Những bài cùng tác giả
Những bài liên quan:
1. Tín-ngưỡng ở Giao-châu
Trước khi các tông-giáo tràn vào, người Việt chắc đã
tôn-sùng những mãnh-lực thiên-nhiên, như núi sông, sấm chớp. Những di-tích
còn lại không những ở trong tập-tục của dân-gian, mà trong điển-lệ tế-tự,
nay còn những vị thần, được thờ tại rất nhiều nơi, mà không ai biết rõ
gốc-tích từ đâu tới. Thần Cao-sơnchắc cũng là đức-thánh Tản-viên,
thần Long-thủy có lẽ gốc ở thác Bờ. Lại như các đền hay "chùa" Pháp-Vân,
Pháp-Vũ, Pháp-Lôi, Pháp-Ðiện hẳn là di-tích các thần
mây, mưa, sấm, chớp.
Ðến hồi Bắc-thuộc, đạo Nho và đạo Lão được đem vào.
Nhất là trong đời loạn-li sau khi Hán mất, Sĩ-Nhiếp là thái-thú ở Giao-châu,
giữ một vùng yên ổn, thì nhiều nhà trí-thức Trung-hoa tụ tập ở Luy-lâu,
trị-sở Giao-châu. Nhờ đó Nho-học và Ðạo-học lại càng bành-trướng. Trong hai
đạo mới, đạo Lão là thích-hợp với tín-ngưỡng gốc của dân Việt, cho nên nó
lan tràn chóng và hòa lẫn với những tập-tục dân-gian. Còn như Nho-giáo, tuy
được dựa thế những kẻ cầm-quyền, phần đông là nho-sĩ, nhưng nó cũng chỉ giữ
tính-cách thường chứ không thành một tín-ngưỡng mới.
Sau đó, đạo Phật từ Ấn-độ mới lan đến góc đông-nam
lục địa. Với tính-cách ôn-hòa, thần-bí, Phật-giáo chóng ăn sâu vào lòng
tín-ngưỡng người Việt. Nó dung-hòa dễ-dàng với sự sùng-bái thường, và nó dễ
đi đôi với Ðạo-giáo đến đấy từ trước.
Ba tông-giáo Nho, Lão, Phật đã sớm thành cơ-bản của
tín-ngưỡng dân Việt, và đồng thời tiến-triển. Cho nên thường gọi là
Tam-giáo. Tuy nói là tam-giáo tịnh hành, nhưng theo thời-đại, một
hay hai giáo vẫn được chuộng hơn. Ta sẽ thấy trong thời nhà Lý, Phật-giáo
chiếm bậc nhất. Nhưng ta cũng phải nhận rằng Phật-giáo hành ở xứ ta, cũng
như ở Trung-quốc bấy giờ, đã dung-hòa với Ðạo-giáo và những tín-ngưỡng gốc ở
dân-gian. Nó đã biến thành một tông-giáo lấy Phật làm gốc, nhưng lại ghép
vào các vị thần-linh, mà xưa chỉ là một mãnh-lực thiên-nhiên. Và nó dùng
những kỳ-thuật, theo-đuổi những mục-đích thích-hợp với Ðạo-giáo hơn là
Phật-giáo.
Ðịa-vị các tăng-gia, trong suốt đời Lý, vẫn là
trọng; nhưng ảnh-hưởng về chính-trị hình như không có bao nhiêu. Về
phương-diện tinh-thần và luân-lý, thì hẳn rằng Phật-giáo có ảnh hưởng lớn.
Nó đã đổi cái triều-đình vũ-phu và mộc-mạc của các đời Ðinh, Lê, đóng ở chỗ
đầu ngàn cuối sông, ra một triều-đình có qui-mô, có lễ-độ, ở giữa
bình-nguyên, có thể so-bì với các nước khác ở miền bắc.
2. Ðạo Phật tới Việt
Nhờ một câu chuyện giữa thái-hậu Linh-nhân, tức là
Ỷ-lan, mẹ Lý Nhân-tông, với một nhà sư có học uyên-bác, mà ta còn biết
gốc-tích đạo Phật ở nước ta. Sách TUTA (1) còn ghi chuyện ấy rất rõ-ràng
trong chuyện Thông-biện quốc-sư (TUTA 19a).
Ngày rằm tháng 2 năm Hội-phong thứ 5 (1096),
thái-hậu đặt tiệc chay ở chùa Khai-quốc, thết các tăng. Tiệc xong, thái-hậu
kê-cứu đạo Phật với các vị sư già học rộng. Thái-hậu hỏi:
" Nghĩa hai chữ Phật và Tổ
thế nào?
Bên nào hơn? Ðạo tới xứ ta đời nào? Truyền-thụ đạo ấy, ai trước ai sau? Mà
sự niệm tên Phật, hiểu tâm tổ là do từ ý ai? "
Các sư đều im-lặng. Chỉ có vị Trí-không
trả
lời rất tường-tận từng khoản. Vì đó, thái-hậu ban cho sư hiệu Thông-biện
quốc-sư. Về đoạn truyền giáo vào xứ ta, lời sư đại-khái như sau:
" Phật và Tổ là một. Phật truyền đạo cho
Ca-diệp. Về đời Hán có Ma-đằng đem đạo vào Trung-quốc,
Ðạt-ma lại truyền vào nước Lương và nước Ngụy. Ðạo rất thịnh khi dòng
Thiên-thai thành-lập. Dòng ấy gọi là Giáo-tông. Sau lại có thêm
dòng Tào-khê, tức là dòng Thiền-tông. Hai dòng ấy vào nước ta
đã lâu năm. Về dòng Giáo, có Mâu Bác và Khang-tăng-hội là
đầu. Về dòng Thiền, trước nhất có Tì-ni-đa-lưu-chi ; sau đó,
Vô-ngôn-thông lại lập ra một dòng Thiền khác nữa. "
Trí-không trả lời như thế đã khá rõ-ràng. Nhưng
thái-hậu có óc phán-đoán, lại hỏi thêm chứng những điều nói trên. Sư trả lời
rành-mạch, dẫn những sách cũ, những lời của các người xưa, mà nay ta còn tìm
lại được một phần, nó có thể khiến ta tin rằng những chứng Trí-không đem ra
đều là đích-xác.
Trí-không viện lời của hai người xưa bên Trung-quốc,
một người nói đến sự truyền dòng Giáo-tông, một người chứng việc truyền dòng
Thiền-tông vào nước Việt.
Chứng đầu là lời pháp-sư Ðàm-thiên kể lại một
câu chuyện mà sư này nói với vuaTề Cao đế (479-483). Vua Tề khoe với
sư rằng mình đã xây-dựng chùa tháp khắp mọi nơi, kể cảGiao-châu ; rồi
vua nói thêm rằng: "Xứ Giao-châu tuy nội-thuộc, nhưng chỉ là một xứ bị
ràng-buộc mà thôi. Vậy ta nên chọn các sa-môn có danh-đức, sai sang đó để
giảng-hóa. May chi sẽ làm cho tất-cả nhân-dân được phép Bồ-đề. "
Vua Tề tưởng rằng nước ta còn kém về đạo Phật cho
nên mới có ý ấy. Nhưng sư Ðàm-thiên biết rõ rằng sự thật là trái ngược: nước
ta đã được Phật-hóa từ lâu, trước cả nước Tề ở vùng Sơn-đông nữa. Sư trả lời
rằng:
" Xứ Giao-châu đường thông với Thiên-trúc (Ấn-độ).
Khi Phật, Pháp chưa tới Giang-đông (nước Tề), thì ở Luy-lâu (kinh đô
Giao-chỉ, nay là làng Lũng-khê ở phủ Thuận-thành tỉnh Bắc-ninh), đã có xây
hơn hai mươi ngôi chùa, chọn hơn năm trăm vị tăng và tụng mười lăm quyển
kinh rồi. Vì đó, mà người ta đã nói rằng Giao-châu theo Phật trước chúng ta.
Lúc ấy, đã có những vị sư Ma-la-kê-vực ,Khang-tăng-hội ,
Chí-cương-lưu-chí và Mâu Bác ở đó. "
Sau đó dẫn lời Ðàm-thiên ở trên, sư Trí-không còn
nói thêm một chứng của sư, là: "Sau đó lại có sư Pháp-đắc-hiền được
Tì-ni-đa-lưu-chi truyền tông phái của tổ thứ ba là bồ-tát Ðạt-ma cho. Sư ấy
ở chùa Chúng-thiện và dạy hơn 300 đệ-tử. "
Chứng thứ hai là thuộc về dòng Thiền-tông. Sư
Trí-không viện lời Quyền Ðức-Dư , là viên tể-tướng đời Ðường, về cuối
thế-kỷ thứ tám. Ðức-Dư đã viết trong tựa sách Truyền-pháp rằng: " Sau
khi Tào-khêmất, phép Thiền rất thịnh, và dòng Thiền nối-dõi không
dứt. Có thiền-sư Chương Kính-Huy là học trò Mã-tổ đi truyền
giáo ở các xứ Ngô Việt và có đại-sư Vô-ngôn-thông đi truyền ý phái
Bách-trượng và giảng pháp ở xứ Giao-châu ".
Ðó là hai chứng mà sư Trí-không đã bày trước
thái-hậu. Ta có thể tin vào đó chăng? Ông Trần Văn-Giáp trong sách BA
(3) đã khảo-cứu các sách Phật, và đã thấy rằng, tuy những lời của Ðàm-thiên
kể lại trên không còn thấy trong những sách còn lại, nhưng những nhân-vật kể
trong đó đều có thật, và còn có chuyện hợp với lời trên. Vả sách TUTA cũng
chép lại gốc-tích các dòng Thiền, nó chứng thật lời Quyền Ðức-Dư, mà nay vẫn
thấy trong sách Tàu còn lại.
Trong những nhân-vật kể trong lời Trí-Không, thì
Mâu Bác là xưa nhất. Bác nguyên người Thương-ngô, sang Giao-châu ở với
mẹ, vào khoảng cuối đời Hán Linh-đế (năm cuối là 189). Bấy giờ Sĩ Nhiếp coi
quận Giao-châu. Ðất Giao-châu được yên-tĩnh, trong khi nước Hán bị loạn; cho
nên nhiều người học giỏi chạy sang ở đó. Sự học càng bành-trướng ở
Giao-châu. Mâu Bác ban đầu theo học Ðạo-giáo và phép thần-tiên. Nhưng vào
khoảng năm 194-195, Bác lại theo đạo Phật. (BA)
Xem vậy thì trước Mâu Bác, Phật-giáo đã được hành ở
Giao-châu rồi. Ðạo Phật từ đâu đã vào đất Việt? Có thể từ đất Hán, vì đạo đã
vào Hán chừng một trăm năm trước. Nhưng đạo cũng rất có thể từ Ấn-độ được
theo đường bể đem vào, theo các thuyền buôn đi dọc bờ biển Ấn-độ, sang biển
Trung-hoa. Khi sư Ðàm-thiên nói xứ Giao-châu đường thông với Thiên-trúc, có
lẽ sư muốn nói đường thủy. Những người Tây-vực, tức là ở vùng tây-bắc Ấn-độ,
đã sang buôn-bán dọc bờ biển. Những đồng tiền bạc, tìm thấy ở nội-địa trong
Nam, chứng tỏ rằng đồng-thời với các hoàng-đế ở Rome, xứ Tây-vực đã có
liên-lạc với đất Ðông-dương. Trong chuyện phật chùa Pháp-vân ở Luy-lâu, có
nói rằng đời Sĩ Nhiếp, đã có hai vị sư Ấn-độ, là Kì-vực và
Khâu-đa-la qua đó. Những chuyện kể sau sẽ làm ta tin thêm vào thuyết ấy.
3. Ðạo Phật bành-trướng
Ba vị sư, mà Ðàm-thiên kể tên trên kia, đều là người
Ấn-độ hay Tây-vực (ở xứ Sogdiane) gần phía tây-bắc Ấn-độ.
Ma-la-kì-vực, tên chữ Phạn là Marajivaka, là
người Ấn-độ, đến Giao-châu, rồi qua Quảng-châu. Tới Lạc-dương đời Tấn
Huệ-đế, năm 294. Ông giỏi phù-pháp. Sau gặp loạn ở Trung-quốc, ông lại trở
về Ấn-độ.
Khang-tăng-hội vốn người Tây-vực, theo cha
buôn ở Giao-châu rồi học đạo Phật ở đó. Nguyên người Tây-vực mà ở xứ Việt,
cho nên ông học giỏi hai thứ tiếng Phạn và Việt. Nhờ đó, ông đã dịch nhiều
sách Phật ra Hán-văn. Sau đó, ông sang nước Ngô, giảng đạo cho Ngô
Tôn-Quyền, rồi mất tại nước Ngô vào năm 280.
Còn như Chi-cương-lương, thì Trần Văn-Giáp
cho là Cường-lương-lưu-chi chép trong sách Thập-nhị-du-kinh. Tên
Phạn của sư là Kalaruci theo Pelliot, hay là Kalganaruci theo
Trần Văn-Giáp. Vị sư này tới Giao-châu vào khoảng năm 255-256, và có dịch
kinh Pháp-hoa Tam-muội. (BA)
Xem mấy thí-dụ trên, ta thấy rằng nhiều vị tăng dịch
kinh Phật là người Ấn-độ hay người Tây-vực. Ngoài số những vị đã do đường bộ
tới Trung-quốc, một số đã đi đường bể. Những vị này tất-nhiên phải học
Hán-tự. Các vị ấy chắc phần lớn đã qua và ở đất Giao. Vì thế, đạo Phật rất
có thể đã tới nước ta trước khi đến nước Trung-quốc.
Cho đến sư Ðàm-thiên, cũng là người Indoscythe, ở
phía tây-bắc Ấn-độ. Sư rất giỏi Hán-văn. Sở-dĩ sư lại rõ tình-hình Phật-giáo
ở Giao-châu, chắc vì cũng có thời-kì qua ở đó.
Lịch-sử Phật-giáo ở nước ta, từ ban đầu đến lúc phái
Thiền-tông xuất-hiện, không được biết rõ nữa, vì không ai biên-chép lại. Về
Thiền-tông, thì sách TUTA còn chép khá kĩ-càng.
Dòng Thiền-tông lại có hai phái: phái Nam-phương và
phái Quan-bích. Phái Nam-phương vào trước, phái Quan-bích vào sau. Nhưng từ
đời Ðinh, hai phái đều phát-triển một cách thịnh-vượng.
Tổ phái NAM-PHƯƠNG là Tì-ni đa-lưu-chi, tên
Phạn là Vinitaruci, nguyên người Thiên-trúc, hoặc đạo Bà-la-môn (Braman).
Sau theo Phật-giáo, rồi sang các xứ đông-nam để tới Tràng-an, kinh-đô nước
Trần bên Trung-quốc (573). Sau, sư tới Quảng-châu; ở đó sáu năm dịch các
kinh Phật. Tháng ba năm Canh-tý 580, sư sang Giao-châu, tới trụ-trì ở chùa
Pháp-vân tại Luy-châu. - đó được mười lăm năm. Ðến năm Giáp-dần 594, đời Tùy
Khai-hoàng, mới mất.
Ðệ tử Vinitaruci có sư Pháp-hiền, mà sách TUTA đã
chép ra Pháp-đắc-hiền, trong chuyện quốc sư Thông-biện. Vị này được coi như
là tổ thứ nhất của dòng Nam-phương. Sư người Chu-diên, họ Ðỗ; ở chùa
Chúng-thiện, tại núi Thiên-phúc, hạt Tiên-du. Sư có rất nhiều học-trò.
Thứ-sử Lưu Phương mời tới Luy-lâu, ở chùa Pháp-vân. Rồi đi giảng đạo, dựng
chùa khắp mọi nơi ở Phong-châu (Sơn-tây), Hoan-châu (Nghệ-an) Tràng-châu
(Ninh-bình) và Ái-châu (Thanh-hóa). Ðến năm Bính-tuất 626, đời Ðường Vũ-đức,
mới mất. (TUTA 44a).
Nhờ đó, phái Nam-phương rất được phát đạt, và đã
bành-trướng nhất trong vùng phủ Từ-sơn. Có sư Ðịnh-không, là tổ thứ tám, lập
chùa ở làng Dịch-bảng, là quê nhà Lý về sau (trước 808). Sau đó phái
Nam-phương có nhiều can-hệ với các triều-đại độc-lập ở nước ta. Sư
Pháp-thuận giúp Lê Ðại-hành, sư Vạn-hạnh giúp Lý Thái-tổ, sư
Ðạo-hạnh mà tục-truyền là tiền-thân của Lý Thần-tông, sư Minh-không giúp
Lý Thần-tông, đều thuộc phái này cả.
Phái QUAN-BÍCH thì đến đời Ðường Nguyên-hòa
mới vào nước ta, do vị sư người Ðường là Vô-ngôn-thông đem tới. Sư người
Quảng-châu, họ Trịnh. Sau khi đi học với Mã-tổ ở Giang-tây, sư về
Quảng-châu. Sư sang Giao-châu, năm canh-tý 820; ở chùa Kiến-sơ, tại Phù-đồng
(TUTA 4a). Phái này phát-đạt cũng chóng và đã phát ra nhiều vị cao-tăng còn
để tiếng về sau. Sư Khuông-việt giúp Ðinh Tiên-hoàng, sư
Trí-không tức là Thông-biện quốc-sư, sư Khổng-lồ , sư Giác-hải
đều thuộc phái này cả.
Không những ở chung-quanh kinh-kỳ đạo Phật
thịnh-hành, mà đến những chốn xa, như Ái-châu, Phật-giáo trong đời Ðường
cũng đã phát đạt. Trong các vị tăng quê nước ta đã từng đi Thiên-trúc cầu
đạo (3), có hai vị người Ái-châu, là Trí-hành và Ðại-thặng-đăng.
(BA). Vả bia HN (4) cũng cho ta biết rằng về đời thuộc Hậu-đường (923-937),
châu-mục Lê Lương ở Ái-châu có dựng ba chùa ở trong hạt ấy.
Tuy đạo được thịnh-hành, nhưng nước ta bấy giờ vẫn
còn bị người Tàu thống-trị. Cho nên Phật-giáo, cũng như các ngành tư-tưởng
khác, hình như cũng chỉ đạt đến một hạng người quyền-quí, hay gần-gũi người
ngoại-quốc cầm quyền, chứ không phổ cập đến dân-gian. Phải đợi đến thời-kỳ
độc-lập, mới bắt đầu có những chứng rằng Phật-giáo có tổ-chức và ăn sâu vào
dân-chúng.
4. Chế-độ tăng và chùa
Trong khi các nước ở Trung-quốc phải đương đầu với
Tống trong cuộc chiến-tranh thống-nhất, thì ở nước Giao-chỉ, tông-giáo cũng
như hành-chính, dần dần tự cởi dây ràng-buộc, và trở nên tự-trị. Các phái
Thiền-tông phát-đạt, và tăng-đồ càng bành-trướng ảnh-hưởng trong xã-hội.
Kẻ cầm quyền không những cần đến thiền-sư về
phương-diện tín-ngưỡng mà tôi, mà cả về phương-diện chính-trị, cũng cần nữa.
Nhất là trong đời Ðinh Lê, các vua đều là những bậc võ-biền, nhân loạn mà
nắm được chính-quyền. Học-thức vua ít; mà kẻ nho-học cũng chưa đông, và phần
nhiều chắc có lòng trung-thành với triều-đại bị tiếm, nên không được tin
dùng. Chỉ có kẻ tăng-đồ có đủ thì-giờ, đủ phương-tiện sinh-sống để đọc
nhiều, hiểu rộng. Vả nhà tu-hành lại ít có thành-kiến thiên-vị về chính-trị,
cho nên dễ được vua mới tin-dùng.
Lúc nhà Ðinh mới lập nước, liền trọng-đãi các nhà
sư. Năm đầu sau khi lên nôi, Ðinh Tiên-hoàng đã định phẩm-hàm và giai-cấp
cho các nhà tăng và đạo. Tăng và đạo cũng được coi như là những công-chức
văn võ (TT 961) (5). Tuy đời Lý, cũng có đặt lại phẩm-hàm và giai-cấp cho
tăng-đạo, nhưng vẫn theo qui-chế đời Ðinh.
Ðầu hàng Tăng, có chức Quốc-sư. Sau, theo
thứ-tự trên dưới, có những chức tăng-thống, tăng-lục,
tăng-chính, đại-hiền-quan. Quốc-sư chỉ có nghĩa là người sư của
nước, chứ không phải là chức tể-tướng như vị thái-sư. Cũng như các chức kia,
quốc-sư coi việc giữ các chùa trong nước, giảng đạo, lập đàn, và giúp vua
trong những việc cầu may, cầu phúc.
Ngoài những chức phẩm trên, ta còn nhận thấy những
hiệu như đại-sư, trưởng-lão, cư-sĩ (Bia LX, TUTA). Có lẽ đó
chỉ là huy-hiệu mà thôi.
Chùa thì do vua, quan hay dân làng xây dựng lên.
Những chỗ danh-lam thì chắc thuộc nhà vua và được vua cấp tiền của, ruộng
đất, phu-hầu. Năm 1088, Lý Nhân-tông định chia chùa làm ba hạng, đại, trung
và tiểu-danh-lam, do các quan văn và quí-chức đề-cử. Sách TT chép việc ấy,
và thêm rằng: " Ấy vì bấy giờ, các chùa có điền-nô và của kho ". Ðiền-nô là
phu cày ruộng cho chùa.
Ở các trấn, cũng có tăng-quan coi các chùa và
phật-giáo. Sư Hải-chiếu có nói trong bia LX rằng sư " kiêm coi
công-sự ở Thanh-hóa ", và là " thuộc hạ " của Lý Thường-Kiệt.
Ðược làm sư không những là một vinh-hạnh. Sư có
chức-phận đã đành, mà về phần vật-chất, lại khỏi bắt làm xâu, làm lính; ở
chùa lại được bổng-lộc dân chúng cúng và vua ban. Vì thế muốn được làm sư,
phải có bằng của nhà nước cấp cho. Như thế, gọi là được độ. Sử-sách
ta còn chép một vài năm, vua chọn dân để cho làm sư. Năm 1014, tăng-thống
Thẩm Văn-Uyển xin lập giới-trường ở chùa Vạn-thọ trong thành Thăng-long để
cho tăng-đồ thụ giới. Năm 1016, vua chọn hơn nghìn người ở Kinh-sư để cho
làm tăng và đạo-sĩ. Năm 1019, Lý Thái-tổ lại độ dân khắp nước để làm tăng.
Sau mãi đến năm 1134, Lý Thần-tông mới sai hội dân ở đài Nghinh-tiên để độ
tăng một lần nữa. (TT).
Ðó là những cơ-hội lớn chọn tăng một cách tập-đoàn.
Còn hàng ngày, vẫn cấp bằng cho những trai-tráng được rút tên ra ngoài sổ bạ
(Bia LX). Ðồng-thời ở Tống, bằng-cấp độ tăng lại là một lợi-khí làm tiền cho
công-quĩ. Sách TB (6) thường chép rằng vua Tống cấp cho các lộ một số lớn
bằng-cấp ấy, để hưng-công xây thành, đào sông. Không biết ở triều Lý có
lợi-dụng sự độ tăng như thế không. Nhưng ta biết rằng nhà-nước có dùng cách
ấy để thưởng một hạng người có công. Như năm 1128, Lý Thần-tông sai chọn bốn
người lính già, cho làm tăng (TT).
Con cháu những nhà quyền-quí cũng không ngần-ngại bỏ
nhà theo Phật-giáo, như các cháu họ Lý Thường-Kiệt (bia LX), sư Mãn-giác
con Lý Hoài-Tố, Diệu-nhân ni-sư con nuôi Lý Thánh-tông và sư
Viên-chiếu cháu thái-hậu Linh-nhân.
Xem chuyện các cao-tăng trong sách TUTA, ta thấy
phần nhiều các vị này giỏi nho-học, hay khi bé thường học Nho rồi sau mới
theo Phật. Nhưng trong khoảng đầu đời Lý, chưa mở khoa thi nho. Sau, dần-dần
nho-học tiến-mạnh. Tam-giáo tịnh-hành. Các khoa thi nho được mở đều, và các
khoa thi tam-giáo cũng được lập vào cuối đời Lý Cao-tông (năm 1179 và 1194,
TT). Các nho-thần như Ðàm Dĩ-mông đã bắt đầu kiềm-chế tăng-đồ, kiểm-điểm
khảo-hạch tăng-chúng. Năm 1179, Lý Cao-tông sai thi các đệ-tử tăng-quan tụng
kinh Bát-nhạ (TT).
Nhân các vua trước, như Thần-tông, Anh-tông mê đạo
nhiều dân-đinh xin độ làm tăng để trốn khỏi dao-dịch. Lại có những ác-tăng
làm điều phạm-pháp. Cho nên năm 1198, Ðàm Dĩ-Mông nói với vua rằng: " Bây
giờ, tăng-đồ gần bằng số dịch-phu. Chúng tự kết bè, bầu chủ, họp nhau thành
từng bầy. Chúng làm nhiều việc bẩn-thỉu. Hoặc ở nơi giới-trường, tĩnh-xá, mà
công-nhiên rượu thịt; hoặc ở trong trai-phòng tĩnh-viện, mà âm-thầm
gian-dâm. Ngày ẩn, tối ra, thật như đàn cáo chuột. Chúng làm bại tục, thương
giáo; dần-dần thành thói quen. Nếu mà không cấm, thì lâu thành quá lắm. "
Vua Cao-tông cho lời Dĩ-Mông nói là phải. Sai
Dĩ-Mông triệu-tập tăng-đồ trong xứ lại ở các nơi cốc-xá; chọn từng mười
người có tiếng, lưu lại làm tăng. Còn dư, thì đánh dấu vào tay mà bắt hoàn
tục.
Chắc rằng lời Dĩ-Mông quá đáng, và sự sa-thải
triệt-để tăng-đồ là một phần do nho-gia bài-xích dị-đoan. Tuy vậy, đạo Phật
không phải vì đó mà suy. Trạng-nguyên Lê Quát, là dòng-dõi Lê Văn-Thịnh,
phải phàn-nàn, trong bia chùa Thiệu-phúc dựng đời Trần, rằng: " Làng xóm nào
cũng có chùa, mà không đâu thấy thờ Khổng-thánh. "
Chú thích
(*) Trích từ: "Lý Thường-Kiệt" của Hoàng Xuân-Hãn,
nhà xuất-bản Sông-Nhị, Hà-nội, 1949.
(1) TUTA : Thiền-uyển tập-anh ngự-lục (Trần)
(2) BA : Bia chùa Báo-ân (Lý)
(3) Theo T.V.Giáp, các vị tăng đã qua Ấn-độ là: Vận-kỳ, người Giao-châu,
Mộc-soa-đề-ba (Moksadeva) người Giao-châu, Khuy-xung người Giao-châu (mất ở
Thiên-trúc), Tuệ-diệm người Ái-châu (ở lại Thiên--trúc), Trí-hạnh người
Ái-châu (mất ở bắc-ngạn sông Hằng-hà), Ðại-thặng-đăng người Ái-châu (mất ở
Ấn-độ).3.
(4) HN Bia chùa Hương-nghiêm (Lý)
(5) TT Ðại-việt sử-ký toàn-thư. Ngô Sĩ-Liên (Lê)
(6) TB Tục-tư-trị thông giám trường-biên. Lý Ðào (Tống)
©
http://vietsciences.free.fr
và http://vietsciences. org
Hoàng Xuân Hãn
|