng thì phải được phổ biến rộng rãi để nhiều người được biết đến giá trị khoa học của nó chứ. Mặt khác, nhà nước chi khá nhiều tiền cho các đề tài bạc tỷ, vậy kết quả hay lợi ích đạt được là gì so với các chi phí đã bỏ ra? Thiết nghĩ, các nhà quản lý khoa học cần phải xem lại các quan điểm về đầu tư cho nghiên cứu khoa học và quản lý khoa học hiệu quả!

Ho ten: Nguyễn Đức Thọ

Dia chi: Utah, Mỹ

E-mail: thonguyen08@gmail.com

Tieu de: Chỉ có một thước đo cho khoa học

Noi dung: Khi đánh giá nền khoa học của một nước, chỉ có một thước đo. Khoa học công nghệ, khác với chính trị, không thể nào tính đến yếu tố đất nước nghèo, đầu tư ít cho khoa học... Tôi nghĩ, bài báo của tác giả Cao Minh Khoa chỉ là một sự biện hộ cho nền khoa học Việt Nam, giúp các nhà khoa học, lãnh đạo Việt Nam cảm thấy được an ủi và không cố gắng hết sức để vực dậy nền khoa học yếu kém. Số lượng bài báo, bằng sáng chế, xếp hạng trường ĐH và viện nghiên cứu khoa học là những tiêu chuẩn đánh giá quan trọng. Nếu dựa vào một trong các tiêu chuẩn đó mà đánh giá, có lẽ không chính xác hoàn toàn, nhưng cũng có thể biết mình đang ở đâu. Các cơ sở nghiên cứu ở Việt Nam, tiêu chuẩn nào cũng yếu kém, thì chắc chắn nền khoa học Việt Nam là yếu kém. Tôi có tiếp xúc với một giáo sư Mỹ và nghe về một câu chuyện buồn về một nhà khoa học hàng đầu ở Việt Nam. Anh này qua Mỹ theo diện trao đổi nghiên cứu ở Mỹ nhưng lại hoàn toàn mù tịt với các máy móc, phương pháp nghiên cứu. Cuối cùng, vị giáo sư Mỹ này cho anh khoa học gia Việt Nam ngồi chơi trong suốt vài tháng công tác ở Mỹ...

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    B