Đường Đi Đến Angkor

Vietsciences- Trương Văn Tân          31/08/2008

 

Những bài cùng tác giả

Chuyến đi Campuchia thăm đền Angkor Wat (Đế Thiên Đế Thích) là một sự kiện xảy ra gần như một ngẫu nhiên. Người nhà của tôi dự định đi Campuchia để viếng Angkor Wat sau chuyến về thăm Việt Nam. Tôi hơi lo vì Angkor Wat là một trong những căn cứ địa của Khmer Rouge trong thời kỳ chiến tranh. Sau chuyến công tác tại Hà Nội tôi bay vào Sài Gòn tìm đường đi Campuchia. Mục đích là thăm dò đường xá và độ an toàn tại Campuchia cộng với một chút hiếu kỳ muốn tìm hiểu cái kỳ quan thế giới “rất gần mà cũng rất xa” nầy. Những thông tin ở Việt Nam về du lịch Campuchia rất mơ hồ (xem Phụ Chú). Đối với những người sống ở nước ngoài quen với những sự chính xác rõ ràng như tôi thì cảm thấy rất là bất an. Người ta bảo tôi “ À… visa đi tới đâu thì xin tới đó ”, về cách đi thì “Đường bộ đi ngã Mộc Bài nhưng có nhiều ổ gà gây dằn xốc, đường sông đi ngã Châu Đốc”. Trước hai thông tin mong manh nầy tôi hơi chùn bước, nhưng lại nghĩ “Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi…” mà thầy cô dạy lúc nhỏ, tôi bèn nhét quần áo đầy cái ba lô rồi đón xe đi Châu Đốc.

Tôi đi xe khách “chất lượng cao” đến thị xã Châu Đốc lúc tờ mờ sáng. Như thường lệ, những người chạy xe Honda ôm tụm lại đón khách, giành giựt hành lý. Tôi hỏi một người đứng tuổi trông có vẻ “đàng hoàng” “Anh Hai ơi! Anh làm ơn chở tôi đến chỗ bán vé tàu tốc hành đi Nam Vang” “Rồi… rồi…, anh ngồi lên tui sẽ chở anh đến một khách sạn gần đây bán vé đi ngay Nam Vang sáng hôm nay”. Anh ta chở tôi đi gần nữa thị xã Châu Đốc đến một khách sạn. Ông chủ khách sạn lại chỉ đến một nơi khác, chúng tôi lại phải đi thêm nữa vòng thị xã còn lại. Có lẽ nhìn thấy cái dáng dấp Việt Kiều ngơ ngác của tôi, trên đường đi anh ta lại rủ rê “Tui chở anh đến Tịnh Biên rồi anh đi theo xe đến Nam Vang không cần visa gì ráo!! Người ta đi qua lại đường này nhiều lắm. Tiền xe hai chục đô Mỹ”. Tôi cảm thấy con đường này đầy “chông gai” quá nên từ chối. Sau nầy, tôi mới biết anh Honda ôm muốn kiếm ăn nên chở tôi lòng vòng thị xã vì từ trạm xe khách Châu Đốc đến nơi bán vé tàu thủy tốc hành đi NamVang cùng ở trên một con phố cách nhau 200m !!!

Cuối cùng tôi bước xuống một chiếc tàu máy có thể chở 15 người. Trong tàu đã có 10 người Âu Châu cộng với hai người hướng dẫn du lịch Việt Nam với khả năng nói tiếng Anh trung bình. Chúng tôi được cho biết là tàu sẽ đến thị trấn Neak Loung (Campuchia) và từ đó đi đường bộ đến Nam Vang. Từ Châu Đốc đến Nam Vang khoảng 160 km. Sau khi người hướng dẫn Việt Nam giải thích lộ trình thì một hành khách đứng dậy phản đối đòi tiền lại, vì khi anh ta mua vé tàu ở Sài Gòn được bảo là tàu tốc hành nhưng đây là tàu chậm. Tôi vừa làm thông dịch vừa phải giảng hoà một cách bất đắc dĩ. Ông chủ tàu cắn răng trả lại mọi người số tiền sai biệt. Tôi tò mò hỏi anh nầy “Anh người nước nào?” “Tôi và cô bạn từ Israel” “Ồ... thảo nào anh là một tough negotiator”. Cả tàu cười ồ….. Anh ta phân trần “Chúng tôi đi du lịch “bụi” gần 3 tháng nay. Chúng tôi đến từ Trung Quốc. Ở Trung Quốc người ta không mặn mà gì với người đi kiểu Tây ba lô như chúng tôi. Người Việt Nam thân thiện hơn nhưng họ có những mánh nhỏ làm chúng tôi rất khó chịu…”.

Tàu tiếp tục chạy dọc theo sông Hậu hướng về phiá kinh Sáng nối liền với sông Tiền. Cái mùi bùn cố hữu cuả dòng sông bây giờ đã được thay bằng cái hăng hắc thum thủm mùi mắm cuả thức ăn cá thoát ra từ những trại nuôi cá basa dọc theo bờ. Hai bên thuyền sông nước bao la. Đây là hai con sông lớn mà người Nam Bộ thường gọi là sông Cái. Khoảng cách hai bờ sông có nơi rộng đến 2 hoặc 3 km. Những hàng cây to bên kia bờ chỉ còn là một vệt xanh mờ mờ cao vài cm khi nhìn từ phiá bên nầy bờ sông. Người dân ở đây xây nhà sàn để tránh những trận lụt bất thường trong muà nước lớn. Trong vòng 20 năm qua, chính phủ đã dẫn những đường giây điện vào tận những vùng sâu vùng xa cuả miền Tây Nam Bộ nầy. Cũng có nhiều vùng đã có nước “phông tên” đúng tiêu chuẩn vệ sinh thay cho nước sông lắng phèn “truyền thống”. Nhiều nhà khá giả cũng có điện thoại, TV hoặc tủ lạnh như dân thành phố.

Chạy được 5 km, tàu bỗng nhiên chết máy. Tôi bồn chồn không yên vì tôi vẫn chưa biết cách lấy visa vào Campuchia, chưa có re-entry visa trở lại Việt Nam lại thêm chiếc tàu “đình công” không chịu làm việc. Chừng nào mới đến Nam Vang? Đi Campuchia mà cứ ngỡ như là đi trong mơ! Hư hư thực thực. Một chút mạo hiểm cộng với một chút bất an. Những người bạn đồng hành Tây ba lô vẫn không mảy may nao núng. Dường như họ cảm thấy đây là phần vui cuả một cuộc chơi thú vị. Chiếc tàu cập vào một làng nhỏ bên sông. Mấy đứa trẻ đi theo mấy bà mẹ bồng con trong làng kéo nhau ra xem mấy ông bà Tây bị “mắc cạn”, chúng tôi nhìn nhau tay vy vy miệng lao xao “hello hello”.

Đợi hơn 1 tiếng đồng hồ thì ba chiếc thuyền máy tam bảng tiếp viện “hùng dũng” tiến về phiá chúng tôi. Những chiếc tam bảng nầy chạy chậm hơn nên họ phải cắt ngắn thời gian bằng cách đi tắt vào những con rạch nhỏ để đến Vĩnh Xương. Nơi đây là ranh giới giữa Việt Nam và Campuchia. Trong những vùng sâu nầy, những chiếc cầu khỉ vắt vẻo trên không là phương tiện lưu thông chính qua sông. Những người đồng hành châu Âu bỗng nhiên rất thú vị với những cảnh cheo leo như thế nầy. Rồi họ tò mò chỉ vào những cái “box” được che bằng lá dừa hoặc những tấm tôn sơ sài thỉnh thoảng có người ngồi bên trong dọc theo bờ sông. Tôi lấp liếm “Oh!! bio-toilet” - “Whaat???”…

Tàu đến Vĩnh Xương. Chúng tôi lên bờ làm thủ tục xuất cảnh Việt Nam. Tôi gặp ông Trung Úy trưởng phòng xuất nhập cảnh để hỏi thăm cách xin visa nhập quốc Campuchia và nài nỉ xin re-entry visa trở lại Việt Nam. Ông ta ôn tồn trả lời là qua biên giới làm visa nhập quốc rất dễ dàng và ở đây không có thẩm quyền cho re-entry visa, phải lên tận Nam Vang. Thái độ cuả ông làm tôi an tâm, khác với tâm trạng nơm nớp lo sợ khi đứng trước những người bạn đồng nghiệp của ông tại phi cảng Tân Sơn Nhất hay Nội Bài có cái bộ mặt hách hách với lối nhìn soi mói.

Trời bỗng nhiên đổ mưa to. Chúng tôi phải đổi sang 3 chiếc ca nô đến từ phiá bên kia biên giới. Ban hướng dẫn Việt Nam trở lại Việt Nam, chúng tôi có người hướng dẫn mới vốn là người Campuchia gốc Việt. Anh ta hối thúc mọi người xuống ca nô, mặc dù trời mưa như trút nước sấm sét rền vang. Chúng tôi trở thành “người đi trong bão tố” một cách bất đắc dĩ…. Ba chiếc ca nô phóng ra giữa sông trong cơn mưa tầm tả với một tốc độ gần 50 km/h. Chiếc ca nô cuả tôi là chiếc đi cuối cùng.

Gió thổi mạnh. Sóng đánh mạnh vào mạn thuyền nghe bì bạch, chiếc ca nô chồm lên chồm xuống theo nhịp sóng. Tôi có cảm giác như một cảnh trong phim “Indiana Jones and the Raider of the lost Ark”. Phiá trước mặt tôi là một bức màn trắng xoá mù mịt. Những hạt mưa đập mạnh vào mặt nghe ran rát. May là tôi chuẩn bị trước chiếc áo mưa mua 2000 đồng tại Sài Gòn không thì cũng thành chuột lột. Tôi vừa run nhìn bờ sông hiện ra mờ mờ trong cơn mưa vừa ước lượng khoảng cách để ca nô có lật giữa dòng thì phải bơi vào theo hướng nào…. Chiếc ca nô băng ngang biên giới đi được 15 phút thì cặp bến Campuchia. Chúng tôi lên bờ làm thủ tục và xin visa nhập quốc.

Ngược dòng Mekong trên địa phận nước Campuchia

Trời tạnh mưa. Ba chiếc ca nô tiếp tục cuộc hành trình ngược dòng Mekong. Quang cảnh hai bên bờ sông ở đây khác hẳn Việt Nam với những hàng cây thốt nốt xa xa, dân cư thưa thớt thỉnh thoảng mới có một ngôi làng với vài ngôi chùa Miên mái ngói đỏ cong cong lẫn trong những căn nhà sàn cuả dân. Sau 1 tiếng đồng hồ đi ca nô kiểu Indiana Jones, chúng tôi cập bến Neak Loung. Ở đây, người ta chuyển chúng tôi sang chiếc xe khách 15 chỗ ngồi hướng về Nam Vang cách đó 60 km. Sau những cơn dằn xốc, thắng gấp tránh ổ gà, cuối cùng chúng tôi đến Nam Vang lúc 6:00 pm, 5 tiếng sau giờ dự định. Tôi chia tay với những người bạn đồng hành Âu Châu “đồng cam cộng khổ” và chúc họ thượng lộ bình an. Bên ngoài trời mưa tầm tã.

 

Nam Vang nằm giữa ngã tư bốn con sông. Sông Mekong từ phiá Bắc đổ xuống chia làm sông Tiền và sông Hậu. Sông Tonle Sap với Biển Hồ ở thượng nguồn chảy vào Nam Vang từ hướng Tây Bắc. Thành phố Nam Vang nơi tôi qua đêm cũng không khác gì với những khu dân cư đông đảo ở Sài Gòn Chợ Lớn với những căn phố hai tầng lụp xụp và những hàng thức ăn cuả người Hoa bày bán bên lề đường. Thỉnh thoảng có những chiếc xe hơi hoặc xe gắn máy không bảng số thản nhiên chạy qua chạy lại. Đến Nam Vang, tôi muốn ăn một tô hủ tiếu Nam Vang. Cái từ “hủ tiếu Nam Vang” không biết từ đâu, nhưng hủ tiếu ở đây thì không khoái khẩu chút nào và cái văn hoá ẩm thực cuả thành phố Nam Vang thì quả là thê thảm…..

Sáng hôm sau tôi dậy sớm để nhờ khách sạn nơi tôi trú ngụ làm re-entry visa trở lại Việt Nam. Tôi tiếp tục cuộc hành trình đến Angkor Wat cách Nam Vang 350 km theo sông Tonle Sap đến tỉnh Seam Reap. Chiếc tàu cánh ngầm đi Seam Reap chở gần 100 người, cộng thêm 30 người trên mui tàu vì không còn chỗ trong khoang!! Tàu chạy với tốc độ trung bình 70 km/h băng qua Biển Hồ mênh mông mà nơi rộng nhất cũng gần 30 km. Tôi cập bến Seam Reap buổi trưa. Cảnh tượng đón khách tại bến tàu Seam Reap cuả những người chạy xe Honda ôm cũng ồn ào náo nhiệt như ở Việt Nam nhưng có phần trật tự hơn. Những người trẻ tuổi làm những nghiệp vụ nầy biết tiếng Anh và tiếng Nhật cơ bản. Người Campuchia có vẻ thật thà và lúc nào cũng có thể nở trên môi một nụ cười. Tôi tạm trú ba đêm tại một khách sạn nhỏ ở thị xã Seam Reap với giá $6 USD một đêm có thêm phần giặt ủi quần áo miễn phí.

Quần thể đền Angkor cách thành phố Seam Reap 5 km chiếm một diện tích gần 200 km2 với tổng số non 50 ngôi đền. Thời đại Angkor kéo dài từ thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 15 (AD 805 – 1432) là một thời đại cực thịnh về văn hoá cuả dân tộc Khmer. Những ngôi đền được xây trong thời gian nầy. Thời đại nầy đã nhiều lần bị họa xâm lăng từ Siam (Thái Lan) và Champa (miền Trung Việt Nam ngày nay). Đặc điểm cuả những ngôi đền là tất cả được làm bằng đá từ mái đền đến những bậc thang. Ngươi Khmer cổ đã biết cách xây những cấu trúc đá, chồng những viên đá nặng hằng trăm kí-lô làm mái đền, cột đền, những khung cửa v.v… Phiá bên ngoài cấu trúc, những người thợ khắc Khmer tạc những hình thể to tát như mặt người ở đền Angkor Thom cao hằng chục thước, hoặc những chi tiết nhỏ vài cm trên những bức tường đá. Những bức tường đá nầy khắc lại những cuộc hành quân chống lại giặc ngoại xâm, cũng có những bức tường khắc những điệu vũ cung đình, những tượng Phật, những totem (rắn bảy đầu, Garuda = người đầu chim), thú vật (voi, khỉ), những vũ nữ với điệu vũ apsara.

Đến cuối thời đại Angkor, quân đội Siam đánh phá liên tục vào Angkor, những vị vua Khmer sau nầy phải rút về phiá nam xây dựng một thủ đô mới mà ngày nay gọi là Phnom Penh (Nam Vang). Quần thể đền Angkor bị bỏ hoang trở thành một phế tích bao phủ bởi rừng già.

 

Angkor Wat (Wat = temple) là tên cuả ngôi đền chính và lớn nhất cuả quần thể đền Angkor. Ngôi đền nầy lúc nào cũng là quốc huy Khmer xuất hiện trên quốc kỳ Campuchia qua các thời đại (Sihanouk, Lon Nol, Pol Pot, Hun Sen). Đây là một kiến trúc đối xứng bằng đá trông rất hùng vĩ được xây vào đầu thế kỷ thứ 12. Tượng Phật hoặc linga (dương vật) được thờ trong những gian phòng bằng đá. Những hành lang đá nối liền phần chính cuả ngôi đền chia những khoãng trống thành courtyards. Từ trên cái ban-công cao hơn 50 m nhìn xuống người ta nhìn thấy rừng già bao quanh.

Angkor Wat

Một trong những điêu khắc cho tôi nhiều ấn tượng nhất là những tượng của vũ nữ apsara khắc vào vách đá. Những nhà điêu khắc Khmer tạo ra bức tượng có thể bảo là đẹp hơn thần Vệ Nữ với những đường cong tuyệt mỹ và bộ ngực trần rất là phong phú… Không biết vô tình hay cố ý, du khách thường hay “sờ mó” vào phần ngực của những bức tượng. Lâu ngày phần nầy trở nên bóng loáng như được đánh “vẹc ni”! Ngày thứ 2, tôi viếng những đền lớn nhỏ với những lối kiến trúc khác nhau tùy theo tôn giáo (Phật giáo hay Hindu) hoặc thời đại. Những bộ mặt người qui mô được tạc xung quanh đền Angkor Thom và đền Bayon phải nói là một đặc sắc cuả nghệ thuật điêu khắc Khmer. Những khung cửa đối xứng vẫn còn giữ được sự chính xác sau gần 1000 năm. Vì là những kiến trúc bị bỏ hoang hơn 500 năm, có nhiều nơi bị những cây cổ thụ mọc xuyên qua những bức tường đá. Rễ cây một mặt phá hỏng những cấu tạo, một mặt ôm chặt lại những hình thể cấu trúc. Có thể nói đây là một hình ảnh có một không hai trên quả địa cầu nầy.

Vũ nữ apsara

Đền Bayon

Những khung cửa đá đối xứng

Tàn tích của sự hoang phế

Hằng ngày có khoảng 8000 đến 10000 người tham quan, phần lớn từ châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan (xem Phụ Chú). Xe bus, minibus, xe hơi lớn nhỏ, xe Honda, xe kéo, xe đạp rần rộ qua lại từ sáng đến chiều. Tôi thường lẩn vào nhóm du khách Nhật để được nghe "ké" những lời giải thích cuả người hướng dẫn. Thỉnh thoảng có những đoàn khảo cổ học từ châu Âu hoặc Mỹ, họ dừng lại rất lâu từng nơi quan sát rất cặn kẻ và nghe người trưởng đoàn giải thích từng chi tiết một. Tôi nghĩ với tốc độ nầy thì phải ở lại Angkor ít nhất 1 tháng!! Quần thể đền Angkor bị mất mát rất nhiều vì sự bào mòn của thiên nhiên. Nhưng sự mất mát nầy vẫn còn rất nhỏ so với sự tàn phá cuả con người vì chiến tranh và trộm cắp. Tôi đau lòng khi thấy có nhiều hiện vật nằm lăn lóc trên mặt đất và có rất nhiều bức tượng bị chặc đầu. Những chiếc đầu nầy được bí mật chuyển qua Thái Lan trở thành những món đồ cổ đắt giá trên thị trường quốc tế.

Tôi học đươc nhiều tiếng Khmer từ anh bạn trẻ lái Honda ôm cuả tôi. Tôi học cách đếm để giao dịch “mua bán”. Lạ thay, số đếm từ 1 đến 5 có âm hưởng giống tiếng Việt. “Mùi, Bi, Bay, Bún, Pram”. Có phải đây là một ngẫu nhiên hay là một số tiếng Nôm có cùng nguồn gốc với tiếng Khmer? Sau đó, tôi học cách chào xã giao “Arun susu đay. Sốc sốc bay, chia tế?” (Good morning. How are you?). Sau cùng, tôi học vài câu “nịnh nọt” “Anh đẹp trai” “Em đẹp lắm” v.v…

Tôi trở lại Nam Vang và Châu Đốc sau 3 ngày tham quan Angkor. Với tầm vóc lịch sử và một nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc cổ đại, Angkor quả xứng đáng là một kỳ quan thế giới. Campuchia là một nước bên cạnh Việt Nam, nhưng phải nói rằng là có bao nhiêu người trong chúng ta hiểu rõ nền văn hoá cuả nước láng giềng. Thậm chí cho đến bây giờ, không ít người vẫn nghĩ nền văn hoá Khmer còn một bước đi sau văn hoá Việt Nam. “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Tôi về đến Sài Gòn như dự định sau chuyến đi “mạo hiểm” kiểu Indiana Jones nhưng rất đáng “đồng tiền bát gạo”.

Ba tháng sau, tôi hướng dẫn Ba Mẹ tôi thăm Campuchia và trở lại Angkor lần thứ hai. Đến Châu Đốc tôi lại gặp ông Honda ôm hôm trước. Tôi phớt tỉnh Ăng-lê nhưng anh ta chẳng buông tha “À… tui gặp anh lần trước. Tui biết anh mà, tui biết anh mà… Anh muốn đi đâu tui chở anh đi”. Dường như, cái mặt của tôi có cái khuyết điểm là đi dâu cũng dễ bị người nhận diện. Tôi cứ làm ngơ, anh ta cứ lẽo đẽo đi theo. Tôi bực mình quay lại nói “Thôi đi bố…. Lần này tôi không cần anh nữa. Kỳ rồi nếu anh chỉ cho tôi Khách Sạn HC nơi bán vé tàu tốc hành thì đỡ tốn thì giờ cuả tôi. Tôi cũng cho anh tiền cà phê thôi…”. Anh ta tiu nghỉu bỏ đi. Tôi lại thấy thương hại anh ta và chợt nhớ lại lời phê bình cuả anh bạn Israel đồng hành hôm trước. Có phải chăng cũng vì miếng ăn khó khăn nên những “tiểu mưu” trở thành một cố tật trong cuộc sống người Việt Nam?

Tôi và Ba Mẹ tôi đi theo chuyến tàu nhỏ tốc hành đến Nam Vang chỉ mất 4 tiếng. Trời hôm đó thật quang đãng.

(Đã đăng trên www.erct.com, năm 2003)

Phụ Chú:

1. Những sự kiện trong bài này được viết vào năm 2003, ở thời điểm này rất ít du khách từ Việt Nam. Hiện nay (2008), đường bộ từ Việt Nam đã được khai thông và có những "tour" trọn gói tiện lợi. Số du khách Việt Nam tăng lên hàng trăm lần.

2. Giá tàu thủy tốc hành từ Châu Đốc đến Nam Vang: $15 USD. Giá tàu thủy tốc hành từ Nam Vang đến Seam Reap: $20 – 25 USD. Phi cơ (Saigon – Seam Reap one way): $120 USD. Giá vào cửa Angkor: người Campuchia miễn phí, người nước ngoài $20 USD 1 ngày $30 USD 2 ngày. Tất cả là giá năm 2003.

 

 

            ©  http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Trương Văn Tân