Những bài cùng tác giả
Trên trường quốc tế, trình độ và năng lực của các
nhà khoa học và cả các quốc gia được đánh giá trước
tiên qua số bài báo công bố trên các tạp chí khoa
học chuẩn mực quốc tế, và số bằng phát minh, sáng
chế được cấp bởi các cơ quan quốc tế có uy tín. Viện Thông tin khoa học (Institute for Scientific
Information – ISI, website: www.isinet.com), có trụ
sở tại Mỹ đã tiến hành các thống kê trên cơ sở gần
mười ngàn tạp chí khoa học tiêu biểu được chọn lọc
trong tổng số hơn một trăm ngàn tạp chí đủ loại trên
thế giới. Chỉ mới góp... một chút với khoa học quốc tế! Theo ISI, trong vòng 11 năm, từ tháng
1/1997-12/2007, các nhà khoa học Việt Nam thuộc 17
ngành (y học lâm sàng; vật lý; động, thực vật học;
toán; kỹ thuật; sinh học và hoá sinh; hoá; nông
nghiệp; vi sinh; môi trường; khoa học vật liệu; miễn
dịch học; dược; sinh học phân tử và di truyền; khoa
học thần kinh; toán; kinh tế) đã công bố tổng cộng
4.667 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế
chuẩn mực. Trong khi đó, số công bố quốc tế ISI các ngành của
Thái Lan là 20.672 bài báo; Malaysia: 13.059; Hàn
Quốc: 203.637. Riêng Trung Quốc, trong khoảng thời
gian nói trên, các nhà khoa học nước này đã công bố
tới... 508.561 bài báo. Từ các con số trên có thể thấy rằng các công bố quốc
tế đến từ tất cả các lĩnh vực, và chủ yếu là từ các
lĩnh vực khoa học ứng dụng, chứ không phải là đặc
thù riêng của các lĩnh vực lý thuyết như Toán hay
Vật lý - như ngụy biện của một số người ở ta. Căn cứ vào các con số nói trên, dễ dàng thấy rằng
các công bố quốc tế của Việt Nam là rất yếu. Trong cùng khoảng thời gian nhưng các nhà khoa học
Việt Nam chỉ công bố được số bài báo khoa học bằng
1/3 so với Malaysia (trong khi số dân nước ta lớn
hơn 3 lần số dân Malaysia), 1/5 số bài của Thái Lan,
dưới 1/11 của quốc đảo Singapore, 1/45 của Hàn Quốc,
1/110 của Trung Quốc (số dân VN bằng 1/16 TQ). Xét riêng về công bố quốc tế từ nội lực (tự ta làm
được) – sự tụt hậu của chúng ta lại càng lớn hơn.
Cụ thể, gần nửa số bài của Thái Lan là do các nhà
khoa học Thái Lan viết và đứng tên tác giả. Trong
khi đó, có đến 80% bài báo khoa học của các tác giả
Việt Nam công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế
là từ “hợp tác quốc tế”.
 Nhìn vào biểu đồ, Việt Nam đứng ở cuối bảng khi so
sánh với các nước Malaysia; Thái Lan; Hàn Quốc;
Trung Quốc về số bài báo khoa học đã công bố quốc tế
trong 11 năm qua (1/1997-12/2007). Điều đó cho thấy các nhà khoa học của chúng ta vẫn
còn phải dựa nhiều vào hỗ trợ quốc tế (về chuyên
môn, phương tiện, hoặc tài chính). Khả năng sáng tạo công nghệ của một quốc gia được
đánh giá qua số lượng bằng sáng chế được cấp bởi
những cơ quan có uy tín trên thế giới. Trong những
năm qua chúng ta có quá ít sáng chế được đăng ký để
có thể có được các so sánh thống kê, ngay cả với các
kết quả vốn đã rất khiêm tốn của "hàng xóm" Đông Nam
Á của chúng ta. Vào năm 1997, số bằng sáng chế được cấp ở Mỹ đối với
người Mỹ là 80.295, Nhật: 30.841, Hàn Quốc: 2.359,
Singapore: 120, Trung Quốc: 3.100, Malaysia: 23,
Thái Lan: 13, Philippin: 8. Trong khi đó, số bằng
sáng chế của người Việt chỉ là 1 - theo nhà nghiên
cứu Đặng Mộng Lân. Trong năm 2002, Việt Nam chỉ đăng
ký có 2 bản quyền với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế
giới (WIPO).
Không thiếu tiền, chỉ ngại tư duy lạc hậu Tư duy nào đã cản trở bước tiến tới hội nhập của
khoa học VN những năm qua? Không ít người thường tìm
mọi cách lảng tránh các chuẩn mực khoa học nghiêm
túc và khách quan với ngụy biện: Chúng ta còn nghèo,
trình độ chung còn thấp, việc thực hiện các đề tài
“nghiên cứu ứng dụng” không đòi hỏi phải có công bố
quốc tế như một số "nghiên cứu lý thuyết” ? Sử dụng mọi thước đo khách quan, dường như nền khoa
học và công nghệ của Việt Nam là một thất bại...
Trong năm 2002, Việt Nam chỉ đăng ký có 2 bản quyền
với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO). ... Năm 2006, các nhà nghiên cứu của Viện Khoa học
và Công nghệ Việt Nam (VAST) đăng được 41 bài báo
khoa học trên các tạp chí quốc tế. Cũng trong năm
đó, chỉ riêng các nhà nghiên cứu của Trường Đại học
Phúc Đán ở Thượng Hải đã đăng được 2.286 bài trên
các tạp chí quốc tế. Nguồn: Báo cáo của nhóm chuyên gia ĐH Havard "Lựa
chọn thành công: Bài học từ Đông Á và Đông Nam Á cho
tương lai của Việt Nam - Một khuôn khổ chính sách
phát triển kinh tế - xã hội cho Việt Nam trong giai
đoạn 2011–20201". HARVARD UNIVERSITY - JOHN F.
KENNEDY SCHOOL OF GOVERNMENT - CHƯƠNG TRÌNH CHÂU Á
Lập luận đó vẫn cứ được bám giữ trong nhiều năm, bất
chấp nhiều thay đổi tích cực của đất nước thời gian
qua. Một số cá nhân và cơ quan khoa học thường lấy lý do
là họ nghiên cứu ứng dụng để lảng tránh chuẩn mực
quốc tế khách quan (?). Nhưng khi đề cập tới Nghị
định 115 đặt cơ sở tự trang trải cho các hoạt động
ứng dụng, với cơ chế có lợi cho các nhà khoa học làm
ứng dụng thật sự, thì họ đồng loạt kêu rằng họ làm
nghiên cứu cơ bản và cần được bao cấp. Nhiều đề tài nghiên cứu khoa học của chúng ta, kể từ
các đề tài lớn cấp bộ ngành và cấp Nhà nước, thực
chất chỉ là tập hợp lại các tài liệu đã có ở trong
và ngoài nước, áp dụng công nghệ đã có, lắp các số
liệu đầu vào các chương trình do mua hoặc xin được
của nước ngoài để tính... Thế nhưng, những việc đó
không phải là những nghiên cứu khoa học theo quy ước
quốc tế. Phần lớn các đề tài không được thẩm định khách quan
qua các bài báo công bố quốc tế, và trong nhiều
trường hợp trở thành nguồn tham nhũng, và là nơi
"đánh quả" của các cá nhân và nhóm đặc quyền đặc
lợi. Trong khoa học – lĩnh vực cần tính chuyên nghiệp cao
nhất, tuy chưa nói thẳng ra, nhưng thực tế còn đáng
buồn hơn: Các nhà khoa học của chúng ta thiếu tính
chuyên nghiệp. Trong nhiều trường hợp, các nhà khoa học Việt Nam
chỉ thực hiện các bài báo khoa học công bố quốc tế
khi có cơ hội được ra nước ngoài cộng tác hay làm
thuê (như ở các ngành Toán và Vật lý), hoặc từ các
đề tài nghiên cứu ứng dụng trong nước được quốc tế
tài trợ và có sự lãnh đạo của chuyên gia nước ngoài
(như trong các lĩnh vực khoa học sự sống). Ngoài các tác động trên thì từ các đề tài nghiên cứu
ứng dụng trọng điểm có kinh phí lớn cấp bộ ngành,
cấp Nhà nước tới các đề tài nghiên cứu cơ bản có
kinh phí nhỏ hơn, tất cả đều phớt lờ đòi hỏi cần có
về công bố quốc tế. Năm 2006, tỷ lệ số bài báo quốc
tế do chính các nhà khoa học Việt Nam đứng tên độc
lập năm 2006 chỉ còn là 13%, với vẻn vẹn 72 bài –
bằng 1/10 số bài nội lực (đứng tên độc lập để công
bố quốc tế) của Thái Lan. Có ý kiến cho rằng, tiền nào của nấy vì các đề tài
trong nước ít tiền hơn, nhưng thực tế cho thấy số ít
các đề tài trong nước có được công bố quốc tế lại
thường không phải là các đề tài được cấp nhiều tiền.
Nhiều nhà khoa học có thu nhập thực tế từ kinh phí
các đề tài bao cấp không thua kém, thậm chí còn vượt
trội cả… thu nhập của cán bộ khoa học đi công tác ở
nước ngoài, nhưng không hề cho được kết quả chất
lượng và bài báo quốc tế. Có những ý kiến eo xèo rằng, Nhà nước cần phải tăng
kinh phí nghiên cứu hơn nữa?!!! – điều đó đúng,
nhưng hãy nhớ rằng, cho dù kinh phí cho khoa học từ
ngân sách nhà nước được tăng mạnh hằng năm, nay đã
vượt 400 triệu USD/năm. Thế nhưng, điều đáng buồn và
không thể hiểu nổi, số bài báo quốc tế từ nội lực
(đứng tên độc lập) vẫn chỉ đứng nguyên xung quanh
con số 80 bài/năm trong suốt 10 năm qua
(1/1997-12/2006) – một mức hiệu quả có lẽ vào hàng
thấp nhất trên thế giới. Lại cũng có ý kiến, ta thiếu đầu tư thiết bị nghiên
cứu? Quả thật, thiết bị nghiên cứu ở ta chưa thể đầy
đủ và trang bị hoàn hảo như các nước tiên tiến: Anh,
Nhật, Mỹ, châu Âu… Nhưng hãy nhìn thử xem: Bao thiết
bị đắt tiền và 18 phòng thí nghiệm trọng điểm cấp
quốc gia đã được đầu tư nhưng không được khai thác
hiệu quả? Các thiết bị đó đã dẫn tới bao nhiêu bài
báo công bố quốc tế và có được hiệu quả kinh tế -
công nghệ bù đắp được giá trị các thiết bị được mua?
phải chăng các thiết bị được đầu tư chưa đúng lúc
hay chưa đúng chỗ? Trong khi các nhà khoa học Thái Lan và Malaysia từ
lâu đã chấp nhận chuẩn mực công bố các nghiên cứu
khoa học trên các tạp chí khoa học quốc tế có uy
tín, thì các nhà khoa học Việt Nam lại cố tình phớt
lờ điều đó với ngụy biện rằng điều kiện của ta còn
chưa được như Âu - Mỹ nên ta chưa làm!!! Thiếu ràng buộc về chất lượng nghiên cứu dẫn tới
lỏng lẻo trong quản lý và tiêu cực trong việc xét và
phân kinh phí các đề tài, đạo đức thấp của cộng đồng
khoa học, làm giả ăn thật tràn lan. Kể cả các nhà
khoa học đã được đào tạo tốt ở nước ngoài trở về
cũng bị tàn lụi dần theo thời gian trong một môi
trường thiếu lành mạnh như vậy. Với tư duy lạc hậu và tiến độ làm khoa học như đã
nói ở trên, phải mấy thập niên nữa chúng ta mới có
thể tới được trình độ công bố quốc tế hiện nay của
các láng giềng vốn chẳng có gì nổi trội về khoa học
và kỹ thuật như Thái Lan và Malaysia. Liệu ta có
đành lòng quên đi ước mơ cái ngày Việt Nam sánh vai
được với các cường quốc năm châu như cố Chủ tịch Hồ
Chí Minh hằng mong đợi?
Cần tổ chức lại Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam
Theo GS Phạm Duy Hiển, số người làm nghiên cứu (R&D)
của ta hiện rất lớn so với Thái Lan: 21.000 so với
6.400, nhưng kết quả nghiên cứu khoa học theo chuẩn
mực quốc tế thì lại quá nghèo nàn so với họ. Các
công bố quốc tế từ nội lực của cơ quan nghiên cứu
khoa học đầu tầu của Việt Nam là Viện Khoa học và
Công nghệ (KH&CN) Việt Nam trong năm 2006 chỉ là 41
bài – ít hơn 8 lần số công bố nội lực của Đại học
Chulalongkorn của Thái Lan, và ít hơn 57 lần so với
con số tương ứng của Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải,
chưa nói tới các viện nghiên cứu hùng mạnh của Viện
Hàn lâm khoa học Trung Quốc... Viện KH&CN Việt Nam cần được tổ chức lại! Khi mới
thành lập cuối những năm 70 – đầu 80, Viện ưu tiên
nhận chủ yếu là các nhà khoa học trẻ đẳng cấp được
đào tạo ở nước ngoài, và có tiềm năng trở thành một
trung tâm nghiên cứu mạnh, nhưng điều đó đã không
xảy ra do nhiều lý do. Qua thời gian, chảy máu chất xám cùng với sự úa tàn
của nhiều cán bộ ban đầu còn lại cộng với thiếu đầu
vào chất lượng đã khiến Viện trở nên già nua trong
khi ngày càng xa rời mục tiêu trở thành một cơ quan
nghiên cứu khoa học trình độ quốc tế. Cách nhận các cử nhân, kỹ sư bình thường (thậm chí
không phải là sinh viên giỏi của các đại học trong
nước) bởi các quan chức cơ sở rồi sau vài năm đưa
thành biên chế chính thức (nay gọi là hợp đồng dài
hạn) là hoàn toàn không ổn, và đang làm mất dần vị
thế của Viện như một đầu tầu nghiên cứu khoa học của
cả nước. Số đông các cán bộ của Viện được biên chế không qua
tuyển chọn nghiêm túc, không có năng lực và động lực
nghiên cứu, làm việc vật vờ, mà lại vẫn hưởng phần
kinh phí nghiên cứu bao cấp.
Đã đăng trên VietnamNet |