Malaysia có Trung tâm hành chính mới

Vietsciences-Nguyễn Lân Dũng           01/01/2012
 

 

 

     Chúng tôi đến Malaysia vào trung tuần tháng 10/2011 để tham dự Hội thảo Châu Á lần thứ 8 về Bảo tồn  và Sử dụng bền vững tài nguyên vi sinh vật. Từ sân bay chúng tôi được đưa đến một khách sạn ngay gần sân bay. Tưởng chỉ là một nhà khách tạm dùng cho các lữ khách nhỡ máy bay nhưng đây lại là một khách sạn rất lớn và thường xuyên dùng để tổ chức các hội nghị lớn quốc tế và quốc nội- khách sạn Pan Pacific.

     Ngay sau đó chúng tôi được đi thăm khu Thủ đô hành chính mới, nơi đặt Chính phủ và hầu hết các cơ quan Nhà nước ở Malaysia, đó là thành phố Putrajaya. Họ chưa gọi là Thủ đô hành chính mà chỉ gọi là Trung tâm hành chính liên bang của Malaysia (thực chất đúng là một Thủ đô hành chính!). Kuala Lumpur mà chúng ta rất quen biết với tòa tháp đôi thuộc loại cao nhất thế giới vẫn Thủ đô của Malaysia, là chỗ làm việc của Quốc hội, và cũng vẫn là trung tâm thương mại và tài chính của Malaysia.

Putrajaya cách Kuala Lumpur 25km về phía nam. Chính phủ Malaysia được chuyển về đây từ năm 1999 cùng với hầu hết các cơ quan khác thuộc Chính phủ. Từ một vùng rừng cọ dầu mà hôm nay đã trở nên một trong những thành phố vừa hiện đại, vừa trong sạch, lại vừa mang bản sắc của cộng đồng các dân tộc Malaysia. Putrajaya là sản phẩm trí tuệ của Thủ tướng đầu tiên của Malaysia là Tunku Abdul Rahman Putra (1903-1990). Chỉ sau một thời gian ngắn ngày nay thành phố này đã được gọi là Thành phố Công viên hay Thành phố Thông minh (Garden City, Intelligent City). Không kể đến hệ thống tin học bao trùm toàn thành phố, chúng ta còn khó có thể tưởng tượng được chỉ cách đây không lâu đây chỉ là những cánh rừng cọ dầu bạt ngàn, không có đường xá, không có dân cư, không có nhà cửa, hàng quán… Vậy mà hiện nay là một thành phố vừa quá đẹp, vừa nên thơ, vừa mang dáng dấp đạo Hồi (60,4% dân cư Malaysia theo đạo Hồi, chỉ có 19,1% theo đạo Phật, 9,1% theo Công giáo, 6,3% theo đạo Hindu, 2,6% theo các đạo khác và chỉ có 0,8% không theo đạo nào!) với tổng diện tích tới 49 km2 và dân số là  67.964 người

    Chỉ cần nhìn quang cảnh của cái thành phố mới hình thành này đã đủ thấy Malaysia đã và đang phát triển nhanh chóng đến mức nào?

    Chúng ta biết rằng Malaysia chính thức được hình thành mới từ 1965 sau khi Singapore tách ra, lại là một quốc gia có địa dư rất cách bức và quá phân tán.

Malaisia lại gồm nhiều sắc tộc khác xa nhau: người Mã Lai-50,4%, Trung Hoa-23,7%, Ấn bản địa-11%, Ấn Độ-7,1%, các sắc tộc khác-7,8%.  Khó khăn lớn hơn nữa còn là một nước đa tôn giáo, trong đó tín đồ đạo Hồi chiếm đến 60,4%, đạo Phật- 19,2%, Công giáo- 9,1%, Hindu-6,3%, các tôn giáo khác-4,1%. Người không theo tôn giáo nào chỉ có 0,8% (!). Điều này có thể thấy rõ trên đường cái với những người dân có các màu da, trang phục và khuôn mặt khác hẳn nhau. Có những phụ nữ che kín toàn thân bởi sắc phục đen, ngay đôi mắt mang kính râm nốt, thành ra chả biết dung nhan ra sao (!)

     Từ một nước nông nghiệp lạc hậu không khác mấy so với nước ta, nhưng từ thập kỷ 80 đến giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Tun Mahathir bin Mohamad (một người xuất thân từ tầng lớp bình dân), Malaysia trải qua một thời kỳ tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc. Từ nông nghiệp nhanh chóng chuyển sang công nghiệp sản xuất máy tính và hàng tiêu dùng. Với đầu tư từ Nhật \bản, các ngành công nghiệp nặng nhanh chóng phát triển chỉ cần trong vài năm. Xuất khẩu của Malaysia trở thành khu vực mang lại tăng trưởng chủ yếu. Malaysia liên tục đạt mức tăng trưởng GDP hơn 7% với tỷ lệ lạm phát thấp. Bên cạnh sự phát triển đột phá về công nghiệp thì tiềm lực về nông nghiệp của Malaysia cũng rất đáng kể. Malaysia là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về cao su thiên nhiên và dầu cọ, ngoài ra còn có gỗ (59% diện tích Malasia được bao phủ bởi rừng), ca cao, hạt tiêu, dứa, thuốc lá… Chỉ trong một thời gian ngắn, với một dân số chỉ có 28 728 607 người (2011) Malaysia đã có GDP/PPP năm 2010 đạt tới 414,4 tỷ USD, bình quân đầu người là 14 700 USD (!). Nhẽ nào chúng ta chỉ đến thăm Malaysia để du lịch, mua sắm, hội họp… mà không quan tâm đến những thành tựu lớn lao và tìm hiểu xem về nguyên nhân chủ yếu nào của những thành tựu rất đáng khâm phục này?

 

khách sạn Pan Pacific  

 

 

 

 

            ©  ;http://vietsciences.free.fr  và http://vietsciences.org Nguyễn Lân Dũng