Địa đàng phía đông: New Zealand

Vietsciences- Trương Văn Tân        18/02/2007

 

Những bài cùng tác giả


Khi chúng tôi bước ra phi trường quốc tế Christchurch, những làn gió lành lạnh mơn man thổi nhẹ tạo một cảm giác những ngày cuối thu hơn là ngày đầu hạ Nam Bán Cầu. Gọi là phi trường quốc tế nhưng qui mô và những hoạt động xung quanh giống như sân bay nội địa của một thành phố nhỏ. Gần bốn tiếng bay từ Melbourne, tôi không có cảm giác như vừa đặt chân đến một xứ khác vì kiến trúc nhà cửa từ phong cách thuộc địa "colonial" đến kiểu hiện đại, cách trang trí hình dạng quán xá trên đường phố, cung cách người New Zealand cũng không khác xứ Úc người Úc là bao. Có khác chăng là Christchurch tôi đang nhìn giống như thành phố Adelaide của Úc ở vài thập niên trước, khi tôi vừa mới đặt chân đến đây và khi nhịp điệu cuộc sống vẫn chầm chậm như mây trôi. Bắt đầu làm quen với Christchurch, bất giác tôi bắt lại được cái cảm giác nao nao lần đầu đến Adelaide, một thành phố Tây Phương đầu tiên tôi biết trên bước đường lập nghiệp.

Tôi thầm nghĩ thật là chán khi phí tiền đi du lịch nước ngoài, thức khuya dậy sớm, bay lên đáp xuống, đến một nơi mà cũng chẳng khác nơi mình ở là bao. Nhưng khi đến văn phòng của công ty thuê xe, chất giọng phát âm tiếng Anh của người dân bản xứ mang lại cho tôi một cảm giác vui vui là sự dị biệt giữa Úc và New Zealand có thể bắt đầu từ đây. So với cách phát âm của người Úc, dân ở đây nói giọng rất gần với người Anh, chỉ khác khi phát âm "i" lại hóa thành âm "u", "six" thành "sux", "fish and chip" thành "fush and chup". Còn nữa, cái âm "e" trở thành "i". Đi hỏi đường trong một shopping centre, được bảo "you go to the lift" cứ mãi tìm cái thang máy (lift), hóa ra là "you go to the left". Cô phục vụ tại quầy hàng không bảo "chick un", hỏi lại vài lần mới biết là "check in".

Anh nhân viên trong văn phòng thuê xe vui vẻ cho chúng tôi biết một mẫu tin liên quan đến du lịch "Hiện giờ tại Christchurch đang có dịch vụ hàng không mang khách lượn quanh xem một tảng băng hà đang trôi ngoài khơi gần thành phố. Dịch vụ kéo dài không lâu vì tảng băng đang tan chảy rất nhanh. Nếu ông bà muốn tham gia thì chúng tôi có thông tin hướng dẫn". Một tảng băng hà khổng lồ bứt đi từ Nam Cực từ đầu năm 2005 trôi giạt về phía New Zealand. Cho đến thời điểm nầy là tháng 11 2006, tảng băng đã đi hơn 13000 km với tốc độ trung bình 0,9 km/h. "Băng hà" là một từ rất ít được ai đề cập tại Úc nhưng ở đây là một từ thông dụng, nhất là càng đi về phía nam của New Zealand.

New Zealand gồm Đảo Bắc (North Island) và Đảo Nam (South Island) có tổng số diện tích là 270.000 km2 (nhỏ hơn Việt Nam nhưng rộng hơn Lào), với dân số hơn 4 triệu người. New Zealand có thành phố lớn nhất là Auckland (ở Đảo Bắc) với dân số 1,4 triệu người, chiếm 1/3 dân số toàn quốc, thủ đô Wellington (ở Đảo Bắc, 400.000 người) và Christchurch (ở Đảo Nam, 300.000 người). Maori là dân bản xứ, một giống người Polynesian, đã có mặt tại New Zealand 1200 năm trước. Quá trình thuộc địa hóa New Zealand của đế quốc Anh ở đầu thế kỷ 19 đã gây ra những cuộc chiến tranh đẫm máu giữa người Maori và chính quyền thuộc địa. Người Anh ngang nhiên chiếm đất hoặc lừa người Maori mua rẻ bán đắt. Người Maori đoàn kết chống lại, trước sức mạnh cơ giới của người Anh dân tộc Maori thắng ít thua nhiều nhưng cũng có lúc giáo mác thô sơ đánh thực dân Anh chạy làng không còn manh giáp... Sự dũng cảm của dân Maori đã làm cho chính quyền thuộc địa nhân nhượng rất nhiều trước những đòi hỏi chính đáng của họ. Cho đến ngày hôm nay người Maori vẫn kiên trì đòi hỏi chủ quyền đất đai, họ có một địa vị đặc biệt trong xã hội New Zealand và có đóng góp to lớn trong lĩnh vực văn hóa và chính trị. Kỳ nữ Kiri Te Kanawa, niềm tự hào Maori, là một danh ca nhạc viện (soprano singer) nổi tiếng thế giới. Ông Ngoại Trưởng Winston Peters của chính phủ hiện tại là người gốc Maori. Ở những cơ quan công quyền và đại học, chữ Anh và chữ Maori La-tinh hóa được dùng cùng một lúc trong văn thư và trên những tấm biển chỉ dẫn. 

Từ Christchurch chúng tôi lái xe dọc theo quốc lộ số 1 ven biển phía đông Đảo Nam đi theo hướng nam tiến về thành phố Dunedin. Phải gọi là "thành phố" vì Dunedin lớn thứ tư New Zealand, nhưng với dân số 120.000 và chỉ có ba con đường chính song song trong phố trung tâm, thì đối với tiêu chuẩn quốc tế, Dunedin chẳng qua là một tỉnh lẻ miệt vườn. Chúng tôi không mong đợi nhiều ở cái tỉnh lẻ nầy, nghĩ rằng chẳng qua là một trạm dừng chân qua đêm, nhưng Dunedin cho nhiều ngạc nhiên thú vị. Ngỡ ngàng trước vẻ hoang vắng của thành phố về chiều chúng tôi lơ ngơ đi lạc trong cái thành phố nhỏ bé nầy và ngẫu nhiên phát hiện Đại học Otago. Phát hiện ra một đại học trong một thành phố nhỏ như Christchurch hay Dunedin không phải chuyện khó. Trong cái thời đại "bán chữ" kiếm tiền ở các đại học của các nước nói tiếng Anh và sự cộng hưởng tương ứng của nhu cầu đi nước ngoài của dân châu Á, nơi nào có bóng dáng của những người trẻ tuổi da vàng tóc đen làm việc "part time" đứng bán ở siêu thị hoặc tụ tập ở Internet Cafe là có đại học xung quanh đâu đó. Cái tên Đại học Otago nghe quen tai nhưng không ngờ lại tọa lạc ở tận cùng phía Nam hun hút của quả địa cầu. Đây là đại học tổng hợp đầu tiên của New Zealand thành lập gần 150 năm trước có trường Y và Nha khoa nổi tiếng đào tạo những bác sĩ chuyên khoa cho New Zealand và cho cả thế giới.

Vào những năm của thập niên 1860, mỏ vàng trong những vùng sâu lân cận đã thu hút người châu Âu, Do Thái, Trung Quốc đến đây. Thành phố được lập nên bởi người Scottish, trở thành hậu cần của những kẻ phiêu lưu đổ xô tìm vàng. Tên Dunedin (Edin on the Hill) là tiếng Scottish Gaelic cùng nghĩa với Edinburgh của tiếng Anh. Dunedin là một thành phố nhiều tự hào văn hóa và đã có thời từng là thành phố giàu nhất New Zealand. Cũng đúng thôi, trong số dân 120.000 thì đã hơn 20.000 sinh viên, chuyên gia nghiên cứu và giáo sư đại học. Dunedin không giàu về tiền thì cũng giàu nhờ tri thức. Dunedin nổi tiếng với những công trình kiến trúc bằng đá, tiêu biểu là tòa nhà đại học và nhà ga xe lửa [Hình 1 và 2]. Người Anh đến đâu cũng xây những thành phố với bố cục giống nhau; một khu trung tâm buôn bán, hành chánh rồi những khu dân cư tỏa ra. Họ cũng không quên xây Vườn Bách Thảo (Botanic Garden), Bảo Tàng Viện, Đại Học và Nhạc Viện.

Hình 1: Đại học Otago

 

Hình 2: Nhà ga xe lửa Dunedin

 

Bờ biển New Zealand có cấu trúc rất lạ, nhiều nơi giống như bàn tay năm ngón xoè ra tạo ra những bán đảo dài và vịnh đi sâu vào đất liền với sóng nước lăng tăng êm đềm như mặt hồ. Dunedin nằm phía dưới cùng của bán đảo Otago. Con đường đi từ Dunedin dọc theo bán đảo là một con đường ven vịnh đẹp như thiên đường. Một con đường ngoằn ngèo dài hơn 50 km với cái "view" đáng giá vài triệu đô-la [Hình 3]. 

 

Hình 3: Bán đảo Otago

Rải rác dọc đường lại là những căn nhà khiêm tốn nếu không nói là lụp xụp làm bằng gỗ hay fibro rẻ tiền. Tại sao không có những căn nhà hoành tráng tương xứng với cái "view" ngàn vàng!? Tò mò tôi hỏi một người địa phương, "Nhà ở đây bao nhiêu tiền một căn?", "$50.000 tiền New Zealand ($35.000 USD)". Cái máu đầu tư của tôi nổi dậy, "Hả... sao rẻ thế! Ừ, mà người nước ngoài có thể mua đầu tư được không?", "Tại sao không?". Người nầy nhanh miệng nói tiếp "À.... mà ông chỉ mua được nhà thôi nhé. Đất thì ông phải thuê từ các bộ tộc Maori vì họ sở hữu toàn thể đất đai vùng vịnh". Bây giờ tôi mới vỡ mộng. Như vậy sẽ không bao giờ có những tòa nhà tỷ phú, những chung cư cao cấp, những penthouses, những khách sạn năm sao tranh nhau nhìn ra biển, những đoàn du khách lũ lượt đến đến đi đi. Người Maori vẫn muốn gìn giữ cái vẻ hoang sơ ngàn đời đất đai của tổ tiên. Cái hoang sơ mà nhiều lần tôi phải bật miệng thốt lên "A hidden gem!!" (viên ngọc ẩn tàng).

Giã từ Dunedin chúng tôi hướng về phía tây đi vào nội địa Đảo Nam tiến về phía Vườn Quốc Gia (National Park) Fiordland. Diện tích các Vườn Quốc Gia chiếm gần 1/4 Đảo Nam. Rừng núi, ghềnh thác, những thảo nguyên xanh tươi thay phiên nhau xuất hiện. Băng rừng hơn 120 km, nhìn lên là những ngọn núi đá sừng sững, nhìn xuống là những con suối trắng xóa ở phía dưới sâu, chúng tôi đến Milford Sound. Những chiếc xe bus chở du khách từ Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn, Đài Loan tấp nập xuất hiện. Ở đây những chiếc du thuyền lớn nhỏ nhộn nhịp chở du khách tham quan vịnh Milford dài và hẹp thông ra biển Tasman bên bờ tây Đảo Nam. Trời mưa tầm tả từ đêm qua. Hai bên bờ là những vách đá thẳng đứng cao vài ngàn thước, "Lưỡng ngạn thanh sơn tương đối xuất" [1], bàng bạc trong những cơn mưa. Lâu lắm rồi chúng tôi mới thấy một trận mưa to như vậy. Ở Úc, hạn hán trở thành thiên tai ở mức báo động đỏ. Bên kia bờ biển Tasman, người Úc đến thánh đường cầu Chúa để mưa rơi thì bên nầy bờ người ta lo ngập nước!  

Chiếc du thuyền vẫn chầm chậm đi trong mưa. Những cơn mưa đầu núi lất phất bay, lúc dồn dập lúc khoan thai, biến một vùng xanh tươi thành một màu xám xịt. Từ những vách đá cao vút nước dồn lại tạo ra nhiều dòng thác trắng xóa như trong tranh thủy mặc [Hình 4]. Thác lớn, thác nhỏ, thác cao, thác lùn, đua nhau ào ạt trút nước. Tiếng ầm ầm của hàng trăm ngọn thác đổ xuống mặt nước phẳng lì như một lời nhắc nhở đến uy lực của thiên nhiên, phá tan cái tĩnh mịch hoang vu của một góc núi rừng. "Sơn trung nhất dạ vũ. Thụ sao bách trùng tuyền" [2]. Đây là vùng đẹp nổi tiếng, vì mưa nên mây mù che lấp màu sắc rực rỡ của những ngày nắng tốt. Như một người con gái đẹp mang nhiều sắc áo, dù cho "mưa nhiều hay rất nắng" [3] tạo hóa dường như đã ban cho vùng đất nầy một ưu đãi đặc biệt. Trong vòm trời mù mưa, tôi lại thấy phong cảnh ở đây gợi lên một hình ảnh rất đậm chất Đông Phương [Hình 5].

Hình 4: Đầu cây trăm ngọn suối

Hình 5: Milford Sound, một bức tranh thủy mặc

Buổi chiều cùng ngày chúng tôi đến Queenstown. Nhìn từ xa, thị trấn tọa lạc theo đúng một vị trí mà các thầy phong thủy địa lý sẽ cho là "sơn hoàn thủy bão" (núi vây quanh, nước bao bọc). Có lẽ vì vậy mà vận khí của Queenstown lúc nào cũng rất là hưng vượng! Đây là một thị trấn du lịch nổi tiếng, gần đây lại nổi tiếng hơn vì là nơi được dùng làm bối cảnh trong phim "Lord of the Rings". Anh phục vụ khách sạn còn cho tôi biết thị trấn nầy là nơi chiếu phim của những đoàn làm phim quốc tế, nhất là các đoàn phim Bollywood (phim Ấn Độ sản xuất tại Bombay) chuyên làm phim tình cảm ướt át "cà-ri" đã lợi dụng phong cảnh nơi đây hàng chục năm nay. Queenstown hấp dẫn du khách quốc tế vì sông nước hữu tình, trước mặt là hồ xung quanh là núi, cũng là nơi trượt tuyết lý tưởng và có nhiều trò chơi mạo hiểm cho những người trẻ tuổi (hay trẻ trong con tim!) như bungy jump, gliding, kayak hoặc ngồi trên những chiếc thuyền phản lực lướt và quay vòng trên con sông hẹp [Hình 6] với vận tốc 85 km/h....

 

Hình 6: Shotover river

Thị trấn không hơn 20.000 dân nhưng mỗi ngày ở những con phố chính xuất hiện hàng ngàn khách nhàn du. Những phục vụ viên tại các gian hàng bán đồ kỷ niệm phần lớn là người Nhật. Nghĩ lại thì cũng là điều tự nhiên vì lượng du khách Nhật Bản rất đông đảo. Điều ngạc nhiên là ở cái vùng sâu tỉnh lẻ nầy lại xuất hiện một nhà hàng Korean - Vietnamese! Tấm biển hiệu tiệm còn đề chữ "Hanoi" để quảng cáo cái thuần túy Việt Nam, hấp dẫn khách hàng. Thông thường, thức ăn Chinese thì đi đôi với Vietnamese; Japanese thì với Korean. Cái tréo cẳng ngỗng nầy làm tôi nghĩ đến những mối tình Hàn Việt. Dù sao tôi cũng mừng rỡ trong cái tình cảm "tha hương ngộ cố nhân". Chúng tôi đi vào kêu một tô phở, định bụng ăn ngon thì buổi tối trở lại ăn tiếp. Ông chủ Hàn đon đả chào khách, tôi làm quen hỏi nhỏ "Tôi thấy cửa hiệu đề chữ Hanoi, bà xã ông là dân Hà nội à?", "Ồ.... không. Người Hàn như tôi ấy!". Hơi thất vọng, tôi hỏi tiếp "Sao lại biết nấu đồ Việt?", ông ta xuề xòa "À... bà ấy học nấu phở từ một người bạn Việt Nam hồi chúng tôi còn ở Auckland đấy". Tôi hoang mang. Sau đó ông mang ra một đĩa giá và một miếng chanh. Tạm được. Rồi sau đó ông mang tô "phở" phảng phất mùi kim chi, có vài miếng thịt bò và.... một miếng cải bẹ xanh. Đổ nợ. Chưa bao giờ tôi nhìn thấy tô phở Việt Nam bị biến hóa một cách thê thảm đến thế! 

Ngày hôm sau, chúng tôi viếng một "Thảo cầm viên". Anh bán vé trông có vẻ như dân Maori. Tôi mua vé và dần dà bắt chuyện "Anh là người Maori?", "Vâng". Tôi nói tiếp "Tôi đi lòng vòng từ Christchurch đến Queenstown mấy ngày nay, mà anh là người Maori đầu tiên tôi gặp. Đồng bào Maori đâu cả rồi?", "Ồ! Chúng tôi chỉ có nửa triệu người trên toàn quốc, phần lớn lại ở Đảo Bắc", "Vậy anh từ Đảo Bắc đến đây làm việc à?", "Vâng. Tôi học khoa kinh tế ở Massey University tại Auckland, đến đây làm "part time" kiếm chút tiền cho qua kỳ hè", "À... xin lỗi anh. Anh có nói được tiếng Maori không?". Anh ta tươi cười trả lời "Đương nhiên rồi".

Ở đây nuôi những loại chim đặc thù của New Zealand gồm cả con kiwi, lại có một show văn hóa của người Maori. Con kiwi in trên những hộp sáp đánh giày tôi biết từ lúc nhỏ. Tôi ngỡ là to lắm nhưng thật ra chỉ bằng con gà, sống về đêm. Con kiwi có râu lún phún như râu mèo, di động rất nhanh nhưng không biết bay, đẻ một lần một trứng độc nhất, rất to tương đương với 1/4 trọng lượng của mình. Người New Zealand còn được gọi là "Kiwi" và họ rất tự hào với cái nickname nầy. 

Đi một vòng "Thảo cầm viên", chúng tôi trở lại xem show. Cái ban văn nghệ Maori chủ trì cuộc show có hai nam hai nữ, gồm cả anh bạn bán vé vào cửa. Anh bây giờ trần như nhộng, mặc cái váy cỏ cùng các bạn đồng nghiệp giơ tay dậm chân, thè lưỡi trợn mắt, không khác nào ông kẹ Việt Nam, đồng thanh la hét, nhưng nhịp nhàng bài bản, biểu diễn "vũ khúc" Haka [Hình 7]. Phải nói "võ khúc" thì đúng hơn, vì đây một kiểu nhảy truyền thống nâng cao sĩ khí giết giặc trước khi lâm trận của các chiến sĩ Maori. Haka dance bây giờ trở thành một điệu nhảy mở màn các trận đấu của đội rugby New Zealand "All Blacks". 

 

Hình 7: Haka dance

Hai ngày tại Queenstown, trời mưa tầm tả, trời mưa mênh mang. Lúc đến, rặng Remarkables, nơi dùng làm bối cảnh trong "Lord of the Rings", chỉ là một dãy núi đá cằn cỗi không gì đặc biệt. Hai ngày mưa làm nhiệt độ hạ thấp, chỉ trong một đêm tuyết phủ trắng đầu núi tạo ra những đường vân bạc ngoằn ngèo gân guốc, biến rặng Remarkables thành một hình ảnh hùng vĩ lúc ẩn lúc hiện trong những đám mây vần vũ. Tuyết rơi đầu hè làm những dịch vụ văn hóa, du lịch sôi động hẳn lên. Ven những quốc lộ các đoàn làm phim không bỏ lở cơ hội tác nghiệp quay vội những thước phim của những ngày hè có tuyết. Không thiếu gì những khách du lịch như chúng tôi phải dừng xe lại ven đường đua nhau bấm máy hình chụp nhiều cảnh sắc mùa hè xen kẻ mùa đông. Những đám hoa dại lupins mùa hè nở thật đẹp bên đường, bên dòng nước [Hình 8], tương phản với rặng núi xa xa vừa được tuyết phủ đêm qua. 

Hình 8: Hoa lupins

Từ Queenstown, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến Vườn Quốc Gia Aoraki Mount Cook. Ở đây nổi tiếng nhờ ngọn Mount Cook cao nhất New Zealand (3754 m) và băng hà Tasman. Cô phục vụ trong khách sạn Queenstown bảo chúng tôi từ đây đến đó khoảng 250 km, con đường đơn điệu không có gì đặc biệt. Cô ta đã cho một thông tin rất sai lầm, hoặc đây chẳng qua là cái hội chứng "cảnh đẹp nhìn mãi cũng nhàm"! Thật ra con đường đến Mount Cook dẫn lên độ cao 700 m, đi dọc theo bờ hồ Pukaki là con đường tuyệt mỹ. Những dãy núi tuyết phân chia màu xanh của bầu trời và màu xanh biếc của mặt hồ tạo nên một hình ảnh cực kỳ diễm lệ [Hình 9]. Nước của hồ là do sự tan chảy của băng hà Tasman và những băng hà lân cận nhỏ hơn. Màu xanh ngọc bích của hồ gây ra bởi sự tán xạ của ánh sáng từ những bột đá do băng hà bào mòn. Băng hà Tasman lớn nhất, dài 29 km có nơi rộng hơn 3 km và dày 600 m. Băng hà là những dòng băng vĩnh cữu. Nhưng trước sự hâm nóng toàn cầu liệu những dòng băng nầy vẫn còn mãi mãi với thời gian?

Hình 9: Hồ Pukaki

Chúng tôi trở lại Melbourne trên một chuyến bay buổi sáng từ Christchurch. Chiếc phi cơ bay qua những rặng núi trùng trùng điệp điệp phủ đầy tuyết của cơn tuyết trái mùa. Bầu trời hôm đó rất quang đãng. Những tia sáng của ánh mặt trời bình minh phản chiếu lấp lánh từ những ngọn núi tuyết xa xa. Lòng tôi hơi chùn lại, có cuộc giã từ nào mà không khỏi bâng khuâng, nhất là khi phải giã từ một địa đàng kiều diễm xinh tươi để trở về một đại lục già nua cằn cỗi.   

Mùa Giáng sinh 2006

TVT

 

Ghi chú:

1. Đường thi của Lý Bạch, "Núi xanh hai bên bờ đối diện cao vút".

2. Đường thi của Vương Duy, "Trong núi một đêm mưa. Đầu cây trăm ngọn suối".

3. "Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng" (Nguyên Sa)

 

           © http://vietsciences.free.fr  http://vietsciences.org  Trương Văn Tân