Vương quốc Bỉ- Trái tim của Châu Âu

Vietsciences- Nguyễn Lân Dũng       24/09/2007

 

Những bài cùng tác giả

 

Drapeau de la BelgiqueArmoiries de la Belgique

Ngôn ngữ chính thức: Pháp, Đức, Hà lan

Thủ đô: Bruxelles

Tỉnh lớn nhất: Anvers, Gand, Charleroi, Liège, Bruxelles, Bruges, Namur

Nền quân chủ lập hiến
- Vua: Albert II
- Thủ tướng: Guy Verhofstadt



Diện tích:
- Toàn phần: 30 528 km²
- Nước (%) :6,20%
Xếp hạng thứ 135

Dân số:
- Toàn phần (2007): 10 584 534
- Mật độ: 346 dân./km²
Xếp hạng thứ 77

Độc lập được
- tuyên bố 1830
- công nhận 1839

Những nước lân cận: Allemagne, France, , Pays-Bas Đức, Pháp, Luxembourg, Hoà lan

Người: Bỉ

Phát triển dân số: hạng 13

Tiền: Euro (EUR)

Múi giờ: UTC +1 (mùa Hè +2)

Quốc ca: La Brabançonne

Domain internet: .be

Mã số điện thoại: 32

Vietsciences (Theo fr.Wikipédia)

            Bước vào sân bay Brussels mọi người thấy ngay biểu ngữ Chào mừng các bạn đến với Trái tim Châu Âu. Nhìn trên bản đồ thấy Vương quốc Bỉ rất nhỏ, nằm ở phần giữa Châu Âu nhưng lệch về bên trái, tiếp giáp với Pháp, Đức, Hà Lan và Luxembourg. Cũng nhiểu người gọi Vương quốc Bỉ là Ngã tư của Châu Âu. Thật ra với ý nghĩa Trái tim Châu Âu chính là do tại Bỉ có các cơ quan đầu não của Liên hiệp Châu Âu (EU) , của Cộng đồng kinh tế Châu Âu (EEC), của Tổ chức Minh ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)...

          Sân bay hoành tráng, thủ đô Brussels cổ kính (1 750 600 dân), các thành phố khác rất hấp dẫn du khách như Antwerp (952 600 dân), Gent (226 900 dân) Charteroi (201 200 dân), Liège (185 700 dân), Bruges (117 200 dân) đã thu hút hàng năm một số lượng rất đông du khách thập phương.

          Trước hết phải nói đến các phương tiện giao thông đến Bỉ quá thuận lợi. Hầu như mọi người đều có thể bay đến Brussels qua các hệ thống hàng không liên kết với nhau. Từ Việt Nam có thể bay thẳng dến Frankfurt ( hay chuyển tiếp ở Bangkok) rồi bay tiếp sang Brussels. Xe lửa cao tốc đến từ Pháp, Đức, Hà Lan… giá không quá cao. Đã có visa vào Bỉ rồi thì có thể đi thăm khắp các nước EU mà không cần xin visa (trừ Anh và vài nước mới gia nhập EU). Một đất nước có diện tích rất nhỏ (30 528km2) với dân số chỉ có 10 392 226 người (điều tra tháng 7-2007) vậy mà có tới 43 sân bay (!) ,3 536km đường sắt , 2 043km đường thủy và 150 567km đường bộ. Đi ô tô trên khắp nước này tôi thường thấy đồng hồ chỉ trên 130km giờ nhưng lại hầu như không có tai nạn vì phần lớn là đường cao tốc rất rộng, hai chiều riêng biệt và không hề có ngã ba, ngã tư nào hết.

         Trong thành phố và ngay trên các quốc lộ hầu như không có bóng xe máy (trừ vài loại phân khối cao đi nhanh hơn cả ô tô) và rất nhiều con đường trong thành phố chỉ dành riêng cho người đi bộ.

Một GS người Bỉ đã từng sang Việt Nam cho biết ông vô cùng ngạc nhiên vì thấy ở các chỗ ngã tư có vạch dành cho người đi bộ mà vẫn thấy nhiều xe máy ngang nhiên vượt qua ngay cả khi có tín hiệu đèn đỏ (!). Tôi nghe nói thế mà thấy xấu hổ quá ! Tại Bỉ tôi thấy dù đang có đèn xanh nhưng nếu thấy có người đi bộ đi qua đường với các vạch sơn trắng thì các xe vẫn đều dừng lại (!) .Riêng ở thành phố Đại học Gent thì lại thấy quá nhiều xe đạp. Sinh viên hầu hết đều đi xe đạp trên phần vỉa hè dành cho xe đạp (vỉa hè có hai phần rõ rệt cho người đi bộ và người đi xe đạp!).

          Thu nhập bình quân đầu người (PPP) ở Bỉ là khoảng 33 000 USD (2006). Tại sao họ lại giàu như vậy? Lực lượng lao động chỉ có 4,89 triệu người (2006) vậy mà GDP toàn quốc cao tới 369,6 tỷ USD. Chắc chắn thu nhập chính không phải từ nông nghiệp, mặc dầu trên đường đi giữa các tỉnh tôi thấy những cánh đồng rộng lớn trồng lúa mỳ, củ cải đường, rau xanh, hoa quả, thuốc lá hoặc chăn nuôi bò sữa, lợn...Trong GDP nông nghiệp chỉ chiếm 1%, công nghiệp là 24% còn dịch vụ lên đến 74,9% (2005).

          Vương quốc Bỉ có rất nhiều khu công nghiệp hiện đại , nhất là các khu công nghiệp hóa học ở gần cảng Anvers, các khu công nghiệp thép ở Wallonie. Bỉ cũng rất nổi tiếng về công nghiệp sản xuất ô tô, công nghệ chế tác kim cương, công nghiệp thực phẩm (nhất là đặc sản sôcôla ngon nổi tiếng thế giớinhiều loại bia khác nhau)...Bỉ là nước đã chuyển hóa rác thành điện năng thông qua quá trình lên men methane trên quy mô công nghiêp.

          Rõ ràng Vương quốc Bỉ giàu có chủ yếu nhờ các loại dịch vụ - các cơ quan quốc tế, các hội thảo khoa học , các hoạt động tài chính, các hình thức đào tạo, các tuyến du lịch...

          Riêng về dịch vụ đào tạo Cao đẳng và Đại học ở Bỉ cũng thật hấp dẫn đối với sinh viên và nghiên cứu sinh khắp thế giới. Có các trường Đại học nổi tiếng dạy bằng tiếng Pháp như ĐH Libre de Bruxelles, ĐH Liège, ĐH Catholique de Louvain-la-Neuve, ĐH Mons-Hainaut...Các trường ĐH nổi tiếng dạy bằng tiếng Anh như Leuven University, Gent University... Tôi thật sự ngỡ ngàng khi thăm Đại học Liège và Đại học Gent. Có thể coi cơ sở của các Đại học này chiếm khắp nơi ở gần hết khắp thành phố. Các giáo sư thật sự là các nhà bác học. Họ phát minh ra sản phẩm mới, sau đó mở Công ty, mở Phân xưởng để sản xuất ngay sản phẩm mà chính mình phát minh ra.  Hàng hóa làm ra toàn là các sản phẩm công nghệ cao , vì vậy các xưởng sản xuất đều rất nhỏ, với các thiết bị rất hiện đại nhưng gọn nhẹ và chỉ có vài người vận hành (!). Các sản phẩm hoặc bán sản phẩm này được cung cấp cho các hãng thương mại nổi tiếng trên khắp thế giới.

Trong xí nghiệp của một giáo sư ở Đại học Liège.

          Về du lịch thì thật là đa dạng và phong phú. Không gian xanh cực đẹp tại mọi công viên .

Rất nhiều công trình kiến trúc cổ có giá trị vĩnh hằng.

 Có một bức tượng bằng đồng mà mọi người đều cố chen vào sờ một cái để lấy may mắn.

         

 

Bức tượng đứa bé đứng tiểu tiện cũng là nơi không ai không muốn có ảnh lưu niệm.

 Hình ảnh công thức phân tử của thép cũng được coi là một biểu tượng như tháp Eiffel ở Pháp.

          Nước ta lập quan hệ ngoại giao với Vương quốc Bỉ từ ngày 22-3-1973. Quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước không ngừng phát triển. Bỉ là nước đầu tiên xóa nợ cho nước ta và luôn dẫn đầu trong việc ủng hộ Việt Nam giải quyết nợ nần với các nước và các tổ chức quốc tế. Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, công nghiệp, kỹ thuật giữa Việt Nam và Bỉ được ký vào tháng 10 năm 1977  đã đặt nền móng cho quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển. Là nước duy nhất ở Châu Á nhận được sự hỗ trợ phát triển của Bỉ và chúng ta đã sử dụng rất có hiệu quả những sự trợ giúp quý giá này . Từ năm1993 đến nay Bỉ đã dành cho Việt Nam 120 triệu Euro , trong đó có 80 triệu là viện trợ không hoàn lại và 40 triệu là tín dụng ưu đãi. Gần đây nhất Bỉ đã cam kết viện trợ cho Việt Nam 32 triệu Euro cho giai đoạn 2007-2010. Bỉ là thị trường lớn thứ 4 trong EU về nhập khẩu hàng hóa của nước ta và đứng thứ 5 trong số các nước xuất khẩu sang Việt Nam. Năm 2006 kim ngạch song phương đã đạt tới gần 1 tỷ USD. Bỉ đứng thứ 7 trong các nước EU có đầu tư vào Việt Nam và đứng thứ 29 trong số 74 nước và vùng lãnh thổ đang có đầu tư vào Việt Nam. Tính đến tháng 10-2006 Bỉ có tới 27 dự án đầu tư ở nước ta với số vốn đăng ký tới 80 triệu USD. Trong 4 năm gần đây thương mại giữa Việt Nam và Bỉ tăng hàng năm gần 20% và giữa Việt Nam với EU tăng hàng năm 15-20%. Nhiều hợp tác về giáo dục và văn hóa càng ngày càng mở rộng. Rất nhiều nghiên cứu sinh thạc sĩ và tiến sĩ Việt Nam đã và đang được đào tạo với chất lượng cao tại các trường Đại học lớn nhất của Bỉ. Trong chuyến công tác vừa qua Viện Vi sinh vật học và Công nghệ sinh học (ĐH QG Hà Nội) của chúng tôi đã đạt được hai thỏa thuận quan trọng với Đại học Liège. Đó là về việc mở lớp đào tạo Thạc sĩ Công nghệ sinh học do các GS Bỉ đảm nhiệm ngay tại Hà Nội và việc cùng sản xuất tại Hà Nội một số sản phẩm Công nghệ sinh học có giá trị cao.

          Với một nước có diện tích nhỏ hơn nước ta trên 10 lần và với dân số ít hơn nước ta trên 8 lần, kinh nghiệm phát triển kinh tế xã hội của Vương quốc Bỉ rất đáng để chúng ta nghiên cứu và học hỏi. Chúng ta cũng rất cảm động trước sự nhiệt tình ủng hộ và hỗ trợ thiết thực cho nhân dân ta của nhân dân Bỉ, trong đó có cả cộng đồng 13 000 Việt kiều Việt Nam đang sinh sống tại Bỉ. Trong những năm qua cộng đồng Việt kiều tại Bỉ đã ủng hộ nhân dân ta trên 40 000 Euro để giúp đỡ xây dựng bệnh xá, trường học và giúp đỡ cho các nạn nhân chất độc da cam và đồng bào bị thiên tai, lũ lụt.

          Nhẽ nào khi có dịp tới châu Âu mà bạn lại không tranh thủ ghé thăm Trái tim của châu lục này?

 

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org  Nguyễn Lân Dũng