Vài “sự cố” thông tin khoa học và những bài học

Vietsciences- Nguyễn Văn Tuấn          10/02/2009

 

Những bài cùng tác giả

 Cứ mỗi nhà khoa học với một giả thuyết tưởng mới, thì có hàng trăm nhà khoa học khác muốn "chứng minh" giả thuyết đó sai.

Chỉ 3 thập niên trước đây, các bản tin liên quan đến khoa học và y khoa rất ít xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Nhưng khoảng giữa thập niên 1980, cùng với sự bùng nổ thông tin, và giới nghiên cứu khoa học cũng như các doanh nghiệp về khoa học kĩ thuật nhận ra rằng truyền thông có thể đem lại lợi ích kinh tế cho cả hai phía, nhưng lại là một địa hạt chưa được khai thác.

Mặt khác, giới truyền thông nhận thức được sự quan tâm này của quần chúng nên thường cung cấp cho bạn đọc những thông tin liên quan đến y khoa và khoa học. Ảnh hưởng của các bản tin y tế và thực phẩm rất lớn. Theo một cuộc thăm dò ý kiến ở Mĩ, 75% người được thăm dò cho biết họ thường theo dõi các thông tin liên quan đến thực phẩm và y tế trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Trong số này, 58% người được hỏi cho biết họ sẵn sàng thay đổi lối sống hay hành động theo các bản tin đó.

Năm 2007 chúng ta đã từng chứng kiến một số sự cố truyền thông khoa học xảy ra ở nước ta, và cũng gây ra vài tác động tương đối nghiêm trọng. Chẳng hạn như một bản tin về bưởi và ung thư có làm giảm giá bưởi từ 8.000-10.000 đồng/kílô xuống còn 1.000 đồng/kílô, và gây thiệt hại không ít cho nhiều nông dân sản xuất và doanh nghiệp phân phối bưởi.

Một bản tin về sự cố của vắcxin viêm gan B có thể dẫn đến phản ứng tiêu cực của công chúng đến loại vắcxin này. Những “sự cố” này để lại cho chúng ta một số kinh nghiệm và bài học quan trọng mà tôi muốn tóm lược trong bài viết này.

Bài học 1: Cần kiểm tra nguồn gốc và chất lượng nghiên cứu

Phần lớn các công trình nghiên cứu có chất lượng cao đều xuất phát từ những trung tâm nghiên cứu có tên tuổi và uy tín. Một nghiên cứu từ một trường đại học thường khách quan hơn các công trình nghiên cứu do các nhóm lợi ích (interest groups) hay công ty kĩ nghệ thực hiện. Chẳng hạn như một nghiên cứu về hút thuốc lá và sức khỏe mà do kĩ nghệ sản xuất thuốc lá thực hiện có thể không đáng tin cậy bằng một nghiên cứu do trường đại học thực hiện.

Nhiều thông tin y khoa trên hệ thống truyền thông thường nói đến những “phát hiện” chưa được công bố hay chỉ được công bố trong hội nghị khoa học. Tất cả những phát hiện, khám phá của khoa học loại này không được xem có giá trị cao và không cần chú ý đến. Tất cả các kết quả nghiên cứu khoa đều được công bố chủ yếu trong các tập san chuyên khoa, những tập san này được giới chuyên môn quản lí và điều hành. Các báo cáo được chấp nhận công bố trong các tập san này đều được qua ít nhất là ba đồng nghiệp kiểm tra về sự chính xác và phương pháp, bằng những tiêu chuẩn khoa học, do đó phẩm chất của chúng khá cao và đáng tin cậy.

Tuy nhiên, có khi có người lợi dụng khoa học và thường đăng bài ở những tạp chí hay website đại chúng, dành cho người không chuyên môn, và do đó, bài báo không có ai kiểm tra về phương pháp hay tính chính xác, và trong trường hợp này, những kết quả như thế không có giá trị khoa học gì cả.

Câu chuyện về vắcxin viêm gan trong năm 2007 là một bài học quí báu cho việc kiểm tra nguồn gốc thông tin. Khởi đầu là 4 trường hợp trẻ em mới sinh bị tử vong sau khi tiêm vắcxin ngừa viêm gan B làm cho nhiều người chất vấn chính sách này. Một số báo chí bắt đầu đặt câu hỏi về hiệu quả và an toàn của vắcxin.

Một bài báo với tựa đề khá giật gân “Hàng trăm ca tử vong sau khi tiêm văcxin viêm gan B ở Mỹ”, mà trong đó tác giả lthông tin trên website của ông Joseph Mercola ở bang Illinois (Mĩ), một bác sĩ vật lí trị liệu có nhiều ý kiến “phi chính thống” và nổi tiếng chống đối các chương trình tiêm chủng ngừa. Ông Mercola đã bị các cơ quan y tế Mĩ cảnh cáo vài lần về việc đưa tin … sai lạc.

Các bài báo khoa học có chất lượng cao cũng thường xuất hiện trên các tập san khoa học quốc tế có hệ thống bình duyệt nghiêm chính. Vì thế, một trong những việc mà phóng viên cần làm là kiểm tra nguồn gốc của nghiên cứu, và công trình đó được tập san khoa học nào công bố. Chẳng hạn như công trình nghiên cứu về bưởi và ung thư được công bố trên tập san ung thư của Anh, một tập san tương đối nhỏ và cũng không có ảnh hưởng lớn trong chuyên ngành.

Bài học 2: Phân biệt mô hình nghiên cứu và giá trị khoa học

Nghiên cứu y học được công bố trên các tập san y học thường rất đa dạng, và xuất hiện với nhiều danh từ, thuật ngữ không mấy quen thuộc với giới phóng viên. Một số nghiên cứu thường thấy là meta-analysis (phân tích tổng hợp), randomized controlled clinical trial (nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên), prospective (longitudinal) study (nghiên cứu xuôi thời gian), cross-sectional study (nghiên cứu tiêu biểu một thời điểm), và case-control study (nghiên cứu bệnh chứng), basic research (nghiên cứu cơ bản). Giá trị khoa học của các nghiên cứu này không tương đương nhau. Theo y học thực chứng (evidence-based medicine), các nghiên cứu có giá trị khoa học từ thấp nhất đến cao nhất như sau:

Ý kiến của các chuyên gia, dù là giáo sư hay chuyên gia đầu ngành, được xem là có giá trị khoa học thấp nhất. Đây là những ý kiến cá nhân, và vì cá nhân tính nên thường, không ít thì nhiều, mang tính chủ quan. Đó là chưa kể một số giáo sư chỉ là những cái loa phát thanh cho các công ty dược, hay lợi dụng tập san để quảng cáo cho công ty của chính họ, chứ mục đích phục vụ khoa học chỉ là thứ yếu.

Nghiên cứu cơ bản là những nghiên cứu được thực hiện trên chuột và các động vật "cấp thấp" khác như thỏ, cừu, chó, v.v… Đây là những nghiên cứu khởi đầu để thử nghiệm một giả thiết khoa học cụ thể nào đó. Bởi vì chỉ là nghiên cứu sơ khởi và không tiến hành trên con người, cho nên đối với y học thực chứng giá trị khoa học của các nghiên cứu này thuộc vào hạng thấp nhất, chỉ hơn ý kiến cá nhân một bậc mà thôi.

Câu chuyện về nước tương và ung thư dấy lên vào tháng 4-5 năm 2007 dựa vào những nghiên cứu như thế này. Nhưng tiếc thay, có lẽ vì phóng viên không nhận thức được giá trị khoa học của những nghiên cứu như thế nên đã làm hoang mang dư luận một thời gian.

Bằng chứng có giá trị cao hơn nghiên cứu cơ bản là các phân tích về các trường hợp lâm sàng cá biệt. Trong nhiều tập san y học, giới nghiên cứu thường báo cáo trường hợp bệnh nhân rất đặc biệt, rất hiếm, những trường hợp bệnh khó chẩn đoán, hay những trường hợp bệnh lí chưa được mô tả trong sách giáo khoa, những ca giải phẫu ngoạn mục, hay những tai biến y khoa hiếm, v.v... Có khi bác sĩ thành công trong chẩn đoán và điều trị và những thành công đó không thể xem là bằng chứng khoa học được, vì không có giá trị khái quát hóa đến các bệnh nhân khác. Câu chuyện về 4 trẻ em bị chết sau khi tiêm vắcxin trong năm qua gây ra nhiều phản ứng cảm tính trong cộng đồng, nhưng không thể xem là một bằng chứng khoa học đáng tin cậy để chất vấn hiệu quả thật của vắcxin.

Các nghiên cứu có giá trị khoa học “trung bình” là nghiên cứu bệnh chứng, mà theo đó các nhà khoa học phải “đi ngược thời gian” để so sánh một yếu tố nguy cơ giữa một nhóm mắc bệnh và một nhóm không mắc bệnh, và từ đó xem yếu tố nguy cơ đó có mức độ ảnh hưởng đến bệnh như thế nào. Vì có so sánh, nên mô hình nghiên cứu này được xem có giá trị khoa học trung bình. Đây là những nghiên cứu rất tiêu biểu liên quan đến thực phẩm, và hay gây nên những dư luận không tốt trong công chúng. Kết quả một nhiên cứu loại này, tuy rất có ích, nhưng vẫn chưa thể làm cho chúng ta phải đặc biệt quan tâm.

Các nghiên cứu có giá trị khoa học trên trung bình là nghiên cứu tiêu biểu tại một thời điểm (có khi gọi là “nghiên cứu cắt ngang”). Trong mô hình nghiên cứu này, nhà nghiên cứu chọn một quần thể một cách ngẫu nhiên trong cộng đồng, và tìm hiểu xem có bao nhiêu người mắc bệnh (như ung thư) hay không mắc bệnh tại thời điểm đó, và so sánh một yếu tố nguy cơ (chẳng hạn như ăn bưởi) giữa hai nhóm để đánh giá mối liên hệ giữa yếu tố nguy cơ và bệnh. Nghiên cứu này vì được chọn ngẫu nhiên từ một quần thể nên có giá trị khoa học trên trung bình.

Các nghiên cứu có giá trị cao hơn nghiên cứu cắt ngang là các nghiên cứu xuôi thời gian. Khác với nghiên cứu cắt ngang chỉ ghi nhận sự kiện tại một thời điểm, các nghiên cứu xuôi thời gian phải theo dõi đối tượng trong một thời gian có thể là nhiều năm tháng.

Chẳng hạn như để đánh giá mối liên hệ giữa hút thuốc lá và ung thư phổi, nhà nghiên cứu có thể chọn một quần thể, chia quần thể thành 2 nhóm (hút thuốc lá và không hút thuốc lá), và theo dõi hai nhóm trong một thời gian để xem có bao nhiêu người trong từng nhóm bị ung thư phổi. So sánh tỉ lệ phát sinh bệnh giữa hai nhóm là một cách đánh giá ảnh hưởng của yếu tố nguy cơ đến bệnh.

Mô hình nghiên cứu mang tính tiêu chuẩn vàng (gold standard) trong y học ngày này là các nghiên cứu can thiệp theo mô hình lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên. “Can thiệp” ở đây nên được hiểu là những thuật điều trị, kể cả thuốc và phẫu thuật. Theo mô hình nghiên cứu này, để đánh giá một thuật điều trị, nhà nghiên cứu chọn một nhóm đối tượng theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt được định trước, sau đó ngẫu nhiên chia thành 2 nhóm: nhóm được điều trị và nhóm không được điều trị. Sau khi theo dõi hai nhóm trong một thời gian, nhà nghiên cứu quan sát số người mắc bệnh (hay không mắc bệnh), và so sánh tần số mắc bệnh giữa hai nhóm để đánh giá hiệu quả của thuật điều trị. Kết quả từ các công trình nghiên cứu này được đánh giá là những bằng chứng khoa học có giá trị cao nhất trong y học.

Thông thường với bất cứ một thuốc nào hay một thuật điều trị nào, một nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên đơn lẻ không thể nào giải quyết dứt khoát vấn đề, mà thường cần phải có nhiều nghiên cứu độc lập nhau. Nhiều nghiên cứu ở nhiều quần thể khác nhau, dù có cùng mục đích và tiến hành với một phương pháp chuẩn, có thể cho ra nhiều kết quả khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Trước sự khác biệt về kết quả như thế, vấn đề đặt ra là làm sao hệ thống hóa tất cả các kết quả nghiên cứu này để cho ra một “đáp số”, một “phát quyết” sau cùng. Gần đây, có một nghiên cứu mới ra đời có tên là “phân tích tổng hợp” (meta-analysis) là phân tích tất cả các kết quả nghiên cứu trong quá khứ và đi đến một kết luận đáng tin cậy hơn. Trong y học thực chứng, kết quả phân tích tổng hợp được đánh giá là có giá trị khoa học cao nhất.

Bài học 3: Phân biệt tương quan và mối liên hệ nhân quả

Trong y khoa, người ta phân biệt hai thuật ngữ cause-effect relationship (mối liên hệ nhân quả) và association (tương quan). Trong các mô hình nghiên cứu vừa trình bày trên, chỉ có nghiên cứu lâm sàng đối chứng ngẫu nhiên là có thể cho phép chúng ta phát biểu về nguyên nhân và hệ quả, còn các mô hình nghiên cứu khác chỉ cho phép chúng ta phát biểu về mối tương quan.

Liên quan chỉ là một điều kiện cần nhưng chưa đủ để phát biểu một nguyên nhân. Nếu giá xăng dầu tăng theo ngày tháng, và chúng ta càng ngày càng cao tuổi, thì mối tương quan giữa giá xăng dầu và tuổi đời sẽ rất cao; nhưng điều đó không có nghĩa là tuổi tác là nguyên nhân làm cho giá xăng dầu tăng! Tương tự, có thể lấy một ví dụ dí dỏm hơn: nếu một chàng trai tặng người bạn gái mình một đóa hoa hồng, và người bạn gái mỉm cười; chúng ta không thể biết nàng mỉm cười vì đóa hoa hồng, hay vì cử chỉ lịch sự của chàng trai.

Nhưng trong thực tế, mối tương quan giữa hai yếu tố A và B rất dễ bị nhầm lẫn là mối liên hệ nhân quả. Chẳng hạn như trong vụ bộc phát bệnh tiêu chảy và bệnh tả vào tháng 10 vừa qua xảy ra một sự ngộ nhận đáng tiếc về nguyên nhân và yếu tố nguy cơ. Một vài quan chức y tế cho rằng mắm tôm là nguyên nhân, là nguồn gốc của sự bộc phát bệnh tả. Thật ra, đây là một sự nhầm lẫn về khái niệm. Nguyên nhân (cause) là yếu tố sinh học trực tiếp gây bệnh, như vi khuẩn V. cholerae gây bệnh tả, còn yếu tố nguy cơ (risk factors) là những yếu tố -- qua các cơ chế gián tiếp hay trực tiếp -- làm tăng nguy cơ mắc bệnh của một cá nhân. Chẳng hạn như nước bị ô nhiễm có thể là một yếu tố nguy cơ của bệnh tả vì nước có thể hàm chứa vi khuẩn tả; nhưng nước không phải là nguyên nhân gây bệnh tả bởi vì không phải ai uống nước ô nhiễm cũng đều mắc bệnh, họ chỉ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người không uống nước ô nhiễm.

Một trong những ngộ nhận về nguyên nhân và yếu tố nguy cơ là lí luận mà các quan chức y tế từng phát biểu như “Theo Sở Y tế Hà Nội, có đến 90% số bệnh nhân kể trên đã ăn các thực phẩm sống, chủ yếu là mắm tôm, mắm tép và đây chính là nguồn truyền vi khuẩn gây bệnh”. Thật ra, đây là một loại … ngụy biện khá phổ biến trong khoa học, mà người ta đã chỉ ra từ rất lâu.

Điều quan trọng cần phải phân biệt để hiểu hai phát biểu sau đây: (a) trong số những người mắc bệnh tả, 90% từng ăn mắm tôm, và (b) trong số những người ăn mắm tôm, 5% mắc bệnh tả. Câu thứ nhất đề cập đến hệ quả (bệnh tả) đã xảy ra và truy tìm về quá khứ phơi nhiễm (ăn mắm tôm). Câu thứ hai nói đến sự phơi nhiễm hôm nay để dự đoán về khả năng bệnh xảy ra trong tương lai. Hai phát biểu bao hàm thời gian tính khác nhau: câu thứ nhất nói về quá khứ và câu hai đề cập đến tương lai.

Bài học 4: Kết quả nghiên cứu khoa học mang tính tiến hoá chứ không phải cách mạng

Khoa học ngày nay bao gồm những hoạt động đóng khuôn trong một mô thức (paradigm), những hoạt động mang tính giải đáp các vấn đề nhỏ và cụ thể mà cộng đồng khoa học đang tìm một giải đáp. Khoa học bình thường, do đó, có tính tích lũy và tiến hóa, chứ không mang tính cách mạng. Các kết quả nghiên cứu mới bổ sung cho những kết quả hiện hành, nhưng những kết quả này không dẫn đến một cuộc cách mạng.

Trong quá trình cập nhật hóa kiến thức, chúng ta thấy những kết quả nghiên cứu trái ngược nhau. Có một số nghiên cứu cho thấy cà phê hôm nay có lợi cho sức khỏe, nhưng hôm sau lại có kết quả nghiên cứu cho thấy ngược lại! Những kết quả nghiên cứu như thế phải đặt trong bối cảnh tiến hóa của khoa học trong một mô thức, chứ không thể xem là một kết luận sau cùng, hay một sự thật khoa học vĩnh viễn.

Do đó, giới phóng viên cần phải tìm hiểu các nhà khoa học khác để biết ý kiến của nhà khoa học mà phóng viên trích dẫn có phản ảnh luồng tư tưởng chính thống hiện hành liên quan đến vấn đề trong bản tin hay không; nếu không phóng viên nên trình bày cho người đọc hay người nghe biết luồng tư tưởng chính thống là gì.

Bài học 5: Kết quả nghiên cứu khoa học thường mong manh và bất định

Nghiên cứu khoa học thường bắt đầu với một giả thuyết, và sau khi thu thập dữ liệu thì kết quả có thể nhất quán hay không nhất quán với giả thuyết đó. Nhưng dữ liệu thường được thu thập từ một nhóm đối tượng trong một quần thể. Nhóm đối tượng đó có thể không đại diện cho quần thể, và do đó kết quả rút ra từ dữ liệu cũng có thể sai, dù giả thuyết đúng. Nhưng cũng có trường hợp dữ liệu được thu thập theo đúng phương pháp, nhưng giả thuyết lại sai.

Nhìn khoa học dưới góc độ [đơn giản] như thế, chúng ta thấy các kết quả nghiên cứu khoa học rất mong manh và nhiều bất định. Đúng hay sai, một giả thuyết mới cũng giống như một cục nam châm, thu hút các khoa học gia khác dấn thân vào lĩnh vực nghiên cứu. Cứ mỗi nhà khoa học với một giả thuyết tưởng mới, thì có hàng trăm nhà khoa học khác muốn "chứng minh" giả thuyết đó sai. Thỉnh thoảng, việc phản nghiệm cũng làm cho nhà khoa học trở nên nổi tiếng. Dĩ nhiên, phản nghiệm là một phương cách tuyệt vời để xem xét tính khả dĩ của một giả thuyết. Đối lập trong khoa học -- dù với động cơ nào -- là một bộ phận quan trọng trong quá trình phát triển khoa học.

Nhưng tình trạng mong manh trong nghiên cứu khoa học không phải là một yếu tố làm cho khoa học chậm tiến; ngược lại, đó là một ảnh hưởng “domino” đảo: bằng chứng yếu, giả thuyết táo bạo có thể đan xén với nhau và gây ra ảnh hưởng lớn. Những nghiên cứu về loét bao tử cũng nằm trong tình trạng này trước khi khám phá ra nguyên nhân thực của nó (tức là nhiễm trùng). Những hiểu biết về bệnh tim, ung thư da, loãng xương ngày nay cũng nằm trong tình trạng này, chỉ chờ đến ngày có một khám phá thật sự.

 

Đã đăng trên TuanVietNam

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Văn Tuấn