Quy hoạch Nhà Quốc hội mới lấn sang khu khảo cổ A,B?
02:15' 22/03/2007 (GMT+7)
(VietNamNet)- Sau khi xem
bản vẽ kèm theo Báo cáo phương án quy hoạch, xây dựng Nhà
Quốc hội, thấy có sự thay đổi về vị trí và diện tích so với
kết luận của Bộ Chính trị tại phiên họp ngày 28/02/2007; rất
nhiều độc giả trong và ngoài nước đã gửi phản hồi về hỏi lại
cho rõ.
Vì không đủ
kiến thức chuyên môn nên chúng tôi đã tìm đến Giáo sư Sử học
Phan Huy Lê để nhờ ông phân tích, trả lời độc giả. Dưới đây
là ý kiến của Giáo sư Phan Huy Lê.
 |
Bản vẽ này căn theo bản
vẽ kèm Báo cáo phương án quy hoạch, xây dựng Nhà
Quốc hội (phần giới hạn bởi đường viền nâu và đường
xanh đã lấn vào khu khảo cổ A,B) |
Theo kết luận của Bộ Chính trị cũng
như báo cáo của Chính phủ gửi Các vị đại biểu Quốc hội về
phương án quy hoạch, xây dựng Nhà Quốc hội tại lô D khu
trung tâm chính trị Ba Đình, Nhà Quốc hội mới sẽ xây trên
khuôn viên Hội trường Ba Đình hiện nay với quy mô 0.8ha,
nhưng bản vẽ kèm theo báo cáo này thì chỉ riêng diện tích
xây dựng Nhà Quốc hội đã là 1.2 ha và lấn cả vào khu
A,B,C,D. Đây là sự nhầm lẫn khi vẽ bản đồ quy hoạch hay còn
vì lý do nào khác, thưa Giáo sư?
GS Phan Huy Lê: - Khi
nghiên cứu Báo cáo của Chính phủ trình trước phiên họp thứ
XI Quốc hội khoa XI, tôi cũng nhận thấy giữa nội dung báo
cáo với 3 bản vẽ kèm theo, trong đó có bản vẽ mặt bằng
phương án xây dựng Nhà Quốc hội, có chỗ không phù hợp.
Báo cáo viết rõ
“Chính phủ đã đề xuất phương án xây dựng Nhà Quốc hội trên
khuôn viên Hội trường Ba Đình hiện nay (với qui mô chiếm đất
khoảng 0,8 ha)”.
Theo kết quả khảo
sát thực địa và tính toán trên cơ sở bản đồ thì khuôn viên
Hội trường Ba Đình hiện nay với tường ngăn rõ ràng, có diện
tích khoảng 1,2 ha. Nhưng theo bản vẽ thì mặt bằng xây dựng
Nhà Quốc hội đã lên đến khoảng 1,4 ha. Hơn nữa, phạm vi
chiếm đất quanh Nhà Quốc hội lên đến khoảng 2,6 ha, tức rộng
gấp hơn hai lần diện tích khuôn viên của Hội trường Ba Đình
hiện nay (khoảng 1,2 ha).
Phạm vi chiếm đất
này lại lấn sang gần một nửa diện tích các hố 3, 4, 5, 6 của
khu D (theo sơ đồ khai quật khảo cổ học) có nhiều di tích
quý thời Lý, Trần, khoảng một nửa khu C trong đó có hố C3 đã
khai quật cũng có di tích quan trọng thời Lý, và một phần
phía nam khu A, B làm gara ô tô.
Tôi không thể đưa ra
nhận xét là do nhầm lẫn hay lý do gì khác. Nhưng một điều
cần khẳng định là dù chỉ là bản vẽ minh họa, nhưng trong một
báo của Chính phủ trình Quốc hội với yêu cầu nghiêm túc của
một văn bản nhà nước, không thể thiếu tính thống nhất giữa
văn bản và minh họa, hơn nữa lại có sự sai biệt quá lớn đến
như vậy.
Theo bản vẽ đi
kèm báo cáo của Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội thì gara
của Nhà Quốc hội mới đã lấn hẳn sang khu, A,B nơi có những
di chỉ khảo cổ quan trọng, cần bảo tồn toàn vẹn. Nếu đúng
như vậy thì Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu có còn
đủ điều kiện để công nhận là di sản thế giới hay không?
GS Phan Huy
Lê: - Theo bản vẽ kèm theo Báo cáo của Chính phủ
thì một phần phía nam khu A, B giáp đường Bắc Sơn sẽ dùng
làm gara ô tô. Tại đây đã có những hố khai quật A7, A8 và
B8, tuy không thấy di tích kiến trúc, nhưng lại có di tích
ao hay hồ.
Dù là di tích kiến
trúc hay dấu tích ao, hồ thì vẫn là bộ phận cấu thành của
khu di tích Hoàng thành, cần phải bảo tồn. Hơn nữa lại sử
dụng diện tích này làm gara ô tô, tất nhiên mới chỉ là sơ đồ
phác họa, nhưng phản ánh một thái độ ứng xử "không phải đạo"
đối với một di sản văn hóa vô giá mang tính thiêng liêng của
dân tộc và có tầm cỡ thế giới.
Theo bản vẽ minh họa
kèm theo này, khu Di tích Hoàng thành Thăng Long phát lộ ở
18 Hoàng Diệu bị xâm phạm nặng nề, không bảo đảm tính toàn
vẹn của di tích thì chắc chắn hồ sơ trình UNESCO đề nghị
công nhận Di sản văn hóa thế giới sẽ bị loại bỏ ngay.
Trong phiên họp thứ
nhất ngày 19-3-2007 của Ủy ban chuyên gia hỗn hợp Việt-Nhật
(thành lập theo ý kiến Thủ tướng tại văn bản số 6723/VPCP-VX
ngày 15-11-2006), các chuyên gia Nhật Bản cũng đã yêu cầu
phía Việt Nam bảo đảm tính toàn vẹn của khu di tích thì mới
có thể hợp tác trong nghiên cứu và bảo tồn khu di tích cũng
như tư vấn giúp Việt Nam hoàn chỉnh hồ sơ trình UNESCO công
nhận Di sản văn hóa thế giới.
Một số chuyên gia
đầu ngành của Nhật Bản trong thư gứi lãnh đạo Việt Nam ngày
15-1-2007 cũng nói rõ: " Với những hiểu biết và kinh nghiệm
của chúng tôi , nếu xây dựng bất cứ một công trình hiện đại
nào xâm hại đến di tích và không bảo vệ được tính toàn vẹn
của khu di tích thì dù khu di tích có giá trị cao đến đâu
cũng sẽ không được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế
giới và như thế Việt Nam tự đánh mất một Di sản văn hóa thế
giới giữa lòng thủ đô vốn là cái nôi của Nhà nước và Văn hóa
Việt Nam".
Có điểm khác nhau
rất cơ bản giữa báo cáo ý kiến của Ủy ban khoa học, công
nghệ và môi trường gửi các đai biểu Quốc hội với kết luận
của Bộ Chính trị và báo cáo của Chính phủ, đó là việc sẽ mở
rộng khuôn viên của Nhà Quốc hội mới sang cả khu C và D theo
bản đồ khảo cổ học. Giáo sư đánh giá sự "vênh" nhau này như
thế nào?
GS Phan Huy
Lê: - Theo tôi biết thì đúng là trong Báo cáo của
Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội trình
Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có đề xuất ý kiến xây dựng Nhà
Quốc hội trên khuôn viên Hội trường Ba Đình hiện nay và có
mở rộng (khu C và D theo bản đồ khai quật khảo cổ học). Theo
tôi tất nhiên Ủy ban khoa học, công nghệ và môi trường có
quyền đề xuất ý kiến của mình để Quốc hội xem xét và quyết
định.
Nhưng theo suy nghĩ
của tôi, như thế là không phù hợp với kết luận của Bộ Chính
trị trong phiên họp ngày 28-2-2007 và chưa suy tính toàn
diện đến yêu cầu bảo đảm tiêu chí Di sản văn hóa thế giới
cho khu Di tích Hoàng thành Thăng Long.
Kết luận mới của Bộ
Chính trị trong phiên họp ngày 28-2-2007 là vừa khẳng định
xây dựng Nhà Quốc hội trong lô D, vừa xác định phương án xây
dựng Nhà Quốc hội trên khuôn viên Hội trường Ba Đình hiện
nay và dùng toàn bộ khu làm việc và khuôn viên Bộ Ngoại giao
hiện nay làm trụ sở của các cơ quan Quốc hội. Kết luận cũng
chỉ rõ, việc xây dựng Nhà Quốc hội và bảo tồn di tích cần
được triển khai đồng thời trong một qui hoạch tổng thể để
tạo thành một quần thể văn hóa trong khu Ba Đình lịch sử gồm
từ khu di tích Hoàng thành 18 Hoàng Diệu, thành cổ Hà Nội
cho đến các di tích thời đại Hồ Chí Minh như Lăng Chủ tịch
Hồ Chí Minh, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ
tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Nhà Quốc hội...
Nhà Quốc hội cần
được xây dựng trang trọng và đồng bộ, gắn với phương án bảo
tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử trong khu vực
trên. Khi được biết kết luận này, qua trả lời phỏng vấn, tôi
đã bày tỏ sự hoan nghênh và thái độ đồng thuận. Theo kết
luận này, Nhà Quốc hội xây dựng trên khuôn viên Hội trường
Ba Đình hiện nay và nếu phát lộ di tích, di vật khảo cổ học
thì cần nghiên cứu, lập hồ sơ và thu thập đưa vào Bảo tàng
hay Nhà trưng bày.
Thực hiện nghiêm túc
kết luận này, chúng ta vừa có Nhà Quốc hội trang trọng trong
lô D của Trung tâm chính trị Ba Đình, vừa bảo đảm tính toàn
vẹn của khu di tích Hoàng thành Thăng Long để lập hồ sơ
trình UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới.
Trên địa bàn Hà Nội
hiện nay, khu di tích này với một phạm vi qui hoạch hợp lý
là di tích có thể nói là duy nhất hội đủ các tiêu chí để trở
thành Di sản văn hóa thế giới. Tôi nghĩ rằng xây dựng Nhà
Quốc hội trang trọng xứng đáng với vai trò của Quốc hội,
đồng thời bảo đảm tính toàn vẹn của khu di tích Hoàng thành
Thăng Long để có một Di sản văn hóa thế giới nằm giữa khu
trung tâm của Thăng Long-Hà Nội, đó là trọng trách đang đặt
ra cho các đại biểu Quốc hội trước nhân dân và trước lịch
sử.
Với kết luận mới của
Bộ Chính trị, chỉ cần xác lập một qui hoạch được tính toán
hợp lý và một thiết kế hài hòa về qui mô, kiểu dáng là chúng
ta có thể đồng thời đạt cả hai mục tiêu: Nhà Quốc hội trên
khuôn viên Hội trường Ba Đình hiện nay và Di sản văn thế
giới giữa lòng Hà Nội. Giới khoa học trong nước và quốc tế,
nhân dân cả nước và Việt kiều hải ngoại thực sự đang nóng
lòng chờ đợi một quyết định sáng suốt, hợp lòng dân, đáp ứng
nguyện vọng tha thiết, chính đáng của toàn dân mà kết luận
mới của Bộ Chính trị đã vạch ra phương án thỏa đáng
nhất.
Chuyển địa điểm nhà Quốc hội, bảo tồn toàn bộ Hoàng thành
Văn phòng Chính phủ có công văn số 50/TB-VPCP ngày
21-3-2005, thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Phan Văn
Khải tại cuộc họp ngày 8-3-2005 về Qui hoạch chi tiết Khu
Trung tâm chính trị Ba Đình, Hà Nội.

Trong thông báo có đề cập đến một trong
những vấn đề còn bỏ ngỏ lâu nay là địa điểm xây dựng trụ sở
và văn phòng Quốc hội, từ đó quyết định số phận khu di tích
Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu.
Chúng tôi đã gặp và phỏng vấn GS Phan
Huy Lê - Chủ tịch Hội khoa học lịch sử VN, Chủ tịch Hội
đồng tư vấn khoa học của Viện Khoa học xã hội VN về khu di
tích Hoàng thành, cũng là người được mời dự buổi họp ngày
8-3 của Thủ tướng Chính phủ.
* Trong 3 phương án xây dựng trụ sở và
văn phòng Quốc hội, Thủ tướng yêu cầu "Phân tích các ưu
nhược điểm của từng phương án, lưu ý nghiêng theo phương án
2 có nhiều ưu điểm hơn". Xin hỏi ý kiến của GS về vấn đề
này?
- GS Phan Huy Lê: Trong
cuộc họp ngày 8-3, Bộ VHTT nêu lên 3 phương án về bảo tồn
khu di tích Hoàng thành Thăng Long: Phương án 1: bảo tồn
toàn bộ; Phương án 2: bảo tồn một bộ phận và Phương án 3:
lấp cát toàn bộ.
Viện KHXHVN sau khi tóm tắt giá trị khu
di tích HTTL đã được giới khoa học trong nước nghiên cứu và
thảo luận qua nhiều hội thảo, đề nghị bảo tồn toàn bộ khu di
tích nhưng có kế hoạch triển khai từng bước trong một qui
hoạch tổng thể cần nghiên cứu kỹ.
Bộ Xây dựng, trong dự án Qui hoạch Khu
trung tâm chính trị Ba Đình, về địa điểm xây dựng trụ sở và
Văn phòng Quốc hội, nêu lên 3 phương án:
- Phương án 1: xây nhà Quốc hội tại Lô D
tức lô đất có khu di tích HTTL, nhưng kết hợp bảo tồn tại
chỗ một nửa khu di tích về phía Đông giáp đường Hoàng Diệu
(tức khu A, B theo bản đồ khai quật khảo cổ học) và xây nhà
Quốc hội ở nửa phía Tây giáp đường Độc Lập (tức khu C, D
theo bản đồ khai quất khảo cổ học) theo cách xây nhà Quốc
hội phía trên và bảo tồn di tích bên dưới, còn Văn phòng
Quốc hội xây dựng tại địa điểm khác.
- Phương án 2: Xây nhà Quốc hội tại Lô H6
tức khu vực có Bộ tư pháp, Nhà khách Chính phủ và Nhà khách
Trung ương Đảng hiện nay, khu vực nằm giữa các đường phố
Hùng Vương, Trần Phú, Chu Văn An, Lê Hồng Phong.
- Phương án 3: xây Nhà Quốc hội tại Lô A7
và Lô H7 tức khu Trung tâm giao dịch và điều hành Viễn thông
quốc gia và Cục Bưu điện trung ương hiện nay, khu vực cuối
phố Trần Phú giáp chợ Ngọc Hà.
Sau khi nghe các báo cáo và ý kiến thảo
luận, Thủ tướng "lưu ý nghiêng theo phương án 2 có nhiều ưu
điểm hơn". Đồng thời với sự lựa chọn này thì "phải báo cáo
giải trình cụ thể đề án bảo tồn và phát huy di tích cũng như
quy hoạch sử dụng đất Lô D, bảo đảm cảnh quan khu Trung tâm
chính trị Ba Đình" (trích Thông báo).
Tuy giao cho các cơ quan chức năng nghiên
cứu và Qui hoạch chi tiết Khu Trung tâm chính trị Ba Đình
còn phải "báo cáo xin ý kiến Bộ Chính trị", nhưng ý kiến chỉ
đạo của Thủ tướng đã rõ ràng. Lựa chọn phương án 2 của Bộ
xây dựng để xây dựng Nhà Quốc hội, tức là bảo tồn toàn bộ
khu di tích Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu.
Theo tôi đó là ý kiến chỉ đạo đúng đắn
biểu thị thái độ trân trọng và trách nhiệm cao của Đảng và
Nhà nước đối với một di sản văn hóa vô giá của dân tộc giữa
lòng thủ đô Hà Nội, đáp ứng nguyện vọng của giới khoa học,
văn hóa và nhân dân cả nước cùng kiều bào ở nước ngoài cũng
như đề xuất của các chuyên gia tư vấn quốc tế.
Sẽ dựng Công viên Lịch sử-Văn hoá
Thăng Long?
 |
Sơ đồ khu khai quật Ba Đình tại 18 Hoàng Diệu
|
* Nếu chuyển Nhà Quốc Hội đến địa điểm khác (phương án 2)
thì theo GS, khu di tích Hoàng thành Thăng Long cần được bảo
tồn như thế nào?
- Đây là một vấn đề không đơn giản, còn
cần phải tiếp tục nghiên cứu và tranh thủ thêm ý kiến tư vấn
của chuyên gia quốc tế. Trong báo cáo của Viện KHXHVN đã đề
xuất hướng bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích HTTL.
Trước hết, theo tôi, trên khu vực gọi là
Lô D (nằm giữa đường Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Độc Lập, Bắc
Sơn), Hội trường Ba Đình hiện nay cần được bảo tồn như một
di tích Cách mạng và sau khi xây dựng Nhà Quốc hội, có thể
dùng để trưng bày lịch sử Quốc hội VN kết hợp với các di vật
HTTL.
Khu di tích khảo cổ học đã phát lộ, trên
nguyên tắc bảo tồn tại chỗ, cần nghiên cứu chọn một số di
tích tiêu biểu bảo tồn nguyên gốc tại chỗ, những phần còn
lại sau khi lập hồ sơ khoa học đầy đủ có thể lấp cát để sau
này có điều kiện nghiên cứu tiếp, đồng thời kết hợp với
nhiều giải pháp bảo tồn và trưng bày hiện đại như dựng nhà
trưng bày, lập mô hình, phục dựng một số di tích nếu hội đủ
các điều kiện khoa học...
Công việc điều tra khảo sát và khai quật
thăm dò cần tiếp tục để nâng cao hiểu biết về toàn bộ khu di
tích. Cho đến nay, giá trị chung của khu di tích thì không
ai có thể phủ nhận, nhưng nhiều vấn đề khoa học đang đặt ra
và cần tổ chức nghiên cứu, thảo luận trên phương pháp liên
ngành và sự hợp tác giữa các chuyên gia các chuyên ngành
liên quan.
Khu di tích HTTL cần được bảo tồn trong
một qui hoạch lớn hơn bao gồm cả thành cổ Hà Nội với nhiều
di tích lịch sử văn hoá truyền thống và cả di tích cách
mạng, kháng chiến. Có thể xây dựng cả khu vực này thành một
Công viên lịch sử văn hoá Thăng Long-Hà Nội. Như thế khu
Trung tâm chính trị Ba Đình sẽ được tôn tạo và hiện lên cả
lịch sử từ thời Tiền Thăng Long, Thăng Long thời Lý-Trần-Lê,
Hà Nội thời Nguyễn cho đến thời cận đại, hiện đại với bề dày
lịch sử-văn hoá hơn 10 thế kỷ. Qui hoạch đó cần kèm theo một
kế hoạch triển khai cụ thể gồm nhiều bước, nhiều giai đoạn
trên một lộ trình nhất quán.
Hoàng Thành quyết không thể phơi mưa
thêm một mùa!
* Trong suốt thời gian dài kể từ sau
khi phát lộ, Hoàng thành Thăng Long trần mình dưới nắng, phủ
vải bạt che mưa. Cá nhân GS nhận thấy tình trạng di tích
hiện ra sao?
- Di tích khảo cổ học khi đã khai quật
lên tức đã thay đổi môi trường tồn tại của nó, mà không có
mái che kèm theo những giải pháp bảo vệ khác thì không tránh
khỏi bị xuống cấp, nhất là trong điều kiện khí hậu khắc
nghiệt của nước ta và vùng Hà Nội.
Kể từ khi bắt đầu khai quật vào tháng
12-2002 cho đến nay, khu di tích này đã trải qua hai mùa mưa
năm 2003, 2004 và sắp bước vào mùa mưa thứ ba năm 2005. Về
mùa mưa thứ nhất năm 2003 thì không thể trách cứ ai vì lúc
đó chưa có chủ trương bảo tồn. Nhưng sau khi có Thông báo
của Bộ Chính trị vào tháng 11-2003 về việc nghiên cứu giá
trị và đề xuất phương án bảo tồn thì mùa mưa thứ hai năm
2004, không có mái che khu di tích là điều rất đáng tiếc.
Tuy nhiên trong hoàn cảnh đó, Ban dự án
và Viện khảo cổ học đã khắc phục bằng những giải pháp tình
thế như phủ bạt và lắp đặt một hệ thống máy bơm hút nước
thường xuyên, là một cố gắng có tinh thần trách nhiệm.
* Vậy từ nay đến khi có quyết định
chính thức của Thủ tướng về địa điểm xây dựng Nhà Quốc hội
(mới), và sau đó là cách thức bảo vệ cụ thể đối với khu di
tích, Hội đồng Tư vấn Khoa học do GS làm chủ tịch có định đề
xuất phương án bảo quản trước mắt nào? Lại một mùa mưa nữa
sắp đến rồi, thưa GS...
-
Tôi và một số nhà khoa học đã cảnh báo các cơ quan
chức năng, nhưng đến nay vẫn chưa thấy có kế hoạch và giải
pháp cụ thể. Năm nay không thể để tình trạng như năm ngoái.
Khu di tích đã phơi mưa phơi nắng ba mùa rồi, đến mùa này
dứt khoát phải có mái che.
Nhưng mái che như thế nào thì theo tôi có
thể có 2 phương án. Phương án thứ nhất là dùng thiết kế mái
che đã được duyệt năm ngoái. Thiết kế này nhiều người cho là
quá tốn kém (trên 20 tỷ đồng) và quá kiên cố chứ không phải
là "tạm thời" như yêu cầu phản ánh ngay trong tên gọi của dự
án. Nhưng nên nhớ, "tạm thời" thì cũng phải năm bảy năm mới
hoàn chỉnh được khâu nghiên cứu và tìm giải pháp bảo tồn.
Nếu phương án 1 không được duyệt thì ta
có thể làm mái che tạm theo nghĩa là giản tiện hơn thiết kế
năm ngoái. Và theo tôi chỉ cần giản tiện thôi, miễn là che
mưa nắng được dăm bảy năm là được rồi. Bằng mọi giá phải có
mái che năm nay, nếu không công luận sẽ không thể tha thứ...
Trang mới cho Hoàng thành
Bộ Văn Hóa-Thông Tin Việt Nam
|
18h09, 21/03/2007 |
 |
Dấu tích
kiến trúc thời Lý - Trần ở hố D4 - D6 tại di tích
Hoàng thành |
Vừa qua , Ủy ban Chuyên gia Việt
- Nhật về điều tra, bảo tồn di tích Hoàng thành Thăng Long
(UB) đã ra mắt trong phiên họp đầu tiên dưới sự chủ trì của
GS Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử VN, bà Ngô
Thị Thanh Hằng - Phó Chủ tịch UBND TP, Chủ tịch ủy ban hỗn
hợp Việt - Nhật (phía Việt Nam) và ông Kamei Nobuo - Chuyên
gia thẩm định tài sản văn hóa thuộc Bộ Văn hóa Nhật Bản, Chủ
tịch ủy ban hỗn hợp Nhật - Việt (phía Nhật Bản).
Tại phiên họp đầu tiên, theo
đề nghị của các chuyên gia Nhật Bản, TS Nguyễn Văn Sơn -
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ HN
đã trình bày tổng quát về tình hình bảo tồn di tích HT. Ông
Sơn đã dẫn thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về chủ
trương bảo tồn lâu dài toàn bộ HT trong mối quan hệ hữu cơ
với Thành cổ Hà Nội, tạo thành quần thể di tích lịch sử
- văn hóa. Hiện nay, UBND TP và giới nghiên cứu đang
phối hợp hoàn chỉnh hồ sơ khu di tích Thành cổ và HT để
trình Chính phủ công nhận là khu di tích quốc gia đặc biệt
quan trọng.
Theo báo cáo của PGS.TS Tống
Trung Tín, tại HT hiện có hai loại di vật cần được bảo quản
khẩn cấp là hiện vật kim loại và đồ gỗ. Trong 2 năm qua các
chuyên gia khảo cổ và Bảo tàng Lịch sử VN đã tiến hành tẩy
gỉ, làm sạch khoảng 8.000 hiện vật kim loại, gồm vũ khí,
tiền đồng, công cụ. Với di vật gỗ, những gì đã lấy ra khỏi
lòng đất được đem ngâm trong bể nước; số để lại hiện trường
được lấp cát, ghi dấu. Chân cột gỗ được để ở dạng bán thiên
nhằm phục vụ tham quan.
Trong thực tế, do điều kiện khách quan, kết quả nghiên cứu,
chỉnh lý tư liệu về HT có những điều phải thẩm định lại, để
tái khẳng định kết quả hoặc sửa chữa sai sót. Theo báo cáo
của chuyên gia Nhật Bản, những người đã cùng phía Việt Nam
thực hiện điều tra lại một số vị trí ở HT và tổ chức tập
huấn sử dụng máy, xác định ô tọa độ vào đầu năm nay, đã có
những vị trí cần phải vẽ lại sơ đồ. Làm thử tại các hố B3,
B16, sau khi đối chiếu, chuyên gia Nhật Bản nói rằng bản vẽ
mới có nhiều dấu vết trong khi bản vẽ trước đó để trắng. Kết
luận ấy dẫn đến suy nghĩ tái điều tra tổng thể cả khu A, B,
C, D để làm rõ xem còn sai sót gì không.
Chuyên gia Việt Nam cho rằng họ đã gặp một số khó khăn trong
trường hợp HT bởi vừa phải nghiên cứu vừa tiến hành bảo
quản. TS Tống Trung Tín nói: “Kinh nghiệm nghiên cứu di tích
kiến trúc của KCH đô thị ở Việt Nam chưa nhiều. Hơn nữa,
chưa bao giờ các nhà KCH Việt Nam tiến hành nghiên cứu trên
phạm vi rộng đến thế. Di tích nhiều thời kỳ chồng lên nhau,
cắt phá lẫn nhau. Điều đặc biệt là do nguyên nhân khách
quan, chúng tôi đã phải đào gần 20.000m2 chỉ trong vòng 3
tháng. Lúc đó, quyết tâm là đưa di vật, di tích đi chứ không
phải giữ tại chỗ. Với tư cách là chỉ huy công trường, tôi
thấy sai sót là không tránh khỏi. Cần tranh thủ ý kiến tư
vấn của các chuyên gia Nhật Bản vốn có kinh nghiệm nghiên
cứu di tích kiến trúc kinh thành”.
Trả lời câu hỏi của phía Nhật Bản về vị trí xây dựng Nhà
Quốc hội, phạm vi bảo tồn và hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận
quần thể di tích Kinh thành Thăng Long là di sản văn hóa thế
giới, GS Phan Huy Lê nói: Hiện chưa có quyết định cuối cùng
về vị trí xây dựng Nhà Quốc hội. Tuy nhiên, căn cứ vào quan
điểm, thông tin về tờ trình của Chính phủ thì có thể tin
tưởng 19.000m2 tại 18 Hoàng Diệu có điều kiện để bảo tồn
toàn vẹn. Về phạm vi bảo tồn quần thể di tích Kinh thành
Thăng Long, trước mắt giới khoa học đề nghị gồm toàn bộ HT,
Thành cổ - nằm trong Cấm thành TL xưa, các di tích quan
trọng như nền điện Kính Thiên, Đoan Môn, Cửa Bắc, Cột Cờ.
Việc có đưa thêm di tích nào vào nữa hay không (như Văn Miếu
- Quốc Tử Giám, Ô Quan Chưởng, Thăng Long tứ trấn…) là điều
đang được nghiên cứu. Phía Việt Nam đề nghị các chuyên gia
Nhật Bản tham gia tư vấn về bảo tồn HT, cùng xây dựng quy
hoạch, lập hồ sơ trình UNESCO.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Thị Thanh
Hằng đề nghị Nhật Bản giúp nghiên cứu phương án bảo tồn lâu
dài, nguyên vẹn khu di tích 18 Hoàng Diệu; xây dựng quy
hoạch bảo tồn trên phạm vi ít nhất là gồm HT và Thành cổ HN
và xây dựng hồ sơ chính thức gửi UNESCO. Đề nghị các chuyên
gia Nhật Bản trực tiếp nghiên cứu, cùng chuyên gia Việt Nam
đề xuất Chính phủ Việt Nam, Chính phủ Nhật Bản trợ giúp kinh
phí nghiên cứu bảo tồn, hỗ trợ đào tạo. Đề nghị các ban
chuyên môn xác định đầu việc, tiến độ cụ thể trong năm tài
chính 2007... Chủ tịch UB hỗn hợp phía Nhật Bản, ông Kamei
Nobuo cho biết: “Chúng tôi vinh dự vì được lựa chọn tham gia
chương trình bảo tồn HT Thăng Long đang được thế giới chú ý.
Đây là di tích quan trọng có bề dày nghìn năm. Để hiểu chính
xác về di tích là điều không dễ, việc thành lập UB hỗn hợp
là giai đoạn khởi đầu tìm hiểu giá trị di tích này. Nhật Bản
đưa đến đây những đại diện tương tự 5 ban của Việt Nam. Từ
giờ, các ban sẽ cùng trao đổi thông tin, chỉnh lý hiện vật,
tài liệu. Cơ sở thành công là sự hiểu biết, tin cậy lẫn
nhau...”.
Chiều qua, các ban chuyên môn hai phía Việt Nam và Nhật Bản
đã bước đầu trao đổi thông tin, thỏa thuận hợp tác. Trên cơ
sở làm việc cụ thể, UB hỗn hợp sẽ ra văn bản chung về bảo
tồn HT để trình Chính phủ.
Chủ
tịch UBND TP thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ,
ra quyết định thành lập Ủy ban Chuyên gia Việt -
Nhật về điều tra, bảo tồn di tích Hoàng thành Thăng
Long vào ngày 23-2-2007 với nhiệm vụ: Thương thảo,
trao đổi hợp tác Việt - Nhật về nghiên cứu, bảo tồn
Hoàng thành Thăng Long, cung cấp thông tin, tư vấn
cho Chính phủ xây dựng cơ chế hợp tác với Chính phủ
Nhật Bản về những vấn đề liên quan đến HT; triển
khai công tác nghiên cứu, quy hoạch, lập phương án
bảo tồn...
- UB có
5 ban chuyên môn (Ban Điều tra di tích, Ban Điều tra
kiến trúc, Ban Điều tra lịch sử, Ban Kế hoạch quản
lý bảo tồn, Ban Trùng tu bảo tồn), các trưởng ban về
phía Việt Nam lần lượt là PGS.TS Tống Trung Tín, TS.
Hà Văn Phùng (Viện Khảo cổ học), PGS.TS Nguyễn Quang
Ngọc (Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển), ông
Trần Quang Dũng (Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ
Loa và Thành cổ Hà Nội), TS. Nguyễn Quốc Hùng (Cục
Di sản văn hóa VN). Về phía UB hỗ hợp Nhật - Việt,
trưởng các ban lần lượt là ông Inaba Nobuko (Viện
Nghiên cứu quốc gia về di sản văn hóa Tokyo), GS.
Ueno Kunikazu (Đại học nữ Nara), GS. Momoki Shiro
(Đại học Osaka), ông Kamei Nobuo (Bộ Văn hóa Nhật
Bản), ông Aoki Shigeo (Viện Nghiên cứu tài sản văn
hóa Tokyo).
|
(VietNamNet)- Cấm thành là
nơi tập trung những cung điện tiêu biểu nhất của các vương
triều, những sản phẩm cao cấp nhất của nền kinh tế, văn hóa
của đất nước qua các thời kỳ lịch sử.
Ngày 9/2/2002, một
cuộc hội thảo khoa học về khu di tích Hoàng thành Thăng Long
đã được tổ chức tại Hà Nội quy tụ các nhà sử học, khảo cổ
học trên cả nước. Được sự đồng ý của GS sử học Phan Huy Lê,
chúng tôi xin đăng tải bài tham luận về những kết luận mới
làm giàu thêm nhận thức về di tích đặc biệt quý hiếm này.
Đầu đề do chúng tôi đặt.
GS sử
học Phan Huy Lê
|
GS sử học Phan
Huy Lê |
1. Khu di tích Hoàng
thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu bắt đầu khai quật từ
12-2002 và được phát lộ trên diện tích lớn vào giữa năm
2003.
Diện tích khai quật cho đến nay là 19.000 m2. Ngay từ khi
phát hiện, giới khảo cổ học và sử học đã xác định sơ bộ là
khu di tích nằm trong phạm vi Hoàng thành Thăng Long thời
Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê trung hưng và thành Hà Nội thời
Nguyễn. Nhưng đây là một phức hợp di tích khảo cổ học đô thị
gồm nhiều di tích kiến trúc và một khối lượng di vật đồ sộ
của nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau nên rất nhiều câu hỏi
được đặt ra và lôi cuốn sự quan tâm nghiên cứu của nhiều nhà
khoa học trong nước và quốc tế.
Trong năm 2004 - 2005 cho đến đầu năm 2006, nhiều hội thảo
khoa học mang tính thông báo hay nghiên cứu chuyên ngành,
liên ngành đã được Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Văn hóa
Thông tin và Bộ Xây dựng tổ chức. Quan trọng nhất là Hội
nghị khoa học toàn quốc do Viện Khoa học xã hội tổ chức ngày
19-20/8/2004, Hội thảo tư vấn quốc tế do Viện Khoa học xã
hội Việt Nam phối hợp với ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và
Văn phòng UNESCO tại Hà Nội tổ chức ngày 10-11/8/2004 và Hội
nghị ngày 18/2/2006 do Bộ Văn hóa Thông tin tổ chức.
Qua các hội thảo,
rất nhiều vấn đề được đặt ra từ những vấn đề tổng quát như
vị trí của khu di tích trong cấu trúc thành Thăng Long-Hà
Nội, tính chất và niên đại các di tích, giá trị của khu di
tích...cho đến những vấn đề rất cụ thể như cấu trúc và niên
đại từng di tích kiến trúc, loại hình và đặc điểm, nguồn
gốc, niên đại một số di vật, niên đại và mối quan hệ giữa
các tầng văn hóa, giải mã các chữ viết trên một số di vật,
đặc điểm cấu tạo địa chất, môi trường sinh thái, nguồn gốc
các di tích sông, hồ...
Điều đáng vui mừng
là càng nghiên cứu và càng thảo luận, bên cạnh nhiều vấn đề
cần tiếp tục nghiên cứu, nhiều câu hỏi mới được đặt ra, thì
nhận thức chung của các nhà khoa học về giá trị tổng quát
của khu di tích càng ngày càng xích lại gần nhau theo xu
hướng đồng thuận. Trong kết quả nghiên cứu này, chúng ta
trân trọng cảm ơn sự tham gia và hợp tác nghiên cứu của một
số chuyên gia quốc tế đến từ UNESCO, Nhật Bản, Pháp, ý, Tây
Ban Nha.
2. Nhận thức chung tương đối đồng thuận về
giá trị của khu di tích Hoàng thành Thăng Long 18 Hoàng Diệu
có thể tóm lược như sau:
"...là đề xuất của giới khoa học qua các
hội thảo khoa học, là nguyện vọng tha thiết của nhân
dân thủ đô và cả nước, cũng là trách nhiệm của thế
hệ chúng ta trước lịch sử. Và nếu như khu di tích
này không được bảo tồn toàn bộ và lâu dài thì có thể
nói thủ đô Hà Nội sẽ vĩnh viễn không có một Di sản
văn hóa thế giới giữa lòng thủ đô nghìn năm văn
hiến, niềm tự hào của người dân thủ đô cũng như nhân
dân cả nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước
ngoài. Điều này càng có ý nghĩa thiêng liêng khi Hà
Nội và cả nước đang chuẩn bị kỷ niệm Thăng Long
nghìn tuổi." |
- Khu di tích ngay khi mới phát hiện được xác định nằm trong
Hoàng thành Thăng Long thì dần dần được xác định cụ thể hơn
là nằm trong Cấm thành tức trung tâm của Hoàng thành. Kinh
thành Thăng Long gồm ba vòng thành: Đại La thành, Hoàng
thành (tên dùng từ thời Lê sơ) và Cấm thành. Thành Đại La và
Hoàng thành có những thay đổi từ thời Lý, Trần sang Lê sơ,
từ thời Lê sơ sang thời Mạc và Lê trung hưng, nhưng vị trí
và qui mô của Cấm thành thì hầu như không thay đổi, chỉ có
các cung điện thì trải qua nhiều lần xây dựng, tu sửa, phá
dỡ, hủy hoại... Cấm thành là nơi tập trung những cung điện
tiêu biểu nhất của các vương triều, những sản phẩm cao cấp
nhất của nền kinh tế, văn hóa của đất nước qua các thời kỳ
lịch sử.
- Khu di tích gồm
nhiều tầng văn hóa nối tiếp nhau khá liên tục từ thời An Nam
đô hộ phủ-Đại La thế kỷ VII-IX, đặc biệt từ thời Lý, Trần,
Lê sơ đến thời Mạc, Lê trung hưng thế kỷ XI-XVIII rồi thời
Nguyễn thế kỷ XIX. Khu di tích mang bề dày lịch sử-văn hóa
từ thời tiền Thăng Long và gần nghìn năm thời Thăng Long-Hà
Nội. Nhiều chuyên gia nước ngoài đánh giá cao giá trị này vì
hiếm có kinh đô hiện tại một nước mà trong lòng đất còn bảo
tồn di tích tương đối có hệ thống và liên tục với chiều sâu
lịch sử-văn hóa gần nghìn năm như thế, nếu kể cả thời tiền
Thăng Long thì lên đến 13 thế kỷ.
- Khu di tích 19.000
m2 chỉ là một bộ phận của Cấm thành, nhưng đã bộc lộ một di
sản văn hóa vô giá của kinh thành, kết tinh những giá trị
lịch sử-văn hóa của cả dân tộc. Giá trị này được thể hiện
qua các di tích kiến trúc và các loại hình di vật, trong đó
có những giếng nước, những cống thóat nước, những nền móng
kiến trúc, những vật liệu xây dựng, những đồ gốm sứ tinh
xảo, những vật liệu kiến trúc mang đặc trưng các thời
đại...Tất cả cho thấy một trình độ phát triển cao của kinh
tế, văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc, nhất là trong thời kỳ
văn minh Đại Việt thế kỷ XI-XV cùng khả năng tổ chức xây
dựng, dinh tạo tài giỏi của tổ tiên.
- Những di vật có
nguồn gốc nước ngoài như tiền đồng, đồ gốm sứ của Trung Hoa,
Nhật Bản, Tây Á chứng tỏ quan hệ giao lưu kinh tế, văn hóa
rộng rãi của kinh đô nước ta với nước ngoài. Đây cũng là một
đặc điểm và giá trị của văn hóa Việt Nam, luôn luôn phát
triển trên nền tảng bền vững bên trong kết hợp với sự giao
lưu và hấp thụ những ảnh hưởng văn hóa bên ngoài.
- Có thể nói, trong
số các kinh đô của đất nước, mỗi kinh đô đều có vai trò lịch
sử của mình, góp phần tạo nên dòng chảy của lịch sử-văn hóa
các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của quốc gia.
Trong số đó, kinh thành Thăng Long-Hà Nội có lịch sử lâu dài
nhất và tiêu biểu cho hai thời kỳ thịnh vượng của đất nước:
kinh thành Thăng Long thời văn minh Đại Việt và thủ đô Hà
Nội thời đại Hồ Chí Minh. Khu di tích Hoàng thành Thăng Long
18 Hoàng Diệu vừa phản chiếu lịch sử phát triển của kinh
thành, vừa qui tụ và kết tinh những giá trị của lịch sử và
văn hóa dân tộc qua hàng năm. Đấy là một Di sản sản văn hóa
vô giá của thủ đô và của cả dân tộc.
Theo kết quả so sánh
của một số nhà khoa học trong nước và các chuyên gia quốc tế
thì di sản này còn mang tầm cỡ thế giới, có đủ tiêu chí được
UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Chính ông
Koichiro Matsuura, Chủ tịch UNESCO, khi đến thăm khu di tích
ngày 17/7/2005 đã phát biểu: “ Khu di tích này có giá trị
văn hóa và lịch sử vô cùng quan trọng và chiểu theo Công ước
về Di sản văn hóa thế giới, nó hoàn toàn có thể được xem là
Di sản văn hóa của nhân loại”.
|
Khu di tích 18
Hoàng Diệu (trong phần viền xanh) và Trục Thần đạo:
Đoan Môn - Kính Thiên - Hậu Lâu - Bắc Thành. |
3. Gần đây, các
nhà khảo cổ học Việt Nam trong lúc chỉnh lý hiện vật, lập hồ
sơ khoa học và hợp tác với chuyên gia Nhật Bản nghiên cứu
các di tích tại hiện trường, đã cung cấp thêm một số thông
tin đưa ra một số kết quả kết quả nghiên cứu mới nâng cao
thêm nhận thức về giá trị khu di tích. Viện khảo cổ học đã
báo cáo về những kết quả nghiên cứu mới này, trong đó hai
kết quả tôi quan tâm nhất là:
Qua chỉnh lý hiện
vật, các nhà khảo cổ đã dập lại các trang trí trên hiện vật
và phát hiện thêm nhiều di vật có chữ Hán. Ngoài những chữ
Hán mang phiên hiệu quân đội và một số đơn vị hành chính
tham gia xây dựng Hoàng thành, còn những chữ Hán mang tên
một kiến trúc cung đình trong Cấm thành đã được thư tịch cổ
ghi chép như: “Hoàng môn thự dận giám tạo”, “Trường Lạc
cung”, “Kim Quang điện”. Kết quả chỉnh lý hiện vật và thống
kê cũng cung cấp những thông tin có hệ thống về những đặc
trưng và biến đổi đồ gốm sứ qua các thời kỳ, về những đồng
tiền Việt Nam từ thời Lý, Trần đến Lê, Nguyễn và tiền Trung
Hoa từ thời Hán, Đường đến Tống, Minh, Thanh. Những thống kê
về di cốt động vật tìm thấy cung cấp những thông tin liên
quan đến sinh hoạt và nghệ thuật ẩm thốc cung đình.
Kết quả nghiên cứu
sâu các di tích kiến trúc tại hiện trường cho phép các
chuyên gia Nhật Bản và Việt Nam đưa ra những nhận xét về
kiến trúc và lập bản vẽ mặt bằng kiến trúc một số kiến trúc
thời Lý, Trần với những số liệu đo đạc cụ thể. Thông tin này
càng cho thấy qui mô khá to lớn của các cung điện trong Cấm
thành xưa.
Nhiều vấn đề và câu
hỏi vẫn đang đặt ra, những những kết quả nghiên cứu càng
ngày càng làm sáng tỏ hơn các giá trị của khu di tích Hoàng
thành Thăng Long.
4. Khu di tích Hoàng thành Thăng Long từ
khi phát lộ đến nay đã hơn 4 năm và đang đứng trước những
yêu cầu giải quyết rất bức xúc.
Càng nghiên cứu giá
trị khu di tích càng được khẳng định, nhưng hiện trạng có
điều đáng lo lắng. Các nhà khảo cổ đã cố gắng hết sức để bảo
vệ di tích như làm mái nhà che, lập hệ thống bơm hút nước,
áp dụng một số giải pháp chống nước ngầm, chống rêu
mốc...Nhưng do thay đổi môi trường tồn tại từ trong lòng đất
đưa ra ngoài trời, những thay đổi khí hậu như ẩm, độ nóng
đều ảnh hưởng đến chất lượng di tích.

Qua 4 năm, dù tất cả những cố gắng bảo vệ như trên, khu di
tích đang bị xuống cấp dần theo năm tháng. Các chuyên gia
Nhật Bản rất lo lắng cho chúng ta về tình trạng xuống cấp
này. Tình trạng xuống cấp này chỉ được giải quyết căn bản
khi có chủ trương bảo tồn lâu dài khu di tích, trên cơ sở đó
lập qui hoạch bảo tồn lâu dài và xây dựng kế hoạch triển
khai theo từng bước tùy theo khả năng của chúng ta. Về
phương diện này, UNESCO và chuyên gia nhiều nước sẳn sàng
hợp tác, tư vấn và hỗ trợ chúng ta. Cũng phải trên cơ sở đó,
mới có thể áp dụng những giải pháp bảo tồn lâu dài, hiệu quả
bằng những công nghệ hiện đại.
Khu di tích Hoàng
thành đã phát lộ kết hợp với những di tích trên mặt đất và
trong lòng đất (chưa bị các kiến trúc hiện đại phá hủy) của
Cấm thành Thăng Long và những di tích cách mạng, kháng chiến
thời hiện đại, có thể qui hoạch thành một Công viên lịch
sử-văn hóa Thăng Long-Hà Nội chạy suốt từ thời tiền Thăng
Long, thời kinh thành Thăng Long, thời thành Hà Nội cho đến
thủ đô Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh. Phạm vi qui hoạch và tên
gọi khu di tích cũng cần nghiên cứu kỹ và thảo luận rộng rãi
giữa các cơ quan quản lý và các chuyên gia trên những lĩnh
vực khoa học liên quan.
Một di sản văn hóa
như thế tồn tại giữa trung tâm Hà Nội sẽ nâng cao vị thế
lịch sử, văn hóa của thủ đô và có đủ tiêu chí được công nhận
là Di tích quốc gia đặc biệt và Di sản văn hóa thế giới. Đó
là đề xuất của giới khoa học qua các hội thảo khoa học, là
nguyện vọng tha thiết của nhân dân thủ đô và cả nước, cũng
là trách nhiệm của thế hệ chúng ta trước lịch sử.
Và nếu như khu di
tích này không được bảo tồn toàn bộ và lâu dài thì có thể
nói thủ đô Hà Nội sẽ vĩnh viễn không có một Di sản văn hóa
thế giới giữa lòng thủ đô nghìn năm văn hiến, niềm tự hào
của người dân thủ đô cũng như nhân dân cả nước và cộng đồng
người Việt Nam ở nước ngoài. Điều này càng có ý nghĩa thiêng
liêng khi Hà Nội và cả nước đang chuẩn bị kỷ niệm Thăng Long
nghìn tuổi.
Chủ Nhật, 11/02/2007, 22:16
(GMT+7)
Phát lộ quần thể nền móng nhiều loại hình
kiến trúc cổ ở Hoàng thành Thăng Long
Ngày 9-2, tại Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội Sử học Hà Nội đã
tổ chức thông báo các kết quả nghiên cứu mới về di tích
Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu sau hai năm nghiên
cứu (2005-2006).
Kết quả khai quật (2002-2004) đã phát lộ
được quần thể nền móng của nhiều loại hình di tích kiến
trúc: nền nhà của các cung điện, lầu gác, hệ thống giếng
nước, đường cống tiêu thoát nước... cùng với số lượng lớn và
phong phú khoảng vài triệu loại hình di vật: đồ gốm sứ, đồ
kim loại, di cốt mộ táng... có niên đại kéo dài 1.300 năm
(từ thời An Nam đô hộ phủ đến thời Lý - Trần - Lê - Nguyễn),
phản ánh lịch sử lâu dài, độc đáo của Thăng Long - Hà Nội.
Viện Khảo cổ học Việt Nam đề xuất: Dự án
chỉnh lý, nghiên cứu hệ thống các loại hình di vật Hoàng
thành Thăng Long thực hiện trong 10 năm (2005-2015). Đến nay
Dự án đã thu được 3 kết quả lớn. Thứ nhất là xây dựng lưới
tọa độ Thăng Long theo tiêu chuẩn quốc tế dưới sự trợ giúp
của các chuyên gia Nhật Bản (nghĩa là xác định được chuẩn
mặt bằng và phương hướng của các dấu tích kiến trúc) trong
phạm vi 19.000 m2.
Bên cạnh đó đã nghiên cứu mặt bằng để bước
đầu nhận diện năm di tích kiến trúc cung điện tiêu biểu thời
Lý - Trần (thế kỷ 11-17), bao gồm: kiến trúc nhiều gian ở
phía bắc khu A (đã xuất lộ 10 gian); tổ hợp kiến trúc ở phía
nam khu A (rộng 1.400 m2) có quy mô rất lớn với
kiến trúc ba hàng cột nằm ở phía bắc đã xuất lộ năm gian với
lòng nhà rất rộng (7,45 m); kiến trúc nhà dài 13 gian; kiến
trúc lớn ở phía bắc khu B và kiến trúc "lầu lục giác" (tên
tạm gọi).
Những nền móng di tích kiến trúc này là cơ
sở khoa học để khẳng định nơi đây chính là trung tâm Cấm
thành Thăng Long xưa. Đáng chú ý nhất là kiến trúc "lầu lục
giác" được các chuyên gia Việt Nam suy đoán là các trà đình
(nơi thưởng trà) còn các chuyên gia Nhật Bản suy đoán đây là
các tháp nhiều tầng mái.
Qua nghiên cứu, chỉnh lý các di vật đồ gốm
sứ, đồ sành và vật liệu kiến trúc có thể khẳng định phần lớn
đều là đồ ngự dụng (đồ dùng riêng của Hoàng cung) với hoa
văn hình rồng năm ngón đặc sắc. Trên cơ sở giám định niên
đại của 5.000 hiện vật, hoàn thành đo vẽ kỹ thuật và hoàn
chỉnh hồ sơ 2.918 bản vẽ... dự án đã đưa ra những bằng chứng
cho thấy trong nhiều thời kỳ, kinh thành Thăng Long luôn có
mối quan hệ, giao lưu kinh tế với bên ngoài: Trung Quốc, Tây
Á (giai đoạn thế kỷ 7-9); Trung Quốc, Nhật Bản (giai đoạn
thời Lê Trung Hưng). Các di vật này cũng cho thấy các cung
điện thời Lý - Trần được trang trí rất cầu kỳ, đẹp và mang
sắc thái văn hóa dân tộc độc đáo, thể hiện trình độ kỹ thuật
cao.
Những kết quả khảo cổ trên là một chứng cứ
khoa học đặc biệt quý giá giúp chúng ta có một thái độ cư xử
đúng mực với các di sản của cha ông, đặc biệt là trên mảnh
đất "Thăng Long ngàn năm văn vật". Các bằng chứng khoa này
đã khỏa lấp khoảng trống vắng trong kho tàng khảo cổ của
vùng đất Thượng đô - Kinh sư Hà Nội trước đó vốn có rất ít
ỏi các dấu tích về thời Lê, còn dấu tích về thời Lý - Trần
thì hoàn toàn vắng bóng.
Theo Nhân dân, Tin tức
Di tích Hoàng thành Thăng Long : Nhiều bí mật đang rõ
hơn
Ngày 9/2/2007, tại Hà Nội, Hội sử học Hà Nội đã tổ chức
Hội nghị thông báo kết quả nghiên cứu mới về khu di tích
Hoàng thành Thăng Long tại địa chỉ 18 Hoàng Diệu. Sau
hai năm nghiên cứu, các nhà khoa học một lần nữa đã đưa
ra cái nhìn rõ nét hơn về khu di tích khảo cổ có ý nghĩa
đặc biệt quan trọng này.
Xuất lộ nhiều kiến trúc cung điện tiêu biểu
Theo Viện phó Viên Khảo cổ Việt Nam Tống Trung Tín, việc
xuất lộ dấu tích tổ kiến trúc, cùng những cấu trúc gia
cố móng là thành tựu lớn của người Việt trong việc xây
dựng các kiến trúc cổ truyền ở Việt Nam. Đặc biệt là kỹ
thuật sử dụng sỏi trong xây dựng nền móng giống như dấu
vết tìm thấy tại tháp Chương Sơn hay tháp Phổ Minh thời
Lý, Trần đã minh chứng các công trình kiến trúc ở 18
Hoàng Diệu đều thuộc vào dạng kiến trúc rất lớn và nặng.
So sánh với các loại hình móng trụ của các kiến trúc
cung điện tại các kinh đô cổ của Trung Quốc, Nhật Bản,
Hàn Quốc thì kỹ thuật xây dựng móng trụ của Hoàng thành
đạt trình độ rất cao.
Đặc biệt, việc xuất lộ dấu vết của tổ hợp kiến trúc với
24 trụ móng sỏi và 11 chân tảng đá kê cột gỗ nằm nguyên
ở vị trí ban đầu cùng hệ thống 2 sân gạch và những hàng
hiên được bó gạch có thể nhận ra tổ hợp hai công trình
có quy mô lớn nằm song song theo chiều Đông - Tây; dấu
vết của nhà dài 13 gian ở giữa khu B; kiến trúc lầu “lục
giác”… cùng với sự xuất hiện của những mảnh ngói in chữ
Hán “Hoàng môn thự… giận giám tạo” thuộc niên đại Trần
cùng với một mảnh lá vàng chạm trổ hình rồng thời Lý đã
giúp các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu rõ hơn tên gọi
và chức năng của các cung điện ở khu vực này. Đồng thời,
các hiện vật cũng phản ánh tính chất đặc biệt quan trọng
của di tích, thể hiện quy mô khá lớn của các cung điện
trong Cấm Thành xưa.
Theo PGS-TS Tống Trung Tín, điều này khẳng định thêm
nhận định toàn bộ khu khai quật nằm trong đúng khu trung
tâm của Cấm Thành, tức là trung tâm của Hoàng thành
Thăng Long thời Lý, Trần, Lê.
Nhiều trang trí mang tính vương quyền
Những nghiên cứu được đánh giá là mang tính phát hiện
quan trọng trong năm qua chính là việc đã đưa ra những
nhận thức về đồ sứ ngự dụng dùng trong Hoàng thành Thăng
Long qua các thời từ thời Lý cho đến thời Lê sơ. Trong
đó, lần đầu tiên đã đưa ra những khám phá mới về đồ sứ
thời Lý như bằng chứng về việc sản xuất những đồ sứ này
ngay tại Thăng Long.
Cụ thể nhất là viên ngói mang chữ Kim Quang điện, một
điện quan trọng trong Cấm Thành, nơi các đơn vị cấm quân
thường xuyên đón rước xa giá nhà vua. Bên cạnh đó, nhiều
loại hình di vật quý khác cũng đã được nhận thức rõ hơn
như các loại bình rượu quý có đầu người mình chim mang
phong cách Chămpa (kinnari), các loại bát men nâu quý
của Trung Quốc thời Tống…
Đặc biệt, trong đợt chỉnh lý được tiến hành trong năm
qua đã tìm thấy nhiều loại ngón men vàng (hoàng lưu ly)
và ngói men xanh lục (thanh lưu ly) trang trí rồng có
chân 5 móng. Nghiên cứu so sánh với kiến trúc cung điện
trong Cấm Thành Bắc Kinh và Tử cấm thành Huế thì loại
ngói này thường phổ biến trên mái cung điện liên quan
đến sự hiện hữu của nhà vua.
Để rõ hơn về đồ gốm sứ ngự dụng dùng trong Hoàng thành
Thăng Long, Viện Khảo cổ học đã tổ chức một đoàn chuyên
gia phối hợp với Viện Khoa học xã hội Quảng Đông - Trung
Quốc tiến hành điều tra nghiên cứu các loại hình đồ sứ
ngụ dụng thời Minh - Thanh được sản xuất tại lò ngự
(quan điêu) ở Cảnh Đức Trấn, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc.
Kết quả thu được thêm một lần nữa khẳng định, những đồ
gốm cao cấp của lò Thăng Long tìm được tại khu di tích
nêu trên phần lớn đều là những đồ ngự dụng hay ít ra
cũng là những đồ dùng riêng của hoàng cung Thăng Long.
Theo các chuyên gia về sử học, khảo cổ học đã tham dự
hội nghị, tuy việc khai quật khảo cổ học mới được thực
hiện trong một thời gian ngắn, trên một diện tích còn
rất nhỏ so với diện tích Cấm thành và Hoàng thành, song
với những kết quả nghiên cứu mới vừa được công bố đã làm
sáng tỏ nhiều dấu hỏi lớn về di tích Hoàng thành Thăng
Long. Các nhà nghiên cứu đều hy vọng với những nỗ lực
trong việc gìn giữ, phát huy và bảo tồn di tích này, đến
năm 2013, mọi “bí mật” về Hoàng Thành sẽ được đưa ra ánh
sáng.
(Theo Báo
SGGP)
Di tích Hoàng thành đúng là đang xuống cấp!
Đó là điều GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử
Việt Nam, đã phải đau xót thừa nhận trước thềm Hội thảo
thông báo về những kết quả nghiên cứu mới về Hoàng thành
Thăng Long (sẽ diễn ra hôm nay). Ông cho biết:
- Sau bốn năm kể từ khi phát lộ, di tích Hoàng thành
đã được làm mái che để bảo vệ, nhưng đấy chỉ là giải
pháp bảo vệ tạm thời, không phải là cách bảo tồn lâu
dài. Cho nên, di tích bị tác động bởi môi trường là
không thể tránh khỏi, và chúng ta có thể quan sát
thấy sự xuống cấp diễn ra qua năm tháng... Mùa mưa
di tích vẫn bị tác động bởi độ ẩm, mùa khô đất vẫn
bị khô và nứt ra... chất lượng của di tích bị xuống
cấp dần là tất nhiên.
Các nhà khoa học Nhật Bản cũng cảnh báo rằng, nếu
không áp dụng ngay các giải pháp bảo tồn lâu dài thì
di tích này sẽ xuống cấp tới mức trầm trọng.
* Vậy tại sao các nhà khảo cổ lại không
nhanh chóng có biện pháp bảo tồn hữu hiệu?
- Như tôi đã nói, để di tích không bị xuống cấp, cần
phải có biện pháp bảo tồn lâu dài. Nhưng muốn bảo
tồn lâu dài thì phải có chủ trương, phải lập quy
hoạch cho khu di tích này, cũng như quy hoạch chung
cho tổng thể di tích Hoàng thành Thăng Long - Thành
Hà Nội. Trên các cơ sở đó mới có thể lựa chọn giải
pháp bảo tồn lâu dài.
Về công nghệ mà nói, tìm giải pháp bảo tồn lâu dài
không phải là quá khó, các nước trên thế giới đã có
rất nhiều kinh nghiệm, và tổ chức UNESCO, cũng như
các chuyên gia quốc tế sẵn sàng tư vấn và hỗ trợ
chúng ta... Nhưng, mấu chốt là phải có các cơ sở nêu
trên trước đã.
Tôi xin lưu ý là các nhà khảo cổ học đến giờ phút
này đã hết sức cố gắng trong trách nhiệm của mình,
còn bảo tồn di tích là thuộc chuyên môn của ngành
bảo tồn học và phải có sự phối hợp của nhiều ngành
khoa học liên quan.
* Trở lại với kết quả bốn năm phát hiện
và nghiên cứu Hoàng thành. Cho tới thời điểm này đã
có thêm những phát hiện gì mới khiến ông lưu ý?
- Trong quá trình chỉnh lý hiện vật, các nhà khảo cổ
học đã phát hiện rất nhiều hiện vật gốm sứ quý giá,
trong đó có nhiều đồ ngự dụng. Trước đây, chúng ta
đã tìm được một số viên gạch có chữ "Trường Lạc" hay
"Trường Lạc khố" (kho Trường Lạc), khiến cho các nhà
khoa học phán đoán về khả năng tồn tại của cung
Trường Lạc - là cung của bà Nguyễn Thị Hằng, quý phi
của vua Lê Thánh Tông, Hoàng thái hậu (mẹ) của vua
Lê Hiến Tông và Thái hoàng Thái hậu (bà) của vua Lê
Túc Tông, trong khu vực này. Và tới nay đã tìm được
viên gạch có đầy đủ chữ "Trường Lạc cung".
Phát hiện này tiếp tục khẳng định phán đoán trên là
chính xác, nhưng dĩ nhiên chưa thể kết luận cung
Trường Lạc là di tích cụ thể nào. Đồng thời các nhà
khảo cổ cũng tìm thấy các viên gạch có các chữ như
"Hoàng Môn thự" (chứng tỏ là gạch xây điện Hoàng Môn
thời Trần), Kim Quang điện (gạch xây điện Kim Quang
thời Lê Sơ)... Như vậy, rõ ràng là tên một số cung
điện trong Cấm thành được ghi chép qua sử sách đã
được tìm thấy dấu tích ở đây.
* Xin cảm ơn ông!
Theo Thể thao và Văn hóa
Ông
Nguyễn Văn Huy - Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam
 |
Bản đồ Thăng
Long thời Hồng Đức. |
"Điều
quan trọng nhất là chúng ta phải biết trân trọng giá trị di
sản đặc biệt quý như Hoàng Thành Thăng Long. Đây là của thừa
kế mà tổ tiên chúng ta để lại, chúng ta phải có trách nhiệm
gìn giữ và bảo tồn.
Chúng
ta là thế hệ có văn hóa, được tiếp cận được với các nền văn
minh thế giới, vậy thì chúng ta càng phải nhận thức rõ đâu
là giá trị thực, quý giá của mình. Ta không chỉ bảo vệ giá
trị ấy cho thế giới mà tước hết phải bảo vệ cho dân tộc
chúng ta, cho con cháu chúng ta.
Chúng
ta học lịch sử rất nhiều nhưng là học chay, học trên giấy
chứ không có thực địa, di vật để chứng minh. Ở các nước có
nền văn hóa, văn minh như Trung Quốc, Đức, Ý, Nga, Pháp
v.v.. họ đều giữ và bảo tồn rất tốt nhiều di tích có giá trị
còn các di tích của chúng ta phần lớn đều bị hủy hoại.
Đừng
nghĩ nhiều về di sản thế giới. Trước hết phải đăng ký di sản
quốc gia cho Hoàng Thành đã. Tại sao sau 2 năm phát hiện và
tất cả chúng ta đều hiểu đây là di sản đặc biệt quý hiếm mà
đến giờ này vẫn chưa làm hồ sơ công nhận di tích Hoàng Thành
Thăng Long là di sản cấp quốc gia mà chỉ chăm chăm nghĩ
chuyện thế giới công nhận là di sản của nhân loại?"
Giáo sư
Phan Khanh
"Đúng
là chúng ta còn lấn cấn, chậm trễ. Tôi và GS Phan Huy Lê ở
trong hội đồng di sản văn hóa Thành cổ Hà Nội nhận thấy cần
phải công nhận khu di tích 18 Hoàng Diệu và thêm khu từ Bắc
Môn đến Cột cờ thì mới đủ.
Không
lẽ chỉ làm hồ sơ riêng cho khu 18 Hoàng Diệu? Hơn 4 triệu
hiện vật của cả khu 18 Hoàng Diệu và các hố thám sát khu
Đoan Môn đã giao cho viện Khảo cổ giám định, phân loại bởi
phải làm chung hai bên. Vậy nên mọi thứ còn dở dang."
PGS-TS - Phó Viện trưởng Viện Khảo cổ học Việt Nam Tống
Trung Tín
"Việc
chính phải làm thuộc về trách nhiệm của Hà Nội và Bộ VH-TT.
Muốn làm được thì phải nhờ các hồ sơ khoa học, hồ sơ này sẽ
do Viện khảo cổ làm. Cho đến giờ này chúng tôi đã được thông
báo là chuẩn bị giúp Hà Nội làm hồ sơ đó. Chúng tôi đã chuẩn
bị khá sẵn sàng rồi, kể cả việc lập hồ sơ di sản thế giới
cho Hoàng Thành Thăng Long."
Trần
Quang Dũng - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa,
Thành cổ Hà Nội
"Khu di
tích 18 Hoàng Diệu lại không thuộc phạm vi quản lý của Trung
tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa, thành cổ Hà Nội nên chúng tôi
đang phải xúc tiến làm việc với các cơ quan nghiên cứu để có
thể hoàn chỉnh hồ sơ khoa học của 18 Hoàng Diệu phục vụ cho
việc xếp hạng.
Khi xếp
hạng di tích quốc gia đặc biệt thì phải xếp hạng chung,
không tách riêng được vì điều đó sẽ thuận lợi cho việc từ hồ
sơ quốc gia đặc biệt mình phát triển thành hồ sơ đề nghị
UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Đầu mối
của việc lập hồ sơ công nhận di tích 18 Hoàng Diệu là đúng
là do Trung tâm bảo tồn di tích Cổ Loa, Thành cổ Hà Nội;
nhưng cơ quan quản lý nghiên cứu di tích đó lại là Viện Khảo
cổ học."
-
(Phóng viên): Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa, Thành cổ Hà
Nội đã gặp khó khăn gì trong việc làm hồ sơ công nhận khu 18
Hoàng Diệu mà sau hơn 2 năm phát hiện vẫn chưa tiến hành
được?
- Không
có khó khăn gì. Phía Viện khảo cổ học Việt Nam đang trực
tiếp nghiên cứu, chúng tôi cũng đã đặt vấn đề và có hình
thức phối hợp với họ. Họ sẽ là người chắp bút phần thuộc về
18 Hoàng Diệu còn chúng tôi sẽ tiếp nhận kết quả của họ để
tổng hợp đưa vào trong hồ sơ chung trình lên Bộ Văn hóa
Thông tin và Chính phủ.
Vẫn có
sự không thống nhất về quản lý vì khu 18 Hoàng Diệu do Viện
khảo cổ học nghiên cứu, còn bên Thành cổ thì do Ban quản lý
Thành cổ thuộc sở Văn hóa - Thông tin Hà Nội quản lý. Hai cơ
quan khác biệt, nên chưa có được sự thống nhất trong đề xuất
với Bộ Văn hóa - Thông tin. Sở quản lý bên này thì không thể
trèo sang phía bên kia để đề xuất xếp hạng cho di tích chưa
thuộc phạm vi quản lý của mình!
Dựa
theo yêu cầu, gợi ý của Bộ Văn hóa - Thông tin và chỉ đạo
của Chính phủ là làm thống nhất, tập trung một đầu mối thì
sắp tới Trung tâm Bảo tồn di tích Cổ Loa, Thành cổ Hà
Nội sẽ tiếp nhận sẽ khởi động ngay việc đó.
Vân Phong (Theo Vnn)
|
|
http://vietsciences.free.fr
và http://vietsciences.org
|