Cuộc chiến chống khủng bố: Hoa Kỳ và Nam Á

Vietsciences- Nguyễn Trường         28/02/2009 

 

Những bài cùng tác giả

 

Sau lời hứa sẽ rút khỏi Iraq và sẽ dồn nỗ lực vào mặt trận Afghanistan trong quá trình vận động tuyển cử của ứng viên Barack Obama, những biến động trong vùng Nam Á luôn chiếm tin hàng đầu trên báo chí trong thời gian gần đây. Sau ngày 4-11-2008, nhiều tác giã, đặc biệt là Juan Cole, Robert Dreyfus, John Robertson, đã có nhiều bài phân tích cảnh báo những chính sách và sáng kiến của chính quyền mới rất có thể sẽ biến cuộc chiến ở Afghanistan và vùng các bộ tộc Pashtun dọc biên giới Pakistan thành "cuộc chiến Obama".

 

Afghanistan - Thời Tân Bảo Thủ

 

Muốn hiểu rõ hiểm họa đang rình rập, tưởng cần phải tái thẩm định các diễn biến trước ngày Chiến Tranh Lạnh chấm dứt.

Năm 1989, Bức Tường Bá Linh sụp đổ; năm 1991, Liên Bang Xô Viết (USSR) đột ngột tan rã trước sự ngỡ ngàng của giới tình báo Hoa Kỳ, các bình luận gia, các nhà nghiên cứu chiến lược, các chính trị gia...

Tại Hoa Thịnh Đốn, năm 1991, tuy vẫn chưa hoàn toàn tin kẻ thù trong gần nửa thế kỷ đã không còn hiện hữu, đa số dân Mỹ đều say sưa trong cảm nghĩ đắc thắng. Một cuộc đấu tranh trải dài trong nhiều thế hệ đã chấm dứt và một trong hai siêu cường đối nghịch đã chiến thắng và còn đứng vững. Thực vậy, ngay trước mắt mọi người, Liên Bang Xô Viết đã lùi vào quá khứ của lịch sử để lại một nước Nga nhỏ bé hơn, nghèo nàn, vô vọng. Hoa Kỳ đã thắng và mọi người đang say sưa trong khoái cảm siêu cường duy nhất.

Thực vậy, giới lãnh đạo chính trị, quân sự Mỹ bắt đầu hành động như chúa tể hành tinh, lắm lúc với sự đồng tình của người Âu và người Nhật. Lúc đó, nếu một học giả ngược đời nào đó bảo rằng không có kẻ thắng và chỉ có hai người chiến bại, người yếu hơn đã rời khỏi đấu trường và người khỏe hơn cũng đang chậm rãi theo đuôi người trước, học giả ngộ nghĩnh đó hình như đang trò chuyện với các người điếc.

Trong thập kỷ 1990s, từ 'toàn cầu hóa' luôn trên đầu môi giới lãnh đạo chính trị Hoa Thịnh Đốn, trong khi giới lãnh đạo tài chánh Wall Street thường được nhắc đến, ngay cả tự xem, như chúa tể vũ trụ. Cụm từ nầy lúc đầu chỉ được Tom Wolfe dùng một cách xấc láo, dành cho nhân vật siêu anh hùng trong tiểu thuyết Bonfire of the Vanities năm 1987 của tác giả. Trong thế giới hậu chiến tranh lạnh, chẳng mấy chốc, nó đã được người Mỹ sử dụng chỉ để tự tâng bấc.

Vào thời điểm đó, mỗi khi kinh tế một nước bất thần suy thoái, Hoa Thịnh Đốn thường gửi Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) đến để 'chế tài'. IMF thường lợi dụng hoàn cảnh ngặt nghèo để buộc quốc gia liên hệ phải mở cửa tiếp nhận những phương thuốc thần diệu - thị trường cạnh tranh hoàn toàn - của nhóm tài phiệt Washington Consensus: cởi trói hay bải bỏ mọi giám sát, mọi can thiệp của nhà nước.

Ngày nay, kinh tế tài chánh đang tơi tả, trong khi các lãnh đạo thế giới, từ Đức đến Nga và Trung Quốc, đang chỉ trích chính sách bải bỏ giám sát mù quáng của chính quyền Bush và những thủ thuật tài chánh đầy bất trắc của Wall Street (đã đục khoét trống rỗng kinh tế toàn cầu), các tay tài phiệt đã lộ rõ bộ mặt chủ nhân ông của thế giới biển lận. Ngày nay nhìn lại những năm hậu chiến tranh lạnh, Wall Street đã rõ rệt chỉ là những cọp giấy tham lam man rợ. Rất có thể một ngày nào đó, người ta cũng có thể nói được như thế về những lãnh đạo chính trị Hoa Thịnh Đốn.

Trong thực tế, gần hai mươi năm sau, ngày một nhiều người chấp nhận hai siêu cường thời chiến tranh lạnh cũng không mấy khác nhau. Như David Leonhardt của báo The New York Times gần đây đã nêu rõ: Richard Freeman, một kinh tế gia Harvard, đưa ra luân cứ kinh tế bong bóng của Hoa Kỳ cũng có điểm tương đồng với kinh tế Xô Viết trước đây. Kinh tế Xô Viết thời trước đã tăng trưởng một cách giả tạo nhờ ở ngạch số sản xuất kỹ nghệ khổng lồ nhưng vô dụng. Kinh tế Hoa kỳ hiện nay cũng tăng trưởng vượt mực do làn sóng phổ biến các chứng khoán bất động sản và những trái phiếu có thế chấp vô giá trị và đôi khi cả những thủ thuật lừa đảo kiểu Ponzi scheme.

Ngày nay, nhân dân Mỹ đã căm giận khi hiểu rõ những kẻ mệnh danh là chúa tể hoàn cầu thực ra đã đục khoét, rút ruột nền kinh tế thế giới, và gây nhiều đau thương cho họ.

Ngoài ra, các quan chức an ninh quốc gia, các tay chơi nòng cốt trong địa hạt ngoại giao và quân sự, cũng tự coi là chúa tể của vũ trụ. Họ tin trong lịch sử các đế quốc, họ vẫn còn có thể giữ địa vị khống chế toàn cầu.

Đối với những người luôn mơ ước làm chúa tể, ý niệm Hoa Kỳ là siêu cường thứ hai đã thất bại trong cuộc Chiến Tranh Lạnh là điều vô căn cứ. Trước mặt họ, cuộc hành trình sẽ thuận buồm xuôi gió. Và họ đã tiến chiếm Afghanistan.

Nơi đây, tình hình thật sự đáng lo ngại: cả hai siêu cường thời chiến tranh lạnh trong cùng một nghĩa trang. Tháng 11-2001, mặc dù hiểu rất rõ những gì đã xẩy đến với USSR ở Afghanistan, chính quyền Bush vẫn tiến chiếm với mục đích rõ ràng - thiết lập căn cứ, chiếm đóng, và hình thành một chính quyền theo ý muốn.

Với niềm tin mãnh liệt bộ máy quân sự của Hoa Kỳ sẽ nghiền nát bất cứ vật cản nào trên đường tiến, phe Bush chẳng cần lưu ý đến thực tế các cường quốc khu vực và lịch sử. Họ đồng hóa sức mạnh với sức mạnh phá hoại.

Tin tưởng ở lực lượng quân sự vô song của Hoa Kỳ và những gì đã xẩy ra cho Xô Viết không thể xẩy ra cho Mỹ, họ phát động xâm lược. Họ đến, họ chiếm đóng, họ liên hoan, rồi họ tiếp tục xâm chiếm - lần nầy nhằm chiếm đóng Iraq. Sau khi đã phung phí hàng nghìn tỉ đô la, người Mỹ trông không mấy khác người Nga.

 

Điều cần được nhấn mạnh ở đây là không hề có một siêu cường nào khác quấy rối người Mỹ ở Afghanistan, như người Mỹ đã từng làm với người Liên Xô trong thập kỷ 1980s. Người Mỹ đã không cần một siêu cường nào khác, khi chính họ tự mình đã đủ khả năng lao đầu xuống vực thẳm Afghanistan, chỉ với chút ít trợ lực của nhóm Osama bin Laden.

Họ đã phát động một chiến dịch tuyên truyền, quảng bá một lối giải thích tùy tiện siêu thực cho những hành động toàn cầu của mình. Dưới chiêu bài chiến tranh chống khủng bố, họ nhấn mạnh, đe dọa lớn nhất đối với Hoa Kỳ đến từ một nhóm cuồng tín rời rạc do một người Saudi giàu có hậu thuẫn. Thực vậy, trong một lúc chính quyền Mỹ lơ đễnh, bin Laden đã bất thần tấn công một cách ngoạn mục vào các trung tâm tài chánh, quân sự, chính trị quan trọng . Tưởng phải nói rõ những cuộc tấn công nầy thực sự đã được chuẩn bị và xuất phát từ Hamburg (Đức quốc) và Florida (Mỹ), nhiều hơn là từ Afghanistan xa xôi hẻo lánh. Lẽ ra, Hoa Kỳ chỉ cần tăng cường các biện pháp an ninh hàng không, các cơ sở quốc nội trọng yếu, và kiên trì truy kích bin Laden. Đã hẳn Al Qaeda có đủ khả năng thỉnh thoảng phát động một vài vụ tấn công đây đó; nhưng lực lượng của Al Qaeda luôn hạn chế, giấc mơ  "caliphate" chỉ là ảo vọng, và Afghanistan cũng chỉ là một xứ nhỏ xa xôi, nghèo nàn. Ngay cả giờ đây, người Mỹ vẫn có thể triệt thoái, và - mặc dù tình hình ở đó (và cả ở Pakistan) đã tồi tệ đi nhiều trong thời gian chiếm đóng bởi liên quân Hoa Kỳ-NATO - , vẫn di hại ít hơn là thực thi kế hoạch mở rộng chiến tranh trong những tháng năm sắp tới.

Điều trớ trêu là nếu không vì quá say men chiến thắng, Bush và phe Tân bảo thủ cũng không cần phải hiểu biết nhiều mới tránh được tai họa. Họ chỉ cần nhớ lại cuộc chiến tai họa của Anh quốc ở Afghanistan (1839-1842) trước đây; cuộc chiến chống Xô Viết trong thập kỷ 1980s; hay đọc bài nghiên cứu "Afghanistan: Graveyard of Empires" của Michael Bearden, chỉ huy trưởng CIA ở Pakistan, đăng trong tạp chí Foreign Affairs tháng 11-2001,với kết luận:"Hoa kỳ phải ứng xử thận trọng - nếu không sẽ kết thúc trên đống tro tàn của lịch sử Afghanistan"[1].

 

Thời Hậu Tân Bảo Thủ

 

Obama và các cố vấn Tòa Bạch Ốc, Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, Bộ Ngoại Giao, Ngũ Giác Đài, và về phía quân đội, ngay cả Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates và Tư Lệnh Centcom David Petraeus, không phải là những người đã đưa nước Mỹ vào tai họa hiện nay. Các thành viên chính quyền mới thực tế hơn về thế giới bên ngoài. Họ tin tưởng, may lắm, Hoa Kỳ cũng chỉ cầm chân được phe đối kháng ở Afghanistan và Pakistan, phải mất nhiều năm, và cuối cùng cũng không thể thắng. Họ muốn có một tư duy mới, phải thương nghị với các phe phái Taliban, một chính sách mới cho toàn vùng Nam Á, và trên hết, phải bằng lòng với những mục tiêu khiêm tốn hơn, phải hạ thấp tham vọng.

Như Gates đã tóm lược trong cuộc điều trần trước Quốc hội mới đây:

"Con đường trước mặt sẽ dài và đầy gian khổ, và thực tình, tôi thấy chúng ta cần hết sức thận trọng về những mục tiêu theo đuổi ở Afghanistan...Nếu chúng ta đặt mục tiêu tạo lập một thứ Valhalla Trung Á ở Afghanistan, chúng ta sẽ thất bại, bởi lẽ không một ai trên thế giới có đủ thời gian, kiên nhẫn và tiền bạc để làm việc đó"[2].

Trong thần thoại Norse, Valhalla có thể là đại sảnh tưởng niệm các chiến sĩ trận vong và có lẽ ông Bộ Trưởng Quốc Phòng muốn nói đến một thiên đường Á châu (Asian Eden); ít ra, ông cũng đã công nhận những giới hạn tài chánh trong sứ mệnh của Hoa Kỳ trên thế giới. Đó là một lời thú nhận đầu tiên của cấp lãnh đạo Hoa Thịnh Đốn, vì cho đến nay, giới làm chính sách quân sự và chính trị chưa hề bận tâm với cuộc suy thoái kinh tế đang bao trùm nước Mỹ và toàn cầu.

Trong cùng chiều hướng, giới lãnh đạo mới Hoa Kỳ ngày một sẵn sàng nói đến một thế giới đa cực, thay vì một thế giới đơn cực mộng ảo, như trong suốt nhiệm kỳ đầu của T T George W. Bush. Họ cũng đã sẵn sàng nghĩ tới một tương lai không quá xá khi ảnh hưởng áp đảo của Hoa Kỳ đã suy giảm, như được ghi rõ trong phúc trình Global Trends 2025 do Hội Đồng An Ninh Quốc Gia soạn thảo cho Tân Tổng Thống, hay như Thomas Fingar, chuyên gia tình báo Mỹ, đã phát biểu:

"Hoa Kỳ vẫn sẽ là cường quốc nổi trội, nhưng ảnh hưởng áp đảo của Hoa Kỳ sẽ suy giảm nhiều qua thời gian...Ảnh hưởng khống chế của Hoa Kỳ trên thế giới trước đây trong các địa hạt quân sự, chính trị, kinh tế, và có thể cả văn hóa, đang bị bào mòn và sẽ bị bào mòn một cách tăng tốc với chút ít ngoại lệ về quân sự"[3].

 

Ngoại trừ những dị biệt với phe Tân bảo thủ trong nhiệm kỳ đầu của George W. Bush, phe Obama vẫn chia sẻ với phe Bush một điều quan trọng: họ vẫn nghĩ Hoa Kỳ đã thắng trong Chiến Tranh Lạnh. Họ vẫn không thể chấp nhận là họ không thể kiểm soát, nhào nặn các biến chuyển trên thế giới. Họ vẫn không thể tưởng tượng Hoa Kỳ, như một đế quốc, có thể sẽ mất địa vị chúa tể của mình.

Năm 1979, cố vấn an ninh quốc gia Zbigniew Brzezinsky, mưu đồ lôi kéo Xô Viết vào vũng lầy Afghanistan, đã viết cho T T Jimmy Carter:"Hiện nay chúng ta đang có cơ hội cho USSR một chiến tranh Việt Nam của chính họ".[4]

Trong thực tế, cuộc thánh chiến chống Xô Viết được CIA yểm trợ ở Afghanistan kéo dài suốt thập kỷ 1980s, đối với USSR, đã tệ hại hơn nhiều.

Xét cho cùng, trong khi Hoa Kỳ đã thất bại ở Việt Nam, cuộc chiến Việt Nam đã không làm Hoa Kỳ phá sản.

Năm 1986, lãnh tụ Xô Viết Mikhail Gorbachev mô tả cuộc chiến Afghanistan như một vết thương rỉ máu. Ba năm sau, khi nỗ lực tiếp máu thất bại, Xô Viết rút quân.  Tuy nhiên, vết thương vẫn tiếp tục mất máu, kinh tế Nga Sô sụp đổ, và USSR tan rã.

Trở về với chính quyền Bush, trong gần tám năm, Hoa Kỳ đã tự chuốc 'cuộc-chiến- Xô-Viết' ở Afghanistan vào mình. Giờ đây, chính quyền Obama đang tìm cách cứu chữa tai họa, nhưng tư duy mới vẫn chỉ mang tính chiến thuật. Câu hỏi liệu kế hoạch của chính quyền mới có ít nhiều thành công ở Afghanistan và vùng biên giới Pakistan hình như chưa đặt đúng vấn đề. Chiến thắng, nếu có, cũng vẫn chỉ có thể một chiến thắng đem lại nhiều tổn hại hơn là thất bại -  một Pyrrhic victory.

Cuối cùng, sau khi phung phí hơn 1.000 tỉ mỹ kim, chẳng đem lại được gì có giá trị ngoài một chuỗi thành tích tàn phá , tham nhũng, Hoa Kỳ cũng chỉ dần dà rút bớt quân từ hơn 140.000 xuống khoảng trên dưới 40.000 ở Iraq, nhưng lại tung thêm quân vào Afghanistan để theo đuổi một cuộc chiến chống nổi loạn khác, có thể kéo dài trong nhiều năm. Đồng thời, chính quyền Mỹ vẫn tiếp tục bành trướng quân lực và lập căn cứ đóng quân trên khắp địa cầu trong khi đang tìm cách cứu cấp một nền kinh tế và một hệ thống ngân hàng rõ ràng trên bờ phá sản. Đây chắc chắn là phương thức hữu hiệu nhất để chuốc thêm tai họa, trừ phi chính quyền mới quyết định trút bỏ phần lớn 'sứ mệnh toàn cầu' tự chọn.

Hiện nay, vấn đề đối với người Mỹ không còn là tìm cách kiểm soát tình hình, mà là kịp thời triệt thoái khỏi - Afghanistan và Pakistan. Nếu không, khi hữu sự, người Nga, người Tàu, người Iran, người Ấn, người Âu...ai là người sẽ ứng cứu.

Trước tháng 11-2008, ứng viên Barack Obama từng tuyên bố, Afghanistan là cuộc chiến chính đáng (the right war); và đã đến lúc phải theo lời tướng David McKiernan, tư lệnh Afghanistan, gửi thêm quân. Obama nói:

"Vì vậy, tôi sẽ gửi ít nhất hai hoặc ba trung đoàn chiến đấu đến Afghanistan...Nếu chúng ta tìm thấy Osama bin Laden và chính phủ Pakistan không thể hoặc không muốn thanh toán, lúc đó tôi nghĩ chúng ta sẽ hành động, và chúng ta sẽ thanh toán...Chúng ta sẽ giết bỏ bin Laden. Chúng ta sẽ nghiền nát Al Qaeda"[5].

Tuy nhiên, gần hai năm trước đó, Obama đã bắt đầu quy tụ một đội ngũ chuyên gia về Nam Á, và những người nầy đã cung cấp cho ông một nhãn quan phong phú và tinh tế về tình hình phức tạp ở Afghanistan-Pakistan, hơn xa những gì đã được biết trong quá trình vận động tuyển cử. "Khuôn khổ các cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên tổng thống không cho phép một sự thảo luận tế nhị"[6], Bruce Riedel, một chuyên viên CIA về Nam Á trước đây phục vụ trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia dưới thời hai T T Clinton và Bush, hiện cầm đầu nhóm cố vấn đặc nhiệm Afghanistan-Pakistan của T T  Obama, đã thẳng thắn cho biết. Qua những cuộc phỏng vấn với Riedel và các cố vấn khác, người ta được biết Obama có ý định tái định hướng chính sách trong vùng một cách đáng kể, và một mục then chốt trong sự tái định hướng là thương nghị với các đối tác thù nghịch. Tuy nhiên, sự xác quyết - chính quyền mới có thể vừa leo thang vừa thương thảo- cho thấy: họ lãng quên một thực tế rõ ràng là việc gửi thêm quân đến vũng lầy Afghanistan và thúc đẩy chính quyền Pakistan leo thang chiến tranh chống lại nhân dân của chính họ, chỉ làm cho cuộc khủng hoảng thêm tồi tệ thay vì bớt trầm trọng hơn.

Những nét chính trong chiến lược Obama bao gồm sự từ bỏ những giọng điệu chát chúa - chiến tranh toàn cầu chống khủng bố - giọng điệu từng khiến thế giới Hồi giáo thêm căm hận Hoa Kỳ dưới thời George W. Bush. Tạm quên đi những khẩu hiệu vận động tuyển cử, Obama có thể tìm cách hạn chế những cuộc không tập bừa bãi sát hại quá nhiều thường dân, mặc dù người ta chưa rõ bằng cách nào để đạt mục tiêu vừa nói trong khi cùng lúc leo thang chiến tranh. Obama sẽ giảm bớt, nếu không chấm dứt, các cuộc hành quân xuyên biên giới, vào khu vực các bộ tộc Pakistan, tấn công các căn cứ phiến quân trong khi vẫn dành quyền truy kích phe bin Laden. Chính quyền mới sẽ có nhiều biện pháp tăng cường chính quyền dân sự non trẻ của T T Ali Zardari ở Pakistan, chống lại những mưu đồ của quân đội Pakistan và Cơ Quan Tình Báo Liên Ngành (Inter-Services Intelligence Agency - ISI) hiện đang duy trì quan hệ thầm kín với nhiều nhóm cực đoan, kể cả Taliban. Và người Mỹ cũng sẽ tăng cường viện trợ kinh tế cho cả hai xứ.

Hầu hết các cố vấn của Obama - cùng với thành viên của nhóm đặc nhiệm tại Trung Tâm Vì Tiến Bộ Hoa Kỳ (Center for American Progress), một cơ quan nghiên cứu chiến lược - nhấn mạnh: trọng tâm của chính sách mới về Afghanistan và Pakistan là tạo điều kiện thuận tiện cho diễn tiến hòa bình giữa Pakistan và Ấn Độ, một láng giềng khổng lồ ở phía đông. Trong nhiều thập kỷ, giới quân sự Pakistan và ISI đã ngầm hỗ trợ các nhóm khủng bố Hồi giáo ở Afghanistan và trong vùng lãnh thổ đang tranh chấp ở Kashmir, như một phần của chiến lược, trong cuộc chiến bất cân xứng với Ấn Độ. Một thỏa ước Pakistan-Ấn Độ sẽ giúp củng cố chính phủ dân sự Pakistan, và làm suy yếu cơ sở của các quan hệ giữa quân đội và ISI với Taliban, với liên minh các nhóm chiến binh Hồi Giáo Afghanistan, và các phe phái dân quân Hồi giáo Kashmiri như Lashkar-e-Taiba, bị nghi ngờ dính líu đến vụ tấn công khủng bố Mumbai. Wendy Chamberlin, nguyên đại sứ Hoa Kỳ ở Pakistan và một thành viên trong nhóm đặc nhiệm Pakistan của Obama, là người nhiệt tình cổ súy một thỏa ước Pakistan-Ấn Độ.

Một số đông cố vấn của Obama cũng chia sẻ ý niệm thương thảo với Iran, nêu rõ vai trò của Iran trong việc giúp hình thành một liên minh ủng hộ T T Hamid Karzai của Afghanistan năm 2001. Vai trò của Iran đã được nhắc đến trong phúc tŕnh của nhóm chuyên gia do Richard Armitage, nguyên thứ trưởng ngoại giao, và Lee Hamilton, đồng chủ tịch Ủy Hội 11/9 cầm đầu. Họ chủ trương liên kết Pakistan, Afghanistan, Ấn Độ, và Iran, trong một cộng đồng kinh tế cấp vùng. Họ khuyến cáo Hoa Kỳ nên xét lại lập trường chống đối dự án đường ống dẫn dầu Iran-Pakistan-Ấn Độ (IPI).

Ngay cả khi họ ủng hộ ý niệm thương thảo với các thành phần ôn hòa trong phong trào Taliban, một vài vị cố vấn và Tướng Tư Lệnh Centcom David Petraeus bảo vệ lập trường kêu gọi tăng quân với luận cứ: ưu tiên số một của họ là ổn định Afghanistan về phương diện quân sự. Theo Bruce Riedel , "tìm cách chia rẽ kẻ thù bao giờ cũng là việc làm khôn ngoan. Nhưng cho đến khi chúng ta bẻ gãy đà thắng hiện nay của Taliban, ngay tại nơi chúng cảm thấy chúng là người thắng thế, tôi không thấy các vị có cơ may đáng kể nào để thuyết phục một số nhỏ Taliban xé rào. Chúng nghĩ chúng đang thắng, và nếu các vị nhìn các con số, các vị có thể có được một luận cứ khá thuyết phục"[7].

Trong mười tháng đầu năm 2008, 255 binh sĩ Mỹ và NATO tử trận ở Afghanistan, nhiều hơn tổng số thương vong trong bốn năm đầu của cuộc chiến. Nhiều vùng rộng lớn ở Nam Afghanistan, trong các tỉnh dọc biên giới Pakistan, phía đông nam Kabul, đã lọt vào vòng kiểm soát của Taliban và đồng minh của họ. Vì vậy, họ đã có thể dễ dàng tấn công ngay cả bên trong thủ đô Kabul. CIA đã cảnh cáo, trong hơn hai năm qua, tình hình đã biến chuyển tồi tệ, và Afghanistan đang lâm vào vòng xoáy tuột dốc không còn có thể kiểm soát. Phe đối nghịch ngày một lớn mạnh, trở thành  một lực lượng chiến đấu đang lên. Ngay từ 2006, theo phúc trình của vị tướng hưu trí Barry McCaffrey ở West Point, Taliban đã có đủ khả năng lâm trận cấp tiểu đoàn trên 400 chiến binh. Trong vài tỉnh, Taliban và  đồng minh đã thiết lập được guồng máy nhà nước riêng, chỉ định các thống đốc và nhân viên cấp tỉnh, cũng như những tòa án kiểu Sharia.

Cuộc chiến chống phiến loạn (counterinsurgency) càng gặp nhiều khó khăn hơn vì bản chất phức hợp của phe đối nghịch, một phong trào kháng chiến nhiều đầu não cực kỳ phức tạp ở Afghanistan và Pakistan, vượt quá tầm mức Taliban của Mullah Omar và Al Qaeda của Osama bin Laden. Theo Seth Jones, một chuyên gia về Afghanistan và khủng bố làm việc tại RAND Corporation, gộp phong trào dưới một tên chung Taliban là không hiểu những gì đang diễn tiến[8]. Chas Freeman, chủ tịch Hội Đồng Chính Sách Trung Đông, nguyên đại sứ Hoa kỳ  ở Saudi Arabia, giải thích: "Đây là một phong trào, không phải là một tổ chức. Cái mà chúng ta đã đơn giản gộp dưới tên gọi 'Taliban' là một hiện tượng bao gồm rất nhiều người đơn thuần là cánh hữu Hồi giáo"[9]. Tính chung, giới quân sự Mỹ đã nhận diện được ít nhất 14 tổ chức kháng chiến riêng biệt ở Afghanistan, và theo Riedel, tất cả có đến khoảng 50 nhóm Hồi giáo riêng rẽ ở Pakistan.

Anthony Cordesman, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế (Center for Strategic and International Studies), đã lên tiếng báo động:"Chúng ta không còn thời gian. Chúng ta hiện đang thua, và chiều hướng nầy đã tiếp diễn từ năm 2004...chúng ta đang đối diện một cuộc khủng hoảng ở trận tuyến - ngay bây giờ. Ít nhất trong hai năm 2009-10, ưu tiên phải được dành cho nhu cầu tiền tuyến"[10]. Theo ông, tình hình đã khẩn trương hơn bất cứ những gì có thể giải quyết qua các chương trình viện trợ kinh tế và xây dựng nhà nước.

McKiernan, tư lệnh quân đội, đã xin thêm ít nhất bốn trung đoàn, có lẽ có thể lên tới 25.000 viện binh. Ông ta cảnh cáo, cuộc chiến Afghanistan sẽ đòi hỏi một cam kết dài lâu, và Hoa Kỳ đã loan báo kế hoạch giúp Afghanistan tăng gấp đôi quân đội quốc gia (National Army - ANA) lên 134.000 quân. Theo Ashley Tellis, nguyên chuyên viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia, đây là một dự án kéo dài nhiều thập kỷ; và cũng phải mất ít nhất mười năm trước khi Hoa Kỳ có thể rút quân và trao quyền cho ANA  tiếp tục chiến đấu.

Tuy nhiên, gửi viện binh đến Afghanistan cũng chẳng khác gì gửi họ vào chỗ chết. Cũng như ở Việt Nam trước đây, hàng chục ngàn quân mới đến sẽ là những mục tiêu mới cho Taliban, sẽ thêm động lực thúc đẩy tinh thần quốc gia trong phong trào kháng chiến Pashtun, và làm dễ dàng việc tuyển mộ tân binh thánh chiến. Những người chủ trương leo thang chiến tranh còn phải vạch rõ bằng cách nào số quân tăng viện có thể giúp lật ngược thế cờ. Theo Tariq Ali, bình định Afghanistan có thể đòi hỏi thêm ít ra cũng 200.000 quân bên trên số 62.000 Mỹ và NATO hiện có, có thể gây đổ nát điêu tàn trong nhiều vùng rộng lớn ở Afghanistan. Giới quan sát quốc tế nhận định: người Mỹ không thể thắng. Họ nêu rõ luận cứ,  trong thập kỷ 1980s, người Nga, với nhiều quân hơn, sau chín năm chiến tranh tàn khốc, đã thất bại. Đại sứ Anh quốc ở Afghanistan Sherard Cowper-Coles đã cảnh cáo và chống đối kế hoạch mở rộng chiến tranh của Obama-Petraeus. Theo ông, leo thang có thể đem lại nhiều hậu quả tai hại: "gửi thêm quân sẽ khiến chúng ta lộ diện rõ ràng hơn nữa như một đội quân chiếm đóng và nhân bội số mục tiêu [cho phiến quân]"[11].

Theo Freeman, khởi đầu với một cuộc hành quân nhằm thanh toán đầu nảo của tổ chức Al Qaeda và trừng phạt cấp lãnh đạo Afghanistan, cuộc chiến vô hình chung  biến dạng, không được luận bàn, thành một nỗ lực dài lâu nhằm bình định và thay đổi xã hội Afghanistan. Sự thay đổi mục tiêu đã làm vui lòng phái Tân bảo thủ cũng như phe chủ chiến. Mục tiêu mới là đem lại cho Afghanistan một nhà nước trung ương tập quyền - một điều Afghanistan chưa hề có. Hiện giờ, người Mỹ đang chiến đấu để loại trừ những thành phần 'Hồi giáo phản động' khỏi vai trò lãnh đạo một nước Afghanistan đổi mới. Freeman nghĩ đây là một mục tiêu viễn vông, và đã đến lúc cần hợp tác với giới thẩm quyền bản địa, chiêu mộ  đồng minh trong vùng, nhằm tìm kiếm một giải pháp thích ứng.

Những người tin cuộc chiến có thể thắng, kể cả các tư lệnh Mỹ và NATO, cũng nói không thể thắng nếu không mở rộng chiến tranh qua biên giới đến sào huyệt Taliban trong vùng các bộ tộc Pakistan, một sự leo thang trong thực tế đang được thực nghiệm. Nhưng bước đi mới cũng đặt ra một loại vấn đề mới. Tình hình Pakistan cũng chẳng khá gì hơn Afghanistan. Sau gần một thập kỷ dưới chế độ độc tài quân sự được Hoa Kỳ yểm trợ, năm 2008 Pakistan lại phải đối đầu với nhiều thách thức mới. Một cuộc biến động nhiều mặt từ vùng các bộ tộc đang lan dần đến Tỉnh Biên Giới Tây Bắc, và đã tràn đến tận thủ đô Islamabad nơi nhiều vụ ám sát, nổ bom cảm tử luôn xẩy ra. Chính quyền mới, chia rẽ và non yếu, chưa kiểm soát được quân đội và ISI. Kinh tế gần phá sản: với lạm phát 25% và khiếm dụng lan tràn, Pakistan đang khẩn cấp tìm kiếm từ 10 đến 15 tỉ viện trợ tài chánh.

Đã vậy, chính quyền Pakistan lại phải chịu áp lực nặng nề của chính quyền Bush. Từ tháng 8-2008, vài chục đợt không kích vào khu vực các bộ tộc, bằng phi cơ không người lái Predator trang bị hỏa tiễn của CIA, đã gây căm phẫn trong dân chúng vốn  chống đối Hoa Kỳ. Trước các đợt oanh kích, theo kết quả thăm dò công luận, 86% dân Pakistan cho rằng mục đích của Mỹ là làm suy yếu và gây chia rẽ thế giới Hồi giáo, 84% tin Hoa Kỳ là mối đe dọa lớn lao hơn Al Qaeda và Taliban, 89% chống đối việc Pakistan hợp tác với Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Đa số dân Pakistan chỉ trích việc Mỹ hỗ trợ các nhà độc tài quân sự trong 50 năm qua. Do đó, Hoa Kỳ hiện khó lòng yểm trợ hiệu quả ngay cả đồng minh của mình, như T T Zardari.

Kể từ 11-9-2001, Pakistan đã nhận được trên 11 tỉ viện trợ Mỹ, nhưng hầu hết con số nầy đã lọt vào ngân sách quân đội và ISI và không hề được giám sát. Theo phúc trình của Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Và Quốc Tế, từ 2002 đến 2007 chỉ 10% viện trợ Mỹ được dành cho các chương trình phát triển và hỗ trợ nhân đạo. Số tiền viện trợ quân sự khổng lồ đã cho phép ISI tự do yểm trợ mạng lưới Hồi giáo cực đoan do chính ISI thiết lập từ thập kỷ 1980s. Chừng nào ISI thỉnh thoảng còn giúp bắt được một thành viên cao cấp của Al Qaeda, thì dù vẫn còn dung túng hay hỗ trợ Taliban Afghanistan và các phần tử Hồi giáo cực đoan khác, người Mỹ cũng sẵn sàng làm ngơ. Theo Chamberlin, người Mỹ cần chấm dứt trò chơi bẩn thỉu nầy khi Pakistan dùng những nhóm khủng bố đại diện (surrogate terrorist groups).

Mùa hè 2008, Zardari tìm cách sáp nhập ISI vào Bộ Nội Vụ để dễ bề kiểm soát, nhưng đã không thành công. Sau đó, tham mưu trưởng quân đội đã sắp xếp một số tướng lãnh vào lãnh đạo ISI, nhưng biện pháp nầy cũng không phản ảnh một thay đổi thực sự trong chính sách của quân đội.

Tuy nhiên, thái độ người Pakistan cũng dần dần thay đổi, ngay cả bên trong giới quân sự. Việc ám sát Benazir Bhutto năm 2007 và vụ nổ bom khủng bố khách sạn Marriott ở Islamabad tháng 9-2008, đã khiến nhiều tướng lãnh lo sợ mối đe dọa từ mạng lưới Hồi giáo do chính họ sáng tạo. Riedel nhận xét, Pakistan đã từng dung dưỡng và giữ một thái độ bàng quan đối với Taliban. Nhưng Taliban Afghanistan đã sáng tạo ra Taliban Pakistan - một Frankenstein mà quân đội Pakistan không đủ khả năng kiểm soát. Taliban hậu duệ vẫn giữ quan hệ với Taliban tiền bối, nhưng nay đã trở thành mối đe dọa cho sự thống nhất của Nhà Nước Pakistan, cho quân đội Pakistan, và cả cho ISI. Đây là trường hợp điển hình của một tổ chức hoạt động bí mật đã vuột khỏi tầm tay kiểm soát.

Vì vậy, gần đây quân đội đã tìm phương cách kiểm soát cuộc khủng hoảng tự tạo, nhưng cũng không mấy thành công. Quân đội cũng đã phải phát động một cuộc tấn công quân sự với ba gọng kìm vào khu vực các bộ tộc và những vùng phụ cận. Tuy nhiên, sau nửa thế kỷ chuẩn bị một cuộc chiến thiết giáp với Ấn Độ, quân đội Pakistan không được huấn luyện và trang bị để đối phó với một cuộc chiến chống nội loạn. Và trong khu vực các bộ tộc Pashtun, quân Ấn Độ, phần lớn gốc Punjab, bị xem như một đội quân xâm lăng từ nước ngoài, trong khi nhiều sĩ quan và binh sĩ lại không muốn đánh nhau với chính đồng bào của mình trong một cuộc chiến, dưới mắt họ, là cuộc chiến của Mỹ. Cả quân đội lẫn chính quyền đã thử thành lập những đội dân quân bộ tộc bản địa để chống lại Taliban, nhưng cho đến nay, cũng chẳng mấy thành công. Chính quyền cũng đã cố gắng tổ chức các hội đồng bộ tộc địa phương (tribal jergas) trong cùng mục đích. Biện pháp nầy cũng thất bại vì Taliban phản công mạnh mẽ bằng các vụ nổ bom cảm tử, các cuộc hành quyết nhằm thành viên các hội đồng. Ngày xưa thành viên các hội đồng thường là những tộc trưởng thế tục. Ngày nay, các hội đồng thường hội họp trong nhà thờ (mosques) và trường học tôn giáo (madrassas). Từ thời thánh chiến chống Xô Viết với sự yểm trợ của Mỹ, các trường tôn giáo đã trở thành những công xưởng và những nơi tuyển mộ chiến binh Hồi giáo.

Dù với giải pháp nào cho Afghanistan và Pakistan, các phụ tá của Obama cũng nhấn mạnh nhu cầu phải gia tăng trợ giúp kinh tế nhằm xây dựng hạ tầng cơ sở, canh tân nông nghiệp , cung cấp tín dụng tiểu thương, xây cất trường học, bệnh xá...; Jona Blank, một thành viên trong nhóm đặc nhiệm Pakistan, là động lực bên sau đạo luật Biden-Lugar-Obama dành cho Pakistan một khoản viện trợ 1,5 tỉ mỗi năm liên tiếp trong 10 năm. Một chương trình tương tự cho Afghanistan cũng đang được xúc tiến.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế là việc lâu dài. Giải quyết khủng hoảng là điều cấp bách. Nếu cuộc chiến Afghanistan và Pakistan không thể giải quyết bằng quân sự,  giải pháp cho cả hai cuộc khủng hoảng, hiện liên kết chặt chẽ với nhau, phải là một giải pháp ngoại giao: trước hết, thương thảo với các lực lượng đối nghịch, với chính quyền hai nước, về sự hiện diện của quân đội Mỹ trong vùng; thứ hai, tiến tới một thỏa ước Pakistan-Ấn Độ.

Ở Pakistan, chính quyền Zardari và Nghị Viện rất tán đồng thương nghị với Taliban, lần nầy được tổ chức cẩn trọng hơn các thỏa ước khập khiễng công bố trong các năm 2004 và 2006.

Ở Afghanistan, vào trung tuần tháng 11-2008, T T Karzai tuyên bố sẵn sàng nói chuyện trực tiếp với Mullah Omar. Vào cuối tháng 10-2008, các vị bô lão các bộ tộc và hàng chục viên chức Afghanistan và Pakistan đã triệu tập phiên họp hội đồng thu hẹp (mini-jirga) kéo dài hai ngày, như bước đầu thương nghị với phe Taliban. Owais Ghani, thống đốc Tỉnh Biên Giới Tây Bắc, và lãnh tụ đảng thế tục quốc gia ANP, đã tuyên bố trước hội đồng thu hẹp:"Chúng tôi sẽ ngồi xuống, chúng tôi sẽ nói với họ, họ sẽ lắng nghe chúng tôi, và chúng tôi sẽ tiến tới một giải pháp nào đó".[12]

Đề nghị của Karzai với Mullah Omar, một điều vô tiền khoáng hậu, đã được đưa ra tiếp theo sau hai năm thương nghị thầm lặng ở Nam Á, Âu châu, và Trung Đông, giữa các quan chức Afghanistan và Pakistan, các cựu lãnh tụ Taliban và thành viên gia đình hoàng tộc Saudi Arabia, kể cả quốc vương Abdullah. Trong số những người tham dự còn có: em trai của Kharzai và Nawaz Sharif, một chính trị gia Pakistan có quan hệ chặt chẽ với cấp lãnh đạo tôn giáo sống lưu vong nhiều năm ở Saudi Arabia. Theo tin tức báo chí, Luân Đôn và Paris đã cung cấp mọi hỗ trợ ngoại giao và vật chất cho cuộc họp mặt. Theo tường trình của nhật báo Dawn ở Pakistan, Bộ Trưởng Ngoại Giao Pháp Bernard Kouchner ủng hộ cuộc thương nghị giữa Karzai và các phần tử Taliban ôn hòa, và đã mời Iran và Pakistan gửi đại diện đến Paris cùng tham dự.

Cho đến nay, Mullah Omar đã bác bỏ đề nghị trưc tiếp thương nghị của Karzai, và phe Taliban tiếp tục đòi hỏi các lực lượng Hoa Kỳ và NATO phải triệt thoái trước khi có thương thảo . Một thỏa thuận khả thi với phong trào kháng chiến Hồi giáo quả là một điều khó khăn. Và hầu hết các cố vấn của Obama không tin có thể thành đạt. Ấn Độ, Iran, và Liên Bang Nga -- ủng hộ Liên Minh Phương Bắc chống lại Taliban trong thập kỷ trước biến cố 11-9 -- không mấy thiện cảm với lập trường Mỹ-Saudi mở đường cho Taliban trở lại tham gia chính quyền. Sự dè dặt của họ cũng cần được lưu ý. Tính cách manh mún rời rạc của phong trào Taliban càng gây khó khăn hơn cho việc tìm đúng đối tác để thương nghị. Và mặc dù một vài nhóm đủ thực tiễn đã sẵn sàng thương thuyết, một số khác lại có xu hướng chiến đấu cho đến cùng.

Đội ngũ Obama rất hoan nghênh một sáng kiến ngoại giao khẩn cấp giúp đem lại một thỏa ước giữa Pakistan và Ấn Độ. Nhưng sau biến cố Mumbai đẩy hai nước trở lại bờ vực chiến tranh, điều nầy đã trở nên cực kỳ khó khăn. Như Riedel đã nhận xét: "Đây là một điều hết sức tế nhị đòi hỏi một trình độ tinh tế ít thấy trong ngoại giao Hoa Kỳ. Nó đòi hỏi phải hết sức mềm dẽo. Tôi nghĩ phương cách để bắt đầu là những thảo luận kín đáo bình tỉnh giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ, và tôi cũng nghĩ quan hệ mới của chúng ta với Ấn Độ sẽ đem lại cho chúng ta một cơ hội thuận lợi hơn trước nhiều".[13] Theo Riedel, Ấn Độ e ngại Hoa Kỳ sẽ tìm kiếm một thỏa hiệp với Pakistan bất lợi cho Ấn Độ. Nhưng quan hệ Hoa Kỳ-Ấn Độ - nay khắng khít hơn và được củng cố qua thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Ấn Độ gần đây - đã đem lại cho Hoa Thịnh Đốn một sự tín nhiệm mới đủ để bảo đảm với New Delhi: quyền lợi của Ấn ở Kashmir và Afghanistan , nơi Ấn Độ đang âu lo một sự trổi dậy của Taliban, sẽ được bảo vệ.

Hiện nay, Ấn Độ đang dính sâu vào Afghanistan, do đó, đang gây khá nhiều ngại ngùng cho Pakistan. Năm 2001, Ấn Độ, cùng Iran và Nga, đã giúp loại  trừ phe Taliban thân Pakistan. Từ đó, Ấn Độ đã cấp 1,2 tỉ viện trợ kinh tế và mở lãnh sự quán trong bốn thành phố Afghanistan, những nơi, Pakistan lo sợ, có thể được Ấn dùng làm cơ sở hoạt động tình báo. Chính vì lẽ đó, Pakistan đã yểm trợ cánh hữu Hồi giáo. Nhưng Ấn Độ là một đại cường với tham vọng toàn cầu, một nền kinh tế phồn thịnh, và một lực lượng quân sự hùng mạnh.

Ngày nay, Pakistan hiểu rất rõ họ không còn có thể cạnh tranh với Ấn. Nhận thức được điều nầy, quân đội Pakistan đã tỏ ra thực tiễn hơn. Theo Ashley Tellis, thuộc tổ chức Carnegie Endowment, người có nhiều liên hệ rộng rãi với giới quân sự Pakistan, cấp lãnh đạo quân đội Pakistan không còn xem Ấn Độ như mối đe dọa chính. Một vài phần tử cực hữu, trong số tín đồ Hồi giáo, có thể còn tin Ấn Độ là mối đe dọa lớn nhất. Nhưng họ là thiểu số. Phần lớn người Pakistan hiểu rõ muốn bảo vệ quyền lợi của xứ sở, họ phải tìm cách xít gần lại với Ấn Độ.

Cơ hội thương thảo với Taliban và sự khả dĩ xúc tiến quá trình hòa bình giữa Pakistan và Ấn Độ đang đem lại cho Hoa Kỳ một chiến lược triệt thoái đứng đắn khỏi Afghanistan. Nhưng muốn thành đạt một thỏa ước với phong trào kháng chiến, Hoa Kỳ phải dành cho họ điều họ mong muốn nhất -- một thời biểu triệt thoái các lực lượng Mỹ và NATO. Mục tiêu phe kháng chiến đồng thuận theo đuổi là người nước ngoài không có quyền cai trị xứ sở của họ và Afghanistan có quyền sinh hoạt theo các nguyên tắc Hồi giáo. Chas Freeman nhắc nhở:

"Chúng ta cần nhớ rõ lý do chính đưa chúng ta đến Afghanistan. Mục tiêu của chúng ta là...không cho phép các tay khủng bố toàn cầu được quyền sử dụng lãnh thổ Afghanistan. Đó đã và đang là mục tiêu có thể với tới. Đó là một mục tiêu hạn chế có thể thành đạt với một giá phải chăng. Chúng ta phải trở lại chuyên chú tập trung vào mục tiêu sơ khởi. Chúng ta không thể đủ sức theo đuổi nhiều mục tiêu, dù đáng giá, trái ngược hay làm suy yếu mục tiêu chính yếu. Cải cách chính trị, xã hội, và các tập tục Afghanistan, phải chờ đợi".[14]

Trong lúc đó, sân khấu đã sẵn sàng. Chính quyền Afghanistan và Pakistan muốn hòa đàm với các chiến binh Hồi giáo và Taliban. Các cường quốc bên ngoài -- dẫn đầu bởi Saudi Arabia và được Anh quốc và Pháp âm thầm hỗ trợ đằng sau sân khấu -- đang giúp các nhà lãnh đạo then chốt Taliban, Afghanistan và Pakistan gặp gỡ thương nghị.

Các nước láng giềng - Ấn Độ, Nga, Iran - dù không mấy ưa thích Taliban, rất có thể sẽ ủng hộ ngưng chiến. Và một liên hiệp kinh tế cấp vùng, liên kết Iran, Afghanistan, Pakistan và Ấn Độ, có nhiều cơ may thành hình, có thể giúp kiện toàn trọn gói.

Đã hẳn Al Qaeda, bị đẩy lùi vào những sào huyệt xa xôi trong vùng đồi núi Pakistan, rất có thể vẫn tìm cách gây khó khăn cản trở. Nhưng những đồng minh cánh hữu Hồi giáo, kể cả Taliban, của Al Qaeda rất có thể sẽ được thuyết phục để đoạn tuyệt với Osama bin Laden và tay chân, nếu họ có thể đạt được một thỏa ước thuận lợi, kể cả sự khả dĩ chia sẻ quyền hành ở Kabul. Liệu T T Obama có quyết định nắm lấy cơ hội? Liệu Tân Tổng Thống có đủ can đảm để đưa ra đề nghị chấm dứt sự chiếm đóng Afghanistan nếu phong trào Taliban lựa chọn từ bỏ mọi quan hệ với Al Qaeda?

 

Thay Lời Kết Luận

Sau ngày nhận chức, T T Obama đã khôn ngoan ra lệnh duyệt xét lại tất cả các biện pháp có thể lựa chọn trong chiến lược Nam Á, đặc biệt ở Afghanistan, trước khi tiến hành kế hoạch tăng viện 30.000 quân. Theo nhiều chuyên gia và các nhà bình luận, vì quyền lợi của Hoa Kỳ, của chính quyền Obama, và hòa bình, ổn định của toàn vùng Nam Á, T T Obama nên loại bỏ biện pháp tăng quân vừa nói. Thay vào đó, Obama nên tập trung tìm kiếm một chiến lược mới nhằm đem lại tình trạng ổn định ở Afghanistan và một Pakistan được tăng cường.

Đẩy mạnh chiếm đóng Afghanistan chỉ phung phí các tài nguyên cần thiết cho chương trình phục hồi kinh tế, gây bất ổn cho Pakistan, làm rạn nứt quan hệ đồng minh giữa Hoa Kỳ và Âu châu, và xóa tan các tác động tích cực của việc triệt thoái khỏi Iraq đối với hình ảnh của Hoa Kỳ trong thế giới Hồi giáo. Leo thang chiến tranh chỉ đem lại các hậu quả tiêu cực vừa nói mà chẳng đem lại cho người dân Afghanistan một tương lai tốt đẹp hơn hay cải thiện an ninh cho Hoa Kỳ.

Đã hẳn tình hình đã ngày một tồi tệ hơn trong vòng mấy năm qua. Phe Taliban hiện đang đe dọa tái lập ảnh hưởng trong nhiều vùng rộng lớn ở Afghanistan. Nhưng tăng cường lực lượng[i] quân sự Hoa Kỳ sẽ không đem lại ổn định. Người Mỹ đang thua trận không phải vì thiếu quân, mà vì sự hiện diện của đoàn quân ngoại quốc đã làm gia tăng lòng căm phẫn của người dân Afghanistan đối với Hoa Kỳ, và hàng ngũ của các nhóm chiến binh.

Chút ít thiện cảm dành cho quân đội Hoa Kỳ lúc ban sơ nay đã tan biến sau các cuộc oanh kích sát hại quá nhiều thường dân của không lực liên quân Hoa Kỳ-NATO. Theo các phúc trình của Human Rights Watch và Liên Hiệp Quốc, số thường dân thương vong đã gia tăng nhiều trong hai năm 2007 và 2008. Gửi thêm quân sẽ không thể lấy lại thiện cảm của thân nhân các nạn nhân. Tệ nạn tham nhũng của chính quyền Karzai là một yếu tố tiêu cực khác. Ngày nay Hoa Kỳ được xem như đang hậu thuẫn một chính quyền không được người dân tín nhiệm, một chính quyền, theo lời ký giả Dexter Filkins, "hiện diện để chẳng làm được gì ngoài việc làm giàu cho chính các quan chức nắm quyền và góp phần làm sụp đổ lòng tin của quần chúng ...và sự trỗi dậy của Taliban"[15].

Thêm 30,000 quân có thể đủ để ngăn ngừa chính quyền khỏi sụp đổ, nhưng còn xa mới đủ để tiến hành cuộc chiến chống sự nổi dậy một vài cố vấn của Obama cổ vũ. Muốn vậy, theo ước lượng của vài chuyên viên quân sự, có lẽ Hoa Kỳ phải cần đến 600,000 quân. Và ngay cả một lực lượng 1/4 con số nầy cũng đã là một gánh nặng lớn lao đối với nền kinh tế Hoa Kỳ đang kinh qua khủng hoảng tài chánh. Điều nầy gần như chắc chắn có nghĩa phải trì hoãn, nếu không phải là chấm dứt, các chương trình y tế và kinh tế xanh của T T Obama.

Ngay cả một cuộc chiến cỡ đó cũng chưa chắc đã có thể thành công. Thực vậy, nó chỉ có thể làm gia tăng làn sóng kháng chiến và hậu thuẫn cho Taliban-Pakistan luôn tìm cách chận đứng điều được xem như chỉ phụng sự quyền lợi của Hoa Kỳ và Ấn Độ. Nếu có cái gì mà mọi người học được từ người Anh và người Xô Viết trước đây, đó chính là việc người Afghanistan luôn đề kháng một cách quyết liệt các ngoại cường và một số người ở Pakistan luôn sốt sắng ngăn ngừa các xứ ngoài kiểm soát nước láng giềng của họ, đặc biệt là khi những xứ nầy đang có những quan hệ tốt với Ấn Độ. Chính vì lẽ đó, Afghanistan đã được xem là "nghĩa trang của đế quốc"[16].

Trong cuộc điều trần mới đây trước Quốc Hội, Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates hình như đã loại mục tiêu đầy tham vọng - ổn định Afghanistan -; thay vào đó, đã đưa ra một mục tiêu khiêm tốn hơn - ngăn ngừa Afghanistan trở thành một bệ phóng cho các lực lượng khủng bố. Ngay cả trong trường hợp nầy, Gates xác nhận cũng phải cần thêm quân tăng viện. Gates đã không giải thích tại sao ông ta cần thêm quân để ngăn ngừa Afghanistan trở thành một trú khu an toàn cho quân khủng bố trong khi Al Qaeda đã tự do hoạt động trong nhiều nơi ở Pakistan và Taliban cùng các nhóm chiến binh Hồi giáo đang có nơi ẩn náu  an toàn trong khu vực các bộ tộc Pakistan. Thực vậy, kết quả các cuộc hành quân ở Afghanistan cho đến nay chỉ để đẩy các nhóm Hồi giáo quá khích qua bên kia biên giới đến khu vực các bộ tộc và Tỉnh Biên Giới Tây Bắc Pakistan.

Chìa khóa thành công trong việc đánh bại Al Qaeda và các nhóm quá khích bảo trợ nằm trong tay chính quyền Pakistan và khả năng kiểm soát các vùng xa xôi của họ. Nhưng ngoài ra còn có một vấn đề: nhiều nhóm quan trọng trong quân đội và giới tình báo Pakistan rất ngần ngại hành động chống lại các phần tử Pakistan quá khích, vì như vậy, đâu khác gì gián tiếp giúp Hoa Kỳ và Ấn Độ kiểm soát Afghanistan. Do đó, một sự leo thang quân sự của Hoa Kỳ rất có thể đi ngược lại những nỗ lực thuyết phục chính quyền Pakistan ngăn ngừa Al Qaeda dùng lãnh thổ Pakistan làm hậu cứ. Tệ hại hơn nữa, mở rộng chiến tranh chỉ có thể gây chia rẽ trầm trọng nội bộ Pakistan và làm suy yếu chính quyền dân chủ mong manh của xứ nầy. Ngay cả sự mở rộng chiến tranh thành đạt được mục tiêu hạn chế là loại trừ sự hiện diện của Al Qaeda ở Afghanistan, nó cũng có thể gây bất ổn ở Pakistan với hệ lụy tai hại cho an ninh khu vực và thế giới. Như Andrew Bacevich, một đại tá hồi hưu và giáo sư sử học về quan hệ quốc tế, Đại Học Boston, mới đây đã viết: Chấp nhận bất trắc đánh mất sự ổn định của một xứ có vũ khí hạt nhân với hy vọng bé nhỏ điên rồ cứu vớt Afghanistan rất có thể là một sai lầm nghiêm trọng[17].

 

Trong mọi trường hợp, sự tan rã của một Pakistan có vũ khí hạt nhân sẽ là một đe dọa lớn lao hơn nhiều đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ, vượt hẳn những nguy cơ của sự tiếp tục hiện diện của Al Qaeda trong những vùng biên giới xa xôi hẻo lánh của Pakistan. Trong thực tế, người ta đã thổi phồng quá đáng tầm quan trọng của Afghanistan và Pakistan như một cứ điểm an toàn của Al Qaeda. Khu vực các bộ tộc  Pakistan chỉ có một giá trị hạn chế trong việc huấn luyện các phần tử quá khích nhằm thâm nhập vào xã hội Hoa Kỳ, hoặc để lái phi cơ khủng bố hay nổ bom khủng bố (hầu hết kế hoạch tấn công 11/9 đều được diễn ra ở Đức quốc và Florida, không phải ở Afghanistan). Khu vực hẻo lánh xa xôi nầy cũng chẳng phải một địa bàn tốt để điều khiển một chiến dịch khủng bố, tuyển mộ cán bộ, hay đe dọa thương mãi toàn cầu. Chính vì vậy, Al Qaeda đã được tổ chức như một mạng lưới tản quyền, và cấp chỉ huy lãnh đạo ở Pakistan khó thể giữ một vai trò quan trọng nào khác hơn là khuyến khích và hỗ trợ tinh thần. An ninh của Hoa Kỳ, như vậy, tùy thuộc không phải nhu cầu thanh toán những sào huyệt an toàn xa xôi, mà chỉ ở những biện pháp chống khủng bố và an ninh thông thường - hợp tác tình báo, biện pháp cảnh sát, tuần tra và kiểm soát biên phòng, sử dụng lực lượng đặc biệt để mở những cuộc hành quân bất thần nhằm chận đầu những toan tính tấn công khủng bố.

Thay vì tăng quân, Hoa Kỳ cần một chiến lược ngoại giao trong toàn khu vực nhằm thay thế đội quân chiếm đóng NATO do Mỹ lãnh đạo bởi một liên minh đa quốc gia giúp đem lại một cơ chế phân chia quyền hành và một cơ cấu chính quyền mới. Guồng máy nhà nước sẽ bao gồm nhiều phần tử Taliban ôn hòa đã từ bỏ Al Qaeda và các tổ chức khủng bố khác, và giúp thực thi các biện pháp chấm dứt bạo lực. Một kế hoạch như thế sẽ có nhiều cơ may cô lập Al Qaeda và đem lại cho chính quyền Pakistan một môi trường và những điều kiện cần thiết để đối phó với những thành phần cực đoan.

Đã hẳn một liên minh đa quốc gia không dễ gì đem lại ổn định cho Afghanistan, nhưng sẽ có nhiều cơ may hơn nếu có sự tiếp tay của Hoa Kỳ. Vì vậy, T T Obama nên tuyên bố rõ ràng chiến lược toàn vùng mới sẽ nhằm rút quân và tái tạo một phái bộ mới dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc , thay vì NATO. Người Mỹ có thể liên kết Afghanistan với biến cố 11-9, nhưng ngày nay, Afghanistan thực sự là một vấn đề chung cho toàn khu vực, không phải một đe dọa cho an ninh Hoa Kỳ. Số phận Afghanistan đang buộc chặt với địa chính trị của toàn vùng Trung và Nam Á. Các vấn đề của Afghanistan phải do các cường quốc trong vùng cùng giải quyết, mặc dù vẫn cần đến những đóng góp ngoại giao, tài chánh của Hoa Kỳ vào các chương trình tái thiết và phát triển. Mọi tiến bộ trong việc bình định Afghanistan tùy thuộc ở sự tiến bộ trong quan hệ Pakistan-Ấn Độ. Nó cũng lệ thuộc ở vai trò xây dựng của Iran, vì Iran cũng có quyền lợi trong việc chế ngự nạn buôn bán nha phiến và ngăn ngừa sự trở lại của Taliban. Trung Quốc và Nga cũng có quyền lợi ở Afghanistan và có thể góp phần vào việc tái thiết.

Lôi kéo các cường quốc trong vùng vào liên minh đa quốc gia và hỗ trợ ngoại giao cho liên minh không phải là việc dễ dàng. Nhưng đây là một công trình xứng đáng và phù hợp với lời cam kết của T T Obama phục hồi địa vị lãnh đạo thế giới đáng kính của Hoa Kỳ, hơn là gửi thêm các nam nữ thanh niên đến bỏ mình trong vùng rừng núi và sa mạc Afghanistan trong 'cuộc chiến Obama'. Quyết định của Obama trong những ngày tháng sắp tới về Afghanistan sẽ là những tín hiệu cho biết nhiệm kỳ của Tân Tổng Thống sẽ thành công trong sứ mệnh phục hồi vị trí lãnh đạo quốc tế đáng kính của Hoa Kỳ hay chỉ  thêm một nạn nhân của cuộc chiến vô nghĩa ở một xứ sở xa xôi trong vùng Nam Á.

     

© GS Nguyễn Trường

Irvine, CA, USA 

02-27-2009


[1] The United States must proceed with caution - or end up on the ash heap of Afghan history.

[2] This is going to be a long slog, and frankly, my view is that we need to be very careful about the nature of the goals we set for ourselves in Afghanistan...If we set ourselves the objectiveof creating some sort of Central Asian Valhalla over tere, we will lose, because nobody in the world has that kind of time, patience and money.

[3] [T]he U.S. will remain the preeminent power, but that American dominance will be much diminished over this period of time...[T]he overwhelming dominance that the United States has enjoyed in the international system in military, political, economic, and arguably, cultural arenas is eroding and will erode at an accelerating pace with the partial exception fo military.

[4] We now have the opportunity of giving to the USSR its Vietnam war.

[5] That's why I'd send at least two or three additional combat brigades to Afghanistan...If we have Osama bin Laden in our sights and the Pakistani government is unable or unwilling to ttake them out, then I think that we have to act, and we take them out...We will kill bin Laden. We will crush Al Qaeda.

[6] The format of presidential debates does not lend itself to a nuanced discussion.

[7] Trying to divide your enemy is always a smart thing to do. But until we break the momentum that the Taliban has today, where they feel that they're the winner, I don't see that you have any credible chance of persuading even a small number of Taliban to break. They think they're winning, and if you look at the numbers, you can make a pretty convincing case.

[8] Calling it the Taliban is a failure to understand what's going on.

[9] It's a movement, not an organization. What we conveniently have been labeling 'the Taliban' is aphenomenon that includes a lot of people simply on the Islamic right.

[10] We are running out of time. We currently are losing, and the trends have been consistent since 2004...we face a crisis in the field  - right now. At least during 2009-10, priority must be given to warfighting needs.

[11] Sending more troops would identify us even more strongly as an occupation force and would multiply the targets [for the insurgents].

[12] We will sit, we will talk to them, they will listen to us, and we will come to some sort of solution.

[13] This requires great subtlety and a degree of sophistication, I have to say, is not the norm in American diplomacy. It calls for a stretch. I think the way to start is with very, very quiet conversations between the United States and India, and I think that the new relationship that we have with India gives us a better platform than ever before.

[14] We need to recall the reason we went to Afghanistan in the first place. Our purpose was...to deny the use of Afghan territory to terrorists with global reach. That was and is an attainable objective. It is a limited objective that can be achieved at reasonable cost. We must return to a ruthless focus on this objective. We cannot afford to pursue goals, however worthy, that contradict or undermine it. The reform of Afghan politics, society and mores must wait.

[15]...to exist for little more than the enrichment of those who run it, and contributing to the collapse of public confidence...and to the resurgence of the Taliban.

[16] The burial ground of empires.

[17] To risk the stability of that nuclear-armed state in the vain hope of salvaging Afghanistan would be a terrible mistake.

 

            ©  http://vietsciences.free.frr  và http://vietsciences.org    Nguyễn Trường