Thương Xá TAX:

 

Vietsciences-  Trần Thị Vĩnh-Tường      21/12/2014
 

 

Kỷ niệm Thương xá Tax đúng 90 tuổi

 

Hòn Ngọc Viễn Đông hay Hạt Trai Viễn Đông?

Theo bản tin số 25 của cơ sở nghiên cứu Images & Mémoires, tên “Saigon”bắt nguồn từ một loại cây  bản địa, “Bois des kapokiers” tức “Rừng cây Bông Goòng

Người Pháp gọi Saigon là La perle de l'extrême-orient. Perle là Hạt Trai. Châu Âu không có hạt trai.Thời nữ hoàng Victoria nước Anh hạt trai chỉ dành cho hoàng gia và quí tộc, người thường đeo bị chém đầu.  Năm 1859, người Pháp chiếm vùng Gia Định. Năm 1912, người Pháp  chính thức bảo hộ ba xứ Maroc, Algérie và Tunisie đầy ắp tài nguyên và chiếm vị trí chiến lược hàng hải.  Người Pháp gọi  thị xã Saïdia, biên giới hai nước Maroc-Algeria, là “la Perle Bleue/Hạt Trai Xanh”, vì nằm dựa ngay biển Địa Trung Hải xanh biếc. Có lẽ vì vậy người Pháp cũng đặt tên vùng Saigon là Hạt Trai, ghi nhận sự chiến thắng của đế quốc Pháp trải từ Bắc Phi tới Viễn Đông.

  Người Saigon yêu ngọc, chữ “ngọc” ban đầu ám chỉ ngọc bích hay cẩm thạch tức “viên đá màu xanh xanh”.  “Ngọc” lần lần được dùng làm danh từ chung gọi các vật liệu quí hiếm làm nữ trang,  gọi lu bù ngọc sapphire ngọc ruby ngọc trai...  không phân biệt hạt Trai là chất hữu cơ,  còn Sapphire  Ruby Diamond Jadeite là khoáng chất. Người Việt gọi Saigon là Hòn Ngọc Viễn Đông và tên Ngọc Trai Viễn Đông biến mất.

 

Đường Charner trước 1887

Năm 1859, Kênh Chợ Vải từ sông Saigon dẫn vào thành Gia Định.  Hai bên kênh có hai đường:  bên trái là đường Rigault de Genouilly, bên phải là đường Quảng Đông (Rue de Canton, vì đa số cư dân buôn bán người Quảng Đông). Tàu bè hàng hóa vận chuyển tới chợ Charner rất  tấp nập nên Kênh bị ô nhiễm tới mức cư  dân yêu cầu phải lấp.  Năm 1887, nguời Pháp lấp con Kênh sau 20 năm tranh cãi, làm thành đường Charner, người Việt gọi là đường Kinh Lấp. Tới năm 1956, mới đổi tên là Nguyễn Huệ.

 

Ảnh của Emile Gsell, năm 1882

Kênh Chợ Vải, cuối đường chính là vị trí Toà Đô Chính lúc đó chưa có.

Tòa Đô Chính (nay là Ủy ban Nhân Dân) khởi công từ 1898, khánh thành năm 1909.

Kênh Chợ Vải đang lấp thành đường dài 700m ngang 40m. Thợ lấy sức người kéo bánh xe cán đất cho phẳng trước khi trải nhựa. Theo nón lá đội đầu thì đây là người Việt. Nón lá người Hoa cũng rộng vành nhưng chính giữa có chóp rất nhọn. Ảnh ghi rõ: “Đường Charner đang sửa chữa  - Tiến trình thế kỷ XX”.

 

Thương xá Tax có từ bao giờ?

Mọi  truy tầm tìm “bản thiết kế” của Grand  Magasin Charner ở thư viện quốc gia Pháp đều vô vọng.  Điều đơn giản có lẽ vì Charner là của tư nhân, công ty “l'Union Commerciale Indochinoise et Africaine/Tổ hợp Thương Mãi Đông Dương và người Phi Châu".  Theo tờ Les Potins de Paris,  Charner xây trong hai năm rưỡi, khánh thánh cuối tháng 11/1924, "Le Grand Magasin, dont la construction était entreprise depuis deux ans et demi à Saigon, a été inauguré fin novembre dernier en plein succès."

 

Bản Tin số 25 kể rõ lai lịch ngày xây dựng ngày khánh thành những kiến trúc của chính phủ, như  đường Catinat (tức Tự Do), nhà thờ Đức Bà, Bưu Điện, dinh Norodom (dinh Độc Lập), Sở thú, đường Bonard (tức Lê Lợi), rạp hát thành phố (Quốc Hội), Hôtel de Ville (tức Toà Đô Chính), Banque d’Indochine...Riêng đường Charner, bản tin cũng có ảnh con rạch chợ Vải,  tuyệt đối không nói về cửa hàng Grand Magasin Charner, chứng tỏ Charner không thuộc chính phủ nên không nhắc tới.

 

Theo tác giả Nguyễn Đức Hiệp ...”Thông tin từ các bài vở và báo chí gần đây thì lịch sử tòa nhà thương xá Tax là có từ năm 1880 tức là cách đây 134 năm. Thông tin này các bài đều lập lại lẫn nhau. Nhưng thật ra tư liệu từ nguồn tiếng Pháp tìm được ở Thư viện quốc gia Pháp cho biết là tòa nhà Grand Magasin Charner chỉ có từ năm 1924 sau khi khánh thành ngày 26/11/1924.  Anh Tim Doling, nhà nghiên cứu về lịch sử Saigon-Chơ Lớn, cho biết thông tin sai lầm “1880” là do công ty “Société Coloniale des Grands Magasins” sở hữu GMC không biết rõ quá khứ và không giữ các hồ sơ của mình đã sai lầm đưa ra thông tin là tòa nhà thương xá GMC, ở số 135 Boulevard Charner, đã có từ năm 1880.”Tim Doling, sử gia người Anh đang sống ở Saigon, chuyên về thời Trung Cổ Âu Châu, trải cuộc đời dài theo những mảng văn hoá từ châu Á-châu Phi đến châu Âu....Ông ở Saigon từ những năm 1990.

Tác giả  Xavier Guillaume ghi ngày khánh thành là 27/11/1924. Đúng ra ngày khánh thành là 26/11/1924,còn  ngày 27/11/1924 là ngày báo Écho Annamite tường thuật buổi khánh thành “Một trong những mảnh đất trong mơ của Ngàn Lẻ Một Đêm...”Tựu chung không tài liệu nào cho con số “1880”.

 

Theo wiki, nhà thờ Đức Bà ...“hiện nay, trên bệ phía trên, bên trong cửa ra vào nhà thờ, có chiếc bảng cẩm thạch gắn trong hành lang (transept) ghi ngày khởi công, ngày khánh thành và tên vị công trình sư.” Kiến trúc nào của ngoại quốc cũng có ghi chép tương tự. Tax chắc chắn cũng có tấm bảng lẫn đâu đó mà thôi, các bạn sinh viên kiến trúc kiếm kỹ có thể thấy.

 

Công ty Gensler

Theo tin trên tờ Saigontimes,  “Công ty Gensler and Associates International Ltd. của Mỹ đã được chọn làm đơn vị thiết kế chính của dự án”. Gensler có trụ sở chính ở San Francisco, Hoa Kỳ, có văn phòng ở 43 thành phố và 14 quốc gia. Năm 2000 Gensler đoạt giải thưởng Architecture Firm Award cao quí nhất của ngành kiến trúc Hoa Kỳ trong xây dựng những công trình kiến trúc độc đáo ở cả nội địa và nước ngoài như Shanghai Tower ở Thượng Hải, Duke Kunshan University ở Trung Hoa, Facebook ở Anh, Ritz-Carlton Hotel ở Dubai, The Avenues-Phase 3 ở Kuwait. Cần mở một dấu ngoặc, từ hàng ngàn năm người Islam vô địch về kiến trúc khó khăn thách thức kiến thức, tầm nhìn và kiên nhẫn, lần này hai thành phố Islam là Kuwait và Dubai đã nhờ tới Gensler. Cũng lưu ý, vòm trần cao đặc trưng  cho niềm tin Islam cũng được bảo lưu ở thương xá Avenues-Phase, nhưng rất tân kỳ với dàn đèn đổi nhiều mầu mỗi vài giây.

 

Thương xá  Avenues - Phase 3, chiếm 85.935 m2 ở thành phố Kuwait.

 

Cuối tháng 11-2014, Gensler sẽ nộp bản "thiết kế/master plan" cho cơ quan nhà nước chờ phê duyệt. Có còn kịp đề nghị Gensler phục hồi hình dáng Grand Magasin Charner như buổi ban đầu với vòm trần cao, cầu thang và những mảnh Mosaic?

 

Grand Magasin Charner xây năm 1880 hay 1922 có quan trọng gì không?

Trong phép định niên đại đồ trân ngoạn, ví dụ như gốm, không thể xê xích quá 10 năm cho 500 năm. Nay Charner may mắn còn tài liệu tiếng Pháp ghi chép, không có lý do gì ghi sai tới 44 năm. Một cô dâu 18 tuổi khác với cô dâu 81 tuổi, tuy không phải là biệt lệ nhưng khó như lạc đà chui qua lỗ kim. Trước khi chữa bệnh, bác sĩ phải biết bệnh nhân bao nhiêu tuổi. Gensler cần biết tuổi thật của Thương xá Tax là 134 hay 90 tuổi trước khi lên lịch trình xoá bỏ, thiết kế, bảo tồn, xây cất.

Mỹ Thuật” là điều còn xa lạ với người Việt vì chiến tranh liên miên. Quan đại thần Nguyễn Trãi tâu vua Lê “Xin bỏ vũ khí qua bên. Đã tới lúc tôn vinh nghệ thuật”. Bẩy trăm năm sau, thế giới nghe lời ông nhắn ra sức dựng lại những gì bị tàn phá.

Chúc thương xá Tax bình yên!

 

Trần Thị Vĩnh-Tường

California, 11/16/2014

------------

Tham khảo

 

Nguyễn Đức Hiệp, Thương xá Tax – khởi đầu và kết thúc

http://www1.thesaigontimes.vn/119678/Thuong-xa-Tax-%E2%80%93-khoi-dau-va-ket-thuc.html

 

Vũ Yến,  Đã có nhà tư vấn thiết kế Thương xá Tax mới

http://www.thesaigontimes.vn/120869/Da-co-nha-tu-van-thiet-ke-Thuong-xa-Tax-moi.html

 

Marie Odile Boyer, Bulletin #25 (Images & Mémoires là một cơ sở nghiên cứu tư nhân thành lập năm 1970, thành phần gồm giới nhân chủng, sử gia, nhiếp ảnh gia...)

http://www.imagesetmemoires.com/doc/Articles/B25_saigon_p_9-16.pdf

 

http://dcvonline.net/2014/01/28/lich-su-duong-nguyen-hue/,nguồn flickr.com/manhhai


gallica.bnf.fr/ark:/12148/bpt6k5559259p/f18.image

 

Chú thích

1.  Sơ Đồ các tầng ở Tax, ghi ở đây lỡ mai sau có ai tìm lại

http://www.thuongxatax.com.vn/Bai-viet/Gioi-thieu/So-do-cac-tang,254,chi-tiet.html

 

2.  Đã nhờ tìm ở thư  viện quốc gia Paris, mọi  truy tầm giấy tờ "khai sanh" của Grands  Magasins Charner,  tức thương xá Tax, đều vô vọng.  Điều đơn giản có lẽ vì Charner là của tư  nhân không phải của chính phủ thuộc địa, công ty  "l'Union Commerciale Indochinoise et Africaine/Tổ hợp Thương Mãi Đông Dương và người Phi Châu".
 
Xin tham khảo:

Xavier Guillaume, La Terre du Dragon Tome 1, page 29


http://books.google.fr/books? id=92swPSNgnycC&pg=PA29&lpg=PA29&ots=93xpfgBMni&focus=viewport&dq=t+ax+charner&hl=fr&output=html_text

http://gallica.bnf.fr/Search?ArianeWireIndex=index&q=grands+magasins+Charner+Saigon+vietnam&lang=EN&n=15&isSearch=false&p=1&f_century=20

http://www.imagesetmemoires.com/doc/Articles/B25_saigon_p_9-16.pdf

 

 

© http://vietsciences.free.fr  Trần Thị Vĩnh-Tường 11/16/2014