Lịch sử đường hầm Eurotunnel

Vietsciences-BBC              04/07/2010

 
 

Đọc "Đường hầm eo biển Manche"

Viễn kiến năm 1935 của một họa sĩ Pháp về các tuyến đường nối châu Âu với đảo Anh

Vụ hỏa hoạn chiều 11/09 trong đường hầm xuyên biển nối Pháp và Anh đã làm ngưng trệ tuyến giao thông nổi tiếng thế giới, gây khó khăn cho hàng chục nghìn hành khách và xe cộ.

Đây cũng là dịp nhìn lại các dự án vốn đã có từ cả thế kỷ trước với những ý tưởng khác nhau về giải pháp giao thông và an toàn.

Đường hầm lịch sử

Đường hầm dành cho xe lửa và xe hơi dài 38 km có tên trong tiếng Anh là Channel Tunnel do tập đoàn Eurotunnel xây dựng và đưa vào khai thác năm 1994 biến ước mơ của nhiều thế hệ trước thành hiện thực.

Ngay từ năm 1802, Albert Mathieu-Favier đã trình lên Napoleon bản thiết kế xây tuyến đường nối Anh và Pháp thời công nghệ xe lửa và xe hơi chưa xuất hiện.

Sau đó, có nhiều bản thiết kế khác được bàn thảo với tham vọng đào hầm cho xe ngựa với các ống dẫn không khí từ đáy biển nhô cả lên trên mặt nước.

Bóng tối trong hầm dự tính được xóa đi nhờ các cây nến lớn.

Người ta cũng tính cả chuyện dùng những quả bóng lớn để chở các đoạn của đường hầm ra biển, ghép vào nhau.

Có ý tưởng táo bạo hơn muốn đắp các ụ đất đá giữa eo biển để cho những chiếc phà chở khách.

Suy tính quân sự cũng được đưa vào một kế hoạch xây hầm nhưng nối hai cửa hầm vào đất liền bằng cầu để khi có chiến tranh thì chỉ cần dùng đại bác phá cầu là đủ.

Nhưng chỉ đến năm 1870, hai nước Anh và Pháp mới cho đào thử các đoạn hầm ở cả hai bên để công chúng vào xem bằng xe điện.

Channel Tunnel là đường hầm xuyên biển dài nhất thế giới, với đoạn nằm sâu 40 mét dưới đáy biển dài 38 km
Đến1882 thì dư luận Anh chống lại dự án nên nó lại bị bỏ xó.  

Chỉ từ khoảng những năm 1930 về sau, giới kiến trúc và nghệ sĩ lại bỏ công vẽ ra các dạng cầu, hầm qua eo biển.

Nhưng chỉ sau thế chiến II, tới 1957 thì một Nhóm Nghiên cứu mang tên Channel Tunnel Study Group mới thành lập và họ đưa ra sáng kiến lập đường hỏa xa.

Phải đợi nhiều đời chính trị gia Anh Pháp dự án mới nhúc nhích.

Đầu tiên là quyết định chung năm 1973 của Thủ tướng Anh Edward Heath và Tổng thống Pháp George Pompidou, sau đế́n tuyên bố chung của Thủ tướng Margaret Thatcher và Tổng thống François Mitterrand năm 1986.

Tập đoàn Eurotunnel Group cũng ra đời năm 1986 để thực hiện dự án mà khi kết thúc 12 năm sau tiêu hết 10 tỷ bảng Anh, gấp đôi dự kiến ban đầu.

Nay Channel Tunnel là đường hầm dưới biển dài nhất thế giới, với 38 km nằm 40 sâu dưới đáy biển và ba đường hầm, mỗi đường 50 km nối cửa ở Folkestone bên quận Kent của Anh đến Coquelles ở Pas-de-Calais bên Pháp.

An toàn trong hầm

Ngay từ ban đầu câu hỏi về độ an toàn của việc khai thác đường hầm đã được nêu ra.

Bởi vậy, trong thiết kế người ta đã xây riêng một đường hầm nhỏ (service tunnel) chạy song song với các tuyến cho xe lửa và xe hơi đậu trên các platform kéo bằng đường ray.

Trong trường hợp cần sơ tán người khỏi nơi tai nạn hoặc hỏa hoạn, đường hầm nhỏ được dùng như các vụ cháy năm 1996, 2006 hoặc vụ hôm 11/9 năm nay.

Tuy thế, vị kết cấu phức tạp và lối tiếp cận điểm bị nạn hạn chế, mỗi vụ cháy gây ngưng trệ giao thông nghiêm trọng và gây thiệt hại lớn cho công ty vận hành.

Vụ hỏa hoạn năm 2006 làm thiệt hại 200 triệu bảng Anh vì dù ngọn lửa chỉ cháy trong 5 tiếng nhưng cả một đoạn gần 2 km bị phá hỏng.

Hiện chưa rõ thiệt hại do đám lửa cháy từ một xe tải trong hầm hôm 11/09/2008 gây ra sẽ là bao nhiêu nhưng chỉ riêng đình trệ giao thông với hàng chục nghìn hành khách đã là một cú giáng mạnh vào kinh tế Anh và Pháp.

bbc.co.uk/vietnamese/business/story/2008/09/080912_eurotunnel.shtml

 

 

  

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org    BBC