Thương Xá TAX:

 

Vietsciences-  Hoàng Hải           20/12/2014
 

 

Ba Giải Pháp Cứu Một Di Sản “Có Một Không Hai”

  

Phùng Anh Tuấn

Bộ VHTTDL vừa có văn bản đề nghị UBND TP.HCM nghiên cứu bảo tồn một số hạng mục của Trung tâm Thương mại Sài Gòn cũ (Thương xá Tax).

Trước đó, ông (ảnh), Tổng lãnh sự danh dự Đại sứ quán Phần Lan tại TP.HCM đã gửi Công thư đến Bộ VHTTDL cùng lãnh đạo TP.HCM kiến nghị bảo tồn những phần kiến trúc cổ của công trình 100 năm tuổi này. 

Theo đó, Bộ VHTTDL đề nghị TP.HCM giao cho cơ quan chuyên môn nghiên cứu ý kiến của Tổng lãnh sự danh dự Đại sứ quán Phần Lan để có phương án xử lý hiệu quả việc bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc của Thương xá Tax và có văn bản gửi Bộ VHTTDL sau khi có phương án thống nhất về vấn đề nêu trên.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phùng Anh Tuấn cho biết, công trình Thương xá Tax được xây dựng năm 1924 với tên gọi ban đầu là Grands Magasins (tòa nhà GMC), sau đó được sửa chữa nhiều lần và toàn diện từ những năm 1940. Tuy nhiên, phần kiến trúc bên trong của tòa nhà gồm sảnh chính – main lobby, nền sảnh chính lót gạch mosaic và cầu thang chính là những hạng mục còn nguyên bản từ năm 1924 vẫn được giữ lại. Một phần lớn mặt nền lobby được lát bằng gạch khảm, trụ đầu cầu thang, tay vịn và lan can bằng kim loại được chế tác và trang trí tinh xảo. Đây là lối kiến trúc nội thất hiếm có của một trung tâm thương mại theo phong cách Pháp và châu Âu cổ với gạch khảm mosaic được làm bằng tay bởi các nghệ nhân Marốc thuộc di tích Hồi giáo. 

 

 

Các bộ phận kiến trúc của Thương xá Tax được kiến nghị bảo tồn

 

Thế nhưng, trong kế hoạch tháo dỡ Thương xá Tax để phục vụ xây dựng ga tàu điện ngầm và khu phức hợp thương mại, văn phòng mới cao hơn 40 tầng do Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) làm chủ đầu tư thì không có phương án nào đề cập đến việc giữ lại phần sảnh chính cũng như cầu thang một cách tổng thể. Điều này đồng nghĩa với việc chúng sẽ bị gỡ bỏ hay phá hủy cùng với toàn bộ các phần còn lại của tòa nhà. Do đó, ông Tuấn, đại diện cho nhóm những người yêu mến giá trị lịch sử, văn hóa của Thương xá Tax trong nước và quốc tế (Anh, Pháp, Mỹ…) lên tiếng kiến nghị các cơ quan chức năng cứu lấy phần di sản quý giá “có một không hai” này như một bằng chứng cụ thể và sinh động nhất về kiến trúc cổ Sài Gòn từ đầu thế kỷ XX cho thế hệ tương lai, với hy vọng sẽ bảo tồn được di sản văn hóa dân tộc. 

 

TP.HCM được đánh giá là thành phố duy nhất ở Đông Nam Á có một di sản kiến trúc lâu đời như Thương xá Tax. Và các bộ phận đề xuất bảo tồn của Thương xá Tax có giá trị văn hóa, lịch sử lớn, đáng để lưu giữ không kém gì khu Siam Center của Thái Lan hay Chinatown của Singapore, nếu không nói là hơn.

Phương án bảo tồn được đề xuất gồm các giải pháp: Giữ nguyên trạng phần sảnh lobby chính cùng sàn lót gạch mosaic và cầu thang chính tại đúng vị trí của nó, và được tích hợp như một phần của toà nhà được xây mới thay thế. Giải pháp hai là tháo dỡ, di chuyển và giữ lại toàn bộ cầu thang và lobby sảnh chính. Nếu theo phương án này thì cần có thời gian và kỹ thuật, dụng cụ chuyên nghiệp để tháo dỡ. Sau đó, các bộ phận này có thể được tích hợp vào các công trình bảo tàng và tôn tạo khác một cách có hệ thống và chuyên nghiệp thay vì chỉ đập bỏ, chia nhỏ hay phân tán cho mỗi nơi một mẫu. Ông Tuấn nhấn mạnh, có thể tự đứng ra thu xếp nhân công và chi phí để thực hiện giải pháp này nhằm góp phần gìn giữ di sản văn hóa cho TP.HCM. Khoảng thời gian thực hiện dự kiến từ 15-20 ngày.

Giải pháp thứ ba là phục dựng lại phần mặt tiền của tòa nhà giống như nguyên bản lúc mới khánh thành.Giải pháp này vừa bảo tồn được công trình nghệ thuật quý hiếm, vừa đáp ứng được nhu cầu xây dựng khu trung tâm thương mại phức hợp nhiều tầng.Theo ông Tuấn, nhiều nước trên thế giới thường chọn giải pháp này.

Nhiều năm nghiên cứu về di sản văn hóa đô thị, PGS.TS Tôn Nữ Quỳnh Trân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đô thị và phát triển nhìn nhận, một khi bước vào sảnh chính của Thương xá Tax, du khách cảm nhận được một thế giới nghệ thuật hoành tráng, với vẻ đẹp hài hòa, thân thiện… mà chúng ta may mắn có được. Không những có giá trị về văn hóa tinh thần mà còn là “kho tàng” để phát triển du lịch, thương mại…

Bà Trân cảnh báo về bài học kinh nghiệm của Singapore, đã có thời kỳ nước này phá bỏ nhiều công trình kiến trúc cổ khiến du khách cảm thấy hụt hẫng. Đến khi nhận ra vấn đề, Singapore đã cho khôi phục lại và bảo tồn hàng loạt công trình kiến trúc cổ nhằm thu hút khách du lịch.

Ông Lê Tôn Thanh, PGĐ thường trực Sở VHTTDL TP.HCM cho biết, Thương xá Tax đã chính thức đóng cửa vào ngày 25.9 vừa qua. Sở đã chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc như Bảo tàng TP.HCM, Bảo tàng Mỹ thuật… phối hợp với Thương xá Tax khảo sát, chụp hình và nghiên cứu những nội dung cần bảo tồn để có cơ sở tham mưu lãnh đạo thành phố xem xét. Trong đó, lưu ý đến yếu tố đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

Trong một diễn biến khác, kiến trúc sư Trần Hữu Khoa cùng nhóm bạn trẻ tại TP.HCM đã lập trang: http://goo.gl/8fLbS6  nhằm kêu gọi mọi người ký tên ủng hộ bảo tồn Thương xá Tax, và đã có hơn 2.800 người ký tên ủng hộ. Tất các ý kiến sẽ được tập hợp và chuyển đến chính quyền thành phố biết ý nguyện của người dân về việc bảo tồn di sản văn hóa tại Thương xá Tax.

Hoàng Hải

  

nguồn:

http://www.baovanhoa.vn/chinhtrixahoi/67252.vho

 

 

© http://vietsciences.free.fr  Hoàng Hải    (10/10/2014)