CNRS - Vài nét về Trung tâm Quốc Gia Nghiên cứu Khoa học Pháp

Vietsciences-Nguyễn Quang Riệu           18/04/2006    
 

Tác giả, giáo sư Nguyễn Quang Riệu, là chuyên gia của Bộ môn Nghiên cứu Bức xạ và  Vật chất trong Vũ trụ, thuộc Đài Thiên văn Paris - một trong những cơ quan nghiên cứu khoa học mà Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp - CNRS thường xuyên liên kết, cộng tác trong các hoạt động của mình. Hiện nay, ông là Giám đốc nghiên cứu danh dự (Directeur de Recherche émérite) của CNRS. Thông qua bài viết, tác giả giới thiệu những nét cơ bản nhất về mô hình tổ chức, hoạt động cũng như quá trình phát triển và  các lĩnh vực nghiên cứu của Trung tâm này.

 

Quá trình phát triển
Tổ chức CNRS hiện nay
Cán bộ kỹ thuật và nghiên cứu
Chức vụ của cán bộ kỹ thuật:
Chức vụ cán bộ nghiên cứu:
Công việc đào tạo cán bộ
Cộng tác với cơ quan khoa học nước ngoài

Những thiết bị, kính thiên văn quang học và vô tuyến đặt trên mặt đất và phóng vào không gian, dùng để nghiên cứu Vũ trụ và quan sát Trái đất, nhằm bảo vệ môi trường

 

Quá trình phát triển

Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp (Centre National de la Recherche Scientifique - viết tắt là CNRS), được thành lập năm 1939, sau khi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 vừa mới bùng nổ. Nhờ sáng kiến của một số nhà khoa học có tên tuổi thời bấy giờ của Pháp, trong đó có nhà Vật lý Jean Perrin - đã từng đoạt giải Nobel năm 1926, CNRS đã được thành lập để  phối hợp các hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và  nghiên cứu ứng dụng. Tuy nhiên, trong những năm đầu, một số lĩnh vực khoa học ứng dụng như radar, khoa học nguyên tử và  chế biến thực phẩm đã được ưu tiên phát triển, nhằm phục vụ nhu cầu thời chiến. Từ năm 1945, sau khi chiến tranh kết thúc, CNRS bắt đầu lưu ý đến sự phát triển của các ngành khoa học cơ bản. Còn những đề tài khoa học ứng dụng được nghiên cứu tại một số cơ quan chuyên ngành, như Trung tâm Nguyên tử lực - CEA (Commissariat à l’Energie Atomique) và  Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Viễn thông - CNET (Centre National d’Etudes des Télécommunications)... Ngoài những phòng thí nghiệm riêng của CNRS, còn có những đơn vị mà CNRS lập ra để  liên kết với những phòng thí nghiệm của các trường đại học và  các cơ quan nghiên cứu như Đài Thiên văn Paris, nhằm bao quát thêm nhiều lĩnh vực khoa học, như thiên văn học, sinh học, môi trường, kinh tế và  xã hội học... Những đơn vị nghiên cứu quy mô lớn của CNRS, như  Viện Quốc gia Khoa học Vũ trụ (Institut National des Sciences de l’Univers), Viện Quốc gia Vật lý Hạt nhân và  Vật lý Hạt cơ bản (Institut National de Physique Nucléaire et de Physique des Particules) cũng đã được thành lập để  làm và  quản lý những thiết bị nghiên cứu khoa học lớn có tầm cỡ quốc tế. CNRS còn lập ra Bộ môn Khoa học Kỹ sư, có nhiệm vụ triển khai những nghiên cứu cơ bản có khả năng dẫn đến những kết quả đáp ứng được nhu cầu phát triển công nghiệp. Các phòng thí nghiệm của CNRS còn cộng tác với Viện Quốc gia Sức khoẻ và  Nghiên cứu Y học (Institut National de la Santé et de la Recherche Médicale).

Nhiều nhà khoa học nổi tiếng của  Pháp đã và đang làm việc tại CNRS, trong đó có khoảng 20 người đã đoạt giải Nobel, hoặc huy chương Fields trong ngành toán học. Ông Frédéric Joliot - Curie, người đoạt giải Nobel Hoá học năm 1935 - chính là một trong những Tổng Giám đốc đầu tiên của CNRS.

 

 

 

 

 

 

 

Tổ chức CNRS hiện nay

Trong những năm gần đây, vấn đề ngân quỹ bị hạn chế đã ảnh hưởng phần nào đển hiệu quả của CNRS. Nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra tại Pháp để  đòi tăng ngân quỹ dành cho nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, sau nhiều năm hoạt động, CNRS cũng cần phải thay đổi về mặt tổ chức để  đáp ứng sự tiến triển nhanh chóng của khoa học. Năm 2001, Hội đồng Nhà nước (Cour des Comptes) sau khi xem xét lại những hoạt động của CNRS trong nhiều năm qua, đã khuyến nghị CNRS nên cải cách phương thức hoạt động để tăng cường hiệu quả hơn nữa.

Sau nhiều cuộc thăm dò ý kiến, CNRS đã bắt đầu cuộc đổi mới từ đầu năm 2006. Giờ đây, CNRS là một cơ quan nghiên cứu khoa học kỹ thuật nhà nước thuộc Bộ Nghiên cứu. Cơ quan điều hành và  quản lý gồm có một Chủ tịch và  một Tổng Giám đốc.

CNRS hiện có 6 bộ môn:

1) Toán học, Tin học, Vật lý, Hành tinh và  Vũ trụ;

2) Hoá học;

3) Sinh học, Di truyền học, Khoa học liên quan đến sự sống;

4) Con người và Xã hội;

5) Môi trường và Phát triển bền vững;

6) Công trình Kỹ sư và 2 Viện khoa học: Viện Quốc gia Vật lý Hạt nhân và Vật lý Hạt cơ bản; Viện  Quốc gia Khoa học Vũ trụ.

 

Các ngành khoa học sử dụng toán nhiều như: Tin học, Vật lý và Nghiên cứu Vũ trụ được kết hợp với ngành Toán học để lập thành một bộ môn chung (Bộ môn 1) nhằm tạo điều kiện cho việc cộng tác giữa các nhà khoa học được tiến hành dễ dàng. Hai Viện Quốc gia nói trên cùng hoạt động kết hợp với Bộ môn 1.

CNRS có 26.000 nhân viên, trong đó 11.600 người là nghiên cứu viên và 14.400 người là kỹ sư, kỹ thuật viên và nhân viên hành chính. Ngoài ra, còn có khoảng 18.000 giảng viên của các trường đại học và 15.000 sinh viên tham gia vào các công trình nghiên cứu và làm luận án.

Ngân quỹ hàng năm lên tới 2,2 tỷ euros, trong đó khoảng 70% là để  trả lương cho nhân viên. Ngót 90% ngân quỹ là do nhà nước cung cấp, số ngân quỹ còn lại từ nguồn thu nhập của các bằng sáng chế và  hợp đồng với các công ty. Sự chuyển giao công nghệ giữa các phòng thí nghiệm của CNRS và các doanh nghiệp cũng là một phương thức khuyến khích các nhà khoa học lưu ý tới khía cạnh ứng dụng của những công trình nghiên cứu của họ. Việc đánh giá thường xuyên những thành quả mà CNRS đạt được do một Ủy ban nhà nước đảm nhiệm. 

 

Cán bộ kỹ thuật và nghiên cứu

Nhân viên CNRS có hợp đồng lâu dài cũng như các đồng nghiệp trong các trường đại học Pháp. Chức vụ của các nhân viên là tuỳ theo bằng cấp và thành tựu khoa học của họ.

 

Chức vụ của cán bộ kỹ thuật:

Chức vụ

Bằng cấp

Technicien (Nhân viên kỹ thuật) Tú tài
Assistant Ingénieur (tạm dịch: Trợ lý kỹ sư) Tốt nghiệp Viện kỹ thuật
Ingénieur d’Etude (tạm dịch: Kỹ sư đề án)   Tương đương cử   nhân
Ingénieur de Recherche (tạm dịch: Kỹ sư Nghiên cứu) Tốt nghiệp Trường lớn, Tiến sĩ

                                                          

(ở Pháp có một số trường kỹ sư gọi là "Trường lớn" (Grandes Ecoles), những trường này đào tạo kỹ sư cao cấp nhất).

 

Chức vụ cán bộ nghiên cứu:

 

(tương đương với các cán bộ giảng dạy Đại học)

Chargé de Recherche 2ème classe (tạm dịch: Phụ trách Nghiên cứu hạng 2)

Chargé de Recherche 1ère classe (tạm dịch: Phụ trách Nghiên cứu hạng 1)

Directeur de Recherche 2ème classe (tạm dịch: Giám đốc Nghiên cứu hạng 2)

Directeur de Recherche 1ère classe (tạm dịch: Giám đốc Nghiên cứu  hạng 1)

Directeur de Recherche de classe exceptionnelle (tạm dịch: Giám đốc Nghiên cứu  hạng đặc biệt).

Trước kia, ở Pháp có 4 loại tiến s. Trừ vài trường hợp ngoại lệ rất hiếm, ngay cả đối với những người có bằng "Tiến s Nhà nước", trước khi ứng cử để được chọn làm Giám đốc nghiên cứu, ứng cử viên phải được vào "Liste d’Aptitude", tức là được vào danh sách công nhận có khả năng hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án tiến s. Ngày nay, ở Pháp và dường như ở hầu hết các nước trên thế giới, chỉ còn tồn tại một loại bằng tiến s tương đương với bằng PhD của các nước Anh và  Mỹ. Sau khoảng 5 năm, những tiến s có bằng PhD phải trình thêm một luận văn gọi là "Habilitation" để hướng dẫn sinh viên.

 

Công việc đào tạo cán bộ

Nhiệm vụ của các Giám đốc Nghiên cứu thuộc CNRS không những là làm công việc nghiên cứu mà còn hướng dẫn nghiên cứu sinh làm luận án tiến s và đào tạo cán bộ khoa học. Ngược lại, những giáo sư đại học ngoài nhiệm vụ giảng dạy cũng phải tiếp cận với công việc nghiên cứu khoa học. Tách rời nhiệm vụ nghiên cứu và giảng dạy khoa học có thể dẫn đến tình trạng sống trong tháp ngà và không còn có tính thời sự. Vì ngân quỹ eo hẹp nên hiện nay chỉ có một số ít sinh viên sau khi có bằng tiến s được nhận là cán bộ nghiên cứu CNRS. Đa số thường ra nước ngoài công tác một thời gian và đồng thời ứng cử hàng năm để hy vọng được chọn làm Phụ trách nghiên cứu của CNRS. Còn một giải pháp nữa cho họ là ra làm việc tại những công ty công nghiệp. Những phân tích thống kê cho thấy, đồ thị tuổi của nhân viên nghiên cứu CNRS có một đỉnh ở khoảng 50-60 tuổi. Tình trạng này thật bất lợi cho công việc nghiên cứu khoa học tại Pháp, nếu không có cán bộ nghiên cứu thế hệ trẻ thay thế. Hoa Kỳ và ngay cả những nước, vùng lãnh thổ đang phát triển như Đài Loan cũng đã tích cực "hứng" lấy những nhà nghiên cứu trẻ tuổi đầy tài năng và nhuệ khí đến từ nước ngoài, nhằm củng cố đội ngũ nghiên cứu khoa học của nước họ. Việt Nam cũng có một số cán bộ trẻ mới được đào tạo ở nước ngoài, đặc biệt là tại CNRS và các trường đại học của Pháp, do vậy cần có biện pháp thu hút họ tham gia vào công cuộc kiến thiết ngành khoa học nước nhà.

 

Cộng tác với cơ quan khoa học nước ngoài

Mặc dù tình trạng kinh tế khó khăn, nhưng hiện nay việc trao đổi kiến thức với các cơ quan nghiên cứu nước ngoài vẫn là một hoạt động quan trọng của CNRS. CNRS chú ý đến sự cộng tác với Cộng đồng châu Âu và đã có hơn 100 đề án hợp tác khoa học và hơn 20 phòng thí nghiệm liên kết với các nước trong Cộng đồng. Những nước có trình độ phát triển khoa học kỹ thuật cao như Mỹ, Nga và Nhật cũng tham gia vào những đề án nghiên cứu khoa học đó. Hiện nay, trong đội ngũ cán bộ nghiên cứu của CNRS có khoảng 1.300 nhân viên là người nước ngoài. Sự cộng tác với các nước châu Á đang phát triển, như Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang gia tăng. Sinh viên và thực tập sinh của những nước này, kể cả Việt Nam, đã sang Pháp làm luận án và công tác trong các viện nghiên cứu của CNRS.

 

(Bài đăng trong tạp chí Hoạt động Khoa học tháng 3 năm 2006)

 

           © http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org http://vietsciences.net http://vietsciences2.free.fr Nguyễn Quang Riệu