Du lịch Népal- Tại sao không?

Vietsciences- Nguyễn Lân Dũng        02/10/2007

Những bài cùng tác giả

          Tôi mới tham dự một Hội nghị khoa học Quốc tế tại Népal (Nepal) và tôi rất ngạc nhiên khi thấy khách du lịch quốc tế đến Népal rất nhiều nhưng tuyệt nhiên không thấy một người Việt Nam nào. ? Hỏi một giáo viên (sắp có con trai công tác ở LHQ sắp lấy một nữ TS người Việt) thì được ông rtrả lời chắc đây là cô dâu đầu tiên người Việt ở Népal (!). Hỏi một nhân viên phục vụ nhà hàng là Có biết Việt Nam ở đâu không? Anh ta trả lời ngay: Chắc là ở Châu Phi(!)

          Nhân chuyện về câu trả lời này xin nói ngay chúng ta đừng khinh thường nền giáo dục ở nước vào loại nghèo nhất thế giới này, mà ngược lại có nhiều điểm rất đáng học hỏi.

          Népal nghèo hơn nước ta rất nhiều,  Một nước có hình dáng một dải lụa nằm giữa hai nước đông dân nhất thế giới, diện tích 147 181km2, nhưng chỉ có 16,07% đất đai là có thể canh tác. Với trên 28,9 triệu dân , 11,11 triệu lao động,  nhưng có tới 76% là lao động nông nghiệp (6%- công nghiệp và 18%- dịch vụ). Tăng trưởng GDP năm 2006 chỉ là 1,9%. Trong GDP thì nông nghiệp chiếm đến 38% (công nghiệp- 20%, dịch vụ- 42%). Népal hầu như có rất ít thứ để xuất khẩu (thảm, quần áo, đồ da, một ít lương thực và hàng thủ công mỹ nghệ) . Năm 2006 trong khi chỉ xuất khẩu được 822 triệu USD (f.o.b) thì phải nhập khẩu tới 2 tỷ USD (f.o.b), Hiện nay xe máy ngừng hoạt động vì không có xăng để bán, chỉ còn có xe ca, xe buýt chạy bằng dầu diesel trên đường .

 

Trong tỷ lệ cao về Dịch vụ thì Du lịch chiếm phần chủ yếu. Népal có tới 14 ngọn núi (trong số 14 ngọn của cả thế giới) có độ cao trên 8000m. Đó là Everest- 8848m, Kangchenjunga-8598m,  Lhotse I- 8501m, Makalu I- 8470m, Lhotse II- 8440m Dhaulagiri- 8172m, Cho Oyu- 8156m và Annapurna I- 8078m. Bên cạnh nông thôn nghèo khổ là những thành phố sầm uất và đông dân. Thủ đô Kathmandu (trên 1,2 triệu dân), Biranagar (174 600 dân), Lalipur (169 100 dân), Pokhara, Nagarkot, Dhulikhel, Bhaktapur. Nepal có tới 35 sân bay, rất tiện lợi để bay đến mọi địa phương trong cả nước. Đường bay quốc tế từ nước ta đến Kathmandu có thể chuyển chuyến bay tại Bangkok hay Delhi, từ các nước khác cũng có rất nhiều đường bay đến Népal, có cả các chuyến bay giá rẻ. Visa có thể lấy ngay tại sân bay (60 ngày với giá 30 USD).

Bên cạnh đến du lịch Népal để chiêm ngưỡng các ngọn núi cao còn rất nhiều khách du lịch đến Népal để thăm viếng các vườn Quốc gia rất lớn và được bảo vệ rất tốt ở nước này. Tôi chỉ có dịp đến một trong rất nhiêu vườn Quốc gia này. Đó là Vườn Quốc gia Chitwan (rộng 932km2 và được UNESCO công nhận là di sản quốc tế. Ngoài ra còn các vườn quốc gia Everest (1 148 km2), vườn QG  Bardiya (968 km2), vườn QG Khaptad ( 225 km2), vườn QG Langtang (1719 km2), vườn QG Makalu-Barun (2 330 km2), vườn QG Rara (106 km2), vườn Shey-Phoksundo (3 555 km2), vườn QG Shivapuri (144 km2). Ngoài ra còn 6 khu bảo tồn rộng lớn khác. Khách du lịch vào vườn QG Chitwan đều ngồi trên voi và không chuyến nào không gặp các thú hoang dã. Tôi đã chứng kiến một đôi tê giác một sừng cách voi của chúng tôi vài mét. Còn gặp hươu nai và nhiều loài chim lạ nữa. Có đoàn còn gặp cả hổ. Tham quan như vậy mới đáng tham quan chứ. Chuyện bảo vệ rừng ăn sâu vào máu thịt của nhân dân cho nên không hề xảy ra chuyện phá rừng, đốt rừng bừa bãi như ở nước ta

 

 

Trong hoàn cảnh một nước nghèo như vậy nhưng điều hoàn toàn bất ngờ với tôi lại là chất lượng giáo dục rất tốt. Tôi ở nhờ nhà một giáo viên 56 tuổi. Ông có một cậu con trai đang học năm thứ hai Đại học, Cả hai bố con nói tiếng Anh hết sức thành thạo. Hóa ra một số không ít trường ở Nepan học tiếng Anh từ…Trường Mầm non và Mẫu giáo (!), lên cấp I (5 năm) đều có giờ dạy tiếng Anh ở mọi trường hoc, một số trường chỉ dạy bằng tiếng Anh. Lên cấp II (5 năm) một số trường dạy bằng tiếng Népal nhưng có 1 tiết (45 phút) tiếng Anh mỗi ngày, ngược lại một số trường dạy bằng tiếng Anh và chỉ có 1 tiết tiếng Népal mỗi tuần. Lên cấp III (chỉ có 2 năm-lớp 11 và lớp 12) cũng tương tự như vậy- mỗi tuần 1 tiết tiếng Anh cho một số trường và 1 tiết tiếng Népal cho một sô trường khác.

Tôi mua hai cuốn sách giáo khoa Sinh học lớp 11 và lớp 12 và thực sự cảm thấy xấu hổ. Sách in dày và rất đẹp, bìa cứng. Cuốn Sinh học lớp 11 dày 627 trang khổ 24 x 16 , cuốn  Sinh học lớp 12 cũng bằng tiếng Anh và dày 696 trang khổ 22 x 14 với nội dung rất phong phú và sâu sắc. Đây là sách dành cho phân ban Sinh học trong ban Khoa học. Trong hiệu sách tôi còn thấy có cả hai cuốn sách giáo khoa khác về Công nghệ sinh học dành cho lớp 11 và lớp 12 (!). Tôi không mua vì ở nước ta học sinh không được học môn này .Tại Népal việc phân thành 3 ban thực hiện tại cấp III (lớp 11 và lớp 12). Đó là Ban Khoa học , Ban Quản trị-Kinh doanh và Ban Xã hội –Nhân văn. Riêng ban Khoa học lại có hai phân ban: Vật lý và Sinh học. Hai phân ban này học chung các môn Toán học, Hóa học, Tiếng Anh, Máy tính , nhưng phân ban Sinh học thì không học Vật lý và ngược lại . Nhờ có phân ban ngay từ cấp III nên học sinh đã có định hướng khá rõ cho việc học tiếp Cao đẳng, Đại học hay  các ngành Trung cấp , Dạy nghề có liên quan sau khi tốt nghiệp phổ thông. Không xảy ra chuyện Học thêm , Dạy thêm tràn lan như ở nước ta và cũng không hoc quá nhiền môn học trong các lớp cấp III.

Cả hai hệ thống học bằng tiếng Anh và tiếng Népal đều theo cùng một nội dung Chương trình do Hội đồng giáo dục trường cấp III   (Higher Secondary Education Board ) của Bộ Giáo dục và Thể thao  quy định. Còn việc viết và in sách là chuyện của từng nhóm tác giả (bao gồm cả nhiều nhà khoa học Népal đang ở nước ngoài) và của các nhà xuất bản tư nhân thực hiện. Tôi lại : Chương trình này có phải là chỉ riêng của Nepan ? Câu trả lời là :Chương trình này dựa trên chương trình đang dạy ở Hoa Kỳ (!) Hèn gì mà mỗi năm có đến 10 000 học sinh Nepan tốt  ghiệp cấp III đi du học tiếp tại các nước phát triển và số đông được nhận học bổng do học giỏi. Nếu kể thêm cả khoảng 10 000 người Népal đi xuất khẩu lao động thì mỗi năm có đến 20 000 người Népal đi ra nước ngoài học tập và làm việc. Khoảng 50% số lưu học sinh sau khi tốt nghiệp do học giỏi nên tìm được việc làm ở nước ngoài hoặc học tiếp để có bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ tại các trường Đại học danh tiếng. Hiện nay có hàng vạn chuyên gia Népal đang làm việc tại nước ngoài hay tại các Tổ chức quốc tế, Họ chưa có thể về nước được ngay vì tình hình chính trị chưa ổn định (đang có tới 62 Đảng khác nhau) và do nền kinh tế còn đang quá nghèo. Sau này khi chính trị ổn định  và khi các nhà đầu tư nước ngoài đổ vốn vào để khai thác sản phẩm nông nghiệp,  khai thác nguồn nhân lực quá rẻ thì tôi tin rằng đội ngũ chuyên gia cao cấp Népal sẽ dồn dập trở về tham gia vào sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước. Vào các hiệu sách ở Népal thấy sướng quá, sách khoa học chuyên sâu của Népal và Ấn Độ bằng tiếng Anh có bán rất nhiều và lại rất rẻ (!). Giá biết trước tại sân bay không có chuyện  cân hành lý (!) thì tôi đã mua thêm hẳn 1 vali sách thuộc chuyên môn của mình.

Tôi rất có cảm tình khi thấy tất cả học sinh ở Népal đều mặc đồng phục rất đẹp và cả nam lẫn nữ ngay từ bậc tiểu học đều…thắt cra-vát (!).Thái độ rất hồn nhiên , vui vẻ nhưng nghiêm túc, không thấy em nào đùa nghịch, trêu ghẹo nhau trên đường phố Họ cố gắng học theo khả năng kinh tế của từng gia đình. Nếu phải rẽ ngang thì cũng phải học đến nơi đến chốn một nghề nhất định.        

Một chuyện rất vui là vào một buổi tối cả nhóm bạn bè quốc tế rủ nhau đi ăn tại một cửa hàng khá lịch sự. Một thanh niên phục vụ với phong cách rất thành thạo, nhưng khi có một bạn hỏi: Cậu có biết Việt Nam ở đâu không ?. Anh ta trả lời thản nhiên: Có lẽ ở…Châu Phi (!) . Công việc của họ đâu cần hiểu biết quá nhiều các thứ khác. Giáo dục hình nón cụt ở một nước nghèo đành phải như vậy.

           Népal là nơi Đức Phật sinh ra, hiện vẫn đựoc bảo quản tốt di tích quan trọng này.

          Ngoài ra còn nhiều đền chùa lỗng lẫy và đông nghịt người đến để cầu nguyện và khách du lịch đến để chiêm ngưỡng. Có cả Chùa vàng- làm bằng vàng thật nên luôn luôn có cảnh sát quản lý nghiêm ngặt. Có nhiều Bảo tàng quốc gia rất hiện đại (nhưng không được chụp ảnh bên trong). Các siêu thị thì hàng hóa ê hề chẳng thua kém gì tại các nước phát triển. Các khu nhà ở của tầng lớp trung lưu thì khác hẳn với khu nhà truyền thống của số đông dân cư. 

          Một quốc gia với thiên nhiên kỳ thú, một nền văn hóa đa màu sắc và lâu đời, một nhân dân hữu nghị và hiếu khách, một nền giáo dục tuy chưa phổ cập được cao nhưng lại rất đáng để cho chúng ta học hỏi về chất lượng đào tạo. Một nơi như vậy nhẽ nào hầu như ít người Việt Nam nào đến du lịch? Bên cạnh các nhà hàng Trung Quốc , Hàn Quốc, Nhật Bản, Ân Độ, Thái Lan đang tuyệt nhiên vắng bóng các nhà hàng Việt Nam. Tại sao khồng ai chịu đầu tư vào mảnh đất có dân số đâu có quá ít ỏi và lại rất đông du khách này?

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org  Nguyễn Lân Dũng