Cách đây 140 năm : Công xã Paris

Vietsciences-Đặng Đình Cung               16/05/2011

 

Ngày 28 tháng năm 1871, Công xã Paris kết thúc sau một tuần lễ kháng cự dữ dội gọi là "Tuần Lễ Đẫm Máu" (Semaine Sanglante). Nhân tuần lễ tưởng niệm lần thứ 140 vụ thảm sát này chúng tôi xin kể lại diễn biến cuộc khởi nghĩa này của nhân dân Paris.

Ngày 19 tháng bảy 1870, Napoleon III (Nã Phá Luân Đệ tam) tuyên chiến với nước Phổ nhằm ngăn chặn trào lưu thống nhất nước Đức. So với quân đội Phổ thì quân đội Pháp thiếu quân nhu, không được tập luyện kỹ càng và không được chỉ huy nghiêm chỉnh. Mặc dù có nhiều cá nhân và đơn vị chiến đấu dũng cảm, quân đội Pháp tan rã rất nhanh. Ngày 2 tháng chín, hoàng đề Napoleon III đầu hàng ở Sedan. Ngày 19, một số cứ điểm bảo vệ Paris lần lượt thất thủ. Cuộc vây hãm Paris bắt đầu. Ngày 29 tháng mười, thống chế Bazaine mở cửa thành Metz đầu hàng và trao cho Phổ 180.000 binh lính tướng tá và quân nhu vũ khí.

Về chính trị thì, ngày 4 tháng chín 1870, trong một cuộc đảo chính không đổ máu ở Paris, các nghị sĩ quyết định truất phế hoàng đế Napoleon III, thiết lập Đệ tam Cộng hòa Pháp và thành lập một Chính phủ Quốc phòng với nhiệm vụ kháng cự quân Phổ. Ngày 18 tháng giêng 1871, những quốc vương Đức họp ở điện Versailles, tuyên bố thống nhất nước Đức và bầu vua nước Phổ làm hoàng đề Đức. Mười ngày sau thì Chính phủ Quốc phòng Pháp ký hiệp ước đình chiến với đế quốc Đức. Tuy nhiên Vệ quốc binh (Garde Nationale) và công nhân Paris không chấp nhận sự đầu hàng này. Họ trách Chính phủ Quốc phòng bảo thủ không biết tổ chức kháng chiến một cách hữu hiệu. Ngày 18 tháng ba, họ tuyên bố thành lập Công xã Paris (Commune de Paris).

Thực ra công nhân và đảng cộng hòa ở Paris đã có ý đồ thành lập Công xã Paris từ ngày 31 tháng mười 1870 khi được tin Chính phủ Quốc phòng đang nghiên cứu phương án đầu hàng Phổ. Trưa hôm đó, nghĩa quân chiếm Tòa Thị chính (Hotel de Ville), trụ sở của Chính phủ Quốc phòng, bắt giữ các thành viên chính phủ để phản đối chính sách quân sự yếu hèn của họ. Ba giờ sáng hôm sau thì họ tự động thả những thành viên chính phủ bị bắt và bình tĩnh giải tán sau khi được Chính phủ Quốc phòng hứa sẽ tổ chức tổng tuyển cử để quyết định hòa hay chiến và cũng vì không động viện được cư dân những quận giầu có của thủ đô. Sáng ngày 22 tháng giêng 1871, khi được biết Chính phủ Quốc phòng quyết định xin hàng, một nhóm người tụ họp trước Tòa Thị chính để phản đối. Lúc ba giờ chiều, bỗng nhiên Đoàn Vệ binh (Garde Mobile), lính của chính phủ, được lệnh khai hỏa để giải tán đám biểu tình. Vệ quốc binh bắn trả. Một số người chết và bị thương. Chính phủ ra lệnh bắt hơn tám chục người cầm đầu, cấm báo chí không được phát hành và các hội đoàn chính trị không được họp.

Cuộc bầu cử ngày 8 tháng hai được tổ chức một cách vội vã chỉ có mục đích để có một Quốc hội thông qua thỏa ước đình chiến với nước Phổ, từ nay là Đế quốc Đức. Đa số nghị sĩ thuộc giai cấp (bây giờ trong nước gọi là thành phần xã hội) tư bản và giai cấp quý phái theo dòng họ Bourbon trị vì trước Cách mạng Pháp 1789. Những người này thuộc phe chủ hòa và muốn tái lập quyền chuyên chính xưa của giai cấp họ. Giai cấp công nhân, tiểu thương và thợ thủ công các thành thị công nghiệp tự coi đã bị phản bội và nổi lên thành lập những công xã, một hình thức chính phủ tự trị : Marseille, Lyon, Saint Etienne, Narbonne, Saint Etienne, Toulouse, Le Creusot,... Chỉ sau vài ngày được thành lập, chính quyền hợp pháp dùng bạo lực giải tán các công xã này. Ngày 28 tháng ba Công xã Paris được tuyên bố thành lập.

Trước đó, chính phủ hợp pháp do Adolphe Thiers lãnh đạo đã quyết định một số khiêu khích : cấm các báo khuynh tả, bắt nhà lãnh đạo khuynh tả Auguste Blanqui, không cho hoãn nợ, ngưng không trả lương cho Vệ quốc binh. Ngày 18 tháng ba, Thiers ra lệnh tước đại bác của binh chủng này. Khi Paris bị quân Phổ bao vây, người dân Paris đã tuyển mộ và bảo dưỡng Vệ quốc binh và đã góp tiền mua các cỗ đại bác này để tự vệ. Vì thế họ coi Vệ quốc binh là quân đội của họ và những cỗ pháo là tài sản của họ. Những quân nhân được lệnh đến tước súng của Vệ quốc binh ngả theo nhân dân Paris. Trước tình hình rối ren đó, chính phủ Thiers rút khỏi thủ đô và đóng trụ sở ở Versailles. Những người thượng lưu và quý phái sống ở phía Tây Paris cũng chạy theo để lại nội thành cho những người lao động sống ở trung tâm và phía Đông.

Phe Versaillais có nhiều lính chuyên nghiệp, thiện chiến và có nhiều vũ khí. Quân số tấn công Paris lên đến 120.000 người. Trên giấy tờ thì phe Công xã có đến 194.000 người trong các đoàn Vệ quốc. Những người này đầy nồng nhiệt cách mạng, quân khí có đầy đủ, nhưng thiếu kỷ luật và kinh nghiệm quân sự. Thực ra chỉ có 10.000 đến 45.000 người, tùy người ước tính, là có khả năng chiến đấu.

Khi xưa, Thiers đã chỉ huy công trường xây dựng chiến lũy bao quanh Paris để bảo vệ thủ đô khi có quân địch ngoại quốc tấn công. Chiến lũy đã chứng minh công dụng của nó khi quân Phổ còn bao vây Paris trước đây. Hồi cách mạng 1848, Thiers đã đề nghị với vua Louis Philippe giam hãm nghĩa quân trong vòng chiến lũy để tiện đánh dẹp phong trào công nhân cách mạng. Nhưng nhà vua đã chọn thoái vị để tránh gây tội ác đó. Bây giờ không còn ai ngăn cản nữa, ông ta mang phương án cũ ra thực hiện và thành phố Paris bị vây hãm lần thứ hai. Lần này là lính của chính phủ hợp pháp, thường gọi là Versaillais, bao vây với sự đồng loã của quân đội Đức.

Trong gần hai tháng, hai phe giằng co không phân giải thắng bại. Ngày 21 tháng năm, một tay phản bội mở cửa một pháo đài ở phiá Tây Paris để cho lính Versaillais ùa vào. Sự kiện này mở màn cho một tuần lễ thảm sát chưa từng có mà sau này người đời gọi là Tuần Lễ Đẫm Máu.

Lính Versaillais lần lượt chiếm những quận phía Tây Paris và tiến dần về phía Đông và phía Bắc. Tiến tới đâu thì chúng bắt và hạ sát không xử án những Vệ quốc binh bị bắt. Thương binh và bác sĩ tháp tùng cũng bị giết. Thường dân già trẻ có vẻ nghèo khó hay có bàn tay chai như tay công nhân chẳng may bị bắt là cũng chung số phận đó. Các cửa phía Đông và phía Bắc Paris bị quân Đức ngăn chặn. Không còn lối thoát, lính Vệ quốc mỗi người rút lui về xóm mình ở để chiến đấu bảo vệ gia đình riêng của mình. Một số dinh thự như là Điện Tuileries, Tham chính viện, Thanh tra viện,... bừng cháy không ai biết do pháo của phe Versaillais hay do những cá nhân nào đó châm lửa. Theo sử sách thì chỉ có Tòa Thị chính, Sở Cảnh sát và Tòa án là đã bị nghĩa quân Công xã đốt cháy trước khi rút lui. Ngày 27 tháng năm, hai phe huyết chiến kịch liệt ở nghĩa trang Père Lachaise. Nghĩa quân Công xã bị bắt tới đâu thì bị bắn chết tới đó ở một bức tường sau này gọi là Mur des Fédérés (Bức Tường Những Nghĩa quân). Ngày 28, chướng ngại cuối cùng của Công xã thất thủ. Ngày 29, lính trong pháo đài Vincennes đầu hàng quân Đức bao vây. Tất cả các sĩ quan bị bắn chết ngay.

 
Bức "Tường nghĩa quân" trong nghĩa trang Père Lachaise

Tổng kết số nạn nhân của cuộc đàn áp này thực sự khủng khiếp. Chính quyền Versailles thú nhận đã tài trợ áo quan cho 17.000 người đã bị xử bắn. Nhưng các học giả ước lượng số người bị giết không xử án có thể lên tới 30.000 người. Để trả đũa, ngày 24 tháng năm nghĩa quân Công xã bắn chết tổng giám mục Paris và năm con tin khác, ngày 25 họ giết 14 người khác bị cáo buộc làm chỉ điểm cho phe Versaillais và ngày 26 họ giết thêm khoảng 100 người tình nghi đã làm gián điệp cho địch. Theo báo cáo trình quốc hội năm 1875 thì có 43.500 người bị bắt, 7.700 người được thả ngay vì bị bắt nhầm, 300 tù nhân bị bắn chết vì muốn trốn thoát, 15 tòa án quân sự đã xử hơn 46.800 người và tuyên án 10.137 người trong đó có 95 án tử hình, 251 án khổ sai và khoảng 4.600 án đày. Về phía Versaillais thì có 900 lính tử trận và 6.500 bị thương trong những trận diễn ra vào tuần lễ cuối cùng của Công xã. Đó là không kể đến những công xã ở các tỉnh khác.

Trên phương diện xã hội, Công xã Paris đã lấy những quyết định cấp bách giúp đỡ người nghèo : miễn đòi nợ tiền thuê nhà, không được đuổi người nợ tiền thuê nhà, không được bán những vật cầm ở Hiệu Cầm Đồ (Mont de Piété), những vật cầm có giá trị dưới 20 franc được rút ra miễn lãi, hoãn trả nợ trong ba năm,... Những quyết định chính trị của Công xã Paris rất là tiến bộ so với thời đại : quyền nhân dân tham chính trực tiếp, người ngoại quốc được quyền bầu cử, bầu các công chức, sĩ quan và lãnh đạo xí nghiệp, nam nữ bình quyền về chính trị và về lao động, Nhà Nước pháp quyền, giáo hội tách rời khỏi Nhà Nước, giáo dục phi tôn giáo,... Lẽ cốt nhiên, khi chính quyền hợp pháp Versaillais được tái lập thì những quyết định đó đã bị hủy bỏ. Nhưng chúng đã làm kiểu mẫu cho những thế hệ cách mạng sau này, đặc biệt các chính phủ Xô viết Nga (1917), Cộng hòa Tây Ba Nha (1936), Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (1946) và Cộng hòa Cuba (1959).

Về văn hóa, Công xã Paris đã để lại những bài ca nổi tiếng mà người ngày nay vẫn còn hát như : "L'Internationale" (Quốc tế ca) và "Elle n'est pas morte" (Em chưa chết đâu) của Eugene Pottier, "Le Temps des cerises" (Mùa anh đào) và "La Semaine sanglante" (Tuần lễ đẫm máu) của Jean Baptiste Clément,... Nhiều ký giả và văn sĩ như là Lissagaray, Jules Valles, Emile Zola, Victor Hugo, Arthur Rimbaud,... đã viết những hồi ký, tập thơ hay tiểu thuyết đầy tâm huyết về giai đoạn lịch sử này.

Về phân tích chính trị thì nhiều vị như Karl Marx và Lenine đã bàn đến, chúng tôi không dám chua thêm.

Đặng Đình Cung

 

Nghe "Le temps des cerises" (ca sĩ: Yves Montand)


Sách đã tham khảo

Prosper Olivier Lissagaray: "Histoire de la Commune de 1871", Editions La Découverte, 2004 (tái bản)

Jacques Duclos: "A l'Assaut du Ciel", Editions Sociales, 1961

Jacques Rougerie: "Paris insurgée, la Commune de 1871", Découvertes/Gallimard, 2009

Lissagaray là một nhà báo đã tham gia cuộc khởi nghĩa Công xã Paris. Duclos là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp sau Đệ nhị Thế chiến. Rougerie là một sử gia chuyên về Công xã Paris.

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org   Đặng Đình Cung