Thương Xá TAX:

 

Vietsciences-  Trần Thị Vĩnh-Tường      21/12/2014
 

 

Hàng Cây Sè Goòng,

Bức tranh “Còn Đó Chứng Nhân”

 

17.11.2014 Saigon 2014 với dân số trên 10 triệu người, “mở mang và bảo tồn” là hai mặt của vấn đề mà nhiều khi kỹ thuật tân kỳ không giải quyết nổi. Đó là kỷ niệm về những hàng cây, thương xá, căn nhà…

Lịch sử Sè Goòng ghi dấu từ một loài cây. Theo bản tin số 25 của cơ sở nghiên cứu Images & Mémoires, tên “Saigon” bắt nguồn từ một loại cây bản địa “Bois des kapokiers” tức “Rừng cây Bông Goòng”. Sè Goòng những năm 1960 nhiều cây bông goòng khi trái già bông bay đầy trẻ con nhặt mang về làm gối ôm nguời miền khác ghé Sè Goòng thấy thiếu nữ ngủ ôm gối lấy làm chướng nhưng không có gì chướng cả. Tuy vậy Sè Goòng hồi nào tới giờ không có biểu tượng lưu giữ cây bông goòng cả.Quận Cam/Orange County ở California lấy biểu tượng là trái cam, Canada chọn lá phong làm quốc huy trên cờ quốc gia.

Hổng lẽ người Sè Goòng không quí những gì mình có? Quí chứ! Nhưng thường sắp mất mới khóc.Chữ nghĩa trên báo chí, trên facebook phảng phất hồn ma. Một ý ai oán có thể trong nhóm thi công sẽ giựt sập thương xá Tax “Chẳng lẽ mình lại là kẻ tội đồ tự phá hủy thành phố thân yêu”…”Vĩnh biệt hàng cây cổ thụ trên đường Tôn Đức Thắng… Cây cũng sống, sống với mấy đời kiếp. Chém nó đi là chém nhiều kiếp đời sau trước… Hoài niệm với hàng cây 100 tuổi giữa Sài Gòn sắp bị đốn hạ… Yêu Sài Gòn có những hàng cây trăm tuổi… Người dân Sài Gòn và nhiều du khách tiếc nuối khi nhiều cây cổ thụ trước Nhà hát TP.HCM bị đốn hạ để chuẩn bị cho việc thi công nhà ga ngầm của tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên)…” Nguời Sè Goòng lúc này ngon lành hết biết, kêu gọi ký petition “Hàng cây trên đường Nguyễn Huệ đã không còn, đừng chần chờ nữa, hãy cùng chúng tôi ký tên bảo vệ từng cái cây một còn lại trên đường phố Sài Gòn” http://www.happytreeinsaigon.com.


Hàng cây đang bị chặt – có tên cây ngồ ngộ: dầu, sao đen, bò cạp, sọ khỉ, xà cừ, chò nâu – theo tờ Báo Mới, Sở Giao thông thành phố cho biết “…trong hơn 270 cây xanh bị ảnh hưởng bởi dự án thì trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1) sẽ có 84 cây, trong đó 63 cây có đường kính từ 80 cm trở lên bị đốn hạ, 37 cây di dời và cố giữ lại 151 cây…Dự kiến trong quá trình đốn bỏ cây sọ khỉ sẽ trồng bằng lăng thay thế dần…” Người Sè Goòng bình tĩnh, thủng thẳng Bằng Lăng sẽ cho bông màu cà màu tím tha hồ làm thơ.80 năm nữa Bằng Lăng sẽ cho Sè Goòng bóng mát.

http://www.thesaigontimes.vn/122593/Vinh-biet-hang-cay-co-thu-tren-duong-Ton-Duc-Thang.html

Công Thành, kiến trúc sư 24 tuổi người Saigon, chia sẻ …”Tuy hàng cây đã mất đi nhưng với tôi và những người yêu Sài Gòn vẫn còn một thứ gì đó đọng mãi trong kí ức mỗi khi nhớ về…Dù hình ảnh hàng cây rợp bóng không còn nhưng vẫn luôn hiện diện một nỗi buồn chôn kín, tiềm ẩn mãi trong lòng đất ở chốn này…Một nỗi buồn và bao nỗi buồn khác về sự mất mát dần của một nền văn hoá đang bị cơn lốc của thời đại nhấn chìm…” Công Thành nhẹ nhàng biến u uẩn thành nét vẽ trong tấm tranh “Còn Đó Chứng Nhân”, không quá gây cấn như Guernica của Picasso dù cả hai bức tranh có chung một ý: ghi cảnh hấp hối của thành phố bị chôn vùi.

Trong “Còn Đó Chứng Nhân”, lời nhắn của “Cây Dạng Người” trối rằng dù bị cưa nghiến nát phần trên mặt đất lấy chỗ cho con quái vật Métro phăng phăng xấn tới nuốt trọn những sinh vật bé mọn trên đường, thì phần linh hồn của cây vẫn sống mãi ở đó để thấy những gì sẽ diễn ra. Mặt đất trơn tru như chẳng có gì nhưng dưói lòng đất ngổn ngang hàng hàng lớp lớp thế hệ bao chủng người.Cây bên phải đầu gục, cây bên trái khóc ôm gối lê lết cơ thể bị cắt cụt một phần. Chung quanh cây là kí ức vụn vặt của dòng đời Sè Goòng từ thưở bình minh 300 năm đọng lại, người Mạ, người Stieng, người Hoa. người Việt…Khóc hay cười hay mếu, ai cũng góp phần ở đó.

Cái đầu
Cái lò cũ
Cuốn sách
Trái chò nâu
Mấy cái xương
Con chó bị đòn
Mấy cái nôm cá
Người kéo xích lô

Từ nay, bộ hành dang nắng cháy da, công nhân không còn bóng mát ăn trưa, trẻ con hết trái chò nâu quăng lên trời cho bay xuống xoay xoay. Tranh của Công Thành không phải để treo tường!

Còn Đó Chứng Nhân, họa sĩ Công Thành, thể loại “Line Art”, mực đen giấy trắng, 21x29cm, Saigon 2014

Bức Guernica của Picasso nghiến răng vượt lên trên tiêu chuẩn thưởng thức, vứt hết cân xứng/sắc màu/tỷ lệ….vào thùng rác. Người ta dẫy đành đạch dưới mưa bom. Đầu cụt, thân gẫy tung toé, mẹ bồng xác con, đứa nhỏ như con búp bê rẻ rách. Sống hay chết, bò hay người cũng ngoạc mồm gào thét…Bức tranh lưu lại cho người Tây ban Nha góc lịch sử hoang tàn trong cơn nội chiến 1937 khi thành phố Guernica hiền hòa xinh đẹp như một giỏ hoa ven biển Atlantic, đang hấp hối dưới làn bom Đức, Ý ngày 26 4/1937. Người ta ghét Picasso lúc đó! Sao không tô vẽ cô nàng gypsie xinh đẹp ròn tan xoay tròn điệu Flamenco hay ông hoàng bà chúa nhung gấm huy hoàng? Mắc chứng gì chống tay xỉa mặt cả xứ Tây ban Nha mà hỏi “nội chiến để được gì?” Nhưng từ đó, người Tây Ban Nha chỉ cãi nhau không dám wýnh nhau. Tranh của Picasso cũng không phải để treo tường!

Guernica, Pablo Picasso, 1937, Tranh sơn dầu, 349×776 cm, Museo Reina Sofia, Madrid, Spain

Thờ cây cỏ là tín ngưỡng rất xưa của nhiều tộc người. Niềm tin cho rằng cây cối có linh hồn, là nơi trú ẩn của tổ tiên ở đó che chở ban phát ơn lộc cho cư dân. Lá Soma của Hindu, cây Bồ Đề trong Phật giáo, Bà Chúa Liễu Hạnh của Bắc Việt, Cây Kiến Thức mà biểu tượng là trái táo trong Do Thái giáo và Ki-tô giáo…
Chặt cây giống như tự thắt cổ, thắt bằng khăn lụa hay dây thừng thì cũng chết như nhau.

Trần Thị Vĩnh-Tường
04/11/2014

———
Marie Odile Boyer, Bulletin #25 (Images & Mémoires là một cơ sở nghiên cứu tư nhân thành lập năm 1970, thành phần gồm giới nhân chủng, sử gia, nhiếp ảnh gia…)

http://www.imagesetmemoires.com/doc/Articles/B25_saigon_p_9-16.pdf

http://www.baomoi.com/Nhung-hang-cay-tuyet-dep-cua-Sai-Gon-sap-bi-don-ha/148/14953581.epi

 

nguồn:

http://khoahocnet.com/2014/11/17/tran-thi-vinh-tuong-hang-cay-se-goong-buc-tranh-con-do-chung-nhan/

 

 

© http://vietsciences.free.fr  Trần Thị Vĩnh-Tường 04/11/2014