Thương Xá TAX:

 

Vietsciences-  Trần Thị Vĩnh-Tường     21/12/2014
 

 

Từ bình Chu Đậu tới Mosaic Thương xá Tax:

Con Đường Hồi Lam

 

Vào buổi hoàng hôn của thương xá Tax, dư luận hay nhắc nhở đến yếu tố lịch sử và văn hóa của kiến trúc này, nhất là thảm gạch gốm Mosaic trên cầu thang dẫn lên lầu hai.  Nếu định nghĩa văn hóa là những gì còn lại khi những thứ cùng thời tan biến hết thì đồ gốm chính là “những gì còn lại” ấy. Về kinh tế đồ gốm cho biết mạng lưới buôn bán. Với ngành khảo cổ, đồ gốm như một ánh sáng rọi vào quá khứ. Với ngành lịch sử mỹ thuật đồ gốm viết lại những gì chính sử không ghi chép.

Thảm gạch gốm Mosaic không dính líu gì tới thời gian gần trăm năm thuộc địa Pháp, mà là một hành trình  nghệ thuật trải mấy ngàn năm từlưng lạc đà đến cánh buồm ngất ngư trên sóng cập bến Saigon,La perle de l'extrême-orient/Viên Ngọc Trai Viễn Đông.

Cho đến gần đây, Mosaic vẫn chỉ được coi là “gạch trang trí”. Hoàn toàn không phải như vậy! Từ hai ngàn năm trước Mosaic phản ảnh chỉ số thông minh, sức sáng tạo, sắp xếp tâm linh của loài người, tài nguyên thiên nhiên một vùng, sự thịnh vượng trong khu vực cùng đẳng cấp xã hội. Kiến trúc thế giới đều chen vào một mảng Mosaic, biểu tượng cho kiến thức, giàu sang hay quí tộc. Khảo cổ khai quật đượcc một miếng Mosaic, lập tức loan tin vui.Chưa bao giờ thế giới quăng bỏ một tác phẩm Mosaic cả.

 

Vua Trần và áo trắng

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, triều Trần từ đời vua thứ nhất Trần Thái Tông đến đời vua thứ năm Trần Minh Tông đều có tăng lữ người Hồ. Năm 1268 hai anh em vua Trần Thánh Tông vui đùa,  vua “múa kiểu người Hồ để xin áotrắng” mà Thượng Hoàng đang mặc, tức không phải áo tầm thường, có thể là áo quí tộc Hồ, quà dâng lên Thượng Hoàng.Năm 1311 vua Trần Anh Tông “Nhận con gái của nhà sư người Hồ là Đa La Thanh vào cung.Nhà sư sau mất ở Kinh sư”. Nhà sư Du Chi Bà Lam đã ở triều Trần từ thời vua Nhân Tông.Giai cấp tăng lữ còn trên cả vua, gả con gái cho vua, ảnh hưởng của ông chắc chắn không nhỏ. Người Hồthời gian đó là khối người  Ả Rập, Ba Tư, Ấn Độ…gồm tăng lữ và thương nhântheo Islam.Y phục vua Trần  màu vàng, theo Toàn Thư, năm 1314, “Khi sứ nhà Nguyên sang thăm, vua Trần Anh Tông mặc áo tràng bằng là màu vàng, đội mũ có thao, sứ giả khen là “nhẹ nhõm như người tiên”. Múa Hồ, áo trắng Hồ, cung phi người Hồ, tăng lữ Hồ… Suốt từ thời Sỹ Nhiếp tới thời Trần, yếu tố “người Hồ” bàng bạc nhưng vẫn là ẩn số trong nghiên cứu Việt Nam.

Ngày nay các ông vua Ả Rập vẫn giữ áo dài trắng. Lễ phục người Chăm, nhóm theo đạo Hồi, thiên về màu trắng (áo dài trắng, váy trắng) cho cả nam và nữ.  Người thợ cả/Maâlems trong hình dưới, áo dài trắng và giầy trắng màu quí tộc,coi lại tấm Mosaicđã ráp đang đợi khô.

 

(Tư liệu của Faissel Farhi, 11/10/2014, West Holywood, California)

 

Gạch Mosaic lót tường đời Lê

Nếu Phù Nam là xứ “Ấn Độ hoá” đầu tiên thì Majapahit là xứ “Ấn Độ hoá” cuối cùng ở Đông Nam Á có thêm văn hóa Islam. Tôn giáo Islam từ thế kỷ thứ 6 phát triển từ Cận Đông tới Phi Châu Á Châu.  Người Việt gọi chung là đạo Hồi-người Hồi. Majapahit (1293-1500), bây giờ là Indonesia, là khách hàng mua gốm Trần gốm Lê.Lần đầu và duy nhất, nghệ sĩ đời Lê thủ đắc kỹ thuật gạch lát tường Trắng-Men-Lamđóng góp vào vương quốc Majapahit. Khu đền đài đồ sộ 100km2 ở cố đô Trowulan hiện nay là di sản thế giới.Đền thờ Islam trang trí bên trong bằng gạch lót tường Đại Việt vẫn làm du khách kinh ngạc. Trowulan tìm được 300kg gạch lót tường gốm Lê. Gạch Lê ở đền Kudus trung tâm Java hiện nay vẫn là một địa điểm hành hương.

Viện bảo tàng Jali Mali 300.000m2sắp xây ở Bali trưng bày di tích của đế quốc Majapahit sẽ hoàn tất năm 2016,  có tới 30.000 cổ vật.  Thể nào cũng có gạch lát tường thời Lê.Nếu lưu giữ Mosaic Tax, viện bảo tàng hay đại học kiến trúc Saigon có thể mời Jali Mali qua thăm, cùng nhau so sánh kỹ thuật mỹ thuật gạchLê và gạch Mosaic Tax. Nếu có cổ vật trao đổi vớiviện bảo tàng Jali Mali được gạch Lê về trưng bày ở viện bảo tàng Saigon hay mở một ngành học mới cho sinh viên các ngành liên hệ, thì thật lý tưởng. Hơn thế, có thể phát triển thành kỹ nghệ gạch Mosaic lát tường hay sàn làm bằng tay theo họa tiết Islam cung cấp cho thế giới Islam vùng Đông Nam Á Hải Đảo hiếm đất sét. Indonesian là một thị trường hứa hẹn với 200 triệu dân theo Islam.

Bình Chu Đậu đời Lê

 

TK 13, Marco Polo viếng Trung Hoa, tả Màu Lam trên nền gốm trắng: “sau khi nung, lớp cobalt oxide xanh mướt dưới lớp men trong veo như thủy tinh”.  Tác giả Vương Hồng Sển dịch Hui Qing là Hồi Lam. Hui: Hồi, Qing: màu xanh, “men xanh của người Hồi”.  Quặng Cobalt chỉ tìm thấy ở thế giới Ả Rập. Hồi Lam làm từ Cobalt xuất cảng qua châu Âu châu Á, mắc hơn vàng. TK 13-17, qua Con Đường Tơ Lụa Trên Biển thương nhân người Hồ (Ả Rập, Ba Tư theo Islam)độc quyền cung cấp Hồi Lam cho các lò gốm triều đại Nguyên, Minh, Đại Việt, Vân Nam, Thái Lan. Ở triều Nguyên, Hồi Lam chỉ dùng độc quyền cho lò ngự dụng.

 

Ở Đại Việt, thương nhân Hồ cung cấp Hồi Lam cho Đại Việt đồng thời đặt hàng gốm xuất cảng.Nhờ thế mà gốm Đại Việt có mặt ở Phi Luật Tân, Indonesia và Trung Đông.

 

Bình Chu Đậu đời Lê đưọc chế tác trong hoàn cảnh này. Đó là món gốm Đại Việt đi xa nhất. Lâu đài của đế quốc Ottoman xây năm 1453 ở Istanbul, kinh đô xứ Thổ Nhĩ Kỳ, phần nhà bếp hồi xưa bây giờ là viện bảo tàng Topkapi. Ở đó, gốm Nhật có 730 miếng. Gốm Trung Hoa có 10.700 miếng. Gốm Việt chỉ có bình Chu Đậu

 

 

 

 

Bình gốm Chu Đậu thời Lê (54 x 28cm) có ghi dòng chữ Hán: “Thái Hòa bát

niên (1450), Nam Sách châu, tượng nhân Bùi thị hý bút”, vẽ hoa mẫu đơn bằng men Hồi Lam,

đang trưng bày ở Viện bảo tàng Topkapi (Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ).

 

Dù chỉ một, số phận bình Chu Đậu không phải tầm thường.Phiêu lưu 8.000 dặm khỏi nơi khai sinh, 500 năm kiên nhẫn trên kệ viện bảo tàng Topkapi, một hôm thức dậy cất tiếng nói thay cho một triều đại, một thời điểm, một tầng lớp nghệ sĩ, một phong trào di dân, một mạng lưới buôn bán. Mang trên vai chừng ấy “định mệnh”, bình Chu Đậu năm 1450 xứng đáng là “kiệt tác” trong dòng gốm Đại Việt. Bình Chu Đậu có định mệnh khá ly kỳ: Islam tặng cho Đại Việt kỹ thuật làm gốm Trắng-Men-Lam, món đẹp nhất của buổi bình minh ấy về lại lâu đài Topkapi như một kỷ niệm trở về.

Người Islam trân trọng lưu giữ bình Chu Đậu của Đại Việt, không lẽ người Việt Nam phá hủy Mosaic Islam?

 

Men Hồi Lam huyền bí ở Mosaic Tax

Ngày 11/10/2014, qua giới thiệu của người thầy cũ, tôi tới phòng trưng bày gạch Mosaic, Zellij Galleryở Holywood, gặp Faissel Farhi35 tuổi, người Maroc.Cha và ông nội Faissel được tôn là Maâlems do quá trình xây dựng đền đài dinh thự, tạo ảnh hưởng chính trị, kinh tế và tôn giáo nơi quí tộc kinh thành Fes, vương quốc Maroc. Đạt được danh hiệu Maâlems/thượng sư, người thợ cả làm gạch gốm Mosaic trải qua một quá trình khắt khe đòi hỏi kiến thức, kinh nghiệm, sự khéo tay và khả năng diễn tả được cái đẹp bí mật ẩn trong thiên nhiên.  Gạch lót tuờng Islam do đó không phải là một sản phẩm thương mại, mà một cuộc hành trình dài mấy ngàn năm tìm kiếm cái đẹp không vướng màu binh đao.

 

Sắc màu Mosaic Tax rất cổ điển.Màu vàng: màu da phụ nữ vùng Địa Trung Hải, cũng là màu nắng. Màu cát trắng sa mạc và xanh da trời là màu thiêng liêng của tộc du mục. Văn hóa Ả Rập, Ba Tư coi màu trắng là màu của toàn thiện và cao quí. Kinh Coran của Islam mặc trắng trong ngày phán xét.  Người Ai Cập xem màu xanh là thần thánh: màu nước mỗi năm ngập lụt một lần mang màu mỡ  cho đất đai hai bên bờ sông Nil.Màu xanh Turquoise tượng trưng cho niềm vui, cũng làtia mặt trời lúc bình minh.

 

Từ viên tesserae màu nâu nhạt,17x17x5mm, tróc ra từ Mosaic Tax, Faissel nhận ra đây chính là đất sét từ kinh thành Fes.Men xanh thẫm trên sáu mươi bậc thang cũng từ quặng Cobalt từ núi Fes.Động Mogao ở thành phố Đôn Hoàng có 492 ngôi đền, trải dài 25km trên Con Đường Tơ Lụa, bích họa tượng Phật và các thần linh tô bằng Men Hồi-Lam tới giờ này vẫn không phai dù đã ngàn năm. Ở Pháp, năm 1880 Renoir vẽ bức tranh Những Cây Dù/Les Parapluies bằng MenLam nhân tạo màu xanh tối hù, vì Men Lam thật quá mắc và xa xôi.  Mosaic và cầu thang Tax được tráng bằng Men Hồi-Lam thiên nhiên ởFes, mầu xanh thẫmnhư một vùng biển. Chỉ riêng điều này đã khiến Mosaic là bảo vật, thế giới không có tấm thứ hai.

 

Dona Đỗ Ngọc, Con gà và cầu thang ở thương xá Tax

http://donadongoc.blogspot.com/2014/08/con-ga-va-cau-thang-o-thuong-xa-tax.html

 

 

“Con Đường Hồi Lam”, “Con ĐườngTơ Lụa Trên Biển”… một lần biến vùng Đông Nam Á thành chuyện “Ngàn Lẻ… Nhiều Đêm”. Bình Chu Đậu, gạch lát Lê, thảm gạch Mosaic Tax là chứng nhân dõng dạc giúp thế giới nhận diện được Việt Nam trong hành trình đó.Việt Nam được hân hạnh dự phần ở một góc Địa Đàng nhưng chưa nhận diện được chính mình vì dòng sống hối hả nuốt vội vàng những ước mơ chưa đạt.Nếu giữ lại Mosaic Tax, Việt Nam xứng đáng là một thương trạm của “Con đường tơ lụa trên biển”mà người Việt là đồng tác nhân, không để cho Trung Quốc giành quyền độc chiếm “Con Đường Tơ Lụa Trên Biển” mà họ đang ủ mưu tính kế.  Lúc đó, Việt Nam sẽ đứng ra “Kỷ Niệm Con Đường Tơ Lụa Trên Biển”, mời gọi tất cả những đối tác liên quan cùng nhau nhắc một giai đoạn lịch sử huy hoàng khi nhân loại chia sẻ đôi khoảng khắc hòa bình.

 

Chúc Mosaic ở lại với nhân gian!

 

 

Trần Thị Vĩnh-Tường

10/29/2014

------------

Tham khảo:

 

Kamleh,Elise, “A Piece of a Ceramic Puzzle: A Fifteenth Century Vietnamese Wall Tile from Java in the. Collection of the Art Gallery of South Australia”

http://digital.library.adelaide.edu.au/theses/09ARAHM/09arahmk156.pdf

 

http://www.southeastasianarchaeology.com/2014/10/31/majapahit-museum-to-be-built-in-bali/

 

Đại Việt Sử Ký Toàn Thư,  NXB VHTT, Hà Nội 2004

 

nguồn:

Tạp Chí Phát Triển Kinh Tế Xã Hội Đà Nẵng, Số 59. Tháng 11/2014.

Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng

 

© http://vietsciences.free.fr  Trần Thị Vĩnh-Tường 10/29/2014