Đến Paris xem viện bảo tàng điêu khắc Rodin

Vietsciences- Tuấn Thảo RFI            18/09/2011
 

Những bài cùng đề tài

 

 

Le Penseur, Rodin

Với gần một triệu lượt khách viếng thăm hàng năm, Musée Rodin lọt vào danh sách 10 viện bảo tàng quan trọng nhất thủ đô Pháp. Nằm ở Paris quận 7, cách điện Invalides vài trăm thước, viện bảo tàng này giống như một tòa dinh thự tọa lạc trong một khu vườn trồng nhiều cây xanh. Kho lưu trữ của Musée Rodin lại thuộc vào hàng nhất nhì nước Pháp với hơn 30 ngàn tác phẩm đủ loại.
 

Được khánh thành vào năm 1919, tức là hai năm sau ngày nhà điêu khắc Auguste Rodin qua đời, viện bảo tàng chủ yếu bảo tồn và trưng bày các tác phẩm của nghệ sĩ bậc thầy. Sinh thời, Rodin đã nổi danh như một trong những tên tuổi hàng đầu của ngành điêu khắc. Theo đánh giá của Viện bảo tàng MET (chữ viết tắt của Metropolitan Museum of Art tại New York) trong số 10 pho tượng nổi tiếng nhất trên thế giới, có đến ba bức là nằm trong tay của Viện Bảo tàng Rodin.

Lừng danh hơn cả là bức điêu khắc Le Penseur (Người suy tư) ở trong thế ngồi chống cằm trầm tư suy ngẫm. Kế đến là bức tượng Le Baiser (Nụ hôn), qua đó một cặp tình nhân đang say đắm hôn nhau, quấn quýt ghì chặt, vòng tay tha thiết. Bức thứ ba mang tựa đề L’Âge d’Airain (thời đại đồng thau) thể hiện cho sự khỏe khoắn, rắn rỏi của tuổi trẻ qua hình tượng của một thanh niên khỏa thân. 

Khác với truyền thống của trường phái cổ điển, những bức điêu khắc của Rodin không dùng nét tiểu tiết chạm khắc tinh xảo (đá cứng vẫn mềm nhờ bàn tay chạm trổ của con người) để mô tả ngoại hình tột cùng cân đối, tuyệt đỉnh hài hòa, mà lại nhào nặn cơ thể con người một cách tinh tế hiện thực, để diễn đạt sắc thần và trạng thái nội tâm. Bằng hoa cương, ngọc thạch, đất nung hay đồng sắt, các bức điêu khắc của Rodin gọi là tượng nhưng lại sinh động như thật, có thêm chiều sâu tư tưởng, tiềm tàng sức sống mãnh liệt. 

Đến thăm Viện bảo tàng Rodin, du khách sẽ được xem ba bức tuyệt tác này trong số cả ngàn tác phẩm được trưng bày. Nhưng nghệ thuật và tư tưởng sáng tạo của Rodin không chỉ dừng lại ở các pho tượng và các bức phù điêu, mà còn mở rộng sang nhiều lãnh vực nghệ thuật khác nữa, theo như lời giải thích của cô Nadine Leny, ủy viên điều hành Viện bảo tàng Rodin : 

Nhắc tới nhà điêu khắc Auguste Rodin (1840 -1917), người ta chỉ nghĩ đến hình ảnh của một nghệ sĩ lớn của thế kỷ thứ 19 thuộc trường phái biểu tượng. Tên tuổi của ông gắn liền với những tuyệt tác như pho tượng Le Penseur (Người suy tư), Le Baiser (Nụ hôn), loạt bức phù điêu La Porte de l’Enfer (Cổng Địa Ngục) gợi hứng từ tác phẩm La Divina Commedia (Thần Khúc) của nhà thần học Dante.
 

Nhưng thật ra, sự nghiệp sáng tác của Rodin rất đa dạng, ngoài điêu khắc còn bao trùm các lãnh vực như hội họa, kiến trúc, nghệ thuật trang trí và bất ngờ hơn nữa là nhiếp ảnh.
 

Trong lãnh vực hội họa chẳng hạn, Viện bảo tàng hiện lưu trữ khoảng 8 ngàn tác phẩm của ông, chủ yếu là các tấm tranh chân dung, các bức phác họa các và các bức vẽ phong cảnh. Lúc sinh tiền, Rodin còn là một nhà sưu tầm đồ cổ : ông yêu chuộng các báu vật đến từ Hy Lạp, Ai Cập, Trung Đông. Viện bảo tàng Rodin hiện có khoảng 7 ngàn cổ vật như vậy và chỉ trưng bày một phần mười bộ sưu tập của ông. Kế đến nữa, có nghệ thuật nhiếp ảnh và ít ai biết rằng nhà điêu khắc Rodin rất say mê bộ môn này.

Cũng cần biết rằng Rodin sinh ra và lớn lên hầu như cùng thời với phát minh nhiếp ảnh (Rodin sinh năm 1840 – nhiếp ảnh được phát minh vào năm 1839). Kể từ những năm 1880 trở đi, Rodin hợp tác với nhiều nhà nhiếp ảnh nổi danh thời đó. Đa số những người này thuộc phong trào pictorialisme, theo đó họ quan tâm đến các hiệu ứng nghệ thuật của nhiếp ảnh nhiều hơn là đề tài hay nhân vật được chụp hình. Hiện nay có khoảng 8 ngàn bức ảnh chụp như vậy trong kho lưu trữ của Viện bảo tàng Rodin. Tất cả những điều này cho thấy là nhà điêu khắc Rodin trước khi trở thành một nghệ sĩ tiên phong rất am tường về thế giới xung quanh mình. Tác phẩm của ông không chỉ phản ánh cái thời ông đang sống mà còn mở ra nhiều cuộc ‘‘đối thoại’’ với các lãnh vực nghệ thuật khác. Có lẽ cũng vì thế mà Rodin còn được mệnh danh là nhà điêu khắc nối liền mọi thời đại. 

Nằm ở trong khuôn viên, gần ngay lối vào cửa viện bảo tàng, chễm chệ bức tượng điêu khắc vô cùng nổi tiếng của Rodin mang tựa đề Le Penseur (Người suy tư). Nguyên gốc pho tượng nằm tại Paris, trong khi nhiều phiên bản khác được đặt tại các viện bảo tàng trên thế giới cộng thêm một bức khác, được dựng trên mộ phần của Rodin, theo lời di chúc. Theo ông Dominique Vieville, giám đốc Viện bảo tàng Rodin, chiều sâu của tác phẩm này đã ảnh hưởng mạnh đến thế hệ nghệ sĩ sau này, cho dù họ có nối bước bậc thầy hay không. 

Le Baiser, Nụ hôn

Nhà điêu khắc Rodin, qua những đỉnh cao sáng tác của ông, đã gợi hứng cho nhiều thế hệ đi sau. Một số nghệ sĩ nổi tiếng thời nay công nhận tầm ảnh hưởng trực tiếp của tác giả bậc thầy trong lối điêu khắc của họ. Một số khác tuy không thừa nhận tầm ảnh hưởng này, nhưng họ cũng khâm phục tính chất hiện đại trong các tác phẩm của ông, đặc biệt là trong loạt tác phẩm Cổng địa ngục.

Chẳng hạn như cách đây hai năm, viện bảo tàng Orsay đã tổ chức một cuộc triển lãm mang tựa đề Oublier Rodin, cho thấy là trong giai đoạn 10 năm từ 1905 đến 1914, các nhà điêu khắc sống ở Paris (như Maillol, Brancusi, Lehmbruck) đã tìm cách thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng của Rodin để đi tìm một ngôn ngữ khác trong ngành điêu khắc. Điều đó không có nghĩa là tầng lớp nghệ sĩ này đoạn tuyệt với quá khứ hay chối bỏ giá trị của các tác phẩm đi trước. Ngược lại, theo tôi nghĩ, họ phải thấu hiểu nghệ thuật của Rodin để từ đó có thể sáng chế ra một phương thức mới, một ngôn ngữ khác.

Mãi đến sau Đệ Nhị Thế Chiến, nhiều nghệ sĩ mới dần dà nối lại với tư tưởng sáng tạo của Rodin. Gần đây hơn nữa, các nghệ sĩ thời nay (như Bruce Nauman hay Vito Acconci) có nhiều nét gần giống với Rodin trong cách tiếp cận nghệ thuật dù là hội họa, video, điêu khắc hay sắp đặt. Hình tượng của cơ thể không được thể hiện theo lối phản ánh đơn thuần, tái tạo sao chép thực tế. Tạc một pho tượng hay chụp một tấm ảnh không phải là để phản ánh y hệt những gì con mắt trông thấy mà là để diễn đạt cảm xúc chân thật trong khoảnh khắc. Cũng nhờ vào tư tưởng này mà tác giả Rodin được xem như là người đã khai phóng nghệ thuật điêu khắc hiện đại. 

Tuy có đủ tác phẩm để có thể luân phiên cách trưng bày, nhưng Viện bảo tàng Rodin không chỉ dựng triển lãm với các tác phẩm của nhà điêu khắc người Pháp, mà còn mở cửa tiếp đón nhiều nghệ sĩ quốc tế thời nay. Theo cô Amélie Lavin, quản đốc kho lưu trữ, tính chất hiện đại trong các bức điêu khắc của Rodin càng rõ nét khi tác phẩm của ông được trưng bày song song và được đối chiếu so sánh với các tác phẩm nghệ thuật đương đại. 

Khi xúc tiến một dự án triển lãm, điều quan trọng đối với chúng tôi không hẳn là trưng bày bộ sưu tập của Rodin cùng với các tác phẩm của những nghệ sĩ đi sau xứng đáng thừa kế bậc thầy. Mục tiêu của chúng tôi là đối chiếu Rodin với nhiều nghệ sĩ khác không nhất thiết là phải cùng thời hay có cùng một trường phái. Bằng cách này, ban tổ chức triển lãm muốn cho thấy lịch sử nghệ thuật lặp lại theo từng chu kỳ. Hai nghệ sĩ không sống cùng thời, đôi khi họ cách nhau đến nhiều thế kỷ, nhưng lại có những ý tưởng sáng tạo giống nhau : họ có thể không sử dụng cùng một chất liệu, nhưng trong sáng tác lại đề cập đến cùng một chủ đề. Chẳng hạn như tác giả đương đại người Mỹ Bruce Nauman vừa thử nghiệm nghệ thuật sắp đặt, phim video kết hợp với hội họa và kiến trúc.

Do tốt nghiệp ngành toán học, các tác phẩm điêu khắc của ông thường sử dụng các khối hình học, dùng những chất liệu tổng hợp nhân tạo như nhựa mủ, plastic, nylon. Có thể nói là các tác phẩm của ông chẳng ăn nhập gì với các bức điêu khắc của Rodin. Nhưng thật ra về họ lại đề cập đến cùng một chủ đề : sự dằn vặt ray rức trong tâm trí, xa hơn nữa là sự chiêm nghiệm suy ngẫm về thân phận con người. Ở hai thời điểm khác nhau, nhưng cả hai nghệ sĩ cùng tìm cách diễn đạt điều làm cho họ trăn trở suy tư. Hình thức có thể khác, nhưng nội dung vẫn có giá trị do tính phổ quát.

Pho tượng Người suy tư có thể được chiêm ngưỡng như một tác phẩm độc lập, nhưng thật ra ban đầu đó là một phần trong loạt tác phẩm Cổng địa ngục. Trong tác phẩm đầu mang tựa đề Les Trois Ombres (Ba bóng người), nhà điêu khắc tạc hình ba tượng người đàn ông xúm quanh lại thành vòng tròn. Cả ba đều cúi đầu hướng nhìn xuống phía dưới, nơi mà những con người đang bị xô vào địa ngục. Ở phía trên là bức tượng khổng lồ của một người đang chìm đắm trong suy tư, tìm câu giải đáp cho thân phận con người.

Tuy chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Phục Hưng, nhưng lần đầu tiên trong ngành điêu khắc người ta mới thấy được cái tư thế ngồi chống cằm như vậy. Toàn bộ bức tượng thể hiện cho sự trầm ngâm suy ngẫm, từ điệu bộ, cử chỉ cho đến dáng vẻ nét mặt. Uy tín của tác phẩm này có thể giải thích vì sao khi đến thăm Paris, ngoài bức tranh La Joconde (Mona Lisa) trưng bày ở cung điện Louvres, du khách còn muốn xem tận mắt bức tượng Người suy tư.

 

  http://vietsciences.org http://vietsciences.free.fr-